Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

7. Quan hệ Nga-Trung: Thực trạng, Xu thế và Tác động

Bài nghiên cứu đánh giá về thực trang và xu thế mối quan hệ Nga – Trung và tác động đến Phương Tây. Bề ngoài quan hệ hiện nay xem ra có vẻ ổn định, nhưng hoàn toàn không tĩnh tại. Xu hướng của mối quan hệ giữa một nước có đất đai rộng lớn nhất và một  nước có số dân đông nhất thế giới sẽ tiến triển như thế nào?
Sự vận động của mối quan hệ Nga-Trung thời hậu Liên bang Xôviết đã và sẽ vẫn là một câu chuyện thành công. Đây là một ví dụ nổi bật về cách thức để hai cường quốc lớn, mặc dù đã trải qua một quá khứ chung đầy khó khăn và đang phải đối mặt với những thách thức đương đại, đã có thể không chỉ kiểm soát và hài hòa những khác biệt, mà còn có thể xây dựng một mối quan hệ được coi là đối tác chiến lược. Một vài nhà nghiên cứu nhìn nhận hiện trạng của mối quan hệ này với mối nghi hoặc, trong khi đó một bộ phận khác của giới nghiên cứu lại hào hứng khám phá các triển vọng của mối quan hệ này. Dù có khác biệt, tất cả đều đồng ý với nhau ở một điểm: đó là tầm quan trọng của quan hệ Nga-Trung đối với tương lai của hai lục địa Âu và Á, với riêng châu Á và với trật tự địa chính trị toàn cầu. 
Tuy nhiên, một vấn đề rất cần phải nghiên cứu là xu hướng tiến triển của mối quan hệ này, giữa một bên là một nhà nước có đất đai rộng lớn nhất và một bên là nhà nước có số dân đông nhất thế giới, sẽ được duy trì trong bao lâu, và trên thực tế liệu có thể duy trì được không? Lý do phải đặt ra câu hỏi này là do chúng ta đang chứng kiến một thực tế là trong khi mối quan hệ Nga – Trung với tất cả nền tảng thực dụng của nó xem ra có vẻ ổn định, lại hoàn toàn không tĩnh tại. Trung Quốc hiện đang tăng trưởng nhanh gấp nhiều lần tốc độ mà nước Nga hy vọng có thể bắt kịp trong tương lai gần, và chính điều này đang hàng ngày làm thay đổi tương quan quyền lực giữa hai bên. 
Một điều quan trọng hơn, mối quan hệ này hiện đang bất cân xứng nếu xét về sự cần thiết phải phụ thuộc lẫn nhau của Mátxcơva và Bắc Kinh đối với bên kia. Đối với Trung Quốc, quan hệ thương mại với Nga chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng kim ngạch thương mại của nước này, và Trung Quốc cũng chưa hề có ý định phát triển lên một mức độ phụ thuộc cấp thiết vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, ít nhất là trong tương lai gần. Với tư cách là một cường quốc đang nổi lên, nước này đang gia tăng ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn thế giới, đi kèm với – chứ không phải chịu mất đi – mối quan hệ hợp tác kinh tế năng động với phương Tây; và ngay cả đối với không gian hậu Xôviết, Bắc Kinh cũng tích cực tìm kiếm cơ hội để củng cố sự hiện diện của mình. Nói một cách khác, họ có rất nhiều đất để dụng võ, và có nhiều sự lựa chọn. Trong khi đó Nga, ngược lại, với cơ cấu xuất khẩu một chiều dựa vào năng lượng, sự suy giảm dân số ở vùng Viễn Đông, quan hệ lúc thăng lúc trầm với EU và Mỹ, và sự bất lực hiển nhiên trong việc duy trì vị thế trung tâm quyền lực ngay cả đối với các quốc gia trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), hiện sẽ phải phụ thuộc vào thái độ tích cực của Trung Quốc nhiều hơn. 
Một quan điểm phổ biến hiện nay trong giới quan sát phương Tây là nhìn vào tổng thể, mối quan hệ đối tác Nga – Trung hiện vận động theo hướng lợi thế nghiêng về phía Trung Quốc. Quan điểm này cũng được chia sẻ trong nội bộ phía Nga một cách công khai hoặc gián tiếp. Ví dụ, gần đây, một nhóm nghiên cứu có ảnh hưởng của Nga đã công bố một bản báo cáo trong đó đưa ra kết luận “sự trỗi dậy về quyền lực của Bắc Kinh đang gây ra những mối lo ngại, bất luận là theo hướng nào, mặc dù cho đến nay vẫn mang tính thận trọng và hòa bình”, và cảnh báo “khả năng nước Nga sẽ trở thành một bên phụ thuộc trong việc cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô” và, trong tương lai, sẽ trở thành “đàn em chính trị” của một Trung Quốc đang trỗi dậy. 
Rất ít cơ sở để có thể nhận định rằng nước Nga có thể tự mình đương đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, với giả định chung nhất, chúng ta có thể nghĩ tới hai lựa chọn trái ngược nhau mà nước Nga có thể áp dụng trong hoàn cảnh này. Lựa chọn thứ nhất, về hùa với Trung Quốc, tức cho phép kịch bản “đàn em chính trị” trở thành hiện thực và cùng lúc đó có thể sẽ là cố gắng vớt vát đòi được những điều kiện tốt nhất có thể có trong mối quan hệ liên minh. Lựa chọn thứ hai, cân bằng với Trung Quốc bằng cách ngả về các cường quốc phương Tây, thậm chí là nhiều hơn thế nữa. Nếu như vậy thì lúc đó sự “tái kích hoạt” trong quan hệ của Nga với Mỹ, và thái độ ủng hộ của châu Âu cho kế hoạch hiện đại hóa của Nga, sẽ là một môi trường ý thức hệ tốt cho lựa chọn chính sách này. Thế nhưng, cần phải nhắc lại một lần nữa, đây chỉ là viễn cảnh về mặt lý thuyết, chỉ nhằm minh họa là có một sự lựa chọn như vậy. Cho đến nay, vẫn chưa đủ các công trình nghiên cứu hoặc phân tích sự lựa chọn nào sẽ có cơ hội được lựa chọn hơn, nếu có, và liệu có hay không việc Mỹ và châu Âu quan tâm đến việc lựa chọn này đang được cân nhắc trên thực tế như thế nào, và liệu phương Tây có sẵn sàng lèo lái Nga vào một hướng này hay hướng khác không? 
Báo cáo nghiên cứu Quan hệ Nga-Trung của Viện Nghiên Cứu các Vấn đề Quốc tế của Phần Lan (FIIA) cố gắng giải đáp phần nào mảng trống nói trên, xem xét các xu hướng khác nhau hiện đang đồng hành trong quan hệ Nga-Trung và đưa ra các kịch bản lựa chọn trong tương lai của mối quan hệ này. FIIA đã hợp đồng với một nhóm các học giả quốc tế để phụ trách từng chương của báo cáo nghiên cứu này, trong khi đó tác giả của chương kết luận này, với vai trò biên tập viên, đã tiến hành nghiên cứu và phỏng vấn tại Mátxcơva, Bắc Kinh và Thượng Hải. 
Dưới đây là phần tóm tắt các phát hiện và kết luận của công trình nghiên cứu này: 
Trước tiên, cần phải nhắc lại rằng Nga và Trung Quốc xem ra đã tìm được một “phương thức vận hành” chấp nhận được trong quan hệ song phương. Rất dễ để ta nhận thấy những mỹ từ được lặp đi lặp lại, kể cả chính thức và không chính thức, để mô tả mối quan hệ này - như “tốt nhất trong lịch sử”, “tốt nhất trong vòng 40 năm qua” hoặc “tốt đẹp nhất trong các mối quan hệ chiến lược của Trung Quốc” - là có cơ sở. Thương mại song phương đang gia tăng, và vai trò tích cực bổ trợ lẫn nhau giữa một bên là nhà xuất khẩu năng lượng và một bên là nhà xuất khẩu hàng hóa chế tạo, mặc dù chỉ riêng thực tế này chưa đủ để giải thích xu thế của mối quan hệ. 
