Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

28. Nguồn nước và An ninh lương thực

Tgvn-Thứ Sáu, 20/07/2012-2:28 PM
Ảnh minh hoạ
Ở đâu có nước, ở đó có sự sống, có văn hóa và văn minh. Nước sẽ trở thành thứ vũ khí chính trị, một đòn bẩy, thậm chí trở thành âm mưu khủng bố. Cuộc chiến dai dẳng giữa người Israel và Palestine cũng một phần là do tranh giành nguồn nước. Nhiều sông lớn trên thế giới như Mekong, Nile, Amazon... đã và sẽ có thể tạo ra những tranh cãi kéo dài giữa các quốc gia cùng chia sẻ dòng sông đó.

Không có nước cũng sẽ không có nông nghiệp. Không có nước đồng nghĩa với việc sẽ không có thức ăn. Chưa bao giờ, mối quan hệ giữa hiện tượng biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán gia tăng và tăng trưởng dân số lại diễn ra mật thiết và được quan tâm như hiện nay. Chúng ta hoàn toàn có lý do để lo ngại rằng, thế giới sẽ sớm không còn đủ nước để sản xuất lương thực đáp ứng nhu cầu của dân số đang dần tăng lên. Thiếu nước đang đe dọa tới an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân bùng nổ các cuộc xung đột vũ trang. An ninh lương thực chỉ được đảm bảo khi có đủ lương thực cho cả xã hội và nước là một trong những yếu tố quan trọng trong sản xuất lương thực.
Dambisa Moyo - tác giả của những cuốn sách đình đám về tương lai thế giới như Dead Aid, How The West Was Lost, Winner Take All - một trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới cũng đã viết rằng "Vào khoảng thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Iraq, tôi có nghe, cuộc chiến tranh tiếp theo trên thế giới là cuộc chiến về nước. Khi ấy, điều này nghe có vẻ xa lạ nhưng bây giờ nhìn nhận, có lẽ đúng!".
Nước sẽ quý hơn dầu mỏ
Mấy ai biết được, để có một tách cà phê, người ta đã tiêu thụ khoảng 140 lít nước; để có một kilogram thịt bò, người ta phải đổi tới 15.000 lít nước; để sản xuất một chiếc quần bò, phải dùng tới 11.000 lít nước...? Đó là những tính toán khoa học, chính xác, được gọi là khái niệm "nước ảo", là lượng nước cần để sản xuất ra lương thực, thực phẩm và hàng hóa, lượng nước gắn vào sản phẩm. Như vậy, theo lý thuyết này thì mỗi người phải cần tới 5.000 lít nước/ngày.
Trái đất ước tính có 1,4 tỉ km3 nước, nhưng trừ đi những phần nước mặn, nước đóng băng và nước ở sâu dưới lòng đất không thể khai thác được, thì chỉ còn lại 0,02% để phục vụ con người. 0,02% ấy lại được phân chia không đồng đều. 
Nhu cầu về nước - vì thế ngày càng tăng đặt nhân loại trước nguy cơ khát trên diện rộng. Nguyên nhân của cơn khát ấy không gì khác là cuộc "tranh chấp" giữa nước thật (nước sinh hoạt) và nước ảo (nước sản xuất). Để cứu vãn tình trạng này, các nhà khoa học khuyến cáo: Hãy từ bỏ thói quen tiêu dùng xa xỉ, lãng phí, tiết kiệm hợp lý là phương án tốt nhất để tự cứu mình.
Trong 50 năm qua việc khai thác các tầng nước ngầm đã tăng gấp 3 lần. Trong khi đó, hơn 80% lượng nước đã sử dụng trên thế giới không được thu gom và xử lý. Bởi vậy, trong 50 năm tới, khi nhu cầu về cái ăn tăng khoảng 70%, quá trình sản xuất lương thực này đòi hỏi một lượng nước khổng lồ, lúc đó nước có thể quý hơn dầu mỏ.
