Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

21. Ảnh hưởng của tranh chấp lãnh thổ tới an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Những tranh chấp về lãnh thổ, an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương luôn là tâm điểm chú ý của dư luận khu vực và thế giới. Những tranh chấp không chỉ ảnh hưởng đến an ninh khu vực, mà nó còn tạo ra sự cản trở trong các mối quan hệ song phương giữa các quốc gia. Bài viết đăng trên tạp chí “Kinh tế và Chính trị”, Trung Quốc của tác giả Châu Sa.


Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực xảy ra tranh chấp về phân định lãnh thổ và đường biển nhiều hơn hẳn các khu vực khác trên thế giới với diễn biến phức tạp, đòi hỏi các nước liên quan phải tìm ra biện pháp giải quyết. Trong đó nổi bật với tranh chấp Biển Đông, tranh chấp chủ quyền đảo Điêu Ngư Trung - Nhật, hay vấn đề quyền sở hữu "Bốn đảo phía bắc" Nhật - Nga, tranh chấp quần đảo Dokdo Nhật - Hàn, v.v... ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
1.Tranh chấp lãnh thổ là nguồn gốc của xung đột khu vực Châu Á - Thái Binh Dương
Tranh chấp lãnh thổ là nguồn gốc của xung đột khu vực Châu Á - Thái Binh Dương, là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực này. Paul Huth, nhà nghiên cứu cấp cao của viện nghiên cứu các vấn đề xã hội thuộc đại học Michigan, cũng là một trong những học giả Mỹ nghiên cứu lĩnh vực tranh chấp lãnh thổ quốc tế nói rằng: "khi nghiên cứu nền chính trị quốc tế, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng, tự cổ chí kim, tranh chấp lãnh thổ luôn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến mọi cuộc xung đột. Mặc dù người ta vẫn bàn đến độc lập dân tộc của một quốc gia nào đó đang bị suy giảm, chủ quyền đang đến hồi kết; thế nhưng, nếu bạn biết những ranh giới lãnh thổ nào đang xảy ra tranh chấp thì bạn sẽ biết được cái cốt lõi của điểm nóng ấy ở đâu". Lời của Paul Huth không phải là không có căn cứ, tranh chấp lãnh thổ và an ninh là hai vấn đề có liên quan mật thiết đến nhau. Minh chứng cho điều này có thể kể tới vô số những cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ giữa các nước trong lịch sử, điển hình gần đây nhất là cuộc chiến tranh chấp quần đảo Malvinas giữa Anh và Argentina vào thập niên 80 của thế kỷ 20. Đồng thời, tranh chấp lãnh thổ cũng là nhân tố ảnh hưởng tới an ninh toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tranh chấp Biển Đông được gọi là "cuộc tranh chấp lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu". Từ thập niên 70 của thế kỷ 20, các nước liên quan đều lên tiếng yêu cầu chủ quyền đối với Biển Đông, một số nước còn xây dựng chiến lược quốc phòng mới, đẩy mạnh thiết lập lực lượng hải quân và không quân, thiết chặt kiểm soát quân sự, tăng cường khai thác tài nguyên... Hiện trạng này dẫn đến sự căng thẳng leo thang trong khu vực Biển Đông. Những thập niên 70 và 80, Trung Quốc và Việt Nam đã từng xảy ra hai cuộc xung đột vũ trang đẫm máu trên vùng Biển Đông. Tình hình căng thẳng trên Biển Đông khiến cho toàn khu vực, thậm chí các nước trên thế giới đều tỏ thái độ lo sợ và quan tâm đặc biệt tới an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Biển Đông trở thành "vùng biển nguy hiểm" và là "quả bom công kích lớn" toàn khu vực này.
Ngoài tranh chấp Biển Đông thì tranh chấp chủ quyền đảo Điêu Ngư Trung - Nhật, hay vấn đề về chủ quyền "Bốn đảo phía bắc" Nhật - Nga, tranh chấp quần đảo Dokdo Nhật - Hàn cũng đều là vấn đề quan tâm hàng đầu của dư luận thế giới. Mặc dù khu vực tranh chấp chỉ là những "nốt chấm nhỏ" hiển thị trên bản đồ, nhưng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lại có ý nghĩa vô cùng lớn, nó liên quan đến mối quan hệ chính trị giữa các nước mà mỗi vấn đề đều có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào. Xung đột đảo Điêu Ngư xảy ra triền miên giữa Trung Quốc và Nhật luôn là điểm nóng của toàn thế giới, hay trong cuộc đối kháng và tranh luận ngoại giao kịch liệt giữa Hàn và Nhật về quần đảo Dokdo năm 1996, Hàn Quốc thậm chí đã khiến cho tình hình trở nên căng thẳng hơn khi tổ chức thực hiện cuộc tập trận hải - không quân quy mô tương đối lớn.
Đặc điểm tranh chấp lãnh thổ khu vực Châu Á ngay từ khi bắt đầu hay trong quá trình diễn ra đều bị chi phối bởi nhân tố chính trị. Khi chính trị giữa các nước liên quan rơi vào tình trạng căng thẳng thì biểu hiện đầu tiên cũng là cốt lõi của mọi cuộc xung đột luôn là tranh chấp lãnh thổ. Nếu không có biện pháp giải quyết hợp lý thì điều này chính là mầm mống gây nên tình trạng căng thẳng giữa các nước, thậm chí là xung đột vũ trang. Ngoài ra còn có nhiều đặc điểm tương đồng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là phương hướng nhìn nhận vấn đề hay biện pháp giải quyết một cuộc tranh chấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình giải quyết cho cuộc tranh chấp liên tiếp sau nó, dẫn đến hiện trạng gọi là "phản ứng dây chuyền". Do đó, tranh chấp lãnh thổ còn gọi là căn nguyên xung đột gây ảnh hưởng tới an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
2.Tranh chấp lãnh thổ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới an ninh và mối quan hệ giữa các nước trong khu vực
Việc chọn lựa phương hướng phát triển và biện pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ giữa các nước và nền hòa bình phát triển của toàn khu vực. Phạm vi ảnh hưởng rộng và số lượng lớn các nước có liên quan trong tranh chấp lãnh thổ Châu Á - Thái Bình Dương là đặc điểm khác biệt so với các khu vực khác. Trong phạm vi khu vực có tranh chấp  giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN, giữa các nước ASEAN; hay phạm vi ngoài khu vực giữa Nga và Nhật, Mỹ và toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đều tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi các nước, không chỉ ảnh hưởng tới các nước tham gia mà còn tác động sâu rộng đến hòa bình và an ninh của toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tranh chấp đảo Điêu Ngư là vấn đề nổi cộm trong quan hệ Trung - Nhật, gây căng thẳng trong mối quan hệ hai nước. Tranh chấp Biển Đông là thước đo mức độ căng thẳng hay ôn hòa trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Tranh chấp lãnh thổ cũng chính là nguyên nhân cơ bản mà Nhật và Nga đến nay vẫn chưa có bất kỳ tiếng nói chung hay một văn bản ký kết liên quan nào, và "Bốn đảo phía bắc" biến thành vật cản kìm hãm sự phát triển quan hệ Nhật - Nga. Cũng như vậy, tranh chấp Nhật - Hàn đã đẩy quan hệ hai nước xuống chiều sâu của sự trì trệ.
Các nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, v.v... đều là những thành viên trọng yếu của khu vực này, do đó mối quan hệ giữa các nước có ảnh hưởng quan trọng, quyết định tới sự tồn tại, hòa bình và ổn định của toàn khu vực. Trung Quốc là quốc gia đang trỗi dậy, có tác động ngày càng lớn trong vấn đề của khu vực cũng như của thế giới. Nhật là cường quốc kinh tế đang đầu tư đẩy mạnh sang lĩnh vực chính trị và quân sự. Các nước ASEAN không ngừng phát triển sau chiến tranh lạnh, hoạt động tích cực và phát huy hiệu quả trong nền chính trị, kinh tế, an ninh toàn khu vực. Nếu quan hệ hai nước Trung - Nhật xấu đi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cục diện an ninh khu vực; chất lượng quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định khu vực. Do vậy, nếu các nước đã nêu trên vì mục đích tranh chấp lãnh thổ gây ra mâu thuẫn hoặc xung đột vũ trang sẽ không chỉ phá hoại mối quan hệ phát triển bình thường hóa vốn có, mà còn khiến cho an ninh khu vực rơi vào tình trạng bất ổn định, tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và phát triển của toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
3.Tranh chấp lãnh thổ ảnh hưởng ngầm đến cục diện quan hệ các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là cái nôi của sự giao thoa về lợi ích và sức mạnh của các nước lớn. Bốn nước Trung, Mỹ, Nhật và Nga đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết vấn đề chung của toàn khu vực. Quan hệ giữa các nước này quyết định đến cục diện chính trị của toàn khu vực. Đồng thời, diễn biến tranh chấp lãnh thổ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện quan hệ bốn nước này, thậm chí đến nền an ninh của toàn thế giới.
Thứ nhất, một số tranh chấp lãnh thổ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát sinh từ mối quan hệ giữa nước lớn và nước lớn. Ví dụ như tranh chấp đảo Điêu Ngư Trung - Nhật hay tranh chấp "Bốn đảo phía bắc" Nhật - Nga, phương hướng phát triển và biện pháp giải quyết ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển quan hệ song phương của các nước này. Hay ví dụ như, tranh chấp "Bốn đảo phía bắc" giữa Nhật và Nga trước nay luôn như "cái gậy đặt trong cổ họng" cản trở sự phát triển lâu dài quan hệ Nhật - Nga, nếu không giải quyết được vấn đề này thì việc thiết lập quan hệ song phương mật thiết Nhật - Nga là điều không thể có. Tranh chấp đảo Điêu Ngư Trung - Nhật cũng là cái bóng kìm hãm quan hệ hai nước phát triển. Do đó cần xuất phát từ lợi ích tổng thể trong quan hệ song phương tốt đẹp, từ đó cùng suy ngẫm và tìm ra biện pháp giải quyết.
Thứ hai, một số nước lớn mặc dù không phải là nước có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương song lại có lợi ích thiết yếu trong khu vực tranh chấp này. Diễn biến tranh chấp lãnh thổ toàn khu vực từ đó cũng ảnh hưởng gián tiếp đến quan hệ nước đó và những nước có tranh chấp.
Ngay chính một số vùng tranh chấp trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nền kinh tế và chiến lược phát triển, là đối tượng quan tâm đặc biệt của các nước lớn. Ví dụ như đảo Điêu Ngư có giá trị kinh tế lớn và chiến lược phát triển quan trọng đối với hai nước Trung - Nhật, Biển Đông được gọi là "trái tim của khu vực Đông Nam Á", là "Địa Trung Hải khu vực Châu Á", v.v trong đó nguồn thủy sản và nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, có đường hàng hải thuận tiện và lượng hàng hoá thương mại chuyển qua hàng năm tấp nập, không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh và phát triển của các nước xung quanh Biển Đông mà còn là mối quan tâm đặc biệt về lợi ích của các nước lớn, đặc biệt là các siêu cường quốc.
Mỹ có lợi ích chiến lược chính trị, kinh tế, an ninh, v.v...quan trọng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cũng là khu vực hoạt động của hạm đội Thái Bình Dương Mỹ. Các nước Mỹ, Nhật, Philippines đã ký kết hiệp ước liên minh quân sự, xây dựng căn cứ quân sự tại Okinawa Nhật, đồng thời còn hợp tác quân sự và quốc phòng dưới nhiều hình thức với các nước xung quanh khu vực Biển Đông khác. Nếu tranh chấp Biển Đông leo thang hoặc phát sinh xung đột mới trong tranh chấp Trung - Nhật, thì vấn đề không còn thuộc phạm vi giải quyết giữa Trung Quốc và các nước ASEAN hay giữa Trung Quốc và Nhật nữa. Khi đó, Mỹ cũng có khả năng tham gia và quan hệ Trung - Mỹ không thể không bị ảnh hưởng.
Tiếp nữa, các mối quan hệ song phương như quan hệ Trung - Mỹ, quan hệ Trung - Nhật, quan hệ Nhật - Mỹ, quan hệ Trung - Nga, hay quan hệ Nhật - Nga, v.v... sẽ nắm vai trò quyết định cục diện chính trị và an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Diễn biến trong tranh chấp lãnh thổ khu vực dù ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến bất kỳ mối quan hệ song phương nào cũng đều kéo theo "phản ứng dây chuyền" cho những mối quan hệ khác, từ đó ảnh hưởng đến diễn biến cục diện chính trị và an ninh của toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, các nước này cũng là lực lượng thống trị chủ đạo trên quy mô toàn thế giới nên sự ảnh hưởng không chỉ giới hạn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện thế giới cũng như hòa bình và an ninh thế giới.
Theo Tạp chí Kinh tế và Chính trị
Đinh Thị Thu (dịch)
Thùy Linh (hiệu đính)