Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Hiện trạng bi thảm của Triều Tiên

Dương Danh Dy (lược dịch)
Bộ mặt thực của đất nước Bắc Triều Tiên như trong bài viết dưới đây của người Trung Quốc quả khiến chúng ta kinh hoàng. Nhưng khi nỗi kinh hoàng qua đi, thử ngẫm nghĩ một chút, một câu hỏi sẽ vẩn lên trong óc: Tại sao giờ đây ông anh “môi hở răng lạnh” với đứa em “đầu bò đầu bướu” nhưng chưa hề tỏ ra bất kính với anh, lại có những lời bêu riếu em tàn tệ đến vậy? Hãy cứ mở các trang mạng chính thống của TQ mà đọc những bài họ viết về Việt Nam trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XI thì có thể tìm ra lời giải đáp. Điều đáng nói là sau khi vừa công bố những bài chỉ trích ác độc về tình hình khó khăn nhiều mặt trước Đại hội Đảng CS của nước ta, kẻ xưng xưng “16 chữ vàng” kia đã lập tức gửi một lá thư sang chào mừng Đại hội “đảng đồng chí” với giọng rất ngọt ngào; đồng thời, cùng một lúc với người mang thư đến Hà Nội, là sự triển khai liền lập tức Hải quân Trung Quốc cho một cuộc diễn tập đại quy mô, hùng hậu ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Thử hỏi, trước nay có một đấng đàn anh nào biết tính toán “tình cốt nhục” chỉn chu, hoàn hảo đến thế hay không, và có đám đàn em nào, dù có chút tỉnh táo, không “tưởng bở” đi nữa, cũng trở tay cho kịp?
Bauxite Việt Nam

Dưới đây là lời kể của một ngưòi Trung Quốc sau khi thăm Bắc Triều Tiên bằng đường du lịch. Xin giới thiệu để tham khảo.


Ấn tượng sâu sắc sau khi đến Triều Tiên là thấy nghèo. Tôi vuợt sông sang Triều Tiên qua cảng Huy Xuân, một đồng bào gốc Triều Tiên đi cùng xe bảo tôi, cứ nhìn cảnh mùa màng ruộng đồng là biết đã tới Triều Tiên. Đúng thế, cây lúa bên Triều Tiên chỉ cao bằng một nửa của Trung Quốc, xác xơ tiêu điều đến trâu bò cũng không thèm ăn. Vừa tới cửa khấu đã thấy một đứa bé bẩn thỉu hỏi chúng tôi có Nhân Dân tệ không. Thế mà trước khi tới, hướng dẫn viên du lịch đã bảo chúng tôi không được cho họ cái gì. Điện thoại di động, và mọi tạp chí, sách của chúng ta đều không được mang theo sang Triều Tiên, nếu không sẽ bị tịch thu. Ở chỗ dễ nhìn nhất của cửa khẩu có một biểu ngữ lớn, nguời bạn gốc Triều dịch cho tôi biết: “Mặt trời của thế kỷ XXI là tướng quân Kim Nhật Thành”. Sau này chúng tôi tới các nơi khác đều thấy biểu ngữ lớn đó. Chúng tôi được biết tiền luơng trung bình của Triều Tiên là 100 Von/tháng, tương đương với hơn 400 NDT. Ở khu công nghiệp thì cao hơn nơi khác nhiều lần, tới 2000 Von/tháng.
Từ cửa khẩu tới trung tâm thành phố khoảng hơn 40 km, nhưng chiếc ô tô chúng tôi ngồi phải đi mất hơn hai giờ. Trên đường đi nhìn thấy thảm cảnh của nông dân. Không thấy ô tô ngoài mấy chiếc kiểu Liên Xô từ những năm 50… Những xe do trâu bò kéo đều là bánh bọc sắt chứ không có bánh cao su.
Cửa hàng chúng tôi ăn cơm là nơi dành cho người nước ngoài, các thứ bên trong đều là hàng Trung Quốc, nhưng đắt gấp đôi ở Trung Quốc. Trong thành phố không thấy cửa hàng, cũng không thấy bệnh viện, người đi trên đưòng đều mặt mũi vàng ủng. Con trai hầu như không thấy người nào cao hơn 1,7m (coi như bị lùn), phụ nữ không thấy người già nhưng chẳng thấy các đường cong đâu cả. Tôi còn nhớ tại một cửa hàng bán thuốc lá mà chỉ có ba bao thuốc với ba chủng loại khác nhau. Thậm chí có cửa hàng chuyên môn bán đinh mà chỉ có ba rúm nhỏ hơn nữa còn bị rỉ. Kẻ cắp rất nhiều, hướng dẫn viên du lịch người Triều Tiên dặn chúng tôi chú ý. Đặc sắc lớn trên đường phố là quân nhân rất nhiều, tôi đoán có lẽ tới một phần mười.
Những nơi đẹp nhất là nơi Kim Nhật Thành đã tới tham quan, đó là một gia đình nông dân và ngư dân trông rất đẹp. Trong nhà đầy đủ đồ dùng bằng điện, lại có một bà già và hai đứa trẻ, nhưng mặt mũi ngây ngô không dám nói chuyện với chúng tôi. Tôi nghĩ họ không thể là người ở tại đó mà chỉ là một đạo cụ mà thôi. Tôi thử mở tủ lạnh, nhưng không mở được. Những tòa nhà trong thành phố nếu nói theo cách nói của người Trung Quốc thì đều là loại “bã đậu”, không có xi măng, và cũng chẳng biết là dùng nguyên liệu gì, cứ từng hàng gạch một mà xây cao đến sáu, bảy tầng, Nhìn bên ngoài bằng mắt thường cũng thấy những chỗ cong cong, xiên xẹo, không biết vì sao vẫn có người dám vào ở.
Điều có ý nghĩa nhất là xem một buổi trình diễn của học trò tại chỗ chuyên dành cho khách du lịch Trung Quốc. Không nói tới những tình tiết khoa trương đặc sắc Triều Tiên, cái đáng cười nhất là một bản hợp xướng có tên “Toàn thế giới khâm phục chúng ta”. Nhìn thấy cảnh này, tôi nhớ lại cuộc sống của chúng ta hơn hai mươi năm trước, đáng sợ quá…
Ở Diên Biên có một cửa hàng ăn do người Triều Tiên mở, những người làm ở đó đều là ngưòi Bắc Triều Tiên, các cô phục vụ rất xinh, cơ thể hấp dẫn, không hề có chút đói khát. Theo người dân bản địa, bọn họ đều là nhân viên tình báo của quân đội Triều Tiên, tốt nghiệp Trường đại học Kim Nhật Thành, tố chất rất tốt. Tôi đã tiếp xúc với một số nhân viên chính quyền Trung Quốc tại Diên Biên và Huy Xuân, họ cho biết mấy năm trước Triều Tiên nghiêm trị những người chạy sang Trung Quốc như xuyên giây thép qua cổ tay, xử bắn.., những người bắt được, nhưng hai năm gần đây chính sách của Triều Tiên có tốt hơn một chút, không xử bắn nữa, nhưng khi bị giải về nước vẫn bị trừng phạt. Người Triều Tiên chạy sang Trung Quốc có nhiều không là điều khó nói, nhưng không chỉ có hai, ba mươi vạn người, mặc dù ngưòi Triều Tiên đi lại không dễ, tới thăm người thân cách mươi cây số đều phải qua xét duyệt nghiêm khắc, do vậy chỉ có dân biên giới Triều Tiên mới có thể chạy sang Trung Quốc. Nhưng dân bản địa và quan chức địa phương Trung Quốc vùng đó nói với tôi, không có chuyện chạy sang ta nhiều như vậy đâu. Xe cộ vào trong đất Triều Tiên chủ yếu chở hàng hóa Trung Quốc.
Người Triều Tiên rất trọng thể diện, hướng dẫn viên Triều Tiên cho chúng tôi biết chỉ được chụp ảnh tại những nơi chỉ định. Triều Tiên cũng có VTTH nhưng chỉ có một đài, mỗi ngày phát hai giờ, nội dung không nói cũng rõ. Nơi tôi tạm trú do một người Nhật gốc Triều mở, trong nhà nghỉ có nước máy, nhưng vàng khè không thể đánh răng rửa mặt. Có một thùng sắt chứa nước, sau khi lắng đọng đành miễn cưỡng dùng. Trong nhà cũng có bình đun nước nóng, nhưng đều đã hỏng. Tôi tìm hỏi người phục vụ, họ trả lời đây là hàng Trung Quốc chỉ để cho người Trung Quốc các vị dùng, chúng tôi không sửa chữa được, nói cho chúng tôi đắng họng. Khi qua cửa khẩu Triều Tiên, bộ đội họ kiểm tra rất kỹ. Dân chúng Triều Tiên rất chất phác hữu nghị, nhưng tại một cửa biển tôi đã nhìn thấy một số ngư dân Triều Tiên, họ rất gầy, khi đi đường, nhân lúc hướng dẫn viên người Triều Tiên không để ý, tôi đã cho một em bé Triều Tiên ít kẹo và được em này nhiệt tình tiếp nhận.
Đồng bào Triều Tiên của nước ta [người Triều Tiên là một dân tộc thiểu số của Trung Quốc có nhiều ở mấy tỉnh Đông Bắc Trung Quốc] thực ra rất quan tâm tình hình Triều Tiên, nhưng chẳng làm gì được. Tại Huy Xuân, khi nói chuyện với một viên chức gốc Triều, anh ta nói, sang bên đó ông đừng cho cái gì, vì có thể mang phiền phức đấy. Nhưng anh ta lại nói thêm, bên đó rất đáng thương, nhưng làm thế nào được, một người chúng ta làm sao cứu nổi bọn họ. Hôm tới Triều Tiên, thấy khá nhiều nông dân và bộ đội Triều Tiên đang cắt cỏ, hỏi để làm, gì, hướng dẫn viên người Triều Tiên cho biết, Đảng Lao động vừa đưa ra phong trào cắt cỏ, chất đống lại rồi phủ một lớp đất để làm phân bón, không biết có tác dụng không?… Về nước tôi cứ suy nghĩ mãi: không biết cái đất nước này rốt cuộc có thể còn duy trì đựơc bao lâu? Bao nhiêu năm nay, Bắc Triều Tiên tự xưng mình là thiên đường của loài người, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, mất nguồn viện trợ, Bắc Triều Tiên đã lâm vào cảnh đói rét, hiện nay khẩu phần lương thực được cung cấp hàng ngày chỉ có 200 gr ngô mà không thể cung cấp theo thời hạn. Số dân Triều Tiên chết đói hiện nay sợ rằng còn nhiều hơn những năm Trung Quốc bị thiên tai trước đây.
Dưới đây là hiện trạng Bắc Triều Tiên mà tôi thấy trong chuyến du lịch tại nuớc này:
Phong trào sùng bái cá nhân ghê gớm. Thời Cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông cũng đã làm sùng bái cá nhân nhưng phong trào sùng bái cá nhân do Mao Trạch Đông sáng tạo so với phong trào của Kim Nhật Thành chỉ là yêu ma nhỏ trước yêu ma lớn. Mao Trạch Đông đã trải qua phong trào cách mạng thực sự, nhưng từng trải cách mạng của Kim Nhật Thành đều là bịa đặt ra [lược bỏ đoạn nói về những nguỵ tạo của Kim Nhật Thành]…Nhà, nhà Triều Tiên đều phải treo ảnh cha con Kim Nhật Thành và phải thường xuyên lau sạch, nếu không sẽ bị xử tội bất kính. Phiền phức nhất là những bài báo có ảnh cha con Kim Nhật Thành, vừa không được xé bỏ vừa không được để lung tung, nếu không, khi bị phát hiện sẽ bị xử tội.


Mặc. Quần áo ở Bắc Triều Tiên theo chế độ phân phối, công nhân một năm cấp hai bộ quần áo công tác, cán bộ, nhân viên kỹ thuật nói chung cứ ba năm được cấp một bộ complet vải, cán bộ trung cấp hai năm được phát một bộ như vậy, học sinh trung tiểu học cứ hai năm vào dịp ngày sinh của Kim Nhật Thành được tặng một bộ đồng phục. Do học sinh ỏ độ tuổi nảy cao lớn rất nhanh nên bố, mẹ thưòng phải cơi nới thêm quần áo. Mua quần áo, vải ở Triều Tiên đều phải có phiếu (tất nhiên có thể mua phiếu này tại chợ đen với giá rất cao). Giày dép do nhà nước cung cấp nhưng phải trả tiền, đây là một vấn đề lớn của dân Triều Tiên hiện nay vì giày dép cung cấp chỉ đi hai, ba tháng đã hỏng, đành phải mua chợ đen. Tất nhiên cán bộ, con em cán bộ nhất là cấp cao có thể đi giày tốt, cho nên tại Triều Tiên nhìn giày đi có thể đoán ra thân phận mỗi ngưòi.


Ăn. Bắt đầu từ năm 1957, Bắc Triều Tiên đã thực hiện chế độ phân phối thực phẩm, qui định khẩu lương của người lao động bình thường là 700 gr ngày, quân đội 800 gr, người già 500 gr. Nhưng từ năm 1973 lấy lý do dự trữ lương thực để chuẩn bị chiến tranh, khẩu lương mỗi loại người đều phải giảm 10%, năm 1987 lấy lý do chuẩn bị phong trào thanh niên thế giới đã tuyên bố khẩu lương mỗi loại người lại giảm thêm 10% nữa, nhưng sau khi phong trào thanh niên thế giới họp xong, vẫn giữ nguyên định lượng đã giảm. Bước vào những năm 90, định lượng khẩu lương đã mấy lần sửa đổi, năm 1994 định lượng khẩu lương hàng ngày của người lao động bình thường là 450 gr. Năm 1995 với lý do lụt lội, khẩu lương giảm một nửa, năm 1996 lại giảm 1/3 định lượng khẩu lương, hiện nay khẩu lương của mỗi người chỉ vào khoảng 100 gr/ngày. 100 gr khẩu lương/ngày thì không thể nào duy trì nổi cuộc sống, thế là Bắc Triều Tiên đề xuất: nhà nước giải quyết 1/3 khẩu lương, đơn vị giải quyết 1/3, cá nhân giải quyết 1/3. Những người làm việc ở đơn vị khá có thể nhận được từ đơn vị một số thực phẩm, người có tiền có thể mua thêm tại chợ đen, chỉ có những người không quyền thế, không tiền là phải đi đào hái rau củ dại, bóc vỏ cây. VTTH Bắc Triều Tiên đã rêu rao kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, ăn ít cơm có lợi cho tuổi thọ, rau củ dại là thức ăn nhiều dinh dưỡng, ăn nhiều có lợi cho sức khoẻ!
Tại Bình Nhưỡng và một vài thành phố lớn tình hình còn tạm được, các thành phố nhỏ, nơi xa xôi hẻo lánh tình hình rất xấu, người chết đói xuất hiện không ngừng. Tuy nhiên đời sống cán bộ cấp cao lại không có vấn đề, họ vẫn có cuộc sống hào nhoáng, xa xỉ.
Ở. Bắc Triều Tiên không cho phép cá nhân có nhà riêng, nơi ở do chính quyền, đơn vị cung cấp, chia làm 5 cấp. Cấp 1 là nơi ở của dân chúng, cấp 2 là của cán bộ bình thường, cấp 3 là của cán bộ cấp phòng và tương đương, cấp 4 là của cán bộ cấp Vụ, Cục, Giáo sư đại học, cấp đặc biệt là từ cán bộ cấp Thứ trưởng trở lên. Vấn đề lớn nhất của nơi ở là cung cấp điện, do không đủ năng lượng, mỗi năm Bình Nhưỡng phải cắt điện khoảng 200 lần, điện áp lại yếu nên đồ điện dùng trong nhà hầu như không sử dụng được. Để tiết kiệm điện, có nơi còn cấm dùng bàn là điện, lò điện. Ở Bình Nhưỡng, sợ tổn hại hình tượng quốc gia người ta đã cấm phơi quần áo ngoài cầu thang, lan can…nhà, mà buộc phải phơi quần áo trong phòng cho đến khô.


Đi. Diện tích thành phố Bình Nhưỡng không lớn nên xe đạp là phưong tiện đi lại thuận tiện, nhưng do Kim Nhật Thành sợ dòng người ngồi xe đạp như ở Bắc Kinh tổn hại hình tưọng của mình nên đã cấm dùng xe đạp trong nội thành Bình Nhưỡng và giải thích rằng xe đạp là công cụ giao thông của các quốc gia lạc hậu. Bắc Triều Tiên chỉ dùng ô tô công cộng. Thế nhưng ra khỏi Bình Nhưỡng sẽ thấy rất nhiều xe đạp. Tuy vậy giá xe đạp khá đắt, được coi là của báu trong nhà, có câu nói: mượn vợ thì được chứ không mượn xe đạp được. Để đề phòng mất trộm xe đạp, dù ở nhà cao tầng, chủ nhân vẫn vác xe lên tận cao.
Bắc Triều Tiên chỉ có một đường cao tốc, nhưng số lượng xe qua lại rất ít, trung bình khoảng 20 phút mới gặp một xe. Công cụ đi du lịch đường dài ở Bắc Triều Tiên chỉ có xe lửa. Theo diện tích Bắc Triều Tiên, đến bất kỳ nơi nào chỉ cần ngồi xe lửa một ngày là tới, nhưng ở đây tình hình xe lửa đến chậm giờ khiến người ta kinh ngạc, chậm một, hai ngày được coi là đúng giờ, chậm ba, năm ngày được coi là bình thường, chậm mười ngày cũng chẳng coi là việc kỳ lạ, cho nên muốn đi du lịch bằng xe lửa cần mang theo nửa tháng khẩu lương


Vui chơi giải trí. Do sợ dân chúng nghe được đài phát thanh nước ngoài, nên các máy thu thanh do Triều Tiên bán chỉ có thể thu được các đài trong nước. Nếu có máy thu thanh của nước ngoài thì phải mang tới công an cải tạo, để không nghe được đài nước ngoài. Đài phát thanh Triều Tiên một ngày chỉ phát vài giờ, về cơ bản chỉ có nội dung ca ngợi cha con họ Kim, ngoài ra chỉ có tin trong nước, về cơ bản không có tin thế giới. Tỷ lệ phổ cập VTTH tại Triều Tiên rất thấp.
Vui chơi giải trí phổ biến nhất tại Bắc Triều Tiên là xem điện ảnh, trung bình mỗi người dân mỗi năm xem 10 bộ phim. Ngoài ra xiếc người và xiếc thú cũng là thú vui giải trí khá phổ biến. Đáng chú ý là vào dịp ngày sinh của cha con họ Kim đều có những hoạt động chúc mừng rất lớn, và đó cũng có thể coi là một hoạt động vui chơi giải trí của người dân Bắc Triều Tiên


DD D
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN