Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

26. Giải bài toán kinh tế Việt Nam năm 2011

11:0' 19/8/2011
TCCSĐT - Bên cạnh những cải thiện đang được ghi nhận trong việc kiềm chế sức ép lạm phát, cải thiện cân đối cung - cầu về ngoại tệ, ổn định tỷ giá, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối diện với một số bài toán đang đặt ra hiện nay...

Những bài toán đang cần lời giải
Thứ nhất, sức ép lạm phát tiếp tục kéo dài.
Những động thái như: sức ép từ cung tiền tệ giảm dần do chính sách tài chính - tiền tệ thắt chặt, nhất là việc hạn chế mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% và việc giảm cho vay đầu tư phi sản xuất, tiêu dùng, đặc biệt cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản, cùng với hạn chế đầu tư công, giảm thâm hụt ngân sách, mua sắm trang, thiết bị, chi tiêu công khác, trong khi tăng cường kiểm soát, giảm thiểu tình trạng buôn bán vàng miếng, ngoại tệ không có giấy phép… đang và sẽ góp phần giảm dần tổng cầu trong xã hội và sức ép liên quan đến tiền tệ trong thời gian tới ở nước ta.
Tuy nhiên, sức ép lạm phát do chi phí đẩy lại tăng nhanh bởi gia tăng chi phí đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ tiêu dùng từ các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, điện diễn ra liên tiếp trong tháng 3-2011; từ sự tăng chi phí vốn gắn với cuộc đua lãi suất huy động, cho vay và việc điều chỉnh lương tối thiểu cho công nhân viên chức ở khu vực hành chính, sự nghiệp, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách...
Như vậy, sức ép lạm phát cao có khả năng vẫn duy trì trong thời gian tới do: Xu hướng tăng lạm phát chung của thế giới (lạm phát ngoại nhập); Sự để ngỏ khả năng điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, điện, một số mặt hàng đầu vào và độc quyền khác theo động thái giá thị trường (lạm phát do chi phí đẩy); Sự không ổn định của thời tiết, sâu bệnh mùa màng; Những bất cập trong cơ cấu kinh tế, phối hợp thực hiện chính sách, kể cả có những yếu tố quản lý, tâm lý, đầu cơ thị trường…
Tính chung, mức lạm phát cuối năm so cùng kỳ năm trước sẽ có nhiều khả năng đạt tới trên 15%, tức cao hơn khoảng ¼  mức tương ứng năm 2010 và cao gấp đôi mức kế hoạch đặt ra đầu năm. Đồng thời, mức tăng trưởng GDP cả năm 2011 có thể sẽ thấp hơn năm ngoái do thu hẹp nguồn đầu tư công (theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ) và dòng vốn đầu tư xã hội (bởi lãi suất tín dụng cao) làm hạn chế động lực tăng trưởng.
Thứ hai, sức ép lãi suất cao đối với khu vực ngân hàng, doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và các thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
Nhằm bảo đảm nguyên tắc duy trì lãi suất thực dương, cũng như sức ép thanh khoản của các ngân hàng (nhất là các ngân hàng vừa và nhỏ) và do mặt trái của tác động thu hẹp thị trường vốn bằng vàng và USD, nên lãi suất tín dụng bằng tiền đồng của hệ thống ngân hàng sẽ còn tiếp tục giữ ở mức cao. Lãi suất cao sẽ khiến các ngân hàng chịu nhiều sức ép, trong đó có sức ép cạnh tranh với nhau nhằm duy trì ổn định nguồn vốn huy động và tìm kiếm được khách hàng đủ tin cậy, khả năng chịu được mức lãi vay cao. Trong bối cảnh đó, có nhiều khả năng dòng vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục bị dồn tụ, tập trung thái quá vào một số khách hàng và lĩnh vực kinh doanh, nhất là cho vay phi sản xuất. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đối diện với áp lực ngày càng căng thẳng để trả lãi và thanh toán những khoản nợ đến hạn, mà vẫn phải duy trì được hoạt động, lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu sự căng thẳng lãi suất cao kéo dài quá lâu và quá sức chịu đựng của doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ dẫn tới việc thu hẹp quy mô hoạt động và giảm người lao động.
Trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán các nhà đầu tư cũng không mấy ai dám vay lãi suất cao để đầu tư dài hạn. Nói cách khác, lãi suất cao cũng khiến cho bức tranh toàn cảnh của thị trường chứng khoán và bất động sản những tháng cuối năm 2011 sẽ không mấy sáng sủa, các hoạt  động chủ yếu chỉ có tính “tạo sóng”, “lướt sóng”. Thậm chí, có khả năng nhiều nhà đầu tư không chịu nổi mức lãi suất vay cao, buộc phải “xả hàng và tháo chạy” khỏi thị trường, khiến giá chứng khoán và một số sản phẩm trên phân khúc thị trường bất động sản cao cấp có thể hạ giá khá ấn tượng trong những quý tới.
Thứ ba, thị trường sẽ có nhiều biến động trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết: đến nay, tổng dư nợ của hệ thống tín dụng đang bằng khoảng 1,2 lần GDP Việt Nam (so với một số nước chỉ khoảng 0,6 - 0,7 lần GDP). Một khi tín dụng, nhất là khi nợ công vượt ngưỡng an toàn, cơ cấu dư nợ tín dụng phi sản xuất và có tính đầu cơ tăng cao, đồng thời, còn nhiều tổ chức tín dụng chưa đạt chuẩn tối thiểu về lành mạnh tài chính, hay việc quản trị tùy tiện, giám sát lỏng lẻo, hời hợt, bất chấp các nguyên tắc phát triển bền vững, thì như kinh nghiệm các cuộc khủng hoảng gần đây ở trên thế giới cho thấy sẽ dẫn tới những bất ổn mà bất ổn thị trường lớn nhất và dễ gây tác động xấu là thị trường tài chính.
Thứ tư, quá trình tái cấu trúc kinh tế  gặp nhiều khó khăn.
Với tư cách là quá trình mở và có nội hàm rộng, việc tái cấu trúc kinh tế cả ở cấp độ quốc gia, cũng như cấp độ doanh nghiệp trong thời gian tới ở nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn và có những rủi ro. Trước hết, đó là những định hướng đầu tư gắn với các lợi thế và thị trường truyền thống không còn, trong khi các sản phẩm và thị trường mới lại chưa ổn định và khả năng sinh lợi nhuận không chắc chắn, do đó các doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ phải đối diện với khó khăn không dễ dự liệu (theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 70% doanh nghiệp còn dựa chủ yếu vào các nguồn vốn vay và có tới 1/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận nguồn vốn, nên đầu tư và kinh doanh cầm chừng).
Sự hạn chế nguồn vốn cho tái cấu trúc là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp và các hoạt động tái cấu trúc kinh tế trong bối cảnh lạm phát cao và Chính phủ kiên trì chính sách thắt chặt tài chính tín dụng. Còn lãi suất cao của các khoản vay lại làm tăng độ rủi ro giống như chiếc “bẫy nợ” cho cả nợ công và nợ doanh nghiệp.
Thứ năm, an sinh xã hội bị gia tăng áp lực.
Những người lao động có thu nhập thấp đang và sẽ tiếp tục chịu áp lực kép gia tăng vì thu nhập thực tế bị giảm bởi lạm phát cao (nhất là khi giá cả lương thực, thực phẩm tăng nhanh), công ăn, việc làm trở nên mong manh hơn do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất.
Về xóa đói giảm nghèo, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, hộ nghèo ở nông thôn có thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống, hộ nghèo ở thành thị có thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống; còn hộ cận nghèo ở 2 khu vực này khi có thu nhập lần lượt từ khoảng 401.000 đồng - 520.000 đồng/người/tháng và 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng. Nếu tính theo chuẩn này thì hiện cả nước có 3,1 triệu hộ nghèo, chiếm 14,42%. Các tỉnh có hộ nghèo nhiều nhất là Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như đã phân tích ở trên thì số hộ nghèo, tái nghèo, cận nghèo chắc chắn sẽ tăng lên, và như vậy, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam như Quốc hội đặt ra (giảm 2%) sẽ phải rất nỗ lực mới đạt được.
Tóm lại, Việt Nam đang và sẽ còn đối diện với nhiều bài toán và thách thức, trong khi khả năng huy động và sử dụng các công cụ và nguồn lực để giải quyết lại bị co hẹp hoặc giảm, thậm chí chúng ta lại đang mất đi lợi thế tương đối, vì vậy, đòi hỏi phải có những nhận thức mới cũng như quyết tâm và cách làm mới.
Để giải những bài toán kinh tế hiện nay
Các cấp chính quyền và các bộ, ngành (như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương…) cần nâng cao nhận thức, kiên định mục tiêu phát triển bền vững. Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế và năng lực quản lý, hiệu quả đầu tư nhà nước. Tăng cường công tác thông tin (nhất là chất lượng thống kê), dự báo và phản biện chính sách xã hội trước những biến động nhanh chóng của thị trường, nhất là tác động tiêu cực của những chính sách đang và sẽ triển khai. Tăng cường kiểm tra thị trường, giảm thiểu tình trạng đầu cơ, lũng đoạn và lợi dụng tăng giá tùy tiện. Đồng hành cùng doanh nghiệp, gia tăng các hoạt động bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (nhất là những doanh nghiệp có dự án mà khả năng thu hồi vốn và hiệu quả kinh tế - xã hội cao). Đơn giản hóa những thủ tục vay vốn (đặc biệt là thủ tục tín chấp, quy định về chứng thư bảo lãnh); điều chỉnh thời  hạn cho vay vốn phù hợp với chu kỳ sản xuất... Gia hạn chậm nộp, hoặc miễn giảm các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, cũng tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn vốn giá rẻ để duy trì và mở rộng kinh doanh. Cần đi đúng quy trình an toàn trong hành trình đi tới thị trường cạnh tranh đầy đủ, đó là:
Thứ nhất, cạnh tranh cung ứng trước khi thực hiện giá cả thị trường, nhất là trong ngành điện, xăng dầu.
Thứ hai, nâng, “mềm hóa” trần lãi suất huy động trước khi thả nổi trần lãi suất huy động; đồng thời, trong bối cảnh có tính độc quyền và đầu cơ vốn cao, cần khống chế trần lãi suất cho vay và tăng kiểm soát vĩ mô nhằm hạn chế tình trạng buôn bán vốn lòng vòng và tập trung vào cho vay có nhiều rủi ro.
Thứ ba, bên cạnh việc cấm đầu cơ, huy động và cho vay tín dụng bằng vàng của các ngân hàng, cần sớm xây dựng quy chế và thể chế hóa việc sản xuất, mua bán vàng miếng tập trung do Nhà nước kiểm soát, song vẫn bảo đảm quyền và sự thuận lợi, an toàn về sở hữu vàng chính đáng của người dân. Đồng thời, cần sử dụng nhiều hơn các công cụ kinh tế (mua bảo hiểm tiền gửi bắt buộc ở mức cao và lũy tiến theo quy mô huy động tín dụng và sự lành mạnh của hoạt động tín dụng của ngân hàng; tăng các chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe (những vi phạm quản lý ngân hàng…) và các công cụ hành chính (quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc và khống chế hạn mức tín dụng…) để hướng ngân hàng vào các hoạt động tín dụng mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế.
Nhà nước và mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần coi trọng phát triển hệ thống thông tin và công cụ cảnh báo sớm, xây dựng những kịch bản chủ động ngăn chặn những nguy cơ bất ổn cục bộ và hệ thống, mà trước hết xuất phát từ các khoản nợ công, tín dụng ngắn hạn và cơ cấu nợ tập trung quá mức, sự thiếu hụt khả năng thanh khoản và những bất minh tài chính nội bộ. Tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư, kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng  trong đầu tư xây dựng, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, kể cả những dự án đầu tư ra nước ngoài.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tỉnh táo để  rà soát những dự án đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp, nhất là định hướng kinh doanh, nguồn vốn; giảm thiểu những chi phí không cần thiết để tập trung vốn cho ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính; tăng cường liên doanh, liên kết, sáp nhập và cổ phần hóa; tăng lương và điều chỉnh ca, kíp hợp lý hơn để duy trì được bộ máy sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Tăng cường các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân thông qua việc đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo. Cần bảo đảm dự trữ quốc gia; phát triển hệ thống phân phối nội địa đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu thị trường. Tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời để nhân dân hiểu, đồng thuận về vấn đề giá cả và ổn định thị trường. Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi đưa tin sai sự thật, có yếu tố kích động tăng giá, gây tâm lý bất an trong xã hội, không đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội./.
Nguyễn Minh TâmThS. Thành ủy Hà Nội