Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

4. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nhìn lại nửa chặng đường

TCCSĐT- Đến tháng giêng năm nay, ông Ba-rắc Ô-ba-ma đã làm chủ Nhà trắng hai năm - nửa nhiệm kỳ tổng thống. Lãnh đạo nước Mỹ trong hai năm qua, ông đã làm được khá nhiều việc. Thế nhưng, cũng còn rất nhiều vấn đề khó khăn và thách thức, cả trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Nửa nhiệm kỳ còn lại, dù cố gắng đến mấy, có lẽ ông cũng chỉ có thể cải thiện thêm một bước, khó xoay chuyển hoặc đảo ngược tình hình. Đấy là nhận xét chung về nội dung chủ yếu được phản ánh trong Thông điệp Liên bang mà Tổng thống B. Ô-ba-ma đã đọc trước Quốc hội Mỹ tối 25-1 vừa qua.
Giảm chi công và tăng việc làm
Đấy là những nhiệm vụ được Tổng thống B. Ô-ba-ma đặt lên hàng đầu, ngay từ khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Nợ công của nước Mỹ đã lên tới con số gần 14 nghìn tỉ USD. Ông kêu gọi chính quyền tất cả các cấp giảm chi tiêu đến mức tối đa, đồng thời thu hẹp biên chế bộ máy chính quyền. Không phải chỉ Quốc hội và dư luận xã hội Mỹ lo lắng về những khoản nợ khổng lồ, chồng chất hết năm này sang năm khác chưa thanh toán nổi, bản thân ông B. Ô-ba-ma cũng rất đau đầu về tình trạng nợ công. Đây là hậu quả của việc chi tiêu hoang phí, thiếu kế hoạch của những người cầm quyền các thế hệ tiền nhiệm. Ông B. Ô-ba-ma quan tâm cắt giảm nợ công, bởi đây còn là một trong những vấn đề quan trọng đối với Đảng Dân chủ của ông trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Quả nhiên, sự lo lắng ấy giờ đây không phải chỉ còn là một “bóng ma đe dọa”, mà nó đã trở thành “cú đấm ngàn cân” giáng vào Đảng Dân chủ. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tháng 11-2010, Đảng Cộng hòa đối lập đã giành được đa số ghế, kiểm soát Hạ viện; Đảng Dân chủ chỉ còn kiểm soát được Thượng viện. Từ nay, mọi quyết định về những vấn đề to lớn và hệ trọng của đất nước, phải được Quốc hội thông qua, sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, “vấn nạn nợ công” cũng sẽ là một trở ngại rất lớn đối với ông B. Ô-ba-ma trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống nhiệm kỳ 2. Trong Thông điệp Liên bang năm 2011, Tổng thống B. Ô-ba-ma kêu gọi tạm ngừng mọi khoản tăng chi tiêu của Chính phủ, thậm chí giảm bớt tất cả những khoản chi nào có thể giảm, ngoại trừ nhu cầu an ninh trong vòng 5 năm tới.
Lần đầu tiên phải đọc Thông điệp Liên bang trước một quốc hội chia rẽ, Tổng thống B. Ô-ba-ma kêu gọi đảng của mình đoàn kết với Đảng Cộng hòa vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ông tự đặt mình vào vị trí chính trị trung dung, trong khi vẫn bảo vệ các chương trình vốn gắn chặt với nền tảng của Đảng Dân chủ như: phản đối tư nhân hóa chương trình hưu trí trong chính sách an sinh xã hội và bảo vệ kế hoạch cải tổ bảo hiểm y tế. Ông cũng ủng hộ một số ưu tiên của Đảng Cộng hòa, như kêu gọi cắt giảm thuế của các doanh nghiệp, đình chỉ một số chương trình chi tiêu của Chính phủ Liên bang, cải cách hành chính và loại bỏ các dự án nhằm lấy lòng các nghị sĩ Quốc hội. Ông kêu gọi các nghị sĩ của cả hai đảng “cùng tiến về phía trước”. Như một biểu hiện cho tình đoàn kết, các nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã phá vỡ truyền thống, ngồi xen kẽ bên nhau, chứ không ngồi theo sự phân chia khu vực như mọi khi. Tổng thống B. Ô-ba-ma lưu ý rằng, hàng loạt vấn đề và thách thức của nước Mỹ chỉ có thể được giải quyết khi tất cả các đảng vượt ra khỏi khuôn khổ của “chiến tranh đảng phái”. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đã lại tăng lên trong những tuần gần đây và ông B. Ô-ba-ma đang tự đặt mình lên trên chính trị, cho dù cả hai đảng đang cùng tìm cách tạo lợi thế trước cuộc bầu cử vào năm 2012.
Hiện đội quân thất nghiệp ở Mỹ còn rất đông, gần 15 triệu người, chiếm 9,8% số người trong độ tuổi lao động. Điều đó có nghĩa là nhiều gia đình sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Những lao động không bị mất việc sẽ tiếp tục bị cắt giảm giờ làm, làm thay đổi đáng kể cuộc sống của những người chỉ sống bằng đồng lương. Tổng thống B. Ô-ba-ma cho rằng có tới 60% những người vừa ra nhập đội quân thất nghiệp đến từ các doanh nghiệp nhỏ; điều này cho thấy những doanh nghiệp nhỏ đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp của Chính phủ. Ông nói: “Đây đều là những doanh nghiệp thường tạo ra nhiều cơ hội công ăn việc làm tại Mỹ. Nếu chúng ta muốn nhanh chóng tạo ra nhiều việc làm hơn nữa thì chúng ta phải giúp đỡ họ”. Luật về việc làm của Mỹ, trong đó bao gồm Quỹ Việc làm với 30 tỉ USD, sẽ bãi bỏ thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp nhỏ giảm nhiều chi phí hơn, và yêu cầu các ngân hàng khu vực tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nhỏ vay vốn. Tổng thống B. Ô-ba-ma cho rằng bộ luật này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ nhận được những khoản vay và nguồn vốn cần thiết khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tăng thêm nhân viên. Ông cũng phê phán phái Cộng hòa vì những mục đích chính trị mà đã ngăn cản việc thực hiện bộ luật này.
Tuy vậy, cũng có những lý do để người Mỹ lạc quan. Các nhà quan sát cho biết, hoạt động sản xuất ở Mỹ đang được cải thiện. Nhà Trắng và Quốc hội dường như đã sẵn sàng hợp tác sau hai năm kình địch gay gắt. Ông Rô-be Giôn-xơn (Robert Johnson), Phó Giám đốc phụ trách bộ phận phân tích kinh tế của cơ quan nghiên cứu độc lập “Morningstar” cho rằng, khi kinh tế tăng trưởng, việc làm cũng sẽ tăng theo và nền kinh tế có thể tạo thêm 200 - 300 nghìn chỗ việc làm mỗi tháng. Như vậy, đến cuối năm 2011 sẽ tạo thêm được 2,4-3,6 triệu chỗ việc làm mới. Theo ông, mặc dù đây chỉ là một con số nhỏ so với số việc làm cần thiết để đưa tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức trước suy thoái, song nó vẫn là một tin vui. Ông cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng dự kiến của năm nay chắc chắn sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Theo ông, khi GDP chỉ tăng trưởng ở mức dưới 2% (như năm 2010), thì các chủ doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách bòn rút sức làm việc của người lao động, nhưng khi GDP tăng từ 3 đến 4 %, họ sẽ tiếp tục tuyển thêm người.
Về nền kinh tế nói chung, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự đoán trong thời gian ngắn sắp tới, nền kinh tế sẽ lấy lại được đà tăng trưởng; năm 2011 GDP sẽ tăng trưởng ở mức 3-3,6%, cao hơn năm 2010 khoảng 1%. Nhiều nhà kinh tế Mỹ cho rằng các mức lương sẽ vẫn được giữ nguyên trong năm 2011, hoặc nếu có tăng cũng chỉ ở mức 2,5-3%. Tuy nhiên, điều người ta lo lắng là liệu lạm phát và giá cả hàng hóa tăng như xăng dầu có ngốn hết các khoản tiền lương được tăng thêm đó không. Trên thực tế, các ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs dự đoán giá dầu giao sau sẽ lên tới 100 USD/thùng vào khoảng giữa năm 2011. Các nhà kinh tế cho rằng nếu giá dầu vượt qua ngưỡng đó sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế. Giá xăng ở Mỹ đã tăng 17% trong năm qua, khiến các nhà kinh tế lo ngại về ảnh hưởng của nó. Theo các nhà kinh tế, điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải tiết kiệm hơn trong việc đi lại, khiến hoạt động mua sắm hàng hóa giảm và vì vậy có thể làm tổn hại đến nền kinh tế vừa bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng.
Chính sách đối ngoại
Chính sách đối ngoại hiếm khi là chủ đề chính trong Thông điệp Liên bang, nhưng năm nay, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã không thể né tránh ít nhất 5 vấn đề lớn:
1. Cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan: Cuộc chiến do Mỹ cầm đầu chống lại An Kê-đa và Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan đã bước sang năm thứ 10 liên tiếp. Đây là vấn đề đối ngoại thu hút sự quan tâm nhiều nhất của người dân Mỹ. Ông B. Ô-ba-ma từng cam kết bắt đầu rút một phần trong tổng số 97.000 binh lính Mỹ đang đóng tại Áp-ga-ni-xtan vào tháng 7 tới. Cho dù hoạt động rút quân Mỹ được thực hiện một cách chiếu lệ hay thực sự, hầu như không ai nghi ngờ rằng một số lượng lính Mỹ đáng kể sẽ ở lại đất nước Trung Á này đến hết năm 2014 với vai trò hỗ trợ và có khi còn kéo dài thêm nhiều năm sau đó.
2. Vấn đề hạt nhân I-ran: Cùng với các cường quốc khác, Mỹ đã mất nhiều năm tìm cách thuyết phục I-ran từ bỏ nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của một chương trình năng lượng nguyên tử dân sự. Nhóm P5 +1, gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức, đã gặp các quan chức của I-ran tại I-xtan-bun, Thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, trong hai ngày 21 và 22-1 vừa qua, song các cuộc đàm phán đã kết thúc mà không đạt được tiến triển nào. Các quan chức Mỹ cho biết, điều mà họ muốn đạt được ở I-xtan-bun là một cam kết nào đó về tiến trình đàm phán với I-ran để hai phía tiếp tục gặp gỡ, với hy vọng rốt cuộc sẽ có một thỏa thuận được ký kết. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã kết thúc mà không có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy các bên sẽ nhóm họp trở lại, cho dù một phụ tá của Trưởng đoàn đàm phán của I-ran nói với phóng viên hãng Reuters rằng, sẽ diễn ra một vòng thảo luận khác, mặc dù thời gian và địa điểm vẫn chưa được ấn định.
3. Vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên: Xem ra Mỹ đang thiên về việc nối lại các cuộc đàm phán “giải giáp đổi viện trợ” với Bắc Triều Tiên, nước đã hai lần thử hạt nhân và trong năm qua đã có thái độ “cứng rắn” hơn đối với Hàn Quốc. Mỹ đã nêu rõ mong muốn hai miền Triều Tiên thiết lập lại quan hệ hữu nghị trước khi các cuộc đàm phán sáu bên về “giải giáp đổi viện trợ” được tái khởi động. Nếu các cuộc đàm phán sáu bên về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, gồm Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ được nối lại, sau hơn một năm gián đoạn, ông B. Ô-ba-ma hy vọng sẽ thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, một mục tiêu rất khó đạt được.
4. Quan hệ với Trung Quốc: Ông B. Ô-ba-ma đề cập khá kỹ đến các mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, nhưng không tạo ra được sự hấp dẫn mới mẻ nào, một tuần sau khi có các cuộc hội đàm quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Oa-sinh-tơn. Trong chuyến thăm này, ông B. Ô-ba-ma đã thúc giục ông Hồ Cầm Đào nâng giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và phát đi một thông điệp mạnh mẽ về những quan ngại của Mỹ đối với vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.
5. Vấn đề hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin: Ngay từ khi bắt đầu nhậm chức tổng thống, ông B. Ô-ba-ma đã nói rõ rằng việc thúc đẩy hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin sẽ là ưu tiên hàng đầu của Mỹ sau nhiều năm vấn đề này bị người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống G. Bu-sơ, ít quan tâm. Tuy nhiên, sau nửa nhiệm kỳ, ông B. Ô-ba-ma hầu như cũng không thể hiện được nỗ lực của mình. Tháng 9-2010, Tổng thống Mỹ đã khởi xướng cuộc hòa đàm trực tiếp giữa I-xra-en và người Pa-le-xtin và nói rằng, ông hy vọng phác thảo được một hiệp định hòa bình trong vòng một năm tới. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã sụp đổ trong vòng vài tuần, sau khi quyết định tạm ngừng một phần việc xây dựng khu định cư của I-xra-en hết hiệu lực và người Pa-le-xtin rút khỏi các cuộc đàm phán. Mỹ đã không thể thuyết phục Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu.
Những thành công và thất bại trên lĩnh vực đối ngoại
Trong hai năm lãnh đạo nước Mỹ, trên lĩnh vực đối ngoại, ông B. Ô-ba-ma đã giành được một số thành công:
Thứ nhất, ông đã làm thay đổi màu sắc của chính sách đối ngoại Mỹ. Bằng việc ông đắc cử, cũng như những bài phát biểu ngay từ đầu của ông, đã làm cho nhiều giới lãnh đạo và người dân một số nước trên thế giới có thiện cảm hơn với nước Mỹ. Sự thay đổi đó đương nhiên có lợi cho nước Mỹ.
Thứ hai, ông đã giữ lời hứa giảm quân ở I-rắc. Hiện Lầu năm góc đang thực hiện đúng lộ trình rút hết quân khỏi I-rắc vào cuối năm 2011.
Thứ ba, Tổng thống B. Ô-ba-ma đạt được sự ủng hộ của các cường quốc khác về các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với I-ran. Các lệnh trừng phạt này đã tác động lên nền kinh tế I-ran mạnh hơn nhiều so với người ta mong đợi. Ông B. Ô-ba-ma cũng đã đạt được việc kéo dài các lệnh trừng phạt I-ran một phần nhờ vào sự thay đổi phương hướng của cuộc thảo luận, để nó không còn là những sai lầm của Mỹ, mà là thái độ của I-ran.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề Tổng thống B. Ô-ba-ma chưa thể thành công:
Một là, Tổng thống B. Ô-ba-ma và chính quyền của ông có lẽ đã quá chú tâm và đặt nhiều hy vọng vào các mối quan hệ với người Trung Quốc. Họ rất lo lắng về Bắc Kinh. Họ hy vọng Bắc Kinh sẽ đáp trả tương tự. Điều đó đã không xảy ra và điều mà người ta chứng kiến trong khoảng sáu tháng gần đây là sự điều chỉnh hướng đi của Nhà trắng đối với Trung Nam Hải.
Hai là, Nhà trắng đã vận hành kém cỏi tiến trình hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Yêu cầu chấm dứt hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư mới ở bờ Tây là một bước đi quá xa. Tháng 11-2010, Oa-sinh-tơn đã nhận ra sai lầm đó, thừa nhận thất bại và hiện đang nỗ lực thay đổi chiến lược.
Ba là, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã can dự sâu hơn vào Áp-ga-ni-xtan. Việc tăng quân đã mang lại một số thành công về quân sự, nhưng đúng như bản tổng kết chiến lược gần đây chỉ ra, đó là một bước tiến mong manh và mạo hiểm. Nhà trắng đáng lẽ phải quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề về cuộc sống và an ninh của người dân nước này, thì họ lại chỉ chú trọng tới những khía cạnh quân sự. Chính vì thế, mặc dù đã 10 năm tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan, nhưng quân Mỹ và các nước NATO dù có đồn trú ở nơi nào trên đất nước Trung Á này vẫn đang phải chịu rủi ro lớn. Hơn thế nữa, Mỹ càng đổ thêm người và của vào Áp-ga-ni-xtan, thì họ vẫn không thể tìm được người đủ tầm để chuyển giao quyền lực.
Bốn là, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã không coi thương mại là một vấn đề. Điều đó đã khiến Mỹ bị tụt xa hơn trong các quan hệ thương mại, đặc biệt là tại Đông Á. Thương mại là vấn đề mà chính quyền sẽ thúc đẩy trong năm 2011, nhưng rõ ràng là Tổng thống B. Ô-ba-ma chưa xây dựng được cơ sở chính trị để thúc đẩy thương mại.
Năm là, thất bại lâu dài và quan trọng nhất chính là trong việc lập lại ổn định về tài chính cho nước Mỹ. Kinh tế Mỹ và sự thịnh vượng về tài chính của Mỹ là đặc biệt quan trọng đối với quyền lực của Mỹ trên khắp thế giới. Rất khó có thể duy trì vai trò của cường quốc toàn cầu khi bản thân mình đang phải vật lộn về kinh tế. Cho đến hiện nay ông B. Ô-ba-ma vẫn chưa thực sự giải quyết được vấn đề đó.
Đương nhiên, ông B. Ô-ba-ma cũng còn có những thành công và thất bại khác, song những vấn đề nêu trên có thể coi là những cột mốc, là những dấu ấn trong nửa nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông./.
Phi Uyển