Việc
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Brunây hồi
đầu tháng này trong chuyến công du chính thức đầu tiên tới Đông Nam Á,
đã tái khẳng định chính sách “trở lại Châu Á” của Mỹ.
Theo
đó, với sự hiện diện tại ARF, Ngoại trưởng Mỹ đã biến chuyến công du
chính thức đầu tiên tới Đông Nam Á trở thành sự khẳng định lại chính
sách "tái cân bằng" mà người tiền nhiệm Hillary Clinton đã khởi xướng.
Trong bài viết đăng trên Tạp chí "Chính sách Đối ngoại" hồi tháng
10/2011, cựu Ngoại trưởng Hillary đã đề cập tới việc “xoay trục” ngoại
giao và quân sự chiến lược của Mỹ sang Châu Á như là phần mở đầu cho
“Thế kỉ Thái Bình Dương của nước Mỹ”. Trong đó có đoạn “các thị trường
mở ở Châu Á tạo ra cho nước Mỹ những cơ hội chưa từng có về đầu tư,
thương mại và tiếp cận công nghệ mới nhất… Về mặt chiến lược, duy trì
hòa bình và an ninh tại Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng có ý nghĩa quan
trọng đối với sự tiến bộ toàn cầu, thông qua việc bảo vệ tự do hàng hải
trên Biển Đông, chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hay
đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động quân sự của những quốc gia lớn
trong khu vực”.
Thực
tế cho thấy việc kêu gọi nước Mỹ tăng cường sự hiện diện ở Châu Á-Thái
Bình Dương của bà Hillary không phải là lần đầu tiên Mỹ thể hiện “xoay
trục” sang Châu Á. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã chuyển việc
“xoay trục” thành sự “tái cân bằng” của Mỹ với Châu Á: làm sống lại các
liên minh an ninh song phương; tái quan hệ với các cường quốc đang nổi,
kể cả với Trung Quốc; tái can dự với các thể chế đa phương khu vực; và
củng cố các đối tác kinh tế và chiến lược quân sự liên quan đến dân chủ
hay nhân quyền. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á - như là các thực thể hậu
thuộc địa - coi trọng sự tự do quyết định phương hướng chính sách của
mình, với sự can thiệp tối thiểu từ các cường quốc.
Trong
thập niên 1950 và 1960, người Mỹ đã rất bực bội khi phải đối phó với
những Sukarno của Inđônêxia, U Nu của Miến Điện, và đôi lúc là cả Lý
Quang Diệu của Xinhgapo. Trong nỗ lực hướng đến việc kiến thiết đất
nước, hầu hết chính sách đối ngoại của các nước Đông Nam Á đều được tái
định hướng nhằm củng cố không gian nội bộ bằng cách tối đa hóa những
không gian trung lập bên ngoài. Và Chiến tranh Lạnh không ảnh hưởng đến
những tiến triển trong nước đó. Với Miến Điện (giờ đây là Mianma),
Campuchia, Inđônêxia, Malaixia và Xinhgapo, chính sách đối ngoại đồng
nghĩa với việc đảm bảo rằng các cường quốc sẽ không hóa thành con hổ ăn
thịt họ khi màn đêm buông xuống.
Về
hình thức, sự tái phân chia lực lượng của Mỹ gợi nhớ đến SEATO (Tổ chức
Hiệp ước Đông Nam Á, một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh): đồn trú lực
lượng thủy quân lục chiến ở Darwin, Ôxtrâylia; điều tàu tuần duyên đến
Xinhgapo; và tái khẳng định các cam kết an ninh dường như “đao to búa
lớn” với Philíppin, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, những
động thái đó không thể cản trở được thực tế về một khối 10 quốc gia
thành viên ASEAN có tư tưởng độc lập và đang trở nên tự tin hơn, trong
đó có hai đồng minh chính thức của Mỹ là Philíppin và Thái Lan.
Từ
Brunây đến Campuchia, Malaixia và Thái Lan, tất cả đều hoan nghênh sự
tái hiện diện mạnh mẽ của Mỹ nhằm làm đối trọng với một Trung Quốc hiếu
chiến, và thực hiện theo đúng tinh thần chủ nghĩa đa phương mở và linh
hoạt, với sự tham gia của Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ốxtrâylia, Nga và
Liên minh châu Âu. ARF chính là một hình thức của chủ nghĩa đa phương mở
này. Ưu điểm của chính sách tái cân bằng của Mỹ là vai trò “sen đầm khu
vực” của Washington vốn có thể gây xung đột trong dư luận sẽ được lẩn
khuất đi. Thay vào đó, với tư cách là một vị khách được chủ nhà chân
thành chào đón, Mỹ sẽ đường hoàng ngồi vào bàn trong sự hoan nghênh.
Washington sẽ được những người bạn chân thật đón tiếp, dù rằng đôi khi
họ cũng không công khai cảm tình này.
Điều
đáng nói là trong một hồ sơ hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ
đề tháng 7/1949, chính phủ Mỹ đã "nhen nhóm" chính sách "xoay trục". Mỹ
muốn che đậy sự can thiệp mang tính đế quốc của mình bằng cách khuyến
khích người Ấn Độ, người Philíppin và các quốc gia Châu Á khác đảm nhận
vai trò công khai trong những vấn đề chính trị.
Emrys
Chew là Trợ lý Giáo sư về Lịch sử và Alan Chong, Phó giáo sư Quan hệ
Quốc tế tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ
Nanyang. Bài viết đăng trên trang RSIS.
Vũ Hiền (gt)