Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

28. Khủng hoảng nợ công của châu Âu - bài toán chưa tìm ra lời giải

TCCSĐT - Ngày 16-8-2011, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) và Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) tuyên bố sẽ mang lại cho Khu vực đồng ơ-rô một cơ chế quản lý kinh tế hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lo ngại kết quả cuộc gặp thượng đỉnh được thị trường tài chính thế giới nóng lòng chờ đợi này không đủ để tháo ngòi "quả bom" khủng hoảng nợ công đang treo lơ lửng trên đầu Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ tại Pa-ri (Paris) Pháp, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di và Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken cam kết bảo vệ đồng ơ-rô, nền tảng tạo nên sự hội nhập trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ đề xuất một sắc thuế trong toàn Liên minh châu Âu (EU) đánh vào các giao dịch tài chính và sẽ tìm cách thành lập một hội đồng quản trị kinh tế trong Khu vực đồng ơ-rô, do Chủ tịch thường trực EU Héc-man Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy) đứng đầu. Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước Pháp và Đức không ủng hộ ý tưởng phát hành trái phiếu Khu vực đồng ơ-rô như một giải pháp giảm nhẹ gánh nặng nợ công trong khu vực; đồng thời khẳng định Quỹ cứu trợ ngắn hạn trị giá 440 tỉ ơ-rô (tương đương với 634 tỉ USD) hiện nay, đủ khả năng giải cứu các nền kinh tế thành viên gặp khó khăn về tài chính. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo đề nghị các nước Khu vực đồng ơ-rô tuân thủ tiêu chuẩn tài chính nghiêm ngặt hơn và khu vực này phải thực hiện các biện pháp kiểm soát tài chính chung mới.
Theo Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di, Pháp và Đức đang hướng tới việc tăng cường hội nhập kinh tế trong Khu vực đồng ơ-rô. Vì vậy, tất cả các nước thành viên khu vực cần thông qua các đạo luật cần thiết vào giữa năm 2012 nhằm mở đường để các chính phủ thực hiện các mục tiêu cân bằng ngân sách đã đề ra theo mô hình của Đức, một mô hình vốn được nhiều nước khâm phục. Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di cho biết, vào giữa tháng 9 tới, các bộ trưởng tài chính Đức và Pháp sẽ đưa ra đề xuất chung về sắc thuế mới để các thể chế EU xem xét. Về vấn đề trái phiếu khu vực, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken lập luận, việc phát hành trái phiếu Khu vực đồng ơ-rô tại thời điểm hiện nay không phải là sự lựa chọn hữu ích, còn Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di khẳng định, công cụ này sẽ đẩy các nền kinh tế hùng mạnh hơn ở châu Âu vào cảnh khốn cùng, vì thế có thể chỉ được áp dụng trong giai đoạn cuối của tiến trình hội nhập kinh tế khu vực.
Trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) hoan nghênh cam kết trên của lãnh đạo hai nước Đức - Pháp và cho rằng, các kế hoạch này thể hiện sự đóng góp chính trị quan trọng của 2 nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng ơ-rô thì các chuyên gia kinh tế lại tỏ ra thất vọng khi hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức không xem xét đề xuất phát hành trái phiếu Khu vực đồng ơ-rô và không tăng cường Quỹ cứu trợ ngắn hạn, vốn được xem là không đủ để bảo lãnh vỡ nợ cho một nước có quy mô kinh tế lớn như I-ta-li-a hoặc Tây Ban Nha, hai nước bị đánh giá là những quân bài "đô-mi-nô vỡ nợ công" tiếp theo sau Hy Lạp, Ai-len và Bồ Đào Nha.
Các chuyên gia cho rằng, các kế hoạch cân bằng ngân sách, hoặc thậm chí sắc thuế tài chính mới không đủ để ngăn chặn được nguy cơ khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng ơ-rô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay củng cố hệ thống ngân hàng đang sa sút của EU. Các chuyên gia thừa nhận đề xuất thành lập hội đồng quản trị kinh tế Khu vực đồng ơ-rô là một bước đi trong quá trình hội nhập tài chính mạnh mẽ hơn và mở đường cho việc phát hành trái phiếu Khu vực đồng ơ-rô. Tuy nhiên, họ khẳng định đề xuất này không thể giải quyết được những vấn đề cấp bách trong khu vực.
Trước đó 3 tháng, ngày 9-5-2011, lãnh đạo ba nước Đức, Pháp, Mỹ cũng đã thảo luận tình hình kinh tế châu Âu nhằm bảo đảm thị trường có thể ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực này. Với người đồng cấp Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di, theo thông báo của Nhà Trắng nêu rõ, Tổng thống Ô-ba-ma đã thảo luận với Tổng thống Xác-cô-di như một phần nỗ lực can dự cùng với giới lãnh đạo châu Âu về tình hình kinh tế tại châu lục này. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đưa ra những biện pháp cương quyết nhằm xây dựng lòng tin tại các thị trường. Còn trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken, khi ông tới tham dự lễ phát bằng ở Đại học Hem-tơn (Hampton), bang Vơ-gi-ni-a (Virginia), miền Đông nước Mỹ, hai nhà lãnh đạo cũng đã hối thúc các nước châu Âu "đưa ra các biện pháp cương quyết" nhằm xây dựng lòng tin tại các thị trường. Đây là lần thứ hai trong 3 ngày Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma kêu gọi Thủ tướng Đức Méc-ken đưa ra những biện pháp cương quyết nhằm bảo đảm thị trường có thể ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ.
Năm ngoái, ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều nước châu Âu đang lan rộng và có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng khả năng thanh toán. Tạp chí nghiên cứu quý mới nhất của BIS đã cảnh báo nợ công của 4 nước có vấn đề tài chính tiền tệ đáng lo ngại nhất ở châu Âu là Bồ Đào Nha, Ai-len, Hy Lạp và Tây Ban Nha, với tổng nợ 2,2 nghìn tỉ USD, đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với châu Âu và thế giới. Khoản nợ khổng lồ này cần tới tỉ lệ chiết khấu bảo hiểm ít nhất 30% để 4 nước nói trên có thể có cơ hội thoát khỏi vũng lầy nợ nần này. Nếu tỉ lệ bảo hiểm nợ cao tới 30% dẫn đến vỡ nợ, hệ thống ngân hàng quốc tế sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Với chức năng là trung tâm nghiên cứu kinh tế tiền tệ quốc tế và diễn đàn thúc đẩy thảo luận và phân tích chính sách giữa các ngân hàng trung ương các nước và cộng đồng tài chính quốc tế, BIS được coi là "ngân hàng trung ương" của các ngân hàng trung ương, người phát ngôn của cộng đồng ngân hàng trung ương quốc tế.
Nhà phân tích kinh tế của Tạp chí Sicheres Geld về đầu tư có số lưu hành lớn nhất ở châu Âu, đồng thời cũng là nhà phân tích tiền tệ của tạp chí Mỹ "Tiền tệ và thị trường" ông Clau-xơ Vốt (Claus Vogt) đã đưa ra cảnh báo rằng, nhiều chính phủ châu Âu thừa nhận không có khả năng thanh toán khoản nợ khổng lồ này, trong khi bảo lãnh cũng không cải thiện được tình hình đối với các nước Bồ Đào Nha, Ai-len, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Các nước mạnh hơn về tài chính càng tài trợ nhiều cho các "con nợ" lớn thì chính họ lại càng tự đẩy mình lún nhanh hơn vào khủng hoảng tiền tệ; khủng hoảng nợ công lại càng lan rộng và có nguy cơ kéo thêm nhiều nước vào vòng xoáy này. Trong bối cảnh đó, ngày càng có nhiều nước sẽ phải lựa chọn hoặc chấp nhận vỡ nợ, hoặc chấp nhận lạm phát tăng cao./.

Linh Linh tổng hợp