Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

6. Mianma và Thái Lan trong cuộc chơi lớn tại Đông Nam Á

Email In PDF.
Thái Lan từng là sân chơi lớn tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự tiếp tục mở cửa chính trị và cải cách kinh tế tại Mianma đang làm thay đổi phương trình Đông Nam Á lục địa.
Mianma và Thái Lan đang tái gắn kết trong thế kỷ 21. Thái Lan hiện phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Mianma, cũng như lực lượng lao động và nhu cầu an ninh, nhất là cuộc chiến chống ma túy. Nếu không có sự hợp tác của Mianma, Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như thiếu điện hay vấn nạn buôn bán ma túy. Về phần mình, Mianma đã hoãn chương trình vũ khí hạt nhân và đang được lợi từ các khoản ngoại tệ do người lao động Mianma gửi về, cũng như viện trợ, các khoản vay, các thỏa thuận đầu tư và các chương trình xây dựng năng lực của chính phủ Thái Lan.
Thái Lan cũng không còn chính thức hỗ trợ chính sách trợ giúp các cộng đồng thiểu số tại Mianma như người Shan và người Karen. Trên thực tế, hiện có sự đồng thuận trong chính phủ Thái Lan về chính sách đối với Mianma. Chính phủ Thái Lan, dù của Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra hay cựu Thủ tướng đối lập Abhisit Vejjajiva, đều theo đuổi sự hợp tác và cộng tác trong tất cả các vấn đề thương mại và phát triển song phương với Mianma. Trong khi đó, với Campuchia, Thái Lan không có sự đồng thuận tương tự.
Điểm đáng chú ý trong quan hệ Mianma-Thái Lan hiện nay là đại dự án Dawei, có giá trị hàng tỷ đô la. Dự án này được bắt đầu năm 2008, khi Tập đoàn xây dựng Ital-Thai Development (ITD) giành được hợp đồng phát triển khu vực rộng 250 km2 xung quanh Dawei. Chính phủ của bà Yingluck dường như sẽ đầu tư công quỹ vào dự án này. Trong quan hệ chính trị, chính quyền Mianma cũng không lặp lại sai lầm của Campuchia, khi không đứng về phe nào trong xã hội chia rẽ sâu sắc của Thái Lan. Các quan hệ của Nay Pyi Taw với Thái Lan là đa dạng và toàn diện. Chính phủ Thái Lan cũng chứng tỏ thiện chí và quan hệ với các bên chủ chốt ở Mianma một cách toàn diện.
Lục địa Đông Nam Á đang kết nối với Đông Bắc Á, Nam Á và Tây Nam Á, một khu vực có hơn 3 tỷ dân. Chỉ riêng thị trường Đông Nam Á đã có hơn 350 triệu người tiêu dùng, nếu tính cả Việt Nam và miền Nam Trung Quốc. Mối quan hệ Thái-Mianma là trung tâm trọng lực. Sự phát triển cơ sở hạ tầng đang kết nối các tuyến đường bộ theo nhiều hướng như Đông-Tây và Bắc-Nam. Các đường biên giới được vạch ra từ thời thuộc địa đang giảm dần sự quan trọng, khi các dòng hàng hóa, thương mại, đầu tư và phát triển nói chung đang đan ngang-dọc khắp khu vực.
Với những tiềm năng của mình, lục địa Đông Nam Á đang được Trung Quốc và Mỹ ve vãn, được Nhật Bản đầu tư mạnh. Trong khi Thái Lan là hành lang của Mianma với ASEAN, sự thức tỉnh chính trị của Mianma đang biến lục địa Đông Nam Á thành một khu vực phát triển về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhờ các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và sự kết nối giao thông, liên lạc ngày càng tăng. Do đó, chính trị sẽ là thách thức trong mối quan hệ Thái-Mianma và sự phát triển của lục địa Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, một thách thức lớn khác, đó là cách thức giữ cân bằng quyền lực tại khu vực này, giữa một bên là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và ASEAN, với bên kia là Trung Quốc. Khu vực này thuộc tầm ảnh hưởng tự nhiên của Trung Quốc, nhưng phải nằm dưới sự kiểm tra của các cường quốc lớn khác. Không cường quốc nào được phép chi phối lục địa Đông Nam Á; Mianma và Thái Lan có thể tận dụng các cường quốc lớn khác để đạt được mục tiêu này.
Bất chấp những thiếu sót và thất bại, sự phát triển dân chủ tại Mianma phải được giữ đúng hướng, trong khi nền dân chủ Thái Lan phải được củng cố. Cả hai nước đều buộc phải khuyến khích các thể chế dân chủ để thúc đẩy sự kiểm tra và cân bằng, minh bạch và có trách nhiệm. Mianma và Thái Lan có thể nằm trong những giai đoạn khác nhau, trên những con đường khác nhau, nhưng đích đến của họ là giống nhau.
Các quan hệ Thái-Mianma và hành lang chiến lược mà họ tạo ra có thể định hình tương lai của khu vực Đông Nam Á lục địa, với tác động đối với toàn bộ Châu Á. Cả hai nước sẽ phải đối mặt với căng thẳng và cạnh tranh, nhưng cuối cùng họ phải tìm được cách cùng phát triển, khi họ đặt mục tiêu chuyển tiếp dân chủ, ổn định xã hội và phát triển kinh tế bền vững.
Tác giả Thitinan Pongsudhirak là Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok.
Theo "Diễn đàn Đông Á" ngày 14/7
Hương Trà (gt)