Nga và Trung Quốc chia sẻ cùng một mối quan tâm chung là thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt, bảo đảm ổn định khu vực, và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan tại khu vực Trung Á. Trung Quốc tôn trọng vị thế cường quốc của Nga, ngay cả khi đang suy yếu, và không chỉ không tỏ ra quan tâm đến việc thảo luận tình hình nội bộ của Nga, mà còn không thách thức Nga một cách công khai về chính sách được Nga công bố về đặc quyền của Nga trong không gian hậu Xôviết. Điều quan trọng nhất, đối với cả hai nước, là mối quan hệ này có giá trị tự thân, và vì thế, nó không phải là một hàm số trực tiếp liên quan đến mối quan hệ của mỗi nước với phương Tây, một điểm cần phải chú ý khi xem xét những hành vi có thể có của Nga. Trong khi một điều hiển nhiên là cả Mátxcơva và Bắc Kinh đều mong muốn giới hạn ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Á, cũng như trước đó là các tuyên bố chung mạnh mẽ chống lại tư tưởng bá chủ toàn cầu của Mỹ hoặc quan điểm tai tiếng về sự hình thành của một “thế giới đơn cực” – trên thực tế là một nhân tố mạnh mẽ kết nối hai nước này, sẽ là hoàn toàn sai nếu coi đây là dấu hiệu về sự tồn tại, hoặc sẽ hình thành, một tam giác địa chính trị thực thụ. Bản chất của sự hợp tác của mỗi nước Nga và Trung Quốc với phương Tây là khác nhau. Trong trường hợp của Trung Quốc, chủ yếu là kinh tế, và vì lý do này, may thay, việc tái lập quan hệ hữu nghị của phương Tây với một trong hai nhà nước này không nhất thiết gây ra bất lợi cho nhà nước kia. 
Tuy vậy, ta cũng phải thấy rằng các dấu hiệu về sự không hài lòng giữa hai bên là rất dễ phát hiện. Chúng ta khó có thể đo lường tổng thể liệu mức độ mâu thuẫn có ngày càng lớn lên không, song một vài động thái nhằm điều chỉnh hiện trạng của Nga đã phát đi tín hiệu rằng mức độ không hài lòng cũng đã đến một ngưỡng không thể xem nhẹ.
Nga không hài lòng về hiện trạng quan hệ thương mại song phương. Tổng kim ngạch gia tăng là điều tốt, song vấn đề thâm hụt mậu dịch, tỷ trọng không đáng kể của hàng hóa chế tạo trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Nga, và việc Trung Quốc chỉ sẵn sàng mua nhiên liệu từ Nga với giá ưu đãi đặc biệt, là những vấn đề khó chấp nhận với Mátxcơva. Ngược lại, không có lý gì Trung Quốc lại nhập khẩu hàng hóa với chất lượng và giá cả kém cạnh tranh so với thị trường thế giới chỉ để chiều lòng “đối tác chiến lược”. Tuy Nga, hiện chưa là thành viên WTO nhưng là trụ cột của Liên minh Hải quan bao gồm cả Cadắcxtan và Bêlarút, không thể công khai áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch với Trung Quốc, nước này có thể áp dụng những biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc, một chính sách có thể gây đau đớn cho những thực thể kinh tế đơn lẻ của Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc rất nhiều khả năng có một thái độ dè chừng với kế hoạch hiện đại hóa của Nga, vì nếu chương trình này thành công, các doanh nghiệp của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Về những hiệp định kinh tế mang màu sắc chính trị, chẳng hạn như việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong trao đổi thương mại song phương, có phạm vi hạn chế và rất ít triển vọng. Bởi vì nếu Mátxcơva và Bắc Kinh thực sự nghiêm túc trong việc biến đồng Rúp và nhân dân tệ thành những đồng tiền quốc tế, họ đương nhiên sẽ trở thành những đối thủ của nhau. 
Cán cân quân sự trong khu vực đang mỗi ngày chuyển biến theo hướng lợi thế nghiêng về phía Trung Quốc, gây ra sự cảnh giác đối với công chúng và giới quân sự của Nga. Xu hướng này đã khiến câu hỏi về vấn đề tương lai của vùng Viễn Đông trở thành chủ đề trọng tâm trong các cuộc thảo luận nội bộ của Nga. Bắc Kinh đang làm hết sức mình nhằm xóa bỏ mối lo ngại trên của Nga, xong khả năng khu vực ngoại vi của Nga trở thành khu vực ngoại vi của Trung Quốc lại tồn tại một cách khách quan, và ta chỉ cần đến thăm một vài quận kinh doanh tại Bắc Kinh, chứ chưa nói tới các thành phố phương Bắc của Trung Quốc, là hiểu ngay điều này. 
Hợp tác về chính sách ngoại giao cũng đang bộc lộ những giới hạn của nó. Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO), năm nay đã kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, xem ra đã không trở thành một tổ chức năng động và phát triển. Tổ chức này đã thành công trong sứ mệnh dẫn dắt con tầu kinh tế và chính trị Trung Quốc tiến vào Trung Á và đã tạo được một vị thế riêng trong hợp tác khu vực, song cơ hội để SCO có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn hơn nữa xem ra mỏng manh. Trung Quốc khó có thể chấp nhận tư cách thành viên đầy đủ của Ấn Độ, một quốc gia có quan hệ phức tạp với Trung Quốc, và đây sẽ là vấn đề cản trở sự mở rộng của SCO. Trong khi đó, Nga gần đây đang chú trọng nhiều hơn tới Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể mà Nga là nhà lãnh đạo duy nhất tại tổ chức này. Khối BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ và vẫn sẽ chỉ là một diễn đàn để chia sẻ ý kiến, vì các nước thành viên có quá nhiều khác biệt về quy mô và lợi ích để có thể có một nghị trình tổng quát chung. Thực tế hiện nay, mối quan hệ Trung-Nga tại Trung Á là khá ổn định và cân bằng, mặc dù vẫn còn lắng đọng một chút không hài lòng của Trung Quốc về việc Nga đã “cho phép” hoặc “hoan nghênh” sự hiện diện quân sự của phương Tây tại khu vực này sau năm 2001. Đồng thời, sự chủ động ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các vùng khác của Liên bang Xôviết trước đây cũng làm Nga không hài lòng. Bắc Kinh có thể giải thích mối quan tâm của họ tới khu vực của các Quốc gia Mới giành độc lập phía Tây (Western NIS) chủ yếu là tìm kiếm thị trường mới, song sự có mặt của Trung Quốc, với tất cả nguồn lực nó mang đến, sẽ đương nhiên làm giảm dần ảnh hưởng của Nga. Một trường hợp điển hình là Bêlarút, mà nhà lãnh đạo của nước này, trong khi biểu diễn bài tập thăng bằng giữa phương Tây và Nga, vẫn nhất quán tìm kiếm sự ủng hộ về mặt kinh tế và chính trị từ Trung Quốc. 
Về mặt văn hóa, bất chấp mọi nỗ lực chính thức nhằm mở rộng truyền bá văn hóa sang lẫn nhau, và gia tăng các cuộc gặp gỡ phi chính thức, khoảng cách khác biệt văn hóa giữa hai bên xem ra vẫn chưa được thu hẹp. Ngược lại, cả hai phía đang ngày càng tỏ ra quan ngại về khả năng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Vấn đề này ảnh hưởng đến cấp độ tổng thể về lòng tin lẫn nhau, hiện vẫn còn thiếu vắng. Đã có vài trường hợp liên quan đến các thỏa thuận ở cấp cao nhất, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, mà theo phía Trung Quốc, Nga đã không thực thi như lời hứa hoặc thực thi với sự chậm trễ không thể chấp nhận được. Sau hết, ở Trung Quốc hiện đang tồn tại một sự thiếu lòng tin rõ nét vào Nga với tư cách là một quốc gia hiệu quả và thậm chí vào sự ổn định dài hạn của nước này, một quan điểm đương nhiên làm suy yếu triển vọng cho mối quan hệ đối tác. Giới nghiên cứu Trung Quốc chỉ trích rất nhiều về nạn tham nhũng tại Nga, kỷ cương luật pháp yếu kém, và vấn đề về dân số học – nói một cách khác đây cũng đều là các điểm trọng tâm nghiên cứu của phương Tây. Không còn nghi ngờ gì nữa, một luồng quan điểm rất trịch thượng đang nổi lên ở Trung Quốc, và đây cũng là một thái độ tự nhiên của một quốc gia thành công đang trỗi dậy đối với láng giềng đang suy yếu của mình. 
Vậy thì, phản ứng có thể có của nước Nga sẽ ra sao và liệu nó có khả năng làm bất cứ điều gì để tình hình có lợi hơn cho mình không? Trước hết, dường như cả hai lựa chọn khó khăn giữa về hùa với Trung Quốc và cân bằng với Trung Quốc thông qua một liên minh với phương Tây, như phân tích ở trên, đều là sự sai lầm tiến thoái lưỡng nan. Cả vì lý do văn hóa và chính trị, nước Nga sẽ không thể sẵn sàng chấp nhận vai trò là một đối tác lép vế với Trung Quốc, ngay cả khi sự cộng sinh của các lợi ích kinh tế không minh bạch và một tâm lý bài phương Tây vẫn quẩn quanh tạo nên sức mạnh vận động hành lang cho sự lựa chọn này trong nội bộ nước Nga. Thế nhưng, nước Nga cũng không thể vượt qua một điểm giới hạn trên con đường liên minh với phương Tây. Một liên minh tập hợp chống Trung Quốc – đặc biệt là nếu đó là tư cách thành viên NATO của Nga – sẽ đặt nước Nga vào vị trí một nhà nước tiền tiêu và tước đi đáng kể sự độc lập và rảnh tay trong xử lý các vấn đề quốc tế, các giá trị mà nước Nga luôn đề cao. 
Có thể tránh được sự lựa chọn khó khăn này nếu nước Nga đã hoặc sẽ có thể trở thành một cường quốc châu Âu-Thái Bình Dương, nếu như Nga có thể hội nhập với hệ thống các mối quan hệ quốc tế tại châu Á như một quốc gia cùng lúc có mối quan hệ tốt với phương Tây, bắt đầu từ Mỹ, và tiềm năng hiệp đồng tốt với các quốc gia Thái Bình Dương. Đây là một chiều hướng xem ra giới nghiên cứu của Nga đang phát triển và được đúc rút trong công thức “Ngả về phương Tây, ổn định phương Nam, và tiến về phương Đông”. Các ích lợi của sự lựa chọn này là hết sức rõ ràng vì nước Nga sẽ có thể hưởng lợi từ sự trỗi dậy của châu Á, trong khi không gây ra bất cứ điều gì để có thể làm mất lòng Trung Quốc. 
Tuy nhiên, vấn đề của sự lựa chọn này nằm ở chỗ, trong khi về mặt nghiên cứu học thuật, sự lựa chọn này rất lôgích và không gây tranh cãi, song nó lại khá là không thực tiễn với nước Nga ngày nay và khó thực hiện với giới lãnh đạo Nga. Nền kinh tế, một lần nữa lại là nhân tố then chốt, bởi vì chừng nào Nga hầu như không có gì để trao đổi ngoại trừ năng lượng và vũ khí, chừng đó nó vẫn sẽ không thể trở thành một đối tác hấp dẫn cho những người khổng lồ trong khu vực, kể cả Ấn Độ. Chừng nào Nga vẫn không thể cải thiện quan hệ với Nhật Bản, và tình hình xung quanh quần đảo Kuril vẫn xấu đi trong năm 2010, chừng đó triển vọng hợp tác an ninh với Mỹ sẽ bị cản trở, và đầu tư của Nhật Bản tại vùng Viễn Đông của Nga, một nhân tố tối cần để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc, vẫn sẽ chỉ là giấc mơ. Chừng nào những căn bệnh nội tại của Nga, hiện đang bào mòn uy tín quốc tế của Nga trên khắp thế giới, như được minh chứng bởi các cuộc thảo luận về Nga tại Trung Quốc, không được khắc phục, quỹ đạo đi xuống của nước Nga sẽ khó lòng đảo ngược được. Chừng nào phương Tây vẫn còn là tâm điểm trong hoạch định chiến lược an ninh của Nga và vẫn bị coi là một phần gây ra vấn đề chứ không phải là một phần của giải pháp, chừng đó khó có thể hy vọng vào một liên minh khu vực có thể tin cậy với đại diện chủ chốt của phương Tây- Mỹ. 
Khả năng lớn là về mặt trung hạn, Nga sẽ lựa chọn phương hướng trơ lỳ không thay đổi trong chính sách đối với Trung Quốc. Phương thức cùng tồn tại hiện nay phù hợp với Trung Quốc hơn là với Nga, song để thay đổi được xu thế này đòi hỏi tầm nhìn và khả năng lãnh đạo, những phẩm chất mà Nga đang cần – và đang thiếu – trên rất nhiều vấn đề, trong đó quan hệ với Trung Quốc xem ra không được nhìn nhận là một vấn đề cấp bách. Hậu quả lâu dài của sự lựa chọn này là dưới điểm tối ưu hóa, song để có thể thoát được sự phụ thuộc vào quỹ đạo này, nước Nga cần phải có một sự chuyển dịch mang tính cơ bản của nền chính trị chung, mà tới nay vẫn chưa thấy xuất hiện. 
