Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

22. Lý luận về bản chất hợp tác Asean

Nguyễn Vũ Tùng 
http://www.dav.edu.vn/vi/nr040730095659/nr040730100743/nr080610100721/ns050520160100/view
Khi thành lập ASEAN năm 1967, các nước sáng lập viên ASEAN nêu rõ sẽ thành lập "cộng đồng". Câu chữ của Tuyên bố Băngcốc viết: "mục tiêu và mục đích của Hiệp hội là nhằm: tăng cường tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hoá trong khu vực thông qua các nỗ lực chung trong tinh thần bình đẳng và đối tác để củng cố nền móng của một cộng đồng thịnh vượng và hoà bình của các nước Đông Nam Á."*Ý tưởng cộng đồng vẫn tiếp tục được theo đuổi cho đến nay và được nêu ở nhiều văn kiện khác. Gần đây nhất, Tuyên bố Hoà hợp Bali II (7/10/2003) nêu rõ "một cộng đồng ASEAN sẽ được thiết lập" và cộng đồng này được cấu thành bởi ba trụ cột chính là Cộng đồng an ninh, Cộng đồng kinh tế, và Cộng đồng văn hoá-xã hội. Chương trình hành động cho một Cộng đồng An ninh ASEAN cùng một danh sách các hoạt động cụ thể đã được thông qua ngày 15/12/1994.
Nếu chấp nhận giả thiết cho rằng mọi ý tưởng về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại đều có một lý luận "ẩn" đứng sau, thì việc tìm hiểu lý luận liên quan đến hình thức quan hệ hợp tác quốc tế được ẩn chứa trong khái niệm cộng đồng cũng rất quan trọng. Trong mối liên hệ đó, bài báo này nhằm ba mục tiêu: (i) giới thiệu mảng lý thuyết quan hệ quốc tế (QHQT) liên quan tới cộng đồng, bao gồm những khái niệm chính và các lập luận cơ bản về cộng đồng, (ii) giới thiệu lý luận liên quan đến cộng đồng áp dụng cho ASEAN, và (iii) thảo luận về một cách tiếp cận chính sách đối với chủ trương về Cộng đồng ASEAN. Cả ba mục tiêu này thống nhất với nhau ở một điểm: nếu có cách tiếp cận sát với bản chất mô hình hợp tác ASEAN, kỳ vọng của Việt Nam đối với ASEAN mới có cơ sở thực tiễn và chính sách của Việt Nam mới có cơ sở thành công.
1. Lý luận kiến tạo (constructivist) áp dụng cho hợp tác ASEAN
Gần đây, các nhà lý thuyết QHQT cho rằng trường hợp của các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, có thể gợi ý về một mô hình hợp tác mới, dựa trên sự công nhận một số thực tế về quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á theo mô hình ASEAN đề xướng. Thứ nhất, nền hoà bình và mối quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên không ngừng được củng cố và bao trùm toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, hợp tác do ASEAN đề xướng càng có cơ hội lan rộng ra toàn khu vực khi tất cả các nước Đông Nam Á đều trở thành thành viên của Hiệp hội. Nếu coi hợp tác khó phát triển khi những điều kiện dẫn đến sự hợp tác đó không còn nữa thì sự mở rộng của ASEAN đã thách thức các lý luận về hợp tác của trường phái hiện thực và thể chế: ASEAN thành lập trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, thế nhưng sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, ASEAN không những không bị mất vai trò mà còn phát triển mạnh hơn và tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều trở thành thành viên của Hiệp hội. Thứ hai, nền hoà bình giữa các nước thành viên tương đối vững chắc. Tuy còn có tranh chấp và mâu thuẫn, nhưng chiến tranh giữa các nước thành viên đã trở thành điều "không thể nghĩ tới." Thứ ba, các nước thành viên chưa phải là những nước dân chủ theo hình mẫu phương Tây cũng như mức độ nhất thể hoá các nền kinh tế ASEAN và độc lập/chủ quyền của các nước thành viên vẫn được coi là tối thượng. Vậy đâu là bản chất của điều mà một số nhà quan sát ASEAN gọi là "nền hoà bình giữa các nước phi dân chủ?" Tức là các mô hình về nền hoà bình dân chủ (democratic peace) và cộng đồng an ninh kiểu Deutsch đề xuất (sẽ trình bày ở phần sau) không tương hợp với thực tế QHQT ở Đông Nam Á. Như vậy, câu hỏi đặt ra là lý luận nào sát với bản chất của sự hợp tác ASEAN?
Có thể thấy ngay rằng ASEAN không phải là một liên minh quân sự. Trong quá khứ, ASEAN được lập ra không phải để chống nguy cơ cộng sản quốc tế, mặc dù một số thành viên đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào nỗ lực chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Hiện tại, khó có thể nói là ASEAN có chung mục tiêu cân bằng lực lượng với Trung Quốc - nước được coi là cường quốc đang lên và có khả năng phá vỡ cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chương trình Hành động Cộng đồng An ninh ASEAN nêu rõ: "Cộng đồng an ninh ASEAN thúc đẩy hợp tác an ninh và chính trị ASEAN phù hợp với Tầm nhìn ASEAN 2020 chứ không phải là một hiệp ước quốc phòng, một liên minh quân sự, hay là một tổ chức có chính sách đối ngoại chung". Tóm lại, mô hình ASEAN thách thức lý luận hiện thực, nhất là ở hình thức tổ chức không theo hướng liên minh quân sự và an ninh tập thể. Mô hình hợp tác ASEAN cũng không mang bản chất của một hài hoà quyền lực, vì như trên đã phân tích, hợp tác ASEAN không có tính chất cân bằng lực lượng theo thuyết hiện thực. Ngoài ra, hài hoà quyền lực chủ yếu là công cụ chính sách của các nước lớn trong đó chia vùng ảnh hưởng giữa các nước lớn với nạn nhân là các nước nhỏ là biện pháp chủ yếu. ASEAN không có điều kiện và mong muốn như vậy. Cuối cùng, mô hình liên minh và chính sách cân bằng lực lượng với tính chất ngắn hạn cũng không phản ánh đúng thực tế hợp tác ASEAN.
Vậy thì có thể coi ASEAN là một Tổ chức an ninh chung (common security association) được không? Khác với liên minh dựa trên khái niệm an ninh tập thể, các tổ chức an ninh chung được lập ra không nhằm cân bằng lực lượng (phối hợp sức mạnh quân sự chống lại một nước thù địch), hoặc phù thịnh (khi không có một nước nổi trội trong số các nước khu vực với nhau). Chúng được lập ra để biểu dương và củng cố tình đoàn kết đang được tăng cường giữa các nước và khẳng định một dạng thể chế chính trị hoặc một ý thức hệ nào đó. Nếu so sánh, an ninh chung khác với an ninh tập thể ở hai điểm nữa: trong khi cơ chế an ninh tập thể có thể được hình thành giữa các chế độ chính trị khác nhau thì an ninh chung được dùng để xây dựng quan hệ giữa các nước có chế độ chính trị gần giống nhau và được sử dụng để chống lại (bằng các biện pháp chính trị) những thách thức đối với các thể chế chính trị trong nước. Có thể lấy ví dụ về các mô hình tổ chức an ninh chung như Phong trào Không liên kết, Liên đoàn Ả rập, Khối thịnh vượng chung, và Quốc tế Hai, Quốc tế Ba. Nhưng tổ chức an ninh chung không hoàn toàn thích hợp với khung cảnh thảo luận về Cộng đồng mà các nước ASEAN đang tiến hành, vì một số lý do sau. Thứ nhất, các nước ASEAN đang xây dựng cộng đồng và việc chọn một khái niệm không giống (tuy có giá trị mô tả nào đó) là không thích hợp. Thứ hai, nó chỉ được dùng để biểu dương tình đoàn kết chính trị mà không có chung những cơ chế cũng như chương trình hành động cụ thể như ASEAN đề xướng. Trên thực tế ASEAN đã triển khai khái niệm cộng đồng với ba trụ cột chính về an ninh, kinh tế, và văn hoá-xã hội.
Đồng thời, cơ cấu tổ chức của ASEAN cũng thách thức luận điểm của thuyết thể chế. Cơ chế của ASEAN không chặt chẽ và có tính pháp trị như các mô hình của những nước phương Tây. Các thoả thuận của ASEAN không nặng về sự ràng buộc về cam kết pháp lý và mang nhiều tính tuyên bố chính trị: sự tham gia hợp tác còn mang nhiều tính tự nguyện trong khi những nguyên tắc về chủ quyền và độc lập vẫn là tối cao giữa các nước thành viên. Tất cả các nhà quan sát trong và ngoài ASEAN đều thừa nhận là ASEAN không chặt về tổ chức và cơ cấu nếu tính theo chuẩn mực phương Tây.
Do đó, dường như đã có sự thống nhất ý kiến cho rằng thuyết kiến tạo (áp dụng trong một khung cảnh cụ thể của khu vực Đông Nam Á trong đó chính trị hiện thực của các nước thuộc thế giới thứ Ba chi phối) có thể mô tả tương đối chính xác hiện thực QHQT ở khu vực này. Trước tiên, các học giả cho rằng do cùng chung đặc điểm (đều là các nước vừa và nhỏ thoát thai từ chế độ thực dân, cùng chung những đặc điểm về lịch sử, văn hoá, điều kiện khí hậu, thời tiết, lợi ích về hoà bình, phát triển, và độc lập/chủ quyền), các nước ASEAN đã phát triển một bản sắc chung và một hệ thống quy chuẩn hành vi chung gọi là phương cách ASEAN (ASEAN Way). Vì các lý do đó, mối quan hệ giữa các nước hội viên cũng có đủ các tiêu chí của những QHQT soi sáng bởi lý luận kiến tạo nhấn mạnh vào vai trò của bản sắc (identity) và tiêu chuẩn hành vi (norm), không nhất thiết chỉ các nước dân chủ phương Tây mới có. Đó chính là bản chất nền hoà bình giữa các nước được coi là "phi dân chủ" ở Đông nam Á.
Mặt khác, cơ cấu tổ chức của ASEAN - bị coi là lỏng lẻo - thực ra lại thích hợp nhất trong việc thúc đẩy tương tác. Học giả Johnston cho rằng tương tác có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành bản sắc và giá trị chung. Chính vì thế, hình thức và số lượng các cuộc họp (và các biện pháp khác như đánh golf, văn nghệ giữa lãnh đạo các nước ASEAN…) của ASEAN chủ yếu phục vụ nhu cầu tăng cường giao lưu và tương tác giữa các nhà lãnh đạo. Thể chế của ASEAN, do đó đóng vai trò xây dựng bản sắc (điều có tác dụng quyết định đối với hành vi) hơn là xây dựng tính pháp lý (thông qua việc xây dựng một thể chế đứng trên quốc gia) để điều chỉnh hành vi các nước thành viên.
Cuối cùng là kết quả của mô hình ASEAN cũng không kém phần thuyết phục. Tính về độ dài thời gian, hợp tác giữa các nước ASEAN cũng rất lâu dài và liên tục kể từ năm 1967 đến nay. Và nếu theo định nghĩa của Deutsch về cộng đồng an ninh (sẽ trình bày dưới đây), chiến tranh giữa các nước thành viên ASEAN cũng là điều “không thể nghĩ tới.”
Khi thuyết kiến tạo được coi là lý luận nền của hợp tác ASEAN, mô hình cộng đồng dường như thích hợp hơn cả. Nói cách khác, việc tăng cường hợp tác các mặt giữa các nước ASEAN, nhất là việc xây dựng các cộng đồng kinh tế, an ninh, văn hoá-xã hội giữa các nước ASEAN với nhau cũng bắt đầu mang dấu hiệu rằng chí ít khái niệm “cộng đồng” cũng có chỗ đứng trong QHQT ở khu vực, mặc dù cách hiểu về bản thân thuật ngữ cộng đồng còn khác nhau. Và điều dễ nhận thấy là khái niệm cộng đồng sử dụng ở khu vực Đông Nam Á mang nặng ảnh hưởng của thuyết kiến tạo.
