Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

19. Sự trỗi dậy của nga - Những tác động đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương

"...Sự mất cân bằng giữa định hướng “phương Tây” và “phương Đông” bắt đầu được tu chỉnh và Nga đang lấy lại đà đã mất. Một nước Nga mạnh mẽ và tự tin hơn đang có vai trò quan trọng tác động đến những thay đổi tích cực trên thế giới, đồng thời Nga đã xuất hiện với tư cách là một “tác nhân” trong đời sống chính trị quốc tế..."

 __________________________
Trong thập kỷ 1990, Liên bang Nga,  những khó khăn về kinh tế, cũng như vì xu hướng nổi trội của tầng lớp chính trị mới của Nga hướng tới cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương, đã làm xói mòn nghiêm trọng mức độ giao thiệp của Nga với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và thực chất định hướng “hướng Đông” trong chính sách của Nga trở nên thứ yếu. Chỉ khi giai đoạn chuyển đổi hậu Xô-viết cùng với căn bệnh tồn tại trong phát triển và tình trạng bất ổn về an ninh qua đi thì Nga mới bắt đầu hành động giống như đại đa số các nước lớn khác của thế giới, gần như trở thành một tác nhân “bình thường” trên trường quốc tế. Sự mất cân bằng giữa định hướng “phương Tây” và “phương Đông” bắt đầu được tu chỉnh và Nga đang lấy lại đà đã mất. Một nước Nga mạnh mẽ và tự tin hơn đang có vai trò quan trọng tác động đến những thay đổi tích cực trên thế giới, đồng thời Nga đã xuất hiện với tư cách là một “tác nhân” trong đời sống chính trị quốc tế.

 Nguồn gốc vai trò được phục hồi của Nga với tư cách là một trong những tác nhân hàng đầu trong các vấn đề quốc tế
Có thể phân thành các nguồn gốc bên trong và bên ngoài. Các nguồn gốc có đặc tính bên trong bao gồm: (i) Tăng cường sự ổn định chính trị bên trong của nhà nước Nga; (ii) Sự phát triển hơn nữa của nhà nước Nga trong những điều kiện mới, gồm hoạt động ứng phó cấp bách và có hiệu quả với mối đe dọa khủng bố; (iii) Tăng trưởng kinh tế lâu bền; và (iv) Chuyển hướng cương quyết sang tăng cường chính sách xã hội và đầu tư vào nguồn nhân lực thông qua các chương trình quốc gia trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, nông nghiệp và giải pháp cho vấn đề nhà ở.
Nhiều chuyên gia Nga tin rằng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao và các chính sách kinh tế vĩ mô được thực hiện sẽ giúp đưa Nga trở thành một trong 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào thập kỷ tới. Điều đáng chú ý là những nhiệm vụ được Tổng thống Putin đề ra vào đầu năm 2008: Tích cực tiến hành chuyển đổi thị trường và dân chủ, đưa Nga từ một nền kinh tế phát triển trì trệ dựa vào xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô sang con đường đổi mới. Những nhiệm vụ này được cụ thể hoá trong chiến lược của Tổng thống về phát triển kinh tế-xã hội Nga đưa ra tại một kỳ họp của Hội đồng Nhà nước. Việc thực hiện chiến lược này sẽ dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước do chính phủ xây dựng.
Trái ngược với những chiến lược trước đó dựa vào những ý tưởng mơ hồ về bản chất kỳ diệu của các cơ chế tự tổ chức của thị trường, chiến lược hiện nay có điểm khác biệt là sự nhận thức tinh khôn về tình hình phức tạp của nền kinh tế Nga. Chiến lược này xác định những định hướng cơ bản của sự phát triển kinh tế-xã hội Nga tới năm 2020. Sự trỗi dậy trở lại của Nga trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ của thế giới, năng suất lao động tăng gấp 4 lần trong các ngành chủ chốt của nền kinh tế Nga, tầng lớp trung gian sẽ tiến tới chiếm 60-70% dân số, giảm nửa tỉ lệ tử vong và tăng tuổi thọ trung bình lên 75 tuổi.
Chiến lược này tập trung giải quyết ba vấn đề then chốt: tạo ra cơ hội đồng đều cho nhân dân, hình thành một động lực cho hành vi đổi mới và nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế chủ yếu dựa trên gia tăng năng suất lao động. Các ưu tiên trong chính sách nhà nước cũng được xác định : đầu tư vào nguồn nhân lực, phát triển giáo dục, kinh tế, y tế công cộng, thiết lập một hệ thống công nghệ mới quốc gia, phát triển các lợi thế tự nhiên và hiện đại hoá nền kinh tế, phát triển các ngành có năng lực cạnh tranh mới trong lĩnh vực công nghệ cao của nền kinh tế tri thức, xây dựng lại và mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất, xã hội và tài chính.
Một kịch bản như vậy cho nền kinh tế Nga bảo đảm sự tăng trưởng ổn định và tạo đà để tiến lên. Về tổng thể, cho đến hôm nay, triển vọng kịch bản như vậy trở thành hiện thực đang thành hình thuận lợi.
Cũng có hàng loạt những nguồn gốc bên ngoài thúc đẩy sự phục hồi vai trò của Nga là một trong những tác nhân hàng đầu, trong đời sống chính trị thế giới, đó là:
- Vai trò ngày càng cao của nhân tố năng lượng trong quan hệ quốc tế và sự chuyển đổi của Nga thành “cường quốc hyđrôcácbon”, duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân trên thực tế đã đưa Nga trở lại địa vị cường quốc, cùng với nó là sức mạnh quốc tế của một “tác nhân” có tầm cỡ toàn cầu.
- Sự thay đổi trong tình hình chính trị-quân sự thế giới theo hướng có lợi cho sự phục hồi sức mạnh trước đây của Nga. Đối đầu hai cực kết thúc mở ra những cơ hội mới cho sự hợp tác mang tính xây dựng của Nga với các nước khác ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Nga không có những kẻ thù rõ ràng, do vậy không có nhu cầu đặt biệt phải uổng phí các nguồn lực về tài nguyên thô và tài chính lớn dành cho quân sự hoá, đồng thời khiến nước này bị kiệt quệ cùng với tiến trình quân sự hoá.
- Bối cảnh quốc tế xung quanh Nga thay đổi nhanh chóng - do sự phát triển năng động của một loạt các nước và khu vực. Tiềm năng kinh tế của những trung tâm tăng trưởng mới của thế giới, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc đứng ở vị trí nổi bật, đang được chuyển thành ảnh hưởng chính trị của các nước này trong thế giới đa cực đang hình thành. Điều này mang lại cho Nga những cơ hội không nhỏ, khi lợi ích của các nước châu Á trong hợp tác đa phương đang tăng lên không chỉ với các nước phát triển có nền dân chủ thị trường mà cả đối với Nga.
Tất cả điều này đặt ra cho Nga nhiệm vụ to lớn - đưa đến một dự án điều chỉnh chính sách đối ngoại không chỉ tương xứng với vai trò mới của Nga và những cơ hội trong môi trường đối ngoại đang thay đổi mà còn thích hợp với việc tìm kiếm sự cân bằng thích hợp giữa các lợi ích cơ bản của các chủ thể trong quan hệ quốc tế. Tương tự nhiệm vụ to lớn này phải bảo vệ và củng cố mũi nhọn hiện đại hoá trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, nâng cao tính cạnh tranh của Nga, đây là điều phải đạt được bằng cách tận dụng địa vị của Nga về nguyên liệu thô hay chất lượng vũ khí hạt nhân.
Những sự kiện hay nhân tố nào dẫn tới tình trạng quan hệ hiện nay giữa Nga và phương Tây? Những tác động của tình trạng này đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương là gì?
Bài diễn văn của V. Putin tại Hội nghị về chính sách an ninh tại Munich[1] (10/2/2007) đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Nga. Dưới hình thức gọn, bài diễn văn là tuyên bố của Nga về trật tự thế giới mà Mỹ và các nước đồng minh tại châu Âu đang xây dựng, đó là: (i) Đưa khái niệm thế giới đơn cực vào đời sống chính trị thế giới (rút cục thì nó chưa bao giờ hình thành vì thực tế đã cho thấy mô hình đơn cực đang không có hiệu quả); (ii) Coi thường các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và sự thử nghiệm ngày càng thường xuyên về việc thay thế Liên Hợp Quốc bằng NATO hay liên minh châu Âu; (iii) Ý nguyện của Mỹ muốn giải quyết các vấn đề quốc tế trên cơ sở của cái gọi là tiện lợi về chính trị, điều này tạo ra tâm lý bất an tại các nước không phải là liên minh với phương Tây và trở thành chất xúc tác thúc đẩy chạy đua vũ trang, và (iv) Sử dụng vũ lực hầu như không kiềm chế và ngày càng nhiều trong các vấn đề quốc tế, dẫn tới xung đột liên miên.
Bài diễn văn tại Munich và các mục tiêu của Nga đưa ra nhằm tạo lập một chính sách đối ngoại độc lập - là tín hiệu cho thấy ý định của giới lãnh đạo Nga là điều chỉnh chiến lược chính sách đối ngoại quốc gia phù hợp với thay đổi của tình hình quốc tế. Nước Nga đang trỗi dậy không bằng lòng với sự bất cập ngày càng tăng giữa các sức mạnh đang gia tăng của mình (đặc biệt trong lĩnh vực chính trị-quân sự và năng lượng) và việc các cường quốc và các thể chế phương Tây luôn tỏ ra phớt lờ địa vị của Nga, lưỡng lự trong việc thiết lập mối quan hệ tin cậy hơn và kiểu đối tác với Nga. Hơn nữa, một bộ phận lãnh đạo chính trị của Nga không hài lòng với vai trò thái quá của “nguyên liệu thô” trong mối quan hệ của Nga với châu Âu theo quan niệm của họ cũng như chính sách của Mỹ và EU nhằm kéo dài mãi địa vị quốc tế của Nga là nước xuất khẩu “nguyên liệu thô” - như phần phụ của các nền kinh tế phát triển.
Có những nhân tố khác dẫn tới tình trạng hiện nay của mối quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Trước hết, có một nhân tố có tác động thường xuyên là di sản của quá khứ tồn tại lâu nay. Do vậy, ở phương Tây tồn tại dai dẳng mới lo sợ trong quan hệ với Nga là người thừa kế hợp pháp Liên bang Xô-viết. Đồng thời tại Nga, tư tưởng chống Mỹ, chống phương Tây bắt rễ sâu xa trong tiềm thức của người dân, môi trường xã hội Nga, những tình cảm lịch sử này dễ bị thổi bùng lên do tác động của một sự kiện nào đó; có những lúc đưa đến tình cảm cố hữu coi mình là người bị ruồng bỏ và cô lập. Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng khác. Tại Nga, trong đầu thế kỷ 21, một thế hệ chính trị gia mới đã lên nắm quyền: con cái của tầng lớp thời kỳ hậu Xô-viết, những người tự tin và giàu có, họ mơ có một nước Nga hùng mạnh, tuy nhìn nhận phương Tây một cách thực dụng và tôn sùng, họ không còn sợ hãi phương Tây, đồng thời không còn cảm thấy luyến tiếc gì về quá khứ của nước mình.
Thứ hai, việc Mỹ và đồng minh tấn công I-rắc tháng 3/2003. Sau hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại lô-gic của cách ứng xử duy lý, rõ ràng không một nước nào có thể thiết lập một trật tự lâu dài trên thế giới. Đồng thời, mọi nước kể cả Nga, quan tâm bảo vệ chủ quyền của mình thì phải được phép tìm kiếm các nguồn lực để củng cố vị trí của mình một cách độc lập.
Thứ ba, nếu nhìn nhận một cách kỹ càng thì cuộc “cách mạng màu” tại Gru-di-a và đặc biệt là U-crai-na chỉ là một mô hình rất đặc thù đưa giới chính trị ủng hộ phương Tây lên nắm quyền ở các nước cộng hoà thời kỳ hậu Xô-viết. Kết quả là sự tan vỡ ảo tưởng với phương Tây của Nga biến thành sự đối kháng trước hết vì các “cuộc cách mạng” này được nhìn nhận ở Nga như là hoạt động đặc biệt của phương Tây nhằm vào chính nước Nga. Trong bối cảnh mối quan hệ đối tác bắt đầu phát triển sau sự kiện 11/9, sự tồn tại của Hội đồng Nga-NATO và nhiều năm hợp tác với EU, những cách cư xử như vậy của phương Tây và các thể chế phương Tây được xem là sự hành động bất tín.
Thứ tư, vào giữa thập kỷ này, Nga có được những tài nguyên vật chất và tinh thần cho phép khẳng định mình trong các lĩnh vực hoạt động mà họ đã có hoặc vẫn có lợi thế cạnh tranh: (i) Kỹ thuật điện; (ii) Lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân và chống phổ biến vũ khí hạt nhân; (iii) Các vấn đề liên quan đến quản lý các thể chế an ninh quốc tế quan trọng (Nga là uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) và (iv) Trong không gian hậu Xô-viết, Nga tiếp tục coi đây là khu vực có lợi ích cơ bản của mình.
Thứ năm, Nga thất vọng về việc không thể bảo vệ lợi ích quốc gia trên cơ sở của các quy tắc quốc tế được áp dụng trên toàn thế giới, trong khuôn khổ của các tổ chức đặc thù (Liên Hợp Quốc, OSCE). Theo quan điểm của Nga, được định hình năm 2007, cần thiết phải điều chỉnh các quy tắc hiện hành theo tập hợp lực lượng mới, hay không nhất thiết phải tuân thủ bắt buộc các quy tắc đó. Những hành động phản ánh cách tiếp cận đó là sự tạm ngưng thực hiện Hiệp ước CFE mà Nga phải thực hiện vào năm 2008; lập trường cứng rắn của Mát-xcơ-va về Kosovo; đã chấm dứt sự chỉ định một ứng cử viên khác thay thế giám đốc quản lý của IMF và yêu cầu cải cách cơ bản tổ chức này; thiếu quan tâm đến hiệp định mới ký kết với EU, giảm tốc độ các cuộc thương lượng gia nhập WTO; không chấp nhận tư cách của OSCE. Là một mô hình khác trong hoạt động quốc tế, những năm gần đây, Nga bắt đầu ngày càng nhiều dùng đến liên kết - thể thức các quốc gia nhất định được thành lập nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể (đàm phán 6 bên về vấn đề CHDCND Triều Tiên, 5 nước về chương trình hạt nhân I-ran, 4 nước về vấn đề Trung Đông…). Tại Mát-xcơ-va, các thể thức này được coi là có hiệu quả nhất.
Tóm lại, chúng ta có thể thấy rõ: Nga không còn cảm thấy hài lòng với trật tự thế giới hiện tại. Đặc biệt, trật tự này phản ánh những đặc điểm như vai trò ngày càng lớn của Mỹ trong các tiến trình ra quyết định quốc tế chủ chốt. Đồng thời Nga không từ chối hợp tác với phương Tây trong các vấn đề quan trọng liên quan tới chương trình nghị sự của thế giới đương đại. Vì vậy, trong nhiều vấn đề, Nga lại ủng hộ Mỹ như vấn đề chống khủng bố quốc tế. Trong một số vấn đề khác (cuộc chiến tại I-rắc, xung đột về chương trình hạt nhân của I-ran, Kosovo…) dù thể hiện lợi ích nào đó trong việc duy trì quan hệ đối tác với phương Tây và EU, Nga vẫn thận trọng giữ khoảng cách với họ. Trong khi mò mẫm tìm kiếm cách cách thức và nguồn lực mới cho sự dân chủ hoá trật tự quốc tế và nâng cao vai trò của Nga trong việc thiết lập và điều chỉnh trật tự quốc tế, ngoại giao Nga hy vọng đạt được điều này thông qua các phương thức hợp tác chặt chẽ hơn với các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Sự thay đổi trong quan hệ của Nga với phương Tây có thể dẫn tới sự chuyển đổi của Nga về dài hạn thành một “tác nhân” lớn nhất trong kỹ thuật điện lực toàn cầu. Các nước ASEAN có thể sử dụng năng lượng của Nga, trên cơ sở đó là sức nặng cũng như đấu tranh chính trị đối với ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tại Đông Nam Á. Nếu thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng vận tải (tại Đông Xi-bê-ri và trước hết là vùng Viễn Đông), Nga có thể làm các nước châu Á-Thái Bình Dương quan tâm đến mình là một không gian vận tải giữa châu Âu và châu Á.
Tham vọng của Nga muốn củng cố ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương, và tạo ra một động lực mới cho sự phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác đa phương với các nước khu vực nắm trong khuôn khổ phụ thuộc ngày càng tăng trên thế giới. Tại Nga, người ta cũng tính rằng những năm vừa qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có một vai trò đi đầu trong sự phát triển của thế giới trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Những lợi ích chủ chốt của Nga và những ưu tiên tại châu Á-Thái Bình Dương
 Một đặc thù của Nga, một nước ở cả châu Âu và châu Á, phần lớn lãnh thổ Nga nằm trên lục địa châu Á và chỉ 20% nằm ở châu Âu. Lục địa châu Á chiếm phần lớn biên giới đất liền của Nga. Nhưng vị trí địa-kinh tế như là không gian kết nối giữa các khu vực của châu Âu và sự hội nhập của Đông Á chưa được khai thác hết. Trong khi đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày nay, cùng với châu Âu và Bắc Mỹ, đã trở thành một trong những trung tâm hội nhập kinh tế thế giới. Mặc dù còn đứng sau các khu vực về các vấn đề liên quan tới chỉ số kinh tế nhưng châu Á đang vượt qua các khu vực đó về đà tăng trưởng.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sản xuất 2/3 GDP toàn cầu, tập trung một lượng lớn vốn đầu tư của thế giới. Ở khu vực này, tiến trình hội nhập mạnh mẽ đang tiến triển, tiến trình này chuyển đổi tính bổ sung của các nền kinh tế thành những lợi thế cạnh tranh. Nhìn chung, châu Á-Thái Bình Dương có vai trò quan trọng với Nga: khu vực có một hệ thống đa dạng các mối quan hệ kinh tế, đầu tư lớn, nguồn nhân lực và một thị trường dễ tính, Nga có thể dựa vào đó để có được động lực tích cực cho bản thân nền kinh tế của mình.
Nhưng châu Á-Thái Bình Dương không chỉ là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới. Đây còn là khu vực có tiềm năng xung đột cao. Vì vậy, một điều kiện quan trọng để đạt được sự tăng trưởng kinh tế liên tục là phải bảo đảm ổn định và hoà bình ở không gian rộng lớn này. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã có nhiều hoạt động tương tự như của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), do đó đã trở thành một cơ chế thảo luận và giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan tới việc đối phó với những thách thức và các mối đe dọa trong khu vực hiện tại.
Nga coi trọng phát triển quan hệ với châu Á-Thái Bình Dương. Điều này thể hiện tại đại hội kinh tế Thái Bình Dương tổ chức tại Vladivostok từ ngày 28-29/7/2007 với chủ đề “Nga và các nước châu Á-Thái Bình Dương-Từ hợp tác đến hội nhập”. Đại hội đã ghi nhận sự hoà hợp của công chúng và sự cải thiện chung trong môi trường kinh doanh tại Nga, sự ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách khu vực có mục đích rõ ràng là một nhân tố ảnh hưởng tới triển vọng phát triển kinh tế của vùng Viễn Đông Nga và toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Có một số yếu tố định hình những lợi ích kinh doanh của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương. Những nhân tố có ý nghĩa nhất là:
- Khu vực này giáp biên giới với Nga và do vậy nó vẫn là khu vực có lợi ích quan trọng đối với Nga trong tương lai gần.
- Nga quan tâm mở lối thoát ra thị trường mới tại châu Á-Thái Bình Dương, mở rộng cơ sở cung cấp nguyên liệu thô cho Nga, đa dạng hoạt động của các tập đoàn dầu khí trong nước, giảm chi phí sản xuất và giành thêm những lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
- Hợp tác với các nước đang phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương tạo điều kiện cho Nga, nước quan tâm tới củng cố các lực lượng toàn cầu đối ứng giành một vị trí tương xứng trong các cơ chế bảo đảm sự ổn định tập thể và an ninh tại khu vực quan trọng về chiến lược và có triển vọng về kinh tế này của thế giới. Nga cũng có được một cơ hội để tiến hành có hiệu quả hơn cố gắng của mình tạo ra một thế giới đa cực mới và công bằng, đồng thời đa dạng hơn phương cách Nga tham gia vào mạng lưới quan hệ kinh tế và quan hệ quốc tế toàn cầu.
- Ngoài những nhân tố chính trị, đóng vai trò thực chất trong ý muốn của Nga triển khai hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương là những lợi ích kinh tế của các tập đoàn công nghiệp-tài chính cũng như các tổ hợp công nghiệp quân sự.
- Do trong những năm gần đây, châu Á đang phát triển chiếm 2/3 sự tăng trưởng về nhu cầu năng lượng của thế giới, Nga quan tâm nhiều đến tới hợp tác với các nước trong khu vực về lĩnh vực nguyên liệu thô và năng lượng. Nếu châu Á tiếp tục có nhu cầu mạnh mẽ thì giá nguyên liệu thô vẫn giữ nguyên, trong khi đó Nga bán các sản phẩm nguyên phát của mình, và sẽ tăng thêm tài sản của mình với các nguồn thu bổ sung.
- Một lĩnh vực khác liên quan tới lợi ích của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương là lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật hàng không vũ trụ và đóng tàu có trình độ cao hơn.
- Cuối cùng, Nga có ý định thông qua hợp tác xuyên biên giới để thúc đẩy khả năng tạo dựng hành lang vận tải Á-Âu.
Nhằm đạt được các mục tiêu của mình, Nga đã và đang phải vượt qua những khó khăn lớn lao, trước hết là cạnh tranh với phương Tây. Xét về mặt lịch sử, Nga có ảnh hưởng chính trị và kinh tế lớn ở tất cả các vùng địa lý của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vốn của phương Tây đã được đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế của các nước trong khu vực và cả thị trường vũ khí. Điều này hạn chế hơn nữa sự lựa chọn của Nga, tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt trong việc thúc đẩy các lợi ích của Nga. Tuy nhiên, Nga an lòng vì thực tế là người ta có thể nhận thấy các nước châu Á-Thái Bình Dương có lợi ích khi coi Nga là liên minh chính trị và đối tác kinh tế.
Đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ của Nga với các nước châu Á-Thái Bình Dương là kỹ thuật điện lực.
 Để duy trì thu nhập xuất khẩu cao và ảnh hưởng đối với đời sống chính trị thế giới, Nga không từ bỏ ý định định hướng lại thị phần xuất khẩu của Nga từ châu Âu sang châu Á. Tiến trình này sẽ mất nhiều năm để hoàn thành nhưng cuối cùng có thể sẽ làm giảm căng thẳng trong quan hệ với các nước châu Âu và làm ấm dần lên quan hệ với các nước láng giềng ở phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Với việc khai trương mạng lưới đường ống dẫn Đông Xibêri-Thái Bình Dương (ESPO), Nga sẽ chiếm 6%-6,5% thị trường dầu mỏ châu Á. Theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Năng lượng (Minpromenergo) Andrei Dementyev, vào năm 2005, sản xuất dầu ở Đông Xibêri và I-a-kút sẽ lên tới 40 triệu tấn dầu/năm và đến năm 2025 sẽ đạt 80 triệu tấn. Theo báo cáo của cơ quan năng lượng quốc tế, nhu cầu dầu mỏ ở các nước châu Á đang tăng với tốc độ rất nhanh, trong những năm gần đây đã tăng từ 1,6% lên 2,2%/năm. Với xu thế này, có thể đến năm 2015 cầu sẽ đạt 1460 triệu tấn; để đạt mức 6,5% thị phần, lúc đó Nga sẽ phải xuất khẩu 95 triệu tấn dầu/năm.[2] Theo đó, châu Âu phải tự giảm đi đáng kể nhập khẩu từ Nga. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có tiềm năng lớn sẽ mua dầu mỏ trong thế kỷ 21, đồng thời những nước mà Nga hy vọng sẽ tham gia vào quan hệ đối tác địa-chiến lược bằng cách gắn chặt họ vào nguồn cung cấp năng lượng.
Gazprom nắm giữ một thị phần khá khiêm tốn tại châu Á-Thái Bình Dương, vì xuất khẩu nguyên liệu gas phần lớn ở dạng hoá lỏng (trong khi khí gas tự nhiên của Nga đến các nước châu Âu theo con đường rẻ hơn qua đường ống dẫn). Tuy nhiên, Gazprom đã tỏ ý quan tâm đến các dự án khác nhau về sản xuất và vận chuyển hyđrôcácbon tại các nước châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, năm 2008, công ty này có kế hoạch bắt đầu sản xuất thương mại khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) ở Nam Sakhalin trong khuôn khổ của dự án Sakhalin II. Điều này làm tăng mối quan tâm của các nước châu Á-Thái Bình Dương đối với khí gas tự nhiên hoá lỏng. Mặt khác, các quốc gia trong khu vực quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho sản xuất LNG của Nga. Ô-xtrây-lia và In-đô-nê-xi-a có kinh nghiệm về sản xuất LNG và đang chuẩn bị mở rộng hoạt động này. Kiến thức kỹ thuật của các nước này có thể giúp ích cho hoạt động kinh doanh của Nga.
Khi địa vị kinh tế của Nga được cải thiện thì nền dân chủ phát triển và chế độ pháp  trị được củng cố, các cơ hội của Nga đang tăng lên trong nhiều hiệp hội liên quốc gia tại châu Á-Thái Bình Dương - trước hết là APEC. Nga tham gia vào APEC năm 1998, một lần nữa thể hiện rằng bên cạnh EU và CIS, trong quan hệ đối ngoại, Nga còn hướng tới các khu vực khác. Thành viên của APEC bao gồm cả các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, các quốc gia công nghiệp mới của châu Á chứng tỏ vai trò quan trọng của nhóm hội nhập đó trong nền kinh tế thế giới. Triển vọng kinh tế của các nước APEC tiếp tục phát triển thúc đẩy Nga tăng cường liên kết với họ. Tuyên bố chính thức về việc Nga sẵn sàng đăng cai hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2012 là sáng kiến mới nhất và Vladivostok được chọn làm nơi tổ chức hội nghị này.
Ngoài Nga, 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng là thành viên APEC. Tuy nhiên, chỉ 5 trong số đó - Trung Quốc (theo số liệu của Rossat - 15,8 tỷ USD năm 2006), Mỹ (8,9 tỷ USD), Nhật Bản (4,7 tỷ USD), Hàn Quốc (2, 5 tỷ USD) và Đài Loan (0,9 tỷ USD) đã chiếm hơn 90% xuất khẩu của Nga. Hoạt động giao hàng của Nga tới hầu hết các nước Đông Nam Á vẫn rất không ổn định và đa phần phụ thuộc vào các hợp đồng lớn riêng rẽ (ví dụ các hợp đồng xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự). Hơn nữa, thậm chí xuất khẩu bình quân trong 5 năm của Nga sang các nước ở lòng chảo Nam Thái Bình Dương (đặc biệt sang Mỹ, Nhật Bản) đang phát triển chậm hơn các khu vực khác. Điều này cho thấy vai trò của Nga với tư cách là một đối tác thương mại với tất cả các nước châu Á-Thái Bình Dương vẫn không đáng kể. Thậm chí tại Trung Quốc, tỷ trọng hàng gửi cụ thể của Nga trong tổng nhập khẩu nước này Nga chỉ là 2%, của Việt Nam là 0,9%, của Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi nước là 0,8%; ở các nước khác thì còn thấp hơn (như so với Belarus gần 3/5, U-crai-na 1/3, Hà Lan 8,6%, Ý 5,7%, Đức 2,7%...).[3]
Các nước châu Á-Thái Bình Dương vẫn không có nhiều ý nghĩa với quan hệ đầu tư của Nga: chỉ khoảng 15% tổng đầu tư trực tiếp, đa phần bởi các công ty đa quốc gia của Nga, đang đổ vào khu vực này. Số lượng đầu tư cụ thể từ châu Á-Thái Bình Dương trong tổng đầu tư trực tiếp vào Nga cũng không hơn bao nhiêu (Mỹ và Nhật Bản có vai trò nổi bật).
Sự phát triển chưa đầy đủ các mối liên hệ kinh tế của Nga với các nước thuộc lòng chảo Thái Bình Dương là rất đặc biệt nếu chúng ta nhìn vào thực tế là APEC (có sự khác biệt so với các nhóm hội nhập như EU hay NAFTA) hầu như chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế. Vì vậy chúng ta cứ tưởng có sự phát triển mạnh các mối liên hệ ở cấp độ công ty. Không phải tình cờ mà Hội đồng tư vấn kinh doanh, trong đó mỗi nước có ba đại diện doanh nhân đang hoạt động như là một phần của APEC. Không may, công việc của những đại diện của Nga trong Hội đồng tư vấn kinh doanh đến nay đa phần mang tính chính thức. Trong khi trong lĩnh vực tập trung của châu Âu (ví dụ khuôn khổ của hội nghị bàn tròn các nhà công nghiệp EU-Nga),[4] các doanh nhân của Nga có thể đưa ra một lập trường chung về những vấn đề chiến lược nhất định để phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại, thì trong lĩnh vực tập trung của châu Á người ta thấy họ không đặc biệt tích cực.
Nhìn chung, các công ty Nga đang bước đầu làm quen với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mặc dù ở thời điểm hiện tại là khá thận trọng. Chắc chắn, cạnh tranh luôn gây ra tổn thất, vì gần như ở tất cả các nước trong khu vực, sức ép là do các thị trường có lực lượng lao động rẻ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng ghi nhận các vấn đề thông tin - hầu hết người Nga vẫn có một ý nghĩ mơ hồ về các cơ hội kinh doanh đang mở ra tại các nước châu Á-Thái Bình Dương, và đây là điều chính yếu, các cách tránh “những tảng đá ngầm” trong việc xây dựng mối quan hệ kinh doanh với các đối tác châu Á. Nhưng về tổng thể, Nga cố gắng để đóng góp thực sự vào sự phát triển kinh tế khu vực, ý thức rõ mình là một phần không thể thiếu của châu Á-Thái Bình Dương. Trong tiến trình này, đất nước Nga không theo đuổi bất cứ lợi thế đơn phương nào cho bản thân, từ đó phát triển quan hệ với các đối tác châu Á trên cơ sở hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Những nhân tố có thể định hình lợi ích và ưu tiên của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương trong thập kỷ tới và sau đó.
Các xu hướng kinh tế chung trên thế giới hứa hẹn tích cực, nhưng sự bất ổn đang tiếp diễn và có thể tồi tệ hơn về chính trị và chính trị-quân sự tại Trung Đông sẽ tác động tiêu cực tới toàn bộ tình hình thế giới. Kịch bản lạc quan nhất thậm chí không phải là giải quyết được các cuộc xung đột hiện tại mà ít nhất là ngăn không cho chúng leo thang.
Năng lượng sẽ vẫn là một nhân tố quan trọng định hình tương lai của thế giới. Nhưng vào nửa sau của thập kỷ tới, vấn đề năng lượng hiện nay chắc hẳn sẽ dần dần không còn nghiêm trọng nữa. Năng lượng sẽ phần nào đó chảy theo hướng các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Vai trò của kỹ thuật điện và đặc biệt những nguồn năng lượng truyền thống đối với Mỹ và châu Âu sẽ bắt đầu giảm đi. Và Nga phải xem xét điều này để không phải đối phó với những rủi ro tương lai do sự quan tâm quá mức tới vai trò của Nga với tư cách là “cường quốc năng lượng” gây ra.
Nhiều nhà phân tích tin rằng hoạt động của Mỹ có thể sẽ suy giảm, bị đe dọa bởi “hội chứng hậu I-rắc”. Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ tới, Mỹ có thể có những bước phục hồi từng phần vị thế quốc tế của mình, mặc dù Mỹ sẽ không thể tự tuyên bố vai trò “siêu cường suy nhất”, điều mà thậm chí trong thời gian trước đây mạnh vẻ bề ngoài nhiều hơn là thực chất và rút cục chỉ là tham vọng có được vai trò như vậy.
Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tiến triển trên con đường chuyển đổi thành một trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới. Các xu hướng tiến tới sự hội nhập “mềm” sẽ tự xuất hiện ở đây và vào giữa thập kỷ này thậm chí có thể bắt đầu thể hiện dưới hình thức các thể chế.
Trong lĩnh vực an ninh, nhiều nhà phân tích Nga tin rằng, mối quan tâm sẽ không đặt vào việc xoá bỏ các cơ cấu chính trị-quân sự hiện tại cũng như không tạo ra “thanh cân bằng” với sự tham gia của Trung Quốc. Ví dụ, khuôn khổ an ninh đa phương mới tại khu vực dựa trên cơ sở cơ chế đàm phán 6 bên giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, sẽ được hình thành. Hành động hoà hợp nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh mới và không mang tính điển hình cũng sẽ được tăng cường.
Trung Quốc có thể duy trì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao từ 9%-9,5%, điều này bảo đảm khu vực Đông Á có đà phát triển cao nhất thế giới. Chúng ta có thể thấy ẩn bên dưới dự báo đó là xu hướng, xuất hiện vào giữa thập kỷ, là các yếu tố gây tăng trưởng sẽ chuyển dịch đến các yếu tố liên quan đến cầu trong nước. Cơ sở của sự chuyển dịch này được định hình bởi quá trình đô thị hoá đối với 700 triệu nông dân Trung Quốc và sự gia tăng lớn về số lượng tầng lớp trung lưu.
Đồng thời, Trung Quốc còn có thể phải đối mặt với những thách thức và rủi ro mà trong những điều kiện nhất định có thể dẫn tới khủng hoảng sâu sắc. Nó có thể do “ngòi nổ” về kinh tế đối ngoại hoặc đối nội và ở mức độ thấp hơn là do “ngòi nổ” về chính sách đối ngoại gây ra. Về ngắn hạn, các lĩnh vực xã hội, tài chính, năng lượng của Trung Quốc sẽ tiếp tục dễ bị tổn thương nhất. Thêm vào đó còn có vấn đề Đài Loan về trung hạn và vấn đề sinh thái về dài hạn.
Tác động của nhân tố Ấn Độ từng bước tăng lên. Nhiều nhà phân tích Nga tin rằng, thậm chí đến năm 2020, New Delhi, sau khi đã củng cố vị trí của mình tại Nam Á, sẽ không thể trở thành một “đối thủ” với các nước lãnh đạo truyền thống tại châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ không thể đóng vai trò đối trọng đối với ảnh hưởng của Trung Quốc và Nhật Bản trong không gian kinh tế và chính trị tại châu Á-Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ tay ba “Nga-Ấn-Trung”, Ấn Độ sẽ cố gắng tập trung phát triển quan hệ ba bên.
Hiện có một số kịch bản dự báo về sự phát triển của thế giới và châu Á-Thái Bình Dương.[5]
Chúng ta cùng xem xét kịch bản bi quan, kịch bản này cho là có khoảng cách về phát triển và xung đột kinh tế và chính trị gay gắt giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước lãnh đạo mới của châu Á trong tăng trưởng kinh tế (Trung Quốc, và ở cấp độ thấp hơn là Ấn Độ). Việc thiết lập các rào cản ở các nước phát triển để đối phó với sự mở rộng hàng loạt các nhà sản xuất châu Á sẽ không chỉ làm chậm lại sự phát triển của toàn thế giới mà còn có thể làm rối loạn nghiêm trọng sự vận hành của nền kinh tế thế giới (các hệ thống thương mại, tỉ giá hối đoái và tài chính). Cả hai phía đều thua thiệt, Nga cũng sẽ thua thiệt dù cố gắng giữ vài trò trung lập.
Trong lĩnh vực an ninh, theo kịch bản như vậy, chế độ cấm phổ biến vũ khí hạt nhân bị xói mòn cùng với sự mở rộng của câu lạc bộ hạt nhân bao gồm nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương công khai các chương trình hạt nhân. Ngoài I-xra-en, Pa-ki-xtan, CHDCND Triều Tiên, không chỉ có I-ran mà còn có các nước khác như Hàn Quốc và Nhật Bản. Hoạt động phổ biến vũ khí sẽ được thúc đẩy bằng một giai đoạn mới trong kỹ thuật năng lượng hạt nhân.
Tại Viễn Đông, trong kịch bản tồi nhất, Trung Quốc sẽ tìm cách giành lại Đài Loan (điều này có thể bị bởi chính Đài Loan gây ra), dẫn tới một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung-Mỹ, Trung-Nhật. Chiều hướng thay đổi của những sự kiện như vậy không phù hợp với lợi ích của Nga, vì điều này kéo theo sự bất ổn đối với toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương với những hệ quả khó dự đoán được.
Nếu những nỗ lực tạo dựng các hệ thống an ninh khu vực tại châu Á-Thái Bình Dương nhằm tăng cường các cơ chế đảm bảo an ninh toàn cầu dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc hiện đại hơn, thất bại vào năm 2020, chúng ta không thể loại trừ cạnh tranh gay gắt giữa các trung tâm quyền lực mới ở khu vực lại quay trở lại. Các trung tâm này sẽ cạnh tranh giành vị trí thống trị đối với các khu vực có tầm quan trọng sống còn với Nga và thậm chí các khu vực nhất định của chính nước Nga (Primorye và Viễn Đông).
Trong tình hình đang nổi lên, Nga không còn sự lựa chọn nào ngoài việc duy trì sức mạnh hạt nhân hùng mạnh trong tương lai gần (ít nhất trong 20-25 năm nữa). Nga sẽ buộc phải đẩy nhanh việc xây dựng các khả năng về khoa học và công nghệ tiên tiến liên quan đến khả năng nghiên cứu quan trọng về phương tiện chiến tranh, phát triển các phương tiện bảo đảm ứng phó có hiệu quả với hệ thống tên lửa đạn đạo của Mỹ, bao gồm cả các phương tiện khác nhằm vượt qua và vô hiệu hoá hệ thống đó.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể xem xét kịch bản hoàn toàn lạc quan.
Nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, duy trì tỉ lệ tăng trưởng trung bình dựa trên sự thay đổi hoàn toàn về kinh tế tại Trung Quốc và Ấn Độ (mỗi nước từ 8-10%). Để hiện thực hoá kịch bản như vậy, đòi hỏi có sự ổn định trên toàn cầu ở các thị trường chủ yếu và lĩnh vực chính trị, sự cải thiện đáng kể về tự do hoá hơn nữa các dòng lợi nhuận cơ bản, dịch vụ và tài nguyên, tiến triển nhanh chóng về công nghệ (bao gồm thông qua sự mở rộng không gian đổi mới công nghệ và các bước đột phá trên nhiều lĩnh vực) cũng như tăng hiệu quả của chính sách kinh tế (kể cả các nước công nghiệp phát triển).
Trong lĩnh vực an ninh, xu hướng nổi trội hướng tới sự ổn định liên tục của tình hình chính trị tại châu Á-Thái Bình Dương. Sự cạnh tranh giữa các “tác nhân” chính trị sẽ không leo thang thành các cuộc xung đột chính trị-quân sự, vì đối kháng sẽ dịu bớt do nhu cầu tương tác về kinh tế, năng lượng, sinh thái học, chống chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa khác (các thiên tai, bệnh dịch như cúm gia cầm…). Bất cứ theo kịch bản nào có thể tưởng tượng ra về sự tồn tại của tình hình, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng trong các cặp quan hệ Bắc Kinh-Washington, Bắc Kinh-Tokyo sẽ tạo ra những giới hạn cho việc làm xấu đi quan hệ chính trị.
Thị phần của các nước châu Á-Thái Bình Dương trong dầu mỏ xuất khẩu của Nga, như dự báo của đại biểu Nga tại Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên Hợp Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), có thể tăng lên từ 3% hiện nay lên 30% vào năm 2020, điều này sẽ là một đóng góp quan trọng của Nga trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng tại châu Á-Thái Bình Dương. Với ngành công nghiệp khí ở chừng mực nào đó, cơ sở cho triển vọng hợp tác sẽ là những dự án trong khuôn khổ của chương trình của Nga về tạo dựng một mạng lưới thống nhất ở Đông Xibêri và Viễn Đông cho hoạt động sản xuất, vận chuyển khí gas và cung cấp khí để xuất khẩu vào các thị trường của các nước châu Á-Thái Bình Dương. ESCAP sẽ trở thành một diễn đàn đối thoại tốt giữa các nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng tại châu Á-Thái Bình Dương vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng và tìm kiếm giải pháp có hiệu quả nhất cho vấn đề năng lượng.
Một dự báo đối với Nga
Nhìn chung, kịch bản đáng tin cậy nhất về sự phát triển kinh tế toàn cầu là cơ hội cho triển vọng của nền kinh tế Nga. Tuy nhiên kịch bản như vậy, không bảo đảm được việc duy trì sự phát triển và độ cao mà còn đầy rủi ro có trọng lượng hơn các cơ hội. Do vậy, đường đi cho sự vận động của Nga trong 10 năm tới sẽ được quyết định bởi khả năng của cả các nhà lãnh đạo chính trị cũng như doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội mở ra.
Sự phát triển các mối quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ với các nước châu Âu, ở khu vực mà phát triển công nghệ trong thập kỷ tới sẽ được ưu tiên, sẽ giúp Nga có được những lợi ích của sự hợp tác quốc tế về công nghệ và sản xuất để tác động tới các nước châu Á, ở khu vực mà Nga sẽ tìm cách giảm sự chi phối của nhân tố năng lượng, giúp Nga thoát khỏi vai trò nhà cung cấp chủ yếu về nguyên liệu thô và tài nguyên năng lượng đối với khu vực này./.
GS. TS. Vitaly Naumkin, Chủ tịch, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính trị Mát-xcơ-va, Nga
Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 2 (73) tháng 6 – 2008,
Học viện Ngoại giao[6]


[1] Bài diễn văn của V. Putin được xuất bản tại website Lenta.ru ngày 2/10/2007, tại địa chỉ http:lenta.ru/articles/2007/asymmetry.
[2] RusEnergy/16.03.2007 (http:rusenergy.com/ politics/a16032007.htm).
[3] Russkii Zhurnal, ngày 09/12/2007. (http:russ.ru/layout/set/print/reakcii/rossijskie_kompanii_ostorozho_osvaivayut_aziatsko_tihookeanskij_region).
[4] Ở đó trong năm 2006-2007, họ đã tập trung các nỗ lực nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị trong quan hệ Nga-EU; triển khai các sáng kiến về điều chỉnh lập trường chính thức đối với sự hình thành không gian kinh tế chung châu Âu…
[5] Ở đây có thể tham chiếu một trong những kịch bản này được đưa ra trong ấn phẩm Mir vokrug Rossii: 2017. Kontury nedakyokogo budshchego (The world around Russia: 2017. Outlines of the near future) (Moscow, 2007).
[6] Tham luận được trình bày tại Hội nghị bàn tròn ISIS lần thứ 22 tại Kuala Lumpur, Ma-lai-xi-a, từ ngày 2-5/6/2008. Việc xuất bản bài viết này trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế đã nhận được sự cho phép của tác giả. Mọi đánh giá, luận điểm trong bài viết đều là của riêng tác giả.