Thế giới đang khát
Vừa qua, LHQ đã công bố báo cáo cho thấy, từ năm 2000 đến 2015, việc tiếp cận nguồn nước sạch cho người dân trên thế giới đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là giảm một nửa số người không được tiếp cận nước sạch và các điều kiện vệ sinh cơ bản đã đạt được sớm 5 năm so với mục tiêu đề ra là năm 2015. Đến cuối năm 2010, 89% dân số toàn cầu (khoảng hơn 6 tỷ người) có thể tiếp cận nước sạch, vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nước sạch vẫn không phải là nguồn tài nguyên dành cho tất cả mọi người trong khi 11% còn lại (khoảng 783 triệu người) vẫn không được tiếp cận nguồn nước an toàn; khoảng 2,5 tỷ người vẫn còn thiếu các điều kiện vệ sinh tối thiểu.
Đặc biệt, hiện nay, việc tiếp cận với nước sạch cũng tồn tại nhiều khác biệt giữa các vùng miền. Gần một nửa trong tổng số 2 tỷ người được tiếp cận với nước sạch từ năm 1990 sống tại Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Trong khi đó, nhiều nước tại châu Phi hay nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương không thể đạt được mục tiêu này vào năm 2015. Một số quốc gia thậm chí còn tụt hậu so với năm 1990. Hơn 40% dân số toàn cầu chưa được sử dụng nước sạch hiện sống ở khu vực châu Phi - Sahara, Mỹ Latinh và châu Á. Thậm chí, có tới 14% dân số vẫn phải uống nước sông ngòi, ao hồ. 97% dân số các nước chậm phát triển nhất thế giới vẫn không được sử dụng nước sạch. Thêm vào đó, sự khác biệt lớn cũng diễn ra giữa khu vực nông thôn và thành thị. Khoảng 96% dân số khu vực đô thị đã được tiếp cận nguồn nước chất lượng so với con số 81% của khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa là, 653 triệu người khu vực nông thôn thiếu nguồn nước sạch.
Để toàn nhân loại có thể tiếp cận với nước sạch xem ra vẫn là một mục tiêu xa vời. Và trong bối cảnh đó, nguồn nước không an toàn lại chính là nguyên dân đầu tiên dẫn tới tử vong trên thế giới, trước cả suy dinh dưỡng. Theo thống kê của UNICEF, mỗi ngày, hiện có hơn 3.000 trẻ em trên thế giới tử vong vì bệnh tiêu chảy, bệnh bắt nguồn từ nguồn nước bẩn. Nước sạch và điều kiện vệ sinh là hai nhân tố sống còn để nâng cao sức khỏe con người và phát triển. Hơn 10% trong tổng số các bệnh hiện nay trên thế giới vẫn gắn với nguồn nước bẩn và các điều kiện vệ sinh của con người. Thách thức đối với nhân loại ở phía trước vẫn rất lớn. Nếu không giải quyết hiệu quả vấn đề này, các bệnh dịch sẽ hoành hành và lây lan nhanh chóng trong dân cư cũng như cản trở việc người dân tiếp cận với giáo dục và phát triển kinh tế.
Nguồn nước ngọt trên thế giới còn có nguy cơ cạn kiệt dần cùng với tình trạng gia tăng dân số, lũ lụt, hạn hán và đặc biệt là quá trình hâm nóng khí quyển. Theo dự báo, nhiệt độ trung bình thế giới tăng thêm 2 độ sẽ kéo theo mức chi phí thích ứng với biến đổi từ 70 đến 100 tỷ USD mỗi năm, trong đó khoảng trên dưới 20 tỷ liên quan đến việc sử dụng nước. Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) ước tính, vào năm 2025 1,8 tỉ người sẽ sống ở những khu vực "hoàn toàn thiếu nước" và 2/3 dân số thế giới có thể chịu hoàn cảnh "bị căng thẳng về nước". Còn hiện 1 tỉ người trên thế giới đang bị ám ảnh về sự khan hiếm nước và mỗi ngày có tới 4.000 trẻ em bị chết vì dùng nước không đảm bảo vệ sinh. "Thế giới đang khát" và cơn khát ấy đã và sẽ là nguyên nhân gây ra các cuộc bất đồng, xung đột giữa các quốc gia.
