Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

KỈ NIỆM 950 NĂM THÀNH LẬP THỦ ĐÔ HÀ NỘI- GS Trần Huy Liệu


 
            Kỷ niệm thành lập Thủ đô Hà Nội sẽ nói lên nước ta lập quốc từ lâu, có một nền văn hóa lâu đời mà thủ đô là tiêu biểu.
            Kỷ niệm thành lập Thủ đô Hà Nội còn nói lên truyền thống anh dũng của dân tộc ta mà thủ đô là một biểu hiện rõ rệt nhất.
            Đặc biệt là kỷ niệm thành lập Thủ đô Hà Nội càng nói lên một cách hùng hồn đất nước ta là một, nền thống nhất của Tổ quốc đã được xây dựng từ lâu mà thủ đô là tượng trưng của nó. Thật thế, Thủ đô Hà Nội yêu quý của chúng ta là tiêu biểu của cả nước, đã thấm sâu vào tình cảm của dân tộc ta. Trước kia cũng như ngày nay, nghìn năm văn vật đất Thăng Long luôn luôn ấp ủ trong lòng người dân Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, dù đương ở chỗ nào, đương sống trong hoàn cảnh nào cũng đều hướng về nơi trung tâm của đất nước, tự hào về lịch sử văn hiến của dân tộc với thủ đô Thăng Long ngày trước tức Thủ đô Hà Nội bây giờ. Hiện nay, mặc dầu đất nước còn bị chia cắt, nhưng đồng bào chúng ta từ Nam chí Bắc ai mà không nhận thấy Tổ quốc ta là một, lịch sử ta là một, văn hóa ta là một, thủ đô ta là một; ở đó có Hồ Chủ tịch, có Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, có Quốc hội và có Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
            Như vậy, kỷ niệm thành lập Thủ đô Hà Nội chẳng những có một ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, mà còn có một ý nghĩa to lớn về chính trị.
*
*         *
ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP THỦ ĐÔ CỦA MỘT NƯỚC
VÀ VIỆC ĐỊNH ĐÔ Ở THĂNG LONG CỦA NƯỚC TA
            Một vấn đề đề ra là: thế nào là thủ đô của một nước và thủ đô của một nước khác với thủ phủ của một địa phương thế nào để đi đến việc định đô ở Thăng Long, thủ đô của nước ta? Trước hết, chúng ta phải nhận điều kiện thành lập một thủ đô quan hệ với sự hình thành một nhà nước, một quốc gia. Thủ đô của một nước chỉ có thể dựng nên khi mà tình trạng cát cứ đã không còn, nhà nước trung ương tập quyền đã thành lập và thủ đô trở lên là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, đặc biệt là chính trị của một nước. Do đó, một vấn đề nữa đặt ra: với điều kiện kể trên, Thăng Long trước kia tức Hà Nội ngày nay có phải là thủ đô đầu tiên của nước ta không và nó đã được thành lập trong điều kiện lịch sử nào?. Chúng tôi trả lời ngay rằng thủ đô Thăng Long chính là thủ đô đầu tiên của nước ta và nó đã được dựng nên vào lúc nhà nước trung ương tập quyền bắt đầu thành lập: đầu triều Lý. Về thuyết này, có người cho rằng nhà nước trung ương tập quyền của ta có thể bắt đầu từ Ngô Quyền (939 - 944), mà nếu kể từ hồi Ngô Quyền thì thủ đô đầu tiên của nước ta không phải Thăng Long, mà là Cổ Loa. Nhưng theo chỗ nghiên cứu của chúng tôi, thì Ngô Quyền sau khi phá quân xâm lược Nam Hán, sự thực là vẫn chưa thống nhất được lãnh thổ. Cho tới khi Đinh Tiên Hoàng dẹp xong mười hai sứ quân, nạn cát cứ được thủ tiêu, đóng đô tại Hoa Lư, nhưng chính quyền vẫn chưa thật ổn định, Hoa Lư chưa phải là thủ đô của nhà nước trung ương tập quyền. Do đó, việc Lý Thái tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long chẳng phải chỉ vì thấy địa thế Hoa Lư chật hẹp, mà còn chính vì nhà nước trung uơng tập quyền đòi hỏi phải có một thủ đô “…ở giữa bờ cõi…, nơi hội họp then chốt của bốn phương chầu về[2]. Cố nhiên nói đến lịch sử thủ đô Thằng Long ngày trước, tức là Thủ đô Hà Nội ngày nay, chúng ta không cần nhắc đến thành Đại La của Cao Biền, một tên tướng xâm lược của phong kiến nhà Đường, xuất hiện từ năm 875 trước đó.
            Như vậy, nói việc thành lập thủ đô Thăng Long, chúng ta còn phải gắn nó với việc thành lập nhà nước trung uơng tập quyền và Thăng Long là một thủ đô chính thức đầu tiên của nước ta.
            Tài liệu lịch sử chép rằng: tháng 7 năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên (1010), Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ khởi sự dời đô từ Hoa Lư về La thành. Vì… “La thành ở giữa bờ cõi, có thế rồng quần hổ chầu, chính được vị trí bốn phương. Vùng đất rộng rãi và bằng phẳng, mặt đất cao ráo và sáng sủa. Dân cư không sợ ngập lụt, muôn vật lại rất thịnh giầu. Nhìn khắp đất Việt chỉ có nơi đó là đất đẹp, thực là nơi hội họp then chốt của bốn phương chầu lại”[3].
            Chuyện “rồng vàng hiện lên” đối với chúng ta, không có nghĩa mê tín, mà chỉ có nghĩa là một nơi phồn thịnh với khí thế đương lên của nó. Cái tên Thăng Long tốt đẹp này đã truyền đi hơn tám thế kỷ, tượng trưng cho dân tộc ta không ngừng phát triển từ hàng nghìn năm.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA THỦ ĐÔ THĂNG LONG
TỨC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
1. Thủ đô Thăng Long là một trong những thủ đô vào hạng cổ nhất thế giới
Từ 1010 đến 1960, Thủ đô của chúng ta đã có 950 năm lịch sử, vào hạng thủ đô lâu đời nhất trên thế giới. Nếu so với thủ đô của một số nước Đông Nam Á thì thủ đô của ta đã xuất hiện rất sớm. Từ năm 1010 tới năm 1945, mặc dầu có những lúc gián đoạn như Hồ Quý Ly tạm dời đô về Thanh hóa, Nguyễn Huệ không đóng đô ở Thăng Long và triều Nguyễn đã hạ thấp thủ đô Thăng Long thành một tỉnh thường lấy tên là Hà Nội, Thăng Long đã là cố đô của nhiều triều đại và ngày nay, Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lịch sử lâu dài của Thủ đô chứng minh sự phát triển rất sớm và sự trường tồn mạnh mẽ của dân tộc ta.
2. Thủ đô Thăng Long là nơi trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước ta suốt trong thời kỳ độc lập dưới chế độ phong kiến
Chưa nói từ năm 1945 tới giờ, Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Suốt trong thời kỳ độc lập của phong kiến, Thăng Long tức Hà Nội vẫn là nơi trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước. Các cơ quan đầu não của bộ máy nhà nước đều tập trung ở đấy. Những biến cố chính trị đều diễn ra ở Thăng Long là vũ đài chính của nó. Nếu lịch sử Thủ đô có những thời gian gián đoạn vì những động cơ nhất thời như đã nói ở trên thì Thăng Long vẫn không lúc nào mất địa vị trung tâm chính trị của đất nước. Như chúng ta đã biết, việc Hồ Quý Ly đắp thành Tây Giai ở Thanh Hóa là nằm trong kế hoạch quân sự đối phó với giặc Minh. Nhưng Thăng Long, tức Đông Đô, vẫn giữ vai trò thủ đô của đất nước. Nguyễn Huệ xưng đế nhưng không ra ở Thăng Long vì còn phải ở Phú Xuân để đối phó với tập đoàn Nguyễn Phúc Ánh ở miền Nam. Sau khi Nguyễn Huệ chết, con là Nguyễn Quang Toản tức vua Cảnh Thịnh đã dời đô ra Thăng Long. Còn triều Nguyễn, Gia Long sau khi đã bình định được toàn quốc rồi, vẫn không nghe lời Đặng Trần Thường và Nguyễn Văn Thành để đóng đô ở Thăng Long vì chúng vẫn không thu phục được một số đông nhân sĩ Bắc Hà và không tiêu diệt được những cuộc khởi nghĩa nông dân vẫn kế tiếp nổi dậy. Rồi đó, trong âm mưu chia cắt đất nước thành Bắc thành và Gia Định thành, triều Nguyễn đã tìm đủ cách hạ thấp thủ đô tiêu biểu của đất nước. Chúng đã e ngại cả cái tên Thăng Long với ý nghĩa rồng bay bổng để đổi chữ “long” (龍) con rồng ra “long” () là thịnh. Chúng đã phá hết những dấu vết cũ của Tây Sơn (1804) bằng việc phá thành cũ, dựng thành mới theo kiểu Vô - băng (Vauban) của Pháp. Cho đến năm 1831, Minh Mạng lại đổi Bắc thành (tức Thăng Long) làm một tỉnh thường, lấy tên là Hà Nội (bên trong sông Hồng) và bắt hàng ngàn dân phu vận chuyển những vật liệu kiến trúc bằng gỗ đáo có giá trị mỹ thuật đưa vào Huế. Mặc dầu Thăng Long đã bị đổi tên, bị phá hủy triệt để, Hà Nội, tức Thăng Long, vẫn ngang nhiên là tiêu biểu của đất nước, đến nỗi bọn phong kiến nhà Thanh khi phong sắc cho Minh Mạng và Thiệu Trị vẫn chỉ đến Hà Nội rồi buộc bọn này ra Hà Nội nhận sắc. Tới khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, chúng đã lấy Hà Nội làm thủ phủ cho 5 xứ ở Đông Dương.
Về văn hóa và kinh tế, Thăng Long hay Hà Nội, dưới thời phong kiến, là nơi tập trung những cơ quan văn hóa như Quốc Tử Giám, nhà Thái học, quán Chiêu Văn, cục Tú Lâm… và những kỳ thi cao cấp như thi Hội, thi Đình đều mở ở đây. Thăng Long còn là nơi tập trung những sĩ phu trí thức, đã xuất hiện nhiều sách vở, thơ văn nổi tiếng ở các thời đại. Ấy là chưa nói đến những danh lam thắng cảnh của Thủ đô đã là đề tài ngâm vịnh của nhiều danh sĩ qua các thời đại và nhiều câu ca dao tuyệt đẹp trong dân gian.
Năm 1877, khi thực dân Pháp đã đánh chiếm Nam Bộ, tên quan cai trị người Pháp là De La Liraye còn viết về Hà Nội như sau: “Mặc dù Kẻ Chợ (tức Hà Nội) không phải là nơi vua ở nữa, nhưng Kẻ Chợ vẫn là một thành phố đứng đầu trong cả nước về mặt nghệ thuật, công nghiệp, thương nghiệp, về sự giầu có, về dân cư, về sự lịch thiệp và văn hóa. Phải nói rằng trong cả nước không ở đâu công nghiệp bằng Kẻ Chợ và cả miền Bắc lẫn miền Nam không đâu hơn Kẻ Chợ. Chính đây là nơi tập hợp những người trí thức, những người thợ giỏi và những nhà buôn lớn. Những đồ vật cần dùng hàng ngày và những mỹ nghệ phẩm xa hoa cũng đều ở đấy mà ra. Nói tóm lại, Kẻ Chợ chính là trái tim của dân tộc Việt Nam”. Những nhận xét kể trên của một tên thực dân, về phương diện khách quan cũng đã nói lên địa vị ưu việt về kinh tế và văn hóa của Hà Nội.
3. Thủ đô Thăng Long là một thành phố đông, vui, to, đẹp trong thời phong kiến
Chúng ta chưa nói Thủ đô Hà Nội ngày nay với tương lai tươi đẹp của nó, hãy nói thủ đô Thăng Long thời phong kiến. Theo tài liệu lịch sử, thì đầu thế kỷ thứ XI, Thăng Long đã có một quy mô kiến trúc to lớn: “Hoàng thành tráng lệ ở phía Bắc kinh thành; quan lại và quân đội ở phía Nam kinh thành; Đông và Tây là nơi phố phường dân ở và buôn bán”. Cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, thành phố Thăng Long đã có “những phường phố sầm uất, buôn bán cả đêm tối”. Một giai thoại đương thời nói chuyện “vua Trần Anh Tôn đêm đêm thường đi kiệu cùng vài chục người dạo chơi kinh thành đến gà gáy mới về cung”. Chúng ta cũng có thể đoán biết kinh thành có đông vui thì mỗi đêm, ông vua mới đi chơi bê tha như thế. Cũng theo tài liệu lịch sử, thì thế kỷ XI, XII, khách thương quốc tế, chủ yếu là Trung Quốc, Giava, Thái Lan đã tập trung nhiều ở Thăng Long. Thế kỷ XV, XVI, tàu buôn các nước ra vào Thăng Long như mắc cửi, không mấy ngày không có. Trong số tàu thuyền qua lại, có các tàu thuyền của Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Phi Luật Tân, Thái Lan, Campuchia... Từ thế kỷ XIV, XV, đã từng có những phố Hoa Kiều buôn bán. Đến thế kỷ XVII, XVIII đã có những cửa hàng người Hà Lan, người Anh. Họ được phép thuê đất làm nhà buôn bán ở phía bờ sông. Để chứng rõ Thăng Long đông vui, to, đẹp, chúng tôi chỉ cần trích dẫn những câu nói của một số người Âu châu đã đến nước ta từ những thế kỷ XVI, XVII, XIX nói về Thăng Long.
Cố đạo Ma ri ni, người Ý, đã ở Thăng Long vào đầu thế kỷ thứ XVII, viết: “Kẻ Chợ chiếm một vùng đồng bằng rất đẹp và rất phì nhiêu, rộng hàng bao nhiêu dặm. Thành phố có 72 phường, mỗi phường rộng bằng một thành phố trung bình nước Ý. Nếu ta đi từ kinh thành tức là thị trấn mà vào triều tức là nơi cung điện nhà vua thì không chỉ thấy một cung điện, mà là cả một thị trấn rất đẹp và rộng. Số lính canh gác và các quan văn võ rất đông, voi ngựa và khí giới đạn dược rất nhiều, lạ quá sức tưởng tượng của mọi người. Tuy cung vua chỉ xây dựng bằng gỗ, nhưng ở đó có rất nhiều đồ vàng, đồ thêu, chiếu, thảm, rất tốt và đủ các màu sắc để tô điểm, thật không đâu sánh kịp”.
Nhà buôn Anh Samuel Baron ở Thăng Long vào nửa cuối thế kỷ 17 đã viết: “Về diện tích, Kẻ Chợ có thể so sánh với nhiều thành phố khác ở châu Á, về dân số thì đông hơn nhiều”.
Cố đạo Ri sa (Richard) cũng nói về Thăng Long ở thế kỷ XVIII: “Phố sá Kẻ Chợ rộng và đẹp, lát gạch từng quãng, hoặc lát từng hàng dài, để chừa những lối đi không lát cho ngựa, voi, xe của nhà vua và các súc vật khác”, “Số lượng thuyền bè rất lớn đến nỗi khó mà lội được xuống bờ sông. Những sông bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta (châu Âu) kể cả Vơ ni dơ (Vennise) với tất cả những thuyền lớn nhỏ của nó cũng không thể làm người ta hình dung được đúng sự hoạt động buôn bán và dân cư đông đúc trên sông Kẻ Chợ”.
Cho đến đầu thế kỷ XIX, Se-nhô (Chaigneau), một võ quan Pháp giúp việc cho Gia Long đã nói về Thăng Long năm 1820: “Trước khi bị chiến tranh tàn phá, Thăng Long như người ta nói, là một trong những công trình xây dựng đẹp nhất châu Á”.
Có lẽ chúng tôi không cần chứng dẫn nhiều hơn nữa vì những lời nhận xét của người ngoại quốc kể trên đã hình dung được cảnh to, đẹp, đông vui của Thăng Long trước kia. Và, nếu các bạn có thì giờ hãy đọc lại bài phú: “Tụng Tây hồ” của Nguyễn Huy Lượng để tưởng tượng lại Thăng Long văn vật cuối thế kỷ XVIII.
Đây là cảnh sản xuất đông vui và buôn bán sầm uất của Thăng Long:
- Chày Yên Thái nện trong sương chềnh choàng?
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co
- Rập rình cuối bãi đuôi nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm;
Thanh lánh đầu hồ Cổ Ngựa, tháp cao tăng còn ghi cửa tò vò.
- Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm;
Sen vàng nọ nảy tiền xanh lác đác, lừa đóm ghen Năm xã gây lò.
Này đây là cảnh đẹp đầy thi vị của Thăng Long:
- Gió đìu hiu dòng Nhị thủy đưa lên, lồng hơi mát tới chùm hoa khóm trúc;
Trăng vằng vặc mái Tam Sơn rọi xuống, đớp bóng trăng từ lũ cá đàn cò.
- Gò Châu Long khi ngọn gió đưa quanh, hồi thú cổ thẳng kề bên mái Trúc (- Bạch);
Non Phục Tượng (Voi Phục) lúc vắng trăng hé mở, tiếng hàn châm nghe cách dải sông Tô (-Lịch).
                4. Thủ đô Thăng Long đã nổi bật lên trong những cuộc chống ngoại xâm và vận động cách mạng
Thủ đô Thăng Long chẳng những là một thành phố to, đẹp, đông vui như trên đã nói, mà còn nổi bật lên trong những cuộc chống ngoại xâm và vận động cách mạng.
Là thủ đô lâu năm của một nước, là trung tâm điểm chính trị, Thăng Long đã sống rất nhiều với những biến cố lịch sử. Trong những năm về phần cuối thế kỷ thứ XIII, quân Mông Cổ ồ ạt kéo vào ba lần đánh chiếm Thăng Long, nhưng rồi ba lần vua tôi nhà Trần, dựa vào sức ủng hộ to lớn của nhân dân lại thắng trận trở về Thăng Long với câu thơ:
                        Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã;
                        Sơn hà tự cổ điện kim âu.
                        (Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
                        Non sông muôn thủa vững âu vàng).
Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đã làm rung động kinh thành Thăng Long; có những lần quân khởi nghĩa đã làm chủ kinh thành trong một thời gian ngắn như cuộc khởi nghĩa của Phạm Sư Ôn ở cuối thể kỷ XIV, của Trần Cao đầu thế kỷ XVI. Thế kỷ XV, sau mười năm chiến đấu anh dũng và gian khổ, Lê Lợi thu phục Đông Quan (tức Thủ đô Thăng Long) ghi trận thắng lợi cuối cùng với bài “Bình Ngô đại cáo”. Trong hai thế kỷ XVII và XVIII, lính Tam phủ, những người nông dân mặc áo lính, đã bốn lần gây chính biến ở Thăng Long, làm đảo lộn cả trật tự của vua Lê chúa Trịnh. Khoái chá nhất là trận Đống Đa ngày mồng 5 tháng Giêng năm Mậu Thân (1789) của người hùng áo vải là Nguyễn Huệ, đã diệt 20 vạn quân ngoại xâm, chấm dứt cuộc xâm lược của triều đình Mãn Thanh và cũng chấm dứt luôn cả cuộc xâm lược của phong kiến Trung Quốc. Thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam, Hà Nội hai lần bị thất thủ (1873 và 1882), nhưng quân dân Hà Nội đã anh dũng chống giặc và qua những bài Chính khí caHà Thành thất thủ ca, chúng ta thấy rõ sự tham gia chiến đấu hay ủng hộ chiến đấu của nhân dân Hà Nội bấy giờ. Đầu thế kỷ thứ XX, Đông Kinh nghĩa thục (1907) của các sĩ phu yêu nước đã được lập ra ở Hà Nội và tỏa đi các nơi, gây thành một phong trào cách mạng về văn hóa. Cuộc bỏ thuốc độc cho sĩ quan Pháp và chuẩn bị khởi nghĩa của binh lính người Việt đã nổ ra ở Hà Nội năm 1908. Việc ném bom giết hai sĩ quan Pháp tại khách sạn Hà Nội do các đảng viên Việt Nam Quang phục hội chủ trương đã nổ ra năm 1913. Cho đến những tiếng bom của nhóm học sinh trường Kỹ nghệ Hà Nội hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã nổ ra đêm 10 - 2 - 1930.
Bắt đầu từ năm 1930, cách mạng Việt Nam do giai cấp công nhân lãnh đạo bước sang một giai đoạn mới thì Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đã được thành lập giữa những người lãnh đạo Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tại Hà Nội. Chính tại Hà Nội đã xuất hiện Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong những năm 1936 - 39, phong trào Mặt trận Dân chủ dâng lên, Hà Nội là nơi trung tâm với nhóm Cộng sản công khai là nhóm Tin tức, đã xuất hiện những tờ báo của Đảng, của Mặt trận và những cuộc biểu tình khổng lồ, đình công, bãi thị của đông đảo công nhân, nông dân, tiểu thương, học sinh... đã liên tiếp nổ ra ở Hà Nội.
Cho đến ngày 19 - 8 -1945, ngày đoạt chính quyền ở Hà Nội mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc, đưa đến Cách mạng tháng Tám thành công.
Ngày 2-9-1945, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại quảng trường Ba Đình đã khai sinh cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà thủ đô là Hà Nội. Thế là sau một thời gian 143 năm, kể từ khi Gia Long đóng đô ở Thuận Hóa, thủ đô của đất nước ta lại trở về với chốn nghìn năm văn vật.
Từ đó, dân tộc ta chuyển mình trong những ngày vinh quang nhất, Thủ đô Hà Nội với Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ là nơi tỏa ra những hào quang chiếu dọi khắp nước. Rồi, ngày 19-12-1946, tiếng súng giết giặc nổ ra ở Thủ đô báo hiệu một cuộc toàn quốc kháng chiến.
Ngày 10-10-1954, quân đội vinh quang của ta trở về Thủ đô cũng báo hiệu cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi và một lần nữa, nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân toàn quốc sang một giai đoạn mới của lịch sử.
*
*          *
Trở lên trên, chúng tôi đã trình bày bày về Thủ đô Thăng Long tức Thủ đô Hà Nội qua các triều đại với những đặc điểm của nó. Thủ đô của chúng ta với 950 năm từ ngày thành lập đã qua 848 năm dưới chế độ phong kiến, 87 năm dưới chế độ thực dân nửa phong kiến và từ năm 1945 tới nay, Thủ đô hoàn toàn giải phóng dưới chính quyền Dân chủ Nhân dân và đương xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhắc đến Thủ đô Hà Nội và kỷ niệm 950 năm thành lập Thủ đô Hà Nội, chúng ta không đượm màu hoài cổ, nhớ tiếc những cái dĩ vãng đã lỗi thời để ngâm lại những câu:
Nghìn xưa cung cũ, đường vùi dấu
Một khúc thành nay, điện mất tăm
                                                                                   (Nguyễn Du).
Hay:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nếp cũ lâu đài bóng tịch dương
                                                    (Bà Huyện Thanh Quan).
Chúng ta rất phấn khởi tự hào cho dân tộc có một thủ đô lâu năm, nhưng chúng ta càng phấn khởi thấy Thủ đô mới dẫn đầu đất nước tiến lên giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước. Chúng ta không thương cảm cái đã mất, cái lạc hậu mà hăng hái xây dựng những cái mới để làm cho Thủ đô non một nghìn năm của chúng ta vẫn trẻ và ngày càng tươi trẻ, xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất và Xã hội chủ nghĩa.
 
(Diễn văn của đồng chí Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện Sử học, đọc tại buổi lễ kỷ niệm 950 năm thành lập Thủ đô và 6 năm giải phóng Thủ đô do Uỷ ban Hành chính và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức ngày 10 tháng 10 năm 1960. Bài in trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 20 (11/1960), tr.74-78)


[2] Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ.
[3] Chiều dời đô của Lý Thái Tổ.