Tgvn-Thứ Năm, 30/05/2013-10:11 AM |
Thủ
tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến công du lịch sử đến Myanmar từ
ngày 24 đến 26/5. Đây là một sự kiện đặc biệt trong quan hệ Nhật Bản –
Myanmar bởi đây là lần đầu tiên sau 36 năm kể từ năm 1977 mới có một Thủ
tướng Nhật Bản đến thăm Myanmar. Đằng sau các con số “khủng” về viện
trợ và đầu tư, chuyến đi của ông Abe liệu còn ẩn chứa ý nghĩa chiến lược
nào khác?
“Đồng tiền đi trước”
Ngay trong chuyến đi này, Thủ tướng
Abe đã quyết định xóa nốt khoản nợ 176,1 tỷ yen (khoảng 1,74 tỷ USD) cho
Myanmar, đồng thời cung cấp thêm cho nước này khoản viện trợ mới trị
giá 51 tỷ yen (tương đương 500 triệu USD) để phát triển cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh các khoản viện trợ, chuyến thăm của ông Abe còn mang đến cho
Myanmar cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp của Nhật.
Tháp tùng ông Abe lần này có khoảng 40
doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
Trong bối cảnh các dự án hiện tại ở Myanmar chủ yếu tập trung vào khai
thác tài nguyên, những hợp đồng đầu tư của Nhật Bản vào cơ sở hạ tầng
vốn đã lạc hậu sau nhiều năm đóng cửa của Myanmar sẽ có ý nghĩa thiết
thực và mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho nước này. Trước khi “mở cửa”,
làn sóng “bài” các dự án hợp tác đầu tư với Trung Quốc (TQ) tại Myanmar
tăng khá mạnh do ô nhiễm môi trường và tác động xấu tới đời sống của
người dân địa phương. So với TQ, Nhật Bản là một nhà đầu tư “đáng tin
cậy” hơn do có lợi thế về công nghệ và uy tín chất lượng. Ngoài ra, việc
tăng cường quan hệ với Nhật Bản còn giúp Myanmar đa dạng hóa quan hệ,
tránh bị lệ thuộc một chiều vào TQ.
Đổi lại, các doanh nghiệp của Nhật Bản
cũng được hưởng lợi từ thị trường Myanmar có nhiều tiềm năng nhưng chưa
được khai phá và được ví như “mảnh đất vàng” cuối cùng của châu Á, nơi
có lợi thế nhân công rẻ, giàu tài nguyên thiên nhiên, các lĩnh vực kinh
tế và dịch vụ gần như còn “nguyên sơ”. Sự đầu tư này là một phần trong
kế hoạch phục hồi kinh tế Abenomics của ông Shinzo Abe với mục tiêu xuất
khẩu công nghệ của Nhật liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng trị giá
30 nghìn tỷ yen đến năm 2020. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Abe
gọi đây là chuyến “chào hàng” thứ hai cho các doanh nghiệp Nhật Bản, sau
chuyến đi trước đó của ông tới Nga và Trung Đông.
Chiến lược đi liền
Sau khi lên cầm quyền, với chiến lược
Abenomics mà nội dung cốt lõi là đảm bảo tốt hơn an ninh và thúc đẩy
phát triển kinh tế của Nhật Bản, ông Abe và lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do
đã có hàng loạt các bước đi mạnh bạo về đối ngoại để thực hiện chiến
lược này.
Thứ nhất, trong vòng chưa đầy 6 tháng
sau khi lên cầm quyền, ông Shinzo Abe đã thực hiện hàng loạt chuyến xuất
ngoại sang các quốc gia Á-Âu giáp biên giới với TQ để tạo sự chủ động
về chiến lược nhằm đối trọng lại sức ép về an ninh từ phía TQ tại khu
vực tranh chấp Senkaku/Điếu ngư ở vùng biển Hoa Đông.
Thứ hai, việc chính phủ Myanmar gần
đây tiến hành nhiều chính sách cải cách mở cửa đã biến Myanmar trở thành
một địa chỉ hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Đồng thời, việc Myanmar
thi hành chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng, không còn “nhất biên
đảo” với TQ đã tạo cơ hội và sự cạnh tranh lành mạnh cho tất cả các đối
tác muốn đầu tư vào Myanmar. Mặc dù Mỹ và các nước phương Tây đều hoan
nghênh hành động này và tỏ mong muốn sẽ đưa các công ty của họ vào khai
thác, nhưng cho đến nay các cam kết này vẫn chỉ dừng ở mức thăm dò và
tìm hiểu thị trường. Do đó, cơ hội cho Nhật Bản cả về kinh tế và chiến
lược tại Myanmar vẫn còn rất lớn.
Thứ ba, đối với ASEAN, chuyến thăm của
ông Abe tiếp tục là sự khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Đông
Nam Á trong chiến lược Abenomics. Tại khu vực này, do khó khăn kinh tế
kéo dài, Nhật Bản trong nhiều năm qua luôn được nhìn nhận như “kẻ chầu
rìa” trong cuộc chơi vốn được nhiều người xem là chỉ giành cho TQ và Mỹ.
Với chuyến đi này của ông Abe và hàng loạt các bước đi trước đó tại khu
vực, Nhật Bản muốn khẳng định mình vẫn tiếp tục là một nhân tố quan
trọng tại khu vực và các nước khác không thể dễ dàng bỏ qua.
Rõ ràng việc Nhật Bản quyết định đầu
tư vào Myanmar sẽ hỗ trợ cho nước này rất nhiều về mặt kinh tế cũng như
uy tín chính trị. Đặc biệt khi Myanmar sắp đảm nhận vị trí nước Chủ tịch
ASEAN năm 2014, những bước đi quan trọng như chuyến thăm này của ông
Abe không chỉ giúp Myanmar nâng cao hơn vị thế của mình khi hội nhập sâu
hơn vào khu vực, mà còn tiếp tục vững bước trên con đường cải cách của
mình.
Nguyễn Cẩm Vân
|