Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

25.Dấu ấn từ chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 6

TCCSĐT - Thông điệp mà Tổng thống Mỹ Barack Obama để lại tại Hội nghị APEC-19 vừa qua và Hội nghị EAS-6 mới đây là “nước Mỹ sẽ vẫn duy trì vị thế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI”.


 
Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự EAS-6 đánh dấu sự can dự chính thức của Mỹ vào khối 18 nước, trong đó có Trung Quốc
Từ khách mời đặc biệt của Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Hà Nội năm 2010

Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) là một diễn đàn đối thoại về các vấn đề chiến lược, kinh tế và chính trị, bao gồm 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.

Năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN, đã thông báo quyết định của lãnh đạo cấp cao Đông Á mời Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 6 nhóm họp năm 2011 tại Indonesia. Do đó, tại EAS lần thứ 5 tại Hà Nội năm 2010 lần đầu tiên có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Nga và Mỹ với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà là Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong hoạt động đỉnh cao của năm Việt Nam khi làm Chủ tịch ASEAN.

Quyết định của ASEAN mở rộng thêm Nga và Mỹ làm thành viên tham dự Hội nghị cấp cao EAS có ý nghĩa chiến lược nhằm đưa EAS thành diễn đàn hợp tác có phạm vi và tầm ảnh hưởng cao hơn ở khu vực, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo và là hạt nhân gắn kết hài hòa các lợi ích và nhu cầu hợp tác đan xen ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Với dân số 580 triệu người, GDP khoảng 1,5 nghìn tỉ USD, nền kinh tế tăng trưởng ổn định và kim ngạch thương mại cao, ASEAN đang là một trong những định chế lớn nhất thế giới, có vai trò quan trọng trong việc định hình an ninh và hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Nhận xét về tương lai và triển vọng của EAS, Tổng Thư ký ASEAN, ông Suri Pitsuwan cho biết, tổng thu nhập GDP của 18 quốc gia EAS vào khoảng 30 nghìn tỉ USD mỗi năm, hơn một nửa tổng thu nhập GDP của toàn cầu. Do đó, các nước EAS sẽ là động lực phát triển không chỉ cho khu vực mà cho cả toàn cầu. Vì thế, ông đánh giá cao sự tham gia của Nga và Mỹ vào EAS.

Trong bài phát biểu mang tính khái quát chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á trước thềm chuyến thăm Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Papua New Guinea, New Zealand, Australia và American Samoa trong năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định rằng: “sự phát triển kinh tế nhanh chóng và những thay đổi xã hội ở khu vực đang tạo ra một tương lai mà trong đó Mỹ phải đi đầu”. Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố, Mỹ muốn củng cố vị trí ở châu Á - Thái Bình Dương và cho rằng, nếu các vấn đề an ninh, kinh tế, chính trị có liên quan đến Mỹ thì “Mỹ cũng phải có một chỗ trên bàn thảo luận”. Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng, Mỹ đang ngày càng tham gia tích cực hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với các đồng minh, các đối tác, các lực lượng mới nổi lên, các thể chế được xây dựng để gìn giữ hòa bình, thúc đẩy thịnh vượng và ổn định.

Đánh giá về việc Mỹ được kết nạp vào EAS, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, theo quan điểm của Washington, EAS có thể và nên là một diễn đàn chính bàn về các vấn đề chính trị và an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Tổng thống Barack Obama mong đợi tham dự Hội nghị EAS năm 2011 ở Indonesia. Văn phòng phát ngôn viên ngoại giao Mỹ nhận xét rằng, sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và sự đóng góp của Mỹ dành cho một trong các định chế đang nổi lên này ở Đông Nam Á là một trong những ưu tiên của Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Tới Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Indonesia năm 2011

Chiều 19-11-2011, tại Bali, Indonesia, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 6 (EAS-6) kết thúc, lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 8 nước đối tác đối thoại đã ra Tuyên bố chung về kết nối ASEAN.

Trên cơ sở Tuyên bố Hà Nội năm 2010 về việc thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và nhận thức về việc tăng cường kết nối khu vực về thương mại, đầu tư, hạ tầng, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân v.v.. là bước đầu của tiến trình tăng cường kết nối trong phạm vi Đông Á, đồng thời mang lại quyền lợi cho các nước tham gia, lãnh đạo các nước tham dự EAS-6 đã ra tuyên bố xác định kết nối ASEAN là một trong những ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác Đông Á, cùng với các lĩnh vực ưu tiên khác mà các bên đã có được tiếng nói đồng thuận. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo đã xem xét khả năng ban hành Kế hoạch kết nối tổng thể trong tương lai nhằm phát triển hơn nữa các hình thức liên kết giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Tại EAS-6, lãnh đạo các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại đã ra Tuyên bố chung về những nguyên tắc xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi, bao gồm tăng cường tôn trọng độc lập, chủ quyền, sự bình đẳng, bản sắc dân tộc của nhau, cũng như tính đa dạng về dân tộc, tôn giáo, lập trường quan điểm; tôn trọng pháp luật quốc tế; thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt, đối tác tốt và xây dựng cộng đồng; tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau; duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, thịnh vượng; không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực chống lại nước khác; giải quyết khác biệt và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; tăng cường sức đối phó của khu vực, trong đó có việc đối phó với khủng hoảng kinh tế và thảm họa thiên nhiên; tôn trọng các quyền tự do cơ bản, thúc đẩy bảo vệ quyền con người và công lý xã hội, tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi trong EAS và giữa EAS với các tổ chức khu vực khác.

Thành công của EAS-6 và sự tham dự chính thức lần đầu tiên của Nga và Mỹ đã để lại dấu ấn nhất định đối với kết quả của EAS-6. Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đích thân tham dự Hội nghị cấp cao EAS đánh dấu sự can dự chính thức của Mỹ vào khối 18 nước, trong đó có Trung Quốc.

Cũng như tại APEC-19, bên lề Hội nghị EAS-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Mặc dù hai bên đã tìm được tiếng nói đồng thuận về một số vấn đề như tình hình CHDCND Triều Tiên, Iran, nhưng quan hệ Mỹ - Trung vẫn tỏ ra căng thẳng, đặc biệt trong hai vấn đề:

Một là, Washington tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh kìm giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp so với đồng USD, gây mất cân đối trong trao đổi mậu dịch song phương.

Hai là, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc vẫn kiên quyết bác bỏ chủ trương của Mỹ muốn giải quyết vấn đề thông qua cơ chế đàm phán đa phương.

Giới phân tích cho rằng, tại EAS-6, Tổng thống Barack Obama đã có những tuyên bố cứng rắn nhưng không đe dọa Trung Quốc khi ông B.Obama trấn an rằng, Mỹ “không lo ngại” Trung Quốc và không tìm cách ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc. Còn Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc rằng Trung Quốc có ý đồ bành trướng và cảnh báo Washington không nên can thiệp vào công việc của Trung Quốc.

Trong khuôn khổ quan hệ song phương Mỹ với nước chủ nhà Indonesia, ngày 18-11-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận Indonesia mua 230 máy bay Boeing 737 của Mỹ. Đây là một hợp đồng lớn chưa từng có trong lịch sử của tập đoàn chế tạo máy bay này của Mỹ, trị giá gần 22 tỉ USD, tạo ra khoảng 110.000 việc làm ở Mỹ. Ngoài ra, Indonesia còn có ý định mua thêm 150 máy bay, đưa tổng giá trị hợp đồng lên tới gần 35 tỉ USD.

Hợp đồng mua bán máy bay chưa từng có này được ký kết vào thời điểm tỷ lệ được lòng dân của Tổng thống Barack Obama đang xuống thấp tới mức kỷ lục, còn kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng gặp khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp dao động ở mức 9%.

Có thể thấy, tiếp theo ngay sau Hội nghị APEC-19, Hội nghị cấp cao EAS-6, Mỹ đã thể hiện sự chuyển hướng trọng tâm chiến lược của mình sang châu Á - Thái Bình Dương, theo tinh thần đã được thể hiện trong bài viết gần đây đăng trên tạp chí “Foreign Policy” với tựa đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Trong bài viết này,Ngoại trưởng H.Clinton khẳng định, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế và chính trị toàn cầu và là cơ hội lớn cho nước Mỹ trong thế kỷ XXI. Do đó, trong 10 năm nữa, Washington sẽ phải đưa ra quyết định nên đầu tư vào đâu để có thể duy trì vị thế lãnh đạo thế giới của mình, đồng thời bảo vệ lợi ích và thúc đẩy các giá trị Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, trong khi vẫn không thể quay lưng lại với các đồng minh trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Mỹ sẽ phải chọn châu Á là khu vực địa chính trị có ý nghĩa then chốt. Vì thế, Washington phải chứng tỏ cho các nước châu Á thấy, mặc dù đang trải qua khủng hoảng kinh tế, Mỹ vẫn rất mạnh./.
Hương Ly (22/11/2011)