Hệ
thống vũng vịnh ven bờ là một hợp phần của tài nguyên vị thế biển Việt
Nam, có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm
bảo an ninh - quốc phòng, chủ quyền lãnh hải và lợi ích quốc gia trên
biển. Sử dụng hiệu quả tài nguyên này chính là việc tổ chức tốt không
gian và quy hoạch hợp lý phát triển kinh tế.
Tài nguyên vị thế
Tài
nguyên vị thế là những giá trị và lợi ích có được từ vị trí địa lý và
các thuộc tính về cấu trúc, hình thể sơn văn và cảnh quan, sinh thái của
một không gian, có thể sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã
hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Theo
nguồn gốc thì tài nguyên thiên nhiên gồm có ba nhóm cơ bản: Sinh vật,
phi sinh vật và vị thế (không gian). Cộng đồng châu âu (2002) chia tài
nguyên thiên nhiên thành 5 dạng: Tái tạo không tiêu hao; tái tạo có tiêu
hao; không tái tạo - không tiêu hao; không tái tạo - tiêu hao; tài
nguyên không gian (vị thế).
ở Việt Nam, tài nguyên vị thế mang hàm ý rộng hơn tài nguyên không gian (space) và được đánh giá theo 3 tiêu chí. Giá trị về vị thế (địa) tự nhiên
là các lợi ích có được từ vị trí không gian; tổng thể các yếu tố hình
thể và cấu trúc không gian của một khu vực nào đó, tính ổn định của các
quá trình tự nhiên và khả năng ít chịu tác động của thiên tai. Giá trị vị thế (địa) kinh tế
là các lợi ích có được từ các đặc điểm địa lý ảnh hưởng đến tiến trình
phát triển kinh tế của một vùng, một quốc gia, thậm chí một khu vực. Giá
trị địa kinh tế gắn với vai trò đầu mối trong tổ chức lãnh thổ và lãnh hải, từ giao lưu và quan hệ kinh tế, sức hấp dẫn và không gian ảnh hưởng. Giá trị vị thế (địa) chính trị là
lợi ích kết hợp của lợi thế về địa lý tự nhiên và nhân văn, với một bối
cảnh chính trị và kinh tế nhất định. Vị thế tự nhiên có tính ổn định
khá cao, trong khi vị thế kinh tế có tính ổn định tương đối và vị thế
chính trị có tính ổn định thấp, có khả năng tạo cơ hội lớn hoặc thách
thức lớn đối với phát triển kinh tế. Vị thế địa tự nhiên có giá trị tiềm năng, vị thế địa kinh tế có giá trị khả kiến và vị thế địa chính trị là giá trị hỗ trơù. Việc phối hợp và sử dụng phát huy tốt cả ba tiêu chí giá trị này sẽ tạo nên giá trị hiện thực của một thực thể tài nguyên vị thế.
Tài
nguyên vị thế biển là không gian biển và ven bờ, nổi và ngầm, gồm:
Luồng lạch, bến bãi, đất đai ven bờ, bán đảo và hải đảo, bãi cát biển,
thềm đá, hang động... Một vịnh nước sâu và kín, không có tài nguyên
truyền thống phong phú, nhưng có thể sử dụng thành một cảng biển, mang
lại những lợi ích kinh tế to lớn nhờ sử dụng tài nguyên vị thế. Nhiều
quốc gia đảo coi tài nguyên vị thế biển là tiềm năng lớn nhất để phát
triển kinh tế dịch vụ và du lịch, mà thành công nhất là Singapore. Từ một vùng nghèo tách ra khỏi Malaysia
vào những năm 60 của thế kỷ XX, đất nước này đã vươn lên nhờ biết tận
dụng vị thế của một đảo nằm sát eo Mallacca - cửa ngõ nối ấn Độ Dương và
Thái Bình Dương.
Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng ở Đông Nam á, nhờ có lãnh thổ trải dài trên 3.200 km ở rìa tây Biển Đông và một vùng lãnh hải rộng trên 1 triệu km2.
Biển Việt Nam có vị thế quan trọng trong Biển Đông, vùng chuyển tiếp
giữa ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại
hoá đất nước, đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế thị trường dựa
trên nền kinh tế dịch vụ đòi hỏi phải phát huy được tiềm năng to lớn của
vị thế biển. Tài nguyên vị thế biển Việt Nam bao gồm hệ thống thuỷ hệ
hoặc địa hệ với cả ba hợp phần nền đất (hoặc đáy), nước và không khí,
nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia và được phân cấp như sau: Cấp 1- biển Việt Nam; cấp 2- các vùng của biển Việt Nam; cấp 3- các thuỷ hệ - địa hệ nằm trong các vùng biển, tạo thành các hệ thống riêng như hải đảo, đầm phá, cửa sông và vũng vịnh.
Tài nguyên vị thế vũng vịnh ven bờ Việt Nam
Hệ
thống vũng vịnh ven bờ được chia thành 3 cấp: Cấp 1- vịnh biển (Vịnh
Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan); cấp 2 - vịnh ven bờ (Vịnh Hạ Long, Vịnh Đà
Nẵng...); cấp 3 - vũng ven bờ (Vũng Rô, Vũng Xuân Đài...). Các vũng vịnh
ven bờ có độ sâu không quá 30 m, các vũng có diện tích dưới 50 km2 và các vịnh ven bờ có diện tích từ 50 km2 trở lên. Việt Nam có tổng số 48 vũng vịnh ven bờ, tổng diện tích khoảng 4.000 km2,
được phân bố theo 4 vùng địa lý: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và
Nam Bộ, có tiềm năng lớn để phát triển giao thông - cảng, du lịch - dịch
vụ, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và phòng thủ. Các cảng quan trọng như
Cam Ranh, Vân Phong, Đà Nẵng, Cái Lân... nằm trong các vũng vịnh. Nhiều
vịnh có cảnh quan đẹp được xếp vào hàng di sản, kỳ quan thiên nhiên thế
giới, có giá trị lớn cho phát triển du lịch (Vịnh Hạ Long hai lần được
công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Vịnh Nha Trang được bình chọn
vào danh sách 29 vịnh đẹp nhất thế giới).
Vị thế tự nhiên
Vũng
vịnh có mặt trên cả bốn vùng bờ: Ven bờ tây vịnh Bắc Bộ có 19 vũng
vịnh; ven bờ Trung Bộ có 27 vũng vịnh; ven bờ Đông Nam Bộ có 7 vũng vịnh
và ven bờ Tây Nam Bộ có 2 vũng vịnh. Nằm ở tận cùng phía Bắc là Vịnh
Tiên Yên - Hà Cối; phía Nam là Vũng Côn Sơn; phía Tây là Vũng Đầm (Phú
Quốc) và phía Đông là Vũng Rô và Vịnh Vân Phong. Chúng được sử dụng cho
các hoạt động kinh tế - xã hội trên các vùng biển và đất liền, có vai
trò đặc biệt quan trọng đối với vùng biển Đông Bắc, Nam Trung Bộ và biển
Tây Nam Bộ.
Các
yếu tố hình thể và cấu trúc có giá trị vị thế cơ bản của vũng vịnh gồm:
Diện tích mặt nước, tính đẳng thước (tương quan chiều dài và rộng), độ
sâu và đặc biệt là mức độ đóng kín vực nước. Mặt bằng bờ vũng vịnh có ý
nghĩa lớn đối với xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng khai thác không gian.
Các vịnh Bái Tử Long, Tiên Yên - Hà Cối, Hạ Long,
Đà Nẵng và Vân Phong có khá đầy đủ các tiêu chí, đáp ứng sự phát triển
của các tỉnh/thành phố Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hoà.
Vũng
vịnh ven bờ ổn định hơn về hình thể, các quá trình tự nhiên và khả năng
ít bị tác động của thiên tai so với cửa sông và đầm phá. Cảng biển được
xây dựng ở cả vũng vịnh, vùng cửa sông và đầm phá. Nhóm cảng cửa sông
và đầm phá thường bị bồi luồng hay lấp cửa, trong khi sa bồi ở nhóm cảng
vịnh, vấn đề này không lớn. Nhờ tính ổn định về vị thế tự nhiên, suốt
cả ngàn năm từ thời Lý - Trần, Vịnh Bái Tử Long luôn có tầm quan trọng
đặc biệt đối với kinh tế thương mại, hàng hải và phòng thủ. Trong khi
thương cảng Hội An một thời thịnh vượng đã bị suy tàn do bồi lấp Cửa
Đại. Việc phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng và đô thị hoá ở nhiều vũng
vịnh ven bờ cũng thuận lợi do ít bị thiên tai ngập lụt, có khả năng neo
trú, tránh sóng bão, thậm chí tránh sóng thần rất tốt như ở các vịnh
Cam Ranh, Tiên Yên - Hà Cối, Cửa Lục... ở một số vũng vịnh, phải có các
biện pháp xây kè chắn sóng để tăng hiệu quả của cảng biển (Dung Quất,
Chân Mây...) hay tạo lập mặt bằng xây dựng kết cấu hạ tầng ven vịnh (Cửa
Lục, Hạ Long...).
Vị thế địa kinh tế
Vũng
vịnh ven bờ có vai trò hậu cứ, làm tăng vị thế kinh tế của biển. Nhiều
vũng vịnh có tiềm năng lớn để phát triển giao thông - cảng, du lịch và
dịch vụ, nghề cá biển, phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng và đô thị
hóa như Bái Tử Long, Nghi Sơn, Vũng áng, Chân Mây, Dung Quất, Vân Phong,
Vũng Đầm...
Vũng vịnh có vị trí quan trọng đối với tổ chức không gian và phát triển kinh tế địa phương.
Trong 28 tỉnh/thành phố ven biển, thì 16 tỉnh/thành phố có vũng vịnh
như: Khánh Hoà 9; Quảng Ninh 6; Phú Yên 6; Bình Định 5; Quảng Ngãi 4;
Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu 3... Do yêu cầu tổ chức lãnh thổ - lãnh
hải và quy hoạch vùng, do khả năng tạo vùng hấp dẫn và giao lưu với các
vùng trong nước..., nhiều địa phương có vũng vịnh đã phát triển các cảng
bến, tạo đà cho phát triển kinh tế. Thành phố Đà Nẵng phát triển khá
nhanh và năng động gắn với vị thế địa kinh tế của vịnh. Một số tỉnh đang
đẩy mạnh phát triển kinh tế biển dựa vào vũng vịnh như Quảng Ninh,
Khánh Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận... Một số tỉnh khác đang tạo đà phát
triển kinh tế biển gắn với cảng vịnh như Thanh Hoá, Quảng Ngãi và Thừa
Thiên - Huế. Vũng vịnh ven bờ còn là nơi neo trú cho tàu thuyền tránh
bão, giông lốc và gió mùa mạnh. Theo quy hoạch các khu trú tránh bão cho
tàu cá đến năm 2010 (Quyết định số 135/2001/QĐ-TTg), trong số 58 khu,
có 10 khu nằm ở vũng vịnh, trong đó Nam Trung Bộ có 7 khu là Vịnh Đà
Nẵng, Vũng An Hoà, Vũng Rô, Vịnh Xuân Đài, Vịnh Vân Phong, Vịnh Nha
Trang, Vịnh Cam Ranh; Bắc Bộ có 3 khu là Vịnh Tiên Yên, Vịnh Bái Tử Long
và Vũng Cát Bà.
Vũng
vịnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế quy mô
quốc gia và quốc tế. Kinh tế phát triển tạo ra nhu cầu liên kết các địa
phương trong nước và các nước trong khu vực. Nằm kề trục lộ xương sống
của kinh tế khu vực, ở vị trí bản lề giữa biển và đất liền và ở tâm hình
học của Đông Nam á, Việt Nam sẽ phồn thịnh nếu phát huy mạnh mẽ được
thế mạnh của biển và vũng vịnh ven bờ. Vị thế kinh tế của vũng vịnh được
phát huy theo ba hướng: Làm cửa ngõ ra biển của nội địa châu á (Vũng
áng, Vịnh Vân Phong), làm trụ nối cho các tuyến và hành lang kinh tế ven
biển Vịnh Bắc Bộ (Vịnh Bái Tử Long - Hạ Long) và làm cầu nối trên hàng
hải quốc tế (Vũng Côn Sơn và Vũng Đầm).
Theo Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020” (Quyết định số 1353/QĐ-TTg),
trong hệ thống 15 khu kinh tế ven biển có 8 khu gắn kết với vũng vịnh
và 4 khu được tập trung đầu tư liên kết mạnh với bên ngoài liên quan đến
các Vịnh Bái Tử Long, Vũng áng, Vịnh Vân Phong và Vũng Đầm. Khu kinh tế
Vân Đồn tại Vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) được phát triển theo hướng
hội nhập kinh tế khu vực Đông Bắc á, trong sự hợp tác hai hành lang -
một vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Vũng áng (Hà Tĩnh) và Vân
Phong (Khánh Hòa) được xây dựng thành cửa mở hướng ra biển theo hướng
hợp tác hành lang kinh tế Đông - Tây. Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được xây
dựng thành cửa mở hướng ra biển, hội nhập kinh tế khu vực ASEAN. Vũng
Đầm ở phía Nam đảo Phú Quốc có diện tích nhỏ, nhưng sẽ là cửa ngõ mở ra
biển, sát đường hàng hải quốc tế thông thương ấn Độ Dương - Thái Bình
Dương.
Vị thế địa chính trị
Hệ
thống vũng vịnh ven bờ có vai trò trọng yếu đối vị thế địa chính trị
của biển vì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đảm bảo an ninh -
quốc phòng và chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, tạo lập mối quan hệ
giữa các trung tâm chính trị trong nước và với khu vực. Đó chính là tài
nguyên quân sự, được khai thác và sử dụng triệt để trong chiến tranh
chống ngoại xâm. Việc bố trí phòng thủ và lập các phương án tác chiến
phần nhiều dựa vào các yếu tố vị thế của vũng vịnh ven bờ.
Miền
Trung như là một bao lơn hướng ra Biển Đông, được “chạm trổ” bởi nhiều
cửa mở là vũng vịnh, mà một số có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt an
ninh, chính trị như Cam Ranh và Đà Nẵng. Cam Ranh là một căn cứ hải quân
lớn, tàu ngầm có thể ra vào. Từ đây, có thể thực hiện hiệu quả các hoạt
động bảo vệ chủ quyền lãnh hải và kiểm soát một vùng rộng lớn trên Biển
Đông, ở tầm gần nhất từ bờ ra quần đảo Trường Sa. Vịnh Đà Nẵng rất gần
quần đảo Hoàng Sa và là một vị trí chiến lược quan trọng.
Các
vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Tiên Yên - Hà Cối ở phía Bắc có độ nhạy
cảm cao về chính trị, có thể là tiền đồn hoặc là hậu cứ tuỳ từng giai
đoạn lịch sử. Vào thời Lý - Trần, Vân Đồn là một thương cảng thịnh
vượng, một trung tâm kinh tế thương mại giao lưu với thế giới. Cuối thời
nhà Nguyễn, khi vận nước đang suy, nơi đây đầy loạn lạc, giặc giã và
cướp biển. Trong chiến tranh chống Mỹ, đây là một khu hậu cứ hải quân
quan trọng, là một nơi xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày
nay, các vịnh này nằm trên vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, có cơ hội phát
triển kinh tế to lớn, nhưng vẫn giữ vai trò trọng yếu đối với phòng thủ
đất nước trong một thời đại đầy biến động.
Tóm lại, vũng vịnh ven bờ biển Việt Nam
có tiềm năng vị thế hết sức to lớn. Sử dụng hiệu quả tài nguyên này
chính là việc tổ chức tốt không gian và quy hoạch hợp lý phát triển kinh
tế. Việc phát huy tiềm năng tài nguyên vị thế vũng vịnh ven bờ biển sẽ
đáp ứng được nhu cầu lâu dài cho phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng và chủ
quyền, lợi ích quốc gia trên biển; lồng ghép sử dụng hợp lý không gian
biển mà kinh tế cảng, dịch vụ là trọng tâm với bảo vệ môi trường, bảo tồn tự nhiên và phát huy các giá trị văn hoá, khoa học và giáo dục.
http://www.tchdkh.org.vn/tchitiet.asp?code=3272