TCCS-Năm nào cũng vậy, để tiếp tục tồn
tại và phát triển, thế giới phải vượt qua 3 thách thức lớn: thiên tai,
kinh tế và các vấn đề an ninh và chính trị. Đặc
điểm của năm 2008 là cả ba thách thức này đã nổ ra rất gay gắt và hầu
như cùng một lúc. Trong bài này chỉ đề cập đến thách thức 2 và 3 là hai
nhân tố quyết định chiều hướng phát triển của nền chính trị thế giới.
1. Cuộc
khủng hoảng kinh tế được xem là có cội nguồn từ Mỹ mà toàn thế giới
phải ra sức ứng cứu là cuộc suy thoái lớn nhất chỉ có thể so sánh với
cuộc đại suy thoái của những năm 30 thế kỷ trước. Nó là sự cộng hưởng
của ba “cú sốc” kinh tế: cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ trăm
năm/một lần đầy hiểm họa, như mô tả của ông Ba-rắc Ô-ba-ma, Tổng thống
đắc cử thứ 44 của Hoa Kỳ, kèm theo cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ và cuộc
khủng hoảng năng lượng trên toàn thế giới. Nếu xem xét nó một cách có
hệ thống thì có thể rút ra những kết luận quan trọng trong việc tiếp tục
nghiên cứu chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Một là, khủng hoảng là bệnh mãn tính của chủ nghĩa tư bản.
Đây là kết luận mà Các Mác đã đưa ra cách đây hơn 150 năm khi ông viết
bộ “Tư bản”. Đối với chúng ta, những người theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin
thì không có gì mới. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, chủ nghĩa xã hội đi
vào thoái trào thì nhiều người đã quên điều này. Điều nghịch lý là nhờ
cuộc khủng hoảng lần này mà chính các học giả tư sản phương Tây nói
chung và đặc biệt là ở Đức, Anh và nhất là ở I-ta-li-a lại tái phát hiện
ra nó. Người ta đã đổ xô đi tìm đọc tác phẩm của C. Mác. Chỉ trong một
thời gian ngắn, riêng nhà xuất bản Newton - Compton ở I-ta-li-a đã bán
được 5.000 bộ “Tư bản” của C. Mác và đang tiếp tục ấn hành thêm.
Chính C. Mác đã dự đoán
điều này từ giữa thế kỷ XIX khi ông viết: “khi các nhà tư bản trao đổi
tiền để lấy tiền, chủ nghĩa tư bản sẽ thoái trào”. Liên hệ với cuộc
khủng hoảng hiện nay, người ta thấy rằng không những C. Mác là người đầu
tiên phát hiện ra sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản nói chung mà còn
tiên đoán về sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản tài chính (tức là chủ
nghĩa tư bản ngày nay). Không những thế, C. Mác còn là người đầu tiên đề
xuất cách thức tốt nhất để giảm sức nóng của những cuộc khủng hoảng
kinh tế - tài chính là nhà nước phải ra tay cứu nền kinh tế. Chính Tổng
thống Mỹ Ru-dơ-ven đã thực hiện điều này trong những năm 30 của thế kỷ
trước và hiện nay chính quyền Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)
và Nhật Bản đang làm điều tương tự khi dùng hàng trăm tỉ đô la Mỹ để
giải cứu nền kinh tế bị suy thoái và ngăn chặn hàng loạt công ty tài
chính khỏi bị phá sản.
Hai là, cần phải cải tổ hệ thống thể chế tài chính hiện hành.
Hệ thống thể chế tài chính hiện nay với 2 định chế chính là Quỹ Tiền tệ
quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tỏ ra nhiều bất cập. Ra đời
sau Hội nghị Bret-tơn út (Mỹ) tháng 7-1944, hai định chế tài chính lớn
nhất thế giới này đã tồn tại hơn 60 năm trong lúc nền kinh tế tài chính
đã có nhiều thay đổi lớn. Nhưng điều bất cập lớn nhất là trong quá trình
tồn tại, hai định chế tài chính lớn nhất thế giới đã bị Mỹ thao túng và
đi chệch sứ mệnh được giao ban đầu, nhất là trong việc thực hiện các dự
án phát triển kinh tế dài hạn ở các nước đang phát triển và bảo đảm sự
ổn định tài chính toàn cầu. Chúng đã bị chính trị hóa, trở thành công cụ
của Mỹ và một số nước phương Tây nhằm can thiệp vào nội bộ các nước
đang phát triển. Do đó, chúng đặt ra những điều kiện khắt khe trong việc
giúp đỡ các nước này trong lúc lại tỏ ra rất dễ dãi và ưu ái đối với
các quốc gia phát triển. Vì vậy, sẽ không phải là oan ức khi người ta
kết luận rằng, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế
hiện nay có phần lỗi lớn từ những sai lầm và lệch lạc mục tiêu của IMF
và WB. Do đi lạc mục tiêu nên IMF không kiểm soát được tình hình hoạt
động của hệ thống tài chính toàn cầu, và như vậy đã không phát hiện được
những dấu hiệu nguy hiểm của nó, đương nhiên không có khả năng đưa ra
những cảnh báo trước về nguy cơ khủng hoảng. Và khi khủng hoảng xảy ra
thì hai định chế này cũng không có sáng kiến riêng nào để giúp nền tài
chính thế giới ra khỏi khủng hoảng. Hội nghị G20 tại Oa-sinh-tơn trong 2
ngày 15 và 16-11-2008 đã nhận ra điều này khi nhất trí cho rằng: cần áp
dụng các biện pháp để cải tổ lại hệ thống tài chính thế giới.
Ba là, cuộc
khủng hoảng tài chính kinh tế hiện nay đã báo hiệu sự cáo chung của chủ
nghĩa đơn phương trong lĩnh vực tài chính - kinh tế. Điều trớ
trêu là chính G.W.Bu-sơ, cha đẻ của học thuyết đơn phương, trong những
ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của mình lại là người đứng ra làm
việc này khi chủ trì cuộc họp của lãnh đạo G20 gồm 8 nước kinh tế phát
triển và 11 nước kinh tế lớn nhất mới nổi và EU ra tuyên bố kêu gọi tất
cả các nước trước hết là G20 đoàn kết, hợp lực để cùng giải cứu nền kinh
tế thế giới qua cơn hoạn nạn.
2. Trong lúc
toàn thế giới đang phải tập trung mọi sức lực để giải cứu cuộc khủng
hoảng tài chính và nguy cơ của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu thì
bầu không khí chính trị và an ninh thế giới lại nóng lên bởi quan hệ
giữa Nga với Mỹ và NATO xấu đi nghiêm trọng do cuộc chiến tranh 5 ngày
giữa Nga và Gru-di-a ở vùng Cáp-ca-dơ.
Đây là sự bùng nổ tất yếu
của những mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ và phương Tây tích tụ trong suốt 20
năm qua. Trực tiếp châm ngòi cho cuộc khủng hoảng này là quyết định của
Xa-a-ka-xvi-li, Tổng thống Gru-di-a khi bất ngờ mở cuộc tấn công hủy
diệt vào khu vực ly khai Nam Ô-xê-ti-a, để thiết lập lại quyền kiểm soát
của Gru-di-a ở vùng đất này và tiếp đó là khu vực Áp-kha-di-a nhằm đặt
Nga trước sự đã rồi. Ngoại trưởng C. Rai-xơ và Phó Tổng thống Đ. Che-ny
của Mỹ đã đến Gru-di-a và đã hết lời công kích Nga, xem Nga là “nước xấu
xa”, là “đế quốc” đồng thời cam kết sẽ cho Gru-di-a gia nhập NATO trong
năm 2008. Phương Tây đã rót tiền ồ ạt cho Gru-di-a để hàn gắn vết
thương chiến tranh. Thế giới thật sự đứng trước nguy cơ của một cuộc
“chiến tranh lạnh” mới. Tuy nhiên, xem xét kỹ thì thấy phản ứng của Mỹ
và NATO cũng có giới hạn. Mỹ và NATO không ngăn cản hoạt động trung gian
hòa giải của EU do Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di, đương kim Chủ tịch luân
phiên của EU tiến hành. Các nước NATO họp khẩn cấp tất nhiên là để bày
tỏ sự ủng hộ đối với Gru-di-a và lên án Nga nhưng lại không cam kết sẽ
kết nạp U-crai-na và Gru-di-a vào NATO. Tổng thống mới đắc cử của Mỹ
cũng không còn sốt sắng thúc ép kết nạp 2 nước này vào NATO. EU và NATO
cũng nói thẳng là việc trừng phạt Nga sẽ chẳng có lợi ích gì.
Tuy nhiên, tình hình căng
thẳng giữa Nga với Mỹ và NATO qua cuộc chiến tranh ngắn ngày Nga -
Gru-di-a đã đưa quan hệ Nga - Mỹ sang một thời kỳ mới, trong đó Nga
cương quyết phục hồi vị trí bình đẳng của mình trong câu lạc bộ các nước
lớn bằng một chính sách cứng rắn đối với các vấn đề liên quan đến lợi
ích chiến lược của mình. Do đó có thể thấy, quan hệ Nga - Mỹ còn căng
thẳng lâu dài chừng nào giới cầm quyền Mỹ chưa từ bỏ tham vọng làm bá
chủ thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế hiện nay và những xu thế chính
của thời đại toàn cầu hóa, cùng phụ thuộc lẫn nhau khiến ít có khả năng
thế giới trở lại thời kỳ “chiến tranh lạnh”. Các nước phương Tây bị
chia rẽ trong quan hệ đối với Nga. 26 trong tổng số 27 nước thành viên
EU (trừ Lit-va) đã nhất trí nối lại đàm phán với Nga về việc thiết lập
quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược giữa hai bên. Liên hợp quốc, Tổ
chức an ninh và hợp tác châu Âu, EU và cả Gru-di-a đã đồng ý với đề nghị
của Nga tổ chức hội nghị bàn về vấn đề an ninh Cáp-ca-dơ tại Giơ-ne-vơ
có sự tham dự chính thức của đại diện từ Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a.
Ngoại trưởng Mỹ C.Rai-xơ đã gặp Ngoại trưởng Nga X. La-vơ-rốp và Mỹ -
Nga đã nối lại đàm phán về START (Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược).
Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã chính thức đề nghị Mỹ cùng Nga xây dựng
quan hệ đối tác chiến lược. Trong lúc đó, Tổng thống đắc cử B.Ô-ba-ma
chưa đưa ra một cam kết gì về việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa
quốc gia (NMD) ở châu Âu. Tất nhiên, cuộc mặc cả còn dài, quan hệ hai
bên còn nhiều gay cấn, nhưng dù sao cũng có thể thấy cả Nga và Mỹ đều
không muốn có một cuộc “chiến tranh lạnh” mới.
3. Sự kiện
thứ hai là sự nổi lên của các quốc gia do các lực lượng phái tả lãnh đạo
ở ngay khu vực “sân sau” của Mỹ. Chính sách bá quyền và can thiệp của
Mỹ đã làm xuất hiện những nhà chính trị có đầu óc dân tộc đi theo đường
lối độc lập, tự chủ. Tháng 4-2002 đã diễn ra cuộc đảo chính ở
Vê-nê-xu-ê-la đưa U-gô Cha-vét, một người theo chủ nghĩa dân tộc lên nắm
chính quyền. Bị thất bại ở Vê-nê-xu-ê-la, Mỹ tăng cường can thiệp, dùng
Cơ quan viện trợ phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) và CIA tài trợ cho
các lực lượng thân Mỹ, đặc biệt là ở Bô-li-vi-a, tiến hành biểu tình
nhằm lật đổ Tổng thống E-vo Mô-ra-lét nhằm ngăn cản ông tiến hành các
cuộc cải cách dân chủ không có lợi cho các tập đoàn tư bản Mỹ. Trước
tình hình đó, lãnh đạo Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) đã họp hội
nghị bất thường ngày 15-9-2008 tại Xan-ti-a-go (Chi-lê) để bàn bạc kế
hoạch ngăn chặn cuộc đảo chính chống Tổng thống E-vo Mô-ra-lét. Tổng
thống Vê-nê-xu-ê-la U. Cha-vét tuyên bố sẽ hỗ trợ Tổng thống E.
Mô-ra-lét trong trường hợp có đảo chính. Bô-li-vi-a đã trục xuất đại sứ
Mỹ và triệu hồi đại sứ của mình ở Oa-sinh-tơn về nước. Vê-nê-xu-ê-la
cũng làm như vậy để ủng hộ Bô-li-vi-a và tuyên bố đại sứ của họ chỉ trở
lại Oa-sinh-tơn khi Mỹ có tổng thống mới. Để phối hợp với cuộc đấu tranh
chống Mỹ của Bô-li-vi-a và Vê-nê-xu-ê-la, ngày 13-9-2008 Tổng thống
Hôn-đu-rát đã quyết định hoãn vô thời hạn việc nhận ủy nhiệm thư của đại
sứ Mỹ, còn Tổng thống Đa-ni-en Oóc-tê-ga đã từ chối lời mời gặp G.
Bu-sơ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và hoàn toàn ủng hộ Nga trong vấn
đề Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a. ở Ê-cu-a-đo, Tổng thống Ra-pha-en
Cô-rê-a không gia hạn việc Mỹ sử dụng căn cứ quân sự Man-ta và yêu cầu
quân đội Mỹ đóng ở đây phải rút khỏi Ê-cu-a-đo trong năm 2009. Cộng hòa
Đô-mi-ni-ca cũng tỏ thái độ xa lánh và chỉ trích Mỹ.
Như vậy là ngay tại “sân
sau” của Mỹ đã xuất hiện một tập hợp các quốc gia chống Mỹ, ủng hộ và
liên kết với Nga bằng các hiệp định hợp tác năng lượng và quân sự. Cả
Nga và các nước Mỹ La-tinh đều rất coi trọng sự liên kết chiến lược này.
Thủ tướng Nga V.Pu-tin đã khẳng định: Mỹ La-tinh đang trở thành bộ phận
đáng chú ý trong chuỗi mắt xích của thế giới đa cực. Nga sẽ quan tâm
nhiều hơn nữa tới khía cạnh này trong chính sách kinh tế và đối ngoại
của mình. Còn Tổng thống U. Cha-vét của Vê-nê-xu-ê-la thì tuyên bố “hợp
tác với Nga sẽ là điều tất yếu đối với Mỹ La-tinh “không chỉ
Vê-nê-xu-ê-la cần Nga mà cả Mỹ La-tinh đều cần Nga”. Tiếp theo Nga, quan
hệ giữa Trung Quốc với các nước Nam Mỹ - Ca-ri-bê cũng có bước phát
triển mới, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
đến khu vực này vào cuối năm 2008 và chuyến thăm của Tổng thống
Mô-ra-lét thăm Trung Quốc trước đó.
Tuy nhiên cũng cần thấy
rõ, sự liên kết này giữa Nga và Trung Quốc với các nước Mỹ La-tinh không
phải để tạo ra một khối đối đầu với Mỹ mà chỉ nhằm làm cho Mỹ thấy
rằng, thế giới đơn cực của Mỹ đã vĩnh viễn chấm dứt và thay vào đó là
một thế giới đa cực trong đó các nước lớn nhỏ cần tồn tại hòa bình để
cùng phát triển trong thời đại toàn cầu hóa và cùng phụ thuộc lẫn nhau.
4. Sự kiện
thứ 3 thu hút sự chú ý của dư luận thế giới trong năm 2008 là cuộc bầu
cử Tổng thống ở Mỹ và bản tổng kết những thành tựu của G. W.Bu-sơ sau 8
năm cầm quyền. Việc B.Ô-ba-ma, một thượng nghị sĩ trẻ tuổi, da màu trúng
cử tổng thống cho thấy, nhân dân Mỹ muốn có một sự thay đổi thật sự, và
bản thân nước Mỹ cũng đã thay đổi và trở thành một quốc gia đa sắc tộc
đúng với cái tên gọi “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” mà những nhà sáng lập ra
nước Mỹ cách đây 232 năm mong muốn. Thắng lợi của B. Ô-ba-ma cho thấy,
nhân dân Mỹ đã quá chán ghét chính sách hiếu chiến, cực hữu của
G.W.Bu-sơ. Có thể nói thất bại của G. Mắc Kên - ứng cử viên của Đảng
Cộng hòa - gắn liền với thất bại của G. W. Bu-sơ cả trong chính sách đối
nội lẫn đối ngoại.
Cuộc chiến chống khủng bố
quốc tế do G. W. Bu-sơ phát động trong 8 năm qua về cơ bản là một thất
bại. Mỹ vẫn bị sa lầy ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan... Mặt khác, cuộc chiến
đang có nguy cơ lan sang Pa-ki-xtan khiến cho quan hệ Mỹ với Pa-ki-xtan
vốn được Mỹ xem là đồng minh thân cận chống khủng bố trở nên căng thẳng.
Hơn nữa, chủ nghĩa khủng bố của các lực lượng Hồi giáo cực đoan đã tìm
được nhiều địa bàn màu mỡ khác để hoạt động, nhất là ở vùng sừng châu
Phi khiến Mỹ phải huy động cả hạm đội hải quân đến đối phó. Tuy trong
nhiệm kỳ của mình, G. W. Bu-sơ cũng đã đích thân thăm một số nước châu
Phi nhằm tranh thủ họ, nhưng cuối cùng chính quyền G. W. Bu-sơ cũng
không làm được gì để ngăn cản các hiểm họa nhân đạo đang đe dọa nhiều
khu vực ở châu Phi như Công-gô, Ru-an-đa, Xô-ma-li v.v..
Bản thân G. W. Bu-sơ đầu
tư rất lớn cho việc giải quyết cuộc xung đột giữa I-xra-en và
Pa-le-xtin, bỏ ra nhiều công sức và tiền của vào khu vực Trung Đông;
nhưng cho đến nay, tình hình vẫn hoàn toàn bế tắc. Kế hoạch Đại Trung
Đông của G. W. Bu-sơ không đi đến đâu trong lúc tâm lý chống Mỹ ở Trung
Đông lại gia tăng. Mỹ cũng đã thất bại mặc dù phải tìm sự hợp tác của
Nga trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran. Quá trình phi hạt
nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên theo kế hoạch của Mỹ lại đang dẫm chân
tại chỗ. Thành tích duy nhất về đối ngoại của G. W. Bu-sơ là việc ký với
Ấn Độ Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự; nhưng chính nó lại làm sâu sắc
thêm mâu thuẫn trong quan hệ giữa Mỹ và Pa-ki-xtan, và đẩy Pa-ki-xtan
tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề hạt nhân.
5. Là châu
lục có nền kinh tế năng động nhất thế giới nhưng trong thời đại toàn cầu
hóa, châu Á cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực của cuộc
khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt đối với các nước đồng minh của
Mỹ có mối liên kết về kinh tế sâu sắc với nền kinh tế Mỹ như Nhật Bản,
Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po v.v.. Riêng các nước có nền kinh tế đang phát
triển lớn nhất như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga tuy cũng bị ảnh hưởng, nhưng
tự họ có thể giải quyết được và GDP vẫn tăng mạnh. Theo Quỹ Tiền tệ quốc
tế, GDP của toàn thế giới trong năm 2008 chỉ tăng khoảng 3% trong khi
GDP của Mỹ và EU chỉ âm thì GDP của Trung Quốc vẫn đạt mức 7% - 8%, Ấn
Độ 6%, Nga 5% - 6% và toàn châu lục là trên 5%. Việc Trung Quốc bỏ ra
568 tỉ USD để kích thích nền kinh tế Trung Quốc và thế giới đã được Mỹ
và các nước EU đánh giá cao.
Tuy nhiên, nét đáng chú ý
trong sự vận động của quan hệ địa - chính trị chiến lược ở châu Á -
Thái Bình Dương trong năm 2008 là sự hình thành các cuộc tập hợp lực
lượng mới dưới hình thức các câu lạc bộ gắn kết các nền kinh tế lớn đang
phát triển theo một tư duy mới. Các câu lạc bộ này nhằm mục đích duy
nhất là xây dựng trật tự thế giới đa cực bắt đầu từ kinh tế và tiếp theo
đó là chính trị - an ninh để cùng phát triển. Điều cần nói ở đây là,
các nước tham gia các quan hệ đối tác chiến lược này không có ý định xây
dựng thành những khối mới nhằm đối đầu với các nhóm hoặc khối kinh tế,
chính trị an ninh tồn tại lâu nay trên thế giới. Tư duy mới ở đây là,
các nước tham gia các cuộc tập hợp lực lượng mới ở châu Á - Thái Bình
Dương không liên kết với nhau theo kiểu đồng minh, cả về chiến lược lẫn
sách lược và không gắn kết với nhau theo một ý thức hệ nào. Đó là một
tập hợp hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng vì lợi ích riêng của mỗi nước và
không nằm dưới sự lãnh đạo của bất cứ nước nào hoặc nhóm nước nào mặc dù
về khách quan, sự tập hợp lực lượng mới này là kết quả tự nhiên của
việc phục hồi của Nga trên bàn cờ các nước lớn và sự trỗi dậy của Trung
Quốc và các nước khác. Riêng trong năm 2008 đã có 3 nước châu Á (Trung
Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ) tham gia câu lạc bộ các nước chinh phục vũ trụ.
Những phát triển mới này ở
châu Á - Thái Bình Dương cũng đã được Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di xem
là cần thiết khi ông nói: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin
cũng như sự trở lại của Nga đã tạo điều kiện khách quan cho một hiệp
đồng mới của các cường quốc lớn. Với một tình hình mới: không một nước
nào có khả năng áp đặt quan điểm riêng của họ. Để xử lý các vấn đề thế
giới, sự hợp tác là cần thiết”(1).
Các cuộc hiệp đồng mới
này có thể là đa phương như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Câu lạc bộ
BRIC (Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) hoặc RIC (Nga, Ấn Độ và Trung
Quốc), hoặc chỉ có tính chất song phương như giữa Nga và Vê-nê-xu-ê-la,
Nga với Hàn Quốc, Nga với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên v.v.. Sự
hiệp đồng này có thể chỉ trong một lĩnh vực nhất định nhưng rất quan
trọng như Hiệp định hợp tác năng lượng giữa Nga với Hàn Quốc trị giá 90
tỉ USD hoặc hợp tác hơi đốt giữa Nga, I-ran và Ca-ta mà cũng có thể bao
gồm cả hợp tác trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng giữa Nga và
Vê-nê-xu-ê-la, Nga - Xi-ri, Nga - Li-bi...
Những phát triển mới ở
châu Á - Thái Bình Dương làm cho dự báo và sự chuyển hướng quyền lực từ
Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ này là điều
không thể tránh khỏi và là một điểm sáng trong việc hình thành một trật
tự đa cực hay nói chính xác hơn là một trật tự đa trung tâm trên thế
giới.
Tuy nhiên, cũng cần thấy
rằng tình hình ở khu vực này còn hết sức phức tạp. ở Nam Á, ngoài
Áp-ga-ni-xtan thì tình hình Pa-ki-xtan chứa đầy nguy cơ bùng nổ. Một
mặt, chính sách thân Mỹ của các giới cầm quyền khiến cho họ trở thành
mục tiêu của các vụ ám sát của các phần tử Hồi giáo cực đoan có liên hệ
với Ta-li-ban và An Kê-đa; mặt khác, Mỹ cho rằng biên giới hàng ngàn cây
số giữa Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan là đất thánh của Bin La-đen được
tình báo Pa-ki-xtan che chở cho nên quân Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan đã tiến hành
các cuộc càn quét sâu vào lãnh thổ Pa-ki-xtan mà không được phép của
chính quyền Pa-ki-xtan và đã gây ra những phản ứng gay gắt của nhân dân,
kể cả những người cầm quyền chống lại Mỹ. Quan hệ giữa Pa-ki-xtan và Ấn
Độ do đó cũng xấu đi, nhất là khi các lực lượng khủng bố đã đánh bom Sứ
quán Ấn Độ ở Ca-bun gây ra cái chết của nhiều người. Và đặc biệt nghiêm
trọng là cuộc tấn công khủng bố thành phố Mum-bai giết chết gần 200
người và làm bị thương hơn 300 người hồi cuối tháng 11-2008 mà Ấn Độ cho
rằng có sự tham gia của các phần tử khủng bố có căn cứ ở Pa-ki-xtan.
Ngoài ra, mâu thuẫn giữa Pa-ki-xtan và Ấn Độ về vấn đề Ca-sơ-mia hầu như
vẫn còn nguyên vẹn.
Tình hình Đông - Nam Á
trong năm qua có tốt hơn do các nước ASEAN đã lần lượt phê chuẩn Hiến
chương mới của ASEAN và nhiều nước đối tác đã phê chuẩn Hiệp ước thân
thiện và hợp tác ở Đông - Nam Á (TAC) và cử đại sứ thường trực bên cạnh
Văn phòng thường trực ASEAN. Tuy nhiên, tình hình nội bộ một số nước
ASEAN không ổn định, đặc biệt là ở Mi-an-ma và Thái Lan đã làm cho ASEAN
chưa phát huy hết vai trò khu vực và quốc tế của mình. Tranh chấp lãnh
thổ giữa một số nước ASEAN với nhau và giữa một số nước ASEAN với một số
nước ngoài khu vực tất nhiên sẽ làm cho nền hòa bình và an ninh ở Đông -
Nam Á còn nhiều biến cố phức tạp.
Tóm lại, trên cơ sở của
sự phát triển của các sự kiện trên thế giới cuối năm 2008, có thể thấy
rằng: bước sang năm mới, nền kinh tế thế giới chưa có gì sáng sủa. Theo
dự báo của IMF ngày 6-11-2008, kinh tế các nước phát triển trong năm
2009 vẫn tăng âm và kinh tế châu Á tiếp tục tăng chậm. Điểm tích cực
đáng ghi nhận là đã có sự phối hợp và hợp tác toàn cầu trong đó nổi lên
là vai trò xây dựng của các nền kinh tế lớn mới nổi trong việc giải
quyết những khó khăn chung của thế giới.
Trong lúc đó, bầu không
khí chính trị và an ninh của thế giới có triển vọng sẽ được cải thiện
hơn: chủ nghĩa đơn phương của G.W.Bu-sơ đã bị đẩy lùi. NATO khó lòng kết
nạp U-crai-na và Gru-di-a; Pháp, Đức và I-ta-li-a không tán thành việc
Mỹ thiết lập các căn cứ triển khai NMD ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. EU tiếp
tục đàm phán với Nga về quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược cũng như
việc Nga đề nghị đàm phán với Mỹ về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai
nước và chính sách đối ngoại ôn hòa hơn của chính quyền B. Ô-ba-ma chắc
chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực đến tình hình an ninh chính trị của thế
giới trong năm mới.
Tất nhiên đây là một quá trình phức tạp, lâu
dài và còn nhiều bất trắc. Song, nhân dân thế giới có cơ sở để lạc quan
về hòa bình, phát triển và hợp tác cùng có lợi tiếp tục là xu thế chính
của thời đại./.
(1) Theo Tạp chí Pháp Politique Internationale, số tháng 10-2008