00. Hà Nội là gì?
Đó là vấn đề hàng đầu khi nhập môn nghiên cứu Hà Nội học và Lịch sử Hà
Nội. Cũng như khoa học hiện đại tin học hóa, chúng ta cần chấp nhận
nhiều câu trả lời khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau hay/và cách
tiếp cận liên ngành (Interdisciplinary Approach).
*
* *
01. Trung tâm Hà Nội ở tọa độ địa lý 21005 vĩ tuyến Bắc, 105087
kinh tuyến Đông, nằm trên đường trục của tam giác châu Bắc Bộ, được che
chắn ở - Đông Bắc bởi dải núi Tam Đảo và ở phía Tây - Tây Nam bởi dãy
núi Ba Vì - Tản Viên, đều cách trung tâm thủ đô khoảng 50km.
02.1.
Tam giác châu Bắc Bộ (sông Hồng và sông Thái Bình cùng các chi lưu mạng
cành cây và mạng song song) có hình phễu bổ đôi, bề mặt nghiêng từ Tây -
Bắc xuống Đông - Nam.
Nhưng nó không phải là một mặt phẳng. Do vậy chúng tôi không sử dụng khái niệm “đồng bằng” (plaine) mà chỉ sử dụng khái niệm tam giác châu (delta).
Mặt
cắt ngang của nó giống như một chiếc võng, vùng trục giữa, thấp hơn hai
bên “rìa”. Dạng “võng” này không phải chỉ là hình dạng trên “bề mặt” mà
thực sự phản ánh dáng dấp của cấu trúc móng nền tận 30 - 40km sâu trong
lòng đất Hà Nội - Bắc Bộ, do giới địa - vật lý học Việt Nam xác định.
Và giới Địa học Việt Nam (Viện Khoa học Trái đất, Khoa Địa học Đại học
Quốc gia Hà Nội...) hoàn toàn có lý khi đặt tên miền trũng tam giác châu
sông Nhị - Hồng, trong đó có lãnh thổ Thủ đô Hà Nội là “võng Hà Nội” hay “trũng Hà Nội”.
02.2. Võng Hà Nội là một vùng rất “động” (dynamic) về mặt địa chất kiến tạo, bởi vì nó là một vùng xung yếu của vỏ trái đất. Nói xung yếu, vì vỏ trái đất ở nơi đây chẳng những mỏng hơn các nơi khác mà còn bị đứt gãy sâu chia cắt suốt bề dày của nó.
Vỏ trái đất ở trũng Hà Nội
bị chia cắt như các manh áo rách và dáng vẻ những đường đứt gãy giống
như những đường khâu nối liền các mảnh áo, cho nên các nhà kiến tạo học
gọi chúng là đường khâu.
02.3. Không phải chỉ có các đứt gãy dọc mà còn nhiều đứt gãy ngang, chia cắt “trũng Hà Nội”, cho nên nó có dạng bậc thang: Các bậc cao nằm ở phía Tây Bắc, các bậc thấp nằm ở phía Đông Nam...
Như
đã nói, lãnh thổ Hà Nội nằm ngang trên trục của một vùng xung yếu do có
hệ thống đứt gãy sâu cắt qua, cho nên Hà Nội là một vùng có cường độ
chuyển động lớn của vỏ trái đất. Tại đây các hoạt động kiến tạo lớn đã
từng diễn ra mạnh mẽ trong suốt cả quá khứ địa chất trăm triệu năm về
trước mà vẫn còn đang tiếp diễn mạnh trong kỷ địa chất hiện nay.
02.4
Các đứt gãy sâu sông Hồng - sông Chảy cắt qua lãnh thổ Hà Nội là những
đường xung yếu đã từng gây ra động đất mạnh đến cấp 7, cấp 8 (độ
Richter).
Lấy ví dụ về Thăng Long đời Lý - Trần, biên niên sử (Đại Việt sử lược, Toàn thư, Cương mục)
chép nhiều lần đất động. Năm 1016 động đất, năm 1017 điện Càn Nguyên
sụp đổ. Năm 1284 đất Thịnh Quang, Xã Đàn (nay thuộc quận Đống Đa) “nứt
toác, rộng 4 tấc, dài trên 2 dặm, bề sâu khôn lường”... Giữa những năm
kháng chiến chống Nguyên - Mông 1277, 1278, 1285... toàn động đất cấp 7,
cấp 8, đất nứt, bia đá tháp Báo Thiên bên bờ hồ Lục Thủy (Hoàn Kiếm)
gãy làm đôi...
Thế
kỷ XX, Hà Nội nhiều lần xảy ra động đất cấp 6 và đã 2 lần động đất cấp
7. Những năm gần đây, hiện tượng động ở vùng Hà Nội tăng lên rõ rệt. Mặt
đất Hà Nội xuất hiện nhiều khe nứt sâu, phương Tây Bắc - Đông Nam,
trùng với hướng sông Hồng và cũng là hướng các đứt gãy sâu trong vỏ trái
đất.
02.5.
Khi xem bản đồ “dị thường trọng lực” vùng Hà Nội do các nhà địa - vật
lý học thành lập, có một điều đập ngay vào mắt chúng ta: Đó là những
dáng hình thon thon hơi kéo dài và nhô cao lên của móng cấu trúc sâu
miền võng Hà Nội. Chúng tựa như dáng hình những con rồng đời Lý, với
những khúc uốn cong mềm mại, đơn giản. Đó là những nơi vỏ trái đất
“mỏng” hơn nơi khác vì phần “cùi” dưới “vỏ” nhô lên gần mặt đất hơn.
“Gần” nghĩa là ở độ sâu 30 - 35km trong khi ở những nơi khác, “cùi” nằm
sâu 40 - 50km, nếu chúng ta tạm coi trái đất như một quả bưởi khổng lồ.
“Rồng
vàng” bay trên bầu trời Thăng Long là huyền thoại lịch sử đầu thời Lý.
“Rồng đất” nổi trên móng sâu 30 - 35km của cấu trúc miền võng Hà Nội là
hiện thực địa lý - địa chất. Mỗi lần “rồng” quẫy lưng là một lần động
đất. Lưng rồng, đó là những đường đồng mức khép kín, biểu hiện những dải
“dị thường”... vì trọng lực đá tăng vọt, nói lên sự xâm nhập của các
vật chất nóng chảy dưới vỏ quả trái đất (magma... ).
03. Từ miền võng Hà Nội với những chuyển động thăng trầm có tính chất chu kỳ trăm ngàn triệu năm trước, ta đến với “máng trũng” Hà Nội trong những giai đoạn lịch sử ngày càng “trẻ” hơn...
03.1.
Đầu kỷ Đệ Tam (Tertiare), cách ngày nay khoảng 50 triệu năm, ở vùng
trũng Hà Nội, các đứt gãy sâu lại hoạt động mạnh, tạo thành một “máng trũng” mới, trên nền cũ miền võng xưa. Vì vậy các nhà địa chất gọi máng trũng Hà Nội là máng trũng “chồng gối” hay “địa hào chồng gối”. Các vùng đồi núi hai bên “máng trũng” được
nâng cao lên và sau đó bị xói mòn. Vật liệu theo “nước chảy chỗ trũng”
lấp dần vào đáy máng hết lớp này đến lớp khác dày 1.000 - 2.000m.
Lúc
đầu, do vận động sụt lún mạnh mẽ ở máng, đi đôi với vận động tạo sơn ở
hai bên rìa, vật liệu xói mòn mạnh gồm toàn cuội sỏi. Chúng lăn từ sườn
núi, theo dòng nước chuyển dần xuống và tích tụ ở đáy máng.
Về
sau, vận động yếu dần, các dòng chảy trở nên “êm đềm” hơn, vì vậy các
trầm tích gồm toàn những hạt nhỏ, mịn. Sau đó nữa, là thời kỳ tương đối
bình ổn, điều kiện tốt để tích tụ than và dầu hỏa... Có những thời kỳ
biển tiến vào, tràn ngập châu thổ, do vậy có nhà nghiên cứu lịch sử gọi
là “vịnh Hà Nội”.
03.2.
Sang kỷ Đệ Tứ (Quaternaire), ở giai đoạn sớn (QI) - khoảng 1 triệu đến
30 vạn năm cách ngày nay (đầu QII), biển rút khỏi châu thổ, đặc biệt ở
những nơi có các khối nâng lên, trong đó có vùng Hà Nội. Trầm tích lục
địa thay thế trầm tích biển. Châu thổ bồi tích phơi ra dưới nắng. Hệ
thống sông Thao - Nhị vận chuyển phù sa bồi đắp lên trên trầm tích biển.
Do
đó trong các lỗ khoan ở vùng trũng, ta có thể thấy cuội sỏi xen với đất
đỏ dạng la-tê-rít phủ lên trầm tích biển và dày tới 150m nằm sâu dưới
bề mặt châu thổ hiện nay, khoảng 50m trở xuống.
Các
tầng cuội sỏi này cũng lộ ra trên các thềm cổ sông Hồng, sông Đà, sông
Lô, sông Cầu... ở độ cao từ 10 - 30m, ven rìa vùng trũng Hà Nội.
Khoảng
sau, 30 vạn năm cách ngày nay (cuối QII), biển lại tiến, trùm phủ lên
đồng bằng, để lại những tầng sét cao - lanh, sét - cát mịn chứa di tích
các sinh vật của vùng biển ven bờ (sò, điệp, trùng lỗ... ). Biển vào sâu
quá nội thành Hà Nội hiện nay.
03.3.
Khoảng sau đó (QIII) biển lại rút dần khoảng từ 4 vạn đến 2 vạn năm
cách ngày nay, bề mặt châu thổ Bắc Bộ trải rộng ra đến vùng bán đảo Bạch
Long Vĩ ngày nay.
03.4.
Tới đầu thế Hô-lô-xen (QIV), khoảng từ 17.000 - 12.000 năm cách ngày
nay, biển lại tiến vào đất liền, tới quãng Thường Tín, Phả Lại... nếu
không nói là sâu, xa hơn.
03.5. Theo các nhà địa chất, nếu khoan sâu xuống lòng đất Hà Nội sẽ thấy ở địa tầng từ sau thuở Cánh tân
(từ 1 triệu đến 1 vạn năm cách ngày nay) Hà Nội là một đáy biển nông.
Bấy giờ, ảnh hưởng phá hủy của sóng biển và hải lưu hạn chế, mà tác dụng
bồi tích của sông Hồng lại rất lớn. Dòng sông này chảy qua những vùng
miền núi đang ở vào giai đoạn xâm thực, bóc trụi dữ dội nên mang theo
rất nhiều phù sa;
Những
mũi khoan vào sâu lòng đất Gia Lâm, trong khu vực Học viện Nông nghiệp,
cách sông Hồng 2,5km, trong tầng dầy trên 50m của trầm tích cho thấy sự
phân tách rất rõ hai lớp: lớp trên từ mặt đất hiện nay đến - 39,5m; lớp dưới: từ -50,5m đến -39,5m.
Trong
hai lớp đó, trầm tích sỏi cát thô được thay dần bằng trầm tích sét nặng
hơn. Điều đó giúp ta có cơ sở phát biểu rằng có hai giai đoạn hoạt động
của sông Hồng, mỗi giai đoạn đều có bước chuyển tiếp từ lúc sông chảy
nhanh dữ dội (khi cát thô và sỏi lắng đọng) đến lúc sông chảy tương đối
êm đềm (sản phẩm hạt mịn (sét) lắng đọng). Qua “99 cái lắc lư mới vào cái lừ đừ sông Thao”, như dân gian thường nói.
Trong
khu Đại học Sư phạm, kết quả của 3 lỗ khoan thăm dò địa chất xuống lòng
đất Từ Liêm tới độ sâu - 48,86m cũng cho thấy khá rõ quá trình tam giác
châu xưa kia qua minh chứng là một lớp trầm tích phá - tam giác châu, gồm cát và bùn dày tới 20m!
Tổng
hợp địa tầng ở nhiều lỗ khoan trên vùng Hà Nội, ta có thể thấy một quy
luật khá rõ nét. Bao giờ cũng có một tầng cuội sỏi sạn và cát thô nằm
bên dưới. Đó là lòng sông cổ. Bên trên là những tầng đất có hạt
nhỏ dần đến mịn, nhiều chỗ có sét dẻo màu xám hay xám đen, chứa nhiều
chất hữu cơ, đặc trưng cho trầm tích đầm hồ. Trong một cột địa
tầng, có thể lặp đi lặp lại vài lần “nhịp” trầm tích như trên. Điều đó
nói lên những hoạt động của sông Hồng lúc chảy xiết xói mòn mạnh, tạo ra
những hạt thô lúc chảy chậm lờ đờ như vũng nước tù.
Tầng
trầm tích hạt mịn chứa sét phổ biến trên bề mặt các bãi bồi nói lên
giai đoạn biển tiến cuối (Hô-lô-xen trung) cách ngày nay khoảng 1 vạn
năm.
Ở thế kỷ XVIII, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã viết Tang thương ngẫu lục,
song chỉ là chuyện “tang thương” của Hà Nội - Việt Nam thời cuối Lê -
đầu Nguyễn. Ta có thể ghi lại chuyện “tang thương” không phải theo nghĩa
bóng mà theo nghĩa đen hẳn hoi, hàng vạn ngàn năm trước: “Thương hải biến vi tang điền”: biển biến thành bãi dâu!.
Nước
biển không giữ nguyên một mực, nước biển có giao động. Đất không ở
nguyên một mực, đất có thời nâng lên, thời sụt xuống. Cách đây 4000 năm
(tính số tròn), là thời kỳ biển tiến, mực nước biển cao trên 3,5m
so với mực nước biển ngày nay. Cách đây 3000 năm, chỉ trong vòng 1000
năm đó, biển lùi dần, mực nước xuống thấp dưới mực nước ngày nay 3m.
Biển lùi và sông bồi tích phù sa, phá Hà Nội cạn dần. Thế là có đất và có những đầm lầy, vũng đọng.
Có đất nên cây cỏ mọc thành rừng rậm, với thú dữ: hổ, voi... Có đầm
vực, nên có cá sấu, thuồng luồng, rùa, giải... Rùa còn có ở hồ Gươm, ấy
là chưa kể Rùa Vàng thời Lê Lợi và Kim Quy thời Thục Phán. Voi rừng còn
đầy ở vùng Tây Hồ thời Lý (thế kỷ XI). Cá sấu còn sống sót ở bến sông
Hồng Thăng Long thế kỷ XIII khiến vua Trần phải sai Hàn (Nguyễn) Thuyên
soạn “Văn tế cá sấu”. Hổ rừng về quẩn quanh tận vùng chùa Một Cột
thời Lê (thế kỷ XV)... Đó đều là chuyện sử gia Ngô Sĩ Liên còn chép
rành rành. Vào thế kỷ XVIII, ở vùng Đình Bảng, Từ Sơn nay, còn rừng Báng, còn có củ mài ngon và lộc vừng để ăn cùng nem Báng. Rừng Sặt ở Trang Liệt, rất gần đấy, còn khá um tùm. Rừng Xuân Quan mấy chục năm về trước còn đủ các loại gỗ “tứ thiết”: đinh, lim, sến, táu... Rừng bàng Yên Thái (Bưởi) là một trong “Tây Hồ bát cảnh” thời Lê. Rừng gỗ tầm giữa bán đảo hồ Tây, rừng tre ngà
viền một dải sông Tô vùng Cửa Bắc bấy giờ cũng còn ghi lại trong sử cũ.
Và một di tích RỪNG còn sống động ở ngay nội thành Hà Nội, khu phố Ba
Đình: Rừng nứa đền Voi Phục. Và theo tên đất cổ, chỉ cần qua sông Cái, ta bắt gặp bến Bồ Đề (Phú Viên), Gia Lâm (rừng Đa), Du Lâm (rừng Dâu da), Mai Lâm
(rừng Mơ, gồm cả Mai Động - Hoàng Mai - Bạch Mai - Hồng Mai - Tương Mai
- Chợ Mơ... xưa là rừng mơ cả). Rồi nào là Văn Lâm, Trường Lâm, Đông
Ngàn... toàn là rừng, là ngàn, xanh tươi rậm rịt... Đào lòng đất Đông
Anh (Dục Tú, Tiên Hội) đào lòng đất Thanh Trì (Vĩnh Ninh, Văn Điển...)
nhà khảo cổ bắt gặp nhiều cặp ngà voi, răng nanh hổ, gạc hươu, răng lợn
lòi... có tuổi 3 - 3000 năm, theo sự xác định niên đại bằng phương pháp
phóng xạ đồng vị các bon (C14).
Chứng tích rõ rệt nhất của thời kỳ rừng rậm đầm lầy Hà Nội cổ là những dải than bùn
xếp lớp dưới lòng đất Hà Nội. Than bùn Từ Liêm (qua lỗ khoan Dịch Vọng)
có chỗ dày tới 4m, nằm từ độ cao xấp xỉ mực nước biển trở xuống (xuống
sâu dưới 4,876m). Mỏ than bùn giàu có Lỗ Khê (Đông Anh), một dải dài vài
kilômét, Hà Nội ta khai thác đã hàng chục năm nay! Có rừng rậm, đầm lầy
cộng với bão tố, động đất... rồi mới có than bùn: rừng đổ xuống đầm, gỗ
bị lấp bồi cản ngăn hiện tượng ôxy hóa, dần dà phân giải thành than
bùn.
Phủ
lên trên lớp than bùn Hà Nội cổ, mới là lớp phù sa sông, gồm đất sét và
sét pha, càng lên trên càng nhẹ dần tới đất thịt trung bình, có nơi
thịt nhẹ. Di tích của đời sống con người sẽ thấy ở lớp đất này.
Thế là khá rõ: một Hà Nội trước khi trở thành Lịch sử, một Hà Nội thiên nhiên hoang dã, đã trải qua ít ra là ba loại cảnh quan:
- Vịnh biển (tính bằng triệu năm)
- Phá (tính bằng vạn năm)
- Rừng rậm - Đầm lầy (tính bằng ngàn năm trước Công nguyên).
Từ thời kỳ lịch sử “ngàn năm văn hiến” tới ngày nay, các sông hệ Hồng Hà vẫn tiếp tục đổi dòng, để lại nhiều hồ hình móng ngựa (như Hồ Tây) hay những dải ao đầm kế tiếp nhau xen kẽ với những dải cát của lòng sông cũ.
Nét địa lý trường tồn của nghìn xưa Thăng Long và hôm nay Hà Nội, đó là cái đặc trưng thành phố sông: thành phố ngã ba sông, nếu lấy cả hai dòng Nhị Hà - Tô Lịch làm hệ quy chiếu, làm trục chủ đạo; thành phố một bờ sông (bờ phải) nếu chỉ lấy một sông Nhị làm trục chính.
Một
điều hiển nhiên, đất Hà Nội là đất bãi - và trên bãi của sông Hồng, do
phù sa sông Hồng đắp đổi mà nên. Nhưng sự đắp đổi, trải mấy nghìn năm đã
diễn ra không đơn giản: Có đời sống du đãng tự nhiên của những con sông
ở đồng bằng do chính chúng tạo thành (đổi dòng từ từ, hay có khi đột
biến) có sự can thiệp, hữu thức và vô thức của con người. Thục Phán đắp
lũy thành Cổ Loa thì cũng là đắp đê phòng lụt. Sử biên niên nhà Hán chép
rằng ở đầu Công nguyên, huyện Phong Khê (Đông Anh) đã có đê phòng lụt. Đê sẽ làm cho quá trình bồi tụ tự nhiên bị ngăn chặn lại, ít nhất là từng phần.
Cho
nên đất Hà Nội nội thành, bên hồ Tây, có dòng Tô Lịch, lại có rất nhiều
đầm hồ. Xem trên các bản đồ từ thời xưa cho đến giữa thế kỷ này, thì
thấy lãnh thổ Hà Nội là một vùng đầm lầy, một thành phố sông hồ,
nửa đất, nửa nước. Quy hoạch Hà Nội cổ là nương theo và thích ứng đến
mức tối đa cái hình thể tự nhiên sông hồ đó. Phần lãnh thổ chủ yếu của
Thăng Long - Hà Nội xưa là phần đất bồi, được bao bọc bởi sông Hồng ở và
phía Đông, bởi sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu (nhánh sông Tô) ở phía Tây
và phía Nam. Lũy bọc ngoài là đê mà cũng là thành đất, là đường giao
thông (đê La Thành). Sông hồ là nguồn nước trên mặt cho sinh hoạt mà
cũng là hệ thống thủy lợi và giao thông truyền thống. Sông hồ cũng là
những sự kiện địa lý được dùng làm nguyên lý sơ khởi chỉ đạo việc quy tụ
xóm làng, phường phố và thành lũy phòng vệ (sử dụng những đoạn sông
Hồng, sông Tô làm ngoại hào).
04. Từ bề sâu địa chất với số đo vạn triệu năm, ta trở về với bề mặt địa lý Thăng Long Hà Nội, với số đo nghìn năm trở lại đây.
Hà Nội đã sinh thành và lớn lên cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam:
Từ một làng quê, một kẻ quê khiêm tốn bên bờ sông Tô, cạnh gò cao mang tên lịch sử núi Nùng, ở thời đại Đồng thau hay thời đại các vua Hùng bắt đầu dựng nước Văn Lang; Đến một thị trấn, một phố huyện thế kỷ V, mang tên Tống Bình của một thời Bắc thuộc hay tên Long Đỗ bắt nguồn từ huyền thoại; Đến một trung tâm đầu tiên của nước Vạn Xuân một thời độc lập tạm thời, giữa thế kỷ VI, với tòa thành cổ
đầu tiên mà sử sách còn ghi ở cửa sông Tô Lịch; Và trải qua mấy trăm
năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc giữa trung tâm An Nam đô hộ phủ đời
Đường (thế kỷ VII - X); Mảnh đất núi Nùng sông Nhị, núi Tản sông Tô này mới vươn lên trong chức năng trung tâm đầu não của quốc gia Đại Việt đầu thế kỷ XI.
Rồi Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội (hay giản dị hơn, nôm na hơn, Kẻ Chợ
trong cách gọi dân gian) trong chín thế kỷ tồn tại và phát triển, cuộc
đời lịch sử Hà Nội không bằng phẳng như đất bằng Hà Nội, mà cũng trải
“ba chìm bảy nổi” nhiều sóng gió trong nội loạn và nhất là trong ngoại
xâm và chống ngoại xâm, bành trướng. Địa vị trung tâm đầu não chính trị
của Hà Nội cũng có lúc lung lay khi thể chế quân chủ lâm vào tình huống
suy thoái, suy tàn.
04.1. Có rất nhiều “cách nhìn”, “cái nhìn” về nghìn xưa Hà Nội, từ Dân gian đến Bác học.
Thực ra, đã từng có cách trả lời dân gian được tinh kết trong Folklore Hà Nội:
- Nhĩ Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này
- Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
- Khen ai khéo họa dư đồ
Trước sông Nhị Thủy sau hồ Hoàn Gươm.
Cũng
có câu trả lời rất kỳ thú của Người sáng lập ra kinh đô Thăng Long -
thành phố Rồng bay, khi dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Trong tờ chiếu (hỏi ý các quan) về việc dời Đô, Lý Công Uẩn, hay ai đó cố vấn cho ông, đã nói: “Ở
trung tâm cõi bờ đất nước, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, vị trí ở giữa
bốn phương Đông Tây Nam Bắc, tiện hình thế núi sông sau trước. Ở nơi đó
địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, cư dân không khổ
vì ngập lụt, muôn vật đều phong nhiêu tươi tốt. Xem khắp nước Việt ta,
chỗ ấy là nơi hơn cả, thực là chỗ bốn phương tụ hội, là nơi đô thành bậc
nhất của đế vương muôn đời!”.
Ta có thể xem đó là một bản Tuyên ngôn địa chính trị - địa chiến lược về Hà Nội nghìn xưa. Cố GS. Phạm Huy Thông đã tóm tắt bài Tuyên ngôn Thủ đô đó bằng 4 chữ của chính bài Chiếu: ĐỒ ĐẠI (mưu toan việc lớn) - CHÍNH TRUNG (ở nơi chính giữa).
Nhà địa lý học tài danh Nguyễn Thiệu Lâu khẳng định: Hà Nội là thủ đô tự nhiên của (Bắc) Việt Nam: các mạch núi đều châu về đây, các sông đều tụ hội về đây rồi lan tỏa, đi ra Biển!
Có thể có câu trả lời của nhà thơ, đại bút thời Trần Phạm Sư Mạnh (đầu và giữa thế kỷ XVI):
“Trấn áp Đông Tây, vững đế đô
Hiên ngang một tháp trội nguy nga
Non sông bền chặt cột Trời chống
Kim cổ khó mòn dùi Đất nhô”.
(Đề tháp Báo Thiên).
Cũng vẫn là sự ngôn từ hóa cái ý Trung tâm và vòi vọi.
Và đây là cách trả lời của tiến sĩ Nguyễn Giản Thanh thế kỷ XV đầu XVI trong bài Phụng Thành xuân sắc phú (viết năm 1508):
“Sum một chốn y quan lễ nhạc,
Vầy một nơi vạn vật thanh danh.
Trời đợm khí xuân, sắc tươi tốt khắp hòa vũ trụ,
Nước mừng thịnh trị, thế vững vàng chống cột Thần kinh.
Nhớ xưa:
Cõi giữa bang trung
Đứng trên thượng quốc
Đỉnh Tản sơn hùm chiếm Tây Nam
Dòng Nhị thủy rồng chầu Đông Bắc.
Chợ chợ, nhà nhà, trăm dáng tựa đồ bôi tám bức.
Thành thành, thị thị, muôn tía chen thức ánh ngàn hồng.
Hương bốn phương cùng họp đất này, giữa chung thiên hạ.
Hòa mỗi chốn đều làm đô đấy, ngăn được thế hình...
... Những thấy: Đời đời thành (Long) Phụng ấy,
Kiếp kiếp sắc (thái) Xuân này
Con cháu dõi truyền đến chưng muôn vạn ức!.
Bài
phú Nôm này, là sự phát triển thêm cái ý chính “CHÍNH TRUNG - ĐỒ ĐẠI”
của Lý Thái tổ, là cái nhìn phong thủy về vị thế địa chiến lược của Hà
Nội bao gồm thế lưỡng, giữa:
Trong (hoàng cung) - Ngoài (Khu dân sự phố phường chợ búa) và Trước: sông Nhị - Sau: núi Tản.
Sông và Núi đều được “thiêng” hóa và trở thành biểu tượng của khu vực chiếc Nôi của dân Việt, nước Việt.
Và cái “rốn” của Long thành, “Long Đỗ” (Đỗ 肚
trong chữ Hán có nghĩa là Rốn - Bụng - Dạ dầy) là núi Nùng, trục trung
tâm nối Trời/Đất. Trên núi ấy, các vua Lý - Trần - Lê xây điện Càn
Nguyên, điện Kính Thiên và núi Nùng. Huyền thoại được thiêng hóa và cùng
Sông Cái, trở thành hai biểu tượng của Kinh thành: NÚI NÙNG - SÔNG NHỊ.
Diễn trình địa lý của Hà Nội là: VỊNH -> VỤNG -> BIỂN NÔNG -> ĐẦM LẦY RỘNG LỚN + với rừng (sau thành than bùn).
Sông Nhị và các chi lưu, hồ Tây, hồ Gươm và các khúc dòng sông cổ khác, đã bao quanh Hà Nội nghìn xưa và hôm nay...
Sau nhiều năm điền dã, chúng tôi và các đồng nghiệp trẻ tuổi đã mô hình hóa mảnh đất Hà Nộilà như sau:
Từ sơ đồ này, có thể rút ra các nhận xét cơ bản:
1. Các cửa ô xưa đều là cửa nước ở nơi giao hội (ngã ba) các sông (đúng nghĩa water-gate). Ô Cầu Giấy nằm ở ngã ba Tô Lịch - Kim Ngưu - Sét. Ô Đông Mác (Thanh Nhàn) nằm ở ngã ba Kim Ngưu - Lừ, Ô Bưởi (Hồng tâm của Tây Hồ chí) nằm ở ngã ba Tô Lịch - Thiên Phù...
Đây là một nhận xét quan trọng về nhiều mặt. Từ đó, ta hiểu các chợ ven đô - hay chợ ô
nằm ở các cửa nước của thành Ngoại (La Thành hay Đại La thành trong sử
sách từ thời Lý, dài hơn 30km), đấy là nơi giao lưu kinh tế văn hóa giữa
nội thành (kinh thành) với vùng ngoại thành rộng lớn ở châu thổ Bắc Bộ
và đấy đều vốn là chợ bến - chợ búa, nghĩa là chợ ở ngã ba sông,
trên bến dưới thuyền tấp nập... Cũng từ đó, ta hiểu công việc nạo vét
sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu của các triều đại ngày trước cùng nguyên
nhân sâu xa của cảnh ngập lụt, của chống lấn chiếm đất, giải tỏa các
công trình xây trên lòng sông cũ (như ở ngã ba Hồ Khẩu, dọc dài sông Tô
từ Thụy Khê xuống Bưởi... ) là một công việc “cần làm ngay”, rất bức
bách...
2.
La Thành hay Đại La Thành (khoảng 30km) bao quanh Hà Nội cổ truyền có 3
chức năng biểu hiện qua tên gọi dân gian của Nó: ĐƯỜNG ĐÊ LA THÀNH.
a. Đường (vành đai thành thị cổ)
b. Đê (đắp đất kè đá)
c. La Thành (lũy đắp đất trồng tre).
Thành lũy ngoài cùng này của kinh thành Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh không phải hoàn toàn kín mà phải mở nhiều cống ở bên dưới lũy để thoát nước xuống
phía Nam, Đông Nam, Tây Nam gọi chung là xuống vùng Thanh Đàm (Thanh
Trì). Ở vùng “Đàm - Trì” đã và hiện còn nhiều hồ đầm (hồ Giảng Võ, hồ
Ngọc Khánh, đầm Hoàng Cầu, hồ Ba Bể (Đống Đa)... và xa hơn là hồ Linh
Đàm, hồ Vạn Xoan, đầm Thịnh Liệt... ). Sông Nhị, sông Tô, sông Kim Ngưu
vẫn tiếp tục từ Thăng Long - Hà Nội chảy xuống phía Nam, lại thêm sông Nhuệ ở phía Tây, nối nhằng nhịt với nhau và với sông Nhị ở phía Đông, tạo thành mạng sông
nằm giữa Đông (Nhị Hà) và Tây (Nhuệ Giang, Hát Giang - sông Đáy) mà nổi
bật và gắn bó hữu cơ với Thăng Long - Hà Nội cổ kim là hai sông Sét (Thịnh Liệt) và sông Lừ.
3. Xã hội Việt Nam xưa được xếp vào loại hình “xã hội thủy lợi và trị thủy” (hydraulic Society).
Hà Nội là một loại hình đô thị thủy lợi và trị thủy (hydraulic City).
Các
chuyên gia lớn, như GS. Yves Lacoste (Pháp), xem Xã hội Việt Nam đã
thực hiện ở tam giác châu sông Hồng những công trình trị/lợi thủy mạnh
mẽ và gắn kết nhau. Sức mạnh và tính phức tạp của mạng đê
sông - biển ở Hà Nội và châu thổ sông Hồng bị quy định trước hết bởi sự
kiện là con sông này và các chi lưu của nó (mạng song song, mạng cành
cây) bắt nguồn từ vùng núi rất gần ở và hàng năm nhận một lượng gió mùa
khổng lồ.
Lũ rất mạnh và tới bất thần,
không chỉ thế, các dòng sông chở nặng phù sa bào xói ở miền núi ở quá
cao Hà Nội và đồng bằng. Và do vậy vùng Hà Nội và miền châu thổ chỉ có
cách tự vệ, thích nghi để tồn tại là đắp Đê cho vững:
Lũ lụt thì lút cả làng
Đắp đê phòng lụt thiếp chàng cùng lo!.
