Sau
một quá trình đổi mới, cải cách phát triển trong khoảng ¼ thế kỷ, đất
nước đã có bao đổi thay, thế giới cũng có bao thay đổi. Nhận thức của
chúng ta về lịch sử cũng có nhiều điều được bổ sung, nhận thức lại. Nhìn
lại các giáo trình đã viết, những nội dung đã giảng dạy thấy cần phải
sửa chữa bổ sung thậm chí thấy cần phải viết lại cho chính xác, có chất
lượng, có sức thuyết phục.
Công
việc này thực không dễ dàng, số cán bộ công tác từ cuối năm 50, 60 thế
kỷ XX đến nay đã có tuổi, sức đọc viết đã không còn sung mãn; một lớp
trẻ hơn có tích lũy, số lượng còn ít, bận các công tác và cũng có nhiều
việc của cuộc sống lôi cuốn nên còn chưa thể bắt tay tập trung cho công
việc biên soạn một bộ giáo trình mới có thể đáp ứng nhu cầu nâng cao
chất lượng giảng dạy.
I. TƯ DUY CHÚNG TA CHƯA ĐỔI MỚI TƯ TƯỞNG CHÚNG TA CHƯA GIẢI PHÓNG
a. Chúng
ta cũng thừa nhận việc từ bỏ nhận thức, quan điểm cũ đã hằn vết trong
đầu óc của chúng ta đã từng hàng mấy chục năm giảng dạy thật không giản
đơn. Yếu tố tâm lý và cả nhận thức làm chúng ta e dè đổi mới, vì thực ra
“đổi mới tư duy”, “đổi mới” nhận thức không phải dễ dàng. Đó là chưa
nói đến ý thức luôn luôn lạc hậu với tồn tại, là hiện tượng thường xảy
ra trong lịch sử.
b.
Ngành lịch sử chúng ta thật gần gũi và chịu tác động mạnh mẽ của chính
trị. Qua thời gian thực thi đổi mới phát triển chủ yếu là chúng ta thiên
về kinh tế, khoa học kỹ thuật, và thành tựu của chúng ta cũng chủ yếu
về phương diện này, còn về chính trị ta thận trọng với cách lý giải là
“ổn định chính trị” để… phát triển. Ngành lịch sử cả lịch sử Việt Nam và
thế giới đều chưa bắt đầu “đổi mới” được bao nhiêu, ngành lịch sử thế
giới càng hạn chế. Chúng ta lo ngại, thận trọng đến mức an phận “bảo
thủ”, “bảo mạng” và cả nhát gan.
c.
Chúng ta vốn sống và làm việc trong một viện, trường học chịu sự ràng
buộc không tránh khỏi khuôn phép của kỷ luật, cả tự giác và không tự
giác ngay cả nếp suy nghĩ cũng vậy
Ngày
nay đã đến lúc xã hội báo động đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cả nội
dung lẫn phương pháp và cách phân bổ chương trình giảng dạy lịch sử. Các
giáo trình cần được viết lại với quan điểm mới giải phóng tư tưởng khoa
học hơn
II. NHÌN LẠI MỘT SỐ NỘI DUNG LỊCH SỬ CHÚNG TA CẦN ĐỔI MỚI NHẬN THỨC
II.1. Về phong trào dân tộc đấu tranh chống ngoại xâm, sự chọn lựa con đường đấu tranh phát triển của các dân tộc
Trước
hết đây là vấn đề đầu tiên chúng ta phải đối mặt, nhận thức lý giải thế
nào cho có sức thuyết phục. Có những dân tộc ngay từ đầu đã tiến hành
cuộc đấu tranh kiên quyết chống lại sự xâm lược một cách dũng cảm lâu
dài; ta ca ngợi đó là dân tộc mang truyền thống bất khuất. Thế nhưng có
những dân tộc lại đi theo con đường ký hòa ước nhượng bộ, tìm một lối đi
thoát hiểm khác. Và sau một thời gian học tập phương Tây phát triển
kinh tế, họ đã giành lại chủ quyền, xóa đi những hiệp ước bất bình đẳng.
