Thưa
ông, Việt Nam cần phải làm gì để thu hút đầu tư? Làm thế nào để doanh
nghiệp Việt Nam phát triển thành công và đưa được thương hiệu của mình
ra thế giới?
Việt Nam đang ở trong khu vực nóng về
phát triển kinh tế, có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư.
Quan trọng là, Việt Nam cần gửi ra thế giới những thông điệp rõ ràng về
việc các nhà đầu tư nước ngoài khi đến đây sẽ được đối xử tốt như thế
nào. Vốn có ở khắp nơi nhưng các nhà đầu tư chỉ đến nơi mà họ nhận được
sự tôn trọng. Do vậy, Việt Nam phải xây dựng được một nhà nước pháp
quyền tốt, bảo vệ được quyền lợi của các nhà đầu tư, thí dụ như vấn đề
tôn trọng bản quyền.
Thu hút đầu tư không chỉ mang lại
tiền, mà còn là kinh nghiệm, công nghệ, kỹ năng. Có những điều đó, Việt
Nam mới có thể phát triển mạnh mẽ hơn, có sức cạnh tranh, sản phẩm chất
lượng hơn. Việc xuất khẩu tăng sẽ đem về nhiều ngoại tệ hơn, bên cạnh
đó, các công ty có doanh số tăng trưởng sẽ có thêm nhiều việc làm cho
người lao động… Từ đó tạo nên sự thịnh vượng cho doanh nghiệp và cho
toàn bộ nền kinh tế.
Một doanh nghiệp, dù ở bất kỳ đâu trên
thế giới đều phải cạnh tranh để đưa ra những sản phẩm tốt hơn, giá cả
hấp dẫn hơn, buộc họ phải không ngừng sáng tạo. Các công ty muốn phát
triển phải tìm đến những thị trường tốt để khai thác cung - cầu. Bấy giờ
sự thịnh vượng của một quốc gia rất có ý nghĩa bởi nó nói lên bản chất
của thị trường
Một số chuyên gia và tổ chức quốc
tế cho rằng“bức tranh” doanh nghiệp Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề,
vậy điều gì khiến ông tin tưởng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng và
thu hút đầu tư?
Việt Nam là một quốc gia đang tăng
trưởng rất tốt, GDP tăng trưởng cao, đặc biệt là dân số nước các bạn rất
đông, tốc độ gia tăng nhanh, đó là một nguồn lực dồi dào, hứa hẹn giá
nhân công thấp… Tuy nhiên, kỹ năng lao động của người lao động Việt Nam
vẫn còn thấp. Vì vậy, nếu các bạn giải quyết được vấn đề nâng cao kỹ
năng và trình độ của người lao động thì sẽ góp phần tăng hiệu quả hoạt
động cho doanh nghiệp, các đối tác nước ngoài sẽ muốn đến Việt Nam.
Tôi có lạc quan hay không, câu trả lời
đó phụ thuộc vào Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Nhưng tôi muốn nhấn
mạnh, Việt Nam có nhiều điểm tốt, có nền tảng để phát triển thịnh vượng.
Đó là nền văn hóa, tính sáng tạo của người dân, những tài sản quý giá
để tạo nên sự thịnh vượng. Bên cạnh đó, nền giáo dục, bản tính ham học
hỏi có vai trò thiết yếu và quan trọng. Việt Nam cũng đã có ý tưởng cải
thiện cán cân thương mại bằng việc xây dựng các thị trường chiến lược.
Điều này sẽ có tác động tích cực lâu dài. Và thời gian sẽ giúp trả lời
câu hỏi về tiềm năng của các bạn
Theo ông Việt Nam cần phải cải thiện chính sách và môi trường pháp lý như thế nào để trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư?
Các bạn phải xây dựng một môi trường
pháp lý thuận lợi, mang tính hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các nhà đầu
tư nước ngoài. Môi trường pháp lý phải công bố trước cho các nhà đầu tư
để các nhà đầu tư được biết vì các nhà đầu tư không thể ra một quyết
định đầu tư một cách chính xác trong khả năng của họ khi mà môi trường
pháp lý không hỗ trợ họ.
Hệ thống pháp luật cần phải có sự
tương thích. Lấy ví dụ, với một nhà đầu tư, Luật hợp đồng đóng vai trò
rất quan trọng, khi ký hợp đồng, xử lý một quan hệ đầu tư khi thực hiện
nó, cơ quan có thẩm quyền liệu có phán xét một cách công bằng hay không,
hay tính thực thi của Luật đến đâu khi có mâu thuẫn, tranh chấp… là
những quan tâm số một của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài
còn quan tâm đến những quy định và luật khác như luật quản lý tài sản
công ty, luật sở hữu trí tuệ,…, tất cả đều cần phải được hoàn thiện và
củng cố.
Nhiều công ty tư vấn, tập đoàn đa
quốc gia nhận định rằng Việt Nam nếu muốn tiến ra toàn cầu thì nên theo
mô hình quản trị của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Vậy lời khuyên
của ông là gì?
Các bạn nên xây dựng một danh sách các
nền kinh tế nào trên thế giới đã phát triển thành công để học hỏi từ họ
một cách có chọn lọc chứ không thể sao chép nguyên xi. Nghĩa là doanh
nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phải biết cách tự lèo lái để biến những
thành công trong thực tiễn của các nước khác thành của mình nhưng phải
phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, còn có Ấn
Độ, nơi cũng có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thành công. Việc
đặt trọng tâm vào doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất sáng suốt, vì đó là nơi
tạo ra nhiều công ăn việc làm. Nhỏ nhưng năng động, giàu nhiệt huyết
hoạt động là yếu tố cấu thành quan trọng của nền kinh tế.
Diễn Tú (thực hiện)
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KinhTe/2011/11/05E44551A93B7196/
|