Chiến tranh nước sạch
Có người chỉ trích Moyo rằng những dự báo của bà là tin đồn gây hoang mang lo sợ, mà không tính đến những giải pháp công nghệ trong tương lai có thể giải quyết sự thiếu hụt. Con người đã lo lắng về sự tăng trưởng dân số một cách thiếu ổn định kể từ thời năm 1798 và thực tế thì thế giới vẫn luôn có thể xoay xở. Đúng, nhưng những người nói "chúng ta sẽ xoay xở" là người phương Tây, những người có nước sạch để dùng. Nhưng nếu bạn ở Ấn Độ và dòng sông Brahmaputra đang chảy về phía Trung Quốc thì có lẽ bạn sẽ không thể xoay xở nổi. Người phương Tây cho rằng họ có thể xoay xở được mọi việc là vì giá dầu chưa bao giờ lên mức 1000 USD/ thùng. Nếu bạn sống ở một nước nghèo khổ, nơi mà bạn phải cuốc bộ hàng mấy dặm đường để lấy nước hoặc thậm chí sẽ phải chiến đấu để giành nước hay một thứ tài nguyên nào đó thì cuộc chiến sẽ xảy ra.
Trên thực tế, chưa cần nhìn đến tương lai 10 năm nữa, ngay cả trong quá khứ và hiện tại, nước cũng đã là nguồn tài nguyên gây ra xung đột và chiến tranh giữa các quốc gia. Kể từ năm 1990, đã có ít nhất 18 cuộc xung đột nghiêm trọng xảy ra trên khắp thế giới mà nguyên nhân xuất phát từ sự cạnh tranh về các nguồn tài nguyên.
Cơn khát ấy là nguyên nhân gây ra những cuộc xung đột, như cuộc chiến nước kéo dài đến 30 năm ở Sudan. Hay hai bộ lạc chăn cừu ở miền bắc Kenya đã gây chiến để chiếm lĩnh ốc đảo có cây cỏ xanh tươi cuối cùng ở vùng đất này. Hay trước đây, Iraq thường phàn nàn lên LHQ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã xây đập chặn mất nguồn nước của sông Tigris và Euphrates chảy vào Iraq. Ai Cập, Sudan và Etiopia cũng tiềm ẩn xung đột do tranh chấp việc kiểm soát nguồn nước sông Nile. Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đã xây dựng một con đập trên sông Brahmaputra, bắt nguồn từ Tây Tạng, Tây Nam Trung Quốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước ở hạ lưu Ấn Độ. Nhiều nước ở lưu vực sông Mekong cũng không đồng tình với việc Trung Quốc xây 14 con đập bậc thềm Vân Nam, giữ lại hơn nửa lưu lượng dòng chảy, khiến mực nước sông Mekong xuống thấp chưa từng có trong mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cá và nông nghiệp của các nước vùng hạ lưu.
Các quốc gia ở thượng nguồn tạo sức ép với các quốc gia ở hạ lưu bằng cách kiểm soát dòng chảy của các con sông. Một số nơi như hồ chứa nước sạch hay cầu có thể trở thành mục tiêu khủng bố. Sẽ đến lúc những cuộc chiến mới tranh giành và kiểm soát nguồn nước, thậm chí sẽ khốc liệt hơn cả cuộc chiến dầu mỏ.
Nước và an ninh lương thực
Theo tính toán của FAO, thế giới hiện phải nuôi ăn hơn 7 tỷ người và có thể thêm 2 tỷ người nữa vào năm 2050. Điều này có nghĩa chúng ta cần thêm 70% lượng thực phẩm và đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, phải tăng 100% sản lượng mới đủ để cung cấp cho nhu cầu lương thực của người dân. Nông nghiệp hiện đang sử dụng 70% lượng nước tiêu thụ trên thế giới, lúc đó sẽ cần huy động đến 90%. Trong khi đó, sự phân bố và sử dụng nguồn nước đang bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý.
