Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

11.Những chuyển động ấn tượng tại Mỹ Latinh trong thập niên gần đây

TCCS - Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Mỹ Latinh lần thứ 7 khai mạc ngày 28-4-2011 ở Río de Janeiro của Brasil, đồng Chủ tịch WEF về Mỹ Latinh, ông Martin Sorrell, khẳng định: Mỹ Latinh là một khu vực gần như bị lãng quên trong thế kỷ XX, nhưng giờ đây, “gió đã đổi chiều” và không thể phủ nhận thập niên này sẽ là thập niên của Mỹ Latinh.


Vào những năm cuối của thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI, Mỹ Latinh - khu vực từng được Mỹ coi là “sân sau” của mình, đã thu hút sự chú ý của thế giới bằng những chuyển động mới, mạnh mẽ trên cả bình diện chính trị và kinh tế.
Sự lên ngôi của nhiều chính phủ thiên tả 
Đây là khoảng thời gian mà trào lưu cánh tả ở Mỹ Latinh dâng cao bằng những thắng lợi liên tiếp, dẫn tới sự lên ngôi của các chính đảng thiên tả. Các đảng và phong trào cánh tả đã giành thắng lợi qua tuyển cử và lên nắm chính quyền ở một loạt nước, như Bolivia (năm 2006), Venezuela (năm 1999 và năm 2006), Chile (năm 2000 và năm 2006), Brasil (năm 2002 và năm 2006), Nicaragoa (năm 2006), Ecuador (năm 2006), Achentina (năm 2007)...
Giương cao ngọn cờ chống sự can thiệp, áp đặt từ bên ngoài, các chính phủ thiên tả chủ trương thực hiện đường lối độc lập dân tộc, từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Cải thiện đời sống cho người dân, giải quyết các vấn đề xã hội, thu hẹp chênh lệch giàu - nghèo... là những ưu tiên hàng đầu của các đảng cánh tả. Một số chính phủ đã tiến hành những cải cách chính trị, kinh tế, xã hội, tìm kiếm những mô hình phát triển mới của riêng mình phù hợp với thực tiễn của thế kỷ XXI. Venezuela đưa ra lý thuyết về “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”, còn Bolivia thì có ý tưởng xây dựng mô hình chung sống toàn cầu khác với mô hình tư bản chủ nghĩa hiện tại, “sống lành mạnh, cân bằng và hòa đồng với thiên nhiên”. Tổng thống Bolivia E-vô Mô-ra-let đã tiến hành quốc hữu hóa toàn bộ các mỏ dầu khí và quặng khoáng sản nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Còn Tổng thống Achentina Cristina Fernández nhấn mạnh tới nhu cầu tìm ra những mô hình phát triển kinh tế mới công bằng và bình đẳng hơn.
Đồng thời với những cải cách trong nước, chính phủ nhiều nước còn mở rộng hợp tác khu vực, thực hiện chính sách đa phương hóa, tăng cường quan hệ hợp tác đối thoại với các nước trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại với các nước thuộc Phong trào không liên kết, các nước xã hội chủ nghĩa; chống chủ nghĩa đế quốc, ủng hộ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc trên thế giới.
Nhiều nước Mỹ Latinh đã ủng hộ Cuba, yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận đối với đất nước này. Chính phủ cánh tả nhiều nước trong khu vực đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao đầy đủ với Cuba. Bất chấp sự phản đối của Mỹ, ngày 3-6-2009, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã bãi bỏ nghị quyết khai trừ Cuba ra khỏi OAS, mở đường cho việc Cuba tái gia nhập tổ chức này một cách “vô điều kiện”.
Kinh tế phát triển nhanh và đều khắp
Bên cạnh những chuyển động tích cực về chính trị ở một số quốc gia trong khu vực, Mỹ Latinh cũng bước đầu khẳng định tiềm năng và sức sống của mình trong phát triển kinh tế, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thể hiện ở một số khía cạnh chủ yếu sau:
Đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, kinh tế Mỹ Latinh đạt mức tăng trưởng ổn định. Theo báo cáo của ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL), năm 2006, nền kinh tế khu vực này đạt mức tăng trưởng 5,3%/năm, trong đó, Achentina, Cuba và Venezuela đạt mức tăng trưởng cao nhất (khoảng 8%). Riêng Cuba đạt 12,5%, tiếp đến là Peru, Panama và Chile đạt khoảng 6% (1) .
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và tiếp đó là suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh, tuy nhiên những biện pháp do các chính phủ áp dụng đã phát huy tác dụng, đưa kinh tế khu vực này nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Theo báo cáo của CEPAL năm 2010, sau khi giảm 1,9% năm 2009, năm 2010, nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các dự báo, với tốc độ tăng trưởng trung bình toàn khu vực lên tới 6%, mức tăng GDP tính theo đầu người đạt trung bình 4,8%. Các nước Nam Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất với 6,6%, các nước Trung Mỹ và Mexico đạt 4,9%. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 8,2% năm 2009 xuống 7,6% năm 2010, chất lượng việc làm cũng được cải thiện. Tổng Thư ký Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC), bà Alicia Bárcena, cho biết, kinh tế khu vực này có thể đạt mức tăng trưởng từ 4% - 4,5% trong năm 2011. Brasil và Mexico là hai nước đứng đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng.
Tăng trao đổi thương mại, đa dạng hóa đối tác trao đổi thương mại. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2009 giảm 24% (mức giảm kỷ lục trong vòng một năm tại khu vực kể từ năm 1937) so với năm trước đó do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã tăng 29% so với năm 2009, đạt 853 tỉ USD, trong đó trao đổi thương mại giữa các nước trong khu vực tăng 17,5%. Các nước Mỹ Latinh đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với các nước trên thế giới, nhất là với EU, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực Mỹ Latinh và Caribe sang Trung Quốc tăng tới 50%. Xuất khẩu của khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) tăng 28%, đứng đầu là Paragoay với mức tăng 39,7%, tiếp đến là Brasil, Urugoay và Achentina có mức tăng tương ứng là 29,7%; 24,6% và 24%. Bên cạnh đó, xuất khẩu của các nước thuộc Cộng đồng Andes cũng tăng tới 28%, đứng đầu là Peru (35,2%), tiếp đến là Ecuador (28,8%) và Colombia (21,2%). Kim ngạch xuất khẩu của các nước Trung Mỹ tăng 14,1%, đứng đầu là Nicaragoa với  mức tăng 30%.
Trong trao đổi thương mại với Mỹ, năm 2010, các nước trong khu vực đạt kim ngạch cao kỷ lục (636,262 tỉ USD), tăng 27,3% so với năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang các nước Mỹ Latinh cũng tăng 27,1%, đạt 285,809 tỉ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng 27,3%, đạt 350,453 tỉ USD. Mexico là đối tác thương mại khu vực lớn nhất của Mỹ với tổng kim ngạch trao đổi hai chiều đạt 87,429 tỉ USD. Coxta Rica là quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ cao nhất ở khu vực với 55,2%.
Cùng với việc các nền kinh tế Mỹ Latinh đa dạng hóa quan hệ với các nước, mở rộng thị trường thì các nước, các khu vực khác nhau trên thế giới cũng đẩy mạnh việc tiếp cận các nền kinh tế Mỹ Latinh. Hiện nay, các quốc gia A rập là bạn hàng thương mại lớn thứ ba của khu vực, với kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỉ USD trong năm 2010, chiếm tới 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Tháng 10-2010, Quỹ Qata của Qata đã đầu tư 2 tỉ USD để mua lại 5% cổ phần của Ngân hàng Santander (Brasil), Vale, tập đoàn khoáng sản hàng đầu của Brasilvà thế giới, đang xây dựng một nhà máy sản xuất thép tại Oman với nguồn vốn đầu tư lên tới 1 tỉ USD. Bằng việc thiết lập các đường bay thẳng giữa các thành phố (khai trương đường bay trực tiếp giữa Dubai và São Paulo, từ Doha tới São Paulo và Buenos Aires, khoảng cách giữa các nền kinh tế ở Tây bán cầu với Trung Đông, với thế giới A rập dường như được thu hẹp lại. Thế giới đang chứng kiến sự xích lại gần nhau giữa Mỹ Latinh và thế giới A rập.
Thu hút khách du lịch ngày càng nhiều. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới, doanh thu du lịch của khu vực Mỹ Latinh và Caribe năm 2010 đã đạt gần 60 tỉ USD với gần 75 triệu lượt du khách quốc tế, tăng gần 20 triệu lượt khách so với năm 2009. Chỉ riêng đối với quốc đảo Cuba, theo Cơ quan Thống kê quốc gia Cuba, trong năm 2010, nước này đã thu hút được 2,5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài (tăng 2,9% so với năm 2009), đạt doanh thu hơn 2,2 tỉ USD (tăng 5,5% so với năm 2009). Riêng trong tháng 1-2011, lượng du khách đến Cuba tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức chi tiêu trung bình của du khách nước ngoài đến Cuba cũng tăng từ 96 USD (năm 2009) lên 102 USD (năm 2010). Cùng với việc thực hiện cập nhật hóa mô hình kinh tế đã được Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba thông qua (tháng 4-2011) và việc chính quyền của Tổng thống B.Obama tuyên bố nới lỏng hạn chế đi lại từ Mỹ đến Cuba, lượng du khách đến “Hòn đảo Xanh” này sẽ còn tăng hơn.
Với những lợi thế do thiên nhiên ưu đãi, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế phát triển nhanh nhất, đem lại nguồn thu cao nhất cho nhiều nước trong khu vực, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, thu ngoại tệ và góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các cộng đồng dân cư.
Giảm tỷ lệ đói nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Theo đánh giá của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc Chấp hành ECLAC, khu vực này đã có những bước tiến đáng khích lệ trong giảm tỷ lệ đói nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. ở hầu hết 9 nước trong khu vực được ECLAC khảo sát, tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ giữa năm 2008 và năm 2009. Báo cáo “Toàn cảnh xã hội khu vực Mỹ Latinh năm 2010” của ECLAC ghi nhận số người nghèo ở khu vực đã giảm xuống mức 180 triệu người trong năm 2010, tương đương với mức của năm 2008 (trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới). Bolivia là nước có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất khu vực Mỹ Latinh và Caribe, với tỷ lệ giảm từ 51% (năm 2000) xuống còn 35% (năm 2009). Tại Brasil, việc thực hiện các chính sách xã hội, đặc biệt là triển khai chương trình xã hội “Không có người đói” được coi là lớn nhất thế giới từ trước đến nay, trong vòng 8 năm qua, đã đưa hơn 30 triệu người dân Brasil đứng vào hàng ngũ trung lưu.
Thành tựu giảm nghèo trên đây là kết quả của việc thực hiện các chính sách đổi mới, tiến hành những cải cách trong nước, gia tăng đầu tư cho giáo dục cũng như khả năng thu hút được một khối lượng lớn vốn FDI cho đầu tư phát triển. Ngoài ra cũng phải kể đến nhiều chính phủ đã thành công trong việc đưa ra những chính sách giảm nhẹ tác động của khủng hoảng tài chính, mà không làm tăng tỷ lệ người nghèo. 
Gia tăng  xu hướng liên kết giữa các nước, các nhóm nước trong khu vực. Liên minh Bolivia cho châu Mỹ (ALBA), Tổ chức Hợp tác năng lượng vùng Caribê (Petrocaribe), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), MERCOSUR... là những không gian không chỉ bao gồm các thỏa thuận kinh tế mà còn đặt những “viên gạch” đầu tiên cho quá trình hợp tác, hội nhập về chính trị. Cuối tháng 4-2011, ở khu vực Mỹ Latinh đã xuất hiện thêm tiền đề cho sự ra đời hai liên kết mới. Đó là, đại diện của 30 nước trong khu vực Mỹ Latinh và Caribê đã nhất trí thông qua quy trình và các bước hành động tiến tới thành lập Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC). CELAC không bao gồm Mỹ và Canada, mang bản sắc riêng và thừa hưởng di sản của tổ chức Nhóm Rio và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Latinh và Caribe (CALC), đề cao nguyên tắc tôn trọng dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo vệ môi trường, nhân quyền và luật pháp quốc tế, kiến tạo hòa bình và an ninh khu vực.
Tiếp đó là sự kiện lãnh đạo các nước Pê-ru, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a và Mê-hi-cô ký Thỏa thuận Thái Bình Dương nhằm tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất và mở rộng thị trường. Thỏa thuận này được đánh giá là một công cụ để chinh phục các thị trường quốc tế, như thị trường châu Á và MERCOSUR (hiện gồm 4 nước Achentina, Brasil, Paragoay và Urugoay). Peru, Chile, Colombia và Mexicô được đánh giá là các nền kinh tế mở nhất tại Mỹ Latinh và là 4 quốc gia đứng đầu trong khu vực về ký kết các thỏa thuận tự do thương mại. Năm 2010, với thị trường gồm 204 triệu dân, GDP của liên minh thương mại này đạt 1.400 tỉ USD, tương đương 34,4% tổng GDP của khu vực. Kim ngạch ngoại thương của 4 quốc gia trên cũng chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất - nhập khẩu của khu vực, với 856 tỉ USD.
Một hình thức liên kết khác là liên kết xuyên lục địa với sự tham gia của Bra-xin vào nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ nhất trên thế giới bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, tạo thành nhóm BRIC. Tại cuộc gặp đầu tiên cấp ngoại trưởng ở thành phố Ekaterinbua (Nga), các thành viên BRIC đã ra Thông cáo chung, trong đó phản đối chủ nghĩa đơn phương và kêu gọi các quốc gia cùng nhau xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế mới dân chủ hơn và đa phương hơn... Ngoại trưởng Brasil, ông Celso Amorim tuyên bố: “Chúng tôi đang thay đổi trật tự thế giới hiện nay”. Và mới đây, với sự gia nhập của Nam Phi (ngày 24-12-2010), BRIC đã trở thành BRICS. Mạng Đánh giá chính trị thế giới (Mỹ) ngày 27-1-2011 đã nói đến “một làn gió mới” từ BRICS vì “rất có thể nó sẽ làm thay đổi bàn cờ địa - chính trị thế giới”.
Để tiếp tục phát triển và khẳng định
Để đóng một vai trò lớn hơn trên thế giới, khu vực này còn phải vượt qua không ít rào chắn và những trở ngại không nhỏ, như:
Thứ nhất, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn thấp đang làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế ở khu vực. Các nước Mỹ Latinh, trừ Brasil, đầu tư chưa tới 1% GDP cho nghiên cứu và phát triển, trong khi các nước công nghệ cao, ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đã đầu tư ít nhất 2% - 5% GDP.
Thứ hai, xuất hiện nguy cơ tăng trưởng quá nóng với những dấu hiệu như lạm phát cao, tín dụng tăng nhanh. Trong năm 2010, vốn FDI vào khu vực này đạt 112,6 tỉ USD, tăng 40% so với năm 2009. Brasil - nước đứng đầu về thu hút FDI với 48,46 tỉ USD, đồng thời cũng là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới đạt tốc độ 7,5% trong năm 2010, được cảnh báo là tăng trưởng quá nóng. Ông Nicolas Eyzaguirre, Giám đốc IMF khu vực Tây bán cầu cảnh báo các “bong bóng” tài sản của nhiều nước Mỹ La-tinh đang ngày càng phình to. Ngày 27-7, ECLAC nhận định, khủng hoảng nợ công ở Mỹ sẽ tác động mạnh đến Mỹ Latinh - khu vực có dự trữ ngoại tệ bằng USD lớn thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc).
Thứ ba, những yếu tố gây bất ổn chính trị. Bên cạnh xu hướng liên kết, xích lại gần nhau giữa một số nước, giữa các nhóm nước trong khu vực để tăng cường sức mạnh, thì những cuộc đảo chính, những xung đột, tranh chấp lãnh thổ, cũng như những căng thẳng về chính trị, ngoại giao ở một số quốc gia Mỹ Latinh trong thời gian qua là những yếu tố rất bất lợi cho tăng trưởng và phát triển. Tổng Thư ký OAS José Miguel Insulza cảnh báo rằng, sau vụ đảo chính tại Honduras hồi tháng 6-2009 lật đổ Tổng thống hợp hiến Manuel Zelaya và cuộc đảo chính bất thành tại Ecuado (tháng 9-2010), “Mỹ Latinh cần cảnh giác trước nguy cơ tiếp tục xảy ra những vụ việc tương tự, bởi ngay tại Mỹ Latinh vẫn có những nhóm người, dù chỉ là một bộ phận thiểu số, luôn sẵn sàng lợi dụng bất cứ hoàn cảnh nào để gây bất ổn chính trị”.
Thứ tư, tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy rất phức tạp. Hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô lớn, cùng sự thanh toán, bài trừ lẫn nhau giữa các băng nhóm tội phạm này là vấn đề rất nhức nhối, đe dọa an ninh và ổn định xã hội ở nhiều nước trong khu vực. Theo số liệu thống kê chính thức, riêng trong năm 2010, tại Mexico, bạo lực do hoạt động buôn bán ma túy gây ra đã khiến gần 15.300 người thiệt mạng tại Mexico. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2006 khi Tổng thống huy động quân đội triển khai trên toàn quốc chiến dịch truy quét tội phạm ma túy. Qua những vụ truy quét tội phạm ma túy ở các nước trong khu vực có thể thấy một nét chung là: điểm đến chủ yếu của ma túy, cần sa là Mỹ, phần lớn số lượng cocain được sản xuất ở Colombia, việc vận chuyển ma túy từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ được các băng đảng ở nhiều nước Mỹ Latinh thực hiện trên cả đường bộ và đường biển.
Thứ năm, sự ảnh hưởng và can thiệp từ phía Mỹ. Có một nghịch lý là, quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ Latinh - Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng dù cho tâm lý phản kháng và xu hướng muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ có chiều hướng lan rộng. Mỹ hiện là đối tác số 1 và có vai trò kinh tế quan trọng tại khu vực. Một số nước trong khu vực đã ký các hiệp định tự do thương mại song phương (FTA) với Mỹ. Thêm vào đó, Mỹ đang cố gắng thay đổi cách ứng xử với khu vực dựa trên lập luận rằng, Mỹ Latinh “rất đa dạng” và Mỹ không thể “áp dụng cùng một chính sách và như nhau với tất cả các quốc gia”. Khó có thể khẳng định rằng, cách ứng xử “mềm dẻo”, có phân biệt đó sẽ không gây chia rẽ, không ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa các nước trong khu vực.
Rõ ràng là, trên bình diện một thế giới rộng lớn đang đi lên phía trước nhưng với những bước đi dích dắc bởi những diễn biến phức tạp khôn lường, thì có một Mỹ Latinh mang nhiều khí sắc và đường nét mới, dù còn đứng trước nhiều rào chắn, trở ngại, nhưng đang dần khẳng định là một khu động lực. Một Mỹ Latinh có dân số trẻ với độ tuổi bình quân là 27 tuổi, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giàu khoáng sản, lương thực, lại sở hữu tiềm năng to lớn của cả bốn loại năng lượng hàng đầu trong thế kỷ XXI (nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu sinh học, năng lượng nguyên tử, kim loại có khả năng dự trữ năng lượng), được dự báo, sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn hơn trong một thế giới đang chuyển động theo xu hướng đa cực./.
------------------------------------------
(1) Các số liệu sử dụng trong bài viết được trích dẫn từ nguồn Thông tấn xã Việt Nam
Trúc Phong
(21./11/2011)