Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

8. Những đối tác để Mỹ tái can dự vào châu Á

Mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược Stratfor của Mỹ gần đây có đăng bài Partners for US re-engagement in Asia bình luận yếu tố trong chiến lược tái can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là cải thiện các mối quan hệ song phương với các bên tham gia chính trong khu vực, bao gồm cả những đồng minh truyền thống như Nhật Bản và Ôxtrâylia, lẫn các cường quốc đang nổi như Inđônêxia và Ấn Độ.




Mặc dù hai nước Inđônêxia và Ấn Độ sẽ lo ngại rằng mối quan hệ của họ với Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng, nhưng việc Mỹ chú ý hơn cũng mang lại cho họ nhiều cơ hội chiến lược để thực hiện các nhu cầu nội địa quan trọng. 
Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Ôxtrâylia và Inđônêxia, Chính phủ Mỹ đã tăng cường khoa trương về chiến lược tái can dự vào Đông Á của mình. Trong một bài viết có tiêu đề "Thế kỷ Thái Bình Dường của Mỹ" đăng trên tạp chí Chính sách đối ngoại số tháng 11, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gọi khu vực này là "động lực chính của đời sống chính trị toàn cầu" và hứa rằng Mỹ sẽ tham dự thực sự vào khu vực này. 
Mục tiêu chính của Mỹ trong chiến lược này là đối trọng lại Trung Quốc đang ngày càng mạnh, đặc biệt sau khi gần đây Bắc Kinh có những động thái, yêu sách một cách gây hấn về biển trong khu vực. Để đạt được mục tiêu này, Mỹ đã theo đuổi vai trò lãnh đạo trong các tổ chức đa phương của châu Á như diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Đông Á (EAS), đồng thời cố gắng tăng cường các mối quan hệ song phương với các nước châu Á, bao gồm cả các đồng minh truyền thống và các cường quốc đang nổi của khu vực. 
Các đồng minh truyền thống của Mỹ 
Chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần phải có yếu tố an ninh hàng hải. Mỹ dựa vào việc kiểm soát các đại dương để phát huy sức mạnh của mình ra toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng quan trọng cả về kinh tế và cạnh tranh. Do đó, Oasinhtơn đang tìm cách tăng cường sự cộng tác của mình với các lực lượng quân sự có khả năng ở khu vực, như Nhật Bản và Ôxtrâylia, để Mỹ nhận được cả sự hỗ trợ về an ninh và sự ủng hộ về chính trị cho sự hiện diện lâu dài tại khu vực. 
Trong năm qua, Nhật Bản và Mỹ đã nhận thấy các lợi ích chiến lược của họ tương đồng với nhau vì Trung Quốc ngày càng hung hăng trong vấn đề về biển ở khu vực. Mối quan tâm của Nhật Bản đối với vấn đề an ninh hàng hải của khu vực không chỉ nằm ở Đông Hải, khu vực tranh chấp các nguồn tài nguyên và lãnh thổ với Trung Quốc, mà cả ở Biển Đông. Sự thay đổi lãnh đạo cũng như thảm họa hạt nhân Fukushima cũng giúp đưa Tokyo và Oasinhtơn xích lại gần nhau hơn vì những vấn đề nội bộ làm Nhật Bản hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Cả Tôkyô và Oasinhtơn đang tạp trung sự chú ý của mình vào việc làm thế nào để giải quyết những thách thức trong một môi trường an ninh khu vực đang thay đổi và sử dụng an ninh hàng hải như là con đường chính để tăng cường sự can dự. 
Bên cạnh việc cải thiện các mối quan hệ song phương với Mỹ, Nhật Bản cũng đã thể hiện sự quan tâm đối với việc chấp nhận trách nhiệm lớn hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôkyô đã đề xuất mối quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ thông qua chính sách Hướng Đông của nước này và thể hiện rằng Nhật Bản có thể chấp nhận một cuộc đối thoại 3 bên với Ấn Độ và Mỹ về các vấn đề an ninh của khu vực. Nhật Bản cũng làm việc để thúc đẩy mối quan hệ với Mianma và phát triển các quan hệ an ninh với các bên liên qan tại Biển Đông như Việt Nam và Philíppin. 