"Cuối cùng, sau 25 năm cắt giảm đầu tư cho phát triển nông nghiệp, chúng ta nghe nói đến an ninh lương thực. Chúng ta thấy cần thiết phải tăng đầu tư cho nông nghiệp. Nhưng tôi không thấy ai nói tới bảo đảm nước cho lương thực". Đó là những gì mà giám đốc Bill và Melinda Gates Foundation - Jeff Rikes ghi trong sổ ghi chép cá nhân tại Hội nghị về Nước cho Lương thực.
Trên thực tế, trong tổng khối lượng nước được khai thác sử dụng trên toàn thế giới hiện nay là 3.800 tỷ m3, thì việc tưới tiêu nước trong nông nghiệp sử dụng 70% (2.700 tỷ m3). Gần 95% lượng nước tại các nước đang phát triển được sử dụng để tưới tiêu cho đất nông nghiệp. Tuy nhiên cho đến nay, nguồn nước ngầm đã giảm mạnh và cạn kiệt ở 20 nước có tổng dân số chiếm tới 50% dân số thế giới. Nạn khan hiếm nước cho nông nghiệp ở 3 cường quốc sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đặc biệt đáng lo ngại. Cùng với đó, nhu cầu lương thực dự kiến tăng gấp đôi cùng với tác động của biến đổi khí hậu đối với phân bố nước hiện có về mặt địa lý sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu về nước và khủng hoảng nước tiềm tàng.
Không thể phủ nhận rằng, nguồn nước trên trái đất ngày càng nảy sinh nhiều nguy cơ do chịu tác động từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Lượng mưa giảm sút đáng kể. Sông ngòi, hồ ao cạn kiệt là tình trạng hiện đang diễn ra phổ biến tại nhiều khu vực. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều khu vực bị thiếu nước, hay thậm chí là khan hiếm nước.
Bên cạnh đó, theo LHQ, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm nước là do quá lãng phí nước trong sản xuất lương thực. Các khu vực Nam Á, Đông Á, và Trung Đông là những vùng hiện đã gần kề cận hoặc thậm chí là vượt quá các giới hạn về nguồn nước, trong khi đó, dân cư tại những khu vực này lại vẫn tiếp tục tăng lên. LHQ khẳng định, châu Á có thể đối mặt với tình trạng thiếu lương thực triền miên nếu không tiến hành một cuộc cách mạng triệt để trong thói quen sử dụng nước. Châu Á sở hữu tới 70% diện tích đất được tưới tiêu của thế giới. Phần lớn nông dân chỉ sử dụng những thiết bị bơm nước lạc hậu và không hiệu quả. Tuy nhiên, họ lại có thể lấy một lượng nước không hạn chế vào ruộng khiến các nguồn nước nhanh chóng cạn kiệt. Nếu thói quen này vẫn tiếp diễn, khủng hoảng lương thực sẽ bùng phát trên khắp châu Á.
Hiện tượng thất thoát sau thu hoạch, sử dụng thức ăn một cách lãng phí, nhất là tại các nước giàu cũng được FAO lưu ý. Theo đó, nếu giảm được 50% số thất thoát và phí phạm lương thực trên toàn thế giới thì có thể mỗi năm, tiết kiệm được 1350km3 nước. Con số không hề nhỏ khi đem ra so sánh với lượng mưa trung bình hàng năm ở Tây Ban Nha là 350km3…
Có một tình trạng cần được nói đến là Cuộc Cách mạng Xanh hồi những thập niên 70-80, với việc tăng cường sử dụng hóa chất làm phân bón, thuốc trừ sâu, cũng như áp dụng hình thức thủy lợi dẫn thủy nhập điền... đã giúp cứu nhiều người khỏi tình trạng đói kém. Tuy nhiên những ảnh hưởng về môi trường cũng từ đó mà phát sinh. Đó là tình trạng một phần tư đất đai canh tác trên thế giới bị xuống cấp. Nhiều dòng sông lớn bị kiệt nước vào một số thời điểm trong năm, những biển nội địa, hồ lớn bị thu hẹp. Tình trạng sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu khiến cho nhiều nguồn nước bị ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước là một nguyên nhân đáng kể làm giảm bớt lượng nước cho con người sử dụng vào những mục tiêu khác nhau.