Có bao điều làm chúng ta băn khoăn, thậm chí làm chúng ta lúng túng
trước những câu hỏi của sinh viên; đánh giá là khen các dân tộc khác
thức thời, mềm dẻo khôn ngoan, biết lựa chọn đường đi, thì đánh giá thế
nào về gia tài bất khuất đấu tranh của các dân tộc như dân tộc Việt Nam
đã chọn lựa con đường chiến đấu hy sinh lâu dài gian khổ?
Lịch sử diễn ra với muôn vàn diện mạo phức tạp, nó tuân theo quy luật
phát triển trên những tiền đề điều kiện kinh tế chính trị văn hóa và cả
tâm lý văn hóa, nhận thức cùng những đặc điểm riêng biệt. Có lẽ những
người viết, giảng sử không được khiên cưỡng áp đặt cách nghĩ hay một
khuôn kết luận có sẵn. Lịch sử về phong trào đấu tranh dân tộc chống
ngoại xâm và xuyên suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng giai đoạn sau còn
tồn tại hàng loạt vấn đề đòi hỏi chúng ta phải viết giảng một cách sinh
động lý giải một cách có sức thuyết phục hơn nữa. Chúng ta đã quen với
những kiến thức xưa được trang bị và vận hành suốt một thời kỳ dài!
II. 2. Về sứ mạng lịch sử của chủ nghĩa thực dân đối với châu Á lạc hậu
Đã
từ lâu chúng ta không chịu nhận rõ còn có một vế khác nữa quan trọng
trong hệ luận của Marx ở tác phẩm “Những kết quả tương lai của sự thống
trị của Anh ở Ấn Độ”. Mác đã viết: “Người Anh sẽ phải hoàn thành hai sứ
mệnh ở Ấn Độ: sứ mệnh phá hoại và sứ mệnh xây dựng. Một mặt là phá hoại
xã hội của châu Á, và mặt khác là đặt cơ sở vật chất cho xã hội phương
Tây ở châu Á” (1).
Đó
chính là tổng luận hai mặt nội dung chính của chủ nghĩa tư bản phương
Tây đối với phương Đông.Trong toàn bộ giáo trình viết và giảng dạy lịch
sử trước đây, có lẽ chúng ta chỉ chú trọng nhấn mạnh đến mặt phá hoại,
lên án những mặt xấu xa của chủ nghĩa tư bản thực dân phương Tây mà
thôi. Đó là mặt cần thiết, nhưng “chủ nghĩa tuyệt đối hóa” này lại xa lạ
với phương pháp luận khoa học nhìn nhận hai mặt về chủ nghĩa tư bản
thực dân.
Có
một thời chúng ta cần phải tập hợp lực lượng quần chúng để đánh đổ ách
thống trị của bọn tư bản thực dân nên chúng ta đã lên án gay gắt chủ
nghĩa thực dân. Nhưng hàng trăm năm dưới ách thống trị của chủ nghĩa tư
bản thực dân, dù bị áp bức, bóc lột, kìm hãm, song chúng ta cũng phải
thừa nhận rằng chủ nghĩa tư bản thực dân đã kích thích, cấy trồng một xã
hội mới ở xã hội lạc hậu ở châu Á; đã đầu tư xây dựng, nâng cao sản
xuất xã hội và đã truyền bá cả tư tưởng tự do, dân chủ. Đúng là trong
mỗi bước tiến bộ, mỗi sự thay đổi của xã hội, những người dân lao động
bản xứ đều phải chịu đựng mọi thứ xỉ nhục, mọi sự khổ sở; nhưng dù sao
đó cũng là bước tiến bộ, sự biến đổi của sản xuất xã hội. Trong hàng
trăm năm thống trị của chủ nghĩa tư bản thực dân, thời gian chiến tranh
không thể nào kéo dài hơn thời gian hòa bình được. Vì làm sao con người
có thể sống được khi ngày nào cũng có chiến tranh. Trái lại, con người
cần phải có hòa bình để ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Các
chuyên gia lịch sử thế giới chúng ta chịu sự chi phối bởi quan điểm
sùng bái quá tả, nên chỉ chú ý đến đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân
tộc, chiến tranh, và thường tô đậm những trang sử này. Làm như vậy chính
chúng ta đã thiếu thái độ khoa học, đơn giản hóa lịch sử và làm sai
lệch méo mó cả khuôn mặt lịch sử.
