Thời cơ cho chiến lược mới
Ngày 11/9/2001, bốn chiếc máy bay chở
khách của hai hãng hàng không Mỹ American Airlines và United Airlines đã
bị 19 kẻ khủng bố thuộc tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda khống chế.
Hai chiếc trong số đó biến thành những quả bom xăng khổng lồ đánh sập
Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York - biểu tượng của
sức mạnh kinh tế Mỹ. Chiếc thứ ba lao thẳng vào Lầu Năm Góc khiến cho
Tổng hành dinh của Quân đội Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng nề cả về người và
của. Chiếc còn lại lao xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania - kết quả
của cuộc giành giật quyền kiểm soát máy bay giữa nhóm không tặc với
những hành khách quả cảm. Nhiều người cho rằng nếu những kẻ khủng bố
trên chiếc máy bay thứ tư này đạt được mục đích, Nhà Trắng hoặc Trụ sở
Quốc hội Mỹ ở Washington D.C sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, hơn 3.000
người vô tội đã mất đi sinh mạng một cách oan uổng và đớn đau. Nước Mỹ
nhanh chóng nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của rất nhiều chính phủ và
người dân trên thế giới trong thời khắc khó khăn. Và ngay lập tức, những
quan chức tại Đồi Capitol, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cho rằng họ cần
phải tận dụng thời cơ này để bắt đầu một chiến lược mới nhằm thu phục
thế giới. Mỹ đã giương cao khẩu hiệu "chống khủng bố", cũng giống như
khẩu hiệu "bảo vệ tự do, dân chủ" mà họ đã từng làm suốt hàng chục năm
qua.
Mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến chống
khủng bố là tiêu diệt những kẻ khủng bố đầu sỏ, đánh sập các tổ chức,
mạng lưới khủng bố trên thế giới, triệt tiêu những thế lực, cơ chế tài
trợ, hậu thuẫn cho khủng bố, xóa bỏ những điều kiện phát sinh khủng bố
cũng như bảo vệ người dân trước sự đe dọa của khủng bố.
Để đạt được mục tiêu đó, Liên minh
quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu tiến hành tấn công Taliban tại Afghanistan
nhằm xóa bỏ sào huyệt của Al Qaeda cùng những thế lực Hồi giáo cực đoan
dung dưỡng chúng, lật đổ chế độ Tổng thống Saddam Hussein tại Iraq với
lý do tài trợ cho khủng bố. Hoa Kỳ cũng hỗ trợ cho một loạt quốc gia tại
Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á, vùng Sừng châu Phi, châu Âu trong cuộc
chiến chống lại các tổ chức khủng bố quốc tế cũng như địa phương.
Các biện pháp như cấm vận kinh tế và
quân sự đối với các quốc gia được xem là dung dưỡng thành phần khủng bố,
gia tăng các biện pháp giám sát toàn cầu và chia sẻ thông tin tình báo
cũng được Mỹ áp dụng nhằm triệt tiêu mầm mống và phát hiện, đối phó với
nguy cơ khủng bố.
Bên trong nước Mỹ, Tổng thống Bush
tiến hành một đợt tái cấu trúc cơ cấu chính phủ lớn nhất trong lịch sử
đương đại của đất nước này với quyết định thành lập Bộ An ninh Nội địa.
Quốc hội thông qua đạo luật USA PATRIOT giúp dò tìm và truy tố những
phần tử khủng bố và các tội phạm khác trong tương lai.
Cuộc chiến này cũng nhận được sự ủng
hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước như Anh, Đức, Pháp,
Trung Quốc, Nga, Indonesia, Pakistan, Jordan, Mauritius, Uganda và
Zimbabwe thông qua luật "chống khủng bố" và cho đóng băng các tài khoản
ngân hàng của các doanh nghiệp hoặc cá nhân bị tình nghi có liên quan
đến Al Qaeda. Các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật tại một số quốc
gia như Italy, Malaysia, Indonesia và Philippines bắt giữ nhiều nghi
can khủng bố với mục đích đập tan những nhóm vũ trang, khủng bố tại các
nước này. Ngoài Mỹ và các nước trong khối NATO, đã có 12 quốc gia khác
trên thế giới tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu
với mục đích chống lại tất cả các tổ chức, cá nhân khủng bố trên thế
giới, trong đó, 18 tổ chức được xem là lớn và nguy hiểm nhất, đứng đầu
là Al Qaeda, Taliban, Nhóm chiến binh vùng Kavkaz, Lashkar-e-Taiba,
Jemaah Islamiyah, Abu Sayyaf, Hamas, Hezbollah…
Với một loạt biện pháp được triển khai
như vậy, cuộc chiến này đã đạt được một số thành quả. Một số tổ chức
khủng bố lớn đã bị thiệt hại nặng nề, tiêu biểu là Al Qaeda và Taliban:
Al Qaeda mất đi các căn cứ quan trọng nhất của mình tại Afghanistan,
Osama bin Laden - thủ lĩnh tối cao của Al Qaeda cuối cùng đã bị Mỹ tiêu
diệt đồng nghĩa với việc Al-Qaeda mất đi một biểu tượng về sức mạnh cũng
như ngọn cờ tập hợp lực lượng của mình, một loạt các thủ lĩnh cấp cao
của tổ chức này cũng bị tiêu diệt mà mới đây nhất là Atiyya - nhân vật
số hai của Al Qaeda hiện nay; Taliban thì bị thu hẹp quyền lực tại
Afghanistan - là tổ chức cầm quyền có chế độ cai trị hết sức hà khắc ở
đất nước này... Về mặt môi trường an ninh, trong mười năm qua, các cơ
quan tình báo của nhiều nước trên thế giới đã được cấu trúc lại để hoạt
động có hiệu quả hơn nhằm đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao trong
việc phát hiện các nguy cơ khủng bố, các biện pháp bảo đảm an ninh tại
khu vực biên giới, cửa khẩu được thắt chặt hơn, hợp tác quốc tế cũng đạt
được nhiều bước tiến trong lĩnh vực chống khủng bố,…
Những hệ quả không mong đợi
Cuộc chiến chống khủng bố cũng mang
lại những hệ quả không mong đợi đối với Mỹ: Cuộc chiến tại Afghanistan
kéo dài đã 10 năm mà chưa có hồi kết kéo theo sự mệt mỏi, chán nản của
người dân Mỹ trong lúc con số thương vong của liên quân đã lên đến hơn
ba vạn người; cuộc chiến Iraq hao tài tốn của tuy đã kết thúc nhưng Mỹ
vẫn phải duy trì lực lượng 50.000 quân sự nhằm giúp chính quyền Baghdad
ổn định tình hình đất nước trong khi tính chính đáng của cuộc chiến này
vẫn bị nhiều người cả trong và ngoài nước Mỹ chống lại; các đạo luật và
biện pháp mới về an ninh được Washington ban hành bị nhiều người lên án
là xâm phạm sự riêng tư của công dân và hạn chế quyền giám sát tư pháp
đối với các cơ quan thi hành pháp luật và công tác thu thập tin tình báo
trong khi hiệu quả của chúng chưa được đánh giá cao...
Ở một số nơi trên thế giới, chủ nghĩa
khủng bố thậm chí còn có chiều hướng phát triển mạnh mẽ hơn trong mười
năm qua. Pakistan giờ đây là nơi cư ngụ của Al Qaeda và nhiều kẻ khủng
bố khác thuộc loại nguy hiểm nhất thế giới. Sự kết hợp giữa bất ổn xã
hội, sự yếu kém của chính phủ và sự phát triển của ý thức hệ khủng bố ở
một số quốc gia như Yemen, Libya, Somalia hay Nigeria đang biến những
nước này thành mảnh đất màu mỡ mới cho những kẻ khủng bố - cũng giống
như trường hợp của Afghanistan cách đây mười năm.
Ngay tại chính các quốc gia phương Tây
cũng đang xuất hiện những nguy cơ khủng bố có nguồn gốc nội địa. Vụ
khủng bố kinh hoàng tại đất nước Bắc Âu Na Uy hồi cuối tháng 7 vừa qua
là một ví dụ khi thủ phạm là Breivik - một công dân Na Uy chính gốc mang
quan điểm cực hữu chống Hồi giáo. Mạng Internet - một trong những phát
minh của thế giới Tây phương đã trở thành một công cụ hữu hiệu cho những
kẻ khủng bố khi thông qua phương tiện này, để có thể tuyển mộ và huấn
luyện cho rất nhiều người khác.
Như vậy, có thể thấy rằng cuộc chiến
chống khủng bố vẫn chưa đạt được nhiều thành công như Mỹ mong muốn. Cái
chết của Osama bin Laden - điều được Mỹ xem là biểu tượng của thành quả
chống khủng bố không đồng nghĩa với cái chết của Al Qaeda và rộng hơn là
của chủ nghĩa khủng bố. Theo tác giả Barry Lando của báo Huffington
Post: "Trên nhiều góc độ, kẻ bị bắn hạ ở Pakistan (Bin Laden) đã là
người không còn ý nghĩa - là biểu tượng của mối đe dọa trong quá khứ hơn
là đe dọa thực sự của tương lai." Nhiều người cho rằng để loại trừ được
khủng bố, chúng ta cần xóa bỏ những điều kiện để chủ nghĩa khủng bố có
thể nảy sinh. Điều đó đúng nhưng không dễ thực hiện. Chẳng hạn, việc
thành lập một Nhà nước Palestine sẽ là chưa đủ cho những tên khủng bố
vốn từ lâu chỉ muốn xóa sổ Nhà nước Do Thái Israel. Việc giảm tỷ lệ thất
nghiệp được nhiều người cho là biện pháp hữu hiệu nhưng theo thống kê
thì rất nhiều kẻ khủng bố có gia cảnh không hề nghèo khó. Giúp các xã
hội tại Trung Đông cũng như nhiều nơi khác tự do, dân chủ hơn được nhiều
người cho là sẽ khiến cho người dân tại đây giảm được nguy cơ đi theo
xu hướng cực đoan nhưng để làm được điều đó không thể chỉ trong ngày một
ngày hai.
Về phần Hoa Kỳ, nước này đã bị ám ảnh
bởi sự kiện 11/9 và bị kéo vào một bãi lầy lớn về quân sự, kinh tế và uy
tín chính trị (theo một cuộc thăm dò, đa số người dân Ảrập coi nước Mỹ
là mối đe dọa lớn hơn Al Qaeda). Nhiều người dân Trung Đông, trong đó có
nhiều kẻ khủng bố, luôn cảm thấy phẫn uất vì sự ủng hộ của Washington
đối với Israel và các nước Ảrập thân Mỹ. Do vậy, điều Mỹ cần làm không
phải chỉ là một cuộc chiến chống khủng bố đơn thuần mà là một chiến dịch
thu phục nhân tâm, bắt đầu bằng việc xem xét lại chế độ đối xử và chính
sách ngoại giao đối với các nước trên thế giới - đặc biệt là các quốc
gia Hồi giáo.
Chưa phải là bước ngoặt lịch sử
Sau mười năm nhìn lại, theo nhiều nhà
phân tích, sự kiện 11/9/2001 là một thảm họa tồi tệ trên mọi phương
diện, tuy nhiên chưa phải là một bước ngoặt lịch sử. Nó đã không mở
đường cho một kỷ nguyên mới của quan hệ quốc tế trong đó vấn đề khủng bố
chiếm vị trí hàng đầu hay một thời đại mà các vụ khủng bố sẽ nở rộ. Bất
chấp những chú ý đáng kể dành cho Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố do
Mỹ phát động, trong mười năm qua, những sự kiện chính của thế giới vẫn
là quá trình toàn cầu hóa với những bước thăng trầm của nó trên các lĩnh
vực chính trị, kinh tế, tài chính, là những chuyển biến chính trị tại
Trung Đông và thậm chí là cả sự phát triển nở rộ của ngành công nghệ
thông tin trên toàn cầu. Khủng bố và chống khủng bố chưa phải là mối
quan tâm lớn nhất và duy nhất của người dân thế giới. Nhìn vào tương lai
sắp tới cũng vậy, các nước trước mắt vẫn sẽ phải dành sự quan tâm hàng
đầu để khôi phục và phát triển kinh tế sau khủng hoảng hay đối phó với
các thách thức về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu...
Nhưng nói như thế không có nghĩa là
vấn đề khủng bố sẽ trở thành thứ yếu trong đời sống nhân loại. Những kẻ
khủng bố và chủ nghĩa khủng bố không thể bị loại trừ trong một sớm một
chiều. Ở bất cứ thời đại nào vẫn có thể xuất hiện những người mong muốn
sử dụng sức mạnh tấn công người dân vô tội nhằm đạt được những mục đích
chính trị của mình. Tuy nhiên, nếu quan hệ quốc tế, trật tự thế giới dân
chủ và công bằng hơn sẽ là một cái phanh hữu hiệu để phanh lại sự phát
triển và lây lan của chủ nghĩa khủng bố.
Trung Nguyên
|