Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

3. Chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc

Bài viết của học giả Trung Quốc, dựa trên lý luận quan hệ quốc tế của phương Tây để phân tích sự thay đổi trong tư duy và chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc của hai đảng cầm quyền DPJ và LDP, đồng thời đưa ra nhận định về hướng đi trong tương lai trong vấn đề này. Bài đăng trên Tạp chí Ngoại giao Trung Quốc

Sau khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên cầm quyền, quan hệ an ninh chính trị Trung-Nhật đã xuất hiện một số dấu hiệu phát triển mới. Đằng sau chiều hướng phát triển này, ở mức độ nào đó có thể cho rằng tư duy chính sách “chính trị quyền lực của chủ nghĩa hiện thực” mà DPJ muốn điều chỉnh đang đóng vai trò rất lớn. Hiện nay, các nhân tố như cạnh tranh quyền lực, cơ chế hợp tác và quan niệm trao đổi qua lại, đang đan xen ảnh hưởng và thúc đẩy Nhật Bản hình thành và soạn ra chính sách an ninh đối với Trung Quốc. Nhận thấy điều đó, bài viết này muốn xuất phát từ góc độ chủ nghĩa hiện thực, điều chỉnh tư duy an ninh và diễn biến chính sách do đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) chủ đạo đối với Trung Quốc từ sau Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là từ thế kỷ 21 đến nay. Trên cơ sở này, lấy khuôn mẫu nghiên cứu và các yếu tố phân tích của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xây dựng, để tiến hành phân tích các nhân tố tiêu cực trong lịch sử, những biểu hiện hình thái tích cực đang được thể hiện mà Chính quyền DPJ đảm nhiệm trong việc điều chỉnh chính sách an ninh đối với Trung Quốc, và đưa ra cách nhìn nhận chung về hướng đi trong tương lai của nó.
I. Tư duy và chính sách dưới sự chủ đạo của chủ nghĩa hiện thực
1. Những phán đoán về mối đe dọa và sự lôgích trong nhận thức chung
Từ khi Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1972 đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, do các nguyên nhân như liên minh để cùng nhau đối phó với Liên Xô, chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc diễn tiến trong bầu không khí tương đối thân thiện. Nhưng, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” bắt đầu nổi lên. Từ giữa những năm 90 của thế kỷ 20, Nhật Bản đã lấy việc công khai “Đại cương kế hoạch phòng vệ” và việc “định nghĩa lại” liên minh Nhật-Mỹ làm tiêu chí, chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc “chuyển sang cánh hữu” đã lộ rõ những nhân tố tiêu cực. Sau khi bước vào thế kỷ 21, khuynh hướng này càng rõ ràng hơn: trong dư luận của các tầng lớp tinh hoa, các bản tin của các phương tiện thông tin đại chúng và các báo cáo của nhóm chuyên gia cố vấn, xưa nay đều không thiếu sự luận bàn về “tương lai không xác định”, “mối đe dọa quân sự tiềm tàng” của Trung Quốc và các biện pháp ứng phó; đặc biệt, trong các văn kiện của Chính phủ Nhật Bản như “Đại cương kế hoạch phòng vệ” và “Sách Trắng quốc phòng”, lấy “sự tăng trưởng của ngân sách quân sự và quân lực, sự minh bạch của chính sách” làm lí do, để bắt đầu nhấn mạnh “mối đe dọa quân sự tiềm tàng” của Trung Quốc. Do vậy, “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” từ đề tài bàn luận trong giới học thuật trở thành tiền đề đã được định sẵn trong các quyết sách an ninh của Chính phủ Nhật Bản đối với Trung Quốc, và Trung Quốc bị coi là đối tượng cần phải cảnh giác và đề phòng.
“Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” là sự phản ánh nào đó của lôgích chủ nghĩa hiện thực mạnh mẽ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa hiện thực có thể chia thành chủ nghĩa hiện thực truyền thống (cổ điển) và chủ nghĩa hiện thực mới. Về khuôn mẫu an ninh, chủ nghĩa hiện thực truyền thống nhấn mạnh mục tiêu của các nước dưới tình trạng cộng đồng quốc tế vô chính phủ là theo đuổi “quyền lực tuyệt đối”, chủ nghĩa hiện thực mới theo đuổi “lợi ích an ninh”. Cần phải nói rằng, hiện nay, Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đến ưu thế an ninh tương đối của mình, lấy tư duy của chủ nghĩa hiện thực mới để xem xét mối quan hệ an ninh với Trung Quốc. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chủ nghĩa hiện thực mới vẫn là hệ thống lý luận lấy sự biến đổi quyền lực và an ninh làm chủ thể và trọng tâm, nội hàm trọng tâm “quyền lực chính trị” này sẽ không thay đổi.
Khi chủ nghĩa hiện thực mới lấy các khái niệm trọng tâm như “tình trạng vô chính phủ, sự thay đổi của quyền lực, lợi ích một mất một còn, sự khó khăn về an ninh” để xử sự quan hệ an ninh giữa các nước, có thể suy luận ra những nhận thức lôgích như sau: (1) Các quốc gia sẽ theo đuổi lợi ích an ninh lớn nhất là mục tiêu hàng đầu của chính sách đối ngoại, quyền lực (khả năng vật chất, đặc biệt là thực lực quân sự) là biện pháp cơ bản nhất để bảo vệ an ninh quốc gia. (2) Quan hệ lợi ích an ninh là trò chơi một mất một còn, sự tăng trưởng quyền lực ở mặt này tất sẽ dẫn đến sự thu hẹp quyền lực ở mặt kia. Sự thay đổi của kết cấu chính trị quốc tế là một kiểu tái phân chia quyền lực hoặc vị thế nước lớn, quốc gia nào mà mất đi quyền lực sẽ ở vị thế không an toàn. (3) Sự tăng trưởng của quyền lực sẽ dẫn đến sự thay đổi ý đồ của quốc gia, khiến cho quốc gia đó nảy sinh ham muốn theo đuổi vị thế và sức ảnh hưởng tương ứng, thậm chí không ngừng thực thi các chính sách mạo hiểm để phá vỡ hiện trạng, từ đó dẫn đến nảy sinh xung đột và sự khó khăn về an ninh giữa các nước.
Có thể nhận thấy, căn cứ lí luận cơ bản của “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” cho rằng sau khi nước lớn trỗi dậy, quyền lực tăng lên sẽ thực thi chính sách bành trướng, những thứ mà nước lớn trỗi dậy giành được chính là những thứ mà nước lớn vốn có mất đi, vì thế sẽ không thể tránh khỏi việc dẫn đến vị thế của các nước liên quan hạ xuống, an ninh bị đe dọa. Nghĩa là, sự thay đổi của kết cấu quyền lực trên tầng nấc hệ thống quốc tế tất sẽ nảy sinh những ảnh hưởng quan trọng đối với hành vi quốc gia, tạo thành xung đột và khó khăn về an ninh. Thực chất, đây là học thuyết điển hình của chủ nghĩa hiện thực (kết cấu) mới, được thể hiện ở 3 khái niệm biến đổi liên quan: sự thay đổi của quyền lực, sự thể hiện ý đồ, sự khó khăn về an ninh.
2. Quy định về đường lối chính sách an ninh đối với Trung Quốc
Căn cứ theo tư duy nguyên lý và các khái niệm biến đổi kể trên, nhận thức về mối quan hệ an ninh Trung-Nhật, tầng lớp tinh hoa Nhật Bản chủ yếu đã hình thành hai loại quan điểm chính sách không hoàn toàn tương đồng đó là chủ nghĩa hiện thực bi quan và chủ nghĩa hiện thực lí trí.
Những người theo chủ nghĩa hiện thực bi quan có thái độ bi quan đối với tương lai phát triển của Trung Quốc và mối quan hệ an ninh Trung-Nhật. Những nhân vật đại diện cho phái này, chủ yếu là một số chuyên gia học giả, nhà bình luận, nhà chính trị, thuộc phe cánh hữu bảo thủ .
Quan điểm cơ bản của thế lực phái này là: sự phát triển kinh tế và mở rộng quân sự của Trung Quốc làm cho ý nguyện mở rộng đối ngoại của nước này tăng lên. Trung Quốc sẽ phô bày quyền lực của mình, và trở thành một quốc gia có ý đồ phải giành được bá quyền khu vực, làm tổn hại đến lợi ích của Nhật Bản. Sự hiện đại hóa sức mạnh quân sự Trung Quốc là bằng chứng và trình tự tất yếu của việc Trung Quốc theo đuổi chiến lược nước lớn “mang tính mở rộng”. Sự phát triển của Trung Quốc đã đại diện cho tiến trình xung đột giữa các nước lớn khó có thể khống chế trong nền chính trị quốc tế; do vậy, an ninh của Nhật Bản chịu sự thách thức và đe dọa, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ rơi vào khó khăn về an ninh khó có thể thoát khỏi; lựa chọn của Nhật Bản là phải tăng cường sức mạnh phòng ngự, điều chỉnh bố trí quân sự cũng như tăng cường liên minh Nhật-Mỹ, và thông qua việc kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trong tương lai để bảo đảm an ninh của mình. Xét từ thế kỷ 21 đến nay, tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc, đã làm bộ phận học giả của phái này cũng không còn ngoan cố từ chối giao lưu và tiếp xúc an ninh với Trung Quốc, nhưng đây chỉ là biện pháp để họ tìm hiểu và đe dọa Trung Quốc, chứ không phải là mục đích khắc phục khó khăn về an ninh. Xu hướng chiến lược của phái này đối với Trung Quốc có nhiều điểm trùng hợp với phái cứng rắn và phái dân tộc bảo thủ, cũng phù hợp với tư duy lí luận “chủ nghĩa hiện thực mang tính tấn công” do John J.Mearsheimer đề ra.
Những người theo chủ nghĩa hiện thực lí trí xử sự quan hệ Trung-Nhật bằng thái độ tương đối thiết thực và thận trọng . Các nhân vật đại diện trong giới chính trị chủ yếu là thế lực bảo thủ chiếm đa số nghị sĩ trong hai đảng DPJ và LDP, đại đa số các nghị sĩ trong DPJ chủ yếu không nằm trong cánh hữu bảo thủ và hệ thống đảng xã hội trước đây, các nghị sĩ trong LDP là phe Tanaka (Takeshita) trước đây và hệ thống “Kochi-kai” theo dòng bảo thủ, cũng bao gồm một số học giả thuộc “Seiwa-kai” của cánh hữu bảo thủ.
Tuy các học giả của phái này cũng luôn có sự nghi ngờ đối với “tính xác định” trong tương lai của Trung Quốc, về ý thức hệ và chế độ chính trị, họ không có nhận thức chung về Trung Quốc, và phái thân Mỹ nhiều lần chủ trương thuyết về liên minh Nhật-Mỹ, nhưng về tổng thể họ cho rằng: Tuy sự phát triển của Trung Quốc có rất nhiều vấn đề, nhưng tình hình tổng thể khó có thể ngăn chặn, trong thời đại toàn cầu hóa dựa vào nhau ngày càng sâu sắc, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc không trực tiếp sánh ngang với việc lựa chọn chiến lược đó là thách thức hệ thống quốc tế hiện có và tìm kiếm bá quyền. Sự lựa chọn phù hợp với lợi ích chiến lược Nhật Bản là coi sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội để giành lấy các lợi ích từ trong đó. Đương nhiên, Nhật Bản phải xây dựng các biện pháp chính sách an ninh để đề phòng và kiềm chế Trung Quốc, nhưng đồng thời áp dụng “những biện pháp bảo đảm mức tối thiểu” này, có thể tích cực chủ động lấy các chính sách như tiếp xúc và điều tiết, hòa hợp và hợp tác để thay đổi và dẫn dắt Trung Quốc, tránh hoặc giảm bớt khó khăn về an ninh giữa hai nước. Phái này có tương đối nhiều điểm trùng hợp đối với phái thiết thực của Trung Quốc, về tư duy rất phù hợp với chỉ tiêu của “chủ nghĩa hiện thực mang tính phòng ngự” trong lí luận chính trị quốc tế.
3. Chính sách an ninh chủ đạo đối với Trung Quốc
Không khó để nhận ra, nhận thức lôgích của những người theo hai loại chủ nghĩa hiện thực này đều tồn tại vấn đề: lấy “tính không xác định” hoặc “mối đe dọa tiềm tàng” về tương lai của Trung Quốc làm tiền đề phán đoán, cho rằng Nhật Bản phải thúc đẩy các biện pháp đối phó bằng quân sự tương ứng. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, về tổng thể, xét từ chiều sâu tư tưởng, chủ nghĩa hiện thực ở thế phòng thủ và thoái trào, nhưng về chiến lược an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc lại thể hiện rõ tính lựa chọn sâu đậm. Xét cho cùng, ngoài những ảnh hưởng lí luận kể trên, một nhân tố hiện thực quan trọng là: từ giữa những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, mối quan hệ chính trị an ninh Nhật-Trung đã bước vào thời kỳ chuyển ngoặt định vị lại. Với tư cách là một quốc gia chủ đạo ở Đông Á, xuất phát từ chiến lược nước lớn chính trị hiện thực, Nhật Bản bắt đầu có sự lo ngại đối với tình hình phát triển và tương lai của thực lực Trung Quốc, cho rằng sự hiện đại hóa của quốc phòng Trung Quốc lấy việc này làm bối cảnh sẽ có thể tổn hại đến lợi ích an ninh và vị thế quốc tế của mình.
Vì vậy, ở chiều sâu chính sách, hai loại chủ nghĩa hiện thực kể trên với tư cách là nguyên tắc mang tính hướng dẫn cho hành vi đối ngoại của quốc gia, đã trở thành căn cứ lí luận chủ yếu của nhà quyết sách Nhật Bản khi soạn ra chính sách an ninh đối với Trung Quốc, cũng như ứng phó với “mối đe dọa” từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đương nhiên, trọng tâm của chính sách sẽ thuận theo sự cân bằng bên trong do hai loại chủ nghĩa hiện thực phán đoán mà xuất hiện sự điều chỉnh, sự phát triển phức tạp của quan hệ Trung-Nhật từ thời kỳ nội các Koizumi Junichirō đến Shinzo Abe, Yasuo Fukuda đến T aro Aso đã chứng minh điều này. Cho dù là dưới tình hình “xây dựng mối quan hệ chiến lược bình đẳng cùng có lợi” đang chiếm ưu thế nhất định, thì kết quả vẫn là hai loại chủ nghĩa hiện thực thường áp dụng hình thức bổ sung và kiềm chế lẫn nhau, khiến cho Nhật Bản lựa chọn chính sách an ninh “hai mặt” đối với Trung Quốc như sau:
Một mặt, lấy chủ nghĩa hiện thực lí trí làm căn cứ, xem xét từ lợi ích, lấy chính sách tiếp xúc rộng rãi để dẫn dắt và quy nạp Trung Quốc vào khung an ninh khu vực và trật tự quốc tế có lợi đối với Nhật Bản. Đồng thời, thông qua việc thúc đẩy đối thoại an ninh và giao lưu phòng ngự với Trung Quốc, nắm chắc ý đồ chiến lược và tình hình sức mạnh của quốc phòng Trung Quốc, đề phòng hình thành những phán đoán chiến lược sai lầm không cần thiết, và tăng cường ảnh hưởng, năng lực đối với Trung Quốc. Tức là thông qua giao lưu, thuyết phục và dẫn dắt, giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng và tương lai không xác định của Trung Quốc. Mặt khác, lấy chủ nghĩa hiện thực bi quan làm nội tuyến, đề phòng những tính toán xấu nhất xảy ra, bao gồm các biện pháp chính sách an ninh lấy thực lực làm cơ sở để ứng phó cái gọi là “thách thức, nguy hiểm, đe dọa” của Trung Quốc. Trên thực tế, cũng trong thời kỳ này, Nhật Bản bắt đầu tăng cường hơn nữa liên minh Nhật-Mỹ, tích cực thúc đẩy hợp tác an ninh đa phương khác –– chủ yếu là trong hệ thống an ninh châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Mỹ, Ôxtrâylia và Ấn Độ; thúc đẩy việc xây dựng “phòng vệ tự chủ” và điều chỉnh bố trí quân sự đối với Trung Quốc, cũng như triển khai các biện pháp cân bằng mềm bao gồm “ngoại giao giá trị quan”, để chủ động đe dọa, hạn chế và phòng ngừa đối với “mối đe dọa tiềm tàng” đang hình thành và phát triển của Trung Quốc.
Biện pháp tiếp xúc và đề phòng này, cũng như bài tủ của chiến lược này là chuẩn bị tốt các biện pháp phòng bị an ninh, với mục tiêu cuối cùng là tập trung giảm tới mức thấp nhất, hay ngăn ngừa “mối đe dọa an ninh” của Trung Quốc đối với Nhật Bản. Phòng ngừa là ước số chung trong các chính sách của hai loại chủ nghĩa hiện thực: khi những người theo chủ nghĩa hiện thực bi quan tích cực đề xuất cần phải phòng ngừa Trung Quốc, thì những người theo chủ nghĩa hiện thực lí trí cũng cho rằng phòng ngừa là một kế hoạch an ninh cần thiết, đồng thời khi tích cực phát triển quan hệ với Trung Quốc, cũng phải chuẩn bị đề phòng khả năng xấu nhất xảy ra.
II. Các tư duy chính sách ngoài “chủ nghĩa hiện thực”
Như đã kể trên, tư duy chủ nghĩa hiện thực đang đóng vai trò chủ đạo trong chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc. Trái ngược lại, “chủ nghĩa tự do (lí tưởng)” và “chủ nghĩa xây dựng” –– đặc biệt là nhân tố tư tưởng hàm ý trong đó, được cho rằng có thể đang đóng vai trò tích cực nào đó đối với mối quan hệ an ninh giữa các nước, nhưng không trở thành sự ưa chuộng của những chủ thể quyết định chính sách đó. Sau khi DPJ lên cầm quyền, cục diện này dường như có chút thay đổi. Chí ít, tầng lớp lãnh đạo của DPJ không công khai chủ trương đặt lợi ích an ninh của đất nước là trên hết. Trong rất nhiều trường hợp phải đối mặt với Trung Quốc, DPJ cũng khởi xướng “chủ nghĩa lí tưởng” của mối quan hệ hợp tác và dựa vào nhau cùng tồn tại giữa các nước, cũng như xây dựng tư tưởng “chủ nghĩa xây dựng” của cộng đồng an ninh bằng thông qua các biện pháp hòa giải và nhận thức chung.
1. Sự nổi lên và thế yếu của khuôn mẫu chủ nghĩa tự do
a. Hiện trạng của thế lực chủ nghĩa tự do và quan điểm đối với Trung Quốc
Tiền thân của chủ nghĩa tự do có thể quay ngược lại chủ nghĩa lí tưởng. Chủ nghĩa tự do trong lí luận của quan hệ quốc tế hiện đại, chủ yếu là chỉ chủ nghĩa tự do mới, đặc biệt là chủ nghĩa cơ chế tự do. Chủ nghĩa này nhấn mạnh các quan niệm như dân chủ, đạo lý, hòa bình, hợp tác dựa vào nhau tồn tại, cho rằng toàn cầu hóa kinh tế, dựa vào nhau cùng tồn tại và chế độ quốc tế đã làm dịu mối quan hệ quốc tế và đã làm thay đổi mô hình an ninh của quan niệm chủ nghĩa hiện thực, đề nghị vận dụng các nhân tố “thực lực mềm” như chế độ và quy chế hóa với tư cách là biện pháp chính sách đối ngoại của quốc gia, đề xướng việc xây dựng mối quan hệ an ninh tập thể và an ninh hợp tác.
Đến nay, sức mạnh của chủ nghĩa tự do Nhật Bản về ý nghĩa chính trị quốc tế không còn hưng thịnh và hùng mạnh –– tính nồng ấm và tính thực dụng của chính trị văn hóa Nhật Bản, còn khiến cho nó trùng hợp với bộ phận thế lực bảo thủ ôn hòa của chính trị trong nước. Họ chủ yếu có một số quan niệm đối ngoại lấy chủ nghĩa bảo vệ hòa bình và chủ nghĩa kinh tế làm đại diện. Sau Chiến tranh Lạnh, họ từng đề ra các chủ trương ngoại giao như, “khối lực lượng ở giữa”, “quốc gia có cống hiến cho thế giới”, nhưng những chủ trương ngoại giao này không thể trở thành chiến lược đối ngoại chủ đạo của Nhật Bản cũng như tư tưởng chủ yếu của chính sách an ninh đối với Trung Quốc. Các nhân vật đại diện có các học giả chính trị quốc tế như Sakamoto Yoshikazu, Makoto Iokibe, Takashi Inoguchi, Asai Motofumi, Kiichi Fujiwara. Các học giả kinh tế và học giả văn hóa như Jitsuro Terashima, Sintou Eichi, Makoto Taniguchi, Aoki Tamotsu, Yoichi Funabashi... ; trong giới chính trị, ngoài số ít các học giả như Kato Koichi của LDP ra, chủ yếu tập trung trong DPJ. Quan điểm của một số người theo chủ nghĩa hiện thực trong DPJ “cấp tiến” hơn so với LDP. Nhưng từ khi thành lập đến nay, DPJ không thiếu những chủ trương chính sách của chủ nghĩa tự do, cho nên trong lĩnh vực chính trị quốc tế, có tương đối nhiều nghị sĩ nghiêng về tư tưởng chủ nghĩa tự do cũng là sự thực không phải bàn cãi .
Về mối quan hệ an ninh với Trung Quốc, thế lực của chủ nghĩa tự do luôn giữ thái độ tương đối lạc quan và tích cực. Đại đa phần họ đều hiểu mối liên hệ giữa văn hóa và lịch sử của Đông Á, đặc biệt là “phái hiểu biết” văn hóa và chính trị Trung Quốc xem ra tương đối lạc quan đối với các nhân tố và sự tranh giành quyền lực trong chủ nghĩa hiện thực, và khi nhận thức mối quan hệ an ninh Nhật-Trung chịu sự ràng buộc tương đối ít của thành kiến ý thức hệ và nhân tố chính trị; có sự hiểu biết và nhận thức chung nhất định đối với cải cách mở cửa, tiến trình phát triển hòa bình và chính sách của Trung Quốc đương đại; quan điểm đối với xu thế chiến lược của Trung Quốc cũng tương đối tích cực, họ cho rằng sự phục hưng của Trung Quốc chủ yếu là đạt được mục tiêu tôn nghiêm và phồn vinh dân tộc, không có ý đồ bành trướng ra toàn cầu; cho rằng những đề tài và lợi ích chung giữa hai nước Nhật-Trung quan trọng hơn mâu thuẫn và xung đột, nếu Nhật Bản muốn giữ vị thế chiến lược và lợi ích kinh tế của mình ở Đông Á, điều quan trọng nhất phải làm là xây dựng mối quan hệ chiến lược ổn định có thể quản lí với một Trung Quốc đang phát triển, ví dụ, hai nước nên xây dựng cộng đồng kinh tế an ninh, thực hiện tương lai cùng tồn tại cùng phồn vinh. Họ có tương đối nhiều điểm trùng hợp với lực lượng thân thiết Trung Quốc, nhưng ngày nay, họ không ở vị trí chủ yếu trong chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc.
b. Khuôn mẫu của chủ nghĩa tự do là con đường khó đi
Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa tự do mới đã sinh ra các khuôn mẫu an ninh quan trọng như thuyết về chế độ quốc tế, thuyết về sự dựa vào nhau cùng tồn tại, thuyết về dân chủ và hòa bình. Nhưng đến nay, các nguyên tố tích cực trong đó hiển nhiên không thể chủ đạo những tính toán của tầng lợp lãnh đạo Nhật Bản về chính sách an ninh đối với Trung Quốc.
Trước tiên, thuyết về chế độ quốc tế. Thuyết này lấy thuyết về hợp tác an ninh “chủ nghĩa chế độ tự do” của Robert Keohane và Joseph Nye làm đại diện, bao gồm chủ nghĩa đa phương khu vực, cơ chế an ninh tập trung, “Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu” (OSCE) là kiểu mẫu thực tiễn của thuyết này. Trọng tâm lí luận của thuyết này là chế độ và sự quy chế hóa có thể hạn chế quyền lực, thúc đẩy hợp tác, giải quyết những khó khăn mà chủ nghĩa hiện thực không thể giải quyết, khiến cho cộng đồng quốc tế được an ninh, tức là “xây dựng chế độ quốc tế dựa trên cơ sở qua lại lẫn nhau cùng có lợi, tích cực thúc đẩy hòa bình”. Ở mặt này, chủ thể quyết sách của Nhật Bản đã tiến hành một số thử nghiệm nào đó, nhưng hiển nhiên không có ý định tin tưởng hay dựa vào “hiệu ứng chế độ” để bảo đảm an ninh của mình. Nguyên nhân ở chỗ: (1) Tuy thuyết này tuân thủ theo lí luận quyền lực của chủ nghĩa hiện thực, nhưng trước sau vẫn có thái độ hoài nghi đối với vai trò chế độ trong hệ thống quốc tế vô chính phủ; (2) thuyết này cho rằng thể chế an ninh Nhật-Mỹ là “cơ chế tối ưu nhất” có tính bài trừ của việc bảo đảm an ninh; (3) thuyết này cho rằng ở Đông Á vẫn đang tồn tại rất nhiều vấn đề tranh chấp khó có thể giải quyết, thiếu các cơ chế hợp tác an ninh khu vực có hiệu quả, cho dù có các cơ chế hợp tác an ninh khu vực hiệu quả thì cũng chưa có thể ràng buộc thực lực hùng mạnh và “sự không minh bạch” của quân sự Trung Quốc; (4) thuyết này cho rằng trong tổ chức an ninh tập thể lớn nhất là Liên hợp quốc, Nhật Bản vừa không phải là nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà còn là nước nằm trong “Điều khoản đế quốc” của “Hiến chương Liên hợp quốc”, nói gì đến nhờ cậy vào an ninh tập thể để “trông coi” Trung Quốc.
Thứ hai, về thuyết dựa vào nhau cùng tồn tại. Thuyết này là đại diện quan trọng của khuôn mẫu an ninh chủ nghĩa tự do mới, cho rằng thương mại dựa vào nhau và toàn cầu hóa có lợi cho an ninh và hòa bình quốc tế, mức độ kinh tế thương mại dựa vào nhau càng sâu sắc và bền vững thì sự bảo đảm về an ninh và hòa bình càng lớn. Mọi người đều biết, hiện nay, việc dựa vào nhau cùng tồn tại của kinh tế Trung-Nhật đang ngày càng chặt chẽ, sự khôi phục và phát triển của kinh tế Nhật Bản sẽ không thể tách khỏi Trung Quốc. Song, sự phát triển của thực tế và lôgích của thuyết này lại trái ngược nhau –– quan hệ như vậy không hoàn toàn có thể thay đổi được đặc trưng kết cấu của mối quan hệ an ninh hai nước, những nhân tố tiêu cực trong chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc không có được sự giảm thiểu một cách thực chất.
Nguyên nhân chủ yếu trong đó là, xuất phát từ tư duy chủ nghĩa hiện thực, Nhật Bản đã tiến hành xem xét đối với các mối quan hệ về vấn đề an ninh và “lợi tức tương đối” trong việc dựa vào nhau cùng tồn tại. Trong hợp tác quốc tế, lợi ích mà bản thân một nước giành được gọi là lợi ích tuyệt đối, lợi ích giành được vượt qua lợi ích của các quốc gia khác gọi là lợi ích tương đối. Lôgích của Nhật Bản là: (1) Trong quan hệ trao đổi kinh tế và sự dựa vào nhau cùng tồn tại với Nhật Bản, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng, lần lượt vượt qua các quốc gia phát triển chủ yếu bao gồm Nhật Bản, thì lợi ích tương đối sẽ tương đối nhiều; (2) “lợi ích tương đối về kinh tế phụ thuộc vào quyền lực tương đối về chính trị”, sự phát triển khác nhau về kinh tế khiến cho quyền lực chính trị quốc tế của Trung Quốc cũng không ngừng tăng lên và thực lực quân sự có thể đe dọa Nhật Bản; (3) Nhật Bản cố gắng theo đuổi lợi ích tương đối trong lĩnh vực an ninh đối với Trung Quốc, thực thi việc hạn chế xuất khẩu kỹ thuật cao sang Trung Quốc (các vụ kiện điển hình như vụ Toshiba và Yamaha), kiên quyết phản đối Liên minh châu Âu (EU) xóa bỏ hiệu lệnh cấm bán vũ khí quân sự đối với Trung Quốc; (4) lấy lợi ích tương đối làm tiêu chí, mối quan hệ an ninh giữa các nước trở thành cuộc đọ sức một mất một còn. Lợi ích về kinh tế và an ninh rõ ràng là mâu thuẫn mang tính kết cấu, chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc nghiêng về phòng bị nên khó có thể áp dụng tư duy dựa vào nhau cùng tồn tại.
c. Khẩu hiệu chính sách do DPJ đề ra
Sau khi DPJ lên cầm quyền, chủ nghĩa tự do với tư cách là con đường tư duy của chính sách đối ngoại đã đạt được sự đề xướng bước đầu. Hiện nay, chính sách an ninh tổng thể của nội các Yukio Hatoyama đã hiện rõ một số sắc thái chủ nghĩa tự do ôn hòa nào đó. Ví dụ, “các chính sách cơ bản” của an ninh đối ngoại Nhật Bản, đã đề ra các công ước như “lấy Liên hợp quốc làm trọng tâm, triển khai việc xóa bỏ hạt nhân, giải trừ quân bị”; chủ trương kiên trì “hiến pháp hòa bình”, không theo đuổi việc thực thi “quyền tự vệ tập thể” và “sử dụng vũ lực ở nước ngoài”, cũng như xác lập các cơ chế an ninh đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương; tạm thời trì hoãn việc thực hiện đường lối “bình thường hóa việc bảo đảm an ninh” của LDP, về mức độ phá vỡ các chính sách phòng vệ tỏ ra có phần hạn chế. Thậm chí bản thân Hatoyama còn cho rằng “đương nhiên, lợi ích của quốc gia là rất quan trọng, nhưng lợi ích của thế giới càng quan trọng hơn”.
Về quan hệ an ninh đối với Trung Quốc, Chính quyền Hatoyama đề xướng “Thuyết về chế độ quốc tế” và “Thuyết về an ninh tập thể” trong chủ nghĩa tự do mới. Họ đề ra “việc xây dựng mối quan hệ tin cậy, dựa vào nhau mang tính chế độ”, “chủ trương Cộng đồng Đông Á”, “ý tưởng phi hạt nhân hóa khu vực Đông Bắc Á” và “đàm phán hiệp định thương mại tự do Nhật-Trung-Hàn”, cũng như giải quyết tranh chấp song phương thông qua chế độ đàm phán hòa bình. Ví dụ, về việc tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật, Hatoyama cho rằng “những gì EU trải qua mách bảo với chúng ta rằng chỉ có đi việc nhất thể hóa lớn hơn nữa, mới có thể hóa giải việc tranh chấp lãnh thổ”. Ông còn cho rằng “nhất thể hóa khu vực và an ninh tập thể là con đường mà Nhật Bản cần phải tuân theo khi thực hiện chủ nghĩa hòa bình và nguyên tắc hợp tác đa phương do chủ trương hiến pháp Nhật Bản đề ra.” Một ví dụ nữa là, Hatoyama cho rằng “khu vực Đông Á đang ngày càng sống động, cần phải thừa nhận đây chính là phạm vi sinh tồn cơ bản của Nhật Bản. Cho nên, chúng ta cần phải tiếp tục xây dựng khung an ninh và hợp tác kinh tế ổn định và bảo trùm toàn khu vực.” Hatoyama cho rằng nhân dịp thành lập khung mới hợp tác quốc tế, “cần phải khắc phục vấn đề chủ nghĩa dân tộc quá độ, đi trên con đường hợp tác kinh tế và an ninh lấy quy tắc làm nền tảng.” Có thể thấy, sở dĩ Chính quyền Hatoyama gợi ý hệ thống an ninh chủ nghĩa tự do nào đó bao gồm Trung Quốc là vì “giải quyết vấn đề an ninh giữa các nước bằng nguyên tắc an ninh tập thể là mô hình chủ yếu mà khuôn mẫu của chủ nghĩa lí tưởng thiết lập ra, nó không phải là theo đuổi sự cân bằng quyền lực, mà là theo đuổi cộng đồng an ninh nào đó.”
Đồng thời, Chính quyền Hatoyama bắt đầu có thái độ bác bỏ những mặt tích cực đối với mối quan hệ an ninh Trung-Nhật trong sự dựa vào nhau cùng tồn tại, thể hiện rõ sự lí trí trong việc dần thích ứng đối với sự phát triển của Trung Quốc, sự định vị chiến lược của Nhật Bản. Tháng 11/2009, lần đầu tiên bị hỏi về “tổng giá trị sản phẩm quốc nội Trung Quốc vượt qua Nhật Bản”, Hatoyama cho rằng điều này sẽ đem đến một cơ hội phát triển mới cho Nhật Bản. “Xét từ quy mô dân số, thì tổng giá trị sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản là hợp với lẽ tự nhiên, không có gì ngạc nhiên”, “một quốc gia chỉ cần phát triển kinh tế phù hợp với tình hình của nước đó, là hợp lí rồi. Tôi không bi quan đối với tương lai của Nhật Bản, mà tràn đầy lạc quan”. Trên mức độ nào đó có thể cho rằng DPJ nhận thức được rằng trong hợp tác giữa các quốc gia vẫn đang tồn tại tính không đối xứng trong lợi ích tương đối, nhưng DPJ dường như coi trọng lợi ích tuyệt đối và lợi ích đa phương hơn, ý đồ thực hiện lợi ích cùng thắng lợi và bảo đảm an ninh trong sự dựa vào nhau và hợp tác với nhau. Và đây chính là khuôn mẫu an ninh do chủ nghĩa tự do mới chủ trương.
2. Sự méo mó và trở lại con đường đúng của khuôn mẫu chủ nghĩa xây dựng
Chủ nghĩa xây dựng là một kiểu lí luận quan hệ quốc tế tương đối mới, bản thân chủ nghĩa xây dựng không đưa ra khái quát một cách hệ thống đối với sự bảo đảm an ninh quốc gia. Về khuôn mẫu an ninh, chủ nghĩa này nhấn mạnh quyền lực và an ninh so với chủ nghĩa hiện thực mới. Chủ nghĩa tự do mới nhấn mạnh chế độ và hợp tác, chủ nghĩa xây dựng lại nhấn mạnh vai trò và ảnh hưởng của các yếu tố quan niệm như nhận thức chung, quy chế hóa, văn hóa và xây dựng vị thế. Về tổng thể, chủ nghĩa xây dựng cho rằng: mối quan hệ quốc tế không chỉ chịu ảnh hưởng của quyền lực chính trị, mà còn chịu ảnh hưởng quan niệm của các nước; kết cấu cơ bản của mối quan hệ quốc tế không chỉ là kết cấu quyền lực mang tính vật chất, mà còn là một kiểu kết cấu quan niệm “mang tính xã hội (văn hóa…)”; nếu thay đổi quan niệm cơ bản của các nước để xem xét mối quan hệ quốc tế, thì lợi ích vật chất có thể cùng với sự thay đổi của nhận thức chung chủ quan này mà thay đổi, và có thể đem đến những thay đổi lớn cho mối quan hệ an ninh quốc tế. Vì vậy, chủ nghĩa xây dựng đem lại tư duy an ninh có lợi cho các quốc gia là: có thể thông qua việc hình thành nhận thức chung (quan niệm), để thúc đẩy “nhận thức chung về vị thế” trong khu vực hoặc quốc tế, xây dựng quy tắc cùng có lợi v.v..., cải tạo trạng thái vô chính phủ trong hệ thống quốc tế, khuôn mẫu an ninh của chủ nghĩa hiện thực như thay đổi “khó khăn về an ninh” nhấn mạnh các nhân tố đang đóng vai trò mang tính quyết định đối với hành vi an ninh quốc gia, thực hiện hòa bình và an ninh quốc tế. Trên thực tế, trong tiến trình nhất thể hóa châu Âu, diễn tiến của quan hệ Pháp-Đức chính là ví dụ điển hình.
a. “ Sự méo mó về nhận thức chung” trong giới chính trị Nhật Bản
Nguyên nhân cơ bản của sự căng thẳng và đối lập trong mối quan hệ an ninh Trung-Nhật, là ngoài các nhân tố lợi ích thực tế, còn có nhân tố “nhân thức chung” – nhân tố nhận thức và quan điểm, đặc biệt là nhận thức khác nhau do nguyên nhân chính trị trong nước và ý thức hệ của Nhật Bản gây ra. Ở điểm này, trong thời kỳ đầu của thế kỷ 21, Chính quyền LDP thể hiện rất rõ, đại đa phần nội các trong các nhiệm kỳ của đảng này đều đi theo con đường ngược lại với tư duy tích cực trong chủ nghĩa xây dựng, và không thể tiến tới xây dựng mối quan hệ an ninh Trung-Nhật lành mạnh.
Trước tiên, nền chính trị trong nước Nhật Bản đã dẫn đến sự đối lập gay gắt về nhận thức chung. Trên mức độ rất lớn, sự đối lập về nhận thức chung và nghi ngờ của Nhật Bản đối với lĩnh vực an ninh Trung Quốc là kết quả của thái độ “bảo thủ” trong giới chính trị trong nước Nhật Bản và nền chính trị của nước này gây ra. Ví dụ, trong thời kỳ nội các Koizumi Junichirō , chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc có sự bài xích về nhận thức chung, điều này đã làm trầm trọng hơn sự đối lập về nhận thức chung của hai nước trong tầng lớp xã hội. Vì xuất phát từ nhu cầu chính trị trong nước mạnh mẽ, tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc thường bị thổi phồng lên thành mối đe dọa lợi ích và an ninh của Nhật Bản, bị coi là nguyên nhân bên ngoài quan trọng làm đóng băng nhận thức chung của xã hội, kìm nén sức mạnh của chủ nghĩa hòa bình trong nước và phá vỡ thể chế hiến pháp Nhật Bản, trở thành cái cớ để Nhật Bản dựa vào khi thực hiện “bình thường hóa” việc bảo đảm an ninh của mình.
Thứ hai, nhân tố ý thức hệ gây trở ngại cho việc xây dựng nhận thức chung. Chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc vốn nghiêng về những tính toán của chủ nghĩa hiện thực, nhưng thời kỳ đầu của thế kỷ 21, chính sách này lại mang màu sắc ý thức hệ sâu đậm. Nhận thức chung chính là cơ sở để xây dựng sự tin cậy và tiến hành hợp tác, nhưng trong kết cấu chính trị, chế độ xã hội và quan điểm giá trị, thế lực của chủ nghĩa bảo thủ Nhật Bản, đặc biệt là Chính quyền Taro Aso và Shinzo Abe , đều không có sự nhận thức chung về Trung Quốc, từ chối xây dựng nhận thức chung về vị thế với Trung Quốc. Họ nhấn mạnh các quan điểm giá trị chung về kinh tế thị trường và tự do dân chủ với Mỹ, lợi dụng tín ngưỡng chính trị chung và nhận thức chung về vị thế để tăng cường liên minh Nhật-Mỹ, kiềm chế tiến trình phát triển của Trung Quốc. Họ còn thúc đẩy “ngoại giao giá trị quan” như “Liên minh các quốc gia dân chủ” và “vòng tự do và phồn vinh”, xây dựng “vòng vây mềm” để loại trừ và bao vây Trung Quốc.
Đương nhiên, đối lập về nhận thức chung của Nhật Bản đối với Trung Quốc sẽ không dẫn đến đối kháng và căng thẳng của mối quan hệ an ninh song phương. Nhưng nếu kết hợp với chiến lược quốc gia đặc biệt nào đó, nó sẽ trở thành nhân tố quan trọng gây nên sự đối kháng về an ninh Trung-Nhật, làm tăng thêm tính phức tạp và khó khăn trong việc xây dựng chiến lược cùng có lợi và mối quan hệ an ninh bền vững.
b. DPJ tỏ rõ thiện ý xây dựng
Chính quyền DPJ nhiều lần cho rằng họ rất coi trọng quan hệ an ninh Trung-Nhật, nhấn mạnh sự khoan dung và cùng tồn tại, trong cương lĩnh chính sách đề ra “xây dựng mối quan hệ tin cậy vững chắc giữa các lãnh đạo cấp cao của hai nước, cố gắng thông qua các cuộc đàm phán có tính xây dựng để giải quyết các vấn đề còn tồn tại”. Ngoài ra, về các vấn đề như giải quyết “vấn đề lịch sử”, khởi xướng “ngoại giao thân mật” và cộng đồng Đông Á, từ nhân tố quan niệm và nhận thức chung về vị thế, Chính quyền DPJ bước đầu đã thể hiện thái độ xây dựng độ tin cậy về an ninh cũng như mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.
Trong các “chính sách cơ bản” an ninh ngoại giao, DPJ đã từng đề ra “trên cơ sở tự kiểm điểm đối với chiến tranh đã qua, xây dựng mối quan hệ tin cậy cơ bản với các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế ngoại giao với các nước ở châu Á. Đứng trên góc độ lâu dài, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với một Trung Quốc đang phát huy vai trò quan trọng về hòa bình và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương”. Trong rất nhiều trường hợp, Hatoyama cũng nói rằng DPJ là chính đảng có dũng khí dám nhìn thẳng vào vấn đề của lịch sử, cần xây dựng cộng đồng Đông Á trên cơ sở hòa giải lịch sử, “đây là điều không thể tưởng tượng và không có khả năng thành hiện thực dưới thời đại của Chính quyền LDP”. Điều này cho thấy, DPJ hoặc đã nhận thức được rằng nếu không giải quyết hậu quả trực tiếp của “vấn đề lịch sử”, thì độ tin cậy và nhận thức chung giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ giảm xuống, và cảm giác đặc trưng khó có thể loại bỏ này sẽ trực tiếp làm tăng thêm sự đề phòng và cảnh giác ở tầng nấc chiến lược của hai nước trong bối cảnh “khó khăn về an ninh”.
DPJ còn đề xuất xóa bỏ những bất đồng về quan điểm giá trị và ý thức hệ, xây dựng mối quan hệ thân mật và tin cậy với các nước láng giềng. Các “quan niệm cơ bản” trong chính sách của đảng này nêu rõ, xây dựng mối quan hệ quốc tế mới, xây dựng Nhật Bản thành quốc gia có thể tin cậy bằng “ngoại giao thân mật” tự lập và cùng tồn tại, hợp tác và tôn trọng. Hatoyama công khai bày tỏ bất đồng ý kiến đối với “ngoại giao giá trị quan” mà nội các Shinzo Abe và Taro Aso đã thúc đẩy, đề ra ý tưởng “tôn trọng các thể chế quốc gia có quan điểm giá trị khác với Nhật Bản như Triều Tiên, Trung Quốc, thực hiện cộng đồng Đông Á”. Trong hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật vào tháng 9/2009, Hatoyama đề xuất và hy vọng “hai bên vượt qua sự khác nhau về lập trường, xây dựng mối quan hệ ngoại giao thân mật”. Vì vậy, phương châm ngoại giao thân mật này cũng được giải thích là “đối với các quốc gia có quan điểm giá trị khác với Nhật Bản, nên thừa nhận lập trường của từng nước, từ đó cùng tồn tại cùng phồn thịnh”. Nguyên tắc ngoại giao thân mật này của Hatoyama giống với quan điểm chủ nghĩa của Immanuel Kant trong hệ thống văn hóa thế giới, đem lại tiền đề nhận thức chung và quan niệm tích cực nào đó cho việc xây dựng mối quan hệ an ninh Trung-Nhật kiểu mới. Ngoài ra, nội các Hatoyama còn nỗ lực xây dựng “nhận thức chung về vị thế” với tư cách là một thành viên của châu Á. Ví dụ, việc đề xướng xây dựng “Cộng đồng Đông Á”; nhấn mạnh Nhật Bản sẽ “không thể quên vị thế của mình là quốc gia nằm ở châu Á”; đề xuất “tăng cường ngoại giao ở châu Á, dốc sức xây dựng mối quan hệ tin cậy với các nước ở châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc, xây dựng quan hệ tin cậy và hợp tác ba bên Nhật-Trung-Hàn vì sự ổn định và hòa bình của Đông Á và thế giới.”
Chủ nghĩa xây dựng cho rằng một nhân tố then chốt của việc nảy sinh thay đổi nội hàm lợi ích quốc gia là quan niệm, quan niệm quyết định nhận thức chung về vị thế, vị thế quyết định lợi ích, mối quan hệ đối tác an ninh giữa rất nhiều quốc gia là sản phẩm của quan niệm qua lại, còn sự khó khăn về an ninh cũng chỉ là một kiểu kết cấu biến động xã hội do sự hiểu biết lẫn nhau và quan niệm chủ yếu giữa các chủ thể mà tạo thành”. Một loạt đề xuất thân thiện của DPJ, tuy còn hạn chế là nói miệng, nhưng cũng có thể nói là đã cải thiện được “quan niệm” của bản thân trong việc nhận thức đối với Trung Quốc, thiết lập môi trường qua lại nào đó để thúc đẩy việc xây dựng quy chế hóa “nhận thức chung về tập thể (hợp tác văn hóa)”, “sự kết hợp giữa nhận thức chung và lợi ích” trong mối quan hệ an ninh Nhật-Trung.
c. Những tuyên bố chính sách sau khi DPJ lên cầm quyền
Bất kỳ quốc gia nào cũng phải tiến hành xem xét chủ nghĩa hiện thực đối với chính sách an ninh của mình, nhưng “khi nhà nước được thành lập, có những nhận thức chung như thế nào đối với yếu tố vật chất và hành vi của bản thân có thể áp dụng, thì sẽ xuất hiện các hành vi chính sách tương ứng”. Trong chính sách an ninh đối với Trung Quốc, Chính quyền DPJ cũng đưa ra một số hành động thiện chí tương ứng. Ví dụ, việc quan chức quốc phòng của Nhật Bản tỏ thái độ không thể đóng quân ở Yonaguni , tạm thời gác lại kế hoạch đồn trú do LDP đề nghị , Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa cho rằng “trong tình hình đoàn kết hợp tác với các nước châu Á, chính sách vô cớ kích động của các nước láng giềng thì như thế nào?” Đồng thời, Chính quyền DPJ còn quyết định trì hoãn việc sửa đổi “Đại cương kế hoạch phòng vệ”, tuy điều này có thể chủ yếu là do phương hướng chính sách an ninh quốc gia với tư cách là nhân tố trong nước chưa xác định, nhưng đa số giới bên ngoài phân tích cho rằng làm thế nào để giải quyết “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” của LDP cũng là một trong những nguyên nhân.
Một ví dụ nữa là, nhân dịp 60 năm Trung Quốc thành lập đất nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Koichi Takemasa có bài phát biểu cho rằng: “Hai nước Nhật Bản và Trung Quốc đang gánh vác trách nhiệm bảo vệ hòa bình và ổn định ở châu Á, thậm chí cộng đồng quốc tế. Cần phải xây dựng cộng đồng Đông Á, để cùng nhau đảm nhiệm phần trách nhiệm này.” Sau đó, cuối năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa đã đạt được thỏa thuận về việc thúc đẩy hơn nữa đối thoại chiến lược và giao lưu phòng ngự với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt , khi ông này đến thăm Nhật Bản. Đồng thời, Kitazawa cho rằng: “Với tình hình thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, hoàn toàn có thể hiểu được cách làm của Trung Quốc trong việc không ngừng cải cách kỹ thuật để tăng cường sức mạnh của không quân và hải quân”, “từ trước đến nay, tôi đều không cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa của Nhật Bản”, “tình hình của các nước khác nhau, tôi sẽ không chỉ trích các chính sách quốc phòng của Trung Quốc”, “ngày nay, Nhật Bản đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị vững chắc với Trung Quốc và hoàn toàn coi trọng mối quan hệ này”. Quan chức của Bộ quốc phòng Nhật Bản còn phá lệ cho phép Lương Quang Liệt tham quan tàu khu trục Zeus, hành động này bị các phương tiện thông tin đại chúng của Nhật Bản bình luận là “lần đầu tiên mở cửa đối với quan chức quốc phòng của một nhà nước xã hội chủ nghĩa, là một hiện tượng rất hiếm thấy”.
Từ chủ nghĩa xây dựng cho thấy, an ninh có nghĩa là nói đến sự tồn tại và vai trò của mối đe dọa. Từ một góc độ khác cho thấy, cộng đồng an ninh là kết cấu xã hội hoàn toàn khác nhau: “Nhận thức chung của các nước khiến cho họ có độ tin cậy lẫn nhau rất cao, tuy vẫn còn tồn tại xung đột về lợi ích, nhưng họ đều tin tưởng rằng có thể thông qua con đường hòa bình để giải quyết vấn đề, và những yếu tố trên có thể dẫn đến cộng đồng an ninh. Do vậy, nếu DPJ có thể tự giác tiến hành sửa đổi đối với “hậu quả quan niệm” của “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, kiên trì thúc đẩy việc xây dựng các chính sách hợp tác tin cậy lẫn nhau và đối với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh, thì chắc chắn sẽ có ý nghĩa hiện thực quan trọng.
III. Kết luận
Xuất phát từ góc độ lí luận quan hệ quốc tế của ba kiểu chủ nghĩa phương Tây (chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xây dựng) chủ yếu kể trên, điều chỉnh lại đối với đặc trưng của chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc và xu hướng thay đổi hiện nay từ sau Chiến tranh Lạnh, có thể nhận thấy, sau khi DPJ lên cầm quyền, ít nhiều đã đưa một số quan niệm mới vào chính sách an ninh quốc gia lấy chủ nghĩa hiện thực làm quan điểm cơ bản. Chịu ảnh hưởng của những quan niệm mới này, chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc hiện nay đã xuất hiện một số xu hướng thay đổi tích cực nào đó.
Song, do thời gian cầm quyền của DPJ ngắn, đến nay, chỉ có thể coi là “phái cải cách nói miệng”, sau này liệu có thể thúc đẩy cương lĩnh chính trị chủ nghĩa lí tưởng đó như nó tuyên bố trong lĩnh vực chính sách an ninh đối với Trung Quốc hay không, vẫn phải đối mặt với những nhân tố khó khăn phức tạp.
Trước tiên, xét từ lí luận, ở Đông Á, từ trước đến nay chủ nghĩa hiện thực đều đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ quốc tế, sau này e rằng vẫn như vậy; chủ nghĩa tự do dựa vào nguyện vọng chủ quan, lại cộng thêm hiệu quả của cơ chế, nên khó có thể thành công; chủ nghĩa xây dựng chủ trương bồi dưỡng về nhận thức chung để có thể cải thiện mang tính thực chất mối quan hệ an ninh giữa các nước, nhưng đến nay chưa được nghiệm chứng đầy đủ.
Thứ hai, từ hiện thực mà nói khó khăn vẫn chồng chất. Chẳng hạn như, về mặt chính trị trong nước Nhật Bản, Chính quyền DPJ không vững chắc, ý chí của tầng lớp lãnh đạo đảng này liệu có thể đại diện cho nhận thức chung của toàn đảng hay không vẫn là một dấu hỏi, hơn nữa chính sách của họ đối với Trung Quốc đã dẫn đến sự hợp sức chỉ trích của thế lực cánh hữu bảo thủ; về mặt quốc tế, có sự hạn chế và cản trở của Mỹ đối với chiến lược của Nhật Bản; về cấp độ song phương, nhiệm vụ khó khăn còn tồn tại trong quan hệ Trung-Nhật là làm thế nào để thực thi mối quan hệ qua lại tốt đẹp.
Cho nên, Chính quyền DPJ phải xây dựng mối quan hệ an ninh hợp tác hữu nghị với Trung Quốc, phải tự mình khắc phục những khó khăn về các mặt như “cạnh tranh quyền lực”, “những khiếm khuyết về cơ chế” và “đối lập trong nhận thức”, từ nay trở đi phải tiến hành cải cách kết cấu đối với các chính sách của Nhật Bản. Đây không phải là công việc dễ dàng. Sự thật, sau khi DPJ lên cầm quyền, chính sách an ninh của đảng này do chủ nghĩa lí tưởng dẫn dắt ngày càng thụt lùi, bị các phương tiện thông tin đại chúng của Nhật Bản gọi là dần dần trở thành “chủ nghĩa hiện thực”. Sau này, Chính quyền DPJ liệu có đầy đủ điều kiện chính trị trong nước và quốc tế để kiên trì và thực hiện các chủ trương an ninh đối với Trung Quốc như đã từng tuyên bố như hiện nay hay không, hiện nay vẫn rất khó đoán trước, còn phải xem xét cẩn thận./.
Theo Tạp chí “Ngoại giao Trung Quốc”, Trung Quốc
Hoàng Loan (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-dong-bac-a/1802-chinh-sach-an-ninh-ca-nht-bn-i-vi-trung-quc