2. ASEAN với tư cách một Cộng đồng an ninh sơ khai (nascent security community)
2.1. Lý luận về Cộng đồng an ninh (security community)
Khái niệm cộng đồng an ninh đã phát triển từ thập kỷ 50 thế kỷ XX với đóng góp của Karl Deutsch, người được coi là tiên phong trong lĩnh vực lý thuyết về cộng đồng an ninh. Deutsch cho rằng giữa các nước thuộc khu vực Bắc Đại Tây Dương đã hình thành một khái niệm về cộng đồng an ninh trong đó "có một sự đảm bảo thực sự rằng thành viên của cộng đồng không gây chiến với nhau và giải quyết tranh chấp bằng những phương cách khác," và ông gọi đó là cộng đồng an ninh đa nguyên (pluralistic security community). Có ba điều kiện để tồn tại cộng đồng dạng này là: đồng về giá trị giữa các nhà hoạch định chính sách; tính ổn định và dễ dự đoán trong hành vi của các nhà hoạch định chính sách, và khả năng đáp ứng lẫn nhau.
Như vậy, K. Deutsch đã cố gắng lý giải sự tồn tại lâu dài của một số liên minh để chứng minh rằng lập luận của những người theo thuyết hiện thực không đúng trong một số trường hợp thực tế. Ông cho rằng nếu nhìn vào hợp tác ở châu Âu ngay từ cuối những năm 50 thế kỷ XX, mô hình nhất thể hoá cả kinh tế và chính trị là điểm đến cuối cùng, trong đó các nước thành viên trải qua các bước hợp tác từ thấp đến cao để đi đến một kiểu Liên hiệp chung nghị viện, chung tiền tệ, chung chính sách quốc phòng và ngoại giao... đúng như mô hình EU hiện nay. Tóm lại, đặc điểm chính trong quan hệ giữa các nước trong cộng đồng an ninh là một thói quen - được xây dựng trong một khoảng thời gian dài - không sử dụng vũ lực giữa các nước thành viên, một ý thức về mục tiêu chung, và một bản sắc riêng (we feeling). Như vậy, bản thân khái niệm cộng đồng đã mang dấu ấn của thuyết kiến tạo xã hội. Amitav do đó đã cho rằng một cộng đồng là sản phẩm của sự kiến tạo có tính xã hội và của sự tưởng tượng.
Từ những năm 1980 trở đi, những người theo trường phái lý luận này cho rằng luận điểm của Deutsch đã được mô hình EU chứng minh, và họ tiếp tục hoàn thiện lập luận về cộng đồng an ninh. Họ cho rằng để có cộng đồng an ninh, các nước thành viên phải:
Có chung một chế độ chính trị dân chủ phát triển ở mức cao kiểu phương Tây, tức là phải có một bản sắc chính trị (hoặc thực hành nền dân chủ kiểu Tây Âu);
Có chung một mức độ phát triển kinh tế và lệ thuộc lẫn nhau cao để đi đến nhất thể hoá; và
Đi những bước nhỏ nhưng chắc chắn và hài hoà trong một chiến lược chung tiến tới nhất thể hoá.
Những người phát triển lý luận của Deutsch còn nêu ba giai đoạn trong quá trình phát triển của một cộng đồng an ninh. Các giai đoạn đó là giai đoạn phôi thai (nascent phase) trong đó các nước quyết định tham gia hợp tác để đảm bảo an ninh chung, giai đoạn phát triển (ascendant phase) trong đó các thiết chế được thiết lập để củng cố quan hệ cả chiều rộng và chiều sâu và củng cố lòng tin, và giai đoạn trưởng thành (mature phase) trong đó các nước hoàn thành việc xây dựng một bản sắc chung, chia sẻ viễn cảnh tương lai chung, và chiến tranh là điều không thể nghĩ tới.
Do đó, cộng đồng an ninh còn phát triển ở dạng cao hơn so với liên minh dựa trên lý thuyết hiện thực, vì có thêm tác động của yếu tố bản sắc và trình độ phát triển kinh tế cao và an ninh không chỉ thuần tuý là an ninh tập thể. Như vậy, nếu chiểu theo thực tế, EU có lẽ là một mô hình duy nhất không thể lặp lại ở các khu vực khác trên thế giới. Nhưng về lý luận, cộng đồng dựa trên lý thuyết của chủ nghĩa kiến tạo về hợp tác quốc tế là có cơ sở và do đó có thể áp dụng lý luận nói trên vào các khu vực khác.
2.2. Lý luận Cộng đồng áp dụng vào QHQT ở Đông Nam Á
Amitav Acharya là nhà lý luận kiến tạo hàng đầu ở Đông Nam Á và dường như là người có ảnh hưởng nhất về mặt lý luận của các nỗ lực hợp tác ASEAN hiện nay. Ông muốn áp dụng mô hình cộng đồng an ninh của châu Âu vào khu vực Đông Nam Á. Ông cho rằng ASEAN đã có những bước đầu tiên tiến tới những mô hình liên kết cao hơn về chính trị và kinh tế - mặc dù trình độ phát triển chính trị và kinh tế chưa đạt tới những điều kiện chín muồi cho nhất thể hoá và các nước thành viên đều không coi EU là mô hình thích hợp cho hoàn cảnh khu vực. Mặt khác, Acharya cũng cho rằng giữa các nước ASEAN đã phát triển một bản sắc chung, kết nối các thành viên với nhau. Các bản sắc này được thể hiện qua phương cách ASEAN - điều được hình thành một phần do văn hoá truyền thống, một phần do lợi ích thu được từ việc thực hiện phương cách ấy, và một phần là do ý thức của các nhà lãnh đạo khu vực xây dựng chủ nghĩa khu vực mới để điều hoà QHQT trong khu vực.
Xin lưu ý rằng đây cũng chính là điểm yếu của thuyết kiến tạo, vì việc xác định các điểm chung có tính “bản sắc” vừa phải dựa vào những điểm có tính cố hữu như địa lý, văn hoá - do đó dễ bị sa vào "định mệnh luận” - vừa dựa vào những yếu tố lịch sử và vai trò của nhận thức và chủ động trong hành vi của con người, nhất là trong việc "kiến thiết" ra bản sắc riêng - do đó dễ bị sa vào "ý chí luận." Những người phê phán Acharya thường có chung luận điểm cho rằng khó có thể chứng minh được nguồn gốc của cái gọi là bản sắc ASEAN.
Nhưng vẫn có thể tìm được sự hình thành của bản sắc ASEAN dưới góc độ của lý luận kiến tạo: Bản sắc có thể hình thành qua một số ý tưởng, được củng cố (hoặc loại bỏ) thông qua tương tác không ngừng và chi phối bởi lợi ích. Xét về góc độ lịch sử, ASEAN hình thành sau những thử nghiệm không thành công về hợp tác khu vực. Hiệp hội Đông Nam Á (ASA) thất bại bởi vì có sự mâu thuẫn về bản sắc giữa các nước thành viên và không thành viên: các nước thành viên bị coi là thân phương Tây, đi ngược lại với tinh thần chống đế quốc và trung lập của các nước khác trong khu vực. Nhóm ba nước Maphilindo (bao gồm Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, và In-đô-nê-xi-a) thất bại bởi vì nhấn mạnh đến bản sắc Mã lai của các nước thành viên. Chỉ đến năm 1967, các nước sáng lập ra ASEAN mới tạm nhất trí về một sự hợp tác giữa các nước dựa trên những đặc điểm chung nhất giữa các nước - có thể gọi là mẫu số chung - chung hoàn cảnh địa lý và lịch sử (cùng thoát thai từ chế độ thực dân, cùng là những nước vừa và nhỏ), chung lợi ích (xây dựng độc lập và tự cường quốc gia, môi trường khu vực ổn định để tập trung phát triển kinh tế, và tự chủ về các vấn đề QHQT trong khu vực).
Như vậy, sự hình thành những nhận thức về bản sắc chung - thông qua giao lưu và tương tác đã giúp các nước khu vực nhận thức được đặc điểm chung này. (Xung đột - confrontasia giữa Ma-lay-xi-a và In-đô-nê-xi-a, hoặc đối đầu ASEAN - Đông Dương - cũng đóng góp vào việc xây dựng nhận thức này). Chính vì thế nhận thức về mình và nước khác đã tạo ra điều mà các nhà lý luận kiến tạo gọi là "cảm nhận về chúng ta" (we-ness hoặc we feeling), điều tạo cơ sở cho ASEAN hình thành, phát triển, và mở rộng. Khi có we-ness, việc hình thành các tiêu chuẩn hành vi (norms) sẽ mang tính tự nhiên, và các thể chế, hiệp định chỉ có tính khẳng định một thực tế sẵn có. Nói cách khác, bản sắc được xây dựng trước và có tính chất hướng dẫn hành vi hợp tác.
Cũng phải thừa nhận một thực tế về hợp tác khu vực của Đông Nam Á: chính vì bản sắc được xây dựng trên một mẫu số chung có tính "tối thiểu" nên việc xây dựng và củng cố bản sắc luôn luôn được đặt ra, nhất là trong bối cảnh quốc tế thay đổi và hợp tác khu vực mở rộng. Chính vì thế, tương tác vẫn được đề cao, và hợp tác ngày càng đa dạng và mang nhiều dấu ấn của những nỗ lực có tính kiến tạo chủ quan. Acharya do đó đã cho rằng: "Một tổ chức khu vực có thể phát triển thành cộng đồng thông qua một quá trình tiệm tiến giao lưu và tìm hiểu lẫn nhau (socialization and identification). Do đó, sự khác biệt trong khu vực về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo - vốn bị coi là những cản trở cho việc xây dựng cộng đồng khu vực - có thể kém quan trọng hơn so với nỗ lực có tính chủ quan liên quan đến việc giao lưu và xây dựng bản sắc dựa trên một số mục tiêu chung."
Tóm lại, dường như lý luận kiến tạo đã trở thành cơ sở cho việc các nước ASEAN xây dựng mối quan hệ hợp tác trong khu vực Đông nam Á và hình mẫu cộng đồng mà các nước ASEAN đang cố gắng xây dựng đã thể hiện ở mức khá cao sự tương thích (mối quan hệ tương hỗ) giữa lý luận và thực hành QHQT trong khu vực. Về lý luận, thuyết kiến tạo là nền tảng cho cách ASEAN tiếp cận về xây dựng cộng đồng. Về thực tiễn, ASEAN đang sử dụng thuật ngữ, lô-gic của thuyết kiến tạo để xây dựng các cộng đồng của mình. Và cuối cùng, hợp tác ASEAN tuy đã có độ dài về thời gian nhưng do hoàn cảnh quốc tế (tan rã thế giới hai cực, toàn cầu hóa và lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế đang tăng lên) và khu vực (ASEAN mở rộng và các vấn đề chính trị, kinh tế của các nước hội viên) nên cộng đồng ASEAN vẫn đang ở vào bước đi ban đầu, mặc dù một quá trình tiến tới nhất thể hoá cao hơn về các mặt có thể dự báo được, tuy trong một tương lai xa. Có thể thấy được rằng về mặt cơ cấu tổ chức, ASEAN vẫn chưa xây dựng được những thể chế mạnh và có tính pháp lý cao. Chính vì thế, nhiều người đã cho rằng ASEAN mới chỉ dùng luật mềm (soft law - tuyên ngôn, tuyên bố) để điều chỉnh quan hệ giữa các thành viên và hiện nay cần phải xây dựng luật cứng (hard law) để tăng tính vững mạnh của thể chế. Đó là lập luận chính trong nỗ lực của ASEAN hiện nay nhằm xây dựng một Hiến chương để vừa củng cố quan hệ nội bộ, vừa tạo cho Hiệp hội một vị trí quốc tế xứng đáng. Mô hình cộng đồng an ninh sơ khai (nascent) nhưng có tiềm năng mà Acharya mô tả về hợp tác ASEAN, do đó, tương đối sát với hiện thực.
3. Chính sách của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN
Từ những điều đã phân tích ở trên, có thể tạm đi đến thống nhất một điều là chính sách của Việt Nam đối với các nước ASEAN cũng cần có thêm xuất phát điểm là thuyết kiến tạo. Điều này có ba lý do: (i) nếu các nước ASEAN khác sử dụng thuyết này để xây dựng chính sách của mình thì Việt Nam cũng cần phải hiểu thuyết đó; (ii) kỳ vọng của Việt Nam về việc tham gia hợp tác ASEAN thực sự sẽ không được đáp ứng nếu các lý luận khác với lý luận kiến tạo được sử dụng để đánh giá ASEAN; và (iii) trên thực tế chính sách của Việt Nam cũng không xa lạ và chúng ta bước đầu cũng có nét lý luận này trong quan hệ với ASEAN.
Điều này dẫn chúng ta đến một câu hỏi có tính “lật lại lịch sử” tại sao Việt Nam quyết định gia nhập ASEAN? Về đại thể có thể thấy rằng:
Gia nhập ASEAN không phải là để tham gia liên minh chống Trung Quốc, bởi vì Việt Nam không muốn vậy và các nước ASEAN nói rõ Hiệp hội này không phải là một liên minh quân sự và cũng có chính sách tăng cường hợp tác với Trung Quốc;
Gia nhập ASEAN không phải là để chịu sự ràng buộc của những nguyên tắc phương hại đến chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc. Trên thực tế Việt Nam không phải thay đổi chế độ chính trị và kinh tế để đạt điều kiện gia nhập ASEAN (các nước ASEAN không đặt ra yêu cầu này), và sự ràng buộc bởi các nguyên tắc tổ chức (nhất là trường hợp AFTA) là tối thiểu;
Gia nhập ASEAN là để đạt được những lợi ích cơ bản của Việt Nam, bao gồm: tạo một môi trường bên ngoài hoà bình, ổn định để tập trung xây dựng đất nước, bảo vệ chế độ XHCN, tạo một mối quan hệ quốc tế mới ở khu vực trong đó các nước khu vực nâng cao khả năng tự chủ trong QHQT, nhất là tránh khả năng bị lôi kéo vào xung đột trong tương lai giữa các nước lớn. Do đó, khi Việt Nam - bằng quá trình tương tác về chính trị và kinh tế - nhận thức được rằng những nguyên tắc cơ bản của ASEAN phù hợp với Việt Nam, các nước ASEAN cũng chung những mục tiêu như của Việt Nam, và từ đó thay đổi cách nhìn nhận cũ về ASEAN (khác với cách ta đã nhìn nhận trong giai đoạn giữa thập kỷ 60 và 80), thì quá trình gia nhập ASEAN dường như đã mang tính tự nhiên.
Quá trình này về cơ bản tương thích với lý luận của thuyết kiến tạo về hợp tác quốc tế xây dựng trên nền tảng của mối quan hệ tương hỗ giữa bản sắc và tương tác.
Việc Việt Nam gia nhập ASEAN còn có một ý nghĩa quan trọng hơn đối với Việt Nam (nhất là trong bối cảnh các nước XHCN anh em và toàn bộ hệ thống XHCN thế giới sụp đổ) ở chỗ nó dường như đã giúp Việt Nam vượt qua được sự “khủng hoảng về bản sắc” (identity crisis) trong quan hệ quốc tế. Nó giúp Việt Nam vượt qua được nhận thức có tính xuất phát điểm trong quan hệ quốc tế. Việt Nam giờ đây tham gia QHQT với tư cách là một nước thành viên của ASEAN hơn là một nước XHCN. Điều này trên thực tế đã trở thành một nguyên nhân quan trọng đóng góp vào thành công to lớn về mặt đối ngoại của Việt Nam trong toàn bộ giai đoạn đổi mới. Hơn nữa, nó giúp Việt Nam đi vào dòng chảy chính của QHQT ở khu vực Đông Nam Á trong một mô hình hợp tác đã chứng tỏ khả năng tồn tại dẻo dai do nắm chắc các nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động và linh hoạt trong hành động. Như vậy, tham gia hợp tác với ASEAN, nhất là góp phần tích cực xây dựng cộng đồng ASEAN là phù hợp với lý luận và thực tiễn chính sách đối ngoại của Việt Nam, và đảm bảo cho tương lai của Việt Nam./.