Kịch bản “không quyết định” nhiều khả năng xảy ra nhất này của Nga mang ít ý nghĩa trực tiếp với phương Tây. Hiển nhiên, Nga và Trung Quốc không có ý định thiết lập một liên minh thực sự chống lại phương Tây và hơn nữa về mặt nội dung bản chất cả hai bên đã đi đến giới hạn của sự hồi phục quan hệ chính trị song phương, mặc dù về lời nói xã giao thì chưa. Một đường ống dẫn nhiên liệu nữa hoặc một mức tăng trưởng mới về kim ngạch mậu dịch sẽ không mang lại một sự thay đổi về chất của mối quan hệ đã được khoanh vùng bởi những tiềm năng hợp tác và những vấn đề bất đồng đã được xác định. 
Nhìn chung, dường như có rất ít liên kết giữa mối quan hệ Nga-châu Âu và mối quan hệ Nga-Trung. Vì vậy, các “diễn viên” phương Tây, đặc biệt là châu Âu, không nên có kỳ vọng rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tự động đẩy Nga về hướng hợp tác với EU. Và ngược lại: đối với Nga, xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc không thể là một thị trường thay thế cho châu Âu, trong khi đó nguồn lực đầu tư và công nghệ của châu Âu là mối quan tâm của Nga bất luận chiều hướng quan hệ với Trung Quốc có khả quan như thế nào. Chính vì vậy, châu Âu vẫn nên theo đuổi một chính sách bắt tay với Nga không kể đến nhân tố Trung Quốc. Sự quảng bá của châu Âu về một chương trình hợp tác với Nga dựa trên cơ sở các giá trị sẽ không làm cho khả năng Nga liên minh với Trung Quốc trở nên hiện thực hơn, mặc dù lời nói về chủ đề này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. EU cần một sự thay đổi ở Nga mà có thể làm triệt tiêu sự khác biệt về mặt danh nghĩa giữa hai bên, và EU cần phải tìm kiếm cách thức thiết lập mối quan hệ dựa trên những bộ luật chuẩn mực rõ ràng, và được cả hai bên tôn trọng và có thể thực thi được. Đáng được nhắc đến là vấn đề tư cách thành viên WTO của Nga, có lẽ quan điểm của châu Âu cũng không xa lắm với quan điểm của Trung Quốc. 
Đứng từ góc độ của Mỹ, tình hình có thể khác. Thậm chí ngay cả khi, với một kịch bản giả định, Nga thực sự trở thành một đối tác đàn em của Trung Quốc về mặt dài hạn và không còn là một thế lực chính trị độc lập tại châu Á, trật tự an ninh châu Á sẽ mang tới nhiều thách thức hơn cho Mỹ. Hiện nay, cuộc thảo luận của Mỹ ít đề cập đến sự đề phòng và quan ngại về kịch bản này. Điều này cho thấy Mỹ ít nhiều sao lãng với Nga, song điều này có thể sớm thay đổi. Một cuộc đối thoại Mỹ - Nga nghiêm túc về mối đe dọa an ninh tại khu vực Đông Á có thể sẽ giúp cứu vãn xung lực của quá trình “tái kích hoạt”, và dần dần sẽ nâng cao mối quan tâm của Mỹ và các đồng minh trong khu vực đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga. Nếu động thái này xảy ra, nó sẽ đưa Nga tới cận kề với kịch bản tối ưu, như được thảo luận trong nội bộ Nga hiện nay. Tuy nhiên, lại phải nhắc lại một lần nữa, để có thể giành được lợi ích từ sự tái định vị của Mỹ tại khu vực Đông Á, như báo cáo này cổ vũ, cũng như từ mối quan tâm của châu Âu vào chương trình hiện đại hóa của Nga, nước Nga cần phải sẵn sàng thay đổi từ bên trong, mở cửa đón nhận và bảo đảm an ninh cho đầu tư nước ngoài, và cần phải loại bỏ bản năng chống phương Tây của tầng lớp lãnh đạo chính sách ngoại giao. Thất bại trong việc thực hiện những điều này sẽ mang một ý nghĩa vượt ra ngoài cả vấn đề sự suy yếu ảnh hưởng của Nga so với Trung Quốc hoặc địa vị địa chính trị của Nga tại châu Á./.
http://www.europesworld.org/NewEnglish/Home_old/PartnerPosts/tabid/671/PostID/2706/language/en-US/Default.aspx