"Chiếm phố Wall"
Điều ngạc nhiên là phong trào "Chiếm
giữ" tại Mỹ được bắt nguồn từ thành phố New York - thành trì của chủ
nghĩa Tư bản thế giới với "phiên bản gốc" là phong trào "Chiếm giữ phố
Wall". Được khơi dậy từ phong trào "Những người phẫn nộ" tại Tây Ban Nha
hồi giữa năm nay, "Chiếm giữ phố Wall" được một nhóm hoạt động có tên
Adbusters đặt trụ sở tại Canada khởi xướng. Thông qua việc đưa tin đậm
nét các cuộc biểu tình ở Tây Ban Nha trên một tờ tạp chí của mình, nhóm
Adbusters đã đề xướng tổ chức những cuộc xuống đường tương tự tại phố
Wall - nơi đặt trụ sở những cơ quan tài chính và tập đoàn tài chính ngân
hàng hàng đầu của Mỹ. Mục đích của những người biểu tình là nhằm chống
lại sự bất bình đẳng thu nhập trong xã hội, chống những ảnh hưởng của
các tập đoàn tài phiệt đến hệ thống tài chính Mỹ và thể hiện sự thất
vọng đối với cơ chế luật pháp điều hành nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Bắt đầu từ ngày 17/9/2011 với sự kiện
5.000 người tràn vào khu Hạ Manhattan và chiếm giữ phố Wall, phong trào
trên nhanh chóng thu hút được sự tham gia đông đảo của thành viên nhiều
nhóm hoạt động khác cũng như của những người dân thu nhập thấp thuộc mọi
thành phần lứa tuổi, chính trị, tôn giáo, chủng tộc… Tại New York,
nhiều chính trị gia có tiếng cũng đã tham gia vào các đoàn biểu tình.
Tạo được hiệu ứng xã hội ngoài mong
đợi, phong trào "Chiếm phố Wall" nhanh chóng lan ra nhiều địa phương
khác tại Mỹ, từ Providence, Đảo Rhode, Tampa hay Florida ở vùng duyên
hải phía Đông cho đến Seattle, Los Angeles, San Francisco ở bờ Tây,
khoảng 70 thành phố cùng 600 cộng đồng dân cư trên khắp nước Mỹ đã tham
gia vào làn sóng phản đối này. Khẩu hiệu "Chiếm phố Wall" đã nhanh chóng
được "địa phương hóa" thành những "Chiếm Los Angeles", "Chiếm Atlanta"
hay "Chiếm Boston"… Nhóm Adbusters tuyên bố: "Bắt đầu từ một yêu sách
đơn giản - Thành lập một ủy ban của Tổng thống nhằm tách biệt tiền bạc
khỏi chính trị, chúng tôi đang bắt đầu xây dựng lịch trình cho một nước
Mỹ mới".
"Chúng tôi là 99%"
Thành phần tham gia các nhóm biểu tình
phần lớn là những người bất mãn với những bất công của xã hội tư bản
Mỹ. Mục tiêu của họ rất đa dạng, từ bất bình đẳng thu nhập, bất công xã
hội cho đến biến đổi khí hậu… nhưng trên hết, họ chống những bê bối,
tham lam và sự thiếu trách nhiệm của giới tư bản tại phố Wall - kinh đô
tài chính của Mỹ và thế giới. Họ bất mãn vì trong khi cả nước Mỹ phải
thắt lưng buộc bụng, trong khi chính phủ phải vất vả "nâng trần nợ công"
thì giới chủ tư bản giàu có lại ung dung hưởng lợi, vô trách nhiệm
trước tình trạng khủng hoảng kinh tế của đất nước. Một đoạn video trên
Youtube đã quay được cảnh trong khi những người biểu tình gào thét dưới
phố Wall thì ở trên lan can các tòa nhà cao tầng, nhiều nhà tài phiệt
vẫn ung dung uống champagne, quan sát cuộc tuần hành một cách dửng dưng.
Một trong những thông điệp được người
biểu tình sử dụng nhiều nhất là: "Chúng tôi chiếm 99%", hàm ý rằng thủ
phạm gây nên những khó khăn của nền kinh tế Mỹ hiện nay là những người
giàu có - vốn chỉ chiếm 1% dân số nhưng lại nắm giữ hơn 40% tổng tài sản
của toàn nước Mỹ, trong khi 99% người dân còn lại lại phải chịu những
hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng này - mất việc, mất nhà… Giới trẻ
và những người dân thuộc tầng lớp trung lưu - lực lượng chính tham gia
biểu tình cảm thấy rằng họ đang phải trả giá thay cho những hoạt động
phi pháp, kém hiệu năng của các tập đoàn, công ty "siêu quyền lực" cũng
như cho sự quản lý yếu kém của các cơ quan tài chính và chính trị Mỹ.
Vậy 1% còn lại nghĩ gì? Trong một buổi
họp báo hôm 6/10, Tổng thống Obama đã phát biểu rằng ông thấu hiểu
những lo lắng của những người biểu tình đối với hệ thống tài chính của
nước Mỹ nhưng đồng thời, ông cũng lên tiếng bảo vệ những người làm trong
ngành này khi cho rằng công việc của họ là cần thiết cho sự tăng trưởng
của nền kinh tế đất nước. Đây là lần đầu tiên từ khi phong trào "Chiếm
phố Wall" nổ ra, mối quan tâm của công luận được chuyển từ những người
biểu tình "chiếm 99%" dân số đất nước sang "1%" còn lại.
Giới chủ ngân hàng tại phố Wall bắt
đầu tìm cách lên tiếng. Một số phân trần rằng số phận của họ cũng chẳng
khác những người biểu tình là mấy. Giám đốc Chi nhánh New York của Cục
Dự trữ Liên bang Kathryn Wylde cho rằng nếu những người biểu tình và
những người làm việc tại phố Wall có thể thực sự nói chuyện với nhau, họ
sẽ tìm thấy ở nhau nhiều điểm chung hơn là những điểm mâu thuẫn.
Một số khác thì tìm cách khởi động
những cuộc "phản biểu tình" chống lại phong trào "Chiếm giữ". Ứng viên
Tổng thống năm 2012 của đảng Cộng hòa Herman Cain coi các cuộc biểu tình
là "chống lại giới tư bản" và phản kích lại những người biểu tình rằng:
"Đừng có đổ lỗi cho phố Wall hay các ngân hàng lớn, nếu quý vị không có
việc làm hay không giàu có, hãy đổ lỗi cho chính mình!" Một số khác tỏ
ra ôn hòa hơn: Trên trang mạng xã hội Reddit, một người tự nhận là nhà
sáng lập của một công ty kỹ thuật đã viết như sau: "Tôi là một triệu phú
và là một trong số 1%... Tôi có nghĩ là (những người làm ở) phố Wall có
đáng bị lên án không? Có và không… Họ phục vụ những thứ mọi người muốn.
Thật không may, những thứ đó lại có chất lượng thấp… Vấn đề thực sự ở
đây là ở những chính trị gia, những người đáng ra nên chỉnh đốn lại hệ
thống ngân hàng tốt hơn". Nhân vật trên cũng lên tiếng bảo vệ những
người làm giàu chính đáng bằng công sức của chính họ chứ không dựa dẫm
vào tài sản thừa kế từ tổ tiên: "Nhiều người đã phải làm việc cật lực để
có được một vị trí nhất định… Thật khó chấp nhận (cho họ) khi bị ai đó
lấy đi mất tiền bạc của mình, điều đó giống như sự trừng phạt cho những
thành công của họ".
Trong khi đó, nhiều người thuộc số
"1%" lại tỏ ra bàng quan, không mấy quan tâm đến những sự kiện ồn ào
đang diễn ra. Một số cho rằng họ còn nhiều vấn đề quan trọng hơn để lo
nghĩ. Trang mạng Yahoo Finance chỉ ra rằng có một sự phân cách căn bản
giữa những người biểu tình với giới chủ ngân hàng: Hầu hết những người
biểu tình không phải là khách hàng hay thậm chí "khách hàng của khách
hàng" của các công ty ở phố Wall nên nhiều người ở đây nghĩ rằng các
cuộc biểu tình đơn giản là chẳng ảnh hưởng gì đến họ, một số chủ ngân
hàng khác lại cho rằng công việc của họ có mục đích cao cả là nhằm phục
vụ cho ngành tài chính toàn thế giới chứ chẳng gây tổn thương cho ai
hết.
Đi tìm căn nguyên
Theo các nhà phân tích, có ba nguyên
nhân chính dẫn đến phong trào biểu tình tại Mỹ lần này. Thứ nhất, do sự
bất bình đẳng tồn tại dai dẳng và ngày càng sâu sắc trong xã hội Hoa Kỳ.
Nhân sự kiện "Chiếm giữ phố Wall", trang businessinsider.com đã cho
công bố những số liệu thống kê đáng giật mình về tình trạng chênh lệch
giàu nghèo và bất bình đẳng trong xã hội Mỹ hiện nay: Tiền lương của các
CEO (Giám đốc điều hành) gấp 350 lần lương công nhân (giai đoạn 1960 -
1985 mới chỉ là 50 lần). Tính từ năm 1990 đến nay, lương của các CEO
tăng 300%, lợi nhuận của các công ty tăng gấp đôi trong khi lương trung
bình của công nhân ngành sản xuất chỉ tăng 4%. Lương tối thiểu trên toàn
quốc thậm chí còn giảm. Tiền công mỗi giờ làm của công nhân sau khi
điều chỉnh lạm phát không hề tăng trong suốt 50 năm qua. Trong khi đó,
lợi nhuận sau thuế của các công ty Mỹ lên cao kỷ lục từ trước đến nay
(gần 1.500 tỷ USD). 1% người giàu nhất nước Mỹ sở hữu đến 42% tài sản,
5% người giàu nhất sở hữu 70% tài sản trong khi 80% người nghèo nhất
chia nhau vỏn vẹn 7% giá trị tài sản toàn quốc. 1% người giàu nhất chỉ
phải chịu 5% tổng số nợ quốc gia trong khi 90% người nghèo nhất phải
"cõng" đến 73% số tiền nợ của cả nước. Mỹ xếp thứ 93 trong bảng xếp hạng
bình đẳng thu nhập của các quốc gia trên thế giới, xếp sau nhiều nước
châu Âu, Ấn Độ (56), Trung Quốc (81), Nga (82) và thậm chí cả Iran (90).
Nhìn vào số liệu thống kê trên, có thể dễ dàng hiểu được vì sao người
biểu tình tại Mỹ lại chán ngán vì sự bất công trong xã hội.
Thứ hai, do hệ quả của khủng hoảng tài
chính - tiền tệ, kinh tế Mỹ đã chịu những hậu quả nặng nề. Mặc dù chính
phủ Mỹ đã thực hiện nhiều nỗ lực như cắt giảm chi tiêu công, tăng nguồn
thu từ thuế, chấm dứt trợ cấp cho các hoạt động ít giá trị kinh tế,
loại bỏ các trợ cấp quá mức cần thiết gây lãng phí, tăng trần nợ công,
chi tiền mạnh tay để tạo việc làm… nhưng nhìn chung tình hình kinh tế Mỹ
vẫn hết sức ảm đạm. Ba năm sau khi nổ ra khủng hoảng tài chính, tỷ lệ
thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức cao nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái (1929
-1933) đến nay (9,1%) trong khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,9% trong
nửa đầu năm 2011 - tỷ lệ tăng trưởng trong sáu tháng thấp nhất kể từ khi
cuộc khủng hoảng tài chính chấm dứt cách đây hai năm. Tỷ lệ tăng trưởng
thấp và thất nghiệp cao dẫn đến nhiều người mất việc làm, mất nhà ở,
dịch vụ an sinh xã hội không được đảm bảo như trước.
Thứ ba, tổ chức các cuộc biểu tình vào
thời điểm cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ đang bắt đầu diễn ra,
những người biểu tình hy vọng sẽ tạo ra được một sức ép xã hội đáng kể
lên các ứng viên Tổng thống năm 2012 của cả hai đảng. Thông điệp họ đưa
ra là dù đảng nào lên cầm quyền vào năm sau thì hãy biết quan tâm đến
đời sống dân nghèo, điều chỉnh lại các cơ chế, chính sách nhằm giảm bớt
sự phân cực trong xã hội hiện nay.
"Chiếm giữ Thế giới"?
Vượt ra ngoài biên giới Hoa Kỳ, phong
trào "Chiếm giữ" đã nhận được sự ủng hộ của người dân trên khắp các châu
lục. Theo tin từ mạng 15october.net, ngày 15/10/2011, phong trào "Chiếm
giữ" đã lan rộng ra 951 thành phố ở 82 quốc gia trên thế giới với khẩu
hiệu duy nhất "Đoàn kết vì một sự thay đổi toàn cầu". Đây là lần đầu
tiên phong trào phản kháng này biểu dương lực lượng trên toàn thế giới.
Từ London, Frankfurt - châu Âu cho đến Mexico, Honduras ở Mỹ Latinh, từ
Tokyo, Seoul, Đài Bắc ở Đông Á cho đến Cape Town, Durban - châu Phi… Rất
nhiều thành phố đã hoặc đang lên kế hoạch tổ chức những cuộc biểu tình
tương tự như tại New York nhằm bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu
tình Hoa Kỳ, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ với các nhà tài phiệt, giới
chủ ngân hàng và các chính trị gia - những người bị tố cáo là đã phá
hoại nền kinh tế thế giới và đẩy hàng triệu người vào cảnh khốn cùng.
"Dường như chắc chắn đây sẽ là một xu
hướng kéo dài nhiều năm, có thể là hàng thập kỷ" - Tina Fordham, Nhà
phân tích chính trị thuộc Ngân hàng Citibank của Mỹ cho biết - "Cho đến
giờ thì những ảnh hưởng của phong trào biểu tình này đến các chính sách
của chính quyền vẫn chưa đáng kể. Nhưng nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục
tăng trưởng thấp hay thậm chí giậm chân tại chỗ thì đó sẽ là nhân tố
giúp cho phong trào trên có được sức mạnh và tầm ảnh hưởng chính trị
đáng kể".
Nhìn lại Hoa Kỳ, phong trào "Chiếm
giữ" cho đến thời điểm này vẫn chưa có ngọn cờ lãnh đạo chính thức, chưa
có yêu sách chính trị cụ thể như đưa người ra tranh cử Tổng thống trong
năm tới… nên nó vẫn còn là một phong trào xã hội đơn thuần. Tuy vậy,
ảnh hưởng của nó đến nền chính trị Mỹ thì không thể xem thường. Phong
trào trên có thể sẽ không tác động lớn đến các cử tri "ruột" của hai
đảng Cộng hòa, Dân chủ nhưng sẽ có ảnh hưởng tương đối đến các cử tri
trung dung - một bộ phận rất quan trọng mà cả hai đảng chính đang giành
giật, từ đó, nó có thể góp phần phân bổ lại quyền lực chính trị của hai
đảng tại các địa phương ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, trong tương lai gần, rất
có thể sẽ xuất hiện các nhân vật hay tổ chức chính trị lợi dụng sự phản
kháng của người dân trong phong trào "Chiếm giữ" để tìm kiếm vị trí
chính trị của mình trong chính trường Mỹ, từ đó gây ảnh hưởng đến cuộc
chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 2012.
Trong thời gian tới, có khả năng Chính
quyền Mỹ sẽ thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe những nguyện vọng của
người biểu tình để đưa ra những tuyên bố chính trị và cả các chính sách
hợp lý hơn, có thể chỉ là đối phó tạm thời nhưng sẽ có tác dụng xoa dịu
làn sóng phẫn nộ trong dân chúng, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống
2012 đang đến gần. Nếu không, phong trào này vẫn sẽ tiếp tục còn tồn tại
dai dẳng, thậm chí còn phát triển sâu rộng hơn nếu tình hình kinh tế Mỹ
không có dấu hiệu cải thiện. Nhiều người còn cho rằng những người biểu
tình tại Mỹ đang học tập mô hình phản kháng của người dân Trung Đông
trong các cuộc biểu tình ở Ảrập.
Trung Nguyên
|