Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Công xã Pa-ri: kiểu mẫu vĩ đại nhất của phong trào vô sản thế kỷ XIX (*)



TCCSĐT - Lần giở lại những trang lịch sử thế giới cận đại, Công xã Pa-ri 1871 để lại cho người đọc những cảm xúc thật đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên giai cấp vô sản trên thế giới đứng lên tiến hành cuộc cách mạng lật đổ giai cấp tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản, thành lập Công xã. Dù chỉ tồn tại vẻn vẹn có 72 ngày, nhưng những chính sách của Công xã Pa-ri về xây dựng nhà nước kiểu mới, về phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá giáo giục, chính sách đối với người lao động, v.v.. là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng các nền chuyên chính vô sản sau này.
Với âm mưu mở rộng bành trướng ra bên ngoài, ngày 19-7-1870, Na-pô-lê-ông III(1) tuyên chiến với Phổ, mở đầu cuộc chiến tranh Pháp - Phổ(2). Ngay từ đầu cuộc chiến tranh, quân Pháp đã bị tổn thất nặng nề. Ngày 1-9-1870, trong trận Xơ-đăng, quân Pháp bại trận. Nhân cơ hội đó, ngày 4-9-1870, nhân dân Pa-ri lập tức vùng lên khởi nghĩa, lật đổ nền đế chế thứ II, thành lập nước Cộng hoà Pháp lần thứ ba. Để bảo đảm cho nền cộng hoà vừa mới thành lập, đồng thời xoa dịu dân chúng, giai cấp tư sản Pháp đã thành lập Chính phủ vệ quốc. Với động thái này, nhân dân Pa-ri và giai cấp công nhân Pháp hy vọng Chính phủ sẽ đảm đương được trọng trách bảo vệ Tổ quốc trước sức ép của quân Phổ. Nhưng trên thực tế, Chính phủ Vệ quốc không có bất cứ hành động nào chống lại quân xâm lược, ngược lại, ngầm có hành động bán nước. Trong khi đó ở ngoài mặt trận, quân Pháp đang bị thua liên tiếp, quân Phổ theo đà thắng lợi tiến rất nhanh vào lãnh thổ Pháp, chỉ trong một thời gian ngắn đã chiếm 1/3 lãnh thổ và vây chặt Pa-ri. Hơn lúc nào hết, Pa-ri tráng lệ đang đứng trước thử thách vô cùng nghặt nghèo. Trong thời khắc lịch sử quan trọng đó, nhân dân và giai cấp công nhân Pháp đã đứng lên khẳng định sức mạnh của mình trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền dân tộc. Với tinh thần xả thân vì nước, rất nhanh chóng, giai cấp công nhân Pháp đã tổ chức được 194 tiểu đoàn Vệ Quốc quân(3) với quân số lên tới 30 vạn người.
Tháng 2-1871, A.Chi-e(4) công khai đầu hàng và ký hoà ước với quân xâm lược, đồng ý bồi thường 5 tỉ Phơ-răng, cắt nộp hai tỉnh An-dát và Lo-ren cho Phổ và giải giáp quân đội chính quy của Chính phủ Vệ quốc. Lúc này, Vệ quốc quân trở thành trở ngại cho chính sách đầu hàng của Chính phủ bán nước. Do vậy, những người đứng đầu Chính phủ bán nước tìm mọi cách tiêu diệt lực lượng Vệ quốc quân. Theo đó, 3 giờ sáng ngày 18-3-1871, quân Chính phủ do Tư lệnh bảo vệ Pa-ri Vê-nua chỉ huy đánh lén vào các trận địa pháo của Vệ quốc quân. Một đội cảnh sát và một số quân thường trực do đích thân Vê-nua chỉ huy đánh vào cao điểm Mông-mác(5) ngoại thành Pa-ri về phía bắc. Sau gần 5 giờ tấn công, quân Chính phủ đã chiếm được cao điểm Mông-mác. Để đối phó với tình hình, Ủy ban Trung ương Vệ quốc quân điều lực lượng đến chi viện cho Mông-mác. Có được lực lượng tăng cường, các chiến sĩ Vệ quốc quân tiến hành phản công, nhanh chóng chiếm các cơ quan Chính phủ, quảng trường, nhà ga và các trại lính.
Trên đà thắng lợi, đặc biệt là được sự cổ vũ của quần chúng, đến chiều ngày 18-3-1871, Ủy ban Trung ương Vệ quốc quân ra lệnh cho các tiểu đoàn tiến vào trung tâm thủ đô Pa-ri. Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Vệ quốc quân, từ các ngả ngoại ô ồ ạt kéo vào thành phố. Mọi sự kháng cự của quân Chính phủ đều bị đè bẹp. Đến 3 giờ chiều cùng ngày, Chi-e cùng tàn dư của sư đoàn quân chính quy vội vã rút về Véc-xây trong cơn hoảng loạn. 21 giờ tối ngày 18-3, các cánh quân khởi nghĩa tập trung về Toà thị chính. Lá cờ đỏ được kéo lên, cả Pa-ri vang dậy tiếng hô “Cách mạng 18-3 muôn năm”.
Như vậy, cuộc khởi nghĩa 18-3-1871, ban đầu chỉ là sự trả lời tự phát của quần chúng lao động chống lại sự tấn công của tư sản Pháp, nhưng sau đó, trong quá trình đấu tranh, Ủy ban Trung ương Vệ quốc quân đã nắm lấy quyền lãnh đạo cuộc vận động này... Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền giai cấp tư sản bị lật đổ ở một trong những thủ đô lớn nhất(6) trên thế giới.
Sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản Pháp nhanh chóng tiến hành lật đổ bộ máy nhà nước tư sản, xây dựng nền chuyên chính vô sản. Ngày 26-3-1871, Pa-ri tổ chức bầu cử Công xã. Nhân dân lao động lần đầu tiên được thực hiện quyền lợi thiêng liêng của mình. Cuộc tổng tuyển cử theo lối phổ thông đầu phiếu cho mọi công dân từ 18 tuổi trở lên đã diễn ra trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp. Ngày 28-3-1871, Hội đồng Công xã gồm 85 đại biểu long trọng ra mắt quốc dân(7). Sự hân hoan của nhân dân Pa-ri trước sự ra đời của Công xã được thể hiện: “Tiếng hoan hô vang dậy “Công xã muôn năm”! Tiếng đại bác chào mừng rung chuyển đất trời. Các đoàn quân nhạc cử Quốc ca (bài Mac-xây-e). Hàng mấy trăm ngàn người đồng thanh hát theo như sấm động. Từ năm 1790(8) đến lúc này, chưa bao giờ Pa-ri lại phấn khởi và xúc động đến thế. Tim mọi người như ngừng đập, nước mắt trào lên mi”(9).
Ngay sau khi ra đời, Công xã Pa-ri đã đề ra nhiều chính sách nhằm xây dựng một nhà nước kiểu mới. Trong mọi hoạt động của mình, Công xã đều dựa vào những sáng kiến và sức mạnh của quần chúng. Trước hết, để bảo vệ chính quyền vô sản, tránh sự đàn áp của bọn tư sản và địa chủ, Công xã chú ý đến nhiệm vụ vũ trang toàn dân. Sắc lệnh đầu tiên của Công xã là quyết định thủ tiêu quân đội nhà nghề- công cụ mù quáng của giai cấp thống trị - thay thế bằng Vệ quốc quân, một quân đội con em của nhân dân. Cùng với đó, Công xã cũng tiến hành giải tán lực lượng cảnh sát cũ và dựa vào nhân dân vũ trang để bảo vệ trật tự trị an xã hội. Có thể nói, trước Công xã Pa-ri, chưa bao giờ vị trí, vai trò của nhân dân lại được đề cao như vậy. Đó là một trong những tiến bộ lớn nhất của Công xã Pa-ri 1871.
Để tỏ rõ tính ưu việt của Công xã, bộ máy nhà nước theo hình thức Nghị viện tư sản được thay thế bằng Hội đồng Công xã. Đây là cơ quan cao nhất của nhà nước vô sản do tuyển cử phổ thông bầu ra. Hội đồng Công xã ban bố luật pháp và lập những uỷ ban để thi hành luật pháp. Có tất cả 10 ủy ban(10) do Uỷ viên Công xã đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Hội đồng Công xã. Những người đứng đầu này phần đông là công nhân, còn lại là những người được thừa nhận làm đại biểu của giai cấp công nhân, đều do tuyển cử mà ra và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào khi mất tín nhiệm. Ngoài ra, Hội đồng Công xã còn ra sắc lệnh tách Nhà thờ khỏi những hoạt động của Nhà nước, đóng cửa toà án tư sản, huỷ bỏ ngân sách về tôn giáo,v.v...
Về kinh tế - xã hội, Hội đồng Công xã giao quyền quản lý các xí nghiệp, nhà máy mà chủ tư bản bỏ trốn cho công nhân. Ở các nhà máy, xí nghiệp mà chủ tư bản đang làm chủ, Hội đồng Công xã quản lý chế độ tiền lương công nhân, nghiêm cấm cúp phạt dưới mọi hình thức đối với công nhân, cấm làm việc ban đêm (Sắc lệnh ngày 20-4-1871). Hội đồng Công xã ban bố chế độ ngày làm việc 8 giờ và điều chỉnh mức lương cho công nhân theo năng lực chuyên môn và tính chất công việc. Hội đồng Công xã cũng quy định giá cả lương thực, thực phẩm và hoãn trả các khoản nợ trước đây; bãi bỏ dịch vụ cầm đồ, trả lại đồ cầm cho công nhân; thay đổi điều kiện ăn ở cho người nghèo; bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ; xây dựng các cơ sở giữ trẻ cho con em công nhân...
Về văn hoá - giáo dục, Hội đồng Công xã ra sắc lệnh tách nhà thờ khỏi hệ thống giáo dục, thay thế đội ngũ giáo viên là cha cố bằng giáo viên mới, tăng lương cho giáo viên. Hội đồng Công xã ra sắc lệnh quy định chế độ giáo dục bắt buộc, miễn phí đối với lứa tuổi học sinh. Ngày 2-5-1871, Hội đồng Công xã quyết định thành lập 2 trường trung học chuyên nghiệp.
Ngày 21-5-1871, Hội đồng Công xã ra sắc lệnh thủ tiêu việc kinh doanh nghệ thuật tư nhân và trực tiếp quản lí các công trình, di sản văn hoá cũng như các hoạt động nghệ thuật để phục vụ đông đảo quần chúng; khuyến khích các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm văn học phục vụ cho sự nghiệp của Công xã, và bài Quốc tế ca của Ơ-gien Pô-chi-ê đã ra đời trong hoàn cảnh lịch sử ấy.
Với những gì đã làm được, Công xã Pa-ri đã chứng minh đó là một nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản, là nhà nước của quần chúng cần lao, được nhân dân lao động và công nhân nhiều nơi trên thế giới đồng tình, ủng hộ noi theo. Ở Đức, những hội nghị quần chúng của công nhân bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ Công xã Pa-ri diễn ra ở nhiều thành phố lớn. Những lãnh tụ của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Đức là F.A.Bê-ben và W.Lip-nêch cũng lên tiếng bênh vực sự nghiệp của Công xã. Trong diễn văn ở Quốc hội đầu tiên của Đức, Bê-ben nói: “Các bạn hãy tự tin chắc rằng tất cả giai cấp vô sản châu Âu và bất cứ ai còn giữ trong tâm hồn mình tình yêu đối với tự do và độc lập thì đều hướng về Pa-ri. Và nếu như trong lúc này, Pa-ri bị đàn áp thì tôi xin nhắc để các bạn biết rằng cuộc đấu tranh ở Pa-ri chỉ mới là trận giao tranh ở tiền đồn mà thôi...”. Nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa Bun-ga-ri Cri-xtô Bô-chi-ep, nhân danh cá nhân và các đồng chí mình, gửi điện chào mừng Công xã với nội dung: “Công xã Bun-ga-ri gửi lời chào hữu nghị và nhiệt tình. Công xã muôn năm!”. Chi bộ Li-e-giơ của Quốc tế thứ nhất nhân danh công nhân Bỉ viết thư cho Công xã, nhấn mạnh: “Mọi trái tim của giai cấp vô sản đều hướng về các bạn”,v.v...
Trước sự ra đời của chính quyền vô sản, kẻ thù trong và ngoài nước đã câu kết với nhau tìm mọi cách lật đổ Công xã Pa-ri. Ngày 10-5-1871, Chi-e câu kết với bọn xâm lược Phổ, theo đó phía Phổ phóng thích hơn 10 vạn tù binh Pháp, vũ trang cho họ quay về đàn áp Công xã Pa-ri. Ngày 20-5-1871, Chi-e hạ lệnh tổng tấn công vào Công xã. Từ đây, khói lửa của bom đạn bao trùm lên Công xã.
Để tỏ lòng đoàn kết với nhân dân Pa-ri, nhiều nhà cách mạng nước ngoài đã sát cánh cùng nhân dân Pháp chiến đấu. Già trẻ, gái trai đều trở thành các chiến sĩ của Công xã. Chính tinh thần chiến đấu dũng cảm quên mình vì Công xã của nhân dân và công nhân Pa-ri đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Tuy nhiên, trước sức mạnh của kẻ thù, ngày 23-5-1871, Mông-mác thất thủ. Ngày 24-5, quân địch tấn công vào Toà thị chính. Ngày 27-5 chúng chiếm được những vị trí chủ chốt ở Pa-ri. Đến thời điểm này, những chiến sĩ cuối cùng của Công xã phải cố thủ ở lăng mộ Pe La-se-dơ (Père Lachaise). Ngày 28-5-1871, trong một trận giao chiến quyết liệt với quân địch, 147 chiến sĩ Công xã đã hy sinh ở góc tường phía đông nam của lăng mộ. Sau này, nhân dân gọi góc tường này là “Tường Công xã Pa-ri”.
Công xã Pa-ri là cuộc cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản trên thế giới, tuy không thực hiện được những chính sách đề ra, nhưng có thể nói, với tất thảy những gì làm được, Công xã Pa-ri 1871 xứng đáng là dấu son chói lọi trong lịch sử thế giới cận đại. Đánh giá vai trò lịch sử của Công xã Pa-ri, năm 1908, V.I. Lê-nin cho rằng Công xã Pa-ri là kiểu mẫu vĩ đại nhất của phong trào vô sản vĩ đại nhất trong thế kỷ XIX.
Đã 140 năm trôi qua, thế giới có biết bao đổi thay, nhưng những bài học kinh nghiệm mà Công xã Pa-ri để lại đến nay vẫn nguyên giá trị, nó không chỉ làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà rất cần được chắt lọc, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng như trên thế giới./.
--------------------------------------------------------
(1) Ngày 2-12-1852, Lu-i Bô-na-pac (Louis Bonaparte) lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Na-pô-lê-ông III, lập ra nền Đế chế thứ II. Đây là nền Đế chế phản động của giai cấp tư sản Pháp.
(2) Mục đích của cuộc chiến tranh này là nhằm cứu vãn sự sụp đổ của nền Đế chế thứ II, xoa dịu những mâu thuẫn trong nước đang phát triển tới mức gay gắt, hướng sự chú ý của các tầng lớp xã hội vào cuộc chiến tranh, tăng thêm uy tín và vị thế của nền Đế chế II cũng như giai cấp tư sản Pháp trên trường quốc tế...
(3) Vệ quốc quân bầu ra cơ quan lãnh đạo của mình là Ủy ban Trung ương Vệ quốc quân.
(4) A.Chi-e ( Louis Adolphe Thiers) (1797-1877) nguyên là một luật sư, ký giả và sử gia, bắt đầu hoạt động chính trị từ thời Phục hưng (1815- 1830). Sau cách mạng 4-9-1870, Chi-e có ảnh hưởng lớn tới chính sách của Chính phủ Vệ quốc. Chi-e là một người xảo quyệt, tàn nhẫn, tham lam, không từ một thủ đoạn nào để thăng quan phát tài, đồng thời là kẻ tử thù của dân chủ, giai cấp công nhân. C.Mác đã tóm tắt cả “tài đức” của Chi-e trong một câu: “Chi-e chỉ trung kiên trong sự tham lam của cải và trong sự thù ghét những người làm ra của cải”.
(5) Mông-mác là một cao điểm thuộc phòng tuyến phòng vệ phía bắc cửa ngõ Pa-ri.
(6) Lịch sử thế giới cận đại (1871- 1918), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1992, tr 9.
(7)Trong số đó, 25 đại biểu là công nhân, 30 đại biểu là tri thức, 15 đại biểu là tư sản nhưng sớm từ chức, còn lại là các đại biểu thuộc mọi giới khác nhau. Hội đồng Công xã đóng vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của Pa-ri cách mạng. Trong Hội đồng Công xã có các uỷ ban phụ trách các vấn đề khác nhau của bộ máy nhà nước như: quân sự, bưu điện, lao động xã hội, tài chính, giáo dục, nghệ thuật...
(8)Lễ liên minh ngày 14-7-1790 đánh dấu sự hình thành quốc gia dân tộc tư sản Pháp.
(9) Lịch sử thế giới cận đại (1871- 1918): Sđd, tr10.
(10) Ủy ban Quân sự, Ủy ban An ninh xã hội, Quan hệ đối ngoại, Tư pháp, Tài chính, Công thương nghiệp, Lương thực, Giáo dục, Dịch vụ xã hội, Cứu quốc.
(*) Lê Văn Phong
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam