Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

16. Cạnh tranh giữa các nước lớn tại Trung Á


Bao gồm 5 quốc gia: Tuốc-mê-ni-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan, Ca-dắc-tan, Tát-di-ki-xtan và Cư-rơ-gư-xtan, Trung Á là vùng đất có nhiều lợi thế trong chiến lược của các nước lớn. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Á càng trở nên quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Hơn nữa, với trữ lượng dầu mỏ, khí đốt vô cùng dồi dào, Trung Á chính là địa bàn cạnh tranh, là "vùng đệm" trong bàn cờ chiến lược của các nước lớn. Việc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn ở Trung Á ngày càng gay gắt đã tác động không nhỏ đến quan hệ quốc tế ở khu vực và thế giới.

1- Tác động đối với quan hệ quốc tế ở Trung Á Cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn ở Trung Á tác động đến quan hệ quốc tế trong khu vực theo hai hướng thuận và nghịch.
- Về tác động thuận:
Thứ nhất, tạo điều kiện cho các quốc gia Trung Á nâng cao vị thế quốc tế của mình.
Về cơ bản, trước khi cuộc chiến chống khủng bố quốc tế mở màn ở Áp-ga-ni-xtan (năm 2001), các quốc gia Trung Á vẫn là những nước nghèo, tiềm ẩn nhiều bất ổn, xung đột về dân tộc, sắc tộc tôn giáo... Từ năm 2001 đến nay, cùng với cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc... đều gia tăng thâm nhập, cạnh tranh ảnh hưởng với Nga ở khu vực này. Trong quá trình đó, các quốc gia Trung Á đã biết khai thác lợi thế địa - chính trị của mình nhằm phát huy vai trò, nâng cao vị thế quốc tế của mình.
Sau vụ nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Tổng thống Nga V. Pu-tin là người đầu tiên gọi điện chia sẻ với Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ và "đồng ý" cho Mỹ lập căn cứ quân sự ở Trung Á làm "cầu tiếp viện" cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan. Chỉ trong một thời gian ngắn, Mỹ đã thiết lập 2 căn cứ quân sự ở Trung Á; một là căn cứ Ca-rơ-si Kha-na-bat thuộc U-dơ-bê-ki-xtan và hai là căn cứ Ma-nát thuộc Cư-rơ-gư-xtan. Hai căn cứ trên giữ vai trò là "cầu tiếp viện" hậu cần cho quân đội Mỹ và NATO ở Áp-ga-ni-xtan, quyết định không nhỏ đến sự thành bại cho các hoạt động quân sự ở đây. Đổi lại, các quốc gia Trung Á cũng nhận được sự “quan tâm”, “chăm sóc” đặc biệt của Mỹ cũng như Nga. Vào năm 2009, Nga thuyết phục ông C. Ba-ky-ép đóng cửa căn cứ không quân Ma-nát , với khoản viện trợ 2 tỉ USD cho Cư-rơ-gư-xtan. Để giành lại sự ủng hộ từ chính phủ nước này, Mỹ đã buộc phải tăng giá thuê Ma-nát gấp 3 lần, lên 60 triệu USD/năm và dành 150 triệu USD để nâng cấp kết cấu hạ tầng cho Cư-rơ-gư-xtan. Hiện nay, 4 trong tổng số 5 nước Trung Á (trừ Tuốc-mê-ni-xtan) đã tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực trên tất cả các lĩnh vực vì sự phát triển chung.
Tháng 6-2001, Diễn đàn hợp tác Thượng Hải đã phát triển thành SCO. Tổ chức này đã tạo điều kiện và môi trường hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia Trung Á với nhau và giữa các quốc gia Trung Á với các nước lớn trong hàng loạt vấn đề, như chống khủng bố, ly khai, trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và an ninh.