Cũng
do nhận thức của chúng ta áp dụng theo mô hình nhận thức chỉ có đấu
tranh giai cấp mà thôi nên chúng ta cũng cho rằng phong trào giải phóng
dân tộc chỉ là sự đấu tranh đối diện quyết liệt. Nhưng lịch sử đấu tranh
dân tộc lại diễn ra phong phú muôn màu muôn vẻ hơn nhiều.
Đó
là cuộc đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc, đấu tranh bảo vệ văn hóa, đấu
tranh bảo vệ ngôn ngữ, v.v…Ví như ở Việt Nam có phong trào đấu tranh
đòi mở trường học, phát triển văn hóa; phong trào đấu tranh đòi mở
trường học cho nữ sinh quý tộc, phong trào đấu tranh vì ngôn ngữ Bahasa
Indonesia; ở Philippine có phong trào đấu tranh đòi tôn trọng ngôn ngữ
Tagan vì một ngôn ngữ dân tộc.
Về
các cuộc đấu tranh chính trị đòi giành quyền thành lập Quốc hội, Hội
đồng Dân tộc; đấu tranh cho quyền lợi cộng đồng, giành lấy quyền dân tộc
tự trị; trong các giáo trình lịch sử cũng không được chúng ta đánh giá
một cách đầy đủ; Phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Việt Nam, phong trào
Budi Otomo thức tỉnh lương tri ở Indonesia tư tưởng cải cách văn hóa,
cải lương đều không được đánh giá một cách thỏa đáng; ta thường xem đấu
tranh giành quyền thành lập quốc hội, hội đồng dân tộc, cải cách như là
con đường thỏa hiệp, yếu đuối nhu nhược, sai lầm, thậm chí là phản lại
quyền lợi dân tộc .
Nội
dung đấu tranh dân tộc về kinh tế, những yếu tố tích cực của nhân tố tư
bản chủ nghĩa trong quá trình hình thành, phát triển ý thức dân tộc tư
sản hầu như không được chúng ta giới thiệu, xem xét, đánh giá cho đúng
mức. Các đảng dân tộc tư sản ở nhiều quốc gia như Philippine, Ấn Độ,
Indonesia, Trung Quốc cũng không được chúng ta đánh giá bằng quan điểm
lịch sử và đề cao đúng mức ý nghĩa của những nhân tố mới, tích cực trong
các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Ý nghĩa của việc xây dựng
những con đường giao thông thủy, bộ, hàng không để vận chuyển, phát
triển kinh tế; việc xây dựng kinh tế đồn điền; v.v…ở các nước thuộc địa
cũng đều không được chúng ta chú ý đầy đủ.
II.3. Việc xem xét, đánh giá giai cấp phong kiến và triều đại phong kiến
Do
chúng ta chỉ chú ý đến việc phân tích giai cấp, việc sử dụng quan điểm
giai cấp một cách máy móc, giáo điều nên chúng ta đã bị lệ thuộc quá
nhiều vào quan điểm giai cấp cứng nhắc trong khi viết giáo trình lịch
sử. Thí dụ hầu như cứ là giai cấp phong kiến, địa chủ thì đều là phản
động, yếu hèn; cứ là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân thì đều là
tiến bộ; mà ít khi đi vào cụ thể, xem xét tính hai mặt của sự vật, của
giai cấp nhất là khi đứng trước mâu thuẫn giữa dân tộc với chủ nghĩa tư
bản thực dân. Thực ra lịch sử phản ánh rất phong phú, phức tạp, nhiều
màu, nhiều vẻ; và nếu như giai cấp phong kiến phải ký Hiệp ước thua
thiệt, thậm chí phải chịu đầu hàng chủ nghĩa tư bản thực dân thì thường
là trong tình thế họ không thể nào chống lại chúng. Tư tưởng chống đối
lại sự xâm lược, sự thống trị của ngoại bang vẫn tồn tại trong con người
của giai cấp phong kiến, chứ không phải đơn thuần họ chỉ biết đầu hàng,
phản bội lại dân tộc. Thậm chí có nhiều phong trào chống xâm lược của
giai cấp phong kiến mang tính chất anh hùng ca. Chúng ta chưa chú ý
nghiên cứu, truyền đạt lại theo đúng tinh thần lịch sử, ví như Phụ chính
Tôn Thất Thuyết, vua Hàm Nghi, vua Duy Tân ở Việt Nam; vua Ache ở
Indonesia; nhà Mãn Thanh trong cuộc kháng chiến chống Anh, Pháp, chống
Nhật ở Trung Quốc; dòng dõi Đại đế Mogol Bahađua chống Anh ở Ấn Độ
v.v…Nhưng mặt khác chúng ta cũng nên chú ý không nên chiêu tuyết cho một
số kẻ đầu hàng bán rẻ quyền lợi dân tộc.
Phạm
trù nhân dân luôn luôn biến đổi theo từng thời kỳ lịch sử của công cuộc
đấu tranh và tư chất của từng nhân vật lịch sử cụ thể. Chúng ta không
nên giản đơn hóa bộ mặt lịch sử vốn phong phú, đa dạng, đầy bi kịch lịch
sử của con người. Ngày nay khi lục lại nhiều tài liệu của các triều đại
phong kiến xưa, chúng ta thấy có nhiều điều phản ánh sự thật là giai
cấp phong kiến cũng có tinh thần dân tộc. Cách nhìn nhận, phân tích cứng
nhắc cho rằng toàn thể giai cấp phong kiến là xấu xa, phản động. Cách
nhìn nhận đánh giá có lẽ còn để lại nhiều di chứng nên đến cuộc cải cách
ruộng đất năm 1954 đã làm cho chúng ta phạm sai lầm quá “tả”. Về mặt
nhận thức, việc sử dụng quan điểm giai cấp một cách máy móc, giáo điều
đó cũng làm cho chúng ta khó giải thích được những hiện tượng chống thực
dân xâm lược khá phổ biến và quyết liệt của những lãnh tụ lãnh đạo các
phong trào chống thực dân là các tri thức phong kiến, các quan lại phong
kiến, thậm chí là các vua phong kiến nữa như vua Aché ở Indonesia đã
đấu tranh giữ vững được nền độc lập của Vương quốc mình đến tận cuối thế
kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX.
II. 4. Vấn đề trí thức và vai trò của trí thức trong phong trào dân tộc
Đây
là một nội dung rất phong phú và có nhiều yếu tố tích cực. Đó là vai
trò của trí thức trong việc tiếp thu văn hóa, nâng cao nhận thức của dân
tộc.
Thật
vậy, chúng ta cần phải nhận rõ vai trò của trí thức và sự hình thành
đội ngũ trí thức dân tộc. Đó là những người mang trong mình vốn văn hóa
truyền thống của dân tộc và tiếp thu được những tri thức mới của thời
đại, họ trở thành những người lãnh sứ mạng thức tỉnh dân tộc, từ thức
tỉnh cải lương đến thức tỉnh cách mạng. Có hiểu rõ vấn đề này trên dòng
phát triển của lịch sử dân tộc, chúng ta mới hiểu được một sự thật lịch
sử là trong các phong trào dân tộc đều có vai trò tiên phong của các
lãnh tụ xuất thân từ quý tộc, trí thức, vì họ đã được bồi dưỡng tri thức
đầy đủ để lãnh đạo các phong trào dân tộc của nước mình. Hosé Ridan,
Bonifacio, M.Gandhi, J.Nehru, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Tôn Trung
Sơn, Hồ Chí Minh v.v…là những thí dụ cụ thể.
Từ
vấn đề này, chúng ta cũng hiểu được vai trò của văn hóa, của lý luận và
của, giá trị và sức mạnh của tư tưởng. Những người tri thức của thế kỉ
cách mạng mới là những người dùng ngọn đuốc trí tuệ để soi sáng thời
đại. Nhận thức được sức mạnh của quần chúng đã làm cho những người tri
thức lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc, đặc biệt là những người tri
thức nắm vững được và biết vận dụng một cách sáng tạo học thuyết cách
mạng vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, có khả năng tạo nên sức mạnh tổ
chức kì diệu, tạo nên chiến thắng như ở Việt Nam, Trung Quốc,
Indonesia, Ấn Độ. Những gia tài văn hóa dân tộc cũng hội tụ trong các
tầng lớp tri thức dân tộc này một cách mạnh mẽ, nồng đậm
II.5. Vấn đề đánh giá sự thành công của phong trào giải phóng dân tộc
Từ
lâu nay chúng ta thường nhận định rằng phong trào giải phóng dân tộc
chỉ có thể giành được độc lập thực sự, được giải phóng thực sự khi nó
thông qua con đường đấu tranh quyết liệt do giai cấp vô sản lãnh đạo.
Kết luận này đã làm cho chúng ta khó khăn khi phải trả lời bạn bè quốc
tế. Lịch sử đã từng chứng kiến các dân tộc tùy theo điều kiện cụ thể của
nước mình có thể sáng tạo con đường đi của nước họ. Không thể lấy mẫu
hình của dân tộc mình bắt các dân tộc khác phải theo tiêu chí riêng đó.
Mác, Ănghen cũng từng căn dặn chúng ta đừng rập khuôn, máy móc, giáo
điều, ý chí luận: “Chúng ta tự sáng tạo ra lịch sử của chúng ta, nhưng
một là, sáng tạo với những tiền đề và trong những điều kiện hết sức xác
định… Hai là, lịch sử đã diễn ra theo cái hướng là kết quả cuối cùng
luôn luôn phát sinh từ những sự xung đột giữa nhiều ý chí cá nhân, mỗi ý
chí cá nhân này lại do nhiều điều kiện sinh sống đặc biệt tạo ra. Do đó
co rất nhiều lực chống đối lẫn nhau, một loạt vô tận những hình bình
hành lực là những cái tạo nên một hợp lực, tức là sự biến lịch sử ” (2).
Cả
triều sóng cách mạng dâng lên một cách mạnh mẽ sau năm 1945, cũng như
các cuộc đấu tranh giành được độc lập của các quốc gia ở các châu lục
với muôn màu muôn vẻ diễn ra trong mấy thập kỷ vừa qua; tất cả đã cho
phép chúng ta điều chỉnh nhận thức hệ luận của chúng ta.
Mọi
con đường đi của các dân tộc bị áp bức trên thế giới này đều hướng tới
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc; nhưng mỗi dân tộc lại căn cứ vào những điều
kiện lịch sử riêng của nước mình để sáng tạo nên những con đường đi khác
nhau để tới Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Chúng ta không nên cố chấp, vì
nếu cô chấp trong biên soạn các giáo trình lịch sử, chúng ta sẽ vô tình
làm cho các giáo trình lịch sử này trở thành đơn điệu, mất đi vẻ đa
dạng, phong phú vốn có của nó.
Có
lẽ cũng chính vì lẽ đó, chúng ta đã khó khăn khi phải giải thích để các
bạn bè châu Mỹ La tinh hiểu khi chúng ta đưa ra kết luận: Việt Nam là
nước đột phá chọc thủng mắt xích đầu tiên của chủ nghĩa thực dân trên
thế giới (3).
Cách
đánh giá chỉ xem nước mình, dân tộc mình là tối ưu, là duy nhất, có lẽ
đã hạn chế tầm nhìn, thái độ thực sự cầu thị học hỏi của chúng ta, nó
cũng hoàn toàn xa lạ với nguyên tắc khiêm tốn học hỏi của nhận thức khoa
học.
II.6. Về cuộc Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết
Đây
là vấn đề đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc Cách mạng tháng
Mười Nga đối với phong trào giải phóng dân tộc, một vấn đề vừa có tính
khoa học vừa có tính chất đạo lý phương Đông.
Liên
Xô là một thực thể lịch sử xuất hiện nhờ có cuộc Cách mạng tháng Mười
Nga năm 1917. Ở nước ta hiện nay cũng đang có khuynh hướng muốn phủ nhận
những tác động to lớn do sự tồn tại trong 70 năm của nhà nước đầy sức
mạnh và cũng đầy những khiếm khuyết này. Về vấn đề sự xuất hiện, sự tồn
tại cũng như sự tiêu vong của Liên Xô sẽ còn là vấn đề cần phải tranh
luận rất nhiều để có được những nhận thức đúng đắn, khoa học. Nhưng theo
chúng tôi, chúng ta không được phép nghi ngờ rằng chính sự tồn tại của
nhà nước vô sản to lớn đần tiên này trên thế giới đã cổ vũ cho phong
trào giải phóng dân tộc và đã đóng góp, tạo nên sức mạnh để cho phong
trào phát triển tạo lực thành bão táp cách mạng, giành thắng lợi vẻ
vang. Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Indonesia, v.v…giành
được Độc lập, Tự do chính là nhờ có sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp
về vật chất cũng như về tinh thần của Liên Xô. Chúng ta là những người
làm lịch sử. Chúng ta cần xử lý một cách đúng đắn vấn đề này.
II.7. Thái độ khoa học nhận thức vể chủ nghĩa Mác
Chủ
nghĩa Mác là một học thuyết khoa học những phát sinh phát triển ở châu
Âu giữa thế kỉ XIX. Học giả trên thế giới ngay cả học giả tư sản cũng
thừa nhận thiên tài của Mác về học thuyết kinh tế (4). Hồ Chí Minh đã có
nhận xét rất khoa học là: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một
triết lý nhất định của lịch sử, những lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà
châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”… Dù sao thì cũng
không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa
thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được… Xem xét
lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học
phương Đông” (5).
Chúng
ta trong khi viết các giáo trình hầu như còn bị ảnh hưởng khá nặng nề
tư tưởng thuyết thuật, nặng nề diễn dịch nguyên bản và đưa vào phân
lượng quá nhiều mà chưa có cách nhìn chọn lựa phù hợp với lịch sử để từ
đó chúng ta viết nên những bộ giáo trình mang tính khoa học sâu sắc.
CHÚ THÍCH
(1) Mác – Ănghen: Tuyển tập, tập I, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 426.
(2) Mác – Ănghen: Tuyển tập, tập II, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 595-596.
(3) Nguyễn Văn Hồng: Sử học nhìn lại để đổi mới chủ đề và tư duy nghiên cứu, Nghiên cứu lịch sử số 5 (58), tháng IX – X/1991, tr. 44-45.
(4) Tham khảo Fareed Zakaria: Thế giới hậu Mỹ, NXB Tri thức 2009, Hà Nội.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập I, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.465.
(*): PGS Nguyễn Văn Hồng-Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN