Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

36. Thấy gì qua sự điều chỉnh chiến lược biển của các nước lớn



Thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương. Phần lớn các quốc gia đều hướng ra biển khai thác tiềm năng thế mạnh của biển. Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa trải qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhất là giá cả dầu mỏ, năng lượng, lương thực tăng cao bất thường càng làm cho cho các nước đặc biệt quan tâm đến vai trò của biển và đại dương.

Trong bài viết này chỉ xin đề cập vấn đề Thấy gì qua sự điều chỉnh chiến lược biển của các nước lớn với 4 nội dung chủ yếu sau:
1. Những đánh giá mới về vị trí, vai trò của biển và đại dương


Các nhà hoạch định chiến lược của các nước lớn đều cho rằng nền kinh tế thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào biển và đại dương, 75% tiềm năng công nghiệp của thế giới nằm ở khu vực rộng 500km tính từ bờ biển. Những nguồn lợi về khoáng sản, sinh học và năng lượng của biển và đại dương có một ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và hoạt động sống còn của cả hành tinh. Chỉ tính riêng trong thềm lục địa phía Bắc và Viễn Đông bao quanh Nga đã có diện tích 3,9 triệu km2, theo kết quả thăm dò địa chấn thì có khoảng 13,7 tỷ tấn dầu và 52,3 nghìn tỷ m3 khí.


Hiện nay đội tàu vận tải biển của thế giới có tổng trọng tải lên đến hơn 1 tỷ tấn, mỗi năm vận chuyển hàng hóa với tổng giá trị lên đến hơn 40 tỷ USD. Dân số và tiềm năng kinh tế của hành tinh phần lớn đều nằm tập trung dọc theo bờ biển, 25% trong vùng 50km, 50% trong khu vực 100km và đến 75% ở những khu vực 500km. Do đó, nền văn minh của nhân loại trong tương lai gần hoàn toàn có thể gọi là “nền văn minh duyên hải”. Theo kết luận của một số nhà nghiên cứu thì biển, đại dương và mối quan hệ chiến lược quân sự đều có tầm quan trọng. Nó được xác định bằng việc tập trung phần lớn tiềm năng chiến lược hạt nhân tại vùng biển và khả năng gây sức ép chính trị tại bất kỳ khu vực nào trên thế giới, nó cũng có thể được sử dụng có ích trong việc củng cố khả năng phòng thủ của những cường quốc lớn về biển.


- Trung Quốc là một trong những nước lớn cho rằng họ có gần 3 triệu km2 diện tích biển trực thuộc. Đây là không gian quan trọng để phát triển lâu dài của dân tộc Trung Hoa. Trung Quốc rất coi trọng việc khai thác biển nên đã xây dựng và cho ra đời một loạt đạo luật về quản lý và khai thác biển. Kinh tế biển của Trung Quốc phát triển với tốc độ khá nhanh, năm 2005 chiếm khoảng 4% GDP, dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ còn lớn hơn. 


- Biển đã mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho Mỹ, theo thống kê năm 2000 biển đã đóng góp hơn 117 tỷ USD và tạo ra hơn 2 triệu việc làm. Hàng năm, các cảng biển của Mỹ thu được hơn 700 tỷ USD từ dịch vụ vận tải hàng hóa và 12 tỷ USD từ vận tải hành khách. Các dịch vụ này tạo ra hơn 13 triệu việc làm. Hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi mở rộng tới các vùng nước sâu, hàng năm tạo ra 25 đến 40 tỷ USD lợi tức thu được và tiền cho thuê mỏ đóng góp khoảng 5 tỷ USD vào ngân sách Liên Bang.


- Đối với nước Nga, biển có vai trò cực kỳ quan trọng. Biên giới biển của Nga dài 38.800 km (biên giới đất liền chỉ là 14.500 km); vùng lãnh hải 4,2 triệu km2, trong đó 3,9 triệu km2 có tiềm năng khoáng sản lớn. Nga cho rằng, các hạm đội hiện đại được trang bị máy bay và hệ thống tên lửa tầm xa mới, có khả năng kiểm soát được tình hình đại dương và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quân sự và ổn định chính trị toàn cầu.

Vì thế các nhà nghiên cứu đã dự báo rằng đại dương là một lĩnh vực đầy hứa hẹn đối với các hoạt động kinh tế và là nhân tố quan trọng nhất trong lĩnh vực địa chính trị, nên sẽ trở thành địa bàn cạnh tranh khốc liệt để phân chia phạm vi ảnh hưởng trong tương lai.

2. Quan điểm mới về khai thác biển và đại dương

Những năm gần đây đa số các nước lớn đều quan tâm và nhấn mạnh đến đại dương như một phần lợi ích của họ, vì đại dương, nhất là những vùng biển sâu vẫn còn ẩn dấu nhiều tài nguyên khoáng sản mà con người cho đến nay vẫn còn chưa biết đến. 


- Trung Quốc xác định quan điểm “phát triển khoa học, xuất phát từ nhu cầu chiến lược quốc gia, thích ứng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020, xoay quanh 4 trọng điểm: hiện đại hóa sản nghiệp biển; xây dựng quy hoạch khai thác biển; đẩy mạnh khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái biển; khai thác, phát triển biển toàn diện hài hòa. Và tuân thủ 5 nguyên tắc cơ bản: bảo vệ quyền lợi biển; quy hoạch tổng thể và phát triển hài hòa; phát triển bền vững; lấy khoa học kỹ thuật đi trước để chỉ đạo; tích cực tham gia khai thác biển quốc tế.


- Mỹ cũng cho rằng, trong tương lai các đại dương, các bờ biển và vùng Hồ lớn phải sạch, an toàn, thịnh vượng và được quản lý một cách bền vững. Phải có kế hoạch sử dụng tốt hơn, hạn chế tác động của thời tiết xấu và các thảm họa thiên nhiên, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản. Một chương trình táo bạo nhằm khám phá những vùng chưa biết đến của đại dương đã tạo động lực để mọi người tham gia. Mỹ cũng cần chủ động trao đổi khoa học, kỹ thuật, công nghệ và chính sách với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước phát triển, nhằm tạo điều kiện để đạt được thành quả trong công tác quản lý biển bền vững ở tầm quốc tế.


Để xây dựng luận cứ cho quan điểm mới của mình Mỹ đã đưa ra khái niệm “toàn cầu mở rộng”. Nội hàm của khái niệm là sự gắn kết, nhuần nhuyễn giữa lực lượng quân sự, hoạt động quân sự có vũ trang và phi vũ trang với mục tiêu bảo vệ lợi ích chiến lược quốc gia của Mỹ trên cấp độ toàn thế giới. 


Thượng tướng Hải quân Timothy Keating Tư lệnh quân đội Mỹ đóng tại Thái Bình  Dương cho rằng: “Vấn đề Nam Hải không chỉ là việc của người khác mà cũng là việc của nước Mỹ, tất cả mọi việc đều phải thương lượng với Mỹ”. Quan điểm trên cho thấy Mỹ muốn can thiệp vào các vùng biển và đại dương trên thế giới, thực chất là họ muốn kiềm chế các nước lớn ở châu á và muốn giành được vị trí chủ đạo ở khu vực này.


- Chương trình đại dương của Nga cũng đã xác định 3 nhiệm vụ chủ yếu: một là làm cho nước Nga trở nên năng động hơn trên đại dương gắn với các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển quốc gia; hai là định hướng các hoạt động của nước Nga trong đại dương nhằm vào những kết quả cụ thể có tính khả thi; ba là tạo điều kiện tối đa cho sự hợp tác và nâng cao hiệu quả các hoạt động của cả chính quyền cấp Liên bang và chính quyền các nước cộng hòa thuộc Liên bang. Chương trình đại dương đã đưa ra 5 nguyên tắc chỉ đạo: (1) Hiện thực hóa và bảo vệ các lợi ích quốc gia và vị thế địa chính trị của nước Nga; (2) Phát triển kinh tế - xã hội các vùng bờ biển; (3) Bảo đảm phát triển đồng bộ kinh tế biển; (4) Nâng cao độ an toàn cho các lĩnh vực hoạt động trên biển; (5) Duy trì và phát triển hơn nữa tiềm năng khoa học và kỹ thuật liên quan tới đại dương.


3. Nhiệm vụ và giải pháp chiến lược khai thác biển và đại dương

Trong xây dựng chiến lược biển mới các nước rất coi trọng diều chỉnh theo hướng pháp luật hoá chủ quyền biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định lợi ích của họ trên đại dương phù hợp với tiềm lực và sức mạnh của họ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ thăm dò, khai thác đại dương. Đây là vấn đề mà các nước nhỏ, chậm phát triển còn lâu mới có thể vươn tới.


- Trung Quốc đã đưa ra chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau phát triển” tìm kiếm lợi ích chung trên con đường “phát triển hòa bình” biển Hoa Đông và cho rằng “cần có sự đánh giá toàn diện vấn đề Trường Sa”. Trong giai đoạn hiện nay, sự hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN cũng chưa nói đến việc khai thác tài nguyên, mà chủ yếu là các tiêu chuẩn, nguyên tắc liên quan đến môi trường và nghiên cứu khoa học. Vì thế, cần đề xướng khai thác mang tính tổng hợp, phù hợp với hiệp định đã ký với ASEAN. Trung Quốc và Việt Nam cũng đã ký Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ có hiệu lực từ ngày 30/6/2004. 


- Mỹ cũng cho rằng cần phải có một khung chính sách biển quốc gia mới nhằm tăng cường công tác phối hợp và lãnh đạo ở cấp quốc gia: ở cấp Liên bang, 11 trong tổng số 15 bộ ngành thuộc Chính phủ và 4 cơ quan độc lập giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách biển. Mỹ đang có kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam á, kiềm chế các nước lớn ở khu vực này, Vì đại bộ phận dầu mỏ mà họ nhập từ vùng Vịnh và châu Phi về đều thông qua biển Nam Hải, do đó việc tăng cường sự có mặt về quân sự của Mỹ ở khu vực này là cần thiết.


Để bảo đảm khống chế đường giao thông quan trọng trên biển, Mỹ luôn duy trì quyền đi lại tự do đối với các vùng biển đang tồn tại tranh chấp chủ quyền, không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của bất cứ quốc gia nào đối với vùng biển này. Hằng năm Mỹ thường cho các chiến hạm qua lại hoặc diễn tập quân  sự ở Nam Hải để bảo đảm “quyền đi lại tự do trên vùng biển này”(!). Mỹ đã giao cho Hải quân của họ 4 nhiệm vụ: (1) Duy trì kiểm soát bờ biển; (2) Bảo đảm an ninh trên biển; (3) Sử dụng sức mạnh từ biển; (4) Bảo đảm sự đồng thuận trên biển.


- Nga cũng cho rằng lực lượng hải quân là yếu tố sống còn, là một trong những công cụ quan trọng nhất để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga trong đại dương, duy trì sự ổn định chính trị trên biển và không gian biển, an ninh quốc phòng và uy tín trên trường quốc tế.


Đối với các mục tiêu an ninh, chính sách của nước Nga dựa trên các biện pháp chính trị, kinh tế và các biện pháp phi quân sự khác. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự là một trong những thành tố của sức mạnh quốc gia trong một thế giới mới, duy trì tầm ảnh hưởng quan trọng như là công cụ phòng ngừa, bảo vệ lợi ích và mục tiêu quốc gia và là công cụ ngăn chặn sự xâm lược, nếu điều này là cần thiết. 

4. Những quan tâm đến kinh tế biển của Việt Nam từ góc độ quốc phòng - an ninh


Một là Mỹ, Nga và Trung Quốc là những cường quốc có lợi ích chính trị, quân sự, kinh tế liên quan nhiều đến biển và đại dương, họ đều quan tâm đến khai thác đại dương dựa trên cơ sở tiến bộ khoa học - kỹ thuật biển. Chiến lược biển mới của các nước lớn đề cập đến nhiều vấn đề có liên quan đến chủ quyền trên biển và quyền lợi kinh tế biển của Việt Nam, nhất là Biển Đông. Đây là vấn đề cần được quan tâm trong nghiên cứu điều chỉnh chiến lược biển (bao gồm cả chiến lược bảo đảm AN-QP) của nước ta cho phù hợp với tình hình mới.


Hai là Quá trình thực hiện chiến lược biển Việt Nam cần chú ý đến chiến lược biển của các nước lớn vì họ có tiềm lực về nghiên cứu thăm dò và khai thác biển, đại dương. Cần có chính sách để tạo ra mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh bình đẳng, đồng thời chế ước lẫn nhau giữa các nước có lợi cho khai thác và bảo đảm QP-AN biển của Việt Nam. 

Ba là, để “sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế”, chúng ta cần sớm cụ thể hoá Chiến lược biển bằng xây dựng quy hoạch, kế hoạch phù hợp với thời kỳ mới, trong bối cảnh nhiều nước không chỉ khai thác vùng biển thuộc chủ quyền của họ, mà còn quan tâm đến khai thác nguồn lợi trên các vùng biển quốc tế bao gồm cả độ sâu của đại dương .


Bốn là cần đầu tư thoả đáng để xây dựng, phát triển lực lượng bảo vệ biển mà nòng cốt là Hải quân và Cảnh sát biển đáp ứng nhu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ mới, bao gồm cả vùng biển và đại dương phù hợp với năng lực thăm dò và khai thác biển, đại dương khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 ./.
 
Tài liệu tham khảo
 
1. Văn kiện Đại hội lần thứ X; tư liệu Bố trí quân sự của Mỹ ở Biển đông;
2. Tạp Chí Kiến thức quốc phòng hiện đại. Số 9/2008.
3. Một số văn kiện về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.
http://www.khucongnghiep.com.vn/news_detail.asp?ID=163&CID=-1&IDN=2242&lang=vn