Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

24.Đóng góp cụ thể và thiết thực của Việt Nam tại APEC 19

TCCSĐT - Kể từ khi tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11-1998, Việt Nam đã từng bước phát huy tính tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại các Diễn đàn APEC được tổ chức hằng năm. Tại APEC 19, Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể và thiết thực để tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Đặc biệt, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức rất thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2006 tại Hà Nội. APEC 2006 do Việt Nam chủ trì đã phê chuẩn Chương trình hành động Hà Nội; thông qua các khuyến nghị cải cách APEC với nhiều biện pháp cụ thể nhằm làm cho APEC có sức sống ngày càng mạnh mẽ, trở thành tổ chức năng động và có hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực xây dựng nhiều nội dung hợp tác khác như tham gia soạn thảo các chiến lược và kế hoạch hành động của APEC trong tất cả các lĩnh vực; thực hiện nghiêm túc các cam kết của APEC; chủ động đề xuất nhiều sáng kiến mới và đã triển khai thành công khoảng 70 sáng kiến trong hầu hết các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, kỹ thuật, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, bảo đảm an ninh.


Tham gia APEC, Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp cận tốt hơn tới các nguồn vốn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý kinh tế thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại với các thành viên tham gia APEC, trong đó có những thành viên có nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada v.v..


Năm 2011, trong bối cảnh vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực không ngừng được nâng cao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự APEC 19 ở Honolulu (Mỹ) nhằm triển khai đường lối đối ngoại đề ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tham dự APEC 19, Việt Nam có điều kiện và cơ hội để tranh thủ các chương trình hợp tác phù hợp của APEC nhằm thiết thực góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại và chính trị với các đối tác, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam với các thành viên APEC.


Theo hướng triển khai đó, tại APEC 19, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra nhiều ý kiến cụ thể và quan trọng. Phát biểu tại các phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ đề APEC 19 là tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại, lấy đó làm định hướng chung để phối hợp chính sách và hành động. Chủ tịch nước đã đề nghị APEC cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, hành động mau chóng và quyết liệt trên các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm tránh nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái mới, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng đang được định hình của APEC trong cấu trúc khu vực và quốc tế.


Là quốc gia sớm tham gia các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), sáng 12-11-2011, trong khuôn khổ APEC 19, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự cuộc họp cấp cao của các thành viên TPP. Chủ tịch nước cho rằng, APEC cần nỗ lực toàn diện hơn để đóng góp tương xứng vào tiến trình gia tăng liên kết kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, cải cách hệ thống tài chính quốc tế và sớm kết thúc vòng đàm phán Doha. Đối với từng nền kinh tế và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, Chủ tịch nước nhấn mạnh, APEC cần ưu tiên các chương trình, dự án chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo và tăng cường kết nối nội khối, đặc biệt là các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN cũng như hợp tác tiểu vùng Mekong.


Liên quan đến nội dung hợp tác về sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, bảo đảm đủ năng lượng phục vụ, phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là hai nhiệm vụ cấp bách, không thể tách rời. Do đó, Việt Nam đang nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, APEC cần tăng cường đóng góp vào các nỗ lực quốc tế trong lĩnh vực này, nhất là “Sáng kiến nền kinh tế xanh” của Liên hợp quốc và “Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng”.


Thảo luận về chủ đề “Cải cách quản lý và cạnh tranh”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, để bảo đảm hợp tác hiệu quả hơn và giúp các thành viên nâng cao sức cạnh tranh, APEC cần lồng ghép nội dung hợp tác này vào việc thực hiện các Mục tiêu Bogo và Chiến lược tăng trưởng của APEC. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam coi cải cách hành chính và quản lý là một biện pháp quan trọng nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và hiệu quả, đồng thời đề nghị APEC cần bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của các thành viên.


Cũng trong khuôn khổ APEC 19, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham gia cùng các nhà lãnh đạo APEC đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) về 4 nội dung: hội nhập kinh tế khu vực; phát triển bền vững; doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo thêm việc làm. Phát biểu với ABAC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với sự phát triển của các nền kinh tế thành viên APEC. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp khoảng 60% GDP và tạo ra 90% việc làm mới. Vì thế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, ABAC và APEC tiếp tục ưu tiên lĩnh vực này, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh cá thể có thể hoạt động dễ dàng, liên kết và tham gia các chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. Từ đó, Chủ tịch nước đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể như trợ giúp tài chính; hỗ trợ đổi mới công nghệ; phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ công.


Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới thăm và có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Mỹ tại Trung tâm Đông Tây - một trong những trung tâm nghiên cứu chính sách lớn nhất của Hoa Kỳ và tại châu Á - Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên, lãnh đạo cấp cao Việt Nam có bài phát biểu tại cơ quan nghiên cứu có uy tín hàng đầu này, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo 11 quốc đảo ở Thái Bình Dương, đại diện nghị sỹ liên bang, lãnh đạo bang Hawaii và thành phố Honolulu cùng các nhà nghiên cứu, học giả và sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hawaii. Sau bài phát biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao đổi về các vấn đề kinh tế, chính trị của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Mỹ cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.


Bên lề Hội nghị cấp cao APEC 19, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các thành viên chính thức của Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có các cuộc gặp và tiếp xúc song phương với nhiều nguyên thủ, lãnh đạo thành viên APEC, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và Tổng thống các nước Chile, Peru, Thủ tướng Australia... Tại các cuộc gặp và tiếp xúc đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo các nước đã nhất trí về nhiều biện pháp đẩy mạnh hợp tác song phương giữa Việt Nam với các đối tác chủ chốt trong khu vực, nhất là về kinh tế - thương mại; phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cũng như trong khuôn khổ APEC và các diễn đàn đa phương khác. Nhân dịp này, Việt Nam đã ký kết với Chile "Hiệp định mậu dịch tự do", đánh dấu giai đoạn mới trong quan hệ hai nước; ký kết với Peru "Hiệp định hợp tác và hỗ trợ giữa các cơ quan hải quan".


Các doanh nghiệp APEC đánh giá cao những thành tựu có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam trong quá trình đổi mới và nỗ lực hội nhập quốc tế sâu và toàn diện; khẳng định ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới; sẽ tích cực mở rộng và triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam./.
Trà Mi (29/11/2011)