Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

14.Các nước thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải vững tin vượt qua khủng hoảng

TCCSĐT - Ngày 7-11-2011, Hội nghị những người đứng đầu chính phủ các nước thuộc Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức ở thành phố Saint-Petersburg của Liên bang Nga bàn về các vấn đề quốc tế cũng như khu vực và khẳng định, nền kinh tế của các nước thành viên hợp tác có hiệu quả và đang vững tin vượt qua khủng hoảng.


Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO - Shanghai Cooperation Organisation) là một tổ chức quốc tế cấp khu vực được thành lập năm 2001 gồm các nước Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Hiện tại, các nước Iran, Ấn Độ, Mông Cổ và Pakistan đã nhận được quy chế quan sát viên của SCO. Còn Belorusia và Sri Lanca đã nhận được quy chế đối tác đối thoại của SCO. Năm 2011, Afghanistan đệ đơn gia nhập tổ chức này. Đây là một trong những tổ chức quốc tế cấp khu vực lớn nhất trên thế giới bởi SCO tập trung gần 2/3 dân số thế giới với rất nhiều đề án hạ tầng cơ sở lớn rất cần có sự phối hợp và thống nhất quan điểm chính trị mới có thể thực hiện được. Đáng chú ý là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay trên thế giới, SCO là một tổ chức có tính ổn định cao trong không gian Á - Âu. Chính nhờ SCO mà Nga và Trung Quốc đã có được một vị thế tương đối độc lập khi bàn thảo về cách thức giải quyết nhiều vấn đề quốc tế và khu vực phức tạp và quan trọng.

Hợp tác năng lượng, ngân hàng và đầu tư là những chủ đề được SCO chú trọng

Các chủ đề được đưa ra bàn thảo trong Hội nghị những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên SCO lần này bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như tình hình kinh tế và an ninh trên thế giới cũng như trong khu vực; vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố, chống chủ nghĩa ly khai, chống tội phạm có tổ chức và buôn lậu ma túy; vấn đề củng cố hợp tác kinh tế - thương mại đa phương; triển vọng phát triển các đề án hợp tác có ý nghĩa then chốt trong khuôn khổ SCO như đầu tư, năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghệ thông tin và giáo dục.


Trong khuôn khổ Hội nghị SCO lần này, theo sáng kiến của Nga, các bên xem xét kế hoạch xây dựng Câu lạc bộ năng lượng của SCO nhằm duy trì hoạt động và trao đổi thông tin trong hoạt động xây dựng tổ hợp nhiên liệu - năng lượng với sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành, các tổ chức nhà nước và các công ty. Đây là một diễn đàn không chính thức nhằm thảo luận về sự phát triển các đề án mới dự kiến khởi động vào tháng 2-2012. Câu lạc bộ năng lượng của SCO sẽ thu hút sự tham gia của các công ty và các hãng đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng.


Trong lĩnh vực hợp tác ngân hàng và đầu tư, Hội nghị thảo luận chiến lược trung hạn về sự liên kết giữa các ngân hàng trong SCO nhằm hỗ trợ cho các đề án xây dựng kết cấu hạ tầng, đổi mới, công nghệ tiết kiệm tài nguyên năng lượng. Ngoài ra, Hội nghị còn thảo luận triển vọng xây dựng các hành lang giao thông giữa các quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển bằng ô tô, đường sắt và máy bay giữa các nước. Hội nghị cũng thảo luận về phát triển sự hợp tác nhân đạo trong khuôn khổ SCO, sự phối hợp hoạt động trong lĩnh vực y tế, tạo điều kiện thuận lợi để chống lại sự lây lan dịch bệnh.


Kết thúc Hội nghị, các bên đã ký kết giải pháp tổng thể của SCO, ra thông cáo chung và nhiều văn kiện quan trọng khác.


Các nước thành viên SCO vững tin vượt qua khủng hoảng

Tại Hội nghị lần này, thủ tướng các nước SCO còn trao đổi ý kiến về tình hình kinh tế thế giới. Đây là một chủ đề đặc biệt quan trọng bởi trong khuôn khổ SCO có hai thành viên chủ chốt của Nhóm BRICS là Nga và Trung Quốc. Hiện các nước Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đang cố gắng phối hợp hoạt động của họ trong khuôn khổ BRICS, đồng thời thể hiện quan điểm và sáng kiến của các thành viên SCO. Vì thế, khi thảo luận về các vấn đề kinh tế toàn cầu tại các diễn đàn của G20, các nước BRICS đã tính đến quan điểm của các nước thành viên SCO.


Hội nghị lần này không đưa ra các quyết sách hoặc giải pháp mang tính đột phá và bất ngờ bởi hoạt động của SCO đã đi vào ổn định và phát triển vững chắc theo từng giai đoạn trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang trải qua khủng hoảng, trong đó mọi quyết định được thông qua tại các Hội nghị thường niên đều đã được hiện thực hóa trong thực tế.


Tại Hội nghị, khi đề cập những vấn đề quốc tế, Thủ tướng Nga V.Putin tuyên bố, Nga không gắn kết sự giúp đỡ tài chính cho EU với bất kỳ vấn đề nào trong lĩnh vực năng lượng. Nếu Nga và Trung Quốc có tham gia giải quyết vấn đề nợ công của EU thì sẽ thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế. Chính vì thế, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua tại Cannes (Pháp), đại diện của Nga và Trung Quốc cũng từng đề cập đến khả năng giải quyết các vấn đề của EU thông qua cơ chế của Quỹ Tiền tệ quốc tế.


Thủ tướng Nga V.Putin cho biết, Hội nghị của SCO lần này không xem xét các vấn đề cụ thể của Eurozone mà chỉ bàn thảo về những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công trong EU đối với nền kinh tế của các nước thành viên SCO. Thủ tướng Nga V.Putin cũng cho biết, các nước thành viên chủ chốt của SCO không gặp phải những vấn đề tương tự như của các nước thuộc Eurozone. Thí dụ, trong khi các nước Eurozone phải gánh nợ công lên tới từ 58% tới 87% GDP, thậm chí nợ công một số thành viên EU vượt quá 100% GDP thì nợ công của Nga chỉ chiếm 10% GDP, còn nợ nước ngoài của Nga cũng chỉ ở mức 3%. Về phương diện đó, phải thấy rằng, thể chế tài chính của Nga là lành mạnh. Tình hình kinh tế các nước thành viên khác của SCO, đặc biệt là Trung Quốc, cũng ổn định và khả quan hơn rất nhiều so với các nước ở những khu vực khác trên thế giới.


Để tiếp tục ổn định và phát triển kinh tế, Hội nghị khẳng định, các bên cần phải tăng cường sự hợp tác kinh tế trong khuôn khổ SCO; tiếp tục cùng với cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực để xây dựng một trật tự tài chính quốc tế công bằng, bình đẳng, hài hoà và toàn diện, có tính đến mối tương quan thực tế về lợi ích về tất cả các thành viên và cho phép các quốc gia được tiếp cận một cách bình đẳng tới các ưu thế của toàn cầu hóa.


Tại Hội nghị, thủ tướng các nước SCO đã ký Chiến lược liên kết hoạt động giữa các ngân hàng của SCO trong tương lai trung hạn trong những năm 2012-2016; ký Thông cáo chung, trong đó khẳng định ý nghĩa quan trọng về việc áp dụng các biện pháp và thực hiện các đề án tổ chức trong lĩnh vực kinh tế và nhân đạo của các nước quan sát viên của SCO và các đối tác đối thoại; thông qua ngân sách SCO năm 2012 và quyết định nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động tài chính và tổ chức của các cơ quan thường trực của SCO.


Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ các nước SCO về mặt tài chính, trong đó có chế độ cho vay ưu đãi để phát triển kết cấu hạ tầng. Trung Quốc ủng hộ đề xuất của Kazakhstan xây dựng đường ống dẫn dẫn dầu xuyên Á - Âu và đường dây tải điện; ủng hộ đề xuất của Tajikistan và Uzbekistan về xây dựng và hiện đại hóa tuyến đường sắt, đường ô tô trong không gian SCO. Trung Quốc còn đề xuất sáng kiến xây dựng Ngân hàng phát triển SCO. Theo nhận xét của giới phân tích kinh tế, Trung Quốc và Nga đã thể hiện vai trò không chỉ là một trong những đầu tàu của sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong điều kiện khủng hoảng, mà còn là yếu tố quan trọng để ổn định và tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên SCO./.
Hương Ly
(9/11/2011)