Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

8. Chiến lược hai mặt của Hàn Quốc đối với Trung Quốc và Mỹ

Email In PDF.
Nội dung thực chất của chiến lược hai mặt sẽ diễn biến thành việc theo đuổi chính sách song hành, đó là một mặt Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc; mặt khác mở rộng hợp tác trên lĩnh vực an ninh và ngoại giao với Mỹ.

Môi trường an ninh mới trên bán đảo Triều Tiên đang đưa ra đề tài mới cho Hàn Quốc trong ngoại giao với Trung Quốc và Mỹ. Do quan hệ Trung-Mỹ duy trì cục diện hợp tác và đối lập, và cục diện này có thể lặp đi lặp lại, nên Hàn Quốc cần phải có năng lực độc lập nhiều hơn trong quyết sách, duy trì trạng thái cân bằng của bản thân trước hai nước, chính sách bất kể nghiêng về một bên nào, đều có thể gây tổn thất lợi ích quốc gia Hàn Quốc. Sau cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 2012 chiến lược hai mặt được đưa ra với Trung Quốc và Mỹ của Chính quyền Park Geun Hye sẽ có một số điều chỉnh; tính tự chủ, tính đa nguyên, tính cân bằng sẽ trở thành phương hướng phát triển của ngoại giao Hàn Quốc.
Vận dụng chiến lược hai mặt
Chính sách hai mặt về tổng thể có nghĩa là chiến lược quốc gia sẽ là sự dung hòa giữa tiếp xúc và kiềm chế. Mục đích thực thi chính sách hai mặt của Hàn Quốc là để giảm thiểu mối nguy hiểm không xác định trong tương lai. Nguyên nhân chủ yếu của việc thực thi chính sách hai mặt với Trung Quốc của Hàn Quốc là Chính phủ Hàn Quốc không có cách nào xác định được ảnh hưởng của sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc đối với Hàn Quốc. Không có cách nào xác định nước lớn mới nổi sẽ trở thành mối đe dọa hay là hình thành mối quan hệ đối tác với Hàn Quốc, vì thế Hàn Quốc vừa thiết lập mối quan hệ hữu hảo với nước lớn mới nổi vừa tiến hành chuẩn bị đối phó với mối đe dọa không xác định của nước lớn mới nổi. Một mặt, nước thực thi chính sách hai mặt sẽ thử nghiệm cùng các nước lớn mới nổi tiến hành tiếp xúc (chủ yếu là lĩnh vực kinh tế), từ đó thông qua tăng cường quan hệ hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế và hợp tác ngoại giao song phương, để thúc đẩy quan hệ hữu hảo giữa hai bên. Mặt khác, nước thực thi chính sách hai mặt cùng nước lớn khác kết thành liên minh tiến hành phòng ngự và kiềm chế đối với nước mới nổi, từ đó đưa nước mới nổi hội nhập vào chế độ quốc tế hiện có.
Chính sách hai mặt trong quan hệ quốc tế tồn tại một số loại hình sau: Loại thứ nhất là chính sách hai mặt cùng có lợi. Từ những dấu hiệu trong phát triển quan hệ Trung-Mỹ gần đây cho thấy, hai bên Trung Quốc và Mỹ đều tích cực thúc đẩy hợp tác với nhau trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời cạnh tranh nhau trong lĩnh vực an ninh. Chính sách hai mặt giữa Trung Quốc và Mỹ đã phản ánh hai nước lớn này đều nhận thức được tầm quan trọng trong việc hợp tác với nhau sẽ đem lại phồn thịnh chung. Nhưng hai bên cũng cảnh giác lẫn nhau trên lĩnh vực an ninh vì có thể tạo thành mối đe dọa cho đối phương. Loại thứ hai là chính sách hai mặt song hành, giống như chính sách đưa ra gần đây của các nước ASEAN trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Chính sách hai mặt song hành chính là chính sách vận dụng phương thức thích hợp để dung hòa giữa kiềm chế mềm và tiếp xúc. Một mặt, chính sách hai mặt song hành nhấn mạnh đến việc đi sâu tiến hành tiếp xúc với Trung Quốc; mặt khác cũng nhấn mạnh đến việc các nước ASEAN sẽ tiến hành kiềm chế mềm để đề phòng hành vi phá vỡ hiện trạng mà Trung Quốc có thể đưa ra. Bước quan trọng của kiềm chế mềm là thuyết phục Mỹ đảm nhận vai trò là lực lượng chủ yếu để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực. Loại thứ ba là chính sách hai mặt kép, giống như vai trò mà Nhật Bản thực hiện trong những năm gần đây, chính sách hai mặt kép của Nhật Bản đưa ra là dựa vào quan hệ đồng minh với Mỹ để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng về quân sự, và đồng thời, trong lĩnh vực kinh tế xây dựng nhiều quan hệ đối tác, để đối phó với mối đe dọa kinh tế tiềm tàng.
Nhận thức của Hàn Quốc về hiện trạng Trung Quốc và Mỹ
Gần nửa thập kỷ qua, Hàn Quốc và Mỹ luôn duy trì mối quan hệ đồng minh an ninh, liên minh Mỹ-Hàn đã trở thành một trong những liên minh quân sự vững chắc và lâu bền nhất trên thế giới. Có rất nhiều nhà chiến lược Mỹ và Hàn Quốc đều cho rằng giá trị của liên minh Mỹ-Hàn đã vượt qua lĩnh vực an ninh, vươn đến cả lĩnh vực tổng hợp như kinh tế, văn hóa và ngoại giao... Đối với Hàn Quốc, Mỹ không chỉ vì mở cửa thị trường trong nước cho hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc, mà còn cung cấp kỹ thuật cao để phát triển và mở rộng nền công nghiệp Hàn Quốc. Quan hệ mật thiết của liên minh an ninh Mỹ-Hàn cũng làm tăng lên niềm tin và giá trị quan chung trên các lĩnh vực giữa hai nước. Ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa, ngoại giao và chiến lược của Mỹ đối với Hàn Quốc đã trực tiếp quyết định đến hướng đi trong tương lai trên lĩnh vực an ninh và kinh tế của Hàn Quốc. Hàn Quốc trong 60 năm qua là nước lấy Mỹ làm trung tâm để nhìn ra thế giới, các “nhóm lợi ích” của Hàn Quốc lấy Mỹ làm trung tâm không muốn thay đổi thế giới đã quen thuộc của họ, những nhóm người này hiện nay là dòng chính của xã hội Hàn Quốc. Để thực hiện điều này, Hàn Quốc sẽ phải coi quan hệ với Mỹ là nền tảng của chiến lược ngoại giao, luôn đặt ngoại giao với Mỹ vào vị trí hàng đầu trong chính sách ngoại giao. Hàn Quốc ưu tiên đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và Mỹ. Ngày 15/3/2012 “Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn” chính thức có hiệu lực, đánh dấu cho mối quan hệ kinh tế ngày càng gắn kết của nhóm lợi ích chủ yếu Hàn Quốc với Mỹ. Hàn Quốc mặc dù đã hợp tác phát triển kinh tế với Trung Quốc, nhận được lợi ích lớn về kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống người dân trong nước, nhưng lại không thể trong thời gian ngắn thay đổi được quan niệm địa chính trị thân Mỹ dựa vào Mỹ của người dân Hàn Quốc.
Cho dù tính chất quan trọng của Mỹ đối với an ninh và phát triển của Hàn Quốc không có gì để bàn cãi, nhưng Chính phủ Hàn Quốc cũng rất chú ý đến thời cơ lớn mà Trung Quốc trỗi dậy đem đến cho Hàn Quốc. Ảnh hưởng ngoại giao không ngừng gia tăng và ảnh hưởng kinh tế không ngừng mở rộng của Trung Quốc được xem là nguyên nhân quan trọng đầu tiên để Hàn Quốc nỗ lực thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Đặc biệt là với việc không ngừng gia tăng ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc của Trung Quốc, nó đã trở thành động lực căn bản nhất trong hợp tác Hàn-Trung. Từ năm 1992 quan hệ ngoại giao Hàn Quốc và Trung Quốc chính thức xây dựng đến nay, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Hàn Quốc, kim ngạch thương mại mỗi năm của hai bên ngày một tăng, đến năm 2003 Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Cùng với việc Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc đã coi quan hệ hai bên là mối quan hệ song phương quan trọng song song với liên minh an ninh Mỹ-Hàn. Đặc biệt trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc rất coi trọng ảnh hưởng của Trung Quốc, và xem như là đối tác hợp tác và là kênh quan trọng nhất giúp Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp xúc với nhau.
Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra không gian kinh tế, an ninh và ngoại giao rộng lớn cho Hàn Quốc, nhưng Chính phủ Hàn Quốc cũng không thể không đối mặt với việc đưa ra phương thức điều tiết như thế nào để xử lý vấn đề nan giải trong liên minh Mỹ-Hàn và quan hệ đối tác chiến lược Trung-Hàn. Hàn Quốc cần phải duy trì mối quan hệ hữu hảo với hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc; thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc và ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên là hai đề tài lớn mà Chính phủ Hàn Quốc quan tâm nhất hiện nay trong việc xử lý quan hệ Trung-Hàn; còn liên minh quân sự Mỹ-Hàn và “Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn” lại là sự đảm bảo cho Chính phủ Hàn Quốc trong vấn đề an ninh và kinh tế. Dựa vào những toan tính trên, việc lựa chọn đứng về bên nào với cái giá phải trả là từ bỏ quan hệ hữu hảo với một nước lớn, đều không phù hợp với lợi ích quốc gia Hàn Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao-Ngoại thương Hàn Quốc Kim Sung-hwan cho biết nếu phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, đối với ngoại giao Hàn Quốc là một thử nghiệm quan trọng, giống như một cơn “ác mộng”, sẽ đưa ngoại giao Hàn Quốc đứng trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Để duy trì ổn định và phồn thịnh trong tương lai, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thông qua thực thi chính sách hai mặt, duy trì quan hệ mang tính xây dựng với cả Trung Quốc và Mỹ.
Chiến lược hai mặt mà Hàn Quốc vận dụng giữa đối tác chiến lược và đồng minh.
Sau khi Lee Myung-bak lên nắm quyền năm 2008, Hàn Quốc đã thực thi chiến lược hai mặt giữa Trung Quốc và Mỹ, để Hàn Quốc có thể duy trì được mối quan hệ mật thiết và hữu hảo với cả Mỹ và Trung Quốc. Hàn Quốc cần phải xem xét đến lợi ích địa lý của bản thân và biến đổi trong ngoại giao, cần phải chuẩn bị ứng phó với tất cả các trường hợp có thể xảy ra, dựa quá nhiều vào Mỹ có thể sẽ hạn chế chọn lựa chiến lược của mình.
Thứ nhất, mục đính chủ yếu của chiến lược hai mặt của Hàn Quốc là kiểm soát quan hệ liên minh quân sự Mỹ-Hàn và đối tác hợp tác chiến lược Trung-Hàn được thúc đẩy thuận lợi hơn . Nếu như từ góc độ địa chính trị xem xét ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ tới Hàn Quốc, thì vấn đề quan trọng nhất là Hàn Quốc làm thế nào xác định được địa vị chiến lược của mình đối với Trung Quốc và Mỹ. Để thực hiện thuận lợi chiến lược hai mặt, Hàn Quốc không thể không từ nhiều chiến lược hai mặt tìm kiếm chọn lựa một chiến lược phù hợp với lợi ích bản thân nhất - chính sách hai mặt cùng có lợi, chính sách hai mặt song hành, hay là chính sách hai mặt kép? Chính sách hai mặt cùng có lợi không phù hợp với nhu cầu của Hàn Quốc, cũng có nghĩa là Hàn Quốc sẽ phải đồng thời triển khai hợp tác và cạnh tranh với cả hai nước Trung Quốc và Mỹ. Chính sách hai mặt kép cũng không phù hợp hiện trạng quan hệ Trung-Hàn hiện nay, chiến lược này hình thành từ việc kết hợp giữa tiếp xúc ở tầng sâu và kiềm chế mềm, chính sách đối với Trung Quốc của Hàn Quốc chủ yếu là tiếp xúc, còn thiếu sự kiềm chế, nhưng cho dù là kiềm chế mềm hay là kiềm chế cứng, Hàn Quốc đều không muốn tiến hành kiềm chế đối với Trung Quốc.
Môi trường chiến lược hiện nay đòi hỏi liên minh quân sự với Mỹ cần phải tăng cường hợp tác, đồng thời cũng đòi hỏi Trung Quốc và Hàn Quốc phải thúc đẩy mối quan hệ kinh tế dựa vào nhau trong khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược. Điều này buộc Chính phủ Hàn Quốc không thể không vận dụng chiến lược hai mặt. Mục tiêu chủ yếu trong chiến lược hai mặt của Hàn Quốc không phải là duy trì quan hệ kiềm chế với hai nước lớn, mà là tiếp xúc và theo đuổi hợp tác với hai nước lớn. Do mục đích chủ yếu trong chiến lược hai mặt của Hàn Quốc là duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và Mỹ, do đó Hàn Quốc nhấn mạnh đến việc khai triển hợp tác trên lĩnh vực có lợi cho cả hai bên, từ đó duy trì hợp tác song phương. Nói một cách cụ thể là, Hàn Quốc chú ý đến hợp tác trên lĩnh vực ngoại giao và an ninh với Mỹ, nhưng coi trọng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế với Trung Quốc.
Thứ hai, nhìn từ góc độ lựa chọn trọng tâm của ngoại giao đối với Trung Quốc và Mỹ, thì tư duy chiến lược của Hàn Quốc là đặt trọng tâm vào liên minh Mỹ-Hàn. Mặc dù tầm quan trọng của Trung Quốc đối với phát triển kinh tế Hàn Quốc là không phải bàn cãi, và ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc đối với Hàn Quốc cũng rất quan trọng, nhưng liên minh quân sự Mỹ-Hàn đã hình thành được 50 năm, mà trong tư duy của mỗi người dân Hàn Quốc thì tầm quan trọng của liên minh này đã vượt qua quan hệ với bất kỳ quốc gia nào. Chính phủ Hàn Quốc coi trọng quan hệ với Mỹ, nguyên nhân chủ yếu là ở vai trò mà Mỹ đảm nhiệm trên thế giới và địa vị không thể thay thế của Mỹ. Với tư cách là siêu cường về quân sự, Mỹ quản lý các loại sự vụ quốc tế, phân phối sản phẩm công cộng và tài nguyên của toàn cầu. Với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế, Chính quyền Lee Myunh-bak cho rằng phải có trách nhiệm duy trì hệ thống quốc tế hiện tại, liên minh quân sự Mỹ-Hàn cũng cần phải có sự điều chỉnh mới, để đối phó với các tình huống trên toàn cầu.
Từ hiện trạng mà nói, ảnh hưởng tổng thể của Trung Quốc đối với hệ thống quốc tế là có hạn. Trung Quốc có tiềm lực trở thành nước lớn có ảnh hưởng mang tính toàn cầu, nhưng thực lực so với Mỹ, vẫn còn có sự chênh lệch. Xem xét đến hiện trạng này thì quan hệ đối tác Trung-Hàn chỉ dừng ở mức hợp tác ở tầm khu vực, mà chủ yếu giới hạn ở hợp tác kinh tế song phương, và cả hợp tác ngoại giao trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Tất nhiên, chiến lược hai mặt của Hàn Quốc không phải không có sự thay đổi, sự thay đổi trọng tâm ngoại giao của Hàn Quốc sẽ quyết định bởi kết cấu của sự quá độ của quyền lực quốc tế. Mặc dù từ khi bùng phát khủng hoảng tiền tệ đến nay, thực lực của Mỹ về tổng thể có phần suy yếu, ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, nhưng điều này cũng không có nghĩa là sự quá độ về quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu. Sự chênh lệch về thực lực tổng thể giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn rất lớn, Trung Quốc còn phải mất mấy chục năm nữa mới có thể bắt kịp Mỹ. Kết cấu quốc tế nêu trên đã quyết định trong mấy chục năm tới, Chính phủ Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục duy trì chiến lược hai mặt đối với Trung Quốc và Mỹ.
Kết luận
Hàn Quốc đang kiếm tìm chiến lược hai mặt. Nếu như mục tiêu của ngoại giao Hàn Quốc là duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và Mỹ, vậy thì nội dung thực chất của chiến lược hai mặt sẽ diễn biến thành việc theo đuổi chính sách song hành, đó là một mặt Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc; mặt khác mở rộng hợp tác trên lĩnh vực an ninh và ngoại giao với Mỹ. Nhìn từ chính sách trước mắt cho thấy Hàn Quốc chú trọng hơn đến tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Hàn, còn một khi giữa Trung Quốc và Mỹ xuất hiện sự quá độ về quyền lực, thì Hàn Quốc bắt buộc phải thay đổi trọng tâm ngoại giao của mình.
Theo Tạp Chí Thế giới Đương đại (Trung Quốc) số 1, 2013 Quốc Trung (gt)