Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

35. “Đề án Trung Đông lớn” của Mỹ - Nhìn từ các cuộc bạo động chính trị hiện nay ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông

15:59' 19/3/2011

Qua nghiên cứu diễn biến cũng như kết cục các cuộc “cách mạng nhung” ở Tuy-ni-di, Ai-cập và hiện nay ở Li-bi và nhiều nước khác ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông, có thể thấy rõ, các cuộc bạo động chính trị đó trước hết xuất phát từ tình trạng khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội như nạn thất nghiệp gia tăng, sự bất bình đẳng trong xã hội, khoảng cách quá xa giữa người giàu và người nghèo chưa có dấu hiệu rút ngắn mà ngày một lớn hơn, chính quyền ở các nước đó bảo thủ và trì trệ trong nhiều năm, nhưng đã bị một số thế lực bên ngoài, trước hết là ở Mỹ, lợi dụng để kích động nhằm nhanh chóng thay đổi chế độ cầm quyền, tạo cơ hội để thiết lập ảnh hưởng trong thời kỳ “hậu cách mạng”.


Theo chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, kịch bản các cuộc bạo động chính trị đã và đang diễn ra ở nhiều nước châu Phi và Trung Đông được thực hiện theo cái gọi là “Đề án Trung Đông Lớn” mà Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ đã từng tuyên bố vào năm 2004.
Đề án Trung Đông Lớn của Mỹ
“Đề án Trung Đông Lớn” (“The Greater Middle East”) là một trong những nội dung của chiến lược xây dựng “trật tự thế giới mới” của Mỹ dựa trên cơ sở văn kiện mang tên “Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ ở Trung Đông: phân tích sau sự kiện 11-9-2001”. Đề án này nhằm thay đổi biên giới của 24 quốc gia, từ châu Phi, Trung Đông tới Trung Á, từ Ma-rốc tới Áp-ga-ni-xtan, làm bàn đạp để Mỹ tiến tới thiết lập quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á-Âu (1).
Đề án “Trung Đông Lớn” đã từng được nhiều đời tổng thống Mỹ và giới tinh hoa chính trị ở Oa-sinh-tơn ấp ủ xây dựng cách đây hơn 30 năm nhằm mục đích trước hết và quan trọng nhất là bảo đảm duy trì nguồn cung cấp dầu mỏ liên tục, thường xuyên cho Mỹ từ khu vực này. Theo dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ, đến năm 2025, 2/3 nhu cầu dầu mỏ của Mỹ được đáp ứng từ khu vực Trung Đông Lớn. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà hiện nay ở Trung Đông Lớn đã tập trung các căn cứ quân sự chủ yếu của Mỹ, trong đó có 10 sân bay quân sự lớn nhất và một số căn cứ hải quân dùng cho lực lượng hải quân tiến công của Mỹ. Hơn 200.000 quân Mỹ đóng quân thường trực ở Áp-ga-ni-xtan, I-răc và trên bán đảo A-rập (2).
“Đề án Trung Đông Lớn” đã được ấp ủ và điều chỉnh qua nhiều đời tổng thống Mỹ. Lần đầu tiên, người Mỹ đến Trung Đông vào cuối thế kỷ XIX chỉ nhằm mục đích giao tiếp và trao đổi văn hoá. Đến những năm 1920, Mỹ bắt đầu đặt vấn đề lợi ích kinh tế trong quan hệ với các nước Trung Đông liên quan tới nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở khu vực này. Chỉ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II, để thực hiện chiến lược toàn cầu nhằm xây dựng trật tự thế giới đơn cực do Mỹ “lãnh đạo”, Oa-sinh-tơn bắt đầu chú ý tới lợi ích địa-chính trị ở Trung Đông.
Sáng kiến đầu tiên của Mỹ về Trung Đông là Học thuyết Ai-xen-hao (được đề xuất vào năm 1957) nhằm lấp khoảng trống chiến lược ở khu vực này sau khi thực dân Anh và thực dân Pháp bắt đầu rút lui dần ảnh hưởng của họ tại đây trước phong trào giải phóng dân tộc bùng phát ở nhiều quốc gia, thông qua các khoản viện trợ quân sự và viện trợ kinh tế, thực chất là thực hiện chế độ thực dân kiểu mới.
Sáng kiến thứ hai của Mỹ về Trung Đông là “Học thuyết Gu-am” hoặc “Học thuyết Ních-xơn” do Tổng thống Mỹ Ních-xơn đề xuất vào những năm 1970 nhằm giao một số chức năng quân sự cho các nước trong khu vực Trung Đông, còn Mỹ chỉ viện trợ công nghệ, vật chất - kỹ thuật và kinh tế. Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ Ních-xơn, ông Hen-ri Kit-xinh-giơ, thì Mỹ tạo điều kiện để các nước Trung Đông “tự quyết định vận mệnh của mình”, nói cách khác là “Trung Đông hoá” sự hiện diện của Mỹ.
Sáng kiến thứ ba của Mỹ về Trung Đông là “Học thuyết Ca-tơ” do Tổng thống Mỹ Ca-tơ đề xuất nhằm đối phó với sự can thiệp quân sự của Liên Xô vào Áp-ga-ni-xtan (năm 1980), mở đầu giai đoạn Mỹ tranh giành quyết liệt ảnh hưởng với Liên Xô ở khu vực này. Trên cơ sở “Học thuyết Ca-tơ”, Mỹ thành lập “lực lượng phản ứng nhanh” hoặc “lực lượng phản ứng linh hoạt” ở vùng Vịnh, với sự tham gia của các đồng minh của Mỹ trong NATO ở châu Âu.
Sáng kiến thứ tư của Mỹ về Trung Đông do Tổng thống Mỹ Ri-gân đề xuất, gọi là “Học thuyết Ri-gân”, theo đó Mỹ phân chia thế giới thành hai phe “trắng” (Mỹ và Phương Tây) và “đen” (Liên Xô, các nước XHCN và những quốc gia nào đe dọa lợi ích của Mỹ). Để bảo đảm lợi ích đó, Mỹ sẽ thực hiện ba giải pháp cơ bản. Một là, không chế và đối đầu, trong đó chuyển đối đầu quân sự với Liên Xô ra phạm vi toàn cầu. Hai là, thiết lập chuỗi các khu vực chiến lược trên khắp thế giới gắn bó với nhau, trong đó, Trung Đông có vị trí hết sức quan trọng. Ba là, hiện đại hoá vũ khí, trang bị để thực hiện hai biện pháp trên.
Về sau, tư duy của “Học thuyết Ri-gân” được dùng làm cơ sở để xây dựng “Đề án Trung Đông Lớn” của Mỹ vào cuối những năm 1990. “Đề án Trung Đông Lớn” như phiên bản hiện nay của Mỹ được Ri-sac Pec-lơ (Richard Perle), cố vấn của Lầu năm góc, nhân vật bảo thủ mới của Mỹ, và Đu-glat Phây-thơ (Douglas Feith), soạn thảo năm 1996, trong đó, phác thảo một cách khái quát chiến lược của Mỹ dựa trên cơ sở kết quả các cuộc “cách mạng nhung” làm thay đổi chế độ ở các nước cộng sản Đông Âu trước đây. Văn kiện chính trị này mang tên "Đoạn tuyệt hoàn toàn: chiến lược mới để duy trì hiện trạng". Đây là văn kiện đầu tiên của giới tinh hoa chính trị Mỹ công khai kêu gọi lật đổ chế độ của Tổng thống Xa-đam Hút-xen ở I-rắc, quan điểm sử dụng sức mạnh quân sự đối với Pa-le-xtin, tiến công Xi-ri và các mục tiêu của Xi-ri ở Li-băng. Đến thời điểm xảy ra sự kiện ngày 11-9-2001, cùng với việc các thế lực bảo thủ mới trở lại cầm quyền ở Oa-sinh-tơn, chính quyền của Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ ưu tiên cao nhất cho phương án mở rộng nội dung bản báo cáo của nhóm Ri-sac Pec-lơ và Đu-glat Phây-thơ, và gọi kế hoạch đó là "Đề án Trung Đông Lớn". Đồng thời, Đu-glat Phây-thơ cũng được Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (2,3).
Tháng 5-2003, khi khói lửa của các cuộc ném bom thủ đô Bát-đa của I-rắc chưa kịp lắng xuống, Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ đã tuyên bố chính sách “mở rộng dân chủ” trên toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn nhằm xác lập khu vực tự do thương mại giữa Mỹ và Trung Đông trong những thập kỷ tới. Sau đó, “Đề án Trung Đông Lớn” được Mỹ chính thức công bố tại Hội nghị G-8 ở Xi-ai-len (Mỹ) vào tháng 6-2004. Trước khi diễn ra Hội nghị G-8 ở Xi-ai-len, Oa-sinh-tơn cho xuất bản tài liệu mang tựa đề "Đối tác G-8 và Trung Đông Lớn". Trong nội dung mang tựa đề "Những khả năng kinh tế", Oa-sinh-tơn đưa ra khuyến nghị nhằm cải cách kinh tế, có ý nghĩa tương tự như các biện pháp đã từng được áp dụng trong các nước Trung và Đông Âu trong những năm 1990. Văn kiện này của Mỹ nêu rõ, chìa khoá cho chủ trương này là tư nhân hoá kinh tế các nước trong khu vực. Kế hoạch của Mỹ dự kiến chuyển giao hoạt động ngân hàng và tài chính ở khu vực Trung Đông Lớn sang các thể chế quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Tổ chức Thương mại thế giới do Mỹ kiểm soát. Mục đích của đề án dài hạn này của Oa-sinh-tơn là nhằm kiểm soát các dòng tài nguyên, vốn và thị trường trên toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn, từ Ma-rôc đến biên giới Trung Quốc (4,6).
Sau khi văn kiện này được công bố vào năm 2004, ở các nước trong khu vực Trung Đông Lớn dấy lên làn sóng phản đối, chủ yếu là bác bỏ khái niệm "Trung Đông Lớn" do Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ đưa ra. Theo nhận xét của báo Pháp Le Monde Diplomatique” số ra tháng 4-2004, ngoài các nước A-rập, kế hoạch này còn bao gồm Áp-ga-ni-xtan, I-ran, Pa-ki-xtan, Thổ Nhĩ Kỳ v.v., là những nước nằm trong khu vực có thái độ thù địch đối với Mỹ, trong đó, có các tổ chức hồi giáo cực đoan. Ý đồ của Mỹ là muốn biến các lực lượng hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố thành “kẻ thù số 1” thay thế Liên Xô đã tan rã. Để tiến hành cuộc “thập tự chinh” trên toàn cầu, Mỹ rất cần dựng lên một đối thủ như vậy (2,5,6).
“Đề án Trung Đông Lớn” của Mỹ nhằm vào một khu vực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ, mà còn đối với nhiều nước lớn khác như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Hiện nay, ngoài Mỹ ra, các nước lớn khác, trước hết là Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang tranh giành ảnh hưởng tại đây. Đặc biệt là, ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Trung Đông Lớn, khiến Mỹ hết sức lo ngại. Để thực hiện chủ trương chiến lược không để xuất hiện bất kỳ một quốc gia nào có thể thách thức vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ trong thế kỷ XXI, Mỹ phải “bình định” cho được và kiểm soát khu vực này theo chiến lược “phá để xây”. Nhằm mục đích đó, Mỹ đã thành lập Bộ Chỉ huy châu Phi (AFRICOM) để sẵn sàng thực hiện sử mệnh “bình định” châu Phi và Trung Đông khi cần thiết (8).
Giai đoạn mới thực hiện “Đề án Trung Đông Lớn” ở châu Phi và Trung Đông
Chiến tranh Áp-ga-ni-xtan năm 2001 và chiến tranh I-rắc năm 2003 là giai đoạn đầu tiên thực hiện “Đề án Trung Đông Lớn” của Mỹ. Lấy cảm hứng từ chiến thắng trong chiến tranh I-rắc mà Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ cho rằng đã giành được vào tháng 5-2003, ông tuyên bố Mỹ sẽ xây dựng “Trung Đông Lớn trong thế kỷ XXI”. Để bình định khu vực này, Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ thiên về sử dụng sức mạnh quân sự, hay còn gọi là “sức mạnh cứng”.
Tuy nhiên, tình trạng sa lầy chưa có lối thoát kéo dài gần 10 năm nay ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đã chứng tỏ chủ trương chiến lược sử dụng “sức mạnh cứng” của Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ đã thất bại. Do đó, sau khi lên cầm quyền ở Mỹ, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đã có sự điều chỉnh giải pháp, chuyển sang kết hợp cả “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm”, thậm chí, trong một số trường hợp thiên về sử dụng “sức mạnh mềm”. Đồng thời, để tránh sự phản đối của các nước trong khu vực, ông không dùng khái niệm “Trung Đông Lớn” mà là “Trung Đông Mới” và mở đầu giai đoạn mới thực hiện “Đề án Trung Đông Lớn” ở châu Phi và Trung Đông thông qua các cuộc “cải cách dân chủ” theo chủ trương chiến lược “phá cũ, xây mới” đã và đang được thể hiện trong các cuộc “cách mạng nhung” ở một số nước châu Phi và Trung Đông hiện nay.
Kết quả khảo cứu của nhiều chuyên gia nghiên cứu địa - chính trị, lịch sử và kinh tế Mỹ chứng minh rằng: trong các cuộc “cách mạng nhung” đầy kịch tính ở nhiều nước châu Phi và Trung Đông hiện nay đều có bàn tay dàn dựng, hậu thuẫn và hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ ở Mỹ để thực hiện kế hoạch “bình định” toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn nhằm tranh giành tài nguyên và thị trường với các đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc, Nga, EU và nhiều nước khác.
Các cuộc bạo động chính trị ở một số nước Trung Đông Lớn đã và đang diễn ra theo đúng kịch bản các cuộc “cách mạng nhung” đã từng diễn ra ở Gru-di-a và U-crai-na trước đây. Thí dụ, ở Ai-cập, lực lượng tiến hành “cách mạng” bao gồm đông đảo thanh niên sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin và mạng Internet có quan hệ gắn bó với các tổ chức phi chính phủ và các mạng xã hội đăng ký hoạt động ở Mỹ, được nhiều tổ chức ở Mỹ, trong đó có Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đào tạo theo kênh ngoai giao nhân dân từ năm 2001 và được tập hợp thành các phong trào như “Phong trào ngày 6 tháng 4”, “Phong trào vì sự thay đổi ở Ai-cập”, tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” v.v.. Công cụ để tổ chức và thực hiện các cuộc “cách mạng nhung” ở các nước Trung Đông Lớn là các mạng xã hội trên Internet. Thí dụ điển hình nhất là lời kêu gọi tổng bãi công trên toàn lãnh thổ Ai-cập và tổ chức “Ngày nổi giận” hôm 25-1-2011 đòi Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc từ chức được phát đi từ “chỉ huy sở” đặt trên mạng xã hội Facebook và Twitter. Theo tính toán của báo Mỹ “New York Times”, từ năm 2009 đã có khoảng 800.000 người Ai-cập, đa số là thanh niên, sử dụng hai mạng xã hội lớn nhất này (4,6,9).
Tất cả các tổ chức và phong trào quần chúng tham gia các cuộc bạo động chính trị ở các nước châu Phi và Trung Đông đều nhận được sự tài trợ về vật chất và tinh thần của các tổ chức phi chính phủ ở Mỹ như “Quỹ quốc gia ủng hộ dân chủ”, “Viện An-be Anh-xtanh”, “Ngôi nhà tự do”, “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ”, “Viện quốc gia nghiên cứu quốc tế của Đảng Cộng hoà”, “Viện quốc gia nghiên cứu quốc tế của Đảng Dân chủ” v.v.. Phát biểu về “Quỹ quốc gia ủng hộ dân chủ”, Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ đã từng nói: “Chừng nào mà “tự do” và “dân chủ” chưa được phát triển ở Trung Đông, thì đó còn là khu vực trì trệ, bất công và bạo lực. Mỹ sử dụng các phương tiện khác nhau để dân chủ hoá, trong đó, có việc can thiệp quân sự, mặc dù được tiến hành bởi các nguyên nhân khác nhau nhằm một trong những mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nhà nước “dân chủ”. Tuy nhiên, sự chuyển động của các dân tộc vì cải cách là khả năng tốt nhất để “xúc tiến dân chủ” ở các quốc gia riêng lẻ" (4).
Nhận thức được tầm quan trọng của chiến lược “phá để xây” ở các nước trong khu vực Trung Đông Lớn, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đánh giá những sự kiện ở Bắc Phi và Trung Đông hiện nay có ý nghĩa giống như sự sụp đổ bức tường Béc-lin năm 1989. Vì thế, nhiều chuyên gia dự báo, các cuộc bạo động chính trị tương tự như ở Bắc Phi và Trung Đông có thể sẽ bùng phát ở Ban Căng, Trung Á và một số khu vực khác trên thế giới trong một cuộc cạnh tranh về địa - chính trị kéo dài và gay gắt trong những thập kỷ tới, liên quan tới cuộc chiến tranh giành giật tài nguyên và năng lượng trên phạm vi toàn cầu. Ông Brê-din-xki, cố vấn của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma, đã từng dự báo trong những năm 1990 rằng, đó là “Bàn cờ lớn” trong thế kỷ XXI (10).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đề án Trung Đông Lớn của Mỹ và vai trò của NATO.
http://inforos.ru/ru/?module=news&action=view&id=21626
2. Thay đổi Trung Đông Lớn
http://www.imperiya.by/club4-9258.html
3. Trung Đông trong chiến lược của Mỹ
http://www.humanities.edu.ru/db/msg/87657
4. Uy-li-am Ăng-đan. Cuộc “cách mạng” ở Ai-cập phải chăng là “phá để xây” Trung Đông Lớn?
5. Dân chủ hóa kiểu Mỹ đối với Trung Đông: điều đó có nghĩa là gì?
http://www.centrasia.ru/newsA.php4?st=1093843140
6.Thực chất của Đề án Trung Đông Lớn là gì?
http://www.inosmi.ru/world/20040625/210712.htmlhttp://www.inosmi.ru/world/20040625/210712.html
7. Yếu tố Mỹ trong các cuộc cách mạng ở các nước A-rập: động viên các lực lượng biểu tình chống chính phủ thông qua hoạt động ngoại giao nhân dân và các mạng xã hội. Trung tâm nghiên cứu Trung Đông hiện đại. Xanh Pê-tec-bua. Năm 2011.
8. Uy-li-am Ăng-đan. Một thế kỷ chiến tranh: chính sách dầu mỏ của Mỹ-Anh và trật tự thế giới mới. NXB Xanh Pê-tec-bua. Năm 2008.
9. Internet-vũ khí của các nhà “cách mạng” mới.
10. Z. Brê-din-xki. Bàn cờ lớn. NXB Chính trị quốc gia. Năm 1999.


(Theo TCCS)