Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

22. Hội nghị thượng đỉnh G8: Ba chữ T một chữ S

14:5' 25/6/2013
TCCSĐT - Trong hai ngày 17 và 18-6, tại Bắc Ai Len (Anh) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G8, gồm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản, Ca-na-đa và Nga. Nhóm G8 chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu, vì vậy chương trình hành động của nhóm này có tác động ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Hội nghị lần này tập trung thảo luận vào các vấn đề: thương mại (trade), thuế khóa (tax), tính minh bạch (transparency) và vấn đề Xy-ri (Syria).


Chủ đề ba chữ T

Những ưu tiên hàng đầu của G8 năm nay là thương mại, thuế và sự bảo đảm tính minh bạch kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, tại Hội nghị năm nay, G8 khó có thể tạo ra bước đột phá. Lý do đơn giản được các chuyên gia đưa ra là:

Về thương mại, G8 đã khai thông, đang và sẽ tiến hành đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Mỹ và EU. Theo ước tính, thỏa thuận FTA giữa Mỹ - EU sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm hơn 30% giá trị thương mại toàn cầu và chiếm 50% GDP của thế giới. Nếu thỏa thuận đạt được, ước tính GDP hằng năm của khu vực EU sẽ tăng từ 0,4 - 0,7%. Tiềm năng GDP thu được giữa Mỹ - EU sẽ lên tới 119 tỷ ơ-rô cho EU và 95 tỷ ơ-rô cho Mỹ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh EU đang có mức sụt giảm kinh tế cao nhất (khoảng 0,6% năm 2013), mạnh hơn so với dự báo trước đó là 0,1%, vì đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ngân hàng yếu kém, nợ công vẫn đang ở mức cao kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp 12,1% và vẫn có nguy cơ gia tăng, nhất là thất nghiệp trong giới trẻ, thì khả năng hai bên đạt được thỏa thuận trên là rất khó.

Các biện pháp khắc khổ, “thắt lưng buộc bụng” để từng bước thoát khỏi khủng hoảng nợ công của EU lại mâu thuẫn găy gắt với các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế. Sự lúng túng trong điều hành vĩ mô của khối hiện đang khiến cho thị trường mất niềm tin và gây tổn thương đến nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 sẽ sụt giảm từ 3,4% xuống 3,1% và năm 2014 từ 4,2% xuống 4,0%.

Về vấn đề tránh, trốn lậu thuế, nhóm các nước G8 cũng đang giải quyết theo hướng “củng cố các chuẩn mực quốc tế để giúp các quốc gia có thể thu được số thuế còn thiếu của họ” theo đề xuất của Anh. Ngay từ hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 5 tại Brúc-xen (Brussels - Bỉ) các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về việc sẽ trao đổi thông tin ngân hàng nhằm chống lại tình trạng trốn lậu thuế của người giàu. Châu Âu đã đặt quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc làm cho hệ thống thuế trở nên công bằng hơn.

Vấn đề này được thảo luận tại Hội nghị G8 và gắn với vấn đề quan trọng khác là tính minh bạch của các ngân hàng, với mục tiêu chính là nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia lợi dụng lỗ hổng pháp lý để trốn lậu thuế; những vụ sở hữu đất đai mà các công ty nước ngoài đã thu xếp với chính quyền của các nước đang phát triển; làm thế nào không chỉ các nước phát triển mà cả các nước nghèo, nhất là các nước châu Phi, thực sự nhận được số tiền do dầu khí hoặc khoáng sản của họ mang lại, thay vì số tiền đó bị thất thoát vào những vụ hối lộ, tham nhũng.

Ghi-nê (Guinea), một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, đã gửi lời yêu cầu khẩn thiết đến Hội nghị G8, mong muốn các nhà lãnh đạo G8 mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn các dòng tiền bẩn, các hoạt động rửa tiền làm suy yếu nền tài chính các quốc gia đang phát triển, trong đó có quốc gia này.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) đã kêu gọi chính phủ các nước gia tăng các biện pháp ngăn chặn rửa tiền, hợp tác lấp đầy các lỗ hổng về thuế để qua đó xóa đi các thiên đường trốn thuế, giúp minh bạch hóa tài chính toàn cầu. Tham vọng là vậy, nhưng để tìm ra bước đột phá chiến lược cho vấn đề này thì vẫn còn là điều rất khó thực hiện. Giáo sư Crít-tốp-phơ Brao (Christopher Brown) thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị ở Luân Đôn (London) cho rằng: “Ðây không phải là diễn đàn thích hợp để đối phó với các vấn đề kinh tế, bởi vì không có sự tham dự của Trung Quốc và Ấn Ðộ”.

Và một chữ S 

Trong thời gian gần đây Pháp, Anh, Mỹ đã đưa ra những thông tin cho rằng, chất độc sa-rin đã được sử dụng trong cuộc nội chiến ở Xy-ri. Ngày 13-6-2013, Mỹ cũng đưa ra kết luận chế độ của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-sát (Bashar al- Assad) đã sử dụng vũ khí hóa học, điều mà Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma gọi là “vạch đỏ” khiến Mỹ và phương Tây có thể can dự sâu hơn vào cuộc nội chiến tại nước này.

Tuy nhiên dư luận cho rằng, Mỹ và phương Tây đã đưa ra các chứng cứ mập mờ, lập luận thiếu tính pháp lý, và đã gây ra những phản ứng khác nhau của dư luận, ngay cả chính giới ở Mỹ và EU. Những động thái mới của Mỹ và phương Tây cho thấy, khả năng can dự sâu hơn của họ vào cuộc chiến tại Xy-ri là có thể diễn ra.

Tại Hội nghị G8, lãnh đạo các nước còn bàn thảo cả hai hướng: can thiệp sâu hơn của Mỹ và phương Tây vào Xy-ri và tìm giải pháp hòa bình cho Xy-ri thông qua Hội nghị quốc tế về Xy-ri do Mỹ và Nga cùng đề xuất. Tại Hội nghị, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn đã kêu gọi: “Nhóm G8 nên gây áp lực để đi đến những gì chúng ta mong muốn, đó là tiến trình hòa bình và một chính phủ chuyển tiếp”. Việc Mỹ xác nhận Chính phủ Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học càng làm tăng thêm quyết tâm của phương Tây.

Tại Hội nghị lần này, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã có bài thuyết trình về kế hoạch cung cấp vũ khí của Mỹ cho phe nổi dậy ở Xy-ri. Và bên lề Hội nghị G8, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) đã có cuộc gặp để bàn thảo thêm về vấn đề này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga chưa thể hiện sự đồng thuận đối với Mỹ, thậm chí còn kịch liệt phản đối phương Tây cung cấp vũ khí cho phe đối lập chống lại Chính phủ Xy-ri. Sau cuộc gặp riêng giữa hai nhà lãnh đạo, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn cũng đã thông báo với báo giới rằng, hai bên Nga - Mỹ tuy có những bất đồng về vấn đề Xy-ri nhưng cùng chung mục tiêu là chấm dứt cuộc xung đột. Theo chuyên gia phân tích những vấn đề về Nga thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu Ca-đri Líc (Kardri Liik), Nga không đồng ý với phương Tây về cách giải quyết xung đột Xy-ri, nhưng Nga cũng sẽ không sử dụng vũ trang để buộc quốc tế phải nghe theo giải pháp của họ. Còn theo các nhà phân tích khác, nếu xảy ra kịch bản can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây vào Xy-ri thì mức cao nhất cũng chỉ là cung cấp vũ khí cho phe đối lập, thiết lập đường cấm bay cục bộ và tạo áp lực từ các nước láng giềng của Xy-ri, vì cả Mỹ và phương Tây khó có thể tiến hành can thiệp quân sự kiểu Li-bi trong bối cảnh hiện nay.

Vai trò đang mờ dần?

Ngay từ khi G20 ra đời thì vai trò của G8 đã không còn được như trước, nhất là từ khi cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, khởi nguồn từ Mỹ năm 2008, tiếp đó là sự suy giảm ngày càng trầm trọng của kinh tế châu Âu, kéo theo là sự giảm phát triền miên của kinh tế Nhật Bản, sự phục hồi chậm chạp và thiếu bền vững của kinh tế Mỹ.

Trong quá trình giải quyết các vấn đề kinh tế, nhóm các nước G8 đã gặp phải trở ngại khi không có nước nào đứng ra đảm nhận vai trò chủ chốt. Trung Quốc và một số nước mới nổi giờ đây đã giành được thế mạnh hơn so với trước. Ông Xtê-phân Píc-phóc (Stephen Pickford) thuộc tổ chức Chatham House, nhận định: “Nhiều vấn đề mà nhóm G8 muốn giải quyết sẽ rất khó nếu như không có sự tham gia của các thị trường mới nổi”. Các nhà phân tích cho rằng, trong tương lai trung và dài hạn, G8 khó mà lấy lại được vị thế của mình, vì tính chất thời đại đã thay đổi. Toàn cầu hóa đã trở thành xu thế tất yếu và sự khủng hoảng của hệ thống tư bản chủ nghĩa là sự khủng hoảng toàn diện của cả mô hình, cấu trúc và chủ thuyết kinh tế. Mặt khác, các nền kinh tế mới nổi có vai trò ngày càng tăng, những mô hình, phương thức quản lý kinh tế và các chủ thuyết mới cũng đang được tìm kiếm và thử nghiệm đã và đang có những thành công nhất định. Vì thế, theo các nhà dự báo thì G8 dần dần sẽ nhường chỗ cho G20 hoặc G “X” nào đó trong tương lai. Đó là một xu thế khách quan khó có thể đảo ngược.

Như vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh G8 lần này tuy nội dung đề cập đến ba chữ T và một chữ S, nhưng dư luận cho rằng, điểm nhấn của hội nghị sẽ là vấn đề chữ S, còn ba chữ T sẽ mờ nhạt hơn vì 6/8 thành viên của nhóm vẫn chưa hoàn toàn phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, thậm chí một số nước châu Âu còn lún sâu hơn vào suy thoái, trong khi các nước mới nổi có vai trò đầu tàu trong phục hồi kinh tế toàn cầu lại không có mặt trong hội nghị. Vì thế, dư luận quốc tế không mấy kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Bắc Ai Len lần này./. 

Nguyễn Nhâm