|
HS trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP HCM – Ảnh: Đ.N.T
|
Đã là “phổ thông” sao lại “chuyên”?
Một nhà giáo đặt vấn đề: sự tồn tại của loại hình
trường chuyên có hợp lý hay không xét về mục tiêu của giáo dục phổ thông
lẫn tính sư phạm? Bởi mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp HS có
được một nền tảng cơ bản về kiến thức khoa học, kỹ năng sống để có thể
hội nhập xã hội và học lên ở các bậc học cao hơn. Như vậy thì sự tồn tại
của trường chuyên là không cần thiết.
Trả lời Thanh niên, GS Nguyễn Minh Thuyết –
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, Thiếu niên, Nhi
đồng của Quốc hội, cho rằng: “Hệ thống trường chuyên từ trước tới nay
phát triển lệch lạc, chủ yếu chỉ tập trung ở các môn chuyên và học rất
khác với hệ thống trường THPT bình thường. Đào tạo con người phổ thông
như thế là không đúng định hướng, con người ở phổ thông phải được phát
triển toàn diện”. Ông Thuyết chỉ ra thực tế: “Các em HS ở một số trường
chuyên đi thi quốc tế đoạt giải, đỗ ĐH đạt điểm cao nhưng thực tế cho
thấy số đông các em sau này không trở thành các nhà Toán học hay Vật lý
học…, hoặc đóng góp gì cho chuyên ngành mà mình được học”.
Những hạn chế
PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương
Thế Vinh, Hà Nội – nói: “Cá nhân tôi hồ nghi về chuyện có thể dùng một
số tiền lớn để thay đổi về chất lượng đào tạo, cụ thể là con người. Lực
lượng giáo viên dạy chuyên rất thiếu, không được đào tạo gì đặc biệt để
dạy chuyên”.
Sau gần 45 năm ra đời và phát triển hệ thống
trường chuyên, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ ra những hạn chế của loại hình
trường này như: chương trình giảng dạy, kế hoạch dạy học và giáo dục
nhìn chung chưa được thiết kế phù hợp, chưa tạo điều kiện phát huy khả
năng đặc biệt của HS có năng khiếu; tài liệu phục vụ dạy học các môn
chuyên còn rất thiếu, việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, rèn
luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội cho HS THPT chuyên còn rất
hạn chế. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý còn một số hạn chế cả về số
lượng và trình độ.
Điều đáng lo ngại nhất là khi học sinh “chuyên”
tốt nghiệp THPT thì không có một cơ chế “chuyên” nào dành cho họ, đó là
một sự lãng phí. Thực tế cho thấy các chương trình đào tạo tài năng sau
phổ thông không phải dành riêng cho các học sinh trường chuyên.
Hơn 2.300 tỉ đồng phát triển trường chuyên, nên chăng?
Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 do Bộ GD-ĐT xây dựng nêu rõ: mỗi tỉnh, thành trực thuộc Trung ương sẽ có ít nhất một trường chuyên có tổng số HS chuyên chiếm 2% tổng số HS toàn tỉnh. Hướng phát triển sẽ dần nâng cấp thành trường chuyên đạt chuẩn quốc gia, có chất lượng đào tạo cao về chuyên môn và số lượng. Các trường THPT chuyên phải được xây dựng trở thành trường hình mẫu của các trường THPT, đi đầu về đội ngũ giáo viên, HS, tổ chức hoạt động giáo dục, cơ sở vật chất. Đến năm 2015, dự kiến toàn quốc sẽ có 100% các trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia. Trong đó có 15 trường điểm, đạt chất lượng ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng hơn 2.300 tỉ đồng, chia thành 2 giai đoạn bắt đầu từ năm 2010 đến 2015 và giai đoạn hai từ năm 2015 đến 2020. Mục tiêu đặt ra là các trường phải đảm bảo ưu tiên mở rộng mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/HS; đảm bảo đủ phòng học 2 buổi/ngày; xây dựng hội trường, thư viện, nhà tập đa năng. Hệ thống giáo trình, tài liệu phải được nâng cấp, phương pháp dạy và học phải được đổi mới theo hướng hiện đại, có thể tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đánh giá về đề án này, PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nói: "Tôi cảm thấy "xót ruột" với mức tiền đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng. Mặc dù khẳng định việc đầu tư để phát triển năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài là cần thiết nhưng tôi chưa nhìn thấy rõ điều đó trong nội dung mà Bộ GD-ĐT đề cập trong đề án. Cũng nên xem xét lại đầu tư vào trường chuyên vì nó rất tốn kém, trong lúc đó chỉ cần 1 – 2 tỉ đồng thôi thì những trường THPT ở vùng còn khó khăn đã có điều kiện cải tạo để có chỗ học hành tử tế cho HS”. Còn GS Nguyễn Minh Thuyết thì: “Phải xem xét lại mức đầu tư cho trường chuyên vì tiêu tiền như vậy là lãng phí. Trong điều kiện hiện nay thì không nên phát triển theo hướng đó, nên đầu tư xây dựng những trường THPT chất lượng cao, những trường mẫu mực, trong đó HS có điều kiện học hành tốt hơn. Đặc ân cho một số đối tượng như thế để làm gì trong khi cái mà chúng ta hiện đang cần hơn là tập trung cho phát triển đồng đều ở tất cả các trường, rồi tự các trường sẽ phải có trách nhiệm xây dựng thương hiệu của mình”. |
TN - BT
Nguồn: Baomoi