Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

HƯỚNG DẪN LÀM CÁC DẠNG BÀI TẬP LỊCH SỬ


HƯỚNG DẪN LÀM CÁC DẠNG BÀI TẬP LỊCH SỬ



  Võ Minh Tập

LỜI DẪN

Giống như các bộ môn khác, môn lịch sử cũng có các dạng bài tập cơ bản thường gặp trong các kì kiểm tra hay trong các kỳ thi. Mỗi dạng bài tập có những đặc trưng và yêu cầu riêng. Tuy nhiên có một thực tế là khi làm bài thì nhiều em không chú ý đến vấn đề này mà chỉ quan tâm đến những sự kiện lịch sử được nêu ở trong đề bài dẫn đến lúng túng trong cách giải quyết vấn đề. Vì vậy, chuyên đề này sẽ cung cấp cho các em một số các bài tập lịch sử chúng ta thường gặp trong chương trình lịch sử ở trường phổ thông và cách giải quyết từng loại bài tập đó.

PHẦN NỘI DUNG

I.                   Một số dang bài tập lịch sử
I.1. Dạng đề trình bày
I.1.1. Khái niệm: Trình bày là tái hiện những vấn đề, những sự kiện, hiện tượng lịch sử đúng như nó đã từng diến ra.
Tức là ta trả lời câu hỏi sự kiện đó diễn ra như thế nào? Đây là loại bài phổ biến nhất thường gặp sau các bài học và trong bài học lịch sử thường trình bày khái quát hoặc là tóm tắt chứ không có điều kiện để trình bày chi tiết vì bản thân bài sử trong sách giáo khoa được học đã là tóm tắt rồi. Còn hiện thực lịch sử nó rất phong phú, đa dạng, đa chiều và chi tiết đến từng ngày giờ.
I.1.2. Các dạng trình bày thường gặp.
Vì đây là loại bài phổ biến nên cũng có các dạng phong phú. Ví dụ trình bày về các sự kiện lịch sử. Sự kiện đó có thể là một trận đánh, một cuộc cách mạng, một cuộc cải cách hay một giai đoạn lịch sử hoặc trình bày một vấn đề lịch sử nào đó
Ví dụ:
1.       Trình bày công cuộc cải tổ của Liên xô từ 1985 – 1991. (tức là yêu cầu chúng ta trình bày một sự kiện lịch sử).
2.       Trình bày quá trình giai cấp công nhân Việt Nam vươn lên từ đấu tranh tự phát đến đấu tranh tự giác. (tức là trình bày về một vấn đề lịch sử).
Thông thường khi trình bày một sự kiện lịch sử, chúng trình bày những nội dung sau:
-          Trình bày hoàn cảnh lịch sử.
Một nguyên tắt khi trình bày một sự kiện lịch sử không thể tách rời hoàn cảnh lịch sử, vì hoàn cảnh lịch sử sẽ quyết định nội dung của sự kiện. Sự kiện lịch sử không còn ý nghĩa nếu mà ta đặt ngoài bối cảnh xuất hiện của nó.
Phần này ta trình bày những nét chính, những nét khái quát về tình hình trong nước và tình hình thế giới tác động đến sự kiện đó.
-          Trình bày diễn biến: phải tuân thủ nguyên tắt biên niên (tức là sự kiện nào có trước thì nói trước, sự kiện nào có sau thì nói sau) vì mỗi chuỗi sự kiện bao giờ cũng có mối liên quan, chặt chẽ với nhau. Ngoài ra ta còn đảm bảo tính hệ thống và tính chính xác.
-          Trình bày kết quả và ý nghĩa. Thường ta nêu ra những con số cụ thể hay những nội dung chính của ý nghĩa. Và trong khi trình bày ý nghĩa, ta phải kết hợp phân tích, đánh giá để thể hiện rõ lập trường của mình về vấn đề đó.
I.1.3. Một số lưu ý khi làm bài tập dạng trình bày:
+ Trình bày phải lựa chọn những sự kiện tiêu biểu, mức độ khái quát đến đâu thì phải tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của đề và thời gian làm bài.
+ Người trình bày phải thể hiện quan điểm của mình ở mức độ nhất định. Vì thế khi trình bày, thường kết hợp phân tích và đánh giá. Phần này quyết định độ sâu của bài làm. Nhiều người cho rằng thể loại bài trình bày này không thể hiện sự phân hóa học sinh, nhưng thật ra không hẳn là như vậy vì một bài làm trình bày tốt là bài làm chọn được những sự kiện tiêu biểu và có thể hiện được đánh giá của mình vào bài làm. Điều đó cho thấy học sinh đó không chỉ dừng lại ở việc biết lịch sử mà còn ở mức độ là hiểu lịch sử.
+ Thực tế có một số đề dùng từ “trình bày”, có đề không nói từ này nhưng thực chất vẫn là trình bày một vấn đề lịch sử.
Ví dụ: Có đề yêu cầu: Cuộc nội chiến ở Trung Quốc sau 1945 và sự thành lập nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