Tương tự như Nhật Bản, Ôxtrâylia là một đối tác chiến lược cho những lợi ích của Mỹ tại khu vực. Vị trí then chốt nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cũng như cơ sở hạ tầng quân sự hiện có ở phía Bắc và phía Tây của Ôxtrâylia làm cho nước này là một đồng minh quan trọng trong việc hỗ trợ an ninh hàng hải ở các vùng biển của khu vực. Ôxtrâylia coi quan hệ đối tác với Mỹ là một cách để xây dựng các cơ hội kinh tế, đồng thời bảo đảm tự do đi lại cho các nguồn tài nguyên quan trọng. Sự hiện diện tăng lên của Mỹ sẽ đóng góp cho sự cân bằng của khu vực và giúp Ôxtrâylia có lợi thế trong khu vực và với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của nước này. 
Trong chuyến thăm Ôxtrâylia, Tổng thống Obama sẽ đến Darwin , Vùng lãnh thổ phía Bắc, tại đây ông sẽ hoàn tất thoả thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ của Ôxtrâylia - chìa khoá để Mỹ có một chỗ đứng. Chiến lược của Mỹ cho rằng cấu trúc đóng quân hiện có của Ôxtrâylia không đủ hiệu quả để giải quyết các thách thức đang nổi lên ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và do đó, trong cuộc họp tư vấn cấp bộ trưởng Ôxtrâylia - Mỹ năm 2010, hai bên đã đồng ý tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại quốc gia này. 
Inđônêxia 
Một chiến lược tái can dự lâu dài của Mỹ dựa trên vấn đề an ninh hàng hải sẽ bắt đầu với Inđônêxia. Quốc gia vạn đảo này bao trùm các tuyến đường biển quốc tế quan trọng thông qua đó các nguồn cung năng lượng và hàng hoá được vận chuyển. Inđônêxia, với sự hỗ trợ của Mỹ, cũng đang nổi lên là nhà lãnh đạo của các khối trong khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Là nền kinh tế lớn nhất ASEAN, Inđônêxia đã cố gắng tăng cường khả năng quân sự của mình với việc Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono gần đây công bố tăng 35%, ngân sách quốc phòng, đưa ngân sách quốc phòng của nước này lên mức khoảng 7,1 tỷ USD. Inđônêxia cũng đã đưa ra những đề nghị về vai trò lãnh đạo chính trị khu vực trước EAS 2011, khi đồng ý tuần tra chung với Việt Nam tại biên giới trên biển giữa hai nước trong tháng 9, và hợp tác với Ấn Độ trong việc tuần tra chung eo biển Malắcca. 
Quan hệ Mỹ - Inđônêxia bắt đầu ấm lên vào tháng 8/2010, khi chính quyền Obama dỡ bỏ lệnh cấm lực lượng quân sự Mỹ tiếp xúc với các lực lượng đặc biệt Kopassus của Inđônêxia kéo dài hàng thập kỷ. Tổng thống Obama cũng thăm đất nước này trong năm 2010, kêu gọi cải thiện các mối quan hệ của Mỹ với thế giới Hồi giáo và theo đuổi sự hợp tác về an ninh và kinh tế. Kể từ chuyến thăm của Tổng thống Obama, các cuộc đàm phán đã tiếp tục với những động thái như Oasinhtơn ủng hộ Giacácta chống lại phong trào độc lập Papuan dù Papuan có những cáo buộc quân đội vi phạm nhân quyền. Mỹ cũng đã đề xuất các sáng kiến thăm dò đại dương chung và hợp tác để thúc đẩy thương mại song phương. Hai bên cũng đã thực hiện các cuộc tập trận trên không cũng như là một phần trong Lá chắn Garuda 2011. Tổng thống Obama sẽ gặp Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono bên lề EAS lần này, nơi Yudhoyono sẽ tận dụng lợi thế của mối quan hệ chiến lược Mỹ - Inđônêxia để giành sự ủng hộ cho vai trò lãnh đạo khu vực đang tăng lên của Inđônêxia. 
