Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

10.Những nét mới trong chính sách của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương

TCCSĐT - Thời gian qua, dư luận thế giới ồn ào về những tuyên bố chính sách mới nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama và cộng sự lên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thật ra, chính sách mới của Mỹ đối với khu vực này chỉ là sự sắp đặt lại để có một diện mạo mới.


Những nét mới này được bộc lộ ngay trong thông điệp chính sách mà chính quyền Tổng thống Barack Obama phát đi vào thời điểm hiện tại và một số cung cách mới trong việc thực hiện chính sách ấy thông qua hàng loạt động thái ngoại giao mới đây của Mỹ liên quan đến khu vực. Tuy nhiên, điều đáng được chú ý nhất là việc Mỹ công khai thể hiện sự định vị của mình ở khu vực và trên thế giới cũng như cam kết hành động, ứng xử của Mỹ trong mọi chuyện như một thành viên của khu vực.

Từ thông điệp đó có thể hiểu là Mỹ sẽ không chỉ đứng ngoài mọi chuyện đang và sẽ xảy ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn trực tiếp tham gia vào việc kiến tạo tương lai của khu vực. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Mỹ muốn tuyên cáo rằng, từ nay ai làm chuyện gì ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì cũng đều phải lưu ý đến thái độ, phản ứng và lợi ích của Mỹ. Mỹ không nêu cụ thể ám chỉ đối tác nào trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng tất cả đều có thể hiểu Mỹ nhằm vào đối tác nào trong khu vực này.


Trên phương diện cũng như phương cách thực hiện, nét mới trong chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn thể hiện ở chỗ Mỹ đang nỗ lực tạo dựng những cấp độ và hình thức tập hợp lực lượng mới cũng như triển khai chiến lược ở khu vực. Những mối quan hệ đồng minh gần như truyền thống được Mỹ nâng cấp hoặc “hâm nóng” như mối quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Australia. Đáng chú ý nhất và cũng đặc biệt nhất là việc Mỹ một lần nữa triển khai quân đội ở Australia.


Không chỉ trên lĩnh vực quân sự và an ninh, tập hợp lực lượng mới cũng được Mỹ thúc đẩy cả trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và chính trị thế giới. Dự định hình thành khu vực mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương với tên gọi Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) độc lập và thậm chí đồng hành với nỗ lực của 21 thành viên APEC xây dựng khu vực mậu dịch tự do cho cả tổ chức hay như chuyện tranh thủ Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran là những biểu hiện mới nhất.


Bao trùm lên tất cả là việc Mỹ nhận thức rằng, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương và ngay từ đầu thế kỷ, Mỹ phải chuẩn bị để có được phần lớn nhất trong đó. Tuy nhiên, ý chí chính trị và tham vọng của Mỹ ở khu vực là một chuyện, còn các thành viên trong khu vực có để Mỹ thực hiện được hay không lại là chuyện khác./.
La Mịch Như
(22/11/2011)