Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

23. Quan hệ Trung - Ấn: Mâu thuẫn cũ, đồng thuận mới


Tgvn-Thứ Năm, 23/05/2013-10:18 AM
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải).
“Chuyến thăm Ấn Độ của tôi là để nói với thế giới rằng sự tin cậy chính trị Trung - Ấn đang tăng lên, hợp tác hai nước đang mở rộng và lợi ích chung giữa hai nước lớn hơn nhiều so với các bất đồng” – Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã Phát biểu như vậy trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày 19/5/2013.

Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã chọn Ấn Độ làm điểm đến đầu tiên trong hành trình thăm 4 nước Á-Âu từ 19-27/5/2013.
Tại sao Ấn Độ?
Với tổng dân số hai nước chiếm hơn 40% dân số thế giới và là hai nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ, sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ chắc chắn sẽ giúp hai nước tận dụng tốt hơn cơ hội tăng trưởng của nhau, đồng thời hóa giải không ít thách thức an ninh chung. Đáng chú ý, ngay trước thềm chuyến thăm, cả Ấn Độ và TQ đều cáo buộc lẫn nhau về vi phạm đường biên giới chung hai nước tại khu vực tranh chấp Ladakh thuộc bang Kashmir.
Việc TQ và Ấn Độ đạt được thỏa thuận ngày 5/5, theo đó hai bên khôi phục nguyên trạng biên giới như trước thời điểm tháng 4/2013 đã tạo bầu không khí thuận lợi cho chuyến thăm và hy vọng mới cho quan hệ hai nước. Tuy ông Lý Khắc Cường chỉ thăm Ấn 3 ngày, nhưng kết quả đạt được đã vượt quá kỳ vọng của cả khách lẫn chủ, cụ thể là:
Thứ nhất, chuyến đi đã giúp gây dựng lại lòng tin, tạo khuôn khổ mới cho quan hệ hai nước để giải quyết các vấn đề tồn tại. Thủ tướng Lý được đón tiếp với nghi lễ cao nhất, gặp và hội đàm với Tổng thống Mukherjee, Phó Tổng thống Hamid Ansari, người đồng cấp Manmohan Singh, lãnh đạo Quốc hội Sonia Gandhi. Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận tham khảo ý kiến và phối hợp trong một số vấn đề quốc tế như đã đạt được giữa Thủ tướng Singh và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bên lề cuộc gặp cấp cao nhóm BRICS tại Durban (Nam Phi) tháng 3 vừa qua.
Thứ hai, hai bên đồng ý không để tranh chấp biên giới leo thang và tiến tới đạt được thỏa thuận phân định biên giới trên bộ. Theo ông Lý, “hai nước không thể khôi phục hoàn toàn sự tin cậy lẫn nhau mà không giải quyết tranh chấp biên giới”. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về việc TQ xây thêm ba đập thủy điện trên sông Brahmaputra (TQ gọi là sông Yarrlung Tsangpo) bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy qua lãnh thổ hai nước. Thứ ba, trong chuyến thăm, hai bên đã ký được 8 thỏa thuận hợp tác về thương mại, đầu tư và tăng cường sự tiếp xúc của người dân giữa hai quốc gia. Đáng chú ý là Thủ tướng TQ hứa mở cửa rộng hơn thị trường trong nước cho hàng hóa và dịch vụ của Ấn Độ. Đây được xem là các bước đi quan trọng nhằm đưa thương mại hai nước từ 66 tỷ USD năm 2012 lên 100 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời thu hẹp thặng dư thương mại hiện ở mức 28 tỷ USD nghiêng về phía TQ.
Rào cản phía trước
Có thể thấy, qua chuyến đi của ông Lý Khắc Cường, TQ và Ấn Độ đã đạt được đột phá quan trọng đối với hai vấn đề then chốt nhất là giải quyết tranh chấp biên giới và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại. Tuy cả hai bên đều tìm cách giảm nhẹ bất đồng nhằm tạo không khí thuận lợi cho chuyến thăm, nhưng các thách thức đối với quan hệ song phương vẫn còn khá lớn và chưa thể giải quyết ngày một, ngày hai.
Thứ nhất, tranh chấp lãnh thổ chưa phân định là vấn đề hết sức phức tạp và đã từng đẩy hai nước đến cuộc chiến biên giới thảm khốc cách đây 50 năm. Trước chuyến thăm của ông Lý, hai bên đã tiến hành 15 vòng đàm phán đối với tranh chấp ở khu vực Ladakh bang Kashmir, nhưng chưa có kết quả. Ngoài Kashmir, hai bên còn tranh chấp một khu vực rộng gần 90.000 km2 thuộc bang Arunachal Pradesh do Ấn Độ kiểm soát.
Thứ hai, bên cạnh đó là sự cạnh tranh địa-kinh tế và địa-chính trị giữa TQ và Ấn Độ tại Nam Á, Đông Nam Á, Tây Á-Châu Phi. Chẳng hạn tại Nam Á, sự ủng hộ của TQ đối với đồng minh Pakistan, một địch thủ “không đội trời chung” của Ấn Độ và sự “xâm nhập” mạnh mẽ của TQ vào các địa bàn “truyền thống” như Nepal, Sri Lanka, Bhutan hay Myanmar tạo nên một “chuỗi ngọc trai” thắt quanh Ấn Độ khiến nhiều giới hoạch định chính sách tại New Delhi không khỏi lo ngại.
Thứ ba, mặc dù quan hệ kinh tế, thương mại hai nước phát triển nhanh, nhưng năm 2012 thương mại hai nước lại giảm gần 15% từ 78 tỷ USD năm 2011 xuống còn 66 tỷ USD năm 2012. Thách thức lớn nhất đối với quan hệ kinh tế hai nước thời gian tới là đưa thương mại song phương lên mục tiêu dự kiến là 100 tỷ USD vào năm 2015, cũng như giảm con số thâm hụt thương mại khổng lồ cho Ấn Độ.
Trong quá khứ, các chuyến thăm “vượt dãy Himalaya” không phải là hiếm, nhưng việc thiếu lòng tin cộng với các nghi kỵ chiến lược đã khiến quan hệ Trung – Ấn tiến triển chậm chạp. Trong bối cảnh đó, quyết tâm “dỡ bỏ” rào cản lớn nhất là tranh chấp biên giới được xem là tiền đề cốt lõi để lãnh đạo Trung-Ấn đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới như kỳ vọng của cả hai bên.
Nguyễn Thị Thanh Hải