Tuy nhiên, Inđônêxia đồng thời cũng cố cân bằng mối quan hệ cộng tác mới có với Mỹ với các mối quan hệ của nước này với Trung Quốc, như được thể hiện trong chương trình huấn luyện tác chiến đặc biệt Inđônêxia - Trung Quốc có tên Kiếm sắc 2011. Mặc dù Inđônêxia không muốn bị coi là đang chống lại hoặc kiềm chế Trung Quốc, nhưng Inđônêxia thấy những nhu cầu chiến lược của mình trong việc ủng hộ các đề xuất của Mỹ như cần phải đảm bảo an ninh hàng hải để việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên không bị hạn chế (vì việc xuất khẩu này rất quan trọng đối với nền kinh tế Inđônêxia). Quan hệ đối tác Giacácta - Oasinhtơn cũng giúp nâng cao quan niệm về vị thế lãnh đạo khu vực của Inđônêxia như là một đối tác cho một cường quốc thống trị, đảm bảo được lợi thế của Inđônêxia trước các cương quốc khu vực và quảng bá các thị trường cho thương mại song phương. 
Ấn Độ 
Ấn Độ là một đối tác chiến lược tiềm tàng quan trọng nhất trong chiến lược Mặt nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Ấn Độ và Mỹ có thể sẽ tiếp tục định hình sự hợp tác chiến lược của họ tại EAS ở Bali trong tháng 11 này, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh, kinh tế và chiến lược của khu vực. Một chiến lược Mặt nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương toàn diện đòi hỏi sự hợp tác trong vấn đề an ninh hàng hải và ảnh hưởng đang tăng lên của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương. 
Mỹ đang đặt cược vào vị thế đang tăng lên của Ấn Độ và sự sẵn sàng tiếp đón những bên tham gia tích cực hơn để đưa mình vào khu vực với tư cách là một bên tham gia nổi bật và có những lợi ích và mục tiêu chiến lược tương đồng. Chính quyền Obama đã cố gắng xây dựng các mối quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản gần gũi hơn bằng việc thúc đẩy các cuộc thảo luận ba bên. Kể từ khi tiến hành cuộc diễn tập Malabar năm 2001, Mỹ đã cố gắng thúc đẩy quan hệ quân sự Ấn Độ - Mỹ cũng như các mối quan hệ khu vực, bao gồm cả Nhật Bản, Ôxtrâylia và Xinhgapo tham gia Malabar 2007. Mỹ cũng ủng hộ các cuộc diễn tập quân sự của Ấn Độ gần biên giới Trung Quốc-Pakixtan. Oasinhtơn hy vọng phát triển mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ thành một diễn đàn chiến lược toàn diện và rộng lớn hơn, dù rằng vụ khủng bố 11/9 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã làm việc này trở thành mối quan tâm thứ yếu. Sự hợp tác chống khủng bố sau vụ 11/9, các mối lo ngại và các mục tiêu tại Đông Á cũng đã kéo Ấn Độ và Mỹ lại gần nhau hơn. Mặc dù, đối thoại chiến lược đã được khởi đầu thông qua vấn đề hạt nhân, nhưng phần lớn chương trình nghị sự chiến lược khu vực giữa hai nước vẫn chưa được đưa ra. 
Tuy nhiên, các mối quan tâm lẫn nhau không nhất thiết sẽ dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Ấn Độ trong khu vực. Những lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Đông Á cơ bản xuất phát từ những nhu cầu nội địa trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ các tuyến đường biển ở biển Andaman và nâng cao hình ảnh quốc tế của Ấn Độ là một cường quốc đang lên. Ấn Độ cũng đang tìm kiếm các thị trường để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của mình, cách thức để cải thiện thâm hụt năng lượng nội địa và các biện pháp để giải quyết các mối lơ ngại về an ninh - tất cả những điều này cần sự tiến bộ của chính sách Hướng Đông. Do đó, Ấn Độ đã cố gắng đa dạng hoá các nguồn năng lượng của mình từ các nguồn không ổn định ở Trung Đông và Tây Phi sang các địa điểm tương đối ổn định như Việt Nam và Mianma, đồng thời cố gắng xây dựng các mối quan hệ tích cực thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin ở khu vực này. Trong năm 2010, Ấn Độ chỉ mua được 30,6 triệu thùng dầu từ các nước ASEAN, trong khi Trung Quốc mua được 210,3 triệu thùng. 
Ấn Độ đã thể hiện các dấu hiệu của việc tham gia chiến lược của Mỹ ở Đông Á thông qua các mối quan hệ với Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, ủy quyền Hải quân Ấn Độ là nhà đảm bảo an ninh cuối cùng cho các quốc đảo ở khu vực Ấn Độ Dương, quan hệ kinh tế với Mianma và cùng tuần tra eo biển Malắcca với Inđônêxia. Ấn Độ có thể thấy là thích đáng để theo đuổi các lợi ích ở các nước ASEAN thông qua chính sách Hướng Đông, đi cùng với sự hợp tác với Mỹ trong các vấn đề của khu vực. An ninh hàng hải sẽ đòi hỏi khả năng hải quân và sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là khi Ấn Độ đánh giá Trung Quốc có thể đe doạ đến vùng biển Andaman và khu vực ngoại biên Ấn Độ Dương của mình. Cụ thể, các mối quan hệ và hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương và ASEAN làm Ấn Độ lo ngại về sự yếu đuối và dễ tổn thương của mình. 
Do đó, Ấn Độ có thể tìm cách để có lợi từ việc sức mạnh của Trung Quốc tăng lên và việc sự chú ý bị lái sang các vấn đề ít liên quan đến lĩnh vực quan tâm chiến lược của Ấn Độ. Thái độ gây hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và Đông Hải và mong muốn đồng thời của các bên liên quan đến châu Á - Thái Bình Dương nhằm giải quyết các vấn đề này đã tạo một cơ hội bất ngờ cho Ấn Độ để tái thực hiện các nhu cầu chiến lược của mình thông qua việc lái sự quan tâm của Trung Quốc về gần khu vực ngoại biên của Bắc Kinh hơn. Với việc Nhật Bản đang thúc đẩy cho mối quan hệ quân sự và hải quân Ấn Độ - Nhật Bản gần gũi hơn dựa trên Kế hoạch hành động 2009, Mỹ hy vọng với sự nổi lên của Ấn Độ ở Đông Á thông qua các thoả thuận 3 bên và các quốc gia ASEAN cũng mở cửa cho vị thế của Ấn Độ tại Đông Nam Á tăng lên, Ấn Độ có thể thấy thích hợp để tiếp tục tham gia các cuộc thảo luận an ninh, kinh tế và chiến lược của khu vực. Tuy nhiên, mối quan tâm cơ bản của Ấn Độ là việc kiếm được các nguồn năng lượng và thị trường mới và ổn định. 
Chiến lược tái can dự của Mỹ đã tập trung vào vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải và tạo một điểm chốt ở khu vực trước sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc. Các nước mà Mỹ hy vọng là điểm tựa cho chiến lược của mình ở khu vực lại không muốn mối quan hệ của họ với Bắc Kinh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mối quan tâm đối với chiến lược của Mỹ lại xuất phát từ một đòi hỏi chiến lược trong đó sự hiện diện lớn hơn của Mỹ sẽ tạo điểm tựa cho đòn bẩy, đảm bảo tự do hàng hải, tăng cường các cơ hội kinh tế và củng cố vị thế lãnh đạo của các cường quốc đang nổi. Đối với Ấn Độ và Inđônêxia, hợp tác với Mỹ còn mang lại những cơ hội chiến lược quý giá./. 
Theo Stratfor
Thuỳ Anh(gt)