Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

25. Những khó khăn của nền kinh tế Mỹ

17:3' 23/8/2011
Ảnh minh họa - Nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức
TCCSĐT - Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS News xoay quanh chuyến vi hành với chủ đề kinh tế tại ba bang miền Trung Tây nước Mỹ tuần qua đã thừa nhận, nước Mỹ đang trong tình trạng ảm đạm với tỉ lệ thất nghiệp vẫn quá cao, kinh tế tăng trưởng chưa đủ mạnh và nhiều người Mỹ không hài lòng với những kết quả kinh tế mà chính quyền đạt được.

Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy, kinh tế nước này tăng trưởng ở mức 1,3%/năm trong quý II, trong khi tăng trưởng của quý I sau khi được điều chỉnh lại chỉ còn 0,4% so với tính toán ban đầu là 1,9%. Các số liệu này đều thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó của các nhà kinh tế và tạo nên tâm lý ngày càng bi quan về tình hình kinh tế Mỹ. Công bố của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, quy mô của kinh tế Mỹ hiện vẫn nhỏ hơn so với năm 2007, thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Các số liệu được điều chỉnh trong công bố cũng cho thấy mức độ suy thoái sâu hơn trong giai đoạn 2007-2009 và quá trình phục hồi cho đến nay là yếu hơn so với những tính toán trước đây. Báo cáo được đưa ra giữa lúc Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ vẫn tranh cãi về biện pháp để bảo đảm sự ổn định tài chính trong tương lai của nước Mỹ, với các biện pháp được một số nhà kinh tế cho rằng có thể làm chậm thêm tăng trưởng kinh tế, thậm chí đẩy nền kinh tế trở lại suy thoái. Sau khi các số liệu của Bộ Thương mại được công bố, nhiều cơ quan nghiên cứu đã giảm mức dự báo tăng trưởng cả năm của kinh tế Mỹ so với trước đó. Hiện một số chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ như giảm thuế thu nhập đã sắp hết hạn, trong khi chính quyền các bang và địa phương đang cắt giảm mạnh chi tiêu.
Mặc dù thừa nhận những khó khăn của nền kinh tế, song Tổng thống B. Ô-ba-ma bác bỏ những mối lo ngại về nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái kép gây hoang mang cho thị trường toàn cầu, cho dù những yếu tố bên ngoài như “quả bom” nợ công ở châu Âu, sóng thần ở Nhật Bản và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông - Bắc Phi đã và vẫn tác động đến tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Trong bài phát biểu hàng tuần trên đài phát thanh và Internet ngày 20-8-2011, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã khẳng định lại quyết tâm của ông trong việc mở rộng đối tượng áp dụng cắt giảm thuế, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhằm tạo thêm công ăn việc làm trong ngành xây dựng, đồng thời giúp đỡ việc làm đối với các cựu binh từng tham chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh, đây là những vấn đề nhạy cảm cần có sự đồng thuận của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Tuy nhiên, Tổng thống B. Ô-ba-ma chỉ trích những người của Đảng Cộng hòa đã đặt lợi ích chính trị đảng phái lên trên nhu cầu của quốc gia, cản trở kế hoạch của Tổng thống nhằm tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Theo ông B. Ô-ba-ma, rào cản của những vấn đề này chính là sự không đồng thuận của một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa để đưa đất nước tiến lên phía trước. Ông khẳng định đã đến lúc phải thay đổi.
Hiện đang là thời điểm khó khăn đối với ông B. Ô-ba-ma. Số người ủng hộ vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã giảm mạnh sau khi Mỹ bị hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor' s (S&P) hạ bậc tín dụng từ mức AAA xuống AA+. Kết quả một số cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy hơn 50% số dân Mỹ cho rằng, con tàu kinh tế nước này đang đi chệch hướng, tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao (trên 9%) trong khi những vụ tranh cãi chính trị vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc tại Oa-sinh-tơn. Theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận do tổ chức Gallup danh tiếng của Mỹ thực hiện và công bố ngày 17-8, tỉ lệ ủng hộ cách điều hành nền kinh tế của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã giảm xuống còn 26% - mức thấp nhất kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng. Ông cũng vấp phải sự chỉ trích của dân chúng Mỹ đối với cách thức giải quyết thâm hụt ngân sách liên bang, với chỉ 24% số ý kiến tán thành. Trong khi đó, chỉ có 29% số người tham gia khảo sát bày tỏ tin tưởng vào các chính sách tạo việc làm của Tổng thống trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức cao (khoảng 9,6%).
Tuy vậy, cũng theo kết quả của cuộc thăm dò trên, đương kim Tổng thống Mỹ vẫn được lòng công chúng trong các chính sách đối ngoại. Cụ thể, 53% số người được hỏi ủng hộ nỗ lực chống khủng bố của ông B. Ô-ba-ma, 42% chấm điểm cao cho Tổng thống trong cách ông cải thiện quan hệ giữa Mỹ với các nước khác. Ngoài ra, có khoảng 38% số ý kiến đồng tình với ông chủ Nhà Trắng trong các vấn đề về Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, tỉ lệ này đã giảm mạnh so với hồi đầu tháng 5 vừa qua (53%) - thời điểm các lực lượng đặc nhiệm Mỹ thực hiện vụ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen (Osama Bin Laden). Các chuyên gia của Gallup cho rằng, kết quả này phản ánh phần nào phản ứng của người dân Mỹ sau vụ rơi máy bay trực thăng ở miền Đông Áp-ga-ni-xtan đầu tháng, khiến 22 lính đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng. Cuộc khảo sát của Gallup được thực hiện qua điện thoại với 1.008 người tham gia. Kết quả thăm dò mới đây của tổ chức Gallup trong bối cảnh mối lo về nguy cơ suy thoái trở lại của nền kinh tế đầu tàu thế giới ngày càng gia tăng, cộng thêm với việc thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, đang phủ bóng đen lên triển vọng tái đắc cử của Tổng thống B. Ô-ba-ma vào tháng 11-2012.
Hiện nhóm cố vấn và trợ lý đắc lực của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã bắt tay vào chiến dịch phản công phe Cộng hòa đối lập, chuẩn bị cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm tới. Tổng thống B. Ô-ba-ma hứa sẽ công bố chương trình tạo nhiều việc làm và giảm thâm hụt ngân sách trong tháng 9 tới khi Quốc hội làm việc trở lại. Tổng thống kêu gọi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa thông qua việc gia hạn chương trình cắt giảm thuế đối với các khoản lương trả cho người lao động, thành lập quỹ cơ sở hạ tầng để đưa công nhân trở lại làm việc và hỗ trợ việc làm cho các cựu binh trở về từ I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.
Trong một thông tin khác có liên quan, Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu Standard and Poor's (S&P) và những hoạt động của S&P liên quan đến chứng khoán cầm cố trong thời gian trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Hiện vẫn còn chưa rõ Bộ Tư pháp có điều tra hai hãng xếp hạng tín dụng lớn khác là Moody's và Fitch hay không. Theo báo này, cuộc điều tra được bắt đầu trước khi S&P hạ mức xếp hạng "vàng" AAA của Mỹ hồi đầu tháng - động thái đã đẩy thị trường toàn cầu rơi vào hỗn loạn và gây ra cuộc bão lửa chính trị tại Mỹ. Bộ Tư pháp nước này đang tìm hiểu xem có phải những nhà phân tích của S&P muốn hạ thấp mức xếp hạng của những trái phiếu có thế chấp nhất định nhưng đã bị các nhà lãnh đạo ngăn cản do những lo ngại liên quan đến kinh doanh hay không.
Tờ "Thời báo Niu Yoóc" cho rằng, nếu có bằng chứng rõ ràng, vụ việc này có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào danh tiếng về sự độc lập của các nhà phân tích S&P và có thể dẫn đến những khiếu kiện dân sự đòi bồi thường. Trong khi đó, tờ "Thời báo" (Times) dẫn lời một người được phỏng vấn về vấn đề này cho biết, Ủy ban Ngoại hối và chứng khoán (SEC) - cơ quan giám sát tài chính của Mỹ, cũng đang tiến hành điều tra về những sai phạm có thể xảy ra ở S&P. Mặc dù cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ đã được tiến hành hồi đầu năm trước khi vấn đề xếp hạng nợ nóng lên ở Oa-sinh-tơn, nhưng theo những người biết về cuộc điều tra này, các nghị sĩ Mỹ hiện đang điều tra tại sao S&P hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ.
Bên cạnh đó, xung quanh việc Mỹ đổ một lượng tiền kỷ lục mà không có bảo đảm vào nền kinh tế để cứu nước Mỹ khỏi khủng hoảng, các nhà kinh tế Mỹ lo ngại rằng, Oa-sinh-tơn đã tuyên bố "chiến tranh" về đồng đô-la Mỹ. Theo các nhà kinh tế, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hoàn toàn không bị quyền kiểm soát trong in tiền. Năm 1999, để ngăn chặn con rệp máy tính Y2K phá hoại khu vực ngân hàng, FED đã in thêm 73 tỉ USD. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, FED in thêm 40 tỉ USD. Khi Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) phá sản năm 2008 đẩy Mỹ và thế giới vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu, FED in thêm 1,6 nghìn tỉ USD, gấp 22 lần lượng tiền in thêm trong những ngày chống Y2K và 44 lần so với lượng tiền in thêm sau ngày 11-9-2001. FED còn tung vào thị trường thêm 1,7 nghìn tỉ USD trong gói kích thích kinh tế lần 1 năm 2009 và 600 tỉ USD nữa trong gói kích thích kinh tế lần 2 vào mùa thu năm 2010.
Tuy nhiên các nhà kinh tế lưu ý rằng, sau mỗi lần in thêm tiền, mỗi đồng USD lại mất đi một phần giá trị và sức mua của đồng USD càng suy giảm, buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải tiếp tục cho Mỹ vay nợ không chỉ qua mua trái phiếu kho bạc của Mỹ mà cả bằng những đồng USD mà chính họ cũng phải đi vay. Trên tạp chí trực tuyến “Tiền tệ và Thị trường”, nhà nghiên cứu và phân tích kinh tế Mỹ Mai-cơ Lác-xơn (Mike Larson) cảnh báo, Mỹ đang đi những bước giống châu Âu vốn đã làm châu lục này suy thoái kinh tế và phụ thuộc vào Mỹ trước đây. Chính sách tiền tệ hiện nay của FED đã làm cho đồng đô-la Mỹ giảm giá xuống mức thấp nhất trong lịch sử so với đồng phrăng (franc) Thụy Sỹ và đang giảm mạnh so với đồng yên Nhật Bản và đô-la Xin-ga-po./.
Tiến Hoàng tổng hợp