Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

18.Con đường Cách mạng Tháng Mười Nga theo tư tưởng Hồ Chí Minh


TCCSĐT - Mặc dù trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười đã có nhiều thay đổi, thành quả của cuộc cách mạng này đã bị đánh cắp... Nhưng không thể coi cách mạng Tháng Mười đã đi vào quá khứ mà phải thấy đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là quy luật tiến hóa của nhân loại mà Cách mạng Tháng Mười là một mốc son chói lọi mở đầu thời đại mới...




Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ Anh trở lại Pháp. Tại đây, Người tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Từ chỗ chưa biết V.I.Lênin  là ai, thậm chí còn không biết nước Nga ở đâu, dần dần Người nhận ra rằng: Trên thế giới đã xảy ra một sự kiện lớn lao chưa từng có: Một dân tộc đã lật đổ bọn áp bức bóc lột mình, tự tổ chức quản lý mọi công việc đất nước, không cần bọn chủ và bọn toàn quyền. Việc đó xảy ra ở nước Nga với những người dũng cảm phi thường và người đứng đầu những người dũng cảm ấy là người dũng cảm nhất: V.I. Lênin. Thế là, Hồ Chí Minh quyết định ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga. Hồ Chí Minh viết: “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính. Tôi chưa biết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một nhà yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình, trước đó tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin”(1)

Từ đó cho đến cuối đời mình, đề tài Cách mạng Tháng Mười Nga được Hồ Chí Minh trở đi trở lại rất nhiều lần. Trên thực tế, ở Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống quan điểm sâu sắc, mới mẻ về Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

Cách mạng Tháng Mười - Cuộc cách mạng mở đầu thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội

Theo Hồ Chí Minh, nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười vừa là nhà tù của các dân tộc, vừa bị một nhóm tài phiệt thế giới nô dịch. Dưới sự thống trị của Nga hoàng, nhân dân là những cái máy bằng thịt, những viên đạn bằng thịt để bọn đế quốc sử dụng xâu xé nhau. Trong xã hội cũ, quần chúng lao động là những người làm ra của cải nhưng bị chìm trong đói khổ và ngu dốt. Đó là số phận khốc hại và lâu dài của đại đa số nhân dân.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, số phận của những người lao động đã có sự thay đổi căn bản. Hồ Chí Minh viết: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người,…mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử”(2). Sự kiện giai cấp công nhân Nga dưới sự lãnh đạo của những người Bôn-sê-vích đứng đầu là V.I. Lênin, liên minh chặt chẽ với nông dân và những người lao động lật đổ chính quyền của bọn địa chủ, tư sản bắt tay xây dựng xã hội chủ nghĩa được Hồ Chí Minh coi là: Sự kiện lớn lao nhất trong lịch sử loài người. Hồ Chí Minh viết: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ là một ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành hiện thực...

Nhất quán quan điểm về ý nghĩa mở đầu thời đại mới của Cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh vạch rõ: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã tạo nên một thời đại mới - thời đại thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và sụp đổ của chủ nghĩa tư bản. Người nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”(3).

Trong hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Người đã đúc rút thành những bài học quý. Hồ Chí Minh viết: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới những bài học hết sức quý báu bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và cả loài người. Giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam ngày càng thấm nhuần những bài học lớn của Cách mạng Tháng Mười. Những bài học đó là:

Có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Thực hiện cho được liên minh công nông. Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng, chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy và bảo vệ chính quyền. Để bảo đảm thắng lợi cho cuộc đấu tranh một mất một còn giữa cách mạng và phản cách mạng cần có tinh thần cách mạng triệt để, luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cần kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế chân chính.

Với tinh thần đó, Hồ Chí Minh kết luận: “Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa đến như thế”(4).

Tác động của Cách mạng Tháng Mười đối với phong trào giải phóng dân tộc

Là người viết Bản án chế độ thực dân Pháp và người đi tiên phong trong việc thực thi bản án ấy, Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc vị trí, vai trò của Cách mạng Tháng Mười đối với các dân tộc thuộc địa và phong trào giải phóng dân tộc.

Theo Hồ Chí Minh, trước Cách mạng Tháng Mười, nhân dân các nước thuộc địa là những công cụ biết nói, là “phương tiện vận tải hai chân”, là “những cái bia sống”, tính mạng người thuộc địa không đáng một đồng trinh. Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân các nước thuộc địa đang sống trong chế độ nô lệ đương đại. Người viết: “Cho tới tận Cách mạng Tháng Mười, ở các nước thuộc địa, học thuyết xã hội chủ nghĩa đã bị coi là thứ học thuyết chỉ dành riêng cho những người da trắng”(5). Nhưng giấc ngủ hàng thế kỷ của các dân tộc thuộc địa đã bị tiếng sấm Cách mạng Tháng Mười đánh thức. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại cách mạng giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với số phận của dân tộc phương Đông. Nó thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, chỉ cho họ con đường giải phóng, nêu gương tự do dân tộc thực sự.

Thực tế cho thấy sau Cách mạng Tháng Mười, phong trào giải phóng dân tộc có sự phát triển về chất. Hồ Chí Minh dẫn chứng: “Cuộc Cách mạng Tháng Mười đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, làm cho nó trở thành một làn sóng mãnh liệt trong tất cả các nước phương Đông: Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Dương, Việt Nam. Một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo con đường Cách mạng Tháng Mười đã giành thắng lợi và thiết lập chế độ mới. Cả lý luận Mác - Lênin, kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười và thực tế cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một số nước đã xác lập và chứng minh một chân lý. Hồ Chí Minh viết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(6).

Như vậy, Hồ Chí Minh cho rằng tác động của Cách mạng Tháng Mười đến phong trào giải phóng dân tộc được thể hiện trên các mặt chủ yếu:

Cách mạng Tháng Mười nêu cho họ tấm gương. Điều này là cực kỳ quan trọng. Bởi vì đối với các dân tộc phương Đông một tấm gương sống còn có giá trị hơn những bài diễn văn tuyên truyền. Cách mạng Tháng Mười để lại cho họ những bài học kinh nghiệm to lớn, quý báu. Nhà nước Xô-viết - sản phẩm của Cách mạng Tháng Mười ủng hộ giúp đỡ to lớn có hiệu quả về vật chất và tinh thần đối với phong trào giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đánh một đòn mạnh vào kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc, Cách mạng Tháng Mười đã đem đến cho các dân tộc phương Đông một sự giúp đỡ có tính quyết định”(7).

Cần nói thêm là Hồ Chí Minh có những bài viết sâu sắc, cảm động và sự biết ơn, sự kính trọng của các dân tộc thuộc địa đối với V.I. Lênin - linh hồn của Cách mạng Tháng Mười. Bởi vì tên tuổi, sự nghiệp của V.I. Lênin gắn bó chặt chẽ với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười và Nhà nước Xô-viết. Hồ Chí Minh cho rằng, V.I. Lênin đã đặt tiền đề cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa, trong con mắt cũng như trong cuộc đời đau khổ của các dân tộc thuộc địa, V.I. Lênin là người đã sáng tạo ra cuộc đời mới. Hồ Chí Minh khẳng định: “Khi còn sống, Lênin là người thầy, người cha của các dân tộc bị áp bức. Sau khi mất, Người là ngôi sao chỉ đường tiến tới sự nghiệp giải phóng vĩ đại của nhân loại bị áp bức. Lênin  sống mãi trong lòng mọi người dân nô lệ ở các nước thuộc địa”(8).

Con đường Cách mạng Tháng Mười với con đường cách mạng Việt Nam

Hồ Chí Minh có nhiều bài viết luận giải rất khúc chiết, thấu lý đạt tình về tác động của Cách mạng Tháng Mười đến cách mạng Việt Nam và mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ, bền vững, lâu dài giữa hai cuộc cách mạng này. Theo Người, trước Cách mạng Tháng Mười nhân dân Việt Nam bị bọn đế quốc thực dân bưng tai, bịt mắt, chưa hiểu gì về chủ nghĩa Mác và cũng chưa nghe nói đến V.I. Lênin.

Từ năm 1917 đến năm 1924, thực dân Pháp giăng một tấm lưới dày đặc xung quanh Việt Nam để ngăn chặn những tin tức về Cách mạng Tháng Mười. Vì vậy, thông tin về cuộc cách mạng này lọt vào Việt Nam một cách ít ỏi, chậm chạp bằng con đường bí mật từ Pháp sang, từ Trung Quốc đến. Những năm ấy người dân nước ta có cách tiếp nhận thông tin về Cách mạng Tháng Mười rất sáng tạo. Khi sách báo và tuyên truyền của chính thực dân Pháp và bọn tay sai nói xấu Cách mạng Tháng Mười, nói xấu chủ nghĩa cộng sản thì nhân dân bí mật bảo nhau: Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa cộng sản có hại cho đế quốc tức là có lợi cho chúng ta, chủ nghĩa cộng sản, Cách mạng Tháng Mười là kẻ thù của chủ nghĩa thực dân tức là anh em của các dân tộc bị áp bức. Hồ Chí Minh viết: Bàn tay bẩn thỉu của thực dân không che được mặt trời chính nghĩa...

Đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười là tiếng sấm báo hiệu mùa xuân, là mặt trời chói lọi, là cơm ăn, nước uống. Về sự cần thiết của Cách mạng Tháng Mười đối với nhân dân ta, Hồ Chí Minh viết: “Nhờ Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người cách mạng Việt Nam đã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sự sống của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đó tựa như người đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”(9).

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những sự kiện có ý nghĩa và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều chịu tác động của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Với Hồ Chí Minh, cách mạng trước hết cần có Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sau Cách mạng Tháng Mười 13 năm nhưng hai sự kiện này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm bản thân của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người Bôn-sê-vích và của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam có một đảng mác-xít - lê-nin-nít”(10).

Mười lăm năm sau ngày thành lập, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được chính quyền, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Hồ Chí Minh cho rằng: Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kiên quyết đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Năm 1945 đã làm Cách mạng Tháng Tám đánh đổ thực dân giải phóng đất nước, xây dựng chính quyền nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chứng tỏ sự đúng đắn của con đường Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra.

Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào thực tế Việt Nam. Những bài học đó không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có giá trị lý luận và thực tiễn lâu dài. Người không chỉ căn dặn nhân dân ta mà còn tuyên bố với bạn bè quốc tế rằng: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười là ngôi sao soi đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”(11).

Cho đến những năm cuối đời, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục suy nghĩ về con đường Cách mạng Tháng Mười với lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc. Từ câu tục ngữ Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn”, năm 1967, Hồ Chí Minh liên tưởng: Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại bước đường cách mạng đầy gian khổ, hy sinh mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn của V.I. Lênin và Cách mạng Tháng Mười.

Một quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận mang tính chỉ đạo lâu dài đối với Đảng và nhân dân ta được Hồ Chí Minh chỉ ra là: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại …là vô cùng sâu sắc”(12).

Quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh giúp chúng ta nhận thức đúng đắn rằng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 25 năm đổi mới có mối liên hệ biện chứng với con đường Cách mạng Tháng Mười.

Sự nghiệp đổi mới diễn ra không chỉ trong thời cơ thuận lợi mà gặp phải nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có cả những thử thách hiểm nghèo, trước hết là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện đó, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì quan điểm của mình về thời đại mới, được mở ra từ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) chỉ rõ: Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các nước vì hòa bình độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co. Song loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử. Qua hai mươi năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1991-2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định tinh thần đó và bổ sung thêm: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(13), con đường do Cách mạng Tháng Mười khai phá.

Ngay từ khi đi vào đổi mới, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã khẳng định dứt khoát rằng đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là tìm ra những biện pháp, cách thức thực hiện mục tiêu đó nhanh hơn, có hiệu quả hơn. Đó chính là sự kiên định lý tưởng và mục tiêu của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười.

Đặc biệt, nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Chỉ với nguyên tắc ấy, Đảng và nhân dân ta mới từng bước hiện thức hóa con đường mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn - con đường Cách mạng Tháng Mười. Điều cần khẳng định là con đường do Cách mạng Tháng Mười vạch ra nói chung, những bài học kinh nghiệm của nó nói riêng vẫn có trong hành trang của mỗi chúng ta hôm nay.

 -------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 10, tr. 126

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 558-559

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 301

(4))Hồ Chí Minh:  Sđd, t. 12, tr .300

(5) Hồ Chí Minh:  Sđd, t. 2, tr. 219

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr. 314
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.565
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t.2, tr. 209

(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.570-571

(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.585

(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr.l 577

(12) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.309

(13)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,  Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 69

Nguyễn Khánh BậtPGS, TS, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
(7/11/2011)