Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

18. Lý Quang Diệu: 'Chính phủ hoạt động tốt nhờ điều hòa nhiệt độ'

Mặc dù chỉ là người thành lập nhà nước bé nhỏ bên bờ bán đảo Malay, Lý Quang Diệu lại là một trong số những con người vĩ đại của một thế kỷ châu Á thành công.
Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (Ảnh: Reuters)
Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. (Ảnh: Reuters)
50 năm sau, đài tưởng niệm sẽ ghi danh nhà luật sư tài ba từng được đào tạo tại Anh, người chỉ học tiếng Trung khi trở thành thủ tướng năm 1959. Ông không chỉ  tạo dựng những thay đổi phi thường cho "bãi gom chuyển hàng hóa" Singapore nghèo đói của thực dân, đầy tệ nạn thuốc phiện và mại dâm, thành một nhà nước kiểu mẫu của thế kỷ 21; mà còn góp phần đặt nền móng cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Đông Á.
Chúng tôi đã gặp nhau 2 lần, năm 1992 và 1995, tại Singapore, ngồi bên chiếc ghế salon có điều hòa mát lạnh tại Istana, nơi ở của cựu thống đốc Anh, nhìn ra bãi cỏ xanh, khi chúng tôi "đào bới" tính mâu thuẫn và bổ sung cho nhau giữa  chủ nghĩa cộng đồng của Khổng Tử và chủ nghĩa cá nhân phương Tây.
- Khi mà chiến tranh lạnh đã kết thúc, liệu sẽ có cuộc xung đột mới nảy sinh giữa chủ nghĩa cộng đồng Á Đông và chủ nghĩa tư bản "cá nhân" kiểu Mỹ? Hơn thế nữa, có phải xung đột kinh tế bắt nguồn từ những mâu thuẫn sâu sắc hơn giữa các nền văn hóa: văn hóa Khổng tử và chủ nghĩa cá nhân cực độ trong khái niệm tự do của phương Tây?
- Đây chỉ là một mặt của vấn đề nổi lên trong nền kinh tế toàn cầu. Những nước phát triển công nghiệp sau phải nỗ lực bắt kịp bằng cách tìm ra các biện pháp thu hẹp và xóa đi khoảng cách này.
Như những gì đã diễn ra, các giá trị và thực tiễn mang tính công xã hơn tại Đông Á - Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, và Singapore - chứng tỏ là tài sản của quá trình bắt kịp này. Các giá trị mà văn hóa Á Đông đề cao, như đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, hỗ trợ đáng kể cho những nỗ lực chung của cả xã hội trong việc đẩy nhanh phát triển. Nhưng tôi không thấy mâu thuẫn nào như ông miêu tả là sự cạnh tranh giữa hai hệ thống.
Chủ nghĩa cộng đồng sơ khai trong xã hội theo đạo Khổng của Trung Quốc từng biến thành tư tưởng gia đình trị - một hệ thống các mối quan hệ gia đình - và tham nhũng trên đại lục. Và tàn dư của những tệ nạn trong hệ thống nguyên thủy này vẫn còn thấy ở Đài Loan, Hồng Kông và thậm chí cả Singapore.
Hồng Kông và Đài Loan dĩ nhiên không giống với Đại Lục, bởi vì hành vi theo đạo Khổng đã có nhiều đổi thay qua hơn 100 năm thống trị của Anh trong trường hợp của Hồng Kông và 50 năm thống trị của Nhật tại Đài Loan.
Chính Trung Quốc giờ cũng đang trong quá trình thoát ra khỏi hệ thống xã hội cũ, và cả những phần đã lỗi thời của đạo Khổng, làm ngăn cản khả năng tích lũy kiến thức nhanh chóng, cần thiết để điều chỉnh trước lối sống và cách làm việc mới.
Vì thế, tôi thấy xung đột này là một phần của sự tương tác và tiến hóa trong một thế giới. Các hệ không sẽ không phát triển riêng rẽ.
Nói điều này có nghĩa là, Mỹ và Đông Á, hoàn toàn là những nền văn hóa khác nhau. Văn hóa Trung Quốc đã phát triển độc lập với phần còn lại của thế giới hàng ngàn năm và sau đó mở rộng sang Hàn Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam. Đối với những phần khác của châu lục, văn hóa Ấn Độ đã vươn ra và chạm tới cả Thái Lan và Campuchia.
Vì thế, người ta có thể thấy văn hóa Á Đông ở cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản. Văn hóa Hindu theo nghĩa rất rộng, ảnh hưởng tới cả Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar, và Đông Nam Á.
Sau đó là sự "phổ biến" văn hóa Hồi giáo, hoàn toàn khác với văn hóa Hindu, và cũng có thể tìm thấy ở Pakistan, Bangladesh và nhiều nơi tại Ấn Độ ngày nay. Có khoảng 190 triệu người Hồi giáo tại Đông Nam Á, chủ yếu ở Malaysia và Ấn Độ. Thái Lan thì có nhiều người theo đạo Phật hơn, giống như Myanmar.
Xem bản đồ văn hóa phức tạp thời cổ đại của khu vực này, liệu chúng ta có thể chấp nhận những giá trị phổ quát về dân chủ và nhân quyền theo cách nhìn nhận của người Mỹ? Tôi không nghĩ điều này là có thể. Các giá trị được hình thành từ lịch sử và trải nghiệm của con người. Người ta  thấm nhuần những ý niệm này ngay từ dòng sữa mẹ.
Là thủ tướng Singapore, nhiệm vụ đầu tiên của tôi là đưa đất nước thoát ra khỏi sự cổ hủ, ở đó nghèo đói, sự thờ ơ, và bệnh dịch hoành hành. Bởi vì nghèo đói, người ta không thể quan tâm nhiều tới điều gì khác trong cuộc sống và coi tất cả những thứ đó đều chỉ là tầm thường.
Tôi là người được tiếp xúc với cả hai thế giới: Singapore bị Anh cai trị nhưng, về cơ bản vẫn là xã hội mang đặc thù châu Á, vì thế, tôi có thể thấy những chuẩn mực Anh là như thế nào, và so sánh, đối chiếu với những chuẩn mực châu Á. Còn khi tôi học 4 năm tại Anh thì thấy người Anh xử xự và hành động hết sức cá nhân. Từng chịu ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa, tôi hiểu được rằng, người ta không thể thay đổi những giá trị cốt lõi chỉ bằng việc tiếp xúc với nền văn hóa khác.
Đối với châu Á, tôi nghĩ trong một, hai hay có lẽ ba thế hệ nữa (với mỗi thế hệ kéo dài khoảng 20 năm), cần phải có những điều chỉnh nhất định. Như thế, 100 năm tới, tôi chắc chắn, người châu Âu, Đông Á và người Mỹ sẽ đi đến những giá trị và nguyên tắc phổ quát tương đồng.
- Những giá trị phổ quát là gì, xét về khía cạnh nhân quyền?
- Hãy cứ gọi chung đó là "hành vi con người". Ngoại lệ duy nhất có thể là người Hồi giáo, bởi vì lệnh huấn thị của đạo Hồi về cách trừng phạt kẻ ngoại tình bằng cách ném đá cho tới chết, hay chặt tay kẻ trộm cắp, được ghi trong kinh Koran. Tôi không chắc người Hồi giáo sẽ thay đổi điều này nhanh chóng như người theo đạo Phật hay đạo Hindu. Nhưng không phải họ hoàn toàn không thay đổi gì. Dù thế nào, để có thể bắt kịp, hay thậm chí chỉ là hiện đại hóa vũ khí để họ có thể sở hữu quả bom lớn hơn và cho nổ tung Israel, họ vẫn phải đào tạo và trang bị cho cả thế hệ người trẻ cách tiếp cận khoa học để "giải quyết" được vấn đề. Như thế, chắc chắn, kiến thức khoa học quan trọng sẽ mang đến sự thay đổi trong quan niệm của họ về giá trị cốt lõi. Nhưng đó là quá trình chậm và kéo dài. Tóm tại, tôi không nghĩ một nghị quyết tại quốc hội Mỹ có thể làm thay đổi Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác.
- Về nguyên tắc, ông có tin vào một chuẩn mực nhân quyền hay tự do ngôn luận nào hay không?
- Hãy xem xem, đó không phải là vấn đề nguyên tắc mà là vấn đề thực tiễn. Trong thế giới kết nối với nhau về mặt kỹ thuật như ngày nay, mọi người có thể xem vụ Thiên An Môn qua truyền hình. Hiện tại, giao thông ở mức dưới âm, nhưng 20 năm nữa, con cái ông sẽ có thể đạt tốc độ siêu âm; thay vì phải mất 15 giờ, thì cậu ta sẽ chỉ cần vài tiếng đồng hồ để đi từ New York tới Singapore.
Trong một thế giới như vậy, không xã hội nào có thể bảo đảm không bị ảnh hưởng từ xã hội khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các giá trị phương Tây sẽ chiếm ưu thế. Tôi chỉ có thể nói rằng, nếu các giá trị phương Tây có thể áp dụng khi chúng đem lại hiệu quả vượt trội trong xã hội và giúp nó tồn tại. Nếu việc theo đuổi các giá trị phương Tây ảnh hưởng tới sự tồn vong của một xã hội thì chúng sẽ bị từ chối.
Đơn cử, nếu tự do cá nhân quá trớn không giúp được gì tại tại một nước đông dân như Trung Quốc thì họ sẽ không lựa chọn. Tuy nhiên, cùng lúc nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ trích Mỹ vì đó là cường quốc thế giới, thì giới lãnh đạo này cũng hiểu rằng, người Mỹ thực thế vẫn là nước bóc lột Trung Quốc ít nhất so với Nhật hay châu Âu. Thực tế này đã ăn sâu và tiềm thức lịch sử của người Trung Quốc. Người Mỹ đã để lại trường đại học, trường trung học và dành nhiều học bổng đào tạo tiến sĩ.
Dĩ nhiên, người Mỹ luôn nỗ lực biến mọi người thành Cơ đốc giáo. Thực tế, ngày nay có nhiều thành phần trong xã hội Trung Quốc, không chỉ trong giới lãnh đạo, tin rằng người Mỹ là nước "phúc âm" nhất: những nước khác chỉ giao dịch với bạn và để bạn được yên, nhưng người Mỹ đến và muốn thay đổi bạn. Giờ đây, không chỉ đạo Cơ đốc mà còn cả nhân quyền và dân chủ kiểu Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi đó là thứ nhân quyền đế quốc.
- Nhưng có phải "phong trào" Thiên An Môn thực sự là tiếng nói đòi "nhân quyền và dân chủ kiểu Mỹ"?
Tôi xẽ không coi những gì xảy ra vào mùa xuân năm 1989 là phong trào dân chủ. Đó là phong trào đòi thay đổi hoàn toàn sự điều hành của đảng cộng sản. Nếu ông hỏi đại bộ phận những người đứng đầu nhóm sinh viên hay người tham gia khác, nhiều trong số họ sẽ không hiểu rõ họ muốn điều gì thay thế đảng cộng sản trong việc điều hành cả đất nước rộng lớn.
Thực sự, đối với những người trẻ, dân chủ có nghĩa là "tự do hơn cho tôi!". Nhưng, làm sao ai đó có thể điều hành được 1/4 nhân loại trên cơ sở tự do đó? Bằng biện pháp nào? Những người biểu tình đã không suy xét kỹ. "Hãy làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn". "Hãy ngừng nay lại nạn tham nhũng". "Hãy thôi ngay gia đình trị". "Hãy cho chúng tôi tự do lập hội". Đó là tất cả những gì họ thực sự mong muốn.
Bi kịch Thiên An Môn là rằng, những người tham gia bị lôi cuốn bởi xúc cảm lớn chung tại một thành phố rất đông dân. Mối bất bình đã bùng cháy thành cuộc biểu tình lớn, và nó trở thành thách thức chung cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, và thách thức riêng cho nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Như các sự kiện đã diễn tiến, các khẩu hiệu ngày càng trở nên gay gắt hơn. Tôi xem trên truyền hình và đọc qua báo chí Trung Quốc. Tất cả kết hợp lại thành "vụ tấn công" đối với Đặng Tiểu Bình.
Theo quan điểm của tôi, điều này là không sáng suốt. Dù gì thì trong lịch sử Trung Quốc vẫn không có tiền lệ châm biếm người đứng đầu. Làm một phim hoạt hình Doonesbury về một hoàng đế tức là đã nổi loạn hay tạo phản. Khoảng 4 hay 5 ngày trước khi chấm dứt, tôi có nghe một bài thơ ngắn về Đặng Tiểu Bình. Tôi nghĩ, lạy Chúa, chính là điều đó. Hoặc là họ sẽ được tha thứ cho sự bất kính, và cũng là dấu chấm hết cho Đặng Tiểu Bình, hoặc là ông sẽ dạy cho họ một bài học.
Tại sao lại bạo lực như thế? Tôi tự hỏi. Họ không phải là những người điên. Họ biết những gì thế giới sẽ nghĩ. Lời giải thích của tôi là Đặng Tiểu Bình đã lo ngại, nếu phong trào tại Bắc Kinh này tái diễn ở 200 thành phố lớn, ông sẽ không thể kiểm soát được.
- Như thế, Đặng Tiểu Bình e ngại phong trào thân dân chủ sẽ nổ ra tại 200 thành phố, tức khoảng 20% người không sống ở vùng nông thôn, với 800 triệu nông dân?
Liệu nó có làm nảy sinh vấn đề là làm sao một chính sách trung ương không thể thực thi được ở hai Trung Quốc - thành thị và nông thôn - cùng một lúc? Chính ông cũng ủng hộ chính sách "hai tuyến" (twin-track) cho phép tự do hơn tại các thành phố, nơi các tầng lớp được giáo dục đòi hỏi. Bằng không, cải cách kinh tế sẽ vấp ngã?
- Không, không phải tự do. Họ sẽ phải tham gia vào cách họ bị quản lý. Hãy sử dụng từ ngữ mang tính trung lập, bởi vì khi bạn sử dụng những từ như "tự do" và "dân chủ" bạn sẽ làm người Trung Quốc e ngại. Kể từ sau Thiên An Môn, những từ này thường được hiểu theo nghĩa chống phá Trung Quốc.
Tôi thường nói điều này với các nhà lãnh đạo Trung Quốc: một khi 20-30% dân số thành thị được giáo dục ở bậc đại học, 40-50% nữa được học trong các trường tổng hợp hoặc kỹ thuật, và phần còn lại được giáo dục hết bậc phổ thông, bạn không thể chỉ cứ ra lệnh từ trên xuống dưới, nếu bạn muốn thành công trong phát triển kinh tế. Với công nghệ cao ngày nay, bạn không thể đạt được năng suất cao nhất nếu chỉ với máy móc hiện đại mà không có lực lượng lao động năng động và tự quản. Đâu là điều quan trọng của việc sở hữu máy móc trị giá 100 triệu USD trong một nhà xưởng, nếu bạn không thể đạt 95% năng suất, hay nhiều hơn thông qua sử dụng chu  kỳ chất lượng, với sự tham gia của các kỹ sư vào quá trình sản xuất, như người Nhật vẫn làm?
Vì thế, quá trình phát triển kinh tế đòi hỏi sự tham gia. Người ta không thể bắt lực lượng lao động được giáo dục cao phải ngừng suy nghĩ khi rời nhà máy. Sự tham gia rộng hơn trong một xã hội lớn hơn phải diễn ra, nếu không cả nỗ lực kinh tế sẽ sụp đổ.
- Kết quả của chính sách Đặng Tiểu Bình, là lần đầu tiên trong 500 năm qua, phương Tây không còn ảnh hưởng định hình với các vấn đề quốc tế. Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất vào năm 2010. Liệu đây có phải là thế kỷ phương Tây cuối cùng?
- Không nhanh như vậy. Tôi không thấy sự phi thường nào ở đây. Trước hết, khi chúng ta nói về châu Á, chúng ta thường nói về Trung Quốc. Ảnh hưởng của châu Á trên thế giới mà không có Trung Quốc sẽ không lớn đến thế.
Giờ đây, Trung Quốc đã có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng liệu nó có trở thành xã hội được ngưỡng mộ và có ảnh hưởng nhất? Liệu nước này sẽ có công nghệ, chuẩn mực sống, chất lượng cuộc sống, và lối sống mà những nước khác mong muốn hay không? Họ có giai điệu hay lời thơ hay ý tưởng nào có thể gắn kết mọi người hay không? Điều này cần nhiều thời gian.
Còn điều không mất nhiều thời gian đối với Trung Quốc và tức là với cả châu Á, là hãy nói phương Tây rằng họ cần phải ngừng "xô lấn chúng tôi nữa". Khi Anh đánh mất vị thế cường quốc số 1 thế giới, Mỹ đã không tốn nhiều công sức để "lên ngôi". Điều này không dễ chịu với Anh, nhưng họ vẫn phải cố tươi cười. Anh cần sự hỗ trợ của Mỹ trong hai cuộc thế chiến. Anh phải vui vẻ đón nhận sự giúp đỡ đó và từ bỏ quyền lực. Vì thế, việc "thôn tính" vị thế này của Mỹ cũng đi kèm với sự chấp nhận từ cả hai phía.
Như Harold Macmillan nói, Anh đã quyết định đóng vai trò của Hy Lạp trước La Mã; hay nói cách khác, để giúp Mỹ "hưởng thụ" cái từng trải qua của Anh, như thể Hy Lạp đã giúp La Mã duy trì đế chế của mình vậy. Washington là thành Rome mới của Anh. Cả hai đều có chung ngôn ngữ và văn hóa, ít nhất về nguồn gốc.
Nhưng hiện tại, đối với Mỹ, để bị đánh bật bởi người châu Á từ lâu đã bị khinh miệt, bị coi là suy kém, nhu nhược, tham nhũng, và lạc lõng... không phải trên thế giới, mà chỉ ở phía tây Thái Bình Dương, đã là rất khó chấp nhận về mặt cảm xúc.
"Uy thế" văn hóa của Mỹ sẽ khiến sự điều chỉnh này trở nên khó khăn nhất. Người Mỹ tin ở những quan điểm của họ là phổ quát - tính cá nhân và tự do ngôn luận siêu hạng. Nhưng những điều đó đâu phải như vậy - và chưa bao giờ là thế.
Thực tế, xã hội Mỹ thành công lâu như vậy không phải vì những tư tưởng hay nguyên tắc của họ, mà vì một số may mắn về địa chính trị, sự dồi dào nguồn tài nguyên và lượng dân nhập cư lớn, một dòng vốn và công nghệ mạnh mẽ từ châu Âu, và nằm giữa hai đại dương lớn khiến cho những xung đột của thế giới không thể nào lan tới.
Thực tế, chính cái cảm giác văn hóa ưu việt này dẫn tới việc truyền thông Mỹ coi Singapore là độc tài hay độc đoán, xã hội bị kiểm soát quá mức, ngột ngạt, và khô khô khan. Tại sao? Bởi vì chúng tôi không tuân theo các tư tưởng của họ về cách chúng tôi nên quản lý đất nước. Các nguyên tắc và học thuyết Mỹ vẫn chứng tỏ không thành công ở Đông Á - ngay cả ở Đài Loan, Thái Lan, hay Hàn Quốc. Nếu những nước và vùng lãnh thổ này trở thành xã hội tốt hơn Singapore, trong vòng 5 hay 10 năm nữa, thì chúng tôi sẽ theo họ mà chấp những cách làm đó và bắt kịp họ.
Và hiện tại, ngay ở Mỹ tại sao lại có tội phạm và bạo lực tràn lan, trẻ em giết hại lẫn nhau bằng súng, hàng xóm láng giềng với nhau lại thấy bất an, người già cảm thấy bị lãng quên, gia đình ly tán. Và truyền thông lại có thể cứ vô tư bêu xấu sự liêm chính cũng như tính cách của các nhà lãnh đạo, hạ thấp bất cứ ai trong lực lượng cầm quyền và quy trách nhiệm cho bất cứ ai, trừ chính họ.
- Chính trị gia Zbigniew Brzezinski nói, "điều làm tôi lo ngại nhất về nước Mỹ là rằng chính sự tự tham nhũng mang tính văn hóa - sự buông thả quá mức - có thể làm giảm không chỉ năng lực duy trì vị thế nhà lãnh đạo thế thế giới về chính trị của nước Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới cả mô hình mang tính hệ thống cho các nước khác.
- Tôi sẽ không diễn đạt điều này một cách hoa mỹ, nhưng ông ấy nói đúng. Quyền cá nhân và quyền tự do ngôn luận, khi vượt quá giới hạn, sẽ không tốt. Chúng khiến cho xã hội Mỹ trở nên khó cố kết. Các nước châu Á có thể thấy những thứ ấy không hiệu quả.
- Nói cách khác, "Chủ nghĩa cực đoan nhân danh tự do là một khiếm khuyết".
- Những ai muốn cả xã hội yên bình để mỗi công dân có thể thể hiện quyền tự do tự do của mình, để các cô gái trẻ hay các cụ già có thể thoái mái đi bộ trên đường phố mỗi buổi tối, nơi các thanh niên không bị những tên buôn ma túy săn đón, sẽ không đi theo mô hình Mỹ. Vì thế, chúng tôi nhìn quanh, thấy Nhật hay Đức có cách làm tốt hơn để đạt điều đó.
Mặc dù Mỹ không còn là mô hình đảm bảo trật tự xã hội, nhưng rõ ràng cũng có nhiều điều khác đáng học theo. Cách người Mỹ gây vốn đầu tư, chấp nhận rủi ro và thành lập doanh nghiệp mới thì đáng bắt chước. Tôi không thấy điều này ở Pháp, Đức hay Nhật.
Đó không phải chỉ đơn thuần là các sáng kiến, mà còn là khả năng biến những ý tưởng mới thành hiện thực và thử nghiệm trên thị trường. Đó là điều được cả thế giới ngưỡng mộ. Nhưng tự do cho tất cả, khái niệm rằng mọi thứ cần được tranh luận và sẽ có một ánh sáng giúp bạn có thể thấy sự thật.
- Đó có phải là tinh thần cách tân, khả năng sáng tạo, là xã hội, nơi tất cả cá nhân được tự do sáng tạo?
- Không, không phải như thế. Chỉ 3-5% xã hội có thể giải quyết đúng "tự do cho tất cả" - sự xung đột ý tưởng. Với họ, bạn có thể suy nghĩ, "liệu điều này có hiệu quả?" nhưng nếu bạn muốn điều tương tự với với đa số người tại châu Á, nơi hơn 50% dân không biết chữ, bạn sẽ gặp vấn đề.
Người đi tiên phong có thể hướng xã hội đi lên, nhưng nếu cả xã hội đều cứ như tiên phong thì nó sẽ sụp đổ. Hãy để cho nhà lãnh đạo dẫn đường, sau đó khi họ đã gỡ rối cho hệ thống, thì những người khác có thể theo sau.
Theo lối này, tôi nghĩ, hãy để cho họ có Internet! Có bao nhiêu người Singapore sẽ được tiếp xúc với tất cả những ý tưởng này, bao gồm cả những ý tưởng điên cuồng nhất, mà chúng tôi hy vọng sẽ không "hấp thụ". 5%? Sẽ là ổn.
Kích thích trí tuệ như thế có thể tạo sự phát triển cho tổng thể xã hội. Nhưng nếu cứ để những hình ảnh hàng ngày về bạo lực, tình dục xuất hiện trên màn hình, toàn xã hội đều cùng xem, thì chúng sẽ hủy hoại cả cộng đồng.
- Đó có phải là quan điểm lỗi thời trong thời đại thông tin? Tôi xin dẫn lời Tổng thống Israel Shimon Peres: "Quyền lực chính phủ có được phần lớn là do họ có độc quyền về dòng thông tin. Nhưng kể từ khi tri thức trở nên sẵn có với tất cả, sự năng động mới đã bắt đầu và không thể bị chặn lại. Mỗi và mọi công dân điều có thể trở thành nhà ngoại giao, người quản lý và và người điều hành. Và kiến thức để đạt được điều đó cũng sẵn có đối với họ. Họ không còn xu hướng coi chấp hành sự chỉ đạo từ cấp trên là hiển nhiên nữa. Họ tự đưa ra những đánh giá cho bản thân".
- Điều này chỉ đúng theo một khía cạnh. Mọi luật sư đều biết luật, tuy nhiên, khi đứng trước tòa án, người ta mới biết ai là luật sư giỏi hơn và ai là người giỏi nhất.
Càng có nhiều thông tin, thì càng có nhiều người biết ai có đủ tiêu chuẩn nhất để làm việc này hay việc khác. Trong một cuộc họp nội các, mọi bộ trưởng đều có cùng thông tin. Nhưng những bộ trưởng không đánh giá tốt khi đưa ra kết luận thì không phải là những người có lập luận thông minh, mà chỉ những ai có đánh giá nhiều lần được chứng minh là đúng mới được tôn trọng.
Không phải thông tin tạo nên sự khác biệt, mà là cách sử dụng thông tin tốt hơn thông qua đánh giá tốt hơn. Chúng ta không phải đều thông minh và tài năng như nhau. Điều này cũng đúng trong một xã hội thông tin.
- Người tiên đoán tương lai nổi tiếng nhất nước Mỹ Alvin Toffler, nói: "Tôi từng nghĩ về Lý Quang Diệu là con người của tương lai. Giờ tôi lại nghĩ ông là người của quá khứ. Bạn không thể kiểm soát dòng thông tin trong ngày hôm nay và mãi mãi". Bill Gates cũng nói điều tương tự: "Singapore muốn có chiếc bánh và thưởng thức nó". Họ vẫn kiểm soát thông tin ảnh hưởng đến văn hóa của nước họ.
"Nhưng không nơi đâu còn là hòn đảo cô độc nữa", Gates nói. Ngay cả Singapore. Nếu ông có Internet, ông sẽ có bài hát sexy của Madonna và biết được nhà báo của tờ New York Times, Bill Safire, gọi ông là nhà độc tài. Liệu ông có phải là người của quá khứ hay người của tương lai? Liệu ông có chiếc bánh của riêng mình và thưởng thức nó?
- Tôi biết hai sự thật căn bản: Đầu tiên, trong thời đại khi công nghệ thay đổi nhanh đến chóng mặt, nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ bị lạc hậu và trở nên không phù hợp nữa. Vì thế, bạn cần phải thay đổi nhanh. Thứ hai, việc bạn chăm sóc và nuôi dưỡng con trẻ ở thế hệ sau vẫn không thay đổi, cho dù công nghệ có hiện đại ra sao.
Từ những bộ lạc nhỏ tới thị tộc, tới quốc gia, mối quan hệ cha mẹ - con cái vẫn không thay đổi. Nếu con cái không kính trọng người lớn tuổi và không coi trọng những gì thiêng liêng của gia đình, thì cả xã hội sẽ lâm nguy và tan rã. Không gì có thể thay thế cho tình thương cha mẹ, không gì thay thế được tình láng giềng, không gì có thể thay thế quyền hành của những người phải làm công việc quản lý.
Nếu truyền thông luôn luôn hạ thấp nhà lãnh đạo, nếu họ cứ hành động trên cơ sở không nhà lãnh đạo nào đáng được chọn làm bộ mặt đất nước, và phải kéo đổ bằng cách công kích động lực và tính cách của ông, và rằng không ai hiểu biết hơn các học giả truyền thông, thì khi đó, bạn sẽ bị bối rối và cuối cùng không tin vào ai cả. Những "bài tấn công" của họ sẽ lại khiến người khác làm theo và tăng doanh thu nhưng sẽ khiến xã hội khó ổn định.
Quản lý tốt, thậm chí là ngay nay, đòi hỏi sự cân bằng giữa những thực tế đối lập nhau bằng cách duy trì những thực tế cơ bản: rằng có cái đúng và cái sai, có điều tốt và điều xấu. Chúng ta không thể bỏ mặc xã hội cho truyền thông hay Internet muốn nói gì thì nói, dù tốt hay xấu. Nếu mọi người đều xem những hình ảnh khiêu dâm qua vệ tinh, thì các chính phủ trên thế giới làm điều gì đó, nếu không chúng ta sẽ hủy hoại chính lớp thanh niên của chúng ta và cả sự văn minh của nhân loại. Không duy trì sự cân bằng, không xã hội nào có tương lai.
- Như thế, quản lý là sự khẳng định các giá trị cộng đồng?
- Tôi sẽ diễn đạt điều này theo nghĩa mạnh hơn. Đó là sự chấp nhận cộng đồng hay chấp nhận của cộng đồng. Khi tôi còn học tại Anh, tôi từng đọc một chú ý nhỏ trên báo rằng kẻ "hạ lưu" không thể được mời tới Cung điện Buckingham, bởi vì gã đã ly hôn. Giờ đây họ lại đưa phụ nữ ngoại tình tới cung điện Buckingham.
Có rào cản nào đó đã bị gạt qua một bên. Nhưng những quy định xã hội ngầm và trừng phạt như vậy lại có chức năng quan trọng, là duy trì chuẩn mực trong cộng đồng. Nếu tôi muốn quan hệ tình dục ở ngay sân trước nhà, tôi không thể nói đó là chuyện riêng của tôi. Nếu mọi người làm chuyện đó, trẻ em sẽ lớn lên và không biết đâu là tốt, xấu. Vì thế, chính phủ và xã hội phải nói "ngừng việc đó lại". Đó là giá trị của những hình phạt xã hội - là thứ cần thiết để mọi người hiểu được hành vi nào đã đi quá giới hạn.
- Nhìn lại, đâu là yếu tố chính làm nên xã hội Singapore?
Chúng tôi không phải là xã hội thuần nhất. Nếu chúng tôi giống Nhật, thì nhiều vấn đề sẽ không tồn tại. Mà chúng tôi là sự kết hợp những người bị người Anh ghép lại và mỗi người đều đang tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn những gì đã bị bỏ lại phía sau.
Sự kết hợp nhiều loại người - Ấn Độ, Trung Quốc, Malay - như thế cần phải đi đến một "khế ước xã hội". Bằng không, sẽ không có tiến bộ chung nào hết. Nếu bạn muốn hạ thấp người khác và nhấn mạnh rằng anh ta phải hành động giống bạn và không làm những điều bạn cấm kỵ, thì cả nơi đó sẽ tan rã. Một khế ước xã hội vì thế sẽ là tiền đề.
- Có điều gì ngoài việc chấp nhận đa văn hóa đã tạo điều kiện cho những thành công của Singapore?
- Điều hòa nhiệt độ. Điều hòa nhiệt độ là phát minh quan trọng đối với chúng tôi, có lẽ là của  cả lịch sử. Nó làm thay đổi bản chất nền văn minh bằng cách làm cho khả năng phát triển ở vùng nhiệt đới trở nên có thể.  
Không có điều hòa nhiệt độ, bạn chỉ có thể làm việc vài giờ vào buổi sáng sớm khi trời còn mát mẻ hoặc khi trời đã nhá nhem. Điều đầu tiên tôi làm khi trở thành thủ tướng là trang bị máy điều hòa nhiệt độ ở nơi công chức làm việc. Đây là chìa khóa để một chính phủ làm việc có hiệu quả.
  • Đình Ngân (Theo phỏng vấn của Nathan Gardels, trên digitalnpq.org)
Nguon vietnamnet