I.1.4. Bài tập thực hành.
ĐỀ: Trình bày quá trình giai cấp công nhân Việt Nam vươn lên từ đấu tranh tự phát đến đấu tranh tự giác.
Hướng dẫn làm bài
+ Xác định giai cấp công nhân ra đời từ bao giờ và có đặc điểm gì?
+Thời gian họ vươn lên từ đấu tranh tự phát lên tự giác là trong khoản thời gian nào? Và đến mốc nào là công nhân hoàn thành quá trình này? Lưu ý là ta cũng chọn những sự kiện tiêu biểu nào của phong trào công nhân để đưa vào bài làm.
a) Sự hình thành giai cấp công nhân Việt Nam
+ Do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp  (1897 đến trước 1914) đã dẫn đến sự phân hóa trong xã hội Việt Nam và giai cấp công nhân ra đời.
+ Đặc điểm của giai cấp công nhân:
·         Có đặc điểm chung của giai cấp công nhân quốc tế như đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ nhất trong xã hội, sống tập trung, có ý thức tổ chức kĩ luật và tinh thần cách mạng triệt để.
·         Đặc điểm riêng: Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa.
- Chịu 3 tầng áp bức của đế quốc, phong kiến và tư sản nên nguyện vọng của họ phù hợp với nguyện vọng quần chúng, lợi ích của học phù hợp với lợi ích dân tộc.
- Họ có nguồn gốc từ nông dân nên họ dễ dàng thực hiện liên minh công-nông.
- Trong thành phần, không có công nhân quý tộc, thuần nhất về ngôn ngữ giúp họ đoàn kết trong đấu tranh.
- Họ ra đời trước giai cấp tư sản Việt Nam và ngay từ khi mới ra đời họ mang trong mình truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc và sớm chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng vô sản nên có khả năng gương cao ngọn cờ cách mạng.
b) Quá trình công nhân vươn lên từ tự phát đến tư giác
* Từ 1919-1925
+ Năm 1920, công nhân Sài Gòn lập ra công hội bí mật do Tôn Đức Thắng đứng đầu.
+ Năm 1922, công nhân Bắc Kì đấu tranh đòi chủ cho nghĩa ngày chủ nhật có lương. Tiếp đó là cuộc bãi công ở các nhà máy dệt, rượu, xay xát Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội.
+ Tháng 8-1925, Công nhân Ba Son bãi công nhằm ngăn chặn tàu Pháp chở lính sang đàn áp phong trào của công nhân Trung Quốc đã đánh dấu bước chuyển từ từ phát sang tự giác.
Nhận xét: Phong trào công nhân thời kì này diễn ra còn lẻ tẻ, chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, nặng đấu tranh về kinh tế, còn mang tính tự phát, giai cấp công nhân chưa trở thành một lực lượng chính trị độc lập.
* Từ 1926-1929
+ 1926-1927, bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, tiêu biểu như cuộc bãi công của 1000 công nhân nhà máy sợi Nam Định,  500 công nhân đồn điền cao su Cam Tiên, cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cà phê Rayna…
+ 1928-1929, toàn quốc có 40 cuộc đấu tranh từ Bắc vào Nam, lớn nhất là ở nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy sợ Nam Định, nhà máy diêm Bến Thủy, nhà máy Ba Son, đồn điền Phú Riềng.
Nhận xét: Phong trào công nhân thời kì này có sự phát triển về số lượng và chất lượng. Phong trào phát triển vượt ra ngoài phạm vi một xưởng bắt đầu liên kết được với nhiều địa phương. Tại nhiều nhà máy xí nghiệp có sự lãnh đạo đấu tranh của các tổ chức Thanh Niên và Tân Việt, khẩu hiệu đấu tranh đã kết hợp mục tiêu kinh tế với mục tiêu chính trị. Giai cấp công nhân trở thành một lực lượng chính trị độc lập.
Sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước đặt ra nhu cầu phải có một chính Đảng cách mạng đứng ra lãnh đạo. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của hai tổ chức Thanh Niên và Tan Việt, dẫn tới sự ra đời của ba tổ chức cộng sản cuối 1929. Cuối cùng 3 tổ chức này đã được hợp nhất thành Đảng cộng sản Việt Nam.
c) Kết luận
Với sự ra đời của Đảng, giai cấp công nhân đã có bộ tham mưu lãnh đạo, có cương lĩnh cách mạng cụ thế, với ý nghĩa đó, giai cấp công nhân đã hoàn thiện quá trình từ tự phát lên tự giác, bước lên vũ đài lịch sử đảm nhận lịch sử vẻ vang của giai cấp mình.

I.2. Dạng đề phân tích
I.2.1. Khái niệm: Phân tích là dùng toàn bộ hiểu biết của mình để khám phá bản chất sự kiện đó, để đánh giá tác động của nó đến lịch sử, khi phân tích phải dùng lý lẻ, luận điểm chắc chắn, khoa học để suy xét.
Dạng phân tích thì yêu cầu sẽ cao hơn dạng trình bày, đòi hỏi học sinh không chỉ biết sự kiện mà còn phải hiểu sự kiện đó. Biết vận dụng các kỹ năng để phân tích. Vì vậy, khi phân tích nó thường đi liền với trình bày và so sánh.
I.2.2.Các dạng phân tích thường gặp
·         Phân tích nguyên nhân bùng nổ, nguyên nhân thành công, thất bại.
Ví dụ: Phân tích những nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
·         Phân tích ý nghĩa lịch sử.
Ví dụ: Phân tích ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
·         Phân tích một vấn đề lịch sử.
Ví dụ: Phân tích vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam (1911-1930).
I.2.3.Một số vấn đề lưu ý khi làm bài phân tích.
+ Nắm chắc bản chất của sự kiện lịch sử hay vấn đề lịch sử, mối liên hệ giữa các sự kiện lịch sử đó.
+ Phân tích theo đúng yêu cầu của đề bài, tránh lan man.
+ Phải có quan điểm lịch sử đúng đắn, khoa học, tránh xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử.
+ Khi phân tích phải tìm ra các luận điểm, luận cứ rõ ràng, mạch lạc, logich. Phân tích thường đi liền với chứng minh để có tính thuyết phục cao.
I.2.4. Bài tập thực hành   
ĐỀ: Phân tích nguyên nhân khiến cho chủ nghĩa phát xít thắng thế ở Đức.
Hướng dẫn làm bài
Phân tích đề:
+ Dạng đề là phân tích.
+ Nội dung: Nguyên nhân chủ nghĩa phát xít thắng thế ở Đức một cách dễ dàng.
+ Phạm vi của đề: tình hình nước Đức giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1919-1939), thời điểm chủ nghĩa phát xít bắt đầu xuất hiện và lên nắm quyền ở Đức.
+ Tìm ra những nguyên nhân (ý lớn) rồi sau đó phân tích. Và trong khi phân tích ta đưa ra dẫn chứng cụ thể để chứng minh.
-          Do truyền thống quân phiệt của nước Đức.
Thời Cận đại, công cuộc thống nhất Đức diễn ra chậm hơn so với các nước khác. Cuộc thống nhất này do sự lãnh đạo của quý tộc quân phiệt bằng con đường sắt và máu. Chính truyền thống quân phiệt ấy đã dung dưỡng cho mần mống chủ nghĩa phát xít nảy nở và phát triển.
-          Bối cảnh lịch sử nước Đức sau chiến tranh là miếng đất màu mở nhất cho chủ nghĩa phát xít hình thành và phát triển.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức bị bại trận, bị thiệt hại nặng nề theo hòa ước Véc-xai, đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện. Năm 1929, đại khủng hoảng kinh tế thế giới làm ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Đức, làm cho nền kinh tế kiệt quệ, tình hình đó dẫn đến chính trị rối loạn.
-          So sánh lực lượng giữa các giai cấp.
+ Đảng cộng sản: chưa đủ mạnh, chưa đủ sức để tập hợp lực lượng và lãnh đạo quần chúng cách mạng. Điều này quyết định sự thất bại của phong trào chống phát xit.
+ Đảng xã hội dân chủ: là lực lượng mạnh nhưng bất hợp tác với Đảng cộng sản. Nên ở Đức không lập được một mặt trận thống nhất chống phát xít, khiến cho phát xít ngày càng thắng thế.
+ Đảng Quốc xã do Hit-le đứng đầu: được giới tư bản ủng hộ ra tranh cử, Đảng này dũng những luận điệu, mị dân, đánh đúng tâm lý muốn phục thù của người Đức với Hội nghị Véc-xai nên một chừng mực nào đó gây ảnh hưởng trong quần chúng ở giai đoạn đầu.
-          Các nước đế quốc đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa phát xít thắng lợi ở Đức.
Sau khi Đức bại trong chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước đế quốc muốn sử dụng con bài Đức để tiêu diệt Liên xô. Chính sự nhượng bộ, dung dưỡng và thỏa hiệp của các nước lớn đã tạo điều kiện cho Hít-le nhanh chóng phát xít hóa nhanh chóng và hầu như không gặp trở ngại.

I.3. Dạng đề chứng minh
I.3.1.Khái niệm: Chứng minh là làm sáng tỏ một vấn đề đã được khẳng định từ trước, phải chứng minh nó là đúng, là có thật hoặc ngược lại.
Dạng đề này yêu cầu người viết không chỉ có kiến thức lịch sử phong phú về vấn đề đó mà phải có khả năng lập luận chặc chẽ, logich thì bài làm mới có tính thuyết phục.
I.3.2.Các dạng chứng minh
·         Chứng minh một nhận định trong một văn bản để khẳng định vấn đề đó.
Ví dụ: Đường lối của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kì kháng chiến, tự lực cách sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Chứng minh rằng đường lối đó là đúng.
·         Chứng minh cau nói của một vĩ nhân.
Ví dụ: Chứng minh câu nói của Trần Hưng Đạo “Năm nay thế giặc nhàn”.
·         Chứng minh một vấn đề có tính chất quy luật trong lịch sử.
Ví dụ: Chứng minh vai trò của quần chúng nhân dân trong cách mạng tư sản Pháp 1789.
·         Chứng minh phản đề.
Ví dụ: Có ý kiến cho rằng cách mạng tháng Tám 1945  thành công là vì nó diễn ra trong một thời cơ bỏ ngỏ. Ý kiến của em như thế nào hãy chứng minh.
I.3.3. Một số vấn đề lưu ý khi làm bài dạng chứng minh.
-          Khi muốn chứng minh một vấn đề nào đó phải tìm được lý lẻ xác đáng, chia thành các ý rõ ràng, đặc biệt là lựa chọn sự kiện để chứng minh. Dẫn chứng càng phong phú, tiêu biểu, xác thực thì bài làm càng có tính thuyết phục cao.
-          Khi chứng minh phải kết hợp với phân tích khái quát để làm rõ vấn đề.
I.3.4.Bài tập thực hành
ĐỀ: Chứng minh phong trào 1930-1931 là phong trào có quy mô rộng lớn, quyết liệt và có tính chất triệt để.
Hướng dẫn làm bài
+ Phạm vi đề: Phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Ngệ Tĩnh.
+ Nội dung: đề nêu 3 ý lớn
Hướng dẫn làm bài
-          Phong trào có qui mô rộng lớn:
Phong trào diễn ra trong suốt từ 1930 đến cuối 1931 trên phạm vi toàn quốc, bao trùn khắp ba miền (Bắc-Trung-Nam).
Phong trào đã thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng trong đó chủ yếu là nông dân và công nhân.
Cong nhân: hàng trăm cuộc đấu tranh lớn nhỏ trong hai năm: bãi công của 3000 công nhân đồn điền Phú Riềng;  4000 công nhân nhà máy sợi Nam Định. Riêng tháng 5 có 16 cuộc đấu tranh của công nhân diễn ra.
Nông dân: Có hàng trăm cuộc biểu tình của nông dân, tiêu biểu là 8000 nông dân huyện Hưng Yên (Ngệ An) ngày 12-9-1930.
-          Phong trào có hình thức đấu tranh quyết liệt.
Quần chúng đã sử dụng những hình thức đấu tranh từ thấp lên cao: mittinh, biểu tình, bãi công đến phá đồn điền nhà lao, bao vây huyện đường kết hợp biểu tình thị uy với hoạt động nữa vũ trang, thành lập các đội tự vệ đỏ để bảo vệ quần chúng đấu tranh buộc bọn thống trị phải chấp nhận những yêu sách của mình.
Trong phong trào này đã xuất hiện một hình thức sơ khai của khởi nghĩa từng phần, dùng bạ lực để làm tan rã bộ máy chính quyền kẻ thù và thiết lập chính quyền cách mạng.
-          Phong trào có tính cách mạng triệt để:
Nó nhằm trúng hai kẻ thù chủ yếu của cách mạng là đế quốc và phong kiến, thực hiện khẩu hiệu “độc lập dân tộc” “ruộng đất dân cày”.
Trong phong trào này quần chúng thể hiện quyết tâm đánh đến cùng, ở một số nới như Nghệ An, Hà Tĩnh, dưới sức mạnh đấu tranh của quần chúng, hệ tống chính quyền địch bị tan rã từng mãng, chính quyền cách mạng được thành lạp dưới hình thức các Xô viết. Đó là chính quyền nhà nước cách mạng lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta.
Kết luận:
+ Phong trào 1930-1931 là phong trào có quy mô rộng lớn, quyết liệt và có tính chất triệt để. Nó đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chất so với phong trào yêu nước trước đó.
Sở dĩ như vậy, là do lần đầu tiên phong trào được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và quyền lãnh đạo của giai cáp công nhân. Phong trào 1930-1931 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí báu. Vì vậy nó có ý nghĩa như cuộc tập dược đầu tiên cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.

I.4. Dạng đề so sánh
I.4.1. Khái niệm: là phân tích sự giống nhau và khác nhau giữa hai hay nhiều sự kiện hoặc hiện tượng lịch sử.
Dạng bài này, đòi hỏi người viết phải có tư duy khái quát, tổng hợp, biết liên hệ giữa các sự kiện lịch sử hay cao hơn là phải thấy quy luật phát triển của lịch sử.
Thể loại so sánh này cũng rất phong phú, có thể so sánh chủ trương đường lối trong các thời kì khác nhau, so sánh giữa các cuộc cách mạng hoặc là so sánh hoạt động của các nhân vật lịch sử…
Ví dụ:
1.      So sánh chủ trương cứu nước cuat Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu.
2.      Lập bảng so sánh nội dung của cuộc cách mạng tư sản và cách mạng vô sản.
I.4.2. Một số lưu ý khi làm dạng đề so sánh.
- Khi so sánh các sự kiện lịch sử phải xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Từ hoàn cảnh khác nhau dẫn đến sự khác nhau giữa các sự kiện hiện tượng lịch sử.
- Tìm ra tiêu chí để so sánh (không trình bày diễn biến các sự kiện).
- Khi so sánh cần rút ra những đánh giá, nhận xét hoặc rút ra những bài học để thấy ý nghĩa của vấn đề.
I.4.3. Bài tập thực hành
ĐỀ: Lập bảng so sánh chủ trương chỉ đạo chiến lược của Đảng trong thời kì 1936-1939 và 1939-1941.
Hướng dẫn làm bài:
+ Thể loại của bài: so sánh dưới hình thức lập bảng.
+ Phạm vi của bài: Chủ trương của Đảng trong hai thời kì 1936-1939 và 1939-1941. Nhưng thực chất là chúng ta dựa vào hai Hội nghị chính là Hội nghị BCH Trung ương (7-1936) và Hội nghi BCH trung ương (11-1939).

Tiêu chí SS
Thời kì 1936-1939
Thời kì 1939-1941
Kẻ thù trước mắt
Đế quốc phát xít và bọn phản động thuộc địa, bè lũ tay sai không chịu thi hành chính sách của Mặt trận nhân dân Pháp.
Đế quốc phát xít và tay sai.
Nhiệm vụ
Chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình.
- Đánh đổ đế quốc phát xít và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông dương độc lập hoàn toàn.
- Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Tổ chức Mặt trận
Thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương. Đến tháng 3-1938 đổi thành Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương.
Hình thức và phương pháp đấu tranh
Kết hợp đấu tranh công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp.
Chuyển từ đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp sang bí mật, bất hợp pháp.

Tại sao lại có sự thay đổi chủ trương này?
Sự thay đổi chủ trương như trên là do hoàn cảnh lịch sử thay đổi.
+ Thời kì 1936-1939: lúc đó trên thế giới bắt đầu xuất hiện chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh và trong ĐH VII Quốc tế cộng sản đã xác định kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân thế giới lúc này là chủ nghĩa phát xít nên QTCS đã kêu gọi các nước thành lập Mạt trân nhân dân chống phát xít, chống chiến tranh. Ở Pháp cũng thành lập Mặt trận nhân dân chống phát xít và Mặt trận đó đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Và Chính phủ Mặt trận đã lên cầm quyền và thi hành những chính sách nới lỏng hơn cho thuộc địa. Vì thế Đảng ta phát động chủ chương đấu tranh công khai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình.
+ Thời kì 1939-1941: Chiến tranh thế giới hai bùng nổ, nước Pháp tham chiến và nhanh chóng bị Đức thôn tính, chính phủ thân Đức đã lên cầm quyền ở Pháp và tăng cường chính sách vơ vét, bóc lột thuộc địa để dốc vào cuộc chiến. Như vậy quyền tự do, dân chủ ở thời kì trước thì đến bây giờ đã bị thủ tiêu. Đặc biệt, tháng 9-1940, Nhật vào Đông Dương, từ đó Nhật-Pháp cấu kết với nhau thống trị nhân dân ta làm cho mâu thuẫn dân tộc hết sức gay gắt. Như vậy do hoàn cảnh thay đổi nên chủ trương của Đảng ta trong thời kì 1939-1941 phải thay đổi.

