Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

20.Nhật Bản sẽ đảm nhận vai trò mới ở Biển Đông

Mạng phân tích tình báo chiến lược "Stratfor" của Mỹ gần đây có đăng bài Japan taking a new role in the South China Sea cho rằng việc Nhật Bản ký thoả thuận hợp tác quân sự với Philíppin cho thấy nước này dường như đang xem xét việc can dự lớn hơn vào những tranh chấp ở Biển Đông. 


Trong chuyến thăm của Tổng thống Philíppin Benigno Aquino đến Nhật Bản từ ngày 25 - 27/9, Philíppin và Nhật Bản đã ký thoả thuận hợp tác quân sự để mở rộng các cuộc tập trận hải quân chung và các cuộc đàm phán định kỳ giữa các quan chức hải quân.
Thoả thuận đã đưa quan hệ của hai nước vượt qua các mối quan hệ kinh tế truyền thống và bước vào lĩnh vực an ninh. Tổng thống Benigno Aquino đã nói trước chuyến đi của mình rằng ông cũng tìm kiếm sự ủng hộ của Chính phủ Nhật Bản trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. 
Mặc dù tránh can dự trực tiếp vào những tranh chấp ở Biển Đông, nhưng lợi ích của Nhật Bản ở Biển Đông là lâu dài và thực tế, có liên quan đến các mối lo ngại địa lý trực tiếp của nước này: đảm bảo việc tiếp cận các tuyến đường thương mại và các nguồn tài nguyên mà quốc đảo này thiếu. Hồi đầu năm nay, những căng thẳng ở Biển Đông tăng lên giữa Trung Quốc, Philíppin và Việt Nam vì Bắc Kinh ngày càng khẳng định những đòi hỏi về lãnh thổ của mình. Trong khi đó, Nhật Bản cũng coi việc ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng là một thách thức đối với vị thế vốn vững chắc của Tôkyô ở Đông Nam Á. Nhật Bản cũng coi sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với tuyến đường biển then chốt của nước này và đối với tầm ảnh hưởng chiến lược của chính mình. Khi các nước có khẳng định chủ quyền ở Biển Đông khác tìm kiếm sự cộng tác để củng cố các luận điểm của họ và khi Mỹ khôi phục lại sự can dự của mình ở khu vực, Tôkyô có thể sử dụng những tranh chấp ở Biển Đông để xác lập lại vị thế của mình ở Đông Nam Á. 
Lợi ích của Nhật Bản ở Đông Nam Á 
Nhật Bản đã hoạt động tích cực ở Biển Đông vì công cuộc công nghiệp hoá buộc nước này phải bảo vệ các tuyến đường thương mại và tìm kiếm các nguồn tài nguyên. Điều này song hành với công cuộc quân sự hoá và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Nhật Bản. Nhật Bản đã bắt đầu khai thác ở quần đảo Trường Sa từ năm 1918 và chiếm đóng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai để triển khai quân sự của nước này tại châu Á - Thái Bình Dương. 
Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, chính sách của Nhật Bản là để trở thành nhà lãnh đạo về kinh tế ở Đông Nam Á, chủ yếu thông qua viện trợ và đầu tư, và để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực với một học thuyết quân sự hạn chế. Từ năm 1977 đến 1992, viện trợ phát triển của Nhật Bản cho các nước Đông Nam Á đã tăng từ 1,42 tỷ lên 50 tỷ USD. Trong khoảng thời gian này, Nhật Bản đã giành được ảnh hưởng đáng kể đối với Đông Nam Á và can dự nhiều vào các công việc của khu vực. 
Tuy nhiên, kể từ thập niên 1990, ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực đã giảm đáng kể do những hạn chế về kinh tế và chính trị ở trong nước và do những thách thức nổi lên từ các đối thủ khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Biển Đông không còn quan trọng đối với Nhật Bản. Việc nhập khẩu dầu mỏ và các nguyên liệu thô có ý nghĩa sống còn với một nước nghèo năng lượng và tài nguyên như Nhật Bản. Hiện tại, Nhật Bản phụ thuộc gần như 100% vào dầu thô nhập khẩu, 88% số đó lại được vận chuyển qua Biển Đông. Hơn nữa, eo biển Malắcca là một tuyến vận chuyển quan trọng để hàng hoá của Nhật Bản đi ra các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, những hạn chế của Nhật Bản cùng với sự quan tâm yếu đi của Mỹ đối với khu vực đã cho phép Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng chính trị và kinh tế đang tăng lên của nước này để coi mình là một cường quốc đang nổi lên ở khu vực Đông Nam Á. 
Những lo ngại của khu vực đối với Trung Quốc 
Trong 5 năm qua, chiến lược biển và việc phát triển quân sự của Trung Quốc đã tạo ra những lo ngại trong các quốc gia Đông Nam Á về việc Trung Quốc xây dựng quân đội và sự hồi sinh những căng thẳng ở Biển Đông. Những diễn biến này cũng thu hút sự chú ý của Nhật Bản, nước coi thái độ ngày càng gây hấn của Trung Quốc ở các vùng biển là môt mối đe dọa tiềm tàng đối với các tuyến đường cung ứng của Nhật Bản. Nhật Bản cũng có những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc liên quan đến quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông và đã dẫn đến các cuộc tranh cãi thường xuyên với Bắc Kinh liên quan đến các dự án thăm dò chung. Đối với Nhật Bản, việc Trung Quốc tăng cường quân đội và những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông không chỉ cho thấy cách tiếp cận tương tự có thể được sử dụng trong những tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, mà còn cho thấy Trung Quốc muốn có một vai trò thống trị hơn trong các công việc ở Đông Nam Á. 
Trước đây, Nhật Bản không muốn thách thức trực tiếp Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, gần đây, Tôkyô đã có thái độ mạnh mẽ hơn trong các vấn đề của khu vực, đặc biệt là liên quan đến Biển Đông. Do những căng thẳng ở vùng biển này đã gia tăng mức độ cao mới hồi đầu năm nay, Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại đối với sự thống trị các vùng biển của Trung Quốc tại các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hỗ trợ các quốc gia có liên quan kêu gọi sự quan tâm chú ý lớn hơn đến vấn đề an ninh khu vực. 
Nhật Bản dường như cũng đã thúc đẩy những nỗ lực của mình để làm Oasinhtơn quan tâm hơn đến Biển Đông. Điều này được thể hiện thông qua ý định của Tôkyô thúc đẩy một khuôn khổ cho sự hợp tác Mỹ - Nhật Bản cùng với các nước ASEAN để ép Trung Quốc tuân thủ các quy định quốc tế. Nhật Bản cũng thúc đẩy sáng kiến hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc để xoa dịu những căng thẳng ở Biển Đông và đề xuất các cuộc đối thoại Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản về các vấn đề an ninh khu vực. Tiếp đó, Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản (JMSDF) hồi đầu năm nay đã triển khai đến Biển Đông để tham gia một cuộc diễn tập quân sự nhỏ với Mỹ và Ôxtrâylia ở ngoài khơi Brunây. 

Vai trò có thể thay đổi của Nhật Bản 
Nhiều thay đổi đã làm cho Nhật Bản có thể sử dụng những căng thẳng ở Biển Đông để có quan điểm mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc. Thứ nhất, nhờ Mỹ lại quan tâm đến những công việc ở châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản - đồng minh hùng mạnh nhất của Mỹ ở khu vực, đã chịu áp lực từ Oasinhtơn phải đảm nhận vai trò lớn hơn trong các công việc của khu vực nhằm đối trọng với Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, Nhật Bản đã dần rời xa cái ô an ninh của Mỹ và bắt đầu chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo vệ mình. Điều này, cùng với sức mạnh kinh tế tăng lên và sự hiện đại hoá và mở rộng quân sự của Trung Quốc ở khu vực, đã làm cả Oasinhtơn và Tôkyô phải xem xét lại các mối quan hệ của mình với Bắc Kinh. Lợi ích của Nhật Bản trong việc bảo vệ tuyến đường biển của mình trước sự xâm lấn của Trung Quốc đã làm Tôkyô có thêm động cơ đảm nhận một vai lớn hơn trong vấn đề an ninh khu vực. 
Thứ hai, Nhật Bản có thể muốn tiếp tục mở rộng vai trò của JMSDF để giải quyết vấn đề dễ bị tổn thương của tuyến đường cung cấp năng lượng và mối đe dọa chung do Trung Quốc gây ra - cả hai điều này đang ngày càng trở nên quan trọng. JMSDF được xem là một trong những lực lượng hải quân tinh vi và giỏi nhất thế giới, nhưng những ký ức còn lại của Chiến tranh Thế giới thứ Hai và những quan niệm của công chúng về quân đội Nhật Bản đã cản trở mạnh mẽ sự phát triển của nó. Những quan niệm này thể hiện những dấu hiệu của sự thay đổi dần dần, làm cho Tôkyô dễ dàng hơn trong việc ủng hộ triển khai quân đội vì mục đích nhân đạo và ở nước ngoài, như người ta đã thấy khi JMSDF phản ứng với thảm họa sau động đất và sóng thần 11/3. Do đó, sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông có thể giúp thanh minh cho các chiến dịch của JMSDF.
Cho đến nay, việc mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) mới chủ yếu tập trung vào việc cứu trợ thiên tai hoặc các nhiệm vụ gìn giữ hoà bình, nhưng nhiệm vụ chống cướp biển ngoài khơi Xômali và căn cứ không quân ở Gibuti cho thấy ý định của Tôkyô tăng cường sự hiện diện hoà bình của JSDF ở nước ngoài. Việc huấn luyện song phương JMSDF với các quốc gia Đông Nam Á có thể là sự bắt đầu của một sự can dự quân sự lớn hơn ở Biển Đông nói riêng. 
Cuối cùng, Nhật Bản cũng đã theo đuổi mối quan hệ an ninh song phương và đa phương với các nước khác trong khu vực, với sự tham gia của Mỹ. Tôkyô đã hợp tác quốc phòng với các nước, bao gồm Philíppin và Việt Nam - cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, và Ấn Độ, nước có lợi ích chiến lược trong việc kiềm chế sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Một số hội nghị thượng đỉnh song phương liên quan đến quốc phòng và các cuộc đối thoại ba bên bao gồm cả Mỹ cũng đã được đưa ra. Các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông tin rằng hợp tác với Nhật Bản có thể làm tăng sức mạnh của họ trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, thu hút sự chú ý quốc tế đối với những tranh chấp lãnh thổ. Hơn nữa, hợp tác với Nhật Bản còn là một cơ hội rất tốt đối với Philíppin. Mặc dù dường như việc Nhật Bản quan tâm đến Biển Đông là một phần trong chiến lược của nước này để giành lại ảnh hưởng ở Đông Nam Á khi mà Trung Quốc ngày càng gây hấn, nhưng Tôkyô dường như vẫn tiếp cận một cách thận trọng để tránh nguy cơ căng thẳng hơn với Bắc Kinh. Vẫn chưa rõ liệu chính phủ mới của Nhật Bản muốn có quan điểm quyết đoán chống lại Trung Quốc trong các vấn đề biển hay không. Cho đến nay, nội các mới của Nhật Bản dường như không có kế hoạch cho bất kỳ một bước đi mạnh mẽ nào trong lĩnh vực này. Trước khi thực hiện một bước đi lớn nhằm tái thể hiện vai trò của mình ở Đông Nam Á, Tôkyô có thể phải tập hợp sự ủng hộ chính trị và cân đối cho phù hợp với chiến lược chung của Mỹ ở khu vực./.
Theo Stratfor
Hồng Hạnh(gt)
http://www.nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/2123-2123