Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

20. Nước Nga Hậu Putin - Khởi đầu một phương thức lãnh đạo mới.

Trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của Tổng thống D.Medvedev, sự hợp tác giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất nước Nga (Tổng thống D. Medvedev và Thủ tướng, cựu Tổng thống V. Putin) sẽ chứng tỏ một lối tư duy mới của thế hệ lãnh đạo mới của nước Nga đương đại: chức quyền gắn liền với lợi ích của quốc gia, trong đó tính tối thượng thuộc về lợi ích của quốc gia. .."
Từ khóa : Chuyển giao quyền lực, Quan hệ Nga  - Việt

Cuộc bầu cử tổng thống Liên bang Nga ngày 2-3-2008 đã diễn ra tốt đẹp với kết quả là 73% số cử tri Nga bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống D. Medvedev. Với chiến thắng áp đảo này, ông D. Medvedev đã vinh dự trở thành vị tổng thống thứ ba và là vị tổng thống trẻ nhất (43 tuổi) của nước Nga đương đại sau các ông B. Yeltsin với hai nhiệm kỳ tổng thống (1993-1999) và V. Putin cũng với hai nhiệm kỳ (2000-2008). Theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga, ngày 7 tháng 5 năm 2008, ông D. Medvedev sẽ chính thức nhận chức tổng thống từ tay Tổng thống V. Putin. Nếu xét về lô-gích của các sự kiện (vị tổng thống đã hết hạn trao quyền cho vị tổng thống mới), thì điều đó không có gì đáng nói. Nhưng trong trường hợp này, quan hệ giữa hai ông Putin và Medvedev, với tư cách là những nhà lãnh đạo cao nhất nước Nga, có nhiều nét rất đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận rộng rãi không những chỉ ở nước Nga, mà còn trên toàn thế giới. Vậy những nét đặc biệt ấy là gì?
Một là, sự hoán vị các vị trí lãnh đạo tối cao. Trước cuộc bầu cử tổng thống, ông Putin là Tổng thống, còn ông Medvedev, người cùng quê Xanh Pê-téc-bua với ông Putin, là Phó Thủ tướng thứ nhất Chính phủ Liên bang Nga. Trong thành phần Chính phủ Nga còn có một vị Phó Thủ tướng thứ nhất khác, S. Ivanov, nguyên là Bộ trưởng Quốc phòng, đồng thời cũng là người cùng quê với ông Putin. Nếu xét về kinh nghiệm công tác, tuổi đời và ảnh hưởng trong xã hội, không ít dư luận lúc đó dự đoán ông S. Ivanov có nhiều khả năng được chọn làm người kế tục sự nghiệp của ông Putin. Còn về ông D. Medvedev, thậm chí có ý kiến cho rằng ông Medvedev, ngoài việc lãnh đạo tập đoàn Gazprom, còn được phân công phụ trách mảng xã hội (nhà ở, lương hưu, dịch vụ công cộng, dân số…) mà xưa nay thường được coi là lĩnh vực “gai góc”, ít ai thành công, thì lại càng ít khả năng được chuyển giao quyền lực.
Tuy nhiên, trên thực tế, các sự kiện diễn ra lại hoàn toàn ngược lại. Không phải ông S. Ivanov, người có nhiều ảnh hưởng trong xã hội, nhất là trong các lực lượng vũ trang, và cũng không phải ông Zupkov, đương kim Thủ tướng Nga, người mà theo Hiến pháp có nhiều cơ may trở thành tổng thống, được ông Putin lựa chọn. Người được Tổng thống Putin lựa chọn kế nghiệp lại chính là ông Medvedev. Vậy điều gì khiến ông Putin đi đến quyết định này? Ở đây có nhiều lý do, song những lý do chính là hai ông có sự hiểu biết rất tốt về nhau qua quá trình suốt 17 năm công tác cùng nhau trước đây. Đó còn là những ưu việt nhân thân của ông Medvedev, mà nổi trội nhất ông là một luật sư giỏi, điều rất cần thiết cho công tác của một vị tổng thống tương lai. Và cuối cùng là những thành công ban đầu của Medvedev trong lĩnh vực xã hội. Có lẽ việc ông Putin phân công cho ông Medvedev với tư cách là Phó Thủ tướng thứ nhất phụ trách mảng công tác xã hội, mảng công tác khó khăn nhất, đồng thời nhậy cảm nhất, là một thử thách bước đầu đối với vị tổng thống tương lai. Với quyết định này, Tổng thống Putin một mặt, muốn mở rộng phạm vi hoạt động nhà nước của ông Medvedev, mặt khác, “đẩy” ông Medvedev lại gần với quần chúng hơn: một khi công tác trong lĩnh vực xã hội của ông Medvedev thành công, đó là một điều kiện rất quan trọng để ông Medvedev tiến tới chức vụ tổng thống. Đáng chú ý việc ông Putin và Medvedev thỏa thuận hoán vị các vị trí lãnh đạo tối cao: Tổng thống Putin, sau khi hết nhiệm kỳ, từ vị trí của nhân vật số 1 trong nấc thang quyền lực của Liên bang Nga, đồng ý nhận làm Thủ tướng, trở thành nhân vật số 2, trong khi ông Medvedev, từ vị trí Phó Thủ tướng thứ nhất lên làm Tổng thống, nhân vật số 1 trong nấc thang quyền lực. Đây là hiện tượng hy hữu trong lịch sử Nga đương đại. Có thể nói ở “nước cờ” đầu tiên này, cả hai ông đã tính toán kỹ càng và đã thực hiện một cách rất thành công.
Hai là, sự chuyển giao quyền lực một cách tự nguyện, hoà bình. Suốt quá trình từ lúc đề cử D. Medvedev làm ứng cử viên tổng thống, trong chiến dịch vận động bầu cử, đến lúc ông Medvedev đắc cử tổng thống, ông Putin đã luôn bên cạnh ông Medvedev, dùng uy tín của mình để nâng đỡ và đảm bảo thắng lợi cho ông Medvedev. Trong lịch sử nước Nga, hiếm thấy trường hợp nào người lãnh đạo tối cao, cho dù đó là các Sa hoàng xưa kia, hay các nhà lãnh đạo dưới thời Xô-viết, lại trao quyền lực của mình cho người khác một cách tự nguyện đến như vậy. Còn trong lịch sử thế giới, không hiếm trường hợp người lãnh đạo quốc gia còn tìm cách lách luật, sửa cả hiến pháp để tạo cho mình điều kiện gia hạn thêm thời gian nắm quyền lực với nhiều sự giải thích, trong đó ẩn chứa lý do sợ người kế nhiệm “phá hỏng” sự nghiệp mà mình tạo dựng. Đó đã được coi là lối tư duy cũ, đặt mình cao hơn mọi người, coi thường người khác. Hậu quả của lối tư duy này là xuất hiện sự hẫng hụt, thiếu vắng cán bộ có khả năng đảm trách các công việc trọng đại của quốc gia trong trường hợp người lãnh đạo tối cao ra đi đột ngột. Một số nhà quan sát đã cho rằng việc Tổng thống Putin tự nguyện trao quyền lực của mình cho ông D. Medvedev, một mặt, đã đặt dấu ấn như một đặc thù của lãnh đạo nước Nga đương đại. Mặt khác, đó còn là một tấm gương về sự chuyển giao quyền lực hoà bình và là một ví dụ của lối tư duy đích thực mới, không đặt mình đứng trên thiên hạ, tôn trọng người khác, đánh giá cao trí tuệ và có niềm tin vào người khác.
Đáng chú ý, các bước đi, cách thức tiến hành sự chuyển giao quyền lực của Tổng thống Putin đều có sự cân nhắc kỹ càng. Ông không phải chỉ trao quyền lực tự nguyện một cách hình thức rồi phó thác cho người kế nhiệm, coi như mình đã hết trách nhiệm. Ngược lại, ông còn tiếp tục sát cánh cùng người kế nhiệm trong những giai đoạn tiếp theo, giúp đỡ người kế nhiệm hoàn thành nhiệm vụ. Để có điều kiện tiếp tục nằm trong ban Lãnh đạo đất nước vì lợi ích quốc gia, ông Putin  chấp nhận giữ vị trí Thủ tướng. 
Trong dư luận, không ít ý kiến băn khoăn rằng, tại sao ông Putin trong khi vẫn đang được lòng dân, lại không “lách luật” (chẳng hạn có thể tổ chức trưng cầu dân ý như ở đâu đó người ta đã từng làm) để tiếp tục ở lại vị trí tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa? Giả sử ông quyết định ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, ông vẫn có nhiều khả năng thắng cử? Tại sao ông lại chuyển giao quyền lực một cách dễ dàng đến như vậy?
Có hai lý do chính để lý giải sự lựa chọn của ông Putin. Một là, ông Putin muốn nêu một tấm gương tốt về việc đề cao tính tối thượng của luật pháp, nhất là trong bối cảnh ở Nga việc không tuân thủ luật pháp là hiện tượng tương đối phổ biến. Tức là ông muốn thông qua việc này củng cố một bước việc xây dựng nhà nước pháp quyền mà trên thực tế nó mới dừng lại ở mức độ tuyên truyền. Nhận xét về việc ông Putin chuyển giao quyền lực, Tổng thống mới đắc cử D. Medvedev nói: “Ở Nga việc một nhà lãnh đạo đang ở đỉnh cao của uy tín lại chuyển giao quyền lực là điều hiếm thấy. Nhưng Tổng thống Putin ngay từ đầu đã nói rằng ông tôn trọng Hiến pháp và sẽ làm việc hai nhiệm kỳ. Điều này cho thấy ở Nga cuối cùng cũng đã hình thành một truyền thống đầy đủ của việc tôn trọng các thủ tục của Hiến pháp và pháp luật”.[1] Hai là, với việc chuyển giao quyền lực tự nguyện, sẵn sàng chấp nhận một vị trí thấp hơn, về mặt Hiến pháp ông Putin cũng thực hiện một công việc không hề đơn giản: đặt dấu chấm hết cho một lối tư duy thường gặp ở các nhà lãnh đạo Nga trước đây: Thiếu ta lãnh đạo, đất trời sẽ sụp đổ, đồng thời khởi đầu cho một lối tư duy mới, cởi mở và dân chủ hơn, coi trọng giá trị trí tuệ của đồng nghiệp vì mục đích tối thượng là phục vụ lợi ích quốc gia.
Sau thắng lợi giành được tại cuộc bầu cử tổng thống ngày 02/03, sự hợp tác giữa hai ông Putin và Medvedev chuyển sang một giai đoạn mới: Giai đoạn bắt tay vào thực hiện những dự định lớn lao được Tổng thống Putin khởi xướng trước đây, trong đó và trước hết là thực hiện Chiến lược phát triển của Liên bang Nga từ nay đến năm 2020. Trong việc hoạch định chiến lược này chắc chắn có cả sự tham gia tích cực của ông Medvedev với tư cách là Phó Thủ tướng thứ nhất Chính phủ Liên bang Nga.
Trong thời gian vừa qua, khi đề cập tới vấn đề về triển vọng tình hình ở Liên bang Nga, không ít người đặt câu hỏi liệu cặp lãnh đạo Medvedev - Putin có tiếp tục “vai kề vai” trong thời gian tới hay không? Câu hỏi được đặt ra là bởi vì mối quan hệ giữa hai ông có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính chất quyết định đối với chiều hướng phát triển của tình hình Nga trong những năm tới đây. Theo dõi các tuyên bố của ông Putin và Medvedev thấy rằng cả hai ông đã nhiều lần khẳng định rằng sự hợp tác trong công việc giữa hai ông sẽ ngày càng chặt chẽ và tốt hơn. Mới đây nhất, ngày 21/03 ông Medvedev lại khẳng định: “Cặp đôi này (Medvedev-Putin) sẽ chứng minh được tính hiệu quả tuyệt đối của mình”.[2]
Hiện nay, đa số dư luận ở cả trong và ngoài nước Nga đều tin rằng dưới sự lãnh đạo của hai ông, trong thời gian tới đây nước Nga sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới trong nhiêù lĩnh vực mà cụ thể có thể dự đoán như sau:
- Về lĩnh vực chính trị, sự ổn định chính trị sẽ tiếp tục được giữ vững, hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương tiếp tục được củng cố. Đặc biệt tình hình ở Chex-ni-a ngày càng ổn định hơn, bởi vì các nhóm ly khai và khủng bố vũ trang ở Chex-ni-a và ở khu vực miền Nam nước Nga bị trấn áp, không còn cơ hội tái hồi phục nữa. Việc lập lại trật tự ở nước cộng hoà thuộc Liên bang Nga này là điều cực kỳ quan trọng liên quan tới sự sống còn của nước Nga với tư cách là một nhà nước Liên bang. Giả sử như nước cộng hoà này tách khỏi Liên bang Nga thì điều đó sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm khôn lường, châm ngòi nổ cho quá trình tách khỏi Liên bang ở những địa phương khác. Do đó, việc bình ổn tình hình ở Chex-ni-a đã là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ông Putin ngay từ khi ông còn là Thủ tướng Nga (9/1999). Trong phát biểu tổng kết các công việc lớn mà ông đã làm được trong hai nhiệm kỳ tổng thống, ông Putin đặt lên hàng đầu việc lập lại trật tự ở nước cộng hoà Chex-ni-a. Ông nói: “Bằng những nỗ lực không nhỏ, chúng ta đã ngăn chặn không để đất nước tan rã và ngưng được cuộc chiến tranh tại Bắc Cáp-ca-dơ. Chủ nghĩa ly khai đã phải lùi bước, còn chủ nghĩa khủng bố - dẫu cho mối đe dọa này hiện vẫn còn trầm trọng - cũng bị giáng những đòn chí tử. Nước cộng hoà Chex-ni-a đã trở thành chủ thể toàn vẹn trong Liên bang Nga”.[3]
Nhà nước pháp quyền ở Nga tiếp tục được củng cố, dân chủ từng bước được mở rộng. Tuy nhiên, khái niệm dân chủ ở Nga không thể áp dụng theo các tiêu chuẩn của Phương Tây, mà nó phải được thực hiện dựa trên những điều kiện cụ thể về lịch sử, văn hóa, truyền thống của Nga. Ở thời điểm hiện nay, dân chủ ở Nga vẫn cần có sự tham gia, hướng dẫn của nhà nước.
- Về kinh tế, trong những năm tới nước Nga vẫn đang và sẽ giữ được đà tăng trưởng cao. Cơ sở của dự đoán này là những thành tích kinh tế đã đạt được trong nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2007, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững trong những năm tới. Năm 2007, mức tăng trưởng GDP là 8,1%. Đây là chỉ số tăng trưởng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Tổng kết tình hình năm 2007, theo số liệu của các chuyên viên quốc tế, Nga đã vượt qua những nước thành viên “G-8” như I-ta-li-a và Pháp về chỉ tiêu GDP tính theo sức mua, và do đó đã lọt vào nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một trong những cơ sở để dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới là nước Nga có trữ lượng lớn về nguyên nhiên liệu, đặc biệt là dầu khí. Ngoài đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, một khối lượng lớn nguyên liệu và dầu khí được dùng để xuất khẩu. Do giá dầu và khí đốt tăng cao, Nga đã thu được một số lượng ngoại tệ khổng lồ. Tính đến giữa tháng 02/2008, khối lượng dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đạt khoảng 485 tỷ USD, xếp thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng đây là điều kiện cần chứ chưa phải đủ để đưa nền kinh tế Nga hiện với năng suất lao động rất thấp lên một mức mới cao hơn về chất. Để làm được điều này, hướng của Nga là phải tiến hành hiện đại hóa một cách qui mô các cơ sở sản xuất trong tất cả các ngành kinh tế, cần có một chất lượng quản lý xí nghiệp khác về nguyên tắc, thay đổi hầu hết công nghệ hiện nay đang được sử dụng ở Nga, có nghĩa là thay đổi hầu như tất cả cơ sở máy móc và thiết bị. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng hướng quan trọng nhất của nền kinh tế Nga là “phát triển các khu vực kinh tế mới có khả năng cạnh tranh toàn cầu, trước hết trong các ngành công nghệ cao đang là mũi nhọn của “nền kinh tế tri thức”. Đó là công nghệ hàng không vũ trụ, công nghiệp tầu thuỷ, lĩnh vực năng lượng. Đó còn là phát triển công nghệ thông tin, y học và những công nghệ tối tân khác”.[4]
Chủ trương của Lãnh đạo Nga là trên cơ sở đẩy mạnh hiện đại hoá nền công nghiệp nói chung, công nghiệp quốc phòng cũng sẽ được hiện đại hóa. Đây là công việc hết sức quan trọng nhằm sản xuất ra những loại vũ khí hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia.
- Về đối ngoại, sau tám năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, Nga đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trên mặt trận đối ngoại. Mặc dù còn có những phức tạp trong quan hệ với một vài nước SNG trong một số lĩnh vực cụ thể, nhìn chung Nga thường xuyên quan tâm tới việc tăng cường quan hệ với các nước SNG, coi đó là hướng ưu tiên quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Nga. Chính sách này của Nga vẫn sẽ được tiếp tục duy trì trong những năm tới đây.
Trong quan hệ với Mỹ và các nước Phương Tây khác, Nga tiến hành chính sách vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo. Nga cứng rắn trong các vấn đề liên quan tới lợi ích an ninh của Nga và đồng minh của Nga (chẳng hạn Nga phản đối việc Mỹ dự kiến triển khai lắp đặt hệ thống tên lửa chống tên lửa (NMD) ở các nước Balan và Séc, vì cho rằng điều đó sẽ phá vỡ sự cân bằng chiến lược ở châu Âu, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga; hoặc Nga kiên quyết chống lại việc NATO có kế hoạch kết nạp Gru-di-a và đặc biệt là U-crai-na là hai nước cộng hòa trong không gian hậu Xô-viết, có chung đường biên giới với Nga; hay phản đối mạnh mẽ thái độ của Mỹ và Phương Tây ủng hộ nền độc lập của Kosovo gây phương hại tới lợi ích của Xéc-bi-a, đồng minh của Nga…).
Bên cạnh đó, Nga tăng cường các mối quan hệ kinh tế và các mối quan hệ song và đa phương khác với Mỹ và các nước Phương Tây. Do chủ trương hòa nhập với thế giới, hình ảnh của Nga ngày một được cải thiện trên trường quốc tế, nhất là trong cách nhìn của Phương Tây (các nước G-7 kết nạp Nga thành G-8, khu vực So-chi của Nga được chọn làm nơi tổ chức thế vận hội mùa đông của thế giới vào năm 2014…). Đáng chú ý, do Nga tiến hành chính sách đối ngoại cởi mở hơn (cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế) nên trong các năm qua Nga đã thu hút được một lượng đầu tư khá lớn vào nền kinh tế Nga. Đánh giá về ý nghĩa của vấn đề này, mạng trực tuyến inosmi.ru viết: “Có thể xem xét các chỉ tiêu chính quyết định sự ổn định ngày càng vững chắc và có tiềm năng của nền kinh tế Nga. Thứ nhất, đó là sự tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Nga chưa từng thấy - tăng 2,5 lần trong năm 2007. Không phải quốc gia nào trong số 15 nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng có thể tự hào với thành tựu như vậy. Trong vòng 12 tháng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Nga đạt con số gần 100 tỷ đô-la Mỹ, một kỷ lục tuyệt đối trong số các nước có nền kinh tế phát triển. Yếu tố này có ý nghĩa về tâm lý và lịch sử to lớn đối với nền kinh tế Nga”.[5]
Phân tích các phát biểu và hoạt động gần đây của Tổng thống mới đắc cử D. Medvedev thấy rằng cũng giống như Tổng thống Putin, ông vẫn sẽ tiếp tục một mặt, giữ lập trường cứng rắn với Mỹ và Phương Tây trong việc bảo vệ lợi ích của Nga và các nước bạn bè, đồng minh của Nga. Nhưng mặt khác, ông sẽ giữ thái độ ôn hòa, hợp tác với Mỹ và Phương Tây. Về quan hệ với Mỹ, ông cho rằng Nga và Mỹ đang chia sẻ nhiều giá trị chung và không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với nhau. Ông nhấn mạnh: “Mỹ và Nga cần hợp tác với nhau… Đây là điều không thể tránh khỏi”.[6]
Ngoài quan hệ với Mỹ và các nước Phương Tây khác, Nga tăng cường và mở rộng quan hệ với nhiều nước ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Trong đó, ở châu Á-Thái Bình Dương, Nga đặc biệt tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Với Trung Quốc, quan hệ kinh tế-thương mại năm 2007 vượt mức 40 tỷ USD và mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đạt 80 tỷ USD. Thủ tướng Nga Zupkov đánh giá rất cao quan hệ Nga-Trung, coi đó là “mối quan hệ song phương mẫu mực” cho thế kỷ 21.
Triển vọng quan hệ Nga - Việt trong thời gian tới
Quan hệ Nga - Việt cũng đang trên đà phát triển. Lãnh đạo hai nước khẳng định hai nước là đối tác chiến lược của nhau. Mới đây nhất, trong buổi tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Liên bang Nga (9/2007), Tổng thống Putin nói: “Chính sách của Liên bang Nga trong quan hệ với Việt Nam là nhất quán, lợi ích hợp tác với Việt Nam mang tính chất chiến lược và lâu dài”.[7] Tuy nhiên cũng cần phải nhận thấy rằng trong một số năm gần đây quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước, tuy có sự gia tăng nhất định (khoảng gần 1 tỷ USD/năm), song chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị vốn rất tốt đẹp và tiềm năng của hai nước. Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do giới doanh nghiệp của cả hai nước, đặc biệt là của Nga, chưa thực sự coi trọng đúng mức thị trường của nhau. Đáng chú ý là dần dần, giới kinh doanh Nga cũng đã có người nhận thức được tầm quan trọng của thị trường Việt Nam. Ông Vitor Menikov, Phó giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga nói: “Tôi tin rằng hiện nay Việt Nam là đối tác triển vọng nhất đối với chúng ta. Đó là dân tộc hết sức cần cù. Việt Nam cũng rất giầu tài nguyên, khoáng sản quí, quặng kim loại cũng như các tài nguyên thuỷ điện và than đá, tạo điều kiện đảm bảo tự cung cấp đầy đủ nguyên liệu lỏng. Việt Nam có hệ thống chính trị vững vàng và ổn định, yếu tố hết sức quan trọng để tiến hành kinh doanh thành công. Hơn nữa, người Việt Nam có quan hệ thân thiện đối với người Nga. Với những yếu tố trên, các nhà kinh doanh Nga không được để lỡ mất cơ hội quí báu này.”[8]
Tóm lại, việc ông D. Medvedev thắng cử tại cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga ngày 2/3/2008 một phần lớn là do ông nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Tổng thống Putin. Việc chuyển giao quyền lực một cách hoà bình, tự nguyện cũng như việc Tổng thống Putin sẵn sàng nhận chức vụ Thủ tướng sau lễ bàn giao chức tổng thống cho ông D. Medvedev ngày 7/05/2008 sắp tới là một tấm gương về sự tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của nhà lãnh đạo Nga. Trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của Tổng thống D.Medvedev, sự hợp tác giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất nước Nga (Tổng thống D. Medvedev và Thủ tướng, cựu Tổng thống V. Putin) sẽ chứng tỏ một lối tư duy mới của thế hệ lãnh đạo mới của nước Nga đương đại: chức quyền gắn liền với lợi ích của quốc gia, trong đó tính tối thượng thuộc về lợi ích của quốc gia. Nhưng điều này chỉ có thể có được một khi Tổng thống D. Medvedev, trong khi thể hiện sự độc lập trong lãnh đạo với tư cách là Tổng thống, vẫn duy trì sự hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng V. Putin, và quan trọng hơn là tiếp tục trung thành với đường lối của Putin như ông đã từng hứa: “Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải tiếp tục các chính sách đã có hiệu quả trong vòng 8 năm qua. Tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường V. Putin đã vạch ra”.[9] Thực tế ở Nga sẽ kiểm chứng tuyên bố này./.
 Ths. LêThanh Vạn, Học viện Ngoại giao
 Bài đăng trên tạp chí Ngiên cứu Quốc tế số 1 (72), tháng 3 – 2008, Học viện Ngoại giao


[1] D. Medvedev trả lời phỏng vấn Báo Financial Times, ngày 21/03/2008.
[2] Như trên.
[3] Phát biểu của Tổng thống Putin ngày 8/02/2008 “Về chiến lược phát triển nước Nga đến năm 2020”.
[4] Tlđd.
[5] “Nước Nga mới dưới thời Putin”, Tài liệu tham khảo đặc biệt (TTXVN) ngày 11/02/2008.
[6] “Một số ưu tiên của ứng cử viên Tổng thống D. Medvedev. Tham khảo hàng ngày (TTXVN) ngày 17/02/2008.
[7] Tạp chí cộng sản, số 781 (11-2007), tr. 32.
[8] Theo Đài tiếng nói nước Nga (tối 16/02/2008).
[9] Tham khảo đặc biệt (TTXVN) ngày 05/03/2008.