Bài trên trang China
News về 6 cuộc chiến tranh mà Trung Quốc sẽ phát động trong 50 năm tới.
Sau khi dùng vũ lực thống nhất với Đài Loan thì mục tiêu tiếp theo là
phát động chiến tranh để thu hồi các đảo ở Biển Đông.
Trung
Quốc là một nước lớn chưa thống nhất, đây là nỗi nhục của dân tộc Hoa
Hạ, là nỗi hổ thẹn của con cháu Viêm Hoàng để thống nhất đất nước và sự
tôn nghiêm của dân tộc, trong vòng 50 năm tới, Trung Quốc cần phải tiến
hành 6 cuộc chiến tranh.
Cuộc chiến tranh thứ nhất : Thống nhất Đài Loan (giai đoạn 2020 - 2025)
Mặc
dù, quan hệ hai bờ hiện nay đang có xu hướng đi vào hòa hoãn, nhưng
đừng hy vọng nhà đương cục Đài Loan (cho dù là Quốc dân đảng hay Dân
tiến đảng) muốn thống nhất hòa bình với Trung Quốc đại lục, vì điều này
không phù hợp với lợi ích tranh cử của đảng cầm quyền tại Đài Loan, cho
nên trong thời gian dài sẽ tiếp tục nêu chủ trương giữ nguyên hiện trạng
với Trung Quốc đại lục (như vậy đều có lợi cho hai đảng, Dân tiến đảng
hung hăng một chút, Quốc dân đảng hòa hoãn một chút, cả hai đều giành
được lợi ích chính trị trên chính trường Đài Loan), “độc lập” nhưng
không dám “độc lập” thật sự, chỉ có thể kích động dư luận để kiếm lợi,
trong khi đó “thống nhất” cũng sẽ là không “thống nhất” thật sự, chỉ có
thể là đề cập chung chung. Đài Loan không thống nhất, đây là một tổn
thương lớn nhất của Trung Quốc.
Cho
nên trong 10 năm tới, tức trước năm 2020, Trung Quốc cần phải nắm cho
được phương châm chiến lược thống nhất, tuyên bố trước Đài Loan về thời
hạn cuối cùng để thống nhất đất nước là năm 2025, hoặc là Đài Loan chấp
nhận thống nhất hòa bình (đây là kết quả mà toàn thể người Hoa trên khắp
thế giới mong đợi), hoặc là phải sử dụng vũ lực để thống nhất (đây là
sự lựa chọn duy nhất mà Trung Quốc đại lục buộc phải làm). Để thống
nhất, Trung Quốc phải làm tốt công tác chuẩn bị từ 3 đến 5 năm (thời
điểm này, Trung Quốc hoàn toàn có đủ thực lực quân sự để thống nhất Đài
Loan, như hàng không mẫu hạm của Trung Quốc chính thức được đưa vào biên
chế, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 4 được hoàn thiện…), khi
thời điểm đến, cho dù là sử dụng phương thức thống nhất như thế nào,
Trung Quốc vẫn nhất định phải thống nhất, đây là một sứ mệnh lịch sử của
dân tộc Hoa Hạ.
Theo
phân tích tình hình hiện nay, Đài Loan tất sẽ cự tuyệt thống nhất,
Trung Quốc đại lục duy nhất chỉ có con đường sử dụng vũ lực để thống
nhất. Cuộc chiến tranh thống nhất này là một cuộc chiến tranh đích thực
mang ý nghĩa hiện đại hoá kể từ sau khi nước CHND Trung Hoa được thành
lập, là một cuộc chiến tranh kiểm nghiệm toàn diện sức chiến đấu hiện
đại hoá của quân đội Trung Quốc. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc có thể
dễ dàng giành chiến thắng, nhưng cũng có thể sẽ gian nan giành chiến
thắng. Tình hình này phụ thuộc vào quyết định tham chiến của Mỹ, Nhật
Bản đối với Đài Loan. Mỹ, Nhật Bản viện trợ cho Đài Loan, thậm chí xuất
quân phản công Đại lục, Trung Quốc buộc phải sử dụng tổng lực để đối
kháng Mỹ, Nhật Bản, như vậy sẽ trở thành cuộc đại chiến gian khổ và kéo
dài. Nếu Mỹ, Nhật Bản không dám đối kháng với Trung Quốc, để Trung Quốc
đại lục thu hồi Đài Loan, quân đội Đài Loan đương nhiên không thể chống
đỡ, nhiều nhất là 3 tháng là có thể kiểm soát hoàn toàn Đài Loan.
Mặc
dù hiện nay ai cũng cho là Trung Quốc có đủ khả năng chống lại các thế
lực can thiệp, nhưng trước khi thu hồi Đài Loan, tốt nhất là tiến hành
bố trí thế cục, để Mỹ, Nhật Bản không kịp hoặc không dám tham chiến, như
vậy Trung Quốc mới có thể thần tốc đánh chiếm Đài Loan. Vậy phải bố trí
thế cục như thế nào để Mỹ, Nhật Bản không kịp hoặc không dám tham
chiến? Tốt nhất là gây ra một, hoặc hai cuộc chiến tranh trước đó, ví dụ
như chiến tranh Ixraen-Iran, chiến tranh Nga-Nhật, chiến tranh Ấn
Độ-Pakixtan, hay đối đầu giữa hai miền Triều Tiên, như vậy Mỹ, Nhật Bản
khó có thể kịp thời hoặc không dám tham chiến.
Đương
nhiên, cho dù Mỹ, Nhật Bản có tham chiến hay không, cuối cùng Trung
Quốc đều giành chiến thắng, đây là điều không phải nghi ngờ. Nhưng khác
biệt ở chỗ, nếu Mỹ, Nhật Bản tham chiến, nguyên khí kinh tế của Trung
Quốc sẽ bị tổn thương nặng nề; nếu Mỹ, Nhật Bản không kịp hoặc không
tham chiến, kinh tế của Trung Quốc sẽ không bị tổn thất. Tuy nhiên, cho
dù Mỹ, Nhật Bản có tham chiến hay không, về mặt quân sự, Trung Quốc sẽ
có bước phát triển mang tính nhảy vọt. Vì sau khi thống nhất Đài Loan,
hợp nhất kỹ thuật quân sự của Đài Loan, trong vòng từ 5 đến 10 năm, kỹ
thuật quân sự của Trung Quốc sẽ có bước phát triển vượt bậc.
Trong
cuộc chiến này, Mỹ không tham chiến còn có thể giữ được địa vị độc bá
của mình, một khi tham chiến, địa vị độc bá tất bị lung lay. Sau khi bị
tổn thất nặng nề trong cuộc chiến này, địa vị bá chủ thế giới của Mỹ sẽ
bị các nước nghi ngờ, đặc biệt là các nước nhỏ Đông Nam Á, đối diện với
một Trung Quốc láng giềng hùng mạnh, buộc các nước này không thể không
tính toán lại xem đi theo hướng nào, đi theo ai. Mỹ không tham chiến còn
có thể duy trì địa vị bá chủ thế giới khoảng 40 năm nữa, trong 40 năm
này, Trung Quốc sẽ không có cớ thách thức bá quyền của Mỹ, Trung Quốc
chỉ có thể tiếp tục chuyên tâm vào sự nghiệp thống nhất đất nước.
Điểm
có lợi nhất của cuộc chiến thống nhất Đài Loan là Trung Quốc đã phá vỡ
chuỗi đảo bao vây thứ nhất của Mỹ, để hướng ra Thái Bình Dương, như vậy
Trung Quốc từ đó có thể tiến quân ra đại dương, mở rộng lợi ích thiết
thân của Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh thứ hai : Thu hồi các đảo tại Biển Đông (giai đoạn 2025-2030)
Sau
khi Trung Quốc thống nhất Đài Loan, nghỉ ngơi chỉnh đốn nhiều nhất là 2
năm, trong khoảng thời gian này Trung Quốc tuyên bố với các nước có
tranh chấp tại Biển Đông về thời hạn cuối cùng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ
lực để thu hồi các đảo là năm 2028, tất cả các nước có thể đàm phán với
Trung Quốc trong khoảng thời gian này. Trung Quốc sẽ xuất phát từ quan
điểm láng giềng hữu nghị và phong cách nước lớn, Trung Quốc còn có thể
bảo đảm một phần lợi ích kinh tế của các nước xung quanh đã đầu tư vào
các đảo ở Biển Đông, nếu không Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để thu hồi
các đảo, đồng thời tịch thu toàn bộ lợi ích kinh tế, cũng như các khoản
đầu tư trên các đảo này.
Cuộc chiến tranh thứ ba: Thu hồi Nam Tây Tạng (giai đoạn 2035-2040)
Hai
mươi năm sau, mặc dù thực lực quân sự của Ấn Độ không bằng Trung Quốc,
nhưng khi đó cũng sẽ là một trong số không nhiều nước lớn trên thế giới,
vì vậy “đá chọi với đá” chắc chắn sẽ chịu nhiều tổn thất, cho nên tác
giả cho rằng tốt nhất là ngay từ bây giờ Trung Quốc phải tìm mọi cách
khiến Ấn Độ bị chia cắt thành mấy nước nhỏ, để Ấn Độ không còn sức đối
kháng với Trung Quốc, tuy nhiên sách lược chia cắt Ấn Độ không chắc chắn
thực hiện được, nhưng ở mức độ thấp nhất cũng phải làm cho bang Assam
tiếp giáp với Nam Tây Tạng (Ấn Độ gọi là bang Arunachal Pradesh) và
Sikkim bị Ấn Độ xâm chiếm được độc lập, làm suy yếu thực lực của Ấn Độ
trong đối kháng với Trung Quốc, như vậy mới là thượng sách.
Trung
sách là chuyển một lượng lớn vũ khí quân sự tiên tiến sang Pakixtan,
trong khoảng thời gian năm 2035, ngầm giúp Pakixtan tấn công khu vực
phía Nam Casơmia của Ấn Độ, giúp đỡ Pakixtan hoàn thành đại nghiệp thống
nhất lãnh thổ. Tất nhiên, trong khi Ấn Độ và Pakixtan chưa thể kết thúc
chiến tranh, Trung Quốc thần tốc tấn công Ấn Độ thu hồi khu vực Nam Tây
Tạng bị chiếm đóng. Ấn Độ sẽ không thể cùng lúc tác chiến với hai cuộc
chiến tranh, kết cục đều gặp thất bại, như vậy Trung Quốc có thể dễ dàng
lấy lại khu vực Nam Tây Tạng, Pakixtan cũng có thể hoàn thành việc kiểm
soát hoàn toàn Casơmia. Đây là trung sách, là một biện pháp hay có thể
thực hiện. Nếu tất cả các sách lược trên đều không thể thực hiện, Trung
Quốc có thể tấn công trực diện Ấn Độ để thu hồi Nam Tây Tạng.
Sau
khi kết thúc cuộc chiến tranh thứ nhất và thứ hai, Trung Quốc đã có
thời gian khôi phục và tiếp tục phát triển trong vòng 10 năm, khi đó
Trung Quốc đã là cường quốc mang tầm thế giới cả về kinh tế lẫn quân sự,
duy chỉ có Mỹ và châu Âu là có thể xếp trên Trung Quốc (thời điểm đó
nhiều khả năng châu Âu sẽ hoàn thành nhất thể hoá). Vì vậy, sau khi
thống nhất Đài Loan và thu hồi các đảo tại Biển Đông, kỹ thuật quân sự
của Trung Quốc đã có bước phát triển nhạy vọt, các trang thiết bị vũ khí
hải, lục, không quân và vũ trụ đều có bước tiến dài, nhiều kỹ thuật
quân sự ở vào trình độ dẫn đầu thế giới, khi đó sức mạnh quân sự của
Trung Quốc chỉ có thể xếp sau Mỹ. Với thực lực như vậy, trong cuộc chiến
thu hồi Nam Tây Tạng, Ấn Độ chắc chắn chịu một cuộc đại bại. Thứ nhất,
sức mạnh tổng hợp của Ấn Độ yếu hơn nhiều so với Trung Quốc. Ấn Độ không
có khả năng nghiên cứu, phát triển cũng như độc lập sản xuất các loại
vũ khí mũi nhọn kỹ thuật cao. Năng lực động viên kinh tế cho thời chiến
của Ấn Độ không bằng 1/10 của Trung Quốc, cho nên trong cuộc chiến với
Trung Quốc, Ấn Độ không thể duy trì chiến tranh lâu dài, trong khi đó
khả năng chiến tranh thần tốc của Ấn Độ lại kém xa so với Trung Quốc, vì
vậy trong cuộc chiến này, Ấn Độ thất bại là điều không phải nghi ngờ.
Thứ hai, trong cuộc chiến này, tuyệt đối không có quốc gia nào dám công
khai giúp đỡ Ấn Độ. Khi đó, Trung Quốc đã là cường quốc thế giới, không
có nước nào (kể cả Mỹ) dám công khai coi Trung Quốc là kẻ thù, nhiều khả
năng nhất chỉ có 3 nước là Mỹ, Nga, Nhật Bản sẽ ngấm ngầm cung cấp vũ
khí cho Ấn Độ, nhưng động thái này sẽ không gây ra những vấn đề lớn;
ngược lại Pakixtan có thể nhân cơ hội này tấn công Ấn Độ. Thứ ba, Ấn Độ
không dám và không thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặc dù nói Ấn Độ đã có
vũ khí hạt nhân, nhưng trong cuộc chiến này, Ấn Độ không dám sử dụng vũ
khí hạt nhân, vì vũ khí hạt nhân của Ấn Độ không đủ để huỷ diệt Trung
Quốc; đã không thể huỷ diệt, một khi sử dụng, khả năng phản kích của
Trung Quốc có thể huỷ diệt vĩnh viễn Ấn Độ. Sau khi thu hồi Nam Tây
Tạng, Trung Quốc sẽ đóng trọng binh tại đây, Ấn Độ sẽ không dám phản
công, cuối cùng phải thừa nhận là lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời
tích cực triển khai hợp tác với Trung Quốc, như vậy vẫn có thể bảo toàn
thực lực nước lớn tại khu vực.
Cuộc chiến tranh thứ tư : Thu hồi đảo Điếu Ngư và Lưu Cầu (giai đoạn 2040 - 2045)
Thời
điểm đến giữa thế kỷ 21, Trung Quốc đã là cường quốc thế giới thật sự,
khi đó Nhật Bản, Nga suy yếu; Mỹ, Ấn Độ không phát triển, Trung Quốc và
châu Âu đồng thời nổi lên, là thời cơ tốt nhất để Trung Quốc thu hồi đảo
Điếu Ngư và Lưu Cầu (Nhật Bản gọi là Okinawa) bị Nhật Bản chiếm đóng.
Nói
tới đảo Điếu Ngư và Lưu Cầu, có lẽ nhiều người chỉ biết rằng đảo Điếu
Ngư là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, nhưng lại không biết Nhật Bản đã
xâm chiếm Lưu Cầu. Hiện nay, bất luận là trong diễn đàn nhân dân hay cấp
trung ương, khi đề cập đến vấn đề Đông Hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản,
đề cập đến cái gọi là “đường trung tuyến” do Nhật Bản hoạch định, hay
vấn đề Lưu Cầu, đều bị Nhật Bản dẫn giải sai lầm về lịch sử và chính trị
- tức cho rằng Lưu Cầu là lãnh thổ của Nhật Bản.
Nhật
Bản đã xâm chiếm đảo Điếu Ngư và Lưu Cầu của Trung Quốc nhiều năm qua,
đánh cắp phi pháp nhiều tài nguyên tại Đông Hải của Trung Quốc, vì vậy
đây sẽ là thời điểm thích hợp để lấy lại từ tay Nhật Bản. Vì thời điểm
đó Mỹ muốn can dự cũng khó, châu Âu càng không quan tâm đến vấn đề này,
trong khi đó Nga cũng chỉ có thể ngồi nhìn. Nhiều nhất là trong vòng nửa
năm, cuộc chiến có thể kết thúc, Trung Quốc đại thắng, Nhật Bản đành
phải thừa nhận kết cục thất bại - đảo Điếu Ngư và Lưu Cầu trở về vô điều
kiện với Trung Quốc. Đông Hải trở thành nội hải của Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh thứ năm : Thống nhất Ngoại Mông (giai đoạn 2045 - 2050)
Mặc dù, hiện nay có người cổ vũ Ngoại Mông (Mông Cổ) trở về Trung Quốc, nhưng điều này có hiện thực không?
Trung
Quốc chỉ có thể sau khi thống nhất Đài Loan, lấy hiến pháp và bản đồ
Trung Hoa Dân Quốc làm căn cứ. Như vậy sẽ có người hỏi, vì sao phải lấy
hiến pháp và bản đồ Trung Hoa Dân Quốc làm căn cứ? Làm như vậy khác nào
nói Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị Trung Hoa Dân Quốc thống nhất? Nói
như vậy không có gì vô nghĩa cả, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Trung
Quốc, Trung Hoa Dân Quốc cũng là Trung Quốc, không cần quan tâm ai thống
nhất ai, làm người Trung Quốc, chỉ cần tổ quốc thống nhất, không bị làm
nhục là tốt nhất. Cũng phải biết rằng hiện nay Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa thừa nhận nền độc lập của Ngoại Mông, nếu lấy hiến pháp và bản đồ
của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm căn cứ để thống nhất Ngoại Mông, thì
rõ ràng đây là hành động đi xâm lược, cho nên chỉ có thể lấy hiến pháp
và bản đồ của Trung Hoa Dân Quốc làm căn cứ để tiến hành thống nhất
Ngoại Mông, như vậy xuất quân mới danh chính ngôn thuận. Trung Quốc cần
đề xuất đại cương thống nhất với Ngoại Mông, tạo dựng bầu không khí dư
luận xã hội Ngoại Mông trở về Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm những tộc
người tại Ngoại Mông có mong muốn sáp nhập vào Trung Quốc để ra sức giúp
đỡ, cố gắng để họ có thể tiếp cận tới tầng lớp có quyền quyết sách,
nhằm chuẩn bị tốt cho sự nghiệp thống nhất Ngoại Mông. Bên cạnh đó, sau
khi thu hồi Nam Tây Tạng (dự kiến vào năm 2040) Trung Quốc cũng phải
tuyên bố với các nước trên thế giới rằng Ngoại Mông là lợi ích cốt lõi
của Trung Quốc.
Đương
nhiên, Ngoại Mông có thể ra điều kiện để trở về, như vậy là điều tốt
nhất so với việc phải sử dụng vũ lực để thống nhất. Nếu thế lực bên
ngoài can dự hoặc Ngoại Mông cự tuyệt thống nhất, Trung Quốc cần phải
làm tốt mọi sự chuẩn bị về trang bị vũ khí nhằm thống nhất Ngoại Mông.
Tài liệu cho rằng Trung Quốc vẫn có thể áp dụng mô hình như đã thống
nhất Đài Loan, đưa ra thời hạn cuối cùng để thống nhất là vào năm 2045,
để Ngoại Mông có thời gian mấy năm suy nghĩ, khi đến thời điểm nếu không
chủ động chấp nhận trở về, cuối cùng mới sử dụng vũ lực thống nhất.
Tới
thời điểm đó, 4 cuộc chiến tranh đã kết thúc, Trung Quốc đã có đầy đủ
thực lực về chính trị, quân sự và ngoại giao để thống nhất Ngoại Mông.
Mỹ, Nga suy yếu sẽ không dám tham chiến, chỉ có thể tiến hành phản đối
bằng ngoại giao, trong khi đó châu Âu sẽ giữ thái độ nước đôi, Ấn Độ
không lên tiếng. Không đến 3 năm, Trung Quốc có thể hoàn thành thống
nhất mang tính tuyệt đối đối với Ngoại Mông. Sau khi thống nhất Ngoại
Mông, tuyến đầu sẽ bố trí trọng binh nhằm ngăn chặn Nga, đồng thời trong
vòng 10 năm, ra sức tiến hành xây dựng mang tính nền tảng và thiết bị
quân sự, để chuẩn bị cho sau này tiến hành thu hồi lãnh thổ do Nga xâm
chiếm.
Cuộc chiến tranh thứ sáu : Thu hồi lãnh thổ bị Nga xâm chiếm (giai đoạn 2055 - 2060)
Hiện
nay, Trung-Nga được coi là láng giềng hữu nghị, song chẳng qua là vì có
cùng mục tiêu chống Mỹ, thực chất vẫn tồn tại sóng ngầm và cảnh giác
lẫn nhau.
Sau
khi giành thắng lợi trong 5 cuộc chiến tranh trước đó (khoảng năm
2050), Trung Quốc phải lên tiếng đòi Nga phải trả lại lãnh thổ đã xâm
chiếm của Trung Quốc từ đời nhà Thanh, tạo dư luận trên toàn thế giới có
lợi cho Trung Quốc, nhưng tốt nhất là khiến Nga một lần nữa bị giải
thể, tách thành nhiều nước nhỏ.
Trước
đây, Nga đã xâm chiếm tổng cộng khoảng 1,6 triệu km2 lãnh thổ của Trung
Quốc, tương đương 1/6 tổng diện tích lãnh thổ lục địa của Trung Quốc
hiện nay, Nga vẫn là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Trung Hoa, cho nên
sau khi kết thúc 5 cuộc chiến tranh trước, sẽ là thời điểm thích hợp để
lấy lại lãnh thổ bị Nga xâm chiếm từ đời Thanh.
Mặc
dù thời điểm này các phương diện về hải, lục, không quân và vũ trụ của
Trung Quốc đã vượt Nga, nhưng rõ ràng đây là một cuộc chiến tranh nhằm
vào một cường quốc hạt nhân, cho nên lúc đó Trung Quốc phải huy động mọi
khả năng hạt nhân, như các loại vũ khí có khả năng đánh chặn hạt nhân
tầm xa, tầm trung và tầm ngắn. Khả năng Nga đánh trả khi tiếp cận Trung
Quốc là không thể, vì vào thời điểm này Nga đã không còn là đối thủ của
Trung Quốc, chỉ có thể chấp nhận trả lại phần lãnh thổ đã xâm chiếm của
Trung Quốc, nếu không cái giá phải trả là quá đắt.
Sau
khi kết thúc 6 cuộc chiến tranh, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh
tế và quân sự duy nhất trên thế giới, Trung Quốc cùng với châu Âu, Mỹ,
Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Phi và Braxin thiết lập trật tự thế giới mới
do Trung Quốc chủ đạo./.
Nguồn: “未来50年中国的六场战争:彻底打破世界格局”
Trần Quang (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/1902-sau-cuoc-chien-tranh-trong-50-nam-toi-cua-trung-quoc