Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

12.APEC 19: Tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

TCCSĐT - Trong hai ngày 12 và 13-11-2011, Hội nghị các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế “Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 19” (APEC 19) có sự tham dự của khoảng 1.500 lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực, với chủ đề “Xác định lại tương lai: tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại” được tổ chức thành công tại thành phố Honolulu, bang Hawaii (Mỹ) dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama.


APEC được thành lập năm 1989 tại Canberra (Australia) trong bối cảnh gia tăng quá trình toàn cầu hóa trên tất cả các lĩnh vực, khiến các quốc gia và các khu vực trên thế giới ngày càng phụ thuộc nhau, có nhu cầu đẩy mạnh và mở rộng hợp tác kinh tế, nhằm mục đích quy tụ các nền kinh tế năng động hai bên bờ Thái Bình Dương.

Đến nay, tham gia APEC có 21 quốc gia thành viên, trong đó có những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc... và trở thành tổ chức kinh tế hàng đầu của khu vực. Mục tiêu của Diễn đàn APEC là tăng cường sự trao đổi thương mại giữa các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm hội nhập kinh tế với các nước châu Âu và Bắc Mỹ.


Bối cảnh đặc biệt của Hội nghị APEC 19


Diễn đàn APEC 19 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua giai đoạn khó khăn và bất ổn của nền kinh tế, trước hết là tình trạng nợ công và nạn thất nghiệp tại nhiều nước phát triển; tình trạng lạm phát tại một số nước đang phát triển. Tất cả đang đe dọa thế giới lâm vào vòng xoáy khủng hoảng mới nghiêm trọng hơn thời điểm năm 2008 đã bùng phát từ Mỹ và lan tỏa sang nhiều nước trước đó. Trong cuộc khủng hoảng này, khác với các khu vực khác, vai trò và tầm ảnh hưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn không ngừng nâng cao. Vì thế, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định tập trung nỗ lực để chuyển dịch trọng tâm về châu Á nhằm củng cố và thắt chặt mối quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực.


Để thúc đẩy hợp tác khu vực, phục hồi và phát triển kinh tế, các nhà lãnh đạo tham gia APEC 19 đã chủ trương đẩy mạnh chiến lược mới của APEC nhằm cải cách cơ cấu kinh tế, hợp tác chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, tạo thêm việc làm, phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh liên kết thương mại và chuỗi cung ứng khu vực, tăng cường sự tham gia và đóng góp của các doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng liên quan đến mô hình tăng trưởng xanh - một trong ba ưu tiên của APEC trong năm 2011. Trước tình hình nhu cầu tiêu thụ năng lượng gia tăng nhanh chóng tại khu vực, các nhà lãnh đạo APEC đã thống nhất cách đánh giá chung là đẩy mạnh hợp tác trong việc sử dụng hiệu quả và bảo đảm an ninh năng lượng, giảm cường độ tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là các nguồn năng lượng truyền thống, triển khai các chiến lược giảm khí thải carbon.


Những nội dung chủ yếu bàn thảo tại APEC 19

Tại APEC 19, các đại biểu đã xem xét ba vấn đề chủ yếu.
Một là, các nước thành viên APEC bằng cách nào khẳng định và thực hiện chiến lược mới trong sự hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương? Hai là, liệu APEC có tạo ra được một động lực mới để thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu hay không? Ba là, liệu APEC 19 có tìm ra được cơ chế mới để đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng?

Trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu, cần phải gắn kết hiệu quả thương mại tự do với các điểm tăng trưởng mới của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai, với sự tiết kiệm năng lượng, cắt giảm khí thải và các nguồn năng lượng tái sinh. Vì thế, tại APEC 19 đã diễn ra ba phiên họp để bàn về ba chủ đề nóng là tăng trưởng và việc làm; sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng; cải cách quản lý và cạnh tranh.


Hội nghị lần này còn bàn thảo về những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình và đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt thích đáng nếu Bắc Kinh “chơi không đúng luật” về tiền tệ và thương mại. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cảnh báo Trung Quốc về quan ngại của Washington đối với chính sách kinh tế của Bắc Kinh. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc người đồng cấp Trung Quốc thực hiện biện pháp tăng giá đồng nhân dân tệ để tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cảnh báo Trung Quốc, Mỹ đang trở nên “không còn đủ kiên nhẫn” trong quan hệ kinh tế Mỹ - Trung.


Cũng tại APEC 19, nhiều đại biểu đã đề cập tới vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại quốc tế và giảm ảnh hưởng của nhà nước vào nền kinh tế. Phát biểu về chủ đề này, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết, ông coi chủ nghĩa bảo hộ là một trong số những mối đe dọa đối với tính hiệu quả của nền kinh tế toàn cầu. Ông lưu ý, Nga là một quốc gia lớn duy nhất tới thời điểm này vẫn chưa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong tình hình này, Nga có rất nhiều cơ hội để áp đặt các hạn chế về hải quan nhưng Nga đã không làm điều đó. Moscow luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế của Nga.


Tiến triển mới của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một nội dung rất quan trọng tại APEC 19. Lần này, TPP được đưa ra bàn thảo nhằm nhận được sự đồng thuận của tất cả 21 thành viên APEC. Ngay trước ngày khai mạc APEC 19, Nhật Bản tuyên bố quyết định tham gia đàm phán gia nhập TPP.


Mỹ đã từng có ý định và muốn sử dụng APEC để phát huy ảnh hưởng kinh tế lớn hơn đối với khu vực. Tuy nhiên, sự nổi lên của nhiều nền kinh tế trong khu vực, trước hết là Trung Quốc, khiến cho vai trò của Mỹ ngày càng mờ nhạt. Do đó, Mỹ cần tìm cách thức khác để định hình lại chính sách thương mại đối với châu Á. Trong khi đó, các nước thành viên APEC cũng có vai trò và vị trí rất quan trọng đối với thương mại của Mỹ, như nhập khẩu 60%  giá trị hàng xuất khẩu của Mỹ.


Ngay sau tuyên bố của Mỹ, Australia, Malaysia, Peru và Việt Nam cũng tham gia các cuộc đàm phán này, các nước như Canada, Nhật Bản, Philipines, Hàn Quốc cũng thể hiện sự quan tâm đến TPP. Sự tham gia của Mỹ đã thúc đẩy đáng kể các cuộc đàm phán và Washington hiện đang hoàn tất các thỏa thuận tự do thương mại với các nước tham gia. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hy vọng, TPP sẽ cải thiện các mối quan hệ thương mại xuyên Thái Bình Dương và đặt nền móng cho một chương trình tự do thương mại do Mỹ dẫn đầu.


TPP là cột mốc quan trọng trong tầm nhìn chung của nhiều quốc gia trong khu vực về việc thiết lập một hiệp định khu vực toàn diện, trong đó có việc tiến hành tự do hóa thương mại và đầu tư, giải quyết các vấn đề thương mại mới và truyền thống cũng như các thách thức của thế kỷ XXI. TPP có nhiều nội dung:


Một là,
tiếp cận thị trường một cách toàn diện, theo đó thúc đẩy hàng hóa của các nước thành viên được tiếp cận thị trường của nhau một cách thuận lợi và miễn thuế, các hạn chế về dịch vụ được đồng loạt xóa bỏ nhằm tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp cũng như những lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng.

Hai là,
tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên TPP, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi tại các nước thành viên.

Ba là,
hình thành khung hiệp định trên cơ sở những thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ APEC và các diễn đàn khác bằng việc đưa vào TPP 4 vấn đề mới mang tính xuyên suốt gồm gắn kết môi trường chính sách, năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển.

Bốn là
, coi các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu như một phần của đàm phán TPP. Các công nghệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên, đồng thời làm nảy sinh những vấn đề thương mại mới tiềm ẩn cần giải quyết để có thể thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ, bảo đảm tất cả các nền kinh tế các nước TPP đều được hưởng lợi. Ngoài ra, các vấn đề thương mại liên quan tới tăng trưởng xanh cũng được xem xét nhằm bảo đảm các nước TPP tiếp tục giữ vị trí tiên phong trong lĩnh vực này.

Năm là,
xây dựng TPP thành một Hiệp định mở.

Tại APEC 19, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố phác thảo khái quát về kế hoạch nhằm tạo ra một khu vực thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ hy vọng, thỏa thuận TPP sẽ được hoàn thành sớm nhất vào đầu năm 2012, và cho rằng TPP có thể là hình mẫu cho các thỏa thuận thương mại khác.


Hiện nay, đã có 9 quốc gia thành viên của APEC đang tham gia TPP. Trong khi đó, Trung Quốc không bày tỏ sự quan tâm tới việc tham gia các cuộc đàm phán. Mặc dù không tham gia vào các cuộc đàm phán TPP nhưng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho biết, ông ủng hộ mục tiêu lâu dài về việc đàm phán một khu vực tự do thương mại trong khu vực, có thể bao gồm tất cả các thành viên APEC trong tương lai. Ngày 12-11-2011, tại APEC 19 đã diễn ra cuộc họp cấp cao TPP lần thứ hai tiếp theo cuộc họp đầu tiên tại Nhật Bản tháng 11-2010. Tham dự cuộc họp có các nhà lãnh đạo 9 nước thành viên gồm Australia, Bruney, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Cuộc họp đã thông qua “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo thành viên TPP” để khẳng định các bên đã đạt thỏa thuận về khung tổng thể của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan hữu quan các nước thành viên trong quá trình đàm phán gần 2 năm qua và nhất trí tiếp tục nỗ lực để có thể cơ bản hoàn tất văn bản pháp lý của Hiệp định. Cuộc họp cũng hoan nghênh nguyện vọng của Nhật Bản và một số nước trong khu vực mong muốn tham gia tiến trình đàm phán TPP.


Mở ra nhiều triển vọng mới về hợp tác kinh tế

Sau 2 ngày làm việc, APEC 19 kết thúc thành công với việc thông qua “Tuyên bố Honolulu - Hướng tới một nền kinh tế khu vực gắn kết”, trong đó có những cam kết cụ thể về nhiều vấn đề quan trọng đối với khu vực, nhấn mạnh tính đa dạng và sự cần thiết phải tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các nền kinh tế.


Các văn kiện kèm theo Tuyên bố chung của APEC 19 gồm có “Thúc đẩy chính sách sáng tạo hiệu quả, không phân biệt đối xử và theo hướng thị trường”; “Tăng cường tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi sản xuất toàn cầu”; “Thương mại và đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường”; “Đẩy mạnh thực hiện các điển hình tốt về quản lý”. APEC 19 thành công tốt đẹp, góp phần đẩy mạnh xu hướng hợp tác, liên kết kinh tế cùng có lợi giữa các thành viên và nâng cao vị thế của APEC.


APEC 20 tại Vladivostok sẽ phản ánh đặc thù của Nga

Tại APEC 19, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã nhận bàn giao từ Tổng thống Mỹ Barack Obama chiếc ghế Chủ trì APEC 20 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 8 và 9-9-2012 tại thành phố Vladivostok của Nga.


Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga, bà Elvira Nabiullina tuyên bố rằng, tự do hóa thương mại, các vấn đề giao thông vận tải và các chủ đề khác quan trọng đối với Nga sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của diễn đàn APEC 20. Nga sẽ tuân thủ tính kế thừa chương trình nghị sự của APEC và sẽ đưa những nội dung hợp tác kinh tế phản ánh tính chất đặc thù của nước Nga vào các chủ đề sẽ bàn thảo tại APEC 20.


Năm 2012, APEC 20 tại Vladivostok sẽ tiếp tục thảo luận chủ đề tự do hóa thương mại và các khía cạnh đầu tư với sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các hoạt động đầu tư và thương mại khu vực. Nga muốn tập trung vào các vấn đề vận tải và hậu cần mà Nga có thể đóng góp có hiệu quả cao. Ngoài ra, Nga muốn xem xét vấn đề giao thông kết hợp với vấn đề năng lượng và hiệu quả năng lượng. Trong năm 2012, Nga sẽ là thành viên của WTO, do đó APEC 20 sẽ thể hiện vai trò và vị trí của một cường quốc lớn trên lục địa Á - Âu có thể góp phần quan trọng đưa các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương hội nhập vào các nền kinh tế châu Âu./.
Lê Minh Quang
(19/11/2011)