Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

6.Người dạy là "nhân vật" trung tâm của quá trình dạy học

Lê Hoàng Giang           

Viện NCGD - ĐHSP Tp. HCM

(Bài viết được đăng lại từ Tạp chí Dạy và Học ngày nay, số 3-2011)

Nói "người dạy là "nhân vật" trung tâm của quá trình dạy học" là đề cập đến vai trò người thầy của giảng viên khi đứng trên bục giảng, bởi quá trình dạy học cũng giống như một tác phẩm điện ảnh, được xây dựng bởi những nhân tố như: nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên... Trong đó, giảng viên kiêm rất nhiều nhiệm vụ, vừa là nhà biên kịch, vừa là đạo diễn, và là diễn viên thể hiện tốt vai trò nhân vật trung tâm mà mình phải đảm nhiệm. Thực tế dạy học đại học hiện nay yêu cầu rất cao về trình độ của giảng viên, đó là người dạy phải biết tổ chức dạy học, biết dạy cho học trò cách nghiên cứu, giúp sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học, tự nghiên cứu của mình. Nói như vậy có đi ngược lại quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm? Hoàn toàn không! Đề cao vai trò người thầy là số 1 của giảng viên trong quá trình dạy học là hướng đến cái đích của quá trình dạy học: sinh viên. Tôi thấm nhuần quan điểm của Hoàng Tuỵ về giáo dục là "Vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố có liên quan trực tiếp tới người thầy", [Người thầy trong nhà trường hiện đại] [5]. Câu nói hàm nghĩa rất rộng về vai trò của người đứng trên bục giảng.
Những yếu tố liên quan đến người thầy là:
1.  Về trình độ chuyên môn, giảng viên phải là nhà khoa học có khả năng thiết kế kế hoạch dạy học.

Một nhà trường tiên tiến bao giờ cũng có một đội ngũ nhà giáo giỏi, uy tín về mọi mặt. Thực tế dạy học cho thấy, dù sinh viên có xuất sắc về khả năng học tập, nghiên cứu đến đâu, các em đều rất cần đến những giảng viên giỏi, tâm huyết, có uy tín trong nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, nhà trường luôn đòi hỏi giảng viên phải thực sự có năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học đó phải được ứng dụng.

Trước sinh viên, giảng viên là phải những người có trách nhiệm, phải có sẵn trong mình những kiến thức cần truyền đạt, thậm chí có thể là những kiến thức cần thiết mở rộng, nâng cao cho sinh viên trong quá trình dạy học. Như vậy, những giáo trình, tài liệu quan đến phần kiến thức đang dạy cho sinh viên, giáo viên phải cần phải hiểu sâu sắc và thực hiện thao tác truyền đạt một cách nhuần nhuyễn. Chính sự chuẩn bị kỹ về kiến thức như thế sẽ tạo bản lĩnh cho giảng viên trước sinh viên. Dạy học luôn bắt buộc giảng viên xác định hướng đi, phải xác định được trọng tâm của quá trình dạy học. Thế nhưng, đôi lúc, chúng ta cũng cho phép mình "hứng thú" về một phần kiến thức nào đó mà sinh viên không hoặc khó có thể nghiên cứu. Năng lực này của giảng viên đã giúp ích cho sinh viên rất lớn về sự say mê học tập, nghiên cứu. Có như thế, giảng viên mới là tấm gương về tri thức cho sinh viên noi theo.

Mặc dù phương pháp dạy học tiên tiến hiện nay là dạy học phải lấy người học làm trung tâm, hướng việc dạy học đến một bước phát triển mới là chú trọng tới việc phát triển tư duy ở sinh viên, giúp người học có khả năng tự nghiên cứu... có lẽ nói về phương pháp dạy học thì ai cũng thao thao những lý thuyết đó. Nhưng để thực hiện được yêu cầu của việc dạy học mới mẻ đó thì thực tế dạy học đại học của chúng ta hiện nay vẫn chưa đạt mức toàn diện. Mục tiêu dạy học đó của bậc đại học cần giảng viên phải thể hiện tốt vai trò là nhà biên kịch thông thái, nhà đạo diễn tài ba, diễn viên chuyên nghiệp, nghĩa là giảng viên phải có năng lực lập kế hoạch dạy học, tổ chức tốt quá trình dạy học, biết hướng tư duy của người học theo sự hoạch định ban đầu của mình. Chính vì vậy mà khi nói về phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, R. Batliner lại khẳng định, "Giáo viên là chủ chốt quyết định việc dạy và học có chất lượng" [1]. Như vậy, sự hướng tới và biểu hiện vấn đề của R. Batliner có đối lập không? Lại một lần nữa, tôi khẳng định, là không! Chính vì hiểu được mục đích dạy học là tạo chất lượng dạy học cho sản phẩm người học, sinh viên ra trường sẽ được xã hội trọng dụng, sẽ là những người giúp cho xã hội phát triển, chính chất lượng sinh viên sẽ khẳng định uy tín đội ngũ nhà giáo, chiến lược đào tạo của nhà trường nên chúng ta phải xây dựng một đội ngũ nhà giáo uy tín về mọi mặt, đặc biệt là phù hợp với yêu cầu đào tạo ở từng giai đoạn. Việc R. Batliner khẳng định vai trò quan trọng của người thầy đến chất lượng đào tạo của nhà trường là hoàn toàn đúng, là vấn đề cần đặt ra cho giáo dục ở mọi thời đại. Như vậy, nhà trường muốn có được sản phẩm giáo dục tốt thì phải có những người thầy giỏi, những người thầy giàu tâm huyết với nghề, có tình yêu đối với sinh viên, học viên,...

Giảng viên là người có khả năng tự học, tự nghiên cứu ngoại ngữ, xem việc học ngoại ngữ là một nhiệm vụ chuyên môn quan trọng nữa của mình, nhằm cập nhật thông tin khoa học cần thiết. Đây là một tiêu chí nữa cho một giảng viên đại học. Ngoại ngữ sẽ là cầu nối khoa học giữa các quốc gia, sẽ kết nối giữa các nhà khoa học tiên tiến trên thế giới học tập lẫn nhau nâng cao trình độ chuyên môn.

Thực tế nghiên cứu khoa học đại học ta hiện nay ít tạo ra được các trường phái nghiên cứu mà chỉ sinh sản những bè phái từ sự cục bộ, hẹp hòi trong tư duy, yếu kém về năng lực. Họ cần phải tạo ra bè phái, phe cánh để giúp nhau, nâng đỡ nhau, dìu nhau mà đi lên trong khoa học, củng cố vị thế, họ không cần đến hiệu lực, uy tín thành quả khoa học, không cần những lời nhận xét trung thực, chân tình giúp ích cho việc nghiên cứu, tạo uy tín cho thành quả nghiên cứu mà họ lại cần những lời khen ngợi thiếu trung thực, những cách vuốt ve bằng những lời nhận xét đẹp lòng. Để có được "kết quả" đó, họ thường nhờ chọn những thành viên của hội đồng là những người quen biết, là "người nhà" để được những bản nhận xét tốt, những điểm số cao ngất trời, để sau đó họ tung hô nhau, chúc tụng nhau. Nếu thường xuyên đi dự bảo vệ đề tài khoa học, bạn sẽ nhận ra ngay các bản nhận xét của phản biện ở một số hội đồng khác nhau lại rất giống nhau, hoặc có thể là vô trách nhiệm đến mức đã có những vị phản biện, chủ tịch hội đồng khoa học bình thản đưa ra những nhận xét không ăn nhập vào đâu với nội dung đề tài. Đó là thực tế đáng buồn của giáo dục đại học Việt Nam ta hiện nay. Thật khó có thể thực hiện việc đào tạo một cách nghiêm túc ở những giảng viên này! Nhìn nhận và dám đưa ra những tồn tại, yếu kém của bản thân là điều đáng trân trọng vì sự tự phê đó sẽ giúp bản thân tiến bộ, xã hội phát triển, lại đặc biệt quan trọng đối với môi trường giáo dục. Tạo ra sản phẩm giáo dục đại học uy tín, chất lượng rất cần những nhà giáo, những giảng viên chân chính.

Phương pháp dạy học tiên tiến hiện nay xóa bỏ việc giảng viên lên lớp với phương tiện dạy học đơn giản, xưa cũ là bảng đen, phấn trắng mà đòi hỏi giảng viên lên lớp với nhiều loại kiến thức khác bổ trợ cho giờ giảng, như kiến thức về công nghệ thông tin... giảng viên biết sử dụng những phương tiện dạy học hiện đại để thiết kế một giờ giảng, sử dụng thành thục các thao tác về máy tính nhằm tăng thêm sự chú ý ở sinh viên qua nhiều kênh thông tin khác nhau, hấp dẫn sinh viên bằng những thao tác phối hợp giảng giải trên bảng đen và giảng trên máy chiếu, tổ chức đàm thoại nhuần nhuyễn hướng sinh viên vào hoạt động nhóm tích cực, sôi nổi. Thực hiện được những giờ giảng hấp dẫn như thế, giảng viên phải không ngừng học tập, liên tục cập nhật thông tin, thường xuyên tự bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin trước sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là thường xuyên nghiên cứu, thực tập về phương pháp giảng dạy.

Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng nữa của giảng viên, vì thực ra, nghiên cứu là cơ sở để giảng dạy. Nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu là hai công việc mang tính chuyên nghiệp giúp người thầy tìm kiếm, phát hiện bồi dưỡng chuyên môn, năng lực thực hành cho sinh viên, giúp người học rèn luyện tư duy sáng tạo, phương pháp luận sáng tạo, đặc biệt là hình thành thói quen, niềm say mê nghiên cứu khoa học. Trong thực tế đánh giá của sinh viên về giảng viên, các em chỉ tôn trọng, kính phục những người có bề dày thành tích trong nghiên cứu khoa học. Một điều nữa cũng dễ nhận thấy, khi thực hiện khóa luận, luận văn, luận án, những sinh viên, học viên cao học hay những nghiên cứu sinh luôn chọn cho mình người hướng dẫn là những nhà khoa học uy tín. Cho nên giảng viên cần biết tự tạo áp lực nghiên cứu khoa học, biến áp lực thành nhu cầu, đam mê, mục đích sống của mình.

Với những yêu cầu về kiến thức ở người dạy như thế, tôi không cho rằng, việc dạy học đại học ngày nay là dạy ít, là giảm tải mà giảng viên  cần phải dạy đầy đủ những gì mà sinh viên cần, thậm chí cần mở rộng kiến thức cho sinh viên, làm cho sinh viên thấy rằng, môi trường đại học là cơ hội học tập, nghiên cứu, cần phải đến lớp, cần phải tiếp xúc với thầy giáo. Như vậy, chính năng lực của giảng viên đã thu hút sinh viên đến lớp đầy đủ mà không cần đến những biện pháp kỷ luật nào. Giảng viên cần đặt ra những yêu cầu, những mức chuẩn khác nhau trong đánh giá sinh viên là học xong năm thứ nhất, sinh viên đạt được mức nào trên cái chiều cao kiến thức đó... và đến hết năm thứ tư, sinh viên tự tin với vốn kiến thức, đi vào công việc mà xã hội giao phó. Như thế, dạy học đại học luôn nâng cao chất lượng phù hợp với yêu cầu thức tế của xã hội hiện nay. Điều đó đang cần đến trách nhiệm của giảng viên.

2. Về phương pháp giảng dạy, giảng viên phải là nhà nghiên cứu và thực hiện nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học tiên tiến.

Đổi mới phương pháp dạy học ở trường đại học là "phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, độc lập của sinh viên", của tác giả Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng bộ môn Tâm lý, Trường Đại học Hà Tĩnh. Tôi nghĩ rằng, đây mới chỉ là mục đích làm việc, là tinh thần làm việc chứ chưa phải là một phương pháp dạy học tích cực cụ thể. Đương nhiên, chúng ta nói về phương pháp dạy học thì mỗi một chuyên ngành hẹp đều có những phương pháp dạy học đặc thù, còn điều cần thiết ở đây là mỗi một người thầy phải đưa ra kế hoạch về phương pháp cụ thể, và một phương pháp dạy học nào sẽ phát huy được khả năng, năng lực của sinh viên, phương pháp dạy học nào sẽ làm mờ phương pháp dạy học một chiều của dạy học truyền thống. Ở đây, chúng ta cần xây dựng, đề xuất những phương pháp dạy học chung nhất, hoặc có thể là những định hướng chung cho việc dạy học ở bậc đại học. Một vài phương pháp mà chúng ta có thể sử dụng rộng rãi ở các chuyên ngành khác nhau là:

2.1. Phương pháp giao tiếp.

Phương pháp giao tiếp là cách thức dạy học trong đó, người dạy và người học luôn thay đổi, luân phiên vai trò nghe - nói cho nhau dưới sự tổ chức, hướng dẫn của người dạy nhằm tìm ra thông tin mới, cần thiết trong quá trình dạy học.

Các yêu cầu ở giảng viên khi thực hiện phương pháp giao tiếp:

- Giảng viên hãy xóa bỏ tư tưởng nho giáo của Khổng Tử, và cũng giúp sinh viên loại bỏ tư tưởng ấy, bởi đây là yếu tố ngăn cản sinh viên đặt câu hỏi trực tiếp trên lớp. Giảng viên cần tạo môi trường thân thiện, gần gũi với người tiếp nhận để việc trao đổi thông tin chiều người học được diễn ra sôi nổi. Như thế, giảng viên mới biết sinh viên đang đứng ở vị trí nào trên chiều cao tri thức mà họ đang hướng tới, và đặc biệt là giảng viên đã biết họ đang cần gì, thiếu những gì. Như vậy, giảng viên đã tạo được sự chuyển biến về mục tiêu dạy học trong quá trình dạy học qua thị sát đối tượng người học, giúp việc xây dựng kế hoạch dạy học có chất lượng.

- Giảng viên phải có kỹ năng nói và viết tốt, giảng viên phân biệt và rèn luyện cho sinh viên khả năng nói và viết, đặc biệt là luyện cho sinh viên tư duy nhanh trong phân định thông tin đúng, sai khi tiếp nhận lời nói trong quá trình giao tiếp.

- Giảng viên cần biết giao tiếp còn biểu hiện qua nét mặt, thái độ, sự biểu cảm trong lời nói của mình. Chính vì vậy, Gsowandtner cho rằng, "Các cảm xúc và tình cảm được biểu thị bằng từ ngữ chiếm 7% thời gian, bằng giọng nói chiếm 38%, và bằng ngôn ngữ con người như cử chỉ điệu bộ chiếm 55% thời gian". Còn các tác giả khác lại cho rằng,"Giao tiếp không bằng lời nói có thể có sức mạnh lớn, đôi khi là dạng giao tiếp hứng khởi", đó là những biểu hiện của nét mặt, điệu bộ của giảng viên trong quá trình dạy học, tạo cho sinh viên một sự gần gũi, một không gian học tập thân thiện, giảm bớt sự căn thẳng. 

- Giảng viên cần cho sinh viên chuẩn bị trước nội dung dạy học ở nhà và cũng cần kiểm tra chặt chẽ sự chuẩn bị đó. Giao việc như thế sẽ giúp sinh viên chủ động trong học tập, các em không phải rơi vào tình trạng bị động, không biết hôm nay, thầy sẽ dạy những gì. Đặc biệt, thông qua sự phân việc và kiểm tra sự chuẩn bị của sinh viên, giảng viên sẽ hình thành cho sinh viên khả năng làm việc, niềm say mê nghiên cứu, thói quen nghiên cứu.

- Giảng viên cần thỏa mãn các nhu cầu sau khi thực hiện phương pháp là: Cả giảng viên và sinh viên cần chia sẻ hoặc thu thập thông tin của nhau để cùng nhau giải mã/ Cả giảng viên và sinh viên đều được thấu hiểu và tôn trọng/ Cả hai chủ thể của quá trình dạy học đều được giải thích sự thay đổi của hành vi/ Giảng viên cần tạo niềm hứng khởi cho sinh viên và từ đó, đã tạo ra niềm say mê nghề nghiệp cho bản thân/.

 2.2. Phương pháp dạy học nêu, giải quyết và vận dụng vấn đề

Dạy học nêu vấn đề là cách dạy học đặt ra câu hỏi gợi ý người học tìm hiểu bài học một cách có hệ thống, khoa học, đúng theo quy trình, hướng đến mục đích yêu cầu. Thực hiện phương pháp này, người học sẽ có cơ hội trao đổi, bàn bạc, tạo được không khí học tập vui tươi, nhẹ nhàng, người học khắc sâu kiến thức bài học một cách hệ thống, sâu sắc.

Các phương pháp dạy học nêu, giải quyết và vận dụng vấn đề:

1.     Phương pháp diễn giảng nêu vấn đề.

2.     Phương pháp đàm thoại nêu vấn đề.

3.     Các ví dụ minh họa

4.     Phương pháp quan sát nêu vấn đề. 

Cấu trúc của phương pháp dạy học nêu, giải quyết và vận dụng vấn đề:

  1. Nêu vân đề:

-          Tình huống có vấn đề

-          Phát biểu vấn đề

  1. Giải quyết vấn đề:

-          Thành giả thuyết

-          Hình Chứng  minh giả thuyết

-          Đánh giá

  1. Vận dụng:

a.    Bài tập, câu hỏi, thực tiễn

b.   Tạo ra tình huống có vấn đề           

Việc đưa ra các phương pháp dạy học trên chỉ mang tính định hướng và đề cao việc lựa chọn và thực hiện phương pháp dạy học của giảng viên, bởi mỗi giảng viên khi lên lớp đều biết chọn cho mình những phương pháp tối ưu được quy định từ nội dung bài giảng. Và đặc biệt, tôi cho rằng, giảng viên phải là những nhà nghiên cứu phương pháp dạy học và thực hiện phương pháp dạy học uy tín.

Có được những yêu cầu trên, giảng viên mới đủ điều kiện để thực hiện vai trò là nhân vật trung tâm trong quá trình dạy học của mình. Giảng viên sẽ điều khiển quá trình dạy học theo chiều hướng như ý. Đương nhiên, cũng cần nói thêm rằng, sự cộng tác của các nhân vật trong một "vở diễn" là rất quan trọng, quyết định thành công của "vở diễn". Nghĩa là, giảng viên là người diễn viên, cũng là người đạo diễn chỉ đạo, tạo không khí thân thiện cho sinh viên hợp tác tích cực vào quá trình giao tiếp đặc biệt này. Đó là giảng viên cần tổ chức cuộc hội thoại giữa mình và sinh viên để tìm ra kiến thức bài học chứ không là sự ghi chép tỉ mỉ từ giảng viên. Tôi đề cao cách tổ chức quá trình dạy học của giảng viên, đó là cách xử lý thông minh những tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình dạy học, vì cũng có rất nhiều giảng viên lấy làm khó chịu khi sinh viên đặt đặt câu hỏi cho mình. Tôi nghĩ, chúng ta nên giải quyết thấu đáo những vấn đề mà sinh viên còn băn khoăn, thắc mắc. Đây là việc làm không khó đối với giảng viên, bởi giảng viên vốn là nnhững người có những phẩm chất chuyên môn cao, biết nghiên cứu con đường đưa kiến thức đó đến sinh viên. Tôi cho rằng, cuộc đời của họ gắn với hành trình khoa học đó. Làm như thế, giảng viên đã khơi gợi năng lực, tiềm năng ở sinh viên, giúp họ có khả năng tự nghiên cứu, thắp trong họ niềm đam mê khoa học, giúp họ tỏa sáng trên con đường sự nghiệp.

Đề xuất phương pháp dạy học đại học hiện đại, tiên tiến là việc làm thường xuyên ở các trường đại học, các viện nghiên cứu nhưng thực tế dạy học ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay vẫn còn một số giảng viên sử dụng phương pháp dạy học truyền thống, thậm chí, có giảng viên ngồi cả buổi trên ghế đọc cho sinh viên chép. Tồn tại hiện tượng này ở trường đại học là vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, nguyên nhân từ bản thân người dạy. Đó là hiện nay, các trường đại học vẫn còn một số giảng viên lười, không chịu thay đổi, cũng có thể không thể thay đổi vì trình độ năng lực giảng viên yếu kém. Thứ hai là do yếu tố khách quan từ phía nhà trường, nhà trường tổ chức nhiều lớp học có sĩ số quá đông (có lớp hơn 100 sv) nên việc quản lý sinh viên trong giờ học rất khó khăn, giảng viên không thể tổ chức lớp học theo phương pháp hiện đại được nên phương pháp "tối ưu" của họ lúc này là đọc chép, "hiện đại" hơn là nhìn chép. Như thế, với cách tổ chức lớp học như thế, nhà trường đã cổ súy cho việc làm thiếu lương tâm nghề nghiệp của giảng viên rồi, làm cho nhiều giảng viên vẫn cứ lạc hậu về phương pháp. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là cách tổ chức lớp học của nhà trường, một phòng học hiện đại với những phương tiện dạy học cần thiết, một lớp học có sĩ số ổn định, có thể giao động từ 30 đến 40 sinh viên thì chắc chắn giảng viên không thể thờ ơ trước nhiệm vụ của mình được.

 3. Đối với sinh viên, giảng viên luôn xem họ là những người đang làm công tác nghiên cứu

Sự chắt lọc khắt khe của những cuộc thi tuyển sinh hàng năm vào các trường đại học, cao đẳng đã cho thấy những người được gọi là sinh viên đều có khả năng tự học, biết tự nghiên cứu, biết xác định tương lai cuộc đời mình bằng con đường học vấn. Nhu cầu nghiên cứu là mầm sống có sẵn trong họ, họ bước vào giảng đường đại học là muốn phát triển tài năng, hoàn thiện tri thức bản thân, xây dựng tương lai. Tôi nhận thấy sinh viên bây giờ giỏi lắm, năng lực nghiên cứu trong họ dồi dào, những "mầm non" đó cần sự  "chăm sóc" một cách chu đáo của giảng viên để họ được phát triển, đó là họ vẫn rất cần những người thầy giỏi, giàu lòng nhân hậu dìu dắt trên con đường nghiên cứu. Giảng viên phải phát hiện tiềm năng ấy, và cần có trách nhiệm chăm sóc, dìu dắt, phát triển những "mầm non" nghiên cứu đó.

Thực tế ở các trường đại học, cao đẳng trong những năm qua đã có sinh viên dưới sự dìu dắt của giảng viên đã đạt những thành tích cao trong nghiên cứu khoa học nhưng số lượng vẫn còn ít so với tổng số sinh viên hiện tại. Thành quả đó có được là nhờ vào khả năng trí tuệ của sinh viên và sự tận tâm của giảng viên. Thiết nghĩ, mỗi giảng viên cần có trách nhiệm hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, khuyến khích họ làm công tác nghiên cứu, nêu rõ tác dụng sâu sắc của việc nghiên cứu ở trường đại học đến công việc sau này như thế nào, để sinh viên có nhận thức rõ ràng, đúng đắn vai trò của nghiên cứu khoa học. Bởi hướng dẫn nghiên cứu khoa học cũng là nhiệm vụ đào tạo của giảng viên ở trường đại học. Nhà trường cần có chế độ khuyến khích xứng đáng cho công lao của giảng viên làm công tác hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học để giảng viên thấy rằng công lao của họ được nhà trường ghi nhận. Một lần nữa, tôi khẳng định rằng sinh viên đang và luôn chờ đợi những người thầy say mê nghiên cứu khoa học, tâm huyết với tuổi trẻ, tận tâm với học trò, để các bạn có được hướng đi đúng đắn trong khoa học.

4. Phẩm chất, đạo đức nhà giáo của giảng viên quyết định chất lượng dạy học, tạo uy tín cho môi trường giáo dục đại học. Hiện nay, đạo đức nhà giáo đã có văn bản quy định và đã đưa vào thành luật để có hiệu lực cho việc thực hiện. Giảng viên cần xây dựng và nâng cao cho mình bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống tác phong, lương tâm nghề nghiệp nhà giáo để mỗi giảng viên xứng đáng là một nhân cách lớn.

4.1. Thực hiện tốt quá trình dạy học, giảng viên đã thể hiện mình là người có đạo đức, phẩm chất nhà giáo. Bởi đặc trưng của nghề dạy học là nghĩa vụ gắn với tình thương, công việc của người thầy đối với sinh viên bắt nguồn từ tình thương, đó là tình yêu thế hệ trẻ nối tiếp mình, tình yêu nghề nghiệp đã tạo nên tâm huyết trong giảng viên. Người dạy học ở môi trường nào, cấp nào cũng vậy, hoàn thành quá trình dạy học, không chỉ thấy thỏa mãn cho bản thân mà còn thỏa mãn sự mong đợi của học trò. Dạy học luôn gắn với tình thương, có tình thương, giảng viên mới có sự tận tụy chỉ dẫn sinh viên một cách tận tâm được. Giảng viên không chỉ tiếp cận với sinh viên ở giờ giảng mà còn tiếp xúc với các em trong nghiên cứu khoa học. Công việc nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải "chăm sóc" học trò của mình một cách tỷ mỉ. Cho nên nếu dạy học tách rời tình thương thì người dạy chỉ đạt ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Người dạy cần đặt trách nhiệm lớn lao của mình đối với sinh viên.Thực tế cũng tồn tại những giảng viên thiếu phẩm đạo đức, lợi dụng "quyền uy" của người thầy hành xử thiếu văn hóa mà lâu nay đã bị dư luận lên án rất nhiều. Đó là những con người làm công việc của người thầy trên giảng đường đại học chứ họ không hề có phấm chất của người dạy học. Nhà trường sẽ bị mất uy tín với sinh viên, phụ huynh, xã hội bởi những "người thầy" trên. Giáo dục đại học hiện nay cũng đang dần thanh lọc những phần tử trên để môi trường đại học có được đội ngũ chuyên môn vững vàng về năng lực, sáng ngời về đạo đức. Thiết nghĩ, mỗi giảng viên nên tự lượng giá lại bản thân, để tu chỉnh hoàn thiện bản thân trở thành tấm gương tốt cho sinh viên.

4.2. Biết nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân cũng được coi là phẩm chất đạo đức nhà giáo

Giảng viên luôn ý thức việc nâng cao trình độ chuyên môn, bởi nghiên cứu khoa học luôn là cái gốc trong họ, đặc biệt, giảng viên đã ý thức đề cao trách nhiệm của mình trước sinh viên. Nghiên cứu là khám phá, nghiên cứu là phát huy năng lực, trí tuệ, nghiên cứu điều kiện về kiến thức để đào tạo. Chúng tôi cho rằng biết nâng cao năng lực chuyên môn cũng là một trong những phẩm chất của nhà giáo, của giảng viên.

Giảng viên không đánh mất uy danh của mình bởi phong bì từ sinh viên, phụ huynh. Là nhà giáo, chúng ta cần nên công bằng trong đánh giá sinh viên. Dạy học gắn liền với việc đánh giá người học. Điều này rất nhạy cảm, bởi sinh viên rất hay chú ý cách phân xử của giảng viên nên giảng viên cần công minh trong đánh giá, giải thích tận ngọn nguồn mọi thắc mắc cho sinh viên. Trong khâu đánh giá, giảng viên là người cầm cân nảy mực vì trong quá trình học tập, sinh viên rất cần đến cách đánh giá công bằng, chính xác kết quả học tập của họ. Cho nên công bằng cũng là một trong những phẩm chất cần có ở người dạy học.

Dạy học là công việc của những người trên mọi người. Ở mỗi thời đại, người thầy dạy học được đặt ra với những tiêu chí khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng giai đoạn, thời kỳ, từng xã hội. Dù có khác nhau nhưng  mọi thời đại đều có chung triết lý "Không thầy đố mày làm nên" mà người xưa đã đúc rút, khẳng định. Dạy học ở thời nay lại càng khó hơn, đặc biệt là dạy học ở trường đại học. Nhưng làm được trọng trách trồng người lớn lao ấy, người thầy đã đứng trên đỉnh cao của sự ngưỡng mộ. Chúng ta hãy cùng trăn trở, suy ngẫm và đánh giá về việc chúng ta cùng đồng nghiệp đang làm!

Tài liệu tham khảo

1.     R. Batliner, (2002), Sổ tay phương pháp luận dạy học của chương trình hỗ trợ LNXH, Swsscontaet.

2.     Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2008), Quy định về đạo đức nhà giáo, NXB Giáo dục.

3.     Nguyễn Ngọc Bảo (chủ biên), (2005), Lý luận dạy học trường trung học cơ sở, NXB Đại học Sư phạm HN.

4.     Hà Thị Đức, (2006), Lý luận dạy học đại học, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.

5.     Hoàng Tụy, (2005), Người thầy trong nhà trường hiện đại, NXB giáo dục.

6.     Lưu Bá Minh, Vai trò trách nhiệm của người thầy trong đổi mới phương pháp giảng dạy đại học.

7.     Lê Phạm Phương Lan, (07/ 2001), Thực chất của quan điểm giáo dục "lấy người học làm trung tâm", Báo Dạy và Học ngày nay.
8.     Trần Bá Hoành (chủ biên), (2002), Các phương pháp sư phạm, Song Kha dịch, NXB Thế giới.
http://www.ier.edu.vn/content/view/528/161/