14:46' 23/8/2011
Những gì mới xảy
ra ở nước Anh không phải sự khởi đầu, nhưng lại rất đặc trưng cho hậu quả và hệ
lụy của các vấn đề xã hội ở nhiều quốc gia châu Âu. Đó trước hết là những biểu
lộ đầu tiên của cuộc xung khắc về thế hệ trong xã hội. Thế hệ nổi loạn tự đặt
tên cho mình khác nhau hay được gọi tên khác nhau, chẳng hạn như giới trí thức
trẻ ở Bồ Đào Nha được đào tạo chính quy nhưng lại cảm nhận bị giới chính trị loại
ra ngoài rìa nên tự gọi là "thế hệ trong khó khăn", thanh niên ở Pháp
tuy đã trưởng thành nhưng vẫn phải sống cùng bố mẹ, vì không có đủ tiền để sống
tự lập nên đặt tên cho mình là "thế hệ thanh niên vị thành niên", hay
như những người bất bình với chính sách của chính phủ ở Tây Ban Nha đều mang
chung cái tên "những người phẫn nộ"...
Ở những quốc
gia đó hay ở Hy Lạp và mới rồi ở Anh, thế hệ trẻ cảm nhận không có hy vọng về
tương lai, bị bỏ rơi trong sự phát triển chung của đất nước, bị phó mặc với những
khó khăn trong cuộc sống. Tâm trạng chung của họ là bế tắc, không còn lòng tin
rằng giới chính trị và nhà nước có khả năng giải quyết nổi những vấn đề khó khăn và
cấp thiết của đất nước cũng như đáp ứng thỏa đáng những mối quan tâm và ưu tiên
đặc thù của giới trẻ trong thế giới hiện đại.
Tâm
trạng ấy
và sự thể hiện thái độ ấy của họ không có gì khó hiểu khi họ không có
công ăn
việc làm và không có điều kiện tự gây dựng tương lai. Theo số liệu thống
kê
chính thức, hơn một phần tư số thanh niên dưới tuổi 25 ở Ai-len
(Ireland) và I-ta-li-a
không có công ăn việc làm, gần một nửa số thanh niên ở Tây Ban Nha bị
thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp tháng 3 vừa qua cũng là 38,5%,
còn tại Anh, tỷ
lệ này hiện tại tăng 40% so với thời điểm trước khủng hoảng.
Rõ ràng là
trong nội bộ xã hội đã ủ mầm từ lâu những căn bệnh mà chỉ chờ khi tình hình
kinh tế - xã hội khó khăn, chính phủ phải thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng
để tránh nguy cơ nhà nước vỡ nợ, những bất công trong chính sách thuế và phúc lợi
xã hội bộc lộ rõ, khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội ngày càng doãng
ra là bùng phát. Thêm vào đó là sự sa sút về đạo đức và giá trị truyền thống.
Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) đã “đại ngôn” nhưng có lẽ không
sai mấy khi cho rằng, xã hội đã bị bệnh và rạn vỡ, đã hình thành trong xã hội một
kiểu văn hóa lười biếng, vô trách nhiệm và ích kỷ. Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn
công nhận rằng, giới chính trị phải chịu trách nhiệm về việc để xã hội sa vào
tình trạng "trẻ con không có cha, hưởng thụ không cần phải cố gắng, tội lỗi
không bị trừng phạt, quyền lợi không đi cùng trách nhiệm, trường học không có kỷ
cương". Cũng cần phải nói thêm ở đây rằng, bạo lực hỗn loạn vốn đã trở
thành gần như truyền thống ở nước Anh từ nhiều thế kỷ nay, tuy động cơ mục đích
và diện người tham gia có khác nhau, nhưng cách thức tiến hành và mức độ bạo lực
hỗn loạn đều giống nhau.
Hiện nay, không
chỉ có riêng Anh mà các quốc gia ở châu Âu cũng đang rất sợ sự nổi loạn của thế
hệ trẻ sẽ trở thành làn sóng. Chính phủ Anh mạnh tay trấn áp cũng vì thế, nhưng
nếu chỉ xử lý hiện tượng mà không giải quyết tận gốc vấn đề, không nhằm vào bản
chất của sự việc, không hành động nhanh chóng và triệt để thì các quốc gia châu
Âu sẽ còn phải trả giá đắt hơn về mọi phương diện./.