Sách Hậu Hán thư
cho biết: Huyện Phong Khê (vùng Cổ Loa, Đông Anh) có Đê Phòng Lụt từ
đầu Công nguyên. Thành lũy Cổ Loa cũng là đê. La Thành, Đại La thành
Thăng Long - Đông Kinh cũng cùng truyền thống đó của người Việt phương
Nam...
Một
khi từ Bắc Việt Nam đất cổ và đất Tổ, do áp lực dân số và do chiến
tranh, từ trong xã hội Việt nổi lên một trào lưu năng động Nam tiến
suốt ngàn năm lịch sử (từ X đến XIX). Theo quá trình Nam tiến đó, là sự
tạo dựng các đô thị mới, như Huế, Đà Nẵng-Hội An, Sài Gòn... Chúng vẫn
mang một mẫu số chung với Hà Nội cổ truyền là thuộc loại hình ĐÔ THỊ SÔNG. Nhưng chúng cũng mang một nét bản sắc mới: Đó là những cảng thị ven sông biển. Trên Tuổi trẻ chủ nhật (Số 28 - 29,17/7/94), tôi đã nêu lên tư duy về một nền văn hóa cảng thị là cái “mặt tiền” của văn hóa miền Trung (mặt hậu là văn hóa xóm làng). Hà Nội cần có những tiền cảng thị, ở thế kỷ XVII - XVIII là cảng thị sông Phố Hiến với câu ca để đời:
Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến.
Và đến cuối XIX - đầu XX đó là cảng thị Hải Phòng mà giờ đây cái nhìn chiến lược kinh tế mới đã nói đến khu tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Hà
Nội đã nhiều phen bị mất (hay đe dọa bị mất) vai trò Thủ đô (như thời
gian cuối thế kỷ XVIII - gần hết thế kỷ XIX). Người Hà Nội khi ấy đã
nhận thức lại sâu hơn về vị thế địa - văn hóa của mình và vẫn nói:
Long thành thật xứng CỐ ĐÔ
Kim Âu chẳng mẻ cơ đồ dài lâu.
Huế,
Sài Gòn đã từng có lúc đóng vai trò THỦ ĐÔ, của cả nước hay của một
miền. Và ở nửa sau thế kỷ XX, chúng đã trở thành trung tâm của từng vùng
miền của nước Việt Nam. Nhưng không nên nói rằng Huế là kinh đô của
Việt Nam cho đến 1945. Ngay ở nửa cuối thế kỷ XIX một tác giả Pháp đã
viết: “Hà Nội vẫn là trái tim của cả nước” cho dù Huế đã là kinh đô Việt
Nam từ 1802. Và dưới thời thuộc Pháp, Hà Nội (chứ không phải Huế, Sài
Gòn) là thủ đô của cả Đông Pháp hay Đông Dương thuộc Pháp - Indochine
francaise, bao gồm Bắc kỳ, Trung kỳ (An Nam), Nam kỳ, Lào, Miên.
Tới 1945, với cách mạng tháng Tám, Hà Nội lại trở thành THỦ ĐÔ của cả nước Việt Nam.
Lịch
sử có khi Tụ khi Tán. Huế và Sài Gòn nảy sinh và phát triển ở thời kỳ
LI TÁN đó là cũng vì Việt Nam địa thế hẹp chiều ngang Tây - Đông, rộng
chiều dài Bắc - Nam. Cái nhìn địa - lịch sử (Geo Historie) cho ta thấy:
Sự kiện lịch sử lớn (Nam tiến) phối hợp với không gian địa lý của một cư
dân nông nghiệp lúa nước vùng châu thổ đã tạo dựng nên hình dạng kỳ lạ
độc đáo của một nước Việt Nam hiện tại. Hà Nội chia sẻ quyền uy kinh tế
với các trung tâm miền Trung và miền Nam. Huế, Sài Gòn cũng mang chở
(bên sắc thái chung của Việt Nam như Hà Nội) những sắc thái văn hóa
riêng, ngưng kết của một vùng - miền: miền Trung, miền Nam. Vùng - miền
văn hóa là một thực thể của tổng thể văn hóa Việt Nam. Bản sắc văn hóa
Hà Nội là bản sắc chung của văn hóa Việt Nam song trước hết là sự kết
tinh của văn hóa châu thổ sông Hồng. Đấy không phải là một tư duy kỳ
thị, chia rẽ Bắc Trung Nam. Tư duy địa văn hóa ấy, ta thấy cần thiết
phải có một chiến lược văn hóa: Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới
đậm đà bản sắc chung của dân tộc - dân gian và tôn trọng những sắc thái
văn hóa riêng của từng vùng - miền, từng cộng đồng tộc người.
(Bài in trong Trần Quốc Vượng: Hà Nội như tôi hiểu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr.43-66)