Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Những cuốn sách thay đổi đời tôi - Hoàng Hưng

(Tham luận của nhà thơ Hoàng Hưng tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở VN” do Bộ VHTTDL phối hợp với Ban Điều hành Dự án SachHay.com tổ chức. Do BTC đề nghị cắt bỏ, sửa chữa vài ý trong bản tham luận, tác giả quyết định rút khỏi hội thảo và nhờ mạng Bauxite VN công bố nguyên văn bản tham luận của ông)
Người ta đã viết về những cuốn sách thay đổi thế giới. Nhưng thế giới trước hết là chính mình. Vậy tôi xin phép tâm tình với các bạn về những cuốn sách thay đồi đời tôi.
Vâng, đến thời điểm này, khi đã bước gần tới cái tuổi “xưa nay hiếm” (theo chuẩn thời các cụ, chứ còn theo chuẩn đương đại thì người ta nói là cái tuổi mới hoàn tất “the first seventy years” (đoạn đường 70 năm đầu tiên), sau thời gian khá dài vật lộn với cuộc sống, với chính mình, trong đó sách đóng nhiều vai trò rất trọng đại, cũng đủ để tôi rút ra vài điều về người đồng hành, người tri kỷ, người dẫn đường, người thầy, người khởi hứng, người phán xét, người an ủi, người xả hơi… vĩ đại bậc nhất này.


Vâng, tôi là cậu học trò lớp 9 năm nào đã đọc hết nhũng cuốn biên khảo thời ấy có về truyện Kiều chỉ để làm một bài tập làm văn 10 trang giấy thếp, là kẻ đã tự học tiếng Pháp, tiếng Anh bẳng cách tra từ điển để dịch thơ Victor Hugo từ năm 10 tuổi và thơ Allen Ginsberg năm 40 tuổi, là anh giáo viên thời máy bay Mỹ bắn phá điên cuồng, tối thứ bảy nào cũng đáp tàu hỏa đi suốt đêm từ Hải Phòng để suốt ngày chủ nhật được ngồi trong thư viện quốc gia, rồi lại từ Hà Nội gà gật suốt đêm trên con tàu trở về ngôi trường huyện cho kịp giờ lên lớp đầu tuần, là anh nhà báo trẻ 35 năm trước thấy mình như Alice lạc vào chốn thần tiên trong khu chợ sách cũ phố Đặng Thị Nhu của Sài Gòn “mới giải phóng”, để rồi từ đó tài sản lớn nhất phải thu vén mỗi lần chuyển nhà là những bao sách…
Nếu như có thể tính được bao nhiêu tấn lương thực đã tạo nên cái thân xác chưa đầy 50 kg của tôi, thì khó lòng tính được bao nhiêu tấn sách báo đã cung cấp vật liệu tạo thành cái tâm thức chứa đựng một phần tinh hoa nhân loại trong cái tôi bé nhỏ hôm nay .
Trong hàng ngàn cuốn sách mình đã đọc, có biết bao cuốn từng chấn động tâm can, từng khiến mình rơi nước mắt hay cười ha hả, khiến ngây ngất như rượu tiên, khiến giật mình như một lời cảnh cáo… Nhưng tác động xoay chuyển cả cuộc đời, thì chỉ có vài cuốn sách. Điểm lại, với tôi đó là 3 cuốn sách sau:
1/ Cuốn sách đưa tôi vào đời: Thép đã tôi thế đấy (Nikolai Ostrovki, nhà văn Liên Xô – người dịch: Thép Mới – Huy Vân)
Đó là cuối những năm 1950, nhà trường xã hội chủ nghĩa đang định hình ở miền Bắc, thế hệ học sinh thành thị đại bộ phận là con em các tầng lớp khá giả đang lột xác để trở thành những người biết lao động chân tay, biết ba cùng với nông dân, làm quen với lý tưởng Cộng sản… Cuốn Thép đã tôi thế đấy xuất hiện đúng lúc, nhanh chóng trở thành niềm say mê của thế hệ chúng tôi. Cho đến bây giờ, tuy lý tưởng xã hội của Paven đã đổ vỡ trước thực tế, nhưng hình ảnh chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, đầy niềm tin, ngoan cường vượt lên số phận vẫn còn rất đẹp trong tôi. Tuổi 20 sống bằng con tim. Ở tuổi ấy, trong những năm tháng ấy, nếu anh sống không có lý tưởng, nói rõ hơn là lý tưởng Cộng sản, thì anh không có con tim.
Bài thuyết trình về Thép đã tôi của tôi trước hàng ngàn học sinh trường Phổ thông Ba Hà Nội đã chuẩn bị cho quyết định trọng đại của bản thân tôi, quyết định vào đời. Là một học sinh giỏi xuất sắc toàn diện, được Chi bộ Đảng nhà trường đặc cách cho phép chọn bất cứ ngành nào của bất cứ trường đại học nào chứ không phải chịu sự phân công như mọi người, tôi đã tình nguyện lên miền núi Tây Bắc dạy học cho các sĩ quan quân đội nhân dân đang thiếu chữ thay vì vào đại học, rồi đi nhổ lạc, chăn bò ở nông trường Điện Biên. Và chính ở mảnh đất lịch sử còn vương không ít bom mìn của trận đánh huyền thoại, tôi đã bước chân vào con đường văn học không ít vinh quang và cay đắng, với những bài thơ đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ quân đội, báo Văn nghệ năm mới 19 tuổi.
2/ Cuốn sách đưa tôi vào “nghiệp”: D’un réalisme sans rivage (Roger Garaudy, nhà lý luận Pháp)
Khi đó tôi vừa được một vinh dự rất lớn đối với những người làm thơ thời ấy là giải thưởng thơ của báo Văn nghệ, trở thành một trong những nhà thơ nổi bật của “thế hệ chống Mỹ”. Nhưng điều khác với hầu hết các nhà thơ cùng lứa, là tôi “trót” tự học tiếng Pháp bằng cách đọc sách. Và trong Thư viện quôc gia, tôi đã vớ được khá nhiều cuốn được nhập vào qua con đường viện trợ, trao đổi, mà vì lượng độc giả tiếng Pháp quá nhỏ nên đã thoát được con mắt kiểm duyệt! Như Docteur Jivago của Boris Pasternak, các sách báo Pháp và Liên Xô, Đông Âu thời “xét lại”. D’un réalisme sans rivage (Về một chủ nghĩa hiện thực không bến bờ) của nhà lý luận, người có chân trong bộ máy lãnh đạo Đảng Cộng Sản Pháp, Roger Garaudy, là một “mặt trời chân lý” trên con đường văn chương mà tôi đang chập chững.
Phê phán quan niệm hẹp hòi về chủ nghĩa hiện thực và sự độc tôn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong phong trào cộng sản lúc ấy, tác giả mở rộng cái nhìn về phương pháp hiện thực khiến nó bao quát được thực tiễn văn học nghệ thuật của thời đại, từ tranh lập thể của Picasso đến tiểu thuyết phi lý của Kafka.
Có thể nói, cuốn sách đã đặt nền tảng nhận thức về văn nghệ để tôi tiếp nhận dễ dàng những ảnh hưởng của thơ hiện đại châu Âu như Guillaume Apollinaire, Federico Garcia Lorca (nhiều bài thơ của hai tác giả này tôi đã dịch và được chép truyền tay từ thời ấy). Và nó dẫn tôi đến bước ngoặt: bắt đầu âm thầm sáng tác theo định hướng mở, không khuôn vào phục vụ chính trị trước mắt. Tôi bắt đầu quan hệ với các nhà thơ Dương Tường, Văn Cao, những người bị đặt ra ngoài lề của văn nghệ chính thống lúc đó. Và sự phá rào ấy tất sẽ đưa tôi đến chỗ phải trả giá đắt trong đời sống, để rồi trở thành một cái tên thường được nói đến, khen cũng như chê, trong phong trào cách tân thơ Việt.
3/ Cuốn sách đưa tôi vào minh triết: Thiền luận của Suzuki (bản dịch của Trúc Thiên – Tuệ Sĩ)
Đó là một trong hàng ngàn cuốn sách may mắn thoát được ngọn lửa vô minh của đám “Cách mạng 30” – Hồng vệ binh Sài Gòn năm 1975, đến được với những người khát khao đi tìm sự thật như tôi.
Cuốn sách là một cú xốc tuyệt vời, cú nốc ao hạnh phúc cho những cái đầu bị chủ nghĩa duy lý biến thành đá từ lâu mà không biết.
Giữa những nghịch lý không thể giải thích, sự hỗn loạn không thể định hướng, sự phi lý đau lòng của thực tại, chỉ có thể khiến người trung thực phải hoang mang, mất niềm tin… cuốn Thiền luận cho tôi “ngộ” ra những minh triết thật đơn giản của cuộc đời. Từ sự phát hiện “tiếng vỗ của một bàn tay”, đi đến thấy “núi không là núi, sông chẳng là sông”, để rồi cuối cùng lại nhìn ra “núi vẫn là núi, sông vẫn là sông”, để rồi “thõng tay vào chợ”. Từ cuốn Thiền luận, tôi tìm đọc hàng trăm sách Phật, tôi tìm đến bao nhiêu Phật tích, đạo tràng. Đề rồi nhận ra tư tưởng Phật giáo chính là minh triết của đời sống chân thật. Chính sự tiếp cận với minh triết đã giúp tôi bình tâm vượt qua bao nhiêu thử thách, hoạn nạn, áp lực trong mấy chục năm trời, ngày càng thấm thía rằng: chìa khóa mở mọi cánh cửa là cái tâm không dính chấp, không phân biệt; sức mạnh chiến thắng sự hủy diệt là biết có trong cái không, còn trong cái mất.
Tập thơ Hành trình đọat giải thưởng văn học Hà Nội năm 2007 có thể nói là thành tựu đầu tiên của con đường mà Thiền luận đã mở ra cho tôi từ 30 năm trước; có những nhà phê bình nghiên cứu thấy nó nhuốm màu thiền hiện đại, hay một thứ chủ nghĩa hiện đại châu Á.
Từ câu chuyện bản thân, xin có vài đề nghị cụ thể về “văn hóa đọc”:
1/ Ở tầng “người đọc”: Không nên chỉ nêu khẩu hiệu “Đọc và làm theo sách”, khẩu hiệu này có vẻ gắn với một giai đoạn bao cấp tư duy, giáo dục nhồi nhét thụ động, chỉ hợp với lối đào tạo con người công cụ, con người chấp hành, tuân phục. Trong thời điểm đã quá chín mùi cho một cuộc cách mạng giáo dục, nhắm đào tạo một lớp người mới có tư duy độc lập, cởi mở, uyển chuyển, giàu năng lực sáng tạo, nên cổ vũ một cách đọc “mềm”, đọc có suy nghĩ, phê phán, tranh luận, cổ vũ loại người đọc chủ động, tích cực, người đọc tham dự.
2/ Ở tầng cơ sở vật chất: Trong cuộc cách mạng giáo dục sắp tới, mà việc tự học đóng vai trò rất lớn, cần có chế độ cụ thể cho việc đọc sách của học sinh như các nước tiên tiến đang thực hiện. Và như vậy, hệ thống thư viện phải được đầu tư phát triển xứng đáng, trong đó thư viện nhà trường phải trở thành một thiết chế không thể thiếu.
3/ Ở tầng thiết chế thượng tầng: Cần thay đổi tận gốc quy chế san định “sách hay, sách tốt” theo một định hướng chủ quan, duy ý chí của một nhóm người nào đó. Đường lối này đã khiến chúng ta chậm hàng trăm năm trong việc tiếp thụ những thành tựu trí tuệ của nhân loại mà bây giờ ta đang phải gồng mình đuổi theo, lãng phí, thậm chí vùi dập bao nhiêu tài năng của chính dân tộc mình. Cần có cơ chế thẩm định đa trung tâm, đa nguyên trong việc xuất bản và giới thiệu sách.