Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

29. Từ biến động chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi

Tìm nguyên nhân cũng chính là rút ra bài học cảnh tỉnh, cảnh giác cho nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Với Việt Nam, bài học sâu xa, căn bản, quan trọng nhất luôn là lấy dân làm gốc. Phải “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc” (Trần Hưng Đạo), bởi “chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân” (Nguyễn Trãi).


Nguyên cớ trực tiếp bắt đầu từ việc cử nhân Mô-ha-mét Bu-a-zi, 26 tuổi ở Tuy-ni-di thất nghiệp, buộc phải đi bán rau quả rong trên vỉa hè Thủ đô. Ngày 17-12-2010, do bị cảnh sát tịch thu gánh hàng rong, quá phẫn uất đã tự thiêu và sau đó chết trong bệnh viện. Lập tức, tia lửa nhanh chóng lan rộng trở thành bão lửa. Nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn liên tiếp nổ ra ở các tỉnh, thành phố khác của Tuy-ni-di. Hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương trong các cuộc trấn áp. Như lửa đổ thêm dầu, các cuộc biểu tình ngày càng nhiều và đông. Trước sức ép của các lực lượng biểu tình, ngày 14-2-2011, Tổng thống Tuy-ni-di B.A-li cùng gia đình trốn chạy khỏi đất nước kết thúc 23 năm cầm quyền. Biến động chính trị dữ dội ở Tuy-ni-di nhanh chóng lan sang nhiều nước khác ở Bắc Phi, Trung Đông. Ở Ai Cập - nước đông dân nhất thế giới A-rập (hơn 80 triệu), nhiều cuộc biểu tình, bạo động chính trị quy mô lớn đòi Tổng thống H.Mu-ba-rắc từ chức. Ngày 11-2-2011, Phó tổng thống Ai Cập Ô.Su-lây-man phát biểu trên truyền hình tuyên bố Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc “quyết định từ chức” kết thúc 32 năm cầm quyền liên tục. Ở An-giê-ri, từ ngày 6 đến 8 tháng 1-2011, biểu tình, bạo loạn cũng bùng phát ở trên 20 tỉnh, thành phố, trên 80 người đã thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Nhiều cuộc biểu tình, bạo động chính trị xảy ra ở các nước khác như Li-bi, Y-ê-men, Xy-ri, Ba-ranh…

Tìm hiểu, người ta thường nghĩ ngay đến nguyên nhân can thiệp từ bên ngoài, đứng đầu là Mỹ. Nguyên nhân này thể hiện rõ nhất khi các nước phương Tây dưới danh nghĩa thực hiện Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thiết lập vùng cấm bay ở Li-bi tiến hành không kích đất nước này và đòi Tổng thống Li-bi “từ chức ngay lập tức”. Cách thức can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp của các nước phương Tây vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền nơi đây khiến người ta liên tưởng đến Đề án Trung Đông Lớn (The Greater Middle East) của Mỹ nhằm thay đổi biên giới của 24 quốc gia, từ Châu Phi, Trung Đông tới Trung Á, làm bàn đạp để Mỹ tiến tới thiết lập quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á-Âu. Đề án Trung Đông Lớn đã từng được nhiều đời Tổng thống Mỹ xây dựng cách đây hơn 30 năm nhằm mục đích trước hết và quan trọng nhất là bảo đảm duy trì nguồn cung cấp dầu mỏ liên tục, thường xuyên cho Mỹ từ khu vực này. Theo dự báo, đến năm 2025, khoảng 2/3 nhu cầu dầu mỏ của Mỹ được đáp ứng từ khu vực Trung Đông. Hiện nay, ở khu vực này đã tập trung các căn cứ quân sự chủ yếu của Mỹ, trong đó có 10 sân bay quân sự lớn nhất và một số căn cứ hải quân phục vụ lực lượng hải quân tiến công của Mỹ. Hơn 200 ngàn quân Mỹ thường trực ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và trên bán đảo A-rập. Hơn nữa, gần đây ở khu vực địa chính trị quan trọng này, vị trí của Mỹ bị lấn lướt bởi Trung Quốc và Nga. Tháng 11-2006, Trung Quốc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi, việc mà Mỹ chưa từng làm được. Điều đó ngăn cản Mỹ trong thực hiện chiến lược năng lượng, khả năng kiểm soát khu vực và tham vọng lãnh đạo thế giới. Biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông là cơ hội vàng để Mỹ có thể dựng lên các chính quyền thân Mỹ có khả năng phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của Mỹ và các nước phương Tây. Chính quyền thân Mỹ, cho dù từng nhiều năm là đồng minh thân cận như chính quyền của nguyên Tổng thống H.Mu-ba-rắc ở Ai Cập nhưng khi không còn tác dụng phục vụ lợi ích của Mỹ cũng lập tức bị Mỹ loại bỏ. Để can thiệp, Mỹ và đồng minh vẫn thực hiện cách thức quen thuộc: Sử dụng các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, YouTube…) kích động cho chuỗi các sự kiện bùng nổ, lan rộng. Tiếp theo các cuộc biểu tình đường phố dần từ  nhỏ đến lớn với những yêu sách chính trị và kinh tế-xã hội, ở một số nơi kết hợp với bạo động để gây áp lực đối với chính quyền sở tại từ bên trong. Đồng thời, bên ngoài gia tăng áp lực với những tuyên bố của các nhân vật trong chính quyền Mỹ và phương Tây ủng hộ lực lượng chống đối, hối thúc chuyển giao quyền lực và đưa ra những khả năng can thiệp quân sự...

Nhưng, nguyên nhân sâu xa, căn bản là các nguyên nhân nội tại, bắt nguồn từ chính thực tế của đất nước và cuộc sống của người dân nơi đây.

1. Thể chế nhà nước khá đặc biệt.
Nhiều quốc gia theo chế độ cộng hòa ra đời từ các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tuy-ni-di và Ai Cập từ giữa thế kỷ XX đã là những nước cộng hòa, các đảng cầm quyền đã mang tên là Đảng Dân chủ (Đảng Dân chủ quốc gia Ai Cập, Tập hợp dân chủ Hiến pháp Tuy-ni-di). Nhưng trên thực tế, sau khi giành được độc lập, hầu hết các nhà lãnh đạo A-rập hiện đại này đều dần trở thành những “tổng thống vua” đứng đầu đất nước suốt đời và đều ở tư thế “truyền ngôi” cho con tựa như chế độ phong kiến. Nguyên Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc giữ vị trí đứng đầu đất nước suốt từ năm 1981, nguyên Tổng thống Tuy-ni-di B.A-li từ năm 1987, Tổng thống Y-ê-men A. Xa-lê cũng tại vị liên tục từ năm 1978 v.v.

Thể chế nhà nước đặc biệt là một nguyên nhân dẫn đến đường lối điều hành đất nước dần bảo thủ, trì trệ, chuyên chế, mở đường cho ai thâu tóm được quyền lực nhà nước thì cũng thâu tóm luôn các nguồn tài nguyên quốc gia, tham nhũng ngày càng nặng nề, kéo dài. Theo điều tra năm 2009 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Chính phủ Ai Cập xếp thứ 111, Y-ê-men xếp thứ 146 trên 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng. Vì lợi ích riêng, họ khó có thể cho dân biết một cách minh bạch, tường tận các vấn đề quan trọng quốc kế, dân sinh và càng khó cho dân tham gia quyết định các chính sách quốc gia. Họ không thể thực hiện dân chủ thực chất, không thể quy tụ, đoàn kết được nhân dân. Điều kiện cá nhân cầm quyền suốt đời dễ dẫn đến lạm dụng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, gia đình trị, “cha truyền con nối”, thu vén những món lợi khổng lồ cho bản thân và gia đình, lối sống đặc quyền, đặc lợi, xa hoa tạo ra những bất công xã hội ngày càng gay gắt, tích tụ đến mức bùng phát không kiểm soát được. Sau thất bại của nguyên Tổng thống Tuy-ni-di và Ai Cập, Tổng thống Y-ê-men A.Xa-lê chấp nhận phương án chuyển giao quyền lực hòa bình và tuyên bố từ chức.

2. Đời sống nhân dân khó khăn.
Cũng giống các nước khác, khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến các nước A-rập. Tuy nhiên, do các nước này phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, nhất là về kinh tế (Ai Cập mỗi năm nhận 1,5 tỉ USD viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ) nên khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nền tài chính, tiền tệ thế giới rơi vào khủng hoảng, các nước này bị tác động sớm và mạnh mẽ nhất. Tình hình kinh tế phát triển chậm, lạm phát tăng, không thể giải quyết vấn đề thất nghiệp, nhất là với thế hệ trẻ. Tình trạng thất nghiệp, đói nghèo, giá cả leo thang, mù chữ, tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa tạo nên mâu thuẫn xã hội gay gắt. Ví dụ, ở Ai Cập, hơn 40% số dân có mức thu nhập 2 USD/ngày, 1/3 số dân mù chữ, năm 2010 giá lương thực, thực phẩm tăng 20%, lạm phát lên đến 13%, thất nghiệp chiếm 25%. Ai Cập từng là một trong những “trụ cột” sản xuất lương thực của thế giới, nay lại trở thành một trong những nước nhập khẩu lớn nhất thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Ai Cập, năm 2010, khoảng 40% tổng sản lượng lương thực thực phẩm, trong đó có 60% bột mỳ - loại lương thực chủ yếu - được nhập khẩu. Giá ngũ cốc leo thang nhanh, riêng giá lúa mỳ đã tăng hơn 50%. Các nước khác trong khu vực tình hình không sáng sủa hơn. Ở Y-ê-men, năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp lên đến hơn 30%…

Chính đời sống khó khăn, thiếu thốn về vật chất, lại bị o ép, thiếu dân chủ, tự do về chính trị đã khiến bất bình của dân ngày càng gia tăng. Khi các đảng phái đối lập, các nhóm Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, được hỗ trợ của bên ngoài, nêu khẩu hiệu “dân chủ”, “chống tham nhũng”, “chống độc quyền, gia đình trị”… vốn là “gót chân Asin” của nhà cầm quyền đã lôi kéo được nhân dân.

3. Mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc không được giải quyết từ gốc.
Điều này có thể thấy rõ nhất ở Li-bi, nơi mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa các bộ tộc sống ở miền Tây (bang Tri-pô-li-a với trung tâm là thủ đô Tri-pô-li) với cư dân ở miền Đông (bang Ki-re-na-it với trung tâm là Ben-ga-di). Mâu thuẫn này đã được Mỹ và các nước đồng minh triệt để lợi dụng, ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông chống lại Tổng thống M.Ca-đa-phi vốn là người sinh ra ở miền Tây.

Biến động chính trị do nhiều nguyên nhân, được tích tụ trong thời gian dài vừa sâu xa vừa trực tiếp, những toan tính lợi ích của các lực lượng chính trị trong mỗi nước và tham vọng cạnh tranh quyền lực, lợi ích giữa các cường quốc trên thế giới khiến cho các mâu thuẫn, xung đột ở Bắc Phi, Trung Đông thêm phức tạp, kéo dài. Khi các tổng thống đã ra đi, liệu tự do, dân chủ, công bằng, no ấm của người dân có được thực hiện? Bởi xoá bỏ một chính phủ và lập mới một chính phủ là hai việc khác nhau. Một chính phủ được bên ngoài hậu thuẫn lập nên vì lợi ích của họ thì chính phủ đó khó có thể hành động độc lập trước hết vì lợi ích của quốc gia, dân tộc mình.

Tìm nguyên nhân cũng chính là rút ra bài học cảnh tỉnh, cảnh giác cho nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Với Việt Nam, bài học sâu xa, căn bản, quan trọng nhất luôn là lấy dân làm gốc. Phải “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc” (Trần Hưng Đạo), bởi “chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân” (Nguyễn Trãi). Khi dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, công bằng, không bức xúc vì tham nhũng, dân sẽ bảo vệ Đảng, Chính phủ. Khi đó, không một thế lực bên ngoài nào dù mạnh và mưu mô quỷ quyệt đến đâu có thể can thiệp, gây rối, lật đổ. “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững, cây mới bền” (Hồ Chí Minh). Bài học không mới nhưng vẫn luôn nóng bỏng tính thời sự trong học và thực hành đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý - lấy dân làm gốc.
Nguyễn Thuý Hoàn
http://www.xaydungdang.org.vn/Home/quoc-te/2011/3679/Tu-bien-dong-chinh-tri-o-Trung-Dong-va-Bac-Phi.aspx