Trong SCO, Nga và Trung Quốc hợp tác chia sẻ ảnh hưởng cùng nhau tạo sự gắn kết về chính trị, an ninh, kinh tế, lôi kéo các nước Trung Á nhằm tạo thế đối trọng với Mỹ và phương Tây. Hợp tác kinh tế và thương mại giữa các nước thành viên SCO đã phát triển nhanh chóng kể từ khi thành lập. Cả Liên hợp quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều công nhận vai trò "hành lang vận tải" của các nước Trung Á khi tuyến đường quốc lộ nối liền Trung Quốc với Tây Âu được xây dựng. Hiện nay, từng quốc gia đang độc lập xây dựng phần đường nằm trên lãnh thổ của mình, còn SCO sẽ giải quyết vấn đề truyền thông, tiến độ xây dựng, các vấn đề biên giới và loại hình vận chuyển hàng hóa.
Lĩnh vực hợp tác năng lượng được các nước Trung Á đặc biệt chú trọng và đẩy nhanh nhằm đưa nguồn lợi tài nguyên phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Hiện tại, Nga đang triển khai một số dự án trọng điểm, như "Dòng chảy phương Bắc" và "Dòng chảy phương Nam" tại Trung Á để bảo đảm vận chuyển khí đốt cung cấp cho châu Âu. Dự án "Dòng chảy phương Nam" do Tập đoàn Gazprom làm chủ đầu tư - theo dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ năm 2015 với vốn đầu tư trên 20 tỉ ơ-rô (Gazprom chiếm 8,6 tỉ), để vận chuyển khí từ Trung Á và Nga đến Nam Âu, Nga lắp đặt đường ống ngầm dưới Biển Đen với công suất 63 tỉ m3/năm(1).
Với Mỹ, nước này thực hiện chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và khuyến khích các công ty dầu mỏ của mình tiến hành đầu tư và khai thác tại Trung Á nhằm kiềm chế, ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Điều này đem lại những lợi ích đáng kể cho các nước Trung Á. Nhánh đường ống "Ba-cu - Tbi-li-xi - Xây-han" do Mỹ xây dựng đi vào hoạt động từ tháng 6-2006 đã giúp số khí đốt do Tuốc-mê-ni-xtan sản xuất không cần phải đi qua Nga mà vẫn có thể vận chuyển bán cho phương Tây.
Tháng 2-2008, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống đường ống Tây - Đông tại Trung Á (đi qua các nước Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Tát-di-ki-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan). Đường ống này được đánh giá cao về ý nghĩa địa chính trị và chiến lược với vai trò bảo đảm an ninh năng lượng cho Trung Quốc. Việc Trung Quốc xây dựng đường ống Trung Á - Trung Quốc sẽ giúp phá vỡ thế độc quyền của Nga trong việc sở hữu các nguồn dầu khí, tăng lợi thế trong "mặc cả" cạnh tranh cho các nước Trung Á.
Nhìn chung, sự gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn tại Trung Á đã tác động thuận chiều đến quan hệ quốc tế trong khu vực, giúp các nước ở đây nâng cao vị thế quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác liên kết hội nhập khu vực và quốc tế, tạo đà cho các quốc gia phát triển trong bối cảnh mới với lợi thế mới.
- Về tác động nghịch:
Thứ nhất, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xung đột dân tộc, sắc tộc, ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực.
Thật vậy, sau khi "đứng chân" tạm yên ở Trung Á trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã tìm mọi cách để mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này với mục tiêu bao vây, chia cắt nước Nga, ngăn chặn Trung Quốc và "xuất khẩu", áp đặt nền dân chủ, tự do kiểu Mỹ đối với tất cả các nước Trung Á. Cuộc "cách mạng hoa Tuy líp" nổ ra ở Cư-rơ-gư-xtan (năm 2005) đã dựng lên chính quyền C. Ba-ky-ép thân Mỹ, nhưng cuộc "cách mạng sắc màu" này cũng không lan rộng sang các quốc gia khác như nhiều người tiên đoán.
Cuộc nổi dậy của phe đối lập tại Cư-rơ-gư-xtan (ngày 6-4-2010) lật đổ chính quyền của Tổng thống C. Ba-ky-ép đẩy chính trường của quốc gia Trung Á này vào một diễn biến phức tạp, gây ra xung đột sắc tộc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ với quốc gia láng giềng U-dơ-bê-ki-xtan. Giới phân tích cho rằng sự kiện trên chính là hệ lụy mới từ việc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn tại khu vực.
Việc Nga và Mỹ đều áp dụng biện pháp tương tự là nhằm "cầu đồng" trong việc ứng phó tình hình ở Cư-rơ-gư-xtan gần đây cho thấy căn cứ không quân Ma-nát chính là sự "tồn dị" giữa hai nước, điều này ảnh hưởng sâu sắc đến những kiểu tranh chấp tiềm ẩn tại khu vực. Trung Á vốn là nơi lý tưởng cho sinh sôi, phát triển, ẩn náu và bỏ trốn của các lực lượng khủng bố quốc tế. Ngăn chặn có hiệu quả sự phát triển đó đòi hỏi sự hợp tác thực chất giữa Mỹ và Nga cũng như các quốc gia Trung Á. Ngoài ra, mối quan hệ giữa các nước Trung Á và Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc, biên giới các nước Trung Á và Trung Quốc sẽ biến thành một biên giới không an toàn.
Thứ hai, tạo ra “bãi lầy mới” níu chân các cường quốc ở khu vực.
Trung Á hiện nay đang nằm trong vòng cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và quan trọng nhất là Nga. Chỉ lấy riêng Cư-rơ-gư-xtan làm ví dụ phân tích chúng ta đều thấy cả Mỹ, Nga, Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế, chính trị ở đây. Trước hết, Mỹ cần Chính phủ lâm thời tiếp tục cho thuê căn cứ Ma-nát phục vụ mặt trận chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan. Tiếp theo, Trung Quốc cần bà Ô-tun-bai-i-ê-va - Tổng thống tạm thời của Cư-rơ-gư-xtan - khống chế nhóm Duy Ngô Nhĩ trong nước, không để rối loạn lan sang Tân Cương. Còn Nga luôn ủng hộ Chính phủ lâm thời, cũng như bảo vệ khoảng 750.000 người gốc Nga ở Cư-rơ-gư-xtan khỏi cảnh hỗn loạn. Trong khi đo, Cư-rơ-gư-xtan đang hội tụ khá nhiều yếu tố để trở thành “Áp-ga-ni-xtan thứ hai”, chẳng hạn: chính quyền yếu, không hiệu quả, giới lãnh đạo chưa có tính pháp lý cao, các sắc tộc thường xuyên giao tranh, kinh tế suy yếu... Do vậy, không cường quốc nào muốn can thiệp quá sâu vào tình hình ở đây, bởi có khả năng Cư-rơ-gư-xtan sẽ rơi vào nội chiến hoặc các cuộc xung đột xuyên quốc gia. Khi đó, hậu quả sẽ rất lớn, có thể trở thành “bãi lầy”, níu chân các cường quốc vốn đang phải xử lý rất nhiều khó khăn.
2 - Tác động đến quan hệ quốc tế ở châu Á
Trên phạm vi toàn châu lục, cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn ở Trung Á cũng tác động đến quan hệ quốc tế theo hai chiều tích cực và tiêu cực.- Tác động tích cực là thúc đẩy hợp tác, liên kết ở các khu vực khác thuộc châu Á theo hướng tạo dựng hòa bình, ổn định, cùng có lợi và phát triển. Cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ (năm 2008) sau đó lan rộng ra toàn thế giới, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu. Cùng với khủng hoảng tài chính, từ nhiều năm nay, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng với việc giá dầu tăng mạnh từ những năm đầu thế kỷ XXI. Vấn đề an ninh năng lượng trở thành mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Năng lượng trở thành nhân tố chính trị có vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế. Vì thế, cạnh tranh năng lượng giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc ở Trung Á đã xác lập được cho mỗi quốc gia những lợi thế nhất định, là cơ sở để các nước này nhân nhượng, thỏa hiệp nhau trong hợp tác, liên kết, cạnh tranh ở các khu vực khác theo hướng tạo dựng hòa bình, ổn định, cùng có lợi và phát triển.
- Tác động tiêu cực rõ nét nhất là tiềm ẩn nguy cơ chạy đua vũ trang mới, gây mất ổn định chính trị ở các quốc gia châu Á.
Trung Á là điểm nóng trên thế giới về cạnh tranh xung đột địa - chính trị, địa chiến lược, giữa các nước lớn mà chủ yếu là giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, làm cho không chỉ các quốc gia trong khu vực mà các nước thuộc châu Á cũng luôn cảm thấy bất ổn và hệ quả tất yếu là gia tăng mua sắm vũ khí, tăng cường sức mạnh quân sự.
Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Xtốc-khôm (SIPPRI), ngày 13-3-2010 đã công bố bản báo cáo về tình trạng chạy đua vũ trang trên thế giới. Theo đó, từ năm 2005 đến 2009 các vụ mua bán chuyển giao vũ khí trên thế giới đã tăng 22%. Các quốc gia đang phát triển là những nước chi nhiều ngân sách nhất cho việc mua bán vũ khí.
Cụ thể: Ấn Độ tăng chi phí quốc phòng tới 21% năm 2009 (sau vụ tấn công khủng bố ở Mum-bai). Đầu năm 2010, Ấn Độ ký hợp đồng trị giá 10 tỉ USD mua máy bay ném bom thế hệ thứ 5 của Nga.
Các nước như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan... đều tăng ngân sách mua sắm hiện đại hóa vũ khí và trang thiết bị quân sự. Động thái trên do nhiều nguyên nhân đem lại nhưng phản ánh một điều là các nước đều lo ngại trước tình trạng bất ổn trong khu vực, đều có nhu cầu tăng sức mạnh quân sự. Trong khi đó, Nga, Mỹ và cả Trung Quốc là những nước sản xuất và bán vũ khí hàng đầu thế giới.
Tất cả những điều trên cho thấy, cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc ở Trung Á nói riêng và ở châu Á nói chung tác động tiêu cực đến quan hệ quốc tế và tình hình ổn định chính trị của châu lục.
3 - Tác động đến quan hệ quốc tế trên phạm vi thế giới
Thứ nhất, góp phần củng cố trật tự thế giới đa cực đang hình thành và xu thế hòa bình, hợp tác phát triển trên thế giới hiện nay.
Nước Nga đang tìm kiếm vị trí nước lớn trong trật tự thế giới và quan hệ quốc tế. Cả Diễn văn tháng 2-2008 của Tổng thống V. Pu-tin và Diễn văn của Tổng thống Đ. Mét-vê-đép ngày 31-8-2008 đều đề cập việc Nga không chấp nhận thế giới một cực của Mỹ và khôi phục vị thế nước lớn của Nga.
Trước thực lực không ngừng tăng lên của nước Nga trong những năm gần đây, trước Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START mới ký giữa Nga và Mỹ đầu năm 2010, cũng như sự xích lại gần nhau trong xử lý vấn đề Cư-rơ-gư-xtan gần đây, giới phân tích quốc tế đã nhận định: một cực mới của thế giới - "cực nước Nga" đã xuất hiện trong thế giới đa cực hiện nay.
Việc nước Nga khôi phục vị thế nước lớn của mình đã góp phần củng cố quá trình hình thành trật tự thế giới đa cực, đồng thời làm sâu sắc thêm xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới hiện nay. Biểu hiện rõ nét của động thái này chính là cách giải quyết các vấn đề quốc tế lớn đang được thay thế dần từ đối đầu sang hợp tác. Cách giải quyết mối quan hệ giữa Nga với các nước láng giềng trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), các nước Trung Á trong thời gian gần đây là một ví dụ. Trong quan hệ với các nước này, Nga đã từng coi việc điều quân đến giải quyết các xung đột vũ trang là hình thức duy nhất, nhưng giờ đây hình thức này bắt đầu được thay thế bằng hình thức khác như: "viện trợ nhân đạo". Đồng thời, các nước SNG hay những nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB) từ lâu đã dùng cách gia nhập EU và cho Mỹ triển khai các tên lửa đánh chặn (một phần của lá chắn tên lửa nhằm bảo vệ châu Âu) để duy trì sự đối kháng với Nga, thì nay đã chuyển sang hình thức đối thoại hòa dịu hơn.
Việc nổi lên "cực nước Nga" còn nằm trong tương quan "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc, điều này thách thức vai trò của Mỹ và khẳng định xu thế đa cực của trật tự thế giới mới đang hình thành. Trung Quốc đang tăng cường cơ chế đối thoại với cả Mỹ và Nga trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Riêng với Nga, thông qua SCO và các diễn đàn song phương, Trung Quốc tăng cường và bảo vệ quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga, giúp quan hệ này lâu bền hơn, bảo đảm lợi ích dân tộc và hạn chế quá trình Nga xích lại gần với Mỹ.
Tất cả các động thái trên của các nước lớn trong thời gian gần đây đều phản ánh cục diện thế giới đa cực và xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển của thế giới hiện nay.
Thứ hai, tình hình an ninh, chính trị của Trung Á và biển Ca-xpi ảnh hưởng tới sự ổn định trên quy mô toàn cầu.
Tác động này chính là nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Ca-dắc-xtan - K. Xô-đa-bay-ép - Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tuyên bố tại một hội nghị quốc tế về giải trừ vũ khí ở khu vực này, khai mạc ngày 24-6-2010 tại Thủ đô A-sơ-ga-bát của Tuốc-mê-ni-xtan.
Ông K. Xô-đa-bay-ép nhấn mạnh Trung Á và khu vực biển Ca-xpi là tâm điểm của hầu hết mọi “vấn đề nóng” của thời đại, bao gồm vấn đề tái thiết Áp-ga-ni-xtan, chương trình hạt nhân của I-ran, cuộc xung đột Na-go-rơ-nưi-Ca-ra-bắc, cũng như nạn buôn lậu ma túy, tội phạm có tổ chức và khủng bố quốc tế... Do đó, việc giải quyết xung đột ở Cư-rơ-gư-xtan không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa các nước lớn, nhất là Nga, Mỹ và Trung Quốc.
Theo ông K. Xô-đa-bay-ép, năm 2010 được xem là năm ghi dấu mốc trong tiến trình giải trừ vũ khí, với việc các nhà lãnh đạo thế giới đã thống nhất lập trường chung tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về an toàn hạt nhân, và việc Nga và Mỹ đã ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START mới. Tất cả những sự kiện này là cơ sở để xây dựng các mối quan hệ mới về chất trong quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn: từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác. Nó cũng chứng tỏ quyết tâm của cộng đồng quốc tế vượt qua bế tắc trong tiến trình giải trừ quân bị toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nước lớn hơn ai hết hiểu rõ: xung đột ở một điểm sẽ nhanh chóng ảnh hưởng tới ổn định toàn cầu nếu không biết tự kiềm chế, suy xét giải quyết vấn đề một cách cẩn trọng.

----------------------------------------------------
(1) Trường Sơn: Cuộc chiến năng lượng ở Trung Á ngày một khốc liệt, Tạp chí Tổ quốc điện tử, 17-5-2010


Nguồn Tạp chí Cộng sản