Trong bối cảnh cả đất và nước ngày càng trở nên quý giá như hiện nay, một kịch bản như thế chẳng bền vững chút nào. Và khi người dân đói, xã hội sẽ trở nên bất ổn.
Việt Nam được xác định là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất sẽ kéo đến việc ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp. Nền nông nghiệp của Việt Nam giảm sút, chẳng những ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia mà còn ảnh hưởng đến "nồi cơm" thế giới, bởi Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo trên toàn cầu.
Hãy thay đổi thái độ
Nước không phải là nguồn tài nguyên luôn luôn có sẵn ở đúng nơi và đúng thời điểm, với chất lượng tốt. Tuy nhiên, vấn đề cần được quan tâm hiện nay không chỉ là số lượng nước còn có thể sử dụng trên thế giới mà còn là việc quản lý và sử dụng nguồn nước, cũng như sự đoàn kết của cả nhân loại để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Vào thời điểm hiện tại, tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, khả năng tiếp cận với công nghệ và kiến thức còn hạn chế, không đồng đều... đang được xem là nhân tố ảnh hưởng đáng kể tới nguồn nước.
Và rõ ràng, mô hình phát triển nông nghiệp của thế giới hiện đã đi đến giới hạn của nó. Suốt nhiều năm qua, tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp được đánh giá bằng "năng suất". Nhưng nay theo LHQ cần phải đánh giá lại theo sản xuất bền vững trên từng đơn vị các nguồn đầu vào gồm có đất đai, hóa chất và đặc biệt là nước. Công nghệ mới về thủy lợi cần được phát triển để sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.
Ngay cả khi giọt nước mà chúng ta sử dụng chưa phải là giọt nước cuối cùng trên thế giới thì nhân loại vẫn cần thay đổi thái độ, thay đổi nhận thức cũng như thói quen sinh hoạt của chính bản thân mình. Mọi nguồn tài nguyên trên thế giới đều có giới hạn. Vì vậy, nếu biết quản lý và sử dụng hiệu quả, con người vẫn có thể đảm bảo cuộc sống ổn định và phồn thịnh trong giới hạn mà tự nhiên cho phép.
Các biện pháp giúp bảo tồn nguồn nước không phải là chỉ có một. Tuy nhiên, tiết kiệm nguồn nước cũng như tiết kiệm lương thực là những điều mà không phải ai ai cũng dễ dàng thực hiện. Thay vì bàn thảo, phân tích xem cách thức nào hiệu quả nhất, đem đến lợi ích nhiều nhất cho nhân loại, thì mỗi người cần tiến hành ngay một biện pháp phù hợp nhất với chính mình hay áp dụng linh hoạt các biện pháp phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Không hề quá lời khi nói rằng, chỉ khi nào nhân loại sử dụng nước như chính giọt nước cuối cùng mà loài người có thể sử dụng thì khi ấy, nguồn tài nguyên này mới có thể khẳng định là "dồi dào, vô tận".
Minh Anh


Những lợi ích từ Công ước 1997
Những nguyên tắc và quy phạm được ghi nhận trong Công ước 1997 là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng của Việt Nam để bảo vệ nguồn nuớc quốc tế. Việc nghiên cứu để có cơ sở xem xét phê chuẩn Công ước là một nhiệm vụ cấp thiết của Việt Nam.
Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về luật sử dụng các nguồn nước quốc tế vào các mục đích phi giao thông được Đại hội đồng LHQ Khóa họp 41 thông qua năm 1997. Đây là một điều ước phổ cập toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong lĩnh vực sử dụng các nguồn nước quốc tế. Công ước 1997 có một vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực sử dụng nguồn nước quốc tế trong khu vực và trên thế giới, thể hiện qua năm khía cạnh được trình bày dưới đây.
Trước hết, Công ước góp phần hình thành một khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực sử dụng các nguồn nước quốc tế. Đây là một điều ước khung phổ cập đầu tiên trên thế giới được LHQ thông qua với sự tham gia rộng rãi của các quốc gia thành viên LHQ. Ngay trong quá trình thảo luận tại Ủy ban Luật pháp quốc tế và Ủy ban Pháp lý của LHQ, Dự thảo Công ước đã là một cơ sở quan trọng cho việc ký kết nhiều điều ước song phương và khu vực về sử dụng nguồn nước quốc tế. Khi có hiệu lực và được các quốc gia chấp nhận áp dụng rộng rãi trong thực tiễn, nhiều quy định với những nội dung mới trong Công ước có thể sẽ trở thành những tập quán quốc tế phổ cập mới ràng buộc tất cả các quốc gia, góp phần tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn nước quốc tế.
Thứ hai, Công ước khẳng định thắng lợi của học thuyết chủ quyền lãnh thổ hạn chế và học thuyết sử dụng công bằng nguồn nước quốc tế đối với học thuyết chủ quyền lãnh thổ tuyệt đối do một số luật gia của các quốc gia ở thượng và hạ lưu chủ trương. Theo đó, tất cả các quốc gia ven nguồn nước đều có quyền tự do sử dụng nước của các nguồn nước quốc tế chảy qua hay nằm trong lãnh thổ của mình với điều kiện là không được làm phương hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia ven nguồn nước khác. Bên cạnh đó, nguồn nước quốc tế được coi là một tài nguyên thiên nhiên được chia sẻ giữa hai hay nhiều quốc gia, là tài sản chung và vì thế, các quốc gia ven nguồn nước có quyền sử dụng công bằng.
Thứ ba, Công ước đưa ra được một khái niệm nguồn nước quốc tế toàn diện, được công nhận rộng rãi. Khái niệm này có một số điểm rất đáng chú ý như: nguồn nước quốc tế là một hệ thống thống nhất bao gồm cả nước mặt và nước ngầm; là một thể thống nhất gắn với nhau bằng những quan hệ vật lý và thông thường là chảy vào một điểm cuối chung. Đây được coi là một bước tiến quan trọng hướng tới việc quản lý tổng hợp nguồn nước.
Thứ tư, Công ước pháp điển hoá những quy phạm của Luật tập quán quốc tế trong lĩnh vực sử dụng nguồn nước quốc tế. Trong đó có nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế; nghĩa vụ không gây hại đáng kể; nghĩa vụ trao đổi thông tin và tham khảo liên quan đến những tác động bất lợi qua biên giới quốc gia; nghĩa vụ bảo vệ môi trường của nguồn nước.
Những nguyên tắc và quy phạm cơ bản nói trên đã được ghi nhận rộng rãi trong thực tiễn điều ước, thực tiễn quốc gia, các phán quyết của các toà án và trọng tài quốc tế, các văn bản của các tổ chức quốc tế liên chính phủ.
Cuối cùng, Công ước đã góp phần phát triển sự tiến bộ của luật về sử dụng các nguồn nước quốc tế vào các mục đích phi giao thông qua việc tạo ra các nguyên tắc và quy phạm mới. Cụ thể i) Ghi nhận nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết để đạt được việc sử dụng nguồn nước quốc tế một cách tối ưu và bền vững; ii) Đưa ra các yếu tố để xác định thế nào là sử dụng hợp lý và công bằng nguồn nước quốc tế; iii) Khẳng định nghĩa vụ hợp tác chung giữa các quốc gia ven nguồn nước trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh; iv) Xác định rõ ràng nghĩa vụ trao đổi tư liệu và thông tin thường xuyên là rất cần thiết cho việc sử dụng và phát triển bền vững; v) Tạo ra một cơ chế trao đổi thông tin, tư liệu, trao đổi và thương lượng giữa các quốc gia liên quan đến việc thực hiện các dự án và các biện pháp được hoạch định có thể gây ra những tác động bất lợi cho các quốc gia ven nguồn nước khác; vi) Đưa ra nghĩa vụ bảo vệ môi trường một cách toàn diện không chỉ bao gồm nghĩa vụ bảo vệ môi trường nước mà còn cả bảo vệ hệ sinh thái của cả nguồn nước và môi trường bên ngoài nguồn nước vii) Xác định nghĩa vụ hợp tác để ngăn chặn và giải quyết hậu quả của các trường hợp khẩn cấp.
Bằng việc phê chuẩn, Việt Nam sẽ góp phần sớm đưa Công ước vào hiệu lực. Qua đó, nâng cao giá trị của các nguyên tắc của luật về sử dụng nguồn nước quốc tế và củng cố khuôn khổ pháp lý toàn cầu trong lĩnh vực sử dụng nguồn nước quốc tế. Việc này sẽ tác động tích cực vào quá trình hình thành khuôn khổ pháp lý điều chỉnh việc sử dụng nguồn nước quốc tế tại khu vực Đông Nam Á, góp phần xóa bỏ tình trạng sử dụng nguồn nước quốc tế một cách vô chính phủ tại khu vực này. Đồng thời, thể hiện rõ ràng cam kết của Việt Nam đối với những nguyên tắc về sử dụng các nguồn nước quốc tế - một trong những cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất để bảo vệ nguồn nước được chia sẻ giữa Việt Nam và các nước láng giềng,vốn chưa được một điều ước quốc tế nào điều chỉnh.
Nguyễn Trường GiangChuyên gia pháp lý về nước, Vụ trưởng Ủy Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao



Ý kiến
Nếu nhân loại không cải thiện được hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp, thế giới sẽ thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến chống đói nghèo. Với gần 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói và 800 triệu người chưa được tiếp cận nguồn nước an toàn, cộng đồng quốc tế cần hành động tích cực hơn để tăng cường các nền tảng ổn định ở các địa phương, quốc gia và toàn cầu. Ban Ki- moon, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc
Khủng hoảng nguồn nước sẽ dẫn tới khủng hoảng về y tế, khủng hoảng nông nghiệp, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng khí hậu, và thậm chí là khủng hoảng về chính trị. Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ
Tình trạng bất ổn trên thế giới liên quan đến nạn khan hiếm thực phẩm hay giá lương thực tăng cao mới chỉ là bước khởi đầu. Sẽ đến lúc các nước không còn đối đầu bằng vũ khí mà đối đầu vì thiếu nước uống, lương thực, giá cả nhu yếu phẩm tăng vọt kéo theo bất ổn chính trị. Đó là tương lai nhân loại nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời. Matthew Roney, Chuyên gia nghiên cứu Viện Chính sách Trái đất (Mỹ)
VN cần chủ động cùng các bên liên quan trong khu vực, tìm kiếm giải pháp lâu dài về sử dụng, khai thác nguồn nước, hình thành các cơ chế xử lý các vấn đề về an ninh nguồn nước; trao đổi các kinh nghiệm, kiến thức xử lý nguồn nước từ góc độ liên khu vực; nâng cao nhận thức pháp luật; nâng cao vai trò, đóng góp của các tổ chức xã hội và báo giới đối với an ninh nguồn nước... TS. Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược - Học viện Ngoại giao
Để đảm bảo an ninh về nước, cần thường xuyên cập nhật và phân tích kịp thời thông tin; chủ động lập và triển khai phương án bền vững đối phó với tình huống xấu nhất. Trong giải quyết bài toán an ninh nguồn nước, việc phối hợp quốc tế là vô cùng quan trọng. GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam
Nguồn nước đã và đang ngày càng khan hiếm. Vì thế, sẽ không thể là sớm nếu ngay từ bây giờ, những hỗ trợ cần thiết nhất giúp người dân nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nước để từ đó thay đổi ý thức trong sử dụng và khai thác nguồn nước đang rất cần thiết. Nguyễn Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam