NCBĐ-Sau năm Chủ tịch ASEAN 2012 đầy khó
khăn của Campuchia, khi lần đầu tiên trong 45 năm qua, ASEAN không thể
ra một tuyên bố chung, thì Brunây, Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2013,
lại dễ dàng ra được một tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần
thứ 46 (AMM-46).
Bất chấp thực tế rằng ASEAN vẫn
đang phải đối mặt với những thách thứa nghiêm trọng như tranh chấp chủ
quyền tại Biển Đông, xung đột về tỉnh Sabah (Malaixia), bạo lực sắc tộc
và tôn giáo tại Mianma, ô nhiễm khói bụi ảnh hưởng đến Xinhgapo,
Malaixia và Inđônêxia.
Dường như ASEAN đang có một tiêu
chuẩn kép giữa các thành viên. Lý do khiến ASEAN lựa chọn im ắng kể từ
đầu năm 2013 đến nay là họ đã rút ra được một bài học từ việc không ra
được tuyên bố chung tại AMM-45. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự tái cân
bằng chiến lược của Mỹ đang tạo ra những thách thức đối với ASEAN, và
tổ chức này có thể phản ứng theo 4 cách sau đây.
Thứ nhất, ASEAN có thể sử dụng cán
cân quyền lực và trở thành một đối tượng của cạnh tranh quyền lực. Năm
2011, Mỹ tuyên bố việc chuyển hướng ưu tiên sang châu Á và bắt đầu tái
triển khai phần lớn lực lượng hải quân của họ tại Thái Bình Dương. Điều
này dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc. Một số quốc gia
ASEAN, nhất là Mianma và Việt Nam, đang tích cực can dự vào việc cân
bằng chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nước này đang tìm cách thúc
đẩy các mối quan hệ kinh tế và chiến lược với Mỹ như một phương án phòng
thủ để chống lại nguy cơ từ Trung Quốc. Nhưng việc xích gần Mỹ đang bị
xem là có hại cho sự thống nhất và trung lập của ASEAN. Ván bài cân bằng
quyền lực sẽ có những hậu quả tiêu cực, như sự rạn nứt trong đoàn kết
của ASEAN. Lâu nay, ASEAN vẫn được coi là trung lập và không bị chi phối
bởi một cường quốc lớn. Sự trung lập được coi là một thành công chiến
lược của ASEAN kể từ khi thành lập.
Thứ hai, những người hoài nghi chủ
nghĩa khu vực Đông Á sợ rằng cuối cùng Trung Quốc sẽ chi phối Đông Á
thông qua "cộng đồng Đông Á" do Trung Quốc đứng đầu, mặc dù ban đầu Nhật
Bản đề xuất sáng kiến này. ASEAN đang công nhận rằng ASEAN+3 (Trung
Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) là cơ cấu chính để xây dựng một cộng đồng
Đông Á. Trong bối cảnh này, các nước ASEAN có thể xích gần Trung Quốc
hơn bằng sự hợp nhất kinh tế khu vực và các dự án cơ sở hạ tầng khu vực
lớn như tuyến đường sắt Xinhgapo-Côn Minh, các gói cựu trợ song phương,
các cấu trúc khung Hiệp định tự do thương mại (FTA) và hiệp định Quan hệ
đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP). Một FTA ASEAN-Trung Quốc có
thể mang lại những mối lợi kinh tế lớn cho ASEAN nhờ sự tăng trưởng kinh
tế mạnh và thị trường tiêu dùng trung lưu lớn. Do Mỹ sẽ không tham gia
vào các thể chế này, nên hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng ASEAN có
thể nằm dưới sự bá chủ của Trung Quốc tại Đông Á.
Thứ ba, Mỹ sẽ mở rộng chiếc ô an
ninh và lãnh đạo kinh tế khu vực về kinh tế thông qua các diễn đàn đa
phương. Theo kịch bản này, các nước ASEAN sẽ tham gia các diễn đàn đa
phương do Mỹ lãnh đạo như các sáng kiến Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình
Dương (TPP) và Can dự kinh tế mở rộng (E3) để đa dạng hóa các thị trường
xuất khẩu và tăng cường luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của
Mỹ vào khu vực. Do Mỹ cần sự cân bằng chiến lược với Trung Quốc, ASEAN
có thể được lợi hơn từ các sáng kiến này. Các nước ASEAN cũng cần các
quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Mỹ để chống lại ảnh hưởng của Trung
Quốc, nhất là trong tranh chấp tại Biển Đông. ASEAN có thể sử dụng một
liên minh quân sự với Mỹ như một lá chắn kinh tế và quân sự chống lại
các nguy cơ từ Trung Quốc. Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang tại
Biển Đông, Mỹ được hy vọng sẽ giúp các nước ASEAN, bất kể trong hoàn
cảnh nào.
Thứ tư, ASEAN có thể bảo vệ sự
trung lập của mình để tự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. ASEAN biết rằng
việc quá thân thiết với Mỹ hay Trung Quốc đều có hại cho sự thống nhất
của họ. ASEAN có thể duy trì sự trung lập bằng việc sự dụng phương thức
tư vấn và đồng thuận để lắng nghe ý kiến và nhu cầu của các thành viên.
Nỗi sợ bị các cường quốc chi phối có thể khiến ASEAN tự củng cố, duy trì
sự thống nhất, bảo vệ nguyên tắc đồng thuận và can dự cẩn thận hơn với
các cường quốc khu vực. Với tài sản vô giá là sự trung lập, ASEAN có thể
tính tới những lợi ích và ưu tiên của tất cả các bên.
Heng Sarith, Viện Nghiên cứu Hợp tác và Hoà bình, Campuchia.
Thuỳ Anh (gt)