TCCS-Với tinh thần “tư
duy lại, thay đổi và cải tổ” thế giới, Diễn đàn kinh tế thế giới năm
2011 diễn ra từ ngày 27-1 tới 31-1-2011 tại Đa-vốt (Thụy Sỹ). Nguyên thủ
30 quốc gia và gần 2.500 quan khách và các chuyên gia kinh tế, chính
trị hàng đầu thế giới cùng nhau thảo luận những vấn đề cấp bách liên
quan tới tình hình thế giới hậu khủng hoảng, trong đó nợ công ngày càng
tăng; đội quân thất nghiệp ngày một lớn; sự trỗi dậy của Trung Quốc và
Ấn Độ là những chủ đề nóng tại hội nghị.
Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2011 tại
Đa-vốt (Thụy Sỹ) tuy diễn ra dưới khẩu hiệu “Những cách tiếp cận chung
đối với hiện thực mới”, nhưng chính cái hiện thực mới này đang đặt dấu
hỏi nghi vấn trước sự tồn tại của diễn đàn này bởi từ lâu nó đã không
còn có ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế toàn cầu.
Các đại biểu thảo luận tại phiên bế mạc WEF 41 tại Đa-vốt |
Ra đời trong những năm
1940 và trong suốt 40 năm tồn tại, Diễn đàn kinh tế thế giới thực chất
là diễn đàn của các nước có nền kinh tế thị trường tư bản với vai trò là
“đối trọng” với các nước xã hội chủ nghĩa, đến nay diễn đàn này đã tới
lúc phải thay đổi bởi trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, trong đó nền kinh
tế toàn cầu đã đổi thay căn bản. Ngày nay, đa số các nước trên thế giới
đều phát triển theo mô hình kinh tế thị trường, trong đó đang diễn ra
cuộc chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ giữa các nước mà
không một diễn đàn quốc tế nào có thể đưa ra được lời giải chung nhằm
khắc phục những mâu thuẫn và xung đột phát sinh từ đó. Chính vì thế,
vòng đàm phán Đô-ha về tự do hóa thương mại đã hơn 10 năm nay vẫn dậm
chân tại chỗ.
Sau năm 2007, Diễn đàn
kinh tế thế giới ở Đa-vốt đứng trước nguy cơ bị giải thể bởi cuộc khủng
hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đã đặt dấu hỏi nghi vấn trước các giá
trị và tư tưởng mà diễn đàn này theo đuổi. Nhân dịp khai mạc Diễn đàn
kinh tế thế giới năm 2011, Báo “Les Echos” ở Tây Ban Nha đã đưa ra nhận
xét, thật khó hiểu khi những người tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới bỏ
ra hàng triệu ơ-rô để tổ chức một cuộc hội nghị lớn nhất thế giới tại
một nơi xa xôi trên dãy núi An-pơ của Thụy Sỹ mà không biết sẽ đạt được
mục đích gì.
Giáo sư Clau-xơ Soáp
(Klaus Schwab), người sáng lập Diễn đàn kinh tế thế giới mặc dù cho
rằng, Diễn đàn kinh tế thế giới lần này ở Đa-vốt đã biến khu nghỉ dưỡng
thanh bình ở Thụy Sỹ thành “một thế giới thu nhỏ” mà ở đó trong vòng 5
ngày các đại biểu tham dự sẽ nhìn nhận những vấn đề cấp bách nhất của
nhân loại và sự thay đổi cục diện chính trị quốc tế, nhưng ông cũng phải
ngậm ngùi công nhận rằng, thế giới càng ngày càng ít quan tâm tới diễn
đàn này. Bằng chứng rõ ràng nhất là Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã
viện lý do “bận đọc thông điệp liên bang” nên không tới dự Diễn đàn kinh
tế thế giới năm 2011. Thực ra, ông Ô-ba-ma đọc thông điệp liên bang vào
ngày 25-1, còn Diễn đàn kinh tế thế giới khai mạc vào ngày 27-1. Còn
Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép tới Đa-vốt lần này chủ yếu là để tận dụng cơ
hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Nga, mà không phải
là để đưa ra sáng kiến gì cho thế giới.
Các nước trên thế giới có
lý do để không mấy quan tâm tới Diễn đàn kinh tế thế giới tại Đa-vốt
bởi ngày nay diễn đàn này không còn là nơi để giải quyết các vấn đề toàn
cầu, còn nguyên thủ các quốc gia tới đây không phải để ký các cam kết
hoặc thoả thuận chung như tại diễn đàn của G8 hoặc G20. Tuy nhiên, vẫn
theo truyền thống, tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2011, các bên tham
dự vẫn nêu lên những vấn đề cấp bách của thế giới hôm nay, tạo khả năng
để các bên tranh luận và kết nối quan điểm trong các cuộc thảo luận kéo
dài.
Những chủ đề lớn tại Diễn
đàn kinh tế thế giới năm 2011 là sự phục hồi tăng trưởng; những thách
thức toàn cầu mới (sự mất cân đối kinh tế vĩ mô; sự cạn kiệt tài nguyên
thiên nhiên như nguồn nước, lương thực và năng lượng; sự gia tăng khu
vực kinh tế ngầm; nợ công và thất nghiệp); sự dịch chuyển kinh tế -
chính trị từ phương Tây sang phương Đông, từ Bắc xuống Nam; tốc độ cải
tiến công nghệ đã tạo ra một diện mạo thế giới hoàn toàn mới.
Về nguy cơ phát triển
kinh tế ngầm, theo tính toán của các chuyên gia, khu vực kinh tế này
trên thế giới trong năm 2009 đạt 1.300 tỉ USD và hiện nay vẫn tiếp tục
phình to ra, làm giảm khả năng quản lý và điều hành của các chính phủ và
hạn chế nghiêm trọng tốc độ phát triển. Về cuộc khủng hoảng nợ công.
các đại biểu tham dự nhận thấy rằng, những khoản nợ công khổng lồ bị “lộ
thiên” từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế đã hạn chế khả năng của
các nước vượt qua khó khăn và thách thức trước những “cơn động đất kinh
tế” còn tiềm ấn trong tương lai. Một nhóm chuyên gia kinh tế thuộc hãng
bảo hiểm của Thụy Sỹ “Zurich Financial Services” nhận xét, chính sách
mang tính chất tình thế hiện nay, nếu không muốn nói là “chắp vá”, của
các nước là không có hiệu quả lâu dài. Trong điều kiện không có các cải
cách cơ cấu trên quy mô lớn thì trong tương lai thế giới sẽ còn đứng
trước nguy cơ khủng hoảng nợ công lớn hơn nữa.
Một chủ đề nóng được quan
tâm thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2011 là sự dịch chuyển
sức mạnh kinh tế và chính trị trên phạm vi toàn cầu từ phương Tây sang
phương Đông, từ Bắc xuống Nam. Điều này được thể hiện rõ ràng và sinh
động nhất ở so sánh lực lượng đã thay đổi đáng kể tại Diễn đàn kinh tế
thế giới năm 2011. Ấn Độ cử tới đây một đoàn đại biểu đông chưa từng có,
trên 140 người. Đoàn Trung Quốc cũng đông không kém. Trong chương trình
nghị sự của diễn đàn, ngày nào cũng có các chủ đề bàn về Ấn Độ và Trung
Quốc như “Tương lai hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc”, “Ảnh hưởng
của Trung Quốc tới tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu”, “Ấn Độ:
triển vọng của những thay đổi”, “Bằng cách nào Ấn Độ có thể phát triển
nhanh hơn Trung Quốc?” v.v. Ngoài ra, tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm
2011 còn có cuộc triển lãm nghệ thuật Ấn Độ và đêm trình chiếu các tác
phẩm của hãng phim nổi tiếng của Ấn Độ “Bô-li-vút”, giống như kinh đô
điện ảnh Mỹ “Hô-li-út” của Mỹ.
Tại diễn đàn lần này, mặc
dù chưa có ai phủ nhận vai trò dẫn đầu của Mỹ trong nền kinh tế thế
giới nhưng cũng không ai nghi ngờ sức mạnh kinh tế và chính trị của thế
giới đang dịch chuyển từ phương Tây sang phương Đông, từ Bắc xuống Nam,
thể hiện ở sự tăng trưởng vẫn được duy trì và vai trò là động lực phát
triển kinh tế toàn cầu của các nước trong nhóm BRIC (gồm Bra-xin, Nga,
Ấn Độ và Trung Quốc).
Tại Diễn đàn kinh tế thế
giới năm 2011, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, hiện đang có một
dòng thác đầu tư ồ ạt từ khắp nơi trên thế giới đổ vào Trung Quốc với
con số đã lên tới 1.500 tỉ USD. Các đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng,
Mỹ, G20, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới đều bất lực trước
hiện tượng này. Đồng thời, Trung Quốc cũng cho các nước vay và đầu tư ồ
ạt ra nước ngoài. Trong 2 năm 2009 và 2010, Trung Quốc cho các nước đang
phát triển vay với tổng số tiền vượt qua cả Ngân hàng thế giới (WB).
Còn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong năm 2010 vượt 50 tỉ USD,
tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, khai khóang và nông nghiệp. Đây
là số đầu tư trực tiếp phi tài chính, không bao gồm đầu tư của các ngân
hàng, công ty bảo hiểm và chứng khóan. Dự kiến, năm 2011 đầu tư ra nước
ngoài của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2010.
Tại Diễn đàn kinh tế thế
giới năm 2011, các chuyên gia nhận định, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung
Quốc đặt dấu hỏi nghi vấn về tương lai của đồng USD. Các quan chức Trung
Quốc đã từng đề cập tới mục tiêu dài hạn loại bỏ vai trò dự trữ quốc tế
của đồng USD bằng một số đồng tiền khác, trong đó có thể bao gồm cả
đồng nhân dân tệ (NDT). Do thương mại với các nước đang phát triển phát
triển mạnh, Trung Quốc bắt đầu mở rộng phạm vi sử dụng NDT, bao gồm cho
phép các quỹ đầu tư nước ngoài sử dụng đồng tiền này đầu tư vào thị
trường trái phiếu trong nước. Một số nhà kinh tế cho rằng, đồng NDT có
thể sẽ trở thành đồng tiền giao dịch trong các hợp đồng buôn bán trên
thế giới trong thập kỷ tới.
Với những động thái trên,
tinh thần bao trùm tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2011 là, đã tới
lúc, thế giới cần tư duy lại, cần thay đổi và cải tổ các thế chế kinh tế
toàn cầu cũng như quan hệ giữa các nước nhằm hướng tới sự phát triển ổn
định lâu dài dựa trên sự hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trong một thế
giới đang toàn cầu hóa mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị,
văn hóa, khoa học-giáo dục, thậm chí là cả quân sự và an ninh./.