Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

9.Kỷ niệm 70 năm cuộc duyệt binh có một không hai trong lịch sử thế giới

TCCSĐT- Nhân kỷ niệm 70 năm cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng Trường Đỏ (7-11-1941 – 7-11-2011) và 70 năm mở màn cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô (cũ), một chương trình cầu truyền hình trực tiếp mang tên "Bài ca chiến thắng” được tổ chức hoành tráng, long trọng và đầy ấn tượng, xúc cảm tại hai điểm cầu Thủ đô Hà Nội của Việt Nam và Thủ đô Moscow của Nga. Chương trình được phát trực tiếp trên kênh VTV3 và VTV4 vào lúc 20h00 ngày 31-10-2011.


Cuộc duyệt binh chưa từng có trong lịch sử

Sau khi chiếm hầu hết châu Âu, ngày 22-6-1941, phát xít Đức tung một lực lượng mạnh nhất bao gồm bộ binh, thiết giáp, không quân bất ngờ tấn công Liên Xô, vi phạm thô bạo các hiệp định đã ký kết trước đó giữa hai nước. Cuộc chiến tranh Liên Xô - Đức bắt đầu và cũng mở màn cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại và thiêng liêng của nước Nga kéo dài suốt 1.418 ngày đêm với hàng nghìn trận đánh lớn, nhỏ diễn ra vô cùng khốc liệt, lôi cuốn hàng triệu người con của Liên bang Xô Viết cùng nhân dân các quốc gia châu Âu tham gia.

Cách đây vừa đúng 70 năm, ngày 7-11-1941, nhân kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười, một cuộc duyệt binh đặc biệt đã được tổ chức bất chấp những khó khăn, phức tạp của thời chiến khi quân phát xít Đức đang ở cửa ngõ Moscow. Từ Quảng trường Đỏ, các binh chủng của Hồng quân Liên Xô trong trang phục và vũ khí chiến đấu đã tham gia cuộc duyệt binh lịch sử này và ngay sau khi kết thúc buổi lễ đã tiến thẳng ra mặt trận.


Vào thời điểm đó, có tin đồn rằng Stalin và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã rời khỏi thành phố Moscow. Để xua tan những tin đồn đó và củng cố tinh thần của nhân dân trong cả nước, ngày 24-10-1941 Stalin cho triệu tập Tư lệnh Quân khu Moscow và ra lệnh bắt đầu chuẩn bị cho cuộc duyệt binh trong điều kiện giữ bí mật tuyệt đối. Ngày 6-11-1941, nghĩa là một ngày trước khi có cuộc duyệt binh, Hội đồng thành phố Moscow tiến hành cuộc họp như thường lệ để chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.


Nhưng cuộc họp lần này của Hội đồng thành phố Moscow không tổ chức ở Nhà hát Lớn như thường lệ mà là tại một ga tàu điện ngầm. Tại đây bàn ghế và mọi dịch vụ cần thiết được bố trí phục vụ Hội nghị. Hôm đó, Stalin đã có một bài phát biểu quan trọng và được phát trên Đài Phát thanh Moscow, sau đó được in thành các tờ truyền đơn để rải vào các khu vực bị quân phát xít Đức chiếm đóng. Trong bài phát biểu này, Stalin giải thích nguyên nhân chủ yếu mà Liên Xô tạm thời bị thất bại trong thời kỳ đầu chiến tranh. Đó là do xe tăng của Liên Xô tuy có chất lượng tốt hơn xe tăng của Đức nhưng quá ít về số lượng so với địch. Vì vậy mà quân Đức đã giành thắng lợi trong thời kỳ đầu. Trong phần kết luận, Stalin đã đưa ra nhận định rằng, sự thất bại của quân đội Đức là không thể tránh khỏi.


Sau khi kết thúc Hội nghị, Stalin thông báo cho các thành viên của Bộ Chính trị và Bí thư quận ủy Moscow về thời điểm bắt đầu cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ sẽ được thực hiện sớm hơn 2 giờ so với thường lệ, nghĩa là vào 8 giờ sáng. Chỉ huy các đơn vị tham gia duyệt binh được biết về kế hoạch này vào lúc 23 giờ đêm hôm trước. Còn đại diện của tầng lớp lao động được mời đến Quảng trường Đỏ để thông báo về cuộc diễn tập vào 5 giờ sáng ngày 7-11-1941. Khó khăn lớn nhất đối với việc tổ chức cuộc duyệt binh chính là mối lo ngại quân Đức có thể tiến công vào Quảng trường Đỏ để tiêu diệt Ban lãnh đạo Liên Xô. Do đó, bắt đầu từ ngày 5-11-1941, không quân Liên Xô đã tiến hành các cuộc ném bom vào các sân bay của quân Đức. Một ngày trước khi diễn ra cuộc duyệt binh, các chuyên gia dự báo thời tiết cho biết, ở Moscow nhiều mây và tuyết rơi nặng nên tình hình này đã phần nào giảm bớt mối lo ngại trên. Vào đêm trước ngày duyệt binh, Stalin đã trực tiếp ra lệnh thắp sáng các ngôi sao trên Điện Kremli và dỡ bỏ hàng rào ngụy trang lăng mộ của Lê-nin.


Cuộc duyệt binh này không chỉ là cuộc duyệt binh ngắn nhất trong số các cuộc duyệt binh thời Xô-viết, mà còn là cuộc duyệt binh mạo hiểm nhất, bởi lẽ ngày hôm đó các đơn vị tiền duyên của phát xít Đức chỉ còn đứng chân cách thủ đô Moscow 50 km. Cuộc duyệt binh đó đã có tác động to lớn đối với cục diện chiến tranh. Đó được xem như một chiến dịch quân sự cực kỳ quan trọng, góp phần nâng cao tinh thần của quân đội và nhân dân, chứng tỏ cho toàn thế giới biết rằng, Liên Xô không đầu hàng và tinh thần chiến đấu của quân đội không bị đè bẹp. Ngày hôm đó, nhiều đơn vị quân đội tham gia duyệt binh đã tiến thẳng ra mặt trận.


Tham gia cuộc duyệt binh chưa từng có này có 15 chiếc xe tăng T-34; các tiểu đoàn học viên Trường Sĩ quan Chính trị Quân khu; Trường Sĩ quan Pháo binh cờ đỏ; trung đoàn thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 của Quân khu Moscow; trung đoàn thuộc Sư đoàn 332 mang tên Frungie; các đơn vị bộ binh, kỵ binh và xe tăng thuộc Sư đoàn mang tên Dzeginski; tiểu đoàn đặc biệt của Hội đồng quân sự Bộ Quốc phòng; Tiểu đoàn cận vệ Cờ Đỏ; hai trung đoàn pháo binh thuộc khu vực phòng thủ Moscow; Trung đoàn phòng không; hai tiểu đoàn xe tăng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh và một số đơn vị khác.


Đích thân Stalin đã tiếp nhận cuộc duyệt binh. Ông nhấn mạnh, cuộc chiến tranh mà Liên Xô đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh chính nghĩa. Trong thời gian duyệt binh, Ban Tổ chức phải áp dụng các biện pháp an ninh đặc biệt như tất cả các binh sĩ tham gia duyệt binh không được mang theo đạn, kể cả xe tăng và pháo cũng được tháo hết đạn. Điều may mắn và kỳ lạ là ngay hôm đó, không một máy bay nào của quân Đức bay vào vùng trời Quảng trường Đỏ, mặc dù hôm sau, Quân đoàn không quân tiêm kích số 6 và lực lượng Phòng không Moscow đã bắn rơi 34 máy bay của quân Đức ngay tại khu vực này.


Trong cuộc duyệt binh hôm đó, một chuyện xảy ra bất ngờ. Có ba chiếc xe tăng phải chốt chặn ở cuối đội hình. Trong khi đang chạy trên Quảng trường Đỏ, một trong ba chiếc xe tăng đó bị trượt trên mặt đường lát đá trơn. Thế là hai chiếc xe tăng đi trước đã quay vòng lại để cứu chiếc xe bị trượt. Các chiến sĩ lái những chiếc xe tăng T-34 này được lệnh từ mặt trận đi tới tham dự lễ duyệt binh. Họ tự hào và hồi hộp đến mức vẫn nghĩ mình đang ở trên mặt trận chứ không phải đang tham gia duyệt binh và vì thế, theo điều lệnh chiến đấu, một khi xe đồng đội bị lâm nạn, các xe khác phải cứu kéo giúp. Và họ đã quay lại giúp chiếc xe tăng bị trượt trên mặt đá ở Quảng trường Đỏ.


Tin về sự cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Các tờ báo của Anh và Mỹ đưa tin nhận xét, việc Liên Xô tổ chức một cuộc duyệt binh ở Moscow ngay sát chiến tuyến của phát xít Đức là biểu hiện tuyệt vời về lòng gan dạ và dũng cảm của nhân dân Liên Xô. Không thể đánh giá hết ý nghĩa của cuộc duyệt binh huyền thoại trong lịch sử nước Nga và toàn thế giới. Hình ảnh của cuộc duyệt binh và bài phát biểu của Stalin sau đó được sử dụng để xây dựng bộ phim tư liệu mang tựa đề "Thất bại của quân đội Đức ở ngoại ô Moscow". Bộ phim này sau đó được nhận Giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá nhất thế giới vào năm 1942.


Sau khi Liên Xô tan rã, Chính phủ Liên bang Nga quyết định không tiến hành duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Truyền thống duyệt binh chỉ được khôi phục lại vào ngày 9-5-1995 nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Sau đó hằng năm, các cuộc duyệt binh lại được tiến hành trên Quảng trường Đỏ nhưng không có các đơn vị cơ giới. Mãi đến ngày 9-5-2008, các đơn vị cơ giới lại có mặt tại cuộc duyệt binh mừng Ngày Chiến Thắng ở Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow.


Chương trình truyền hình để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc thiêng liêng

Nhân kỷ niệm 70 năm cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng Trường Đỏ và 70 năm mở màn cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô (cũ), một chương trình truyền hình đặc biệt mang tên "Bài ca chiến thắng” đã được tổ chức tại hai điểm cầu Thủ đô Hà Nội của Việt Nam và Thủ đô Moscow của Nga. Đây là một có thể coi là chương trình cầu truyền hình trực tiếp lớn nhất năm 2011 của VTV. Điểm cầu Hà Nội là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Còn điểm cầu tại Nga, là Trung tâm biểu diễn nghệ thuật của khách sạn Kosmos. Người dẫn chương trình "Bài ca chiến thắng” ở đầu cầu Moscow là Tiến sỹ Vladimir Colotop, Trưởng khoa Hồ Chí Minh và Đông Phương học, thuộc Đại học Saint Peterburg, đồng thời là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt của thành phố Saint Peterburg. Ông là người rất am hiểu văn hóa Việt và rất thạo tiếng Việt. Ở đầu cầu Việt Nam, người dẫn chương trình là nhà báo Lại Văn Sâm.


Trong khoảng 3 giờ, Chương trình truyền hình điểm lại những mốc lịch sử quan trọng nhất kể từ năm 1941 cho tới ngày chiến thắng 9-5-1945. Trong chương trình đó 15 ca khúc tiếng Nga đã được trình bày. Toàn bộ 10 ca khúc biểu diễn ở đầu cầu Moscow do Dàn nhạc Trung ương, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga thực hiện. Tại Hà Nội, 5 ca khúc Nga “Cachiusa”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Giờ này anh ở đâu”, “Chim họa mi đừng hót”, “Chiếc khăn tay màu xanh” được ngân lên bởi những giọng ca tên tuổi của Việt Nam như nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên, ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương. Những ca khúc này đều được dịch phụ đề để khán giả hiểu hơn về nội dung. Bài hát tiếng Việt duy nhất trong chương trình là bái hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhạc sỹ Doãn Nho.


Những ca từ sâu sắc và giai điệu hùng tráng của các ca khúc đã tạo ra một không gian âm nhạc rất đậm chất Nga cho chương trình, vừa dẫn dắt người xem đi qua những sự kiện quan trọng và đáng nhớ nhất của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại như cuộc giải vây thủ đô Moscow, trận quyết chiến chiến lược Slalingrat, trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới ở Kursk, gần một nghìn ngày thành phố Leningrat bị quân Đức phong tỏa v.v.. Chương trình đã kết thúc nhưng những hình ảnh tư liệu quý báu về cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, những âm thanh và giai điệu của các ca khúc khơi dậy trong lòng người xem niềm tự hào về một giai đoạn vô cùng quan trọng trong lịch sử của nước Nga và thế giới, trong đó những con người Nga bình dị đã bằng xương máu, lòng yêu nước và tinh thần quốc tế cao cả cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít. Đây là giá trị văn hóa và chính trị rất quan trọng của chương trình truyền hình “Bài ca chiến thắng” trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít mới đang “ngóc đầu dậy” ở một số nước châu Âu và chiến tranh xâm lược vẫn là nguy cơ rất đáng lo ngại đối với toàn nhân loại yêu chuộng tự do, hòa bình và công lý./.
Lê Thế Mẫu
(2/11/2011)