I.5. Dạng đề bình luận
I.5.1. Khái niệm: Bình Luận là bày tỏ quan điểm của mình về một vấn đề nào đó rồi rút ra nhận xét hay những bài học.
Đây là dạng bài khó chỉ xuất hiện trong các kì thi học sinh giỏi (HSG), đòi hỏi nguwoif viết phải thể hiện quan điểm của mình về sự kiện hay vấn đề lịch sử nào đó xem nó đúng hay là sai, khen hay là chê từ đó rút ra bài học.
I.5.2. Các dạng bình luận.
- Bình luận câu trích trong văn bản hoặc câu nói của một số nhân vật lịch sử tiêu biểu.
Ví dụ: Qua những câu nói nổi tiếng trong lịch sử dân tộc:
                  “Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”.
                  “Xin chém đầu thần trước rồi hãy hàng”.
                  “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.
Qua những câu nói nổi tiếng trên, anh (chị) hãy cho biết nhân vật lịch sử nào nói, nói trong hoàn cảnh nào? Trên cơ sở trình bày hoàn cảnh, diễn biến và kết quả của một sự kiện lịch sử cụ thể hãy bình luận những câu nói trên.
- Có khi đề đua ra lời bình luận của một nhân vật lịch sử, yêu cầu người viết bày tỏ thái độ tán thành hay bác bỏ.
Ví dụ: Nhận xét về chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, vua Tự Đức cho rằng: “Ngô Quyền có gì đáng khen, nước Nam Hán là nước nhỏ, Hoằng Tháo là một thằng hèn kém”.
Hãy trình bày tóm tắt trận Bạch Đằng và bình luận lời nhận xét trên.
I.5.3. Một số lưu ý khi làm dậng đề bình luận
+ Đây là dạng bài tổng hợp, phải vận dụng mọi kỹ năng: trình bày, phân tích, chứng minh, so sánh…
+ Tránh tình trạng bình luận chung chung mà phải dựa trên những sự kiện lịch sử cụ thể. Đặc biệt là chú ý đến hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
+ Người viết phải hiểu thấu đáo về vấn đề lịch sử đó, phải có quan điểm lịch sử đúng đắn và dùng lí lẽ sắc bén, xác thực để bảo vệ quan điểm của mình.
+ Phải biết nâng vấn đề lên, tìm ra mối liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai để rút ra những bài học bổ ích và thiết thực.
I.5.4. Bài tập thực hành
ĐỀ: Hãy bình luận câu nói sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
“Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
+ Xác định câu nói của Bác trong hoàn cảnh nào? Nội dung câu nói đó là gì?
- Hoàn cảnh: Đây là lời dặn của Bác với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi cách mạng tháng Tám bùng nổ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
- Nội dung: Câu nói củ Bác là sự khái quát đúc kết cô đọng tình hình Việt Nam lúc đó, nắm vững thời cơ cách mạng và thể hiện ý chí quyết tâm cao độ, quyết giành cho được độc lập, tự do.
Hướng dẫn làm bài:
·         Phân tích bối cảnh lịch sử nước ta trước cách mạng tháng Tám để thấy “thời cơ thận lợi đã tới”.
+ Tình hình thế giới: Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Phe phát xít liên tục thất bại. ở châu Á, phát xít Nhật bị thua ở nhiều nơi.
+ Tình hình Đông Dương: trong thế cùng, Nhật ở Đông Dương đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương gây ra khủng hoảng về chính trị. Tình hình cách mạng xuất hiện.
+ Hội nghị Trung ương Đảng (12-3-1945) ta chỉ thị “Nhật –Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” phát động cao trào Kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa.
+ Ngày 14-8-1945, Phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, quân Nhật ở Đông Dương suy sụp, chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang cực độ. Lúc này không chỉ là thời cơ thuận lợi mà còn là thời cơ “Ngàn năm có một”.
·         Đảng và nhân dân quyết tâm nhanh chóng chớp thời cơ giành thắng lợi trong cách mạng tháng Tám.
+ Đảng ta đã nắm vững thời cơ và kịp thời lãnh đạo nhân dân: đêm ngày 13-8-1945, UB khởi nghĩa đã phát động Toonge khởi nghĩa trong cả nước.
+ Nhân dân cả nước đứng lên hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa: chỉ trong 15 ngày ta đã giành được thắng lợi.
·         Đánh giá:
+ Lời nói của Hồ Chí Minh thể hiện sự nhạy bén, sáng suốt của Người về thời cơ cách mạng.
+ Lời nói của Người còn thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn dân tộc khi đứng lên Tổng khởi nghĩa.
+ Lời nói của Bác không chỉ có ý nghĩa với giai đoạn lịch sử đương thời mà còn có tác dụng trong cả tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, nó thể hiện quyết tam của toàn dân tộc trong những thời điểm có ý nghĩa quyết định khi dân tộc ta đánh những trận quyết chiến lược như Điện Biên Phủ (1954), chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)…

I.6. Một số dạng bài tập khác.
I.6.1. Lập bảng thống kê, bảng tóm tắt hoặc bảng so sánh.
Ví dụ: Lập bảng thống kê các nước tham gia khối ASEAN theo nội dung sau:

STT
Tên nước
Thủ đô
Thời gian giành độc lập
Thời gian gia nhập ASEAN
Những nỗi bật trong tình hình hiện nay







Với dạng bài tập này, chúng ta phải chú ý từ ngữ trong bảng, chúng ta viết ngắn gọn, súc tích, chính xác. Nếu là bảng tóm tắt diễn biến thì ta lựa chọn những sự kiện tiêu biểu để đua vào theo trình tự thời gian.
I.6.2. Bài tập khai thác sơ đồ, lược đồ lịch sử.
Dạng đề này, đề sẽ đưa ra một sơ đồ, lược đồ và yêu cầu chúng ta nhận xét hoặc trình bày nội dung lịch sử chứa đựng trong đó.
Ví dụ: Từ biểu đồ thu nhập quốc dân của Mỹ (1929-1941) dưới dây (Lịch sử 11-CB, tr.72):
       

Hãy:
a). Nhận xét khái quát về nền kinh tế Mỹ thời kì này và giải thích nguyên nhân.
b). Chọn và phân tích một sự kiện có tác động to lớn đến nền kinh tế Mỹ thời kì này.
Hướng dẫn làm bài
Nhìn vào biểu đồ, chúng ta nhận thấy, nền kinh tế Mỹ giai đoạn này không ổn định mà nó trải qua nhiều thăng trầm đầy biến động.
+ Giai đoạn 1929-1939: là giai đoạn thu nhập quốc dân của Mỹ giảm rất mạnh. Lý do nền kinh tế Mỹ bị suy thoái, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.
+ Từ 1934 trở đi, nền kinh tế bát đầu phục hồi, do tổng thống Ru-dơ-ven lên cầm quyền và thực hiện chính sách mới đã ổn định và khôi phục nền kinh tế Mỹ.
+ Đặc biệt từ 1939-1941, nhu nhập tăng nhanh, nền kinh tế phát triển mạnh vì đây là thời kì chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Mỹ chưa tham chiến mà đứng ở ngoài buôn bán vũ khí cho cả hai bên tham chiến nhờ đó Mỹ đã thu được một nguồn lợi khổng lồ để phát triển kinh tế.
+ Còn sự kiện tác động mạnh đến nền kinh tế Mỹ thời kỳ này chính là cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Vì đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có trong thế giới các nước tư bản, nó bắt đầu từ Mỹ và nhanh chóng lan sang các nước khác, gián đòn nặng nề vào nền kinh tế Mỹ. Chúng ta chọn về cuộc khủng hoảng này và trình bày hậu quả của nó.
I.6.3. Bài tập điền vào lược đồ trống.
Dạng này đề sẽ cho chúng ta một lược đồ trống và yêu cầu điền địa danh, nơi xảy ra các trận đánh, những sự kiện lịch sử hoặc thể hiện diễn biến trên lược đồ bằng các kí hiệu, Cho nên người viết không chỉ nhớ về các sự kiện lịch sử mà còn cần phải nhớ vị trí, đại điểm, nơi diễn ra sự kiện để điền vào lược đồ.
Ví dụ: Điền vào lược đồ những diễn biến chính của chiến dịch Việt Bắc-thu đông năm 1947.

Hướng dẫn làm bài
Lược đồ đã cho sẵn, trê lược đồ có đầy một số địa danh tiêu biểu có liên quan đến diễn biến của chiến dịch Việt Bắc. Nhiệm vụ chúng ta là dùng các kí hiệu để thể hiện diễn biến đó trên lược đồ.
Muốn như thế đầu tiên chúng ta phải nắm được diễn biến của chiến dịch. Sau đó dùng các kí hiệu đơn giản để thể hiện. Ví dụ: kí hiệu chiếc dù (nơi quân Pháp thả dù xuống), mũi tên màu đen thể hiện đường tiến công của quân Pháp, màu đỏ thể hiện quân ta tấn công đánh địch, mũi tên màu đen nét đứt thể hiện quân Pháp rút lui… sau đó biểu diễn trên lược đồ.


II.Một số lỗi hay mắc phải khi làm bài
·         Không đọc kĩ đề dẫn đến xác định sai yêu cầu của đề.
·         Tham sự kiện, bài làm lan man không xác định được trọng tâm của bài.
·         Phân bố thời gian không hợp lý giữa các câu dẫn đến bài làm mát cân đối và không hoàn chỉnh.
·         Lỗi diễn đạt: diễn đạt tối nghĩa, vòng vo, sai lỗi chính tả…
III.Các bước làm bài thi
·         Bước 1: Đọc kĩ đề, gạch chân những từ quan trọng.
·         Bước 2: Lập dàn ý:
+ Nêu những luận điểm lớn, quan trọng sẽ trình bày trong bài.
+ Liệt kê những sự kiện tiêu biểu để chứng minh cho ý đó.
+ Ghi lại những suy nghĩa của bản thân về đề bài.
·         Bước 3: Làm bài
+ Mở bài: thường nêu ý nghĩa của sự kiện hay trích câu nhận định về vấn đề lịch sử đó. Chú ý trong phần này phải nêu được trọng tâm vấn đề mình sẽ giải quyết trong bài (bám sát đề).
+ Thân bài: trình bày theo dàn ý đã lập, khi chuyển ý phải đảm bảo tính logich.
+ Kết bài: khẳng định lại vấn đề, mở ra vấn đề mới để suy nghĩ.
·         Bước 4: đọc lại bài, sửa lỗi chính tả, nên hạn chế gạch xóa trong bài.

Kết